Thánh Giuse Túc sinh 1843 tại họ đạo Hoàng Xá, xứ Ngọc Đồng, tỉnh Hưng Yên trong một gia đình nông dân đạo đức. Cha là ông Giuse Cẩn và mẹ là bà Maria Trí. Gia đình nghèo nhưng cần cù miệt mài với nghề nông, sáng tối ngoài đồng chăm lo ruộng lúa. Ông bà luôn an phận vui vẻ với nếp sống hiền hòa thân thiện với mọi người và thúc giục con cái sáng tối đọc kinh cầu nguyện, sống trọn vẹn với niềm tin nơi Chúa.
Tuy nhiên ông Giuse Cẩn cũng là người có tinh thần cầu tiến. Ông thấy làm nghề nông thật là cực nhọc vất vả, ông không muốn cho cậu con trai của mình mãi mãi sống vất vả như thế, nên ông đã khuyên nhủ con phải chăm lo học hành chữ nghĩa để hy vọng sau này sẽ có đời sống thoải mái hơn. Ông quyết tâm và khuyến khích, lo liệu cho cậu con trai theo đuổi học hành khoa cử. Nhưng lúc đó là thời gian vua Tự Đức ra lệnh bách hại đạo Thiên Chúa vào thời kỳ khốc liệt nhất. Những gia đình Công giáo sống trong hồi hộp lo sợ có thể bị bắt bớ và phân sáp bất cứ lúc nào theo như chiếu chỉ của vua ban hành ngày 5 tháng 8 năm 1861. Nhiều tín hữu đã bị bắt, bị tàn sát và bị ghép vào những tội trạng đáng ghê sợ. Hôm ấy vào khoảng đầu tháng 2 năm 1862, chàng thanh niên hiền lành Giuse Túc đang làm ruộng thì bị một toán quân kéo đến bắt, còng tay xích chân và giải về Hưng Yên, sau đó bị biệt giam bốn tháng tại Đông Khê, phủ Khái Châu. Tại đây anh bị đánh đập, kìm kẹp, ban ngày phải mang gông nặng nề, ban đêm hai chân bị xích và cùm trong xà lim cực khổ. Cũng trong thời gian này, anh bị dụ dỗ, khi thì thân thiện, lúc lại đe dọa, phải bỏ đạo và bước qua Thánh Giá. Nhưng với tinh thần bất khuất, lúc nào anh cũng tỏ ra kiên cường, sẵn sàng chấp nhận mọi hình phạt, mọi tra tấn hay kìm kẹp chứ nhất định không bao giờ bỏ đạo, không bao giờ chịu bước lên Thánh Giá. Cùng bị giam với anh trong tù còn có mấy thanh niên khác như Phêrô Kiên, Phêrô Ngân, Phêrô Lương sau này những thanh niên anh dũng này cũng được phúc đổ máu mình ra vì đạo Chúa và được kể vào số tôi tớ của Chúa. Một người bạn tên là Đa Minh Hùng dụ dỗ vượt ngục, nhưng anh không đồng ý. Sau lại bỏ tiền lo lót quân canh ngục để tạo cơ hội cho anh ra, nhưng anh đã nói với người bạn tốt là anh Đa Minh Hùng rằng: “Tôi sẽ không bao giờ trốn thoát bằng bất cứ cách nào, vì nếu tôi trốn thì sẽ làm khổ cho các bạn tù của tôi. Chúa muốn thế nào thì tôi xin vâng theo như vậy. Tôi chấp nhận mọi hình khổ vi đạo thánh Chúa. Xin Chúa giúp tôi đủ sức chịu đựng, đủ can đảm tuyên xưng Đức Tin của mình”. Trong thời gian bị biệt giam bốn tháng tại Đông Khê, anh Giuse Túc phải chịu đày đọa rất khổ cực và nhục nhã. Ban ngày anh phải mang gông và làm các việc cực nhọc, ban đêm bị cùm kẹp, bị đánh đập, lại phải nhịn đói nhịn khát, chỉ vì anh nhất định không chịu bỏ đạo, không chịu bước lên Thập Giá. Trong suốt thời gian biệt giam này anh không được ai thăm nuôi cũng không nhận được tin tức gì của gia đình. Nhiều lần anh được quan gọi tới để khuyên dụ anh bỏ đạo để được tha về. Nhưng trước sau như một, anh nhất định không bỏ đạo, không bước lên Thập Giá và anh luôn tuyên bố sẵn lòng chịu chết vì đạo Chúa. Nếu vì theo đạo Gia Tô mà phải chết thì anh xin vui lòng chịu chết chứ không bao giờ bỏ đạo. Mặc dầu ban ngày anh phải làm việc cực nhọc nhưng ban đêm anh đọc kinh cầu nguyện suốt đêm, hình như mỗi đêm anh chỉ ngủ chừng một tiếng đồng hồ trong khi hai chân vẫn bị cùm trong xà lim! Nhiều lần quan đã phải thốt lên: - Ta không thể hiểu được anh chàng thanh niên nhà quê hơn 30 tuổi đời này. Anh ít học nhưng lý luận vững chắc và thật khôn ngoan. Chỉ có việc bước lên cây Thập Giá để được tha chết mà cũng không chịu bước lên. Anh chàng thanh niên này thật là anh hùng, dũng chí! Ta không muốn giết anh nhưng lệnh vua thì ta phải tuân hành! Trong cuốn Lịch Sử Truyền Giáo tại Bắc Kỳ của M.Gispert, tác giả có ghi lại lá thư của cha Estévez Nam đề ngày 2 tháng 8 năm 1862 mô tả cuộc bắt đạo ghê gớm tại Hưng Yên lúc bấy giờ như sau: “Trong tỉnh Hưng Yên, các quan còn dữ tợn hơn. Cuối tháng 5 rất nhiều tín hữu bị bắt rồi dẫn lên tỉnh. Ngày 1 tháng 6 các quan giết 100 người, hôm sau giết 600 người, ngày mùng 3 giết nhiều hơn nữa. Các làng ngoại giáo được lệnh giết hết các tù nhân có đạo, và họ đã triệt để thi hành, nên tôi không biết được con số phải chết vì đạo Chúa trong kỳ này là bao nhiêu…”.(Theo M. Gispert trong cuốn Historia las Missiones Dominicas en Tonkin, Avila 1928, tr.510-512). Sau một thời gian khá lâu, khuyên dụ bước qua Thánh Giá để bỏ đạo không thành công, quan làm án tử hình và được vua Tự Đức phê chuẩn, ngày 1 tháng 6 năm 1862 quan ra lệnh điệu ra pháp trường Nam Định xử chém đầu. Một số đông dân chúng chứng kiến, trong đó có anh Đa Minh Hùng là người bạn thân thiết của Ngài kể lại rằng: “Tôi theo Ngài ra pháp trường và tôi thấy Ngài sốt sắng cầu nguyện, miệng luôn kêu tên Giêsu. Sau khi lý hình vung gươm chém, đầu rơi. Lý hình lấy đầu vung lên cao để cho các quan thấy mình đã thi hành trọn bổn phận. Anh Đa Minh Hùng và một số đông người khác đã vào thấm máu và xin xác người chiến sĩ Đức Tin anh dũng 19 tuổi an táng ngay tại chỗ. Sau một thời gian thì được cải táng rước về nhà thờ xứ Ngọc Đồng, tỉnh Hưng Yên. Ngày 29 tháng 4 năm 1951 Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988. Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org