Ngày 25.05: Thánh Ghê-gô-ri-ô VII, Giáo Hoàng (khoảng 1028-1085)
Cập nhật lúc 20:26 24/05/2020
1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ Đức Giáo Hoàng Grégoire VII được mừng kính vào ngày kỷ niệm người qua đời 25 tháng 5 năm 1085, trong lúc bị lưu đày tại Salerne. Năm 1606, ngài được Đức Giáo Hoàng Phaolô V phong hiển thánh và lễ ngài được đưa vào lịch Giáo triều Rôma năm 1728. Hildebrand de Soana sinh tại Toscane khoảng 1028. Sau khi tốt nghiệp ở Rôma, ngài phục vụ Đức Giáo Hoàng Grégoire VI. Ngài cùng đi theo Đức Giáo Hoàng đi lưu đày này sang nước Đức. Khi trở về Rôma dưới thời Đức Lêô IX, ngài được bổ nhiệm làm viện phụ Dòng Biển Đức tại tu viện thánh Phaolô ngoại thành, rồi làm đăc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Pháp. Nơi đây, ngài đấu tranh chống lạc giáo do Bérenger de Tours khởi xướng. Lạc thuyết này chủ trương không tin nhận Đức Giêsu Kitô hiện diện thật sự trong bí tích Thánh Thể. Với tư cách là đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Đức (1055), ngài đã đảm bảo cho cuộc bầu cử Đức Giáo Hoàng Nicolas II được thành công; vị Giáo Hoàng này phong ngài làm Tổng phó tế của Giáo hội Rôma. Sau khi làm cố vấn cho Đức Giáo Hoàng Alexandre II, Hildebrand được bầu làm Giáo Hoàng năm 1073, lấy danh hiệu Gregoire VII. Trong mười hai năm làm Giáo Hoàng (1073-1085), ngài cương quyết thực hiện cuộc cải cách mang tên “Grégoire”: phục hồi các cơ cấu tổ chức và tập tục của Hội thánh cùng giải phóng Hội thánh khỏi các quyền hành thế tục. Ngài đã soạn thảo hai mươi bảy sắc lệnh (nhan đề Dictatus papae = lời phát biểu của Giáo Hoàng) trình bày các nguyên tắc cải cách: đó là đấu tranh chống lạc thuyết Nicolaisme (chủ trương không chấp nhận sự độc thân của linh mục), chống việc mại thánh và chống việc thế quyền trao ban chức tước, bổng lộc trong Hội thánh. Tuy nhiên, các quyết định này của Đức Giáo Hoàng đã khơi dậy cuộc Tranh luận về việc Trao chức vụ thánh (Investitur): Vì chống lại các sắc lệnh trên nên bị phạt vạ tuyệt thông, hoàng đế Henri IV xin Giáo Hoàng ân xá tại Canossa tháng 1 năm 1077. Nhưng ông vội vàng trả thù bằng cách cho bầu một Phản Giáo Hoàng tại Rôma (Đức Clément III). Đức Giáo Hoàng Grégoire VII bị buộc phải rời Rôma và qua đời trong lúc bị lưu đày tại Salerne, nhưng vẫn xác tín mình đã đấu tranh vì chính nghĩa cao quí. Dẫu rằng cuộc đấu tranh xem ra thất bại, song về sau cuộc cải cách Grégoire đã thành công thật sự. Đức Grégoire VII đã đi vào lịch sử như là một trong các vị Giáo Hoàng quan trọng nhất.
2. Thông điệp và tính thời sự a. Phụng Vụ nhấn mạnh đến “Tinh thần dũng cảm và lòng nhiệt thành bênh vực công lý” là đặc điểm trong triều đại Giáo Hoàng của Đức Grégoire VII, là con người “rất cao cả khi phán đoán, khi mong muốn và khi hành động” (Đức Piô XII). Khi lên ngôi Giáo Hoàng vào lúc Hội thánh đang chịu đựng cách ác liệt hai tệ nạn gắn liền nhau: đó là Hội thánh bị lệ thuộc vào các ông hoàng và hàng giáo sĩ lại suy đồi, thánh nhân vẫn theo đuổi chương trình của mình, nhận định rõ ràng các vấn đề của thời cuộc, với tất cả ý chí nghị lực để hoàn thành công cuộc cải cách của mình, xứng đáng với tên gọi cuộc cải cách “Grégoire”. Vì nhận thấy nhu cầu thiết lập trước hết quyền tối thượng của Giáo Hoàng, nên ngài đã gợi hứng cho Đức Nicolas II ra sắc lệnh dành cho các Hồng y đặc quyền bầu cử Giáo Hoàng (1059). Ngài cũng không chấp nhận các ông hoàng có quyền bầu chọn các giám mục, vì đó chính là nguyên nhân làm suy đồi hàng giáo sĩ. Ngài biết rằng công cuộc cải cách của mình sẽ không thành nếu không có một hàng giáo sĩ xứng đáng và mẫu mực. b. Do bởi uy tín trong cuộc sống thánh thiện cũng như các đức tính phi thường, Đức Grégoire đã trở nên người tôi trung cao cả của Hội thánh. Một khi đã được bầu làm Giáo Hoàng, ngài đã tận dụng mọi năng lực lo cho “Hội thánh là hiền thê của Chúa, là nữ chúa và hiền mẫu của chúng ta, để Hội thánh lấy lại vẻ đẹp của mình khi luôn sống tự do, trong sạch, khi giữ vững được đặc tính Công giáo” (Thư của thánh Grégoire VII gửi mọi tín hữu, trích dẫn các bài đọc – Kinh sách). Tuy nhiên, cũng như “thánh Phêrô, vị Tông Đồ trưởng, là cha của mọi Kitô hữu và là mục tử thứ nhất sau Đức Kitô”, cũng thế “Hội thánh Rôma là mẹ và là thầy của mọi Giáo Hội” (sđd). Thánh Grégoire VII, tôi trung của Đức Kitô, đã đứng lên vững vàng như một tảng đá lớn để bênh vực Hội thánh, đến mức độ chịu bách hại và chịu lưu đày. Nhưng với niềm xác tín đấu tranh cho công lý, vào lúc cuối đời, ngài nói: “Tôi đã yêu thích công lý và oán ghét sự bất công, vì thế tôi phải chết trong cảnh lưu đày.”