Chúa nhật, 24/11/2024

Ngày 26.05: Thánh Gioan Đoàn Thanh Hoan, Linh mục (1798-1861)

Cập nhật lúc 09:01 26/05/2020

Thánh Gioan Đoàn Thanh Hoan sinh tại làng Kim Long, huyện Huơng Trà tỉnh Thừa Thiên, thuộc giáo phận Huế. Cha Ngài là ông  Bartôlômêô Sương và mẹ là bà Isave Diễm. Cả hai đều là người đạo đức, giáo dục con cái về Đức Tin rất nghiêm túc. Gia đình có 5 người con: 3 trai 2 gái, Ngài là con thứ tư. Hai người con gái đi tu trong Dòng Mến Thánh Giá, hai người anh trai tên là Cung và Chiên sau này cũng bị bắt giam trong ngục tù, đeo gông cùm, bị ánh đập và chết trong tù.

Nhờ sự giáo dục đạo hạnh của gia đình nên ngay từ nhỏ Ngài đã ước ao được dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì. Lúc đầu Ngài ở với cậu tên là linh mục Gioan Kiệt để học tập chữ nghĩa và đời sống tu, sau Ngài được Bề trên gửi đi du học tại Pénăng Mã Lai do Hội Thừa Sai Paris phụ trách. Năm 1836 Ngài hoàn tất chương trình học vấn và được lệnh trở về nước giúp các Đức Cha Taberd và Đức Cha Cuénot rồi lãnh chức linh mục tại Saigòn giữa lúc tình thế cấm đạo do lệnh vua Minh Mạng đang gay gắt. Sau đó trở về quê hương phục vụ trong giáo phận Huế. Ngài lần lượt được sai đi coi họ Kẻ Sen- Quảng Bình rồi họ Bãi Trời - Quảng Trị. Khi tình thế mỗi ngày trở nên khó khăn hơn, Đức Cha gọi Ngài về giúp dân Thừa Thiên nhưng lại bị tố cáo nên Ngài phải ra Quảng Trị, rồi Hương Mỹ - Quảng Bình là nơi cuối cùng khi Ngài bị bắt.
Hôm ấy nhân dịp lễ Hiển Linh, Ngài tới họ Sáo Bùn, Mỹ Hội, trọ nhà ông Trùm Phượng để giải tội và dâng lễ cho giáo dân thì bị một người ngoại giáo biết, bí mật tố cáo với quan án Đồng Hới. nên quan cho lệnh quân đến bao vây truy bắt. Biết tin, Ngài vội chạy trốn ra bờ sông thì không may lại gặp một toán quân đi tới. họ bắt được Ngài, trói và bắt đeo gông giải về Đồng Hới.
Trước toà án, quan tra hỏi thì Ngài trả lời: “Tôi là đạo trưởng 64 tuổi, sinh tại Thừa Thiên. Tôi sẵn sàng chịu chết chứ không theo lệnh vua bước qua Thánh giá, chối Chúa”. Quan biết Ngài không khai thêm tên những người giáo dân theo Ngài nên quan ra lệnh trói chân tay vào cọc, bắt nằm sấp xuống chịu đánh đòn đến ngất xỉu. Ông Trùm Phượng và 7 người tín hữu khác cũng bị bắt ở Sáo Bùn theo gương Ngài, không một người nào chịu tiết lộ một điều gì nguy hại tới các linh mục hay người nào khác. Sau rất nhiều lần bị tra tấn rất dã man, đánh đập tàn bạo, Ngài và ông Trùm Phượng bị kết án tử hình, còn những người khác phải lưu đày chung thân.
Trước khi bị lên án, quan đốc cho gọi Ngài tới, dùng lời lẽ ngọt ngào, đánh vào tình cảm để thuyết phục Ngài bỏ đạo. Quan tươi cười hỏi thăm sức khỏe của Cha, mời cha uồng trà rồi thân thiện nói với Cha:
- Hôm nay tôi muốn nói với Cụ một vài điều xuất phát từ tâm tình chân thành của tôi rằng: Tôi rất muốn tha cho Cụ về, vì tôi biết có nhiều người còn thương mến Cụ. Đàng khác, tuổi Cụ cũng đã ngoài lục tuần rồi. Tôi không muốn Cụ phải chết theo lệnh của vua. Vậy tôi xin Cụ nghĩ lại, chiều theo lệnh của vua bước qua Thập Giá để tôi có bằng chứng mà tha cho Cụ về. Cụ hãy nghĩ tới bao người thương mến Cụ, đang mong muốn Cụ được tự do trở về với họ.
Nghe quan đốc nói Cha tỏ ra vẻ bị xúc động. Cha ngước mắt nhìn quan lớn tỏ lòng biết ơn và cha nhẹ nhàng nói:
