1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ
Bà sinh tại Florence năm 1566, thuộc dòng dõi quí tộc Pazzi và nhận tên thánh rửa tội là Catherine. Lúc mười tuổi, người rước lễ lần đầu và dâng mình cho Chúa, nguyện sống đồng trinh. Năm 1582, khi gần tròn mười sáu tuổi, người thiếu nữ quí tộc này chọn Dòng Cát-Minh Saint-Marie-des-Anges ở Florence. Nơi đây, Bà được gia nhập cộng đoàn với tên gọi Marie-Madeleine. Sống trong thời nhiểu nhương được đánh dấu bằng cuộc cải cách của Luther và việc truyền bá nền văn hóa tân ngoại giáo của thời Phục hưng, Marie-Madeleine cống hiến đời mình và vận động tất cả để canh tân đời sống thiêng liêng trong Hội thánh mà người nhiệt tình yêu mến. Vì thế, Bà không ngần ngại dâng lên Giáo Hoàng và các giám mục những thông tri cần thiết để theo đuổi công cuộc cải cách. Vốn sức khỏe yếu kém, người nữ tu trẻ này phải chịu đựng những đau đớn trong thể xác, nhưng nhất là những thử thách trong tâm hồn. Các cơn cám dỗ khủng khiếp công hãm. Bà nói: “Tôi không biết tôi có còn là một thọ tạo có lý trí nữa hay không. Tôi không thấy điều gì tốt ở nơi tôi ngoại trừ một ít thiện chí, đó là không bao giờ xúc phạm vương quyền của Thiên Chúa.” Tuy nhiên, Bà cũng được các ơn thị kiến, xuất thần mà qua những giây phút ấy, người nhận lãnh các dấu thánh. Bà viết ra các suy tư của mình (De Revelatione et de Probatione = Mạc khải và minh chứng). Cũng như các tác phẩm của Catherine de Sienne, các suy tư của Marie-Madeleine phản ánh các cảm nghiệm thần bí và một sự khôn ngoan sâu sắc. Sau khi được bổ nhiệm làm phó bề trên Đan viện, Bà đào tạo các nữ tu Cát-minh luôn trung tín với các đòi hỏi nơi cuộc đời thánh hiến của họ. Lúc qua đời, Bà mới được bốn mươi mốt tuổi. Lời nhắn gởi cuối cùng, Bà nói với các nữ tu vây quanh mình: “Tôi xin các chị em như một ân huệ cuối cùng, là chỉ yêu mến Chúa mà thôi, là đặt nơi Người tất cả niềm hy vọng của các chị em và cam chịu tất cả vì yêu mến Người.” Sau khi được Đức Giáo Hoàng Urbain VIII phong chân phước, Bà được Đức Clément IX phong hiển thánh năm 1669. Thành phố Florence tôn kính Bà là một trong các thánh bảo trợ của họ. 2.Thông điệp và tính thời sự
a. Thánh Marie-Madeleine đặc biệt cháy lửa yêu mến nồng nàn và tràn đầy nhiều ân huệ cao siêu (xem lời nguyện). Bà hiến thân cho Chúa từ thuở thiếu thời, và nguyện sống trinh khiết từ lúc lên mười. Trọn cuộc đời Bà là một chuỗi đi lên không ngừng trong công việc thực thi lòng yêu mến Chúa. Bà than thở: “Ôi tình yêu của con, lạy Chúa, không ai hiểu được Ngài ! không ai yêu mến Ngài !” hay “Amate l’Amore ! Amata l’Amore ! = Hãy yêu mến Tình yêu ! Hãy yêu mến Tình yêu!”.
Lòng yêu mến này đi đôi với sự gắn bó dũng cảm tuân theo thánh ý của Thiên Chúa, được biểu lộ qua việc thực thi các lời khấn dòng (khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục) và trung tín hoàn thành các nhiệm vụ trong Dòng Cát-minh. Nên Bà vẫn lặp lại với các Nữ tu rằng: “Ý muốn của Chúa... Các chị em không cảm thấy sự dịu dàng khi nói đến ý muốn của Chúa sao?” Vì ao ước sống kết hiệp luôn mãi với Đức Kitô chịu khổ nạn trên thập giá, Bà đã chọn phương châm này: “Trăm chiều thử thách nhưng không chết.”
b. Marie-Madeleine là nhân chứng cho tình yêu và cũng là vị thánh tán dương công việc của Chúa Thánh Thần trong bản thân mình và trong mọi tâm hồn “Tự hiến cho Chúa Thánh Thần” “Như một mạch suối, Người đến trong linh hồn, làm cho linh hồn chìm đắm trong Người... Người đến trong linh hồn để kết hợp với linh hồn trong sự thinh lặng thẳm sâu. Bằng tình yêu nhiệt nồng, Người ngự đến trong tâm hồn chúng ta”. Các Bài đọc - Kinh sách cũng góp thêm một lời kinh dâng Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến. Khi ngự xuống nơi Đức Maria, Người đã làm cho Ngôi Lời nhận lấy xác phàm... Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến. Người là đấng nuôi dưỡng mọi ý tưởng thanh khiết, là nguồn mọi tâm tình nhân ái, là nơi tràn đầy mọi tư tưởng trong sạch.”
Câu xướng đáp của bài đọc nhắc nhớ chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí làm cho chúng ta trở nên nghĩa tử và chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên xiết khôn tả” (Rm 8,15.26).
Enzo Lodi
tonggiaophanhanoi.org