Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu sinh năm 1790 tai Cái Nhum, tỉnh Vĩnh Long. Từ nhỏ, Ngài đã được giáo dục trong một gia đình nề nếp, đạo đức. Lớn lên, Ngài lập gia đình với cô Marta Thế người xứ Mặc Bắc và cũng là một trưởng gia đình gương mẫu về lòng đạo đức, sốt sắng và nhiệt thành.
Quan thấy ông bạo dạn xưng mình là Trùm Lựu nhưng biết ông không phải là đạo trưởng nên ra lệnh lục soát nhà kỹ hơn. Lúc ấy cha Philipphê Phan Văn Minh đang ẩn trốn trong nhà ông, biết không thoát được nên đã can đảm ra trình diện. Quan nghĩ đó là cha Lựu nên ra lệnh cho quân lính bắt trói cha Minh lại cùng với ông Trùm Lựu và sáu người tín hữu khác giải về tỉnh Vĩnh Long.
Áp giải các Ngài từ Mặc Bắc về Vĩnh Long mất ba ngày đường, tất cả đều mệt nhọc, đói khát. Tới Vĩnh Long, các Ngài phải ra tòa trình diện các quan lớn trong tỉnh. Trước toà, ông Trùm Lựu hiên ngang nhận mình đã đón tiếp và chứa chấp các linh mục trong nhà mình. Các quan hỏi tại sao ông lại cho các đạo trưởng ở trong nhà thì ông thẳng thắn trả lời:
- Cha tôi tới nhà thì tôi đón tiếp cha tôi, đó là lòng hiếu thảo của người Việt Nam chúng ta. Ai mà chả làm như thế.
- Nhưng ông phải biết những ông này là đạo trưởng Đạo Gia Tô, đức vua đã ra lệnh cấm đạo Gia Tô và bắt hết các đạo trưởng thì ông không được phép chứa chấp.
- Vậy nếu là cha mẹ của các quan lớn thì các quan lớn cũng xua đuổi, không đón tiếp à?
- À, ông này không được cãi lại lời của quan lớn. Một tên lính tát ông và nói như thế.
Ông trùm Lựu nghiêm nét mặt và nói lại:
- Này anh, tôi nói để quan lớn hiểu chứ tôi không cãi lại lời quan lớn. Anh nên cân nhắc đàng hoàng, không được hàm hồ, nghe chưa.
Quan nhìn ông, không hỏi gì thêm rồi các quan bắt cha Minh bước qua Thập Giá, cha Minh cương quyết nhất định không bước qua. Quan bắt ông Trùm Lựu bước qua Thập Giá. Ông cũng nhất quyết không bước qua và mạnh dạn nói:
- Cha tôi chết thì tôi chết theo. Tôi nhất quyết không bước qua tượng ảnh Chúa tôi. Xin các quan đừng bắt ép tôi.
Các quan thấy không thuyết phục được cụ già và thấy cụ trả lời lý sự thì các quan quyết định cho trở về nhà giam.
Trong tù, Ngài bị mang xiềng xích, gông cùm nặng nề, bị tra tấn, chịu đòn vọt nhiều lần, Ngài luôn vui vẻ chấp nhận mọi đau đớn vì đạo Chúa. Lúc nào Ngài vẫn cũng tỏ ra cương quyết giữ vững Đức Tin, dù có phải chết thì Ngài cũng sẵn lòng chấp nhận. Vì tuổi già sức yếu, lại phải đeo gông mang xiềng xích năng và chịu nhiều cực hình đến kiệt sức nên vào khoảng 3 giờ sáng ngày 2 tháng 5 năm 1854, Ngài đã lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng, để về Thiên Quốc lãnh nhận triều thiên Tử Đạo trong lúc cổ còn đang đeo gông và hai chân vẫn còn bị cùm trong xà lim..
Buổi sáng hôm ấy, các quan tới khám xét thì thấy Ngài đã tắt thở, nét mặt tươi sáng đẹp đẽ. Các quan cho tháo xiềng xích tay chân Ngài rồi trao xác cho gia đình đem về an táng tại Mặc Bắc. Mặc dù đang trong thời cấm đạo rất khắt khe thế mà lễ an táng Ngài được cử hành rất đặc biệt, có 4 linh mục và tới hai ngàn giáo dân tham dự tiễn đưa chôn táng Ngài trong khu thánh đường xứ Mặc Bắc. Mọi người trong xứ đều mến tiếc ông Trùm đạo hạnh, đầy lòng nhiệt tình phụng vụ Chúa và yêu thương giúp đỡ mọi người trong mọi hoàn cảnh kho khăn, nhất là trong thời kỳ cấm đạo này.
Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 2 tháng 5 năm 1809 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.