Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan sinh năm 1771 tại Thôn Trung, xã Duyên Mậu, tỉnh Ninh Bình, nay thuộc xứ Phúc Nhạc, là người con duy nhất của gia đình. Sau đó cha mẹ đã di chuyển gia đình xuống Trại Bồ Bồng Hải cũng thuộc xã Duyên Mậu thì mới theo đạo. Cậu có lòng ước ao đi tu từ nhỏ và đã được cố Thạch ở xứ Đông Biên nhận đỡ đầu cho vào nhà trường ăn học làm linh mục.
Quan ân cần hỏi:
- Tôi muốn kết thân với ông. Tôi chỉ muốn tìm cách cứu mạng sống của ông. Vậy xin ông chịu khó chấp nhận bước qua Thấp Giá thì tôi sẽ tha ông ngay.
Cha ôn tồn trả lời:
- Mấy tháng qua ở trong tù, tôi đã suy tính kỹ lắm rồi. Càng suy nghĩ, tôi càng xác tín hơn, càng cương quyết giữ vững Đức Tin cho đến chết.
Rồi cha lại nhắc lại câu chuyện đã xẩy ra năm 1802, cha nói:
- Khi đó, Thế Tổ Gia Long phụ thân của Hoàng Đế ra Hà Nội, chúng tôi có đến ra mắt. Ngài hứa cho chúng tôi được tự do giảng đạo, xây nhà thờ và làm các việc bác ái. Ngài yêu cầu chúng tôi cổ động dân chúng sống thuận hoà và chăm chỉ làm ăn. Từ đó đến nay, tôi vẫn vâng lệnh vua, nhắc nhở bà con làm điều tốt, tránh đều xấu. Tôi thờ vua trên Trời và tuân phục vua dưới đất. Tôi vẫn xin vua trên Trời ban ơn cho các quan, để thời các ngài được thái bình thịnh trị. Sao hôm nay quan lại bảo tôi bỏ lệnh tiên đế mà tôi đã tuân hành biết bao năm nay?
Quan thấy cha đặt vấn đề khó giải đáp thì không muốn trả lời cha mà laị hỏi sang chuyện khác. Quan hỏi cha:
- Thế ông không muốn sống à?
- Thưa quan lớn, mọi sinh vật đều muốn sống, huống chi là con người có lý trí. Ai biết giá trị cuộc sống mà chẳng ham sống. Thế nhưng với người tin theo đạo Chúa, chúng tôi tin chết thân xác đời này nhưng sẽ có sự sống đời đời trên Thiên Đàng, do đó chúng tôi không sợ chết vì đạo Chúa.
- Ông tin có Thiên Đàng hả? Ai bảo ông có Thiên Đàng?
- Đó là chuyện đương nhiên. Như vua thường ban thưởng cho các trung thần, thì Chúa trời đất chẳng lẽ không ban thưởng cho các tôi trung phục vụ Người đến chết sao? Nơi tưởng thưởng đó, chúng tôi gọi là Thiên Đàng đấy.
- Nghe ông nói cũng có lý nhưng ai đã dạy cho ông biết là có Thiên Chúa?
- Thưa quan tổng trấn, không cần phải ai dạy. Chính trời đất vũ trụ là cuốn sách mở ra dạy ta bài học đó. Nhìn ngắm những công trình kỳ diệu của thiên nhiên, tức khắc phải nhận ra có Đấng Sáng Tạo và gìn giữ nó. Chúng tôi gọi Đấng ấy là Đức Chúa Trời và chúng tôi tôn thờ Người
- Vậy còn lệnh vua truyền không được rao giảng đạo Gia Tô nữa thì ông phải tuân theo lệnh vua chứ?
- Vua truyền lệnh cấm rao giảng đạo dạy tôn thờ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng trời đất muôn vật thì tôi không thể theo vua. Tôi phải vâng lệnh Thiên Chúa trước đã. Thiên Chúa là vua trời đất, vua trên hết các vua cơ mà!
Quan Tổng Trấn nghe nói thế thì im lặng một hồi lâu rồi thở dài, thất vọng không nói điều gì nữa. Quan biết cha là một nhà trí thức đáng kính nể nên cố tình giam giữ cha thật lâu với hy vọng thời gian sẽ làm cha thay đổi rồi tha cho cha về. Trong 3 năm, một thời gian khá dài, mong rằng sẽ thuyết phục được cha bỏ đạo, lâu lâu quan lại gọi cha ra công đường để khuyên cha bước qua Thập Giá, lúc đầu thì dùng cách ngọt ngào, thân thiện, sau thì dùng những cực hình để cưỡng ép, nhưng không có cách nào làm cha thay lòng đổi dạ.. Có lần cha thẳng thắn nói với quan chánh án rằng:
- Quan bảo tôi chà đạp Thập Giá là điều chẳng hợp lý chút nào. Xin quan đừng ép buộc chúng tôi làm việc này.
