Là môn đệ của Thánh Gioan Tông Ðồ và là bạn của Thánh Ignatiô ở Antioch, Thánh Pô-li-ca-pô, Giám Mục của Smyrna (bây giờ là Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ), là một vị lãnh đạo đáng kính của Kitô Giáo trong tiền bán thế kỷ thứ hai.
Tuy nhiên các vị lãnh đạo Giáo Hội thuộc thế hệ thứ hai đã gặp những thử thách mà thế hệ trước không đề cập đến. Họ phải làm gì khi thế hệ chứng nhân thứ nhất ấy không còn nữa? Lời dạy dỗ xác thực của Chúa Giêsu phải truyền lại như thế nào? Phải trả lời thế nào với các câu hỏi chưa từng có?
Khi các tông đồ không còn ở trần gian nữa, các lạc thuyết bắt đầu xuất hiện ngụy trang chính giáo, sự bách hại lại mạnh mẽ và bắt đầu xuất hiện các tranh chấp về vấn đề phụng vụ mà Ðức Giêsu không bao giờ nói đến.
Pô-li-ca-pô, một người thánh thiện và là giám mục của Smyrna, chỉ thấy có một câu trả lời – trung thành với đời sống Ðức Giêsu và bắt chước đời sống ấy. Thánh Ignatiô nói với Thánh Pô-li-ca-pô “
linh đạo của anh đặt nền móng nơi Thiên Chúa như trên một tảng đá không thể nào lay chuyển nổi.”
Khi đối diện với lạc giáo, Thánh Pô-li-ca-pô có “diện mạo bộc trực” đến nỗi Thánh Ignatiô phải thán phục, vì người đã bắt chước cách Ðức Giêsu trả lời người Pharisêu. Marcion, người lãnh đạo lạc thuyết nhị nguyên (*), khi đối chất với Ðức Pô-li-ca-pô đã yêu cầu người thừa nhận họ, “Pô-li-ca-pô
, hãy thừa nhận chúng tôi.” Ðức Pô-li-ca-pô trả lời, “
Tôi thừa nhận người, phải, tôi thừa nhận người là đứa con của Satan.”
Trái lại khi đối diện với các bất đồng của Kitô Hữu, người lại rất khoan dung và tôn trọng. Một trong những tương tranh thời ấy là việc cử hành lễ Phục Sinh. Ðông Phương, là xuất xứ của Thánh Pô-li-ca-pô, cử hành mầu nhiệm Vượt Qua như sự Thương Khó của Ðức Kitô tiếp theo sau bằng một Thánh Lễ vào ngày kế tiếp. Tây Phương cử hành lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật sau tuần lễ Vượt Qua. Khi Thánh Pô-li-ca-pô đến Rôma để thảo luận về vấn đề này với Ðức Giáo Hoàng Anicetus, họ bất đồng ý kiến. Nhưng các đấng cũng không thấy sự khác biệt trong đức tin Kitô Giáo. Và Ðức Anicetus đã yêu cầu Thánh Pô-li-ca-pô cử hành Thánh Lễ ngay trong nhà nguyện của đức giáo hoàng.
Thánh Pô-li-ca-pô đối diện với sự bách hại cũng như Ðức Kitô đã làm. Chính giáo đoàn của người phải thán phục người vì đã theo sát “gương phúc âm” – không tìm cách để tử đạo như một số người đã làm, nhưng trốn tránh sự bách hại cho đến khi thánh ý Chúa được thể hiện như Ðức Giêsu Kitô đã làm. Họ coi đó là “
một dấu chỉ tình yêu nói lên sự khao khát không muốn chỉ cứu chuộc có một mình, nhưng còn cứu chuộc tất cả anh chị em Kitô Hữu.”
Trong thời kỳ đẫm máu tử đạo Kitô Hữu trong đấu trường, dân chúng trở nên điên cuồng đòi hỏi phải tìm bắt Thánh Pô-li-ca-pô, vì người nổi tiếng thánh thiện. Thánh Pô-li-ca-pô thật điềm tĩnh nhưng giáo dân thúc giục người đi trốn trong một nông trại gần thành phố. Quân lính tìm ra người sau khi tra khảo hai đứa bé. Người thết đãi họ ăn và xin họ để người cầu nguyện trước khi điệu về đấu trường.
Thấy đức tin vững vàng không lay chuyển của Thánh Pô-li-ca-pô, quan thống đốc ra lệnh thiêu sống, và khi quân lính châm lửa, nhiều người chứng kể lại họ được nhìn thấy một phép lạ. Lửa cháy thành một vòng cung chung quanh thánh nhân, bao bọc người như các cánh buồm, và thay vì bị đốt cháy, người lại rực sáng như vàng đang chảy trong lò lửa. Khi quân lính thấy người không hề hấn gì, chúng đã lấy dao đâm người. Máu người chảy ra đã dập tắt ngọn lửa.
Quan thống đốc ra lệnh đốt xác thánh nhân mà không để giáo dân lấy xác, vì ông sợ họ sẽ thờ Thánh Pô-li-ca-pô mà không thờ tà thần của người Rôma. “
Chứng từ” tử đạo của Thánh Pô-li-ca-pô là chứng từ được ghi nhận một cách xác thực về sự tử đạo của người tín hữu Kitô ngay từ thuở ban đầu. Người chết vào khoảng năm 156.
Trong nhiều lá thư của Thánh Pô-li-ca-pô, chỉ còn một lá người viết cho Giáo Hội Philippi, Macedonia là còn giữ được cho đến ngày nay.