Chúa nhật, 24/11/2024

Ngày 01.05: Thánh Augustinô Schoeffler Đông, Linh Mục, Tử Đạo (1822-1851)

Cập nhật lúc 08:39 01/05/2020
 
Thánh Augustinô Schoeffler Đông sinh ngày 22 tháng 11 năm 1822 tại Mittelbornn, Nancy, tỉnh Lorraine nước Pháp trong một gia đình Công giáo có tiếng là đạo đức.
Nhờ nếp sống tốt lành của gia đình nên ngay từ nhỏ ai cũng biết cậu Augustinô Schoeffler là một người con ngoan ngoãn, đạo hạnh, chăm học, siêng năng đọc kinh cầu nguyện và có ý nguyện ước mong đi tu. Cha xứ thấy cậu bé ngoan đạo lại chăm học nên nhận đỡ đầu và gửi cậu vào chủng viện của giáo phận Nancy. Khi học xong triết và thần học thì thầy xin phép cha mẹ để gia nhập Hội Thừa Sai Paris, mong rằng sau này sẽ được gửi đi truyền giáo trong các nước Á Châu. Mặc dù cha mẹ Ngài không muốn và cố ý ngăn cản thầy không gia nhập Hội Thừa Sai Paris, vì lúc ấy ai cũng biết đi truyền giáo tại Á Châu là đi vào hang hùm, hang cọp vô cùng nguy hiểm. Nhưng thầy nghĩ rằng theo Chúa thì phải chấp nhận thử thách, gian lao. Tiếng Chúa kêu mời vẫn mạnh hơn, do đó thầy nhất định xin gia nhập Hội Truyền giáo và dâng phó cuộc đời trong tay Chúa
Ngày 9 tháng 10 năm 1846 thầy chính thức gia nhập Hội Thừa Sai Paris và ngày 29 tháng 3 năm 1847 thì thầy lãnh chức linh mục. Sau đó thì quả là cầu được ước thấy, cha đã được Bề trên sai đi truyền giáo tại Việt Nam. Ngày 18 tháng 11 năm 1847 vị tân linh mục đã từ giã Paris, đi Anvers thuộc nước Bỉ để đáp tầu đi Viễn Đông. Tầu lênh đênh mất 5 tháng thì tới Hồng Kông. Ngay trên tầu vị linh mục trẻ trung đã bắt đầu làm việc tông đồ. Cha khuyên nhủ mấy anh thủy thủ đã bỏ xưng tội lâu năm, xét mình xưng tội và rưóc lễ. Tới Hồng Kông cha chỉ nghỉ vài ngày rồi lại bằng đường thủy, cha đi thẳng tới Việt Nam. Sau bao ngày mong ước và con đường đi tới Việt Nam quả là cam go vất vả, phải lênh đênh hằng tháng trên đại dương, vượt bao sóng gió hiểm nghèo, nhưng người chiến sĩ của Chúa không hề nao núng. Ngài trông cậy nơi Chúa và xin Chúa dẫn lối đưa đường đi tới Việt Nam, để rao giảng Tin Mừng cho bao người chưa biết Chúa. Sau cùng năm 1848 tầu đã cập bến và theo lệnh bề trên thì nơi Ngài hoạt động sẽ là địa phận Tây Đàng Ngoài, dưới quyền Đức Cha Retord Liêu. Đức Cha vui mừng đón nhận vị linh mục Thừa Sai trẻ tuổi được Chúa sai đến để cộng tác với Ngài. Đức Cha rất quí mến Ngài và giữ Ngài bên cạnh Đức Cha, luôn theo Đức Cha đi kinh lý các nơi để Ngài có dịp học hỏi và biết rõ hơn về tình hình mục vụ trong vùng. Tháng 10 năm 1849 Đức Cha bổ nhiệm Ngài coi sóc xứ Đoài giữa lúc vua Tự Đức bắt đầu cấm đạo.
