1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ
2. Thông điệp và tính thời sự
Lời nguyện riêng đề cao đặc điểm của thánh Anselmô là người được ơn “tìm hiều và giảng dạy lẽ khôn ngoan siêu việt của Chúa”. Nên chúng ta cầu xin Chúa “ban ơn đức tin để soi sáng trí tuệ chúng ta, nhờ đó, tâm hồn chúng ta sẽ say mê những điều Chúa mặc khải”. Thật vậy, thánh đan sĩ đã xác định việc nghiên cứu triết học nhằm giải thích đức tin (Fides quaerens intellectum = đức tin đòi hỏi trí tuệ). Ngài cũng khẳng định rằng cần phải tin rồi mới hiểu (credo ut intelligam = muốn hiểu tôi phải tin) cho đến khi “nếm hưởng” được chân lý mình đang tin.
Các suy tư thần học của ngài chắc chắn là phần quan trọng nhất trong truyền thống Đan viện Phương Tây. Sự kế thừa các suy tư ấy sẽ trở thành di sản của kinh viện về sau: chỉ vào thế kỷ XIV thánh Anselmô mới có được tầm ảnh hưởng quan trọng trong tư cách là nhà thần học kiêm tác giả sách tu đức.
Chúng ta cũng có thể nhấn mạnh đến tính ưu việt của “lẽ khôn ngoan” được đề cao trong các tác phẩm và lời giảng dạy của ngài: tư tưởng của ngài là điểm tiếp giáp giữa thánh Augustinô và thánh Tôma Aquinô. Trích sách Minh giải (Proslogion) – được các Bài đọc - Kinh sách nêu lên – cho chúng ta thấy được lẽ khôn ngoan khi kiếm tìm sự chiêm niệm. Sự tìm kiếm này không phải do tính hiếu kỳ đơn thuần để thỏa mãn các đòi hỏi của trí tuệ hay chỉ để tư duy về mặt triết học vì: “Hồn tôi ơi, bạn đã gặp thấy điều bạn tìm kiếm chưa ? Bạn đã tìm Thiên Chúa và bạn đã thấy rằng Người là tuyệt đỉnh của mọi loài và người ta không thể nghĩ ra điều gì tốt đẹp hơn Người được nữa...”
Thánh Anselmô đã được Đức Giáo Hoàng Clément XI tôn phong làm tiến sĩ Hội thánh năm 1720. Là nhà triết học, thần học, đan sĩ và là mục tử, ngài còn được gọi là “nhà kinh viện hạng nhất”. Quả thật, ngài thiết lập trào lưu tư tưởng và phương pháp mà Abélard và Tôma Aquinô sẽ bảo vệ sau này. Các nhà viết tiểu sử về thánh Anselmô cũng gợi lại cho chúng ta nỗi băng khoăng của ngài hằng muốn hiệp thông với Rô-ma. Để đáp lại câu nói của vua nước Anh là Guillaume le Roux: “Thưa ngài giám mục, xin hãy nhớ điều này: không bao giờ ngài có thể liên kết lòng tuân phục của ngài đối với tôi, với lòng tuân phục của ngài đối với Giáo Hoàng, nghịch lại ý muốn của tôi được”, Anselmô liền nói: “Thưa hoàng thân, tôi thà bị lưu đày khỏi vương quốc của ngài hơn là bất tuân với Đấng kế vị thánh Phê-rô, cho dù chỉ trong một giờ thôi”. (A.Ragey, Hạnh sử thánh Anselmô).