1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ
Người ta ấn định ngày này để nhớ đến 22 vị thánh tử đạo Châu Phi da đen, bị giết tại Ouganda giữa 26 tháng 5; 3 tháng 6 năm 1886; và 27 tháng 1 năm 1887. Ngày 3 tháng 6 nhắc lại cuộc tử đạo của Thánh Charles Lwanga và 12 bạn chịu thiêu sống sau khi chịu nhiều cực hình khủng khiếp, tại Rubaga (03.06.1886). Các ngài là những của lễ hy tế đầu tiên trong cuộc bách hại do Mwanga chủ xướng. Ông là vị vua thâm độc và khát máu trong miền Đại Hồ (Grands Lacs). Các ngài được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV phong chân phước năm 1920 và được Đức Phaolô VI phong hiển thánh năm 1964, nhân chuyến viếng thăm của ngài tại Châu Phi. Ouganda trước tiên được các linh mục Hội truyền giáo Châu Phi (Pères Blancs) rao giảng Tin Mừng năm 1879. Năm 1882, họ bị đuổi khỏi nơi này, nhưng hai năm sau họ trở lại theo lời yêu cầu của vua Mwanga. Sau đó, chính ông lại bách hại các Kitô hữu hết sức tàn bạo. Để trả thù, một viên chức bị bắt trong khi âm mưu chống vua Mwanga đã thúc đẩy vua trước hết giết một số Kitô hữu và giám mục Anh Giáo Hannington (1885), bị cáo gian làm gián điệp. Sau đó vua sai chém đầu Joseph Mukusu, trưởng đội những người phục vụ. Họ bị cáo là “những người cầu nguyện” (17 tháng 11 năm 1885). Charles Lwanga là người đầu bếp mới của triều đình, đã chuẩn bị cho mười hai bạn được phúc tử đạo. Sau khi bị kết án tử hình, các ngài bị dẫn đến địa điểm hành hình ở Kampala. Trong lúc đó, người bạn của vua là André Kagwa, bị chặt đầu rồi hỏa thiêu. Hôm sau, một nhân vật nổi tiếng khác cũng bị giết cách tàn bạo, đó là Matthias K.Mulumba. Các văn kiện của vụ án phong thánh đều ví Matthias K. Mulumba như “đoá hoa đẹp nhất trên chiếc triều thiên” của các thánh tử đạo này. Sau khi trở lại đạo và chịu phép thánh tẩy, ngài không còn quan tâm đến các danh vọng bổng lộc ban cho ngài với tư cách là nhân vật cao cấp trong triều, ngài nói: “Tôi không phải là một người nô lệ, nô lệ của Đức Giêsu Kitô sao ?” Sau vài ngày cần thiết chờ đợi để chuẩn bị ra pháp trường và trong khi vài kiếm đồng đã bị giết chết dọc đường, người ta xiềng xích các tù nhân. Người đầu tiên phải lên giàn hỏa thiêu là Charles Lwanga. Rồi những người khác, lần lượt bị thiêu sống. Trong nhóm họ có con trai của người trưởng toán lý hình. Anh không chấp nhận được tha bổng và trả lời cha: “Vua đã ra lệnh cho cha phải giết con. Con muốn chết vì Đức Giêsu Kitô”. Jean-Marie Jamari được mệnh danh là bậc “tiền bối” do bởi dáng vẻ oai nghi trang trọng và luôn sẵn sàng giúp đỡ người thân cận, hai năm sau cũng bước theo các bạn tử đạo của mình; ngài bị nhấn chìm trong hồ ngày 27 tháng 1 năm 1887. Do đó, thật xứng đáng khi Đức Piô XI công bố Charles Lwanga là thánh Bảo Trợ cho Công Giáo Tiến Hành và giới trẻ châu Phi. 2. Thông điệp và tính thời sự
a. Lời nguyện trong ngày lễ được mở đầu bởi câu nói danh tiếng của Tertullien, cũng là một giáo dân châu Phi: “Lạy Chúa, Chúa đã cho máu tử đạo làm nảy sinh thêm nhiều Kitô hữu...” và lời nguyện tiếp theo: “Xin cho máu của thánh Lwanga và các bạn đã tưới xuống cánh đồng Hội thánh cũng đem lại một mùa lúa dồi dào”.
Nhân chuyến hành hương sang châu Phi năm 1964, Đức Phaolô VI đã cử hành Thánh lễ phong thánh trên các hũ đựng di hài các thánh tử đạo. Như thế Ngài lặp lại truyền thống của thánh Cyprien là cử hành hy tế Tạ Ơn trên các mộ thánh tử đạo thành Carthage. Như để nhấn mạnh câu nói danh tiếng của Tertullien, Đức Giáo Hoàng tuyên bố rằng các tân thánh tử đạo này của châu Phi như thêm một mắc xích mới vào chuỗi các vị tử đạo của châu Phi xưa: “Thánh Augustinô và nhà thơ Prudence đã kể lại những thành tích đầy xúc động của các vị tử đạo ở Scillium, ở Carthage, và của các vị tử đạo trong “Đoàn Người Trắng thành Utique” (300 vị chết trong hầm vôi đang sôi). Thánh Gioan Kim Khẩu hết lời tán dương các vị tử đạo Ai-cập, cùng với thành tích của các vị tử đạo trong cuộc bách hại của những người Vandales xưa...”
b. Lời nguyện trên lễ vật gợi lại việc các thánh tử đạo trẻ tuổi đã từ chối và chống lại những lời khiếm nhã của Đức vua, họ thà chết hơn là phạm tội. Như thế, họ làm sống dậy các hành vi và cử chỉ của các thánh tử đạo vào những thế kỷ đầu tiên trong lòng Giáo hội trẻ trung vừa được rao giảng Tin Mừng từ thế kỷ XIX.
c. Lời nguyện hiệp lễ giúp chúng ta nắm được ý nghĩa hiện thực của ngày lễ nhớ các thánh tử đạo Ouganda. “Chính trong hy lễ Tạ Ơn mà các ngài đã tìm được sự dũng cảm để chịu đựng các nỗi cực hình”. Chúng ta cũng thế, giữa muôn vàn thử thách, chúng ta sẽ nhận lấy, trong mầu nhiệm hy lễ Tạ Ơn, một niềm tin và lòng bác ái tinh tuyền, không khiếm khuyết.
Enzo Lodi
tonggiaophanhanoi.org