Bẩm quan lớn! Nghe những lời chân tình của quan lớn, tôi rất xúc động. Tôi biết quan lớn thương mến tôi. Tôi biết còn rất nhiều người thương mến tôi nữa, mong muốn cho tôi được trở về. Chính tôi cũng muốn được trở về vì tôi biết còn rất nhiều người cần đến sự giúp đỡ của tôi nhưng với tư cách là một linh mục, một đạo trưởng, chứ không ai cần đến tôi là người đã chối đạo, bỏ Chúa. Tôi có thể vâng lệnh vua cũng như vâng lệnh quan lớn làm bất cứ việc gì tốt lành. Nhưng vâng lệnh vua mà bước qua Thập Giá, chối Chúa, bỏ đạo thì nhất định là dù có phải chết dứt khoát không bao giờ tôi làm theo vua quan. Nếu phải vâng lệnh vua mà bị chém đầu tôi thì xin quan lớn cứ việc thi hành, tôi hoàn toàn sẵn sàng chịu chết vì đạo Chúa tôi. Tôi xin hết lòng đội ơn quan lớn.
Quan đốc tỉnh Đồng Hới nghe cha nói cũng tỏ ra vẻ cảm động. Quan biết là không còn cách nào có thể thuyết phục được cha nữa nên quan cũng không nói thêm điều gì. Quan lặng lẽ đứng dậy và cho lệnh đưa cha trở về nhà giam.
Ngày 25 tháng 5 năm 1861, án lệnh tử hình Cha Gioan Đoàn Thanh Hoan và ông Trùm Mathêu Nguyễn Văn Phượng được vua Tự Đức phê chuẩn gửi tới Đồng Hới. Ngày hôm sau 26 tháng 5, hai Ngài gặp nhau trên đường ra pháp trường và cùng chịu trảm quyết tại một nơi. Ngay tối hôm trước đó, vị linh mục chiến sĩ Đức Tin của Chúa đi thăm những người bạn tù, khuyên bảo họ: “Giờ cuối cùng của tôi sắp tới. Phần anh  em còn ở lại trần gian đau khổ này. Anh em hãy trung thành với Chúa tới cùng. Hãy cầu nguyện mỗi ngày để Chúa ban thêm sức mạnh mà chịu mọi hình khổ tạm bợ ở đời này. Chúa nhân lành vô cùng, thương yêu chúng ta vô cùng. Chúa sẽ trọng thưởng cho chúng ta tùy theo công đức của chúng ta. Chúa đã nói: “Ai chối bỏ Ta trước mặt vua quan thế gian thì Ta cũng chối bỏ nó trước mặt Cha Ta trên Trời”. Chúa nói như thế nên chúng ta phải can đảm xưng tụng Chúa trước mặt thế gian để Chúa sẽ nhận chúng ta trước mặt Thiên Chúa là Cha của Ngài. Xin anh em cầu nguyện cho tôi hoàn thành thánh ý Chúa cho trọn. Tôi tử biệt anh em nhé”.
Ngày 26 tháng 5 năm 1861 đoàn quan quân hùng hậu áp giải cha tới pháp trường. Cha không tỏ dấu gì lo sợ nhưng nét mặt hân hoan, quay nhìn những người theo sau bằng nụ cười hớn hở. Những người chứng kiến đều bàn tán với nhau: “Cụ già ngoài lục mà bị đưa ra pháp trường chém đầu mà cứ tươi cười, tay cầm tràng hạt, miệng lẩm bẩm cầu kinh. Cụ bình tĩnh quá. Mà đạo của Cụ là đạo thờ Đức Chúa Trời, có gì sai quấy  đâu mà lại đem giết Cụ. Thật là một điều khó hiểu! Người khác nói xen vào: “Đó là lệnh của vua mà! Không tuân lệnh của vua thì phải chết. Thương thì thương Cụ thật đấy nhưng ai dám trái lệnh của vua? Thôi, miễn bàn tán kẻo tới tai các quan thì phải chết không chừng!”
Đoàn quân đã từ từ bước vào pháp trường Đồng Hới, Cha Gioan Đoàn Thanh Hoan quì gối ngước mắt lên trời cầu nguyện: “Con tạ ơn Chúa đã cho con biết trước giờ được đổ máu vì danh Chúa” rồi đưa cổ cho lý hình chém. Ba hồi chiếng trống vang lên, tên lý hình vung gương chém nhát thứ nhất trúng vai, nhát thứ hai vào má, nhát thứ ba trúng cổ đầu rơi xuống đất. Giáo dân được phép vào thấm máu và tẩm liệm đem xác về an táng tại nghĩa trang của các nữ tu ở Mỹ Hương.
Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn Ngài lên bậc Chân Phước ngày 2 tháng 5 năm 1909 và ngày 19 tháng 6 năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã suy tôn lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo trong một thánh lễ vô cùng long trọng tại quảng trường thánh Phêrô của thủ đô Giáo Hội.

Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log