1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ
Thánh Marcellinô là linh mục và thánh Phêrô là nhà trừ quỉ. Lễ nhớ hai thánh tử đạo này được Đức Giáo Hoàng Vigile đưa vào lịch Giáo triều Rô-ma, được xác nhận có trong danh mục các vị tử đạo của thánh Hiêrônimô và trong tất cả các nguồn tài liệu Phụng Vụ của thế kỷ VIII. Lễ cũng đưa chúng ta trở về thời bách hại khủng khiếp do Diocletien phát động năm 303, kéo dài trong vòng mười năm. Các dòng chữ do Giáo Hoàng Damase ghi tại hầm mộ của thánh Marcellinô và Phêrô, gợi lại cuộc tử đạo của các ngài: “Hỡi Marcellinô và Phêrô, hãy lắng nghe những dòng lưu niệm cuộc toàn thắng của các bạn. Khi tôi còn nhỏ, người đao phủ đã kể cho tôi là Damase rằng: kẻ bách hại hung dữ đã ra lệnh chặt đầu bạn trong bụi rậm để không ai tìm được mộ phần của bạn. Tuy nhiên các bạn vẫn vui vẻ, và đã tự tay chuẩn bị cho mình mộ phần này”. Hạnh tử đạo của hai thánh ở thế kỷ VI kể lại: sau khi nhờ phép lạ, người ta tìm thấy thi hài của các ngài, họ chuyển về và mai táng trong hang toại đạo mang tên Hai nhành lá thiên tue, trên đường Labicana, gần Rôma. Bà thánh Hêlêna cho xây một thánh đường tại đó mà người ta khám phá ra hầm mộ của các ngài ở bên dưới vào năm 1887. Rồi Giáo Hoàng Virgile cho phục chế ngôi mộ của các ngài đã bị dân Goth phá hủy. 2. Thông điệp và tính thời sự
Nhờ sự tử đạo, thánh Marcellin và Phêrô “đã cùng anh dũng tuyên xưng đức tin” và nhờ gương lành của các ngài “chúng ta được gìn giữ, chở che mà giữ vững niềm tin” (lời nguyện riêng).
Chúng ta ghi tên của các ngài vào lịch Giáo triều Rôma để mãi mãi nhớ đến các ngài và phổ biến lòng tôn sùng các ngài. Ở Rôma vào thế kỷ IV, chính ngôi mộ của các ngài đã lôi cuốn nhiều người hành hương. Với tư cách là chứng nhân anh dũng và hân hoan cho niềm tin vào Đức Kitô, các ngài nhắc chúng ta nhớ rằng Thiên Chúa yêu kẻ nào biết cho đi cách vui vẻ (bài đọc một: 1 Cr 9, 6-10). Vì bị thế gian ghen ghét (Tin Mừng: Ga 17,11-19), các ngài đã kín múc sức mạnh cho mình nơi Chúa (Xướng đáp – Bài đọc - Kinh sách), vì biết rằng, như Đức Giêsu đã hy sinh mạng sống cho chúng ta, chúng ta cũng phải hy sinh mạng sống của chính mình. Origène cổ vũ chúng ta nên chấp nhận sự đau khổ và phúc tử đạo như sau: “Chúng ta hãy hết sức vui mừng đón nhận những nổi khổ đau của Đức Kitô và ước gì những nỗi khổ đau ấy tràn ngập nơi chúng ta... Ai thông phần đau khổ với Đức Kitô, thì cũng thông phần ủi an với Người, tương xứng với phần đau khổ mình đã chia sẻ với Người” (Bài đọc – Kinh sách).
tonggiaophanhanoi.org