Quan lại hỏi:
- Sao lại không hợp lý? Ta chỉ cho ông con đường sống mà không hợp lý sao. Mong ông hiểu lòng độ lượng của ta.
- Thưa quan lớn, nếu nước nhà có biến, mà quan sợ chết, đào ngũ thì quan là kẻ hèn nhát. Cũng vậy, tôi nhờ ơn vua Cả trên Trời, tôi đâu có quyền sợ chết mà bỏ Người được?
Quan chánh án biết không thể đấu lý với cha được nên cho cha trở về nhà giam. Quan chánh án không được vui vì thâm tâm của quan là tìm mọi cách để cứu cha khỏi chết, vì biết cha là người hiểu biết sâu rộng, có kiến thức đáng quí. Nhưng luật lệ của vua bắt phải thi hành, quan không biết làm cách nào khác để tha cho cha. Đã nhiều làn thuyết phục mà đều không được. Không có cách nào bắt cha bước qua Thập Giá được. Quan chánh án thật khó xử!.
Lần khác quan chánh án lại kêu cha tới toà để nói truyện. Lần này quan lại đổi chiến thuật. Quan cho lệnh đem giam hai thầy riêng một nơi khác, không cho ở chung với cha Khoan vì nghĩ giam chung thì cha Khoan lại khuyên bảo, khích lệ theo cha nên khó mà thuyết phục được hai thầy bỏ đạo. Nhưng dù ở riêng thì hai thầy cũng một lòng cương quyết, dứt khoát không bỏ đạo, không bước qua Thánh Giá.
Sau bao lần gặp gỡ khuyên dụ, không thể làm thay lòng ba người chiến sĩ kiên cường của Chúa Kitô, quan rất buồn phải ký án tử hình cả ba gửi về triều đình và được chuẩn y. Ngày 28 tháng 4 năm 1840 cha Phaolô Khoan cùng với hai Thầy Hiếu và Thanh hiên ngang tiến ra pháp trường chịu xử chém. Trên đường ra pháp trường cha xin phép nói đôi lời với những người theo cha.
Tới nơi xử, vì thấy đông đảo người theo, có nhiều tiếng khóc nức nở, cha Phaolô Phạm Khắc Khoan xúc động xin quan chánh án nói mấy lời từ biệt đám đông. Quan chánh án chiều ý cho phép. Cha bình thản nói:
- Thưa anh chị em! Chúng tôi không phạm tội ác, không chống lại vua, không lỗi luật nước. Chúng tôi chết chỉ vì là Kitô hữu, và vì không chịu bỏ đạo Chúa Kitô, là đạo duy nhất chân thật. Anh chị em cầu nguyện cho chúng tôi bền vững đến cùng. Anh chị em hãy trung thành giữ đạo thánh Chúa, hẹn có ngày chúng ta sẽ gặp nhau trong Nước Chúa, Nước Hằng Sống.
Nói xong, quân lính đẩy các cha vào khu trong, dần dần xa dân chúng. Các Ngài giơ tay ngỏ ý cầu nguyện. Từ xa xa người ta còn nghe tiếng các Ngài cầu nguyện vọng lại:
- Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa, Chúa trời đất. Chúng con hiến mạng sống cho Chúa. Xin Chúa chúc phúc cho nhà vua, xin biến đổi trái tim nhà vua, để vua tin theo đạo thật, đạo duy nhất có thể đem lại cho con người hạnh phúc đích thực.
Sau đó lý hình chờ đợi chiêng trống nổi đổ hồi rồi vung cao gươm lần lượt chém ba chiếc đầu rơi xuống đất, đưa linh hồn ba vị thánh vui mừng về trời lãnh nhận triều thiên tử đạo muôn đời hân hoan ca tụng lòng thương xót của Chúa. Những người tín hữu theo sát ba vị chiến sĩ dũng cảm chứng kiến ba cái chết oai hùng đều run sợ khi thấy ba chiếc đầu tung lên cao. Nhiều người không cầm được sự xúc động đã la lên:
- Trời đất ơi! Họ đã chém đầu các thánh rồi!
- Lạy Chúa tôi, xin nhận các Ngài vào Thiên Đàng.
Tiếng khóc nức nở vang lên. Nhiều người đã xông vào thấm máu các Ngài.
Năm đó cha thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan vừa 69 tuổi. Giáo dân đã xin xác của ba đấng đem an táng tại Phúc Nhạc cách long trọng tại nhà thờ Phúc Nhạc..
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã phong các Ngài lên hàng Chân Phước tử đạo ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn vinh các Ngài lên bậc Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.