Ngày 1 tháng 3 năm 1851, sau khi giảng tuần đại phúc Mùa Chay cho xứ Bầu Nọ, Ngài tiếp tục đến giảng tuần đại phúc cho giáo dân Bản Mộ, đi len lỏi trong rừng giữa đường thì bị một người phản giáo, ham tiền báo cho quan lính bắt Ngài giải về huyên rồi áp giải về tỉnh Sơn Tây. Tại đây Ngài bị đánh đập, bị đeo gông, cùm chân xiềng xích và tra hỏi nhiều lần nhưng trước sau như một, Ngài nhất quyết từ chối mọi lời dụ dỗ và luôn sẵn sàng chịu chết, làm chứng nhân cho Chúa.
Trong thời gian bị tù đày ở đây, Ngài bị hành hạ và tra tấn nhiều lần. Có lần bị tra vấn, quan tỉnh Tây Sơn hỏi cha:
- Ông là người ngoại quốc sang đây có ý gì. Phải chăng là muốn xui giục dân chúng chống lại nhà vua?
Cha thẳng thắn trả lời:
- Tôi tới Việt Nam chỉ có một chủ đích duy nhất là rao giảng đạo Thiên Chúa cho mọi người, tôi không bao giờ xúc giục dân chúng chống lại nhà vua. Xin các quan nghiêm chỉnh điều tra lại cho chắc chắn.
- Ông đã ở những nơi nào. Ông cứ khai rõ ràng. Tôi sẽ làm tờ báo cáo và sẽ cho ông trở về Âu Châu.
- Tôi đã tới Việt nam từ bốn năm nay. Tôi đã ở nhiều nơi khác nhau và hiện tôi không nhớ tên từng nơi. Tôi vẫn còn muốn đi những nơi mà người ta cần sự hiện diện của tôi.
Cha trình bày rất rõ ràng, thưa hỏi tử tế nên quan đốc tỉnh tỏ vẻ kính trọng rồi lệnh đưa cha về nhà giam. Không tra tấn đánh đập.
Vài ngày sau, quan lại triệu cha ra thẩm vấn và yêu cầu cha bỏ đạo. Người chiến sĩ trẻ trung can trường của Chúa cương quyết từ chối. Quan đốc tỉnh nhìn cha một cách đầy cảm tình rồi hạ giọng ôn tồn nói với cha:
- Này ông, thực tình tôi không muốn kết tội ông. Tôi muốn tha cho ông. Nhưng đây là sắc lệnh của vua, tôi không thể nào làm cách khác được. Vậy ông hãy nghe tôi chỉ bước lên Thập Giá một lần thôi thì tôi sẽ tha cho ông ngay.
Nghe thấy quan đốc tỉnh nói với tâm tình quí mến, cha cảm động nhưng không thể làm theo đề nghị của quan đốc tỉnh được. Cha thành thật thưa lại:
- Tôi xin cảm ơn lòng tốt về những lời chân thành quan lớn đã dành cho tôi. Tôi biết quan lớn thương tôi nhưng tôi không thể làm theo ý quan lớn mà xúc phạm đến Thiên Chúa được. Xin quan lớn cứ theo lệnh của vua mà thi hành, tôi sẵn sàng chấp nhận chết vì Thiên Chúa tôi thờ.
Trước vẻ cương quyết mạnh mẽ của cha, quan đốc tỉnh Tây Sơn rất buồn không nói gì thêm. Ông soạn sẵn bản án như sau: “Ông Au-du-tinh người Tây Dương, mặc dầu đã biết có luật pháp nghiêm cấm mà còn ngoan cố tới đây vào các làng mạc truyền đạo Gia-Tô, lừa dối dân chúng. Đã vậy còn ngoan cố nữa. Theo Sắc Chỉ nhà vua ông sẽ bị trảm quyết, đầu sẽ quăng xuống biển hay buông sông, để làm bài học cho dân chúng đừng chạy theo thứ đạo mới này”.
Sau đó, quan lại truyền giải cha về nhà tù. Từ đây cha bị kiểm soát nghiêm nhặt, không cho người lui tới viếng thăm nữa. Mọi thư từ liên lạc tin tức đều bị cắt đứt.
