Nếu có người nghèo cần đến quần áo, Thánh Fi-đê-lê thường lấy ngay quần áo của mình đang mặc mà chia sẻ cho họ. Sự hoàn toàn độ lượng là đặc tính của cuộc đời thánh nhân.
Sinh năm 1578 trong một gia đình giầu có ở Sigmaringen, Thánh Fi-đê-lê có tên gọi là Mark Rey, ngay từ nhỏ rõ ràng người đã có những khả năng đặc biệt. Sau khi được vinh dự nhận bằng tiến sĩ triết và luật tại Ðại Học Freeburgh, Mark Rey cùng với ba người bạn đi khắp Âu Châu trong vòng sáu năm. Người hành nghề luật sư, và các thân chủ đều mến mộ sự khôn ngoan và công chính của người. Nhưng dần dà người cảm thấy ghê tởm sự thối nát trong giới đồng nghiệp, và khi được hối lộ để kéo dài một vụ kiện người đã quyết định đi tu, gia nhập dòng Phanxicô và lấy tên Fi-đê-lê. Tài sản của người được chia cho người nghèo và nhà dòng. Với quyết tâm rao giảng cho mọi người biết về đức tin chân thật, sau khi thụ phong linh mục, Cha Fi-đê-lê được phép hoạt động truyền giáo cho người Tin Lành, đó là một công việc đầy nguy hiểm trong thời ấy. Người chuẩn bị cho sứ vụ này bằng việc học hỏi, viết lách, cầu nguyện và hãm mình. Với những lời đầy nhiệt huyết người bài bác lạc thuyết của Calvin và Zwingli. Nhiều người Tin Lành cũng như người Công Giáo sa ngã đã trở về với đức tin Công Giáo. Sau đó Cha Fi-đê-lê làm Giám Ðốc của một tu viện và là nguồn khai sáng cho các tu sĩ với tinh thần chiêm niệm luôn bao trùm nhà dòng. Chính người và các thầy chăm sóc các quân nhân về thể xác cũng như tinh thần khiến các sĩ quan Tin Lành tức giận. Có lần người nói với một linh mục bạn về hai điều ước của người; một là được ơn không bao giờ phạm tội trọng, và hai là được chết vì Ðức Tin. Thiên Chúa đã nhận lời người. Trong ba năm, người được Ðức Giáo Hoàng Grêgôriô XV sai đến Thetia hoạt động và người hoán cải rất nhiều người. Các giáo sĩ theo phái Calvin xách động dân chúng, và vào ngày 24 tháng Tư 1624, đó là lần rao giảng chót của Cha Fidelis. Khi người vừa lên toà giảng để nói về “Một Thiên Chúa, Một Ðức Tin, Một Phép Rửa”, đám đông la ó phản đối, họ lôi người ra khỏi nhà thờ và dùng gậy gộc đánh đập và dùng gươm đâm chết Cha Fi-đê-lê. Lời Bàn
Sự liên lỉ cầu nguyện của Thánh Fi-đê-lê đã giữ người luôn trung thành với Thiên Chúa và không nhượng bộ sự lãnh đạm và thờ ơ. Người ta thường nghe người nói, “Khốn cho tôi, nếu tôi chỉ là một người lính thiếu tận tâm phục vụ vị Thủ Lãnh đội mão gai.” Sự cầu nguyện đối với sự thờ ơ, và sự lưu tâm đối với người nghèo đã khiến thánh nhân trở nên một gương mẫu có giá trị cho ngày nay. Giáo Hội thường kêu gọi chúng ta hãy noi gương vị “luật sư của người nghèo” này bằng cách chia sẻ tài năng chúng ta với những người kém may mắn, và hoạt động cho sự công bằng của thế giới. Lời Trích “Hành động vì sự công bằng và tham dự trong việc biến đổi thế gian thực sự là một yếu tố cơ bản trong việc rao giảng phúc âm hoặc, nói cách khác, trong sứ vụ của Giáo Hội để cứu chuộc loài người và giải thoát con người khỏi mọi áp bức” (”Sự Công Bằng Trong Thế Giới,” Thượng Hội Ðồng Giám Mục, 1971). Nguồn: nguoitinhuu.org