Thánh Matthêu Nguyễn Văn Phượng, tên thật là Kế, hồi nhỏ cha mẹ gọi là Đắc còn tên Phượng là tên người con gái đầu lòng. Ngài sinh năm 1808 tại làng Kẻ Lái cũng gọi là Lý Nhơn, Tam Tòa tỉnh Quảng Bình Cha là Cai Bường, là người Công giáo đạo hạnh. Ngài mồ côi cha lúc 12 tuổi, mồ côi mẹ lúc 14 tuổi. Ngài phải tự lực mưu sinh rất sớm, theo thầy lang Nhu học nghề thuốc, được thầy lang Nhu truyền cho nhiều bài thuốc gia truyền rất quí. Nhưng sau ba năm Ngài gặp cha Điểm, được Ngài giúp đỡ đem về nuôi, cho ăn học. Tới năm 22 tuổi thì cha Điểm giúp đỡ để lập gia đình với cô Agnès hiền hậu con ông đội Khiêm ở Sáo Bùn. Rồi dọn về ở nhà bố mẹ vợ tiếp tục làm nghề y sĩ. Sau ít năm Ngài bỏ nghề làm thuốc chuyển sang nghề buôn bán, nhờ đó mà gia đình làm ăn phát triển, đời sống sung túc hơn.
Ngài sinh được tám người con, người con gái lớn đi tu trong Dòng Mến Thánh Giá. Lúc Ngài 50 tuổi thì người vợ qua đời để lại cho Ngài một đàn con đông đảo, nhưng Ngài đã cố gắng buôn bán để có tiền bạc nuôi nấng con cái. Ngài siêng năng cầu nguyện, xưng tội rước lễ, nhắc nhở con cái vâng giữ luật Chúa. Hằng ngày ngoài thời giờ lo lắng cho con cái, Ngài còn đi thăm bệnh nhân, những người già yếu để an ủi, nâng đỡ đời sống Đức Tin của họ. Giáo dân họ Sáo Bùn đều kính phục đời sống và lòng đạo đức của Ngài nên bầu Ngài làm Trùm Họ. Đầu năm 1861 cha Gioan Đoàn Thanh Hoan về làm phúc tại Họ Sáo Bùn, Ngài lo chỗ ăn ở cho cha tại nhà mình. Bị một người ngoại giáo biết, đi tố cáo với quan nên ngay tối hôm sau quân lính về bao vây làng bắt cha Hoan, và cũng bị tên tố cáo chỉ điểm nên Ngài cũng bị bắt, bị trói xích hai tay, đeo gông giải đi. Lúc ấy Ngài đã 60 tuổi. Bắt được Ngài cùng với cha Hoan và bảy người khác, đoàn lính giải các Ngài về Đồng Hới, giam cách biệt với cha Hoan. Trong tù, quan đã áp dụng đủ mọi cách thức để tra tấn xét khảo ngày này qua ngày khác, nhưng Ngài và các bạn tù khuyên bảo nhau nhất định không khai báo điều gì làm hại tới những người khác. Trước mặt quan toà Ngài nhận là đã mời cha Hoan về nhà nhưng bắt Ngài bỏ đạo, bước qua ảnh tượng Chúa thì dù có phải chết Ngài cũng nhất định là không. Trong chuyện về Ngài có kể rằng, một hôm viên Lục Sự tòa án nói với Ngài rằng: Nếu ông bằng lòng gả cô con gái của ông cho tôi thì tôi sẽ tìm mọi cách để tha ông. Ngài trả lời: “Không thể được. Nếu anh không theo đạo của chúng tôi. Tôi không thể gả con gái tôi cho một người ngoại đạo, dù anh là ông Ký hay Quan đi nữa. Tôi sợ con tôi không giữ mãi được Đức Tin. Nếu vì lý do đó mà phải chết, tôi sẵn lòng chết”. Vì bị biệt giam nên không ai có thể vào để báo cho Ngài biết là ngày 26 tháng 5 năm 1861 Ngài sẽ phải xử trảm cùng với cha Hoan, nên sáng sớm Ngài còn nấu cơm ăn sáng. Tới khi thấy bọn lính đến nhà giam gọi cha Hoan và ông Phượng ra pháp trường, khi ấy ông mới biết. Ông vui mừng đón nhận tin vui này và hiên ngang bước theo cha Hoan. Trên đường ra pháp trường Đồng Hới Ngài bước đi trang nghiêm, cúi mặt để thầm thĩ cầu nguyện. Tới nơi xử, Ngài xin chịu xử qùi như cha thánh Hoan. Chiêng trống nổi lên từng hồi, lý hình vung gươm chém một nhát thì đầu rơi xuống đất ngay. Những người đứng chung quanh xô nhau vào lấy vải thấm máu, bọc xác Ngài đưa về an táng tại Mỹ Hương. Khi được tôn lên bậc Chân Phước, giáo dân Phú Xuân cải tảng đem về nhà trường Phú Xuân Huế. Khi cải táng người ta còn thấy bản án viết trên tấm gỗ, ghi như sau: “Năm Tự Đức thứ 14, ngày 17 tháng 4. Tên Nguyễn Văn Đắc, tự Phượng, là người theo đạo Gia-Tô, đã chứa chấp đạo trưởng Hoan, tội đáng chém”. Nhiều người đến cầu xin với Ngài đã nhận được rất nhiều ơn, đặc biệt với những người đông con và nghèo nàn, đến cầu xin với Ngài cho con cái ngoan ngoãn, chừa bỏ cờ bạc, rượu chè, hút xái, Ngài đã cầu bầu cùng Chúa ban nhiều ơn được như ý khấn xin. Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 2 tháng 5 năm 1909 cùng với cha thánh Hoan và ngày 19 tháng 6 năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam. Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org