Lần cuối cùng là ngày 5 tháng 3 bị điệu ra tòa, Ngài vẫn nhắc lại những lời đã nói trước, nhất định không bước lên Thánh Giá, nên quan đốc tỉnh Sơn Tây vô cùng giận dữ ra lệnh cho đánh đập một trận nhừ tử rồi gửi bản án mà quan đã soạn sẵn, nay sửa lại rồi gửi về kinh. Bản án viết như sau: “Tên Au-du-tinh là người Tây Dương dám coi thường luật nước, đến đây giảng đạo, dụ dỗ dân chúng. Chiếu theo sắc chỉ Đức Vua, y phải chịu trảm quyết, bỏ đầu trôi sông. Về những kẻ chứa chấp, thần đã tra hỏi nhưng y không chịu nói. Lý trưởng và những kẻ có công xin theo lời truyền, thưởng 30 lạng bạc. Riêng viên tuần phủ, xin thưởng thêm một số nữa”
Bản án gửi về kinh đô đợi tới ngày 11 tháng 4 năm 1851 vua Tự Đức mới phê chuẩn với những lời lẽ ghi như sau: “Trẫm đã cứu xét hồ sơ Tây Dương đạo trưởng ở Sơn Tây. Luật nước đã cấm đạo Gia-Tô. Thế mà tên Ao-du-tinh vẫn cả gan vào nước ta giảng đạo lừa dối dân. Trẫm truyền trảm quyết, đầu y thì bỏ trôi sông để răn dạy kẻ khác”.
Quan Tổng đốc tỉnh Tây Sơn nhận được án lệnh của vua Tự Đức cho thi hành án lệnh. Ngày 1 tháng 5 năm 1851, chính là ngày đầu tháng Hoa dâng kính Mẹ Maria, tự nhiên quang cảnh nhà tù trở nên nhộn nhịp. Các đội quân chuẩn bị voi, ngựa, lính tráng tập trung, quân phục chỉnh tề, báo hiệu sắp có biến cố gì quan trọng. Cha Schoeffler Đông đoán được biến cố sắp tới, cha vui vẻ, nét mặt tươi tỉnh bước theo toán lính ra cửa phía Bắc, thấy quanh cảnh đã sẵn sàng, cha hiểu là giờ hành quyết cha đã tới. Đoàn quan quân khởi hành, cha vừa đi vừa đọc những bài Thánh Vịnh một cách rất bình thản. Dân chúng đứng xem hai bên đường nói với nhau: “Ông này thật anh hùng, đi chịu chết mà nét mặt cứ tươi vui bình thản. Con người khôi ngô, đẹp trai lại hiền lành như thế này mà nhà vua đem giết đi thật là đắc tội với Trời. Người Tây Dương còn trẻ đẹp thế này mà đem giết đi thật đáng tiếc”.
Tới pháp trường Sơn Tây, nơi mà 14 năm về trước đã xử cha thánh Gioan Carôlô Cornay Tân, cha Schoeffler Đông vô cùng hân hoan xúc động, quì xuống đọc kinh tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã cho Ngài được đổ máu ra làm chứng đạo Chúa vào đúng ngày đầu tháng Hoa dâng kính Mẹ Maria, Đấng mà Ngài hằng kính mến. Cha cầu nguyện ít phút, hôn kính Thánh Giá vẫn đeo ở cổ rồi tự ý cởi áo xuống tới hai vai, giơ cổ cho lý hình. Cha nói: “Xin anh cứ việc thi hành phận sự”. Trước cử chỉ anh hùng, bình thản đó, khiến anh lý hình hoảng sợ, tay chân run rẩy. Anh phải chém tới nhát thứ ba đầu mới rụng xuống vũng máu. Vì lệnh quan cấm ngặt nên không ai dám vào thấm máu và lấy xác, đội lính chôn cha ngay tại chỗ, còn đầu thì bị buông sông. Sáng hôm sau quan quân giải tán hết, giáo dân mới dám lén lút tới lấy xác rước về an táng trong nhà ông lý Ngọc, người Công giáo trong họ đạo Bách-Lộc.
Ông lý Ngọc là người ngoan đạo nhưng đã từ lâu vẫn buồn phiền vì bệnh tật và không có con nỗi dõi tông đường. Ông đã thành khẩn cầu xin với cha thánh được an táng trong nhà mình. Cha thánh đã nhận lời cầu xin của ông, và như lòng tin tưởng cầu xin, chỉ ít lâu sau ông khỏi mọi bệnh tật và sinh hạ được một người con trai để nối dõi tông đường.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn Ngài lên hàng Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên bậc Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log