Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã phải chịu trăm ngàn hình khổ rất tàn bạo khác nhau do những cuộc cấm đạo ác nghiệt của các vua Thiệu Trị, Minh Mạng và Tự Đức. Những án phạt kinh hoàng như phải phanh thây, chặt đầu, chặt chân, chặt tay, mổ bụng, có những vị phải giam chung với rắn rết, nhịn đói nhịn khát đến chết rũ tù, có những vị phải thiêu sống, phần đông các vị phải án chặt đầu. Lịch sử còn ghi trong số 117 vị Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam, có 6 vị bị án thiêu sống dưới triều vua Tự Đức.
Thánh Đa Minh Toại và thánh Đa Minh Huyện là hai vị thánh bị án thiêu sống đầu tiên trước sự chứng kiến của vợ con và bạn hữu. Các vị đã trở nên của lễ toàn thiêu đúng nghĩa dâng lên Thiên Chúa, để chứng minh sự trung thành tuyệt đối với đạo thánh Chúa. Hai Ngài đã vui mừng được biết án lệnh thi hành trước ba ngày. Các Ngài không sợ hãi, nhưng vui mừng từ giã gia đình, bạn bè và thân hữu trong sự an bình, hoan lạc. Sở dĩ hai Ngài cùng bị chung một án như nhau và được cùng nhau đổ máu đào để làm chứng Đức Tin là vì cả hai đều là người sinh trưởng ở làng Đông Thành, tỉnh Thái Bình. Thánh Đa Minh Toại con ông Đa Minh Phiệt và bà Maria Mạch, bị bắt lúc 51 tuổi. Thánh Đa Minh Huyện con ông Phêrô Thiên và bà Maria Duyên, bị bắt lúc 45 tuổi. Các Ngài làm nghề ngư phủ, ngày ngày đi đánh cá đánh tôm trên sông Nhị Bình gần cửa Ba Lạt. Cả hai Ngài đã lập gia đình và đều là con chiên của Chúa thuộc Khu Thánh Danh Chúa Giêsu, họ Đông Thành, xứ Kẻ Mèn, thuộc địa phận Trung Đàng Ngoài, tỉnh Nam Định, nay thuộc về giáo phận Thái Bình. Khi vua Tự Đức ra chiếu chỉ Phân Sáp hồi tháng 8 năm 1861 thì mọi gia đình người Công giáo đều bị phân tán, dân ngoại giáo được phép tràn vào những nơi có người Công giáo cư ngụ bắt người, lấy của, vơ vét hết của cải một cách không cần thương xót! Những người Kitô hữu bị bắt thì bị giải lên huyện nộp cho quan rồi bị khắc hai chữ Tả Đạo trên má bằng chiếc kìm nung đỏ, sau đó tống vào ngục. Làng Đông Thành cũng bị chung một số phận ấy do chiếu chỉ của vua ban ra. Quân lính đến vây chung quanh làng Đông Thành, nhiều người trốn thoát được. Nhưng ông Đa Minh Huyên và ông Đa Minh Toại thì họ đã bắt được ngay từ đầu. Cả hai bị giải nộp cho quan huyện Quỳnh Côi. Ông Đa Minh Toại vì chân đau không thể đi bộ được nên họ đề nghị nộp tiền chuộc. Nhưng Ngài không muốn mất cơ hội may mắn đổ máu mình ra để làm chứng lòng Tin và sự trung thành tuyệt đối với Thiên Chúa. Do đó Ngài đã xin quan cho phép đi xe tới huyện và sẽ tới nộp mạng để được chia sẻ hạnh phúc “chết cho Chúa” với các bạn tín hữu đã bị bắt đồng cảnh ngộ. Ngày hôm sau tới huyện Quỳnh Côi, cả hai ông phải ra trước toà án lấy cung rồi bị tra khảo, khuyên dụ bỏ đạo, bước qua Thánh Giá thì quan sẽ tha cho trở về với vợ con. Nhưng hai Ngài đã cương quyết xác định lập trường của mình: - Nhất quyết không bao giờ bỏ đạo, không bao giờ bước qua ảnh tượng Chúa. Sẵn lòng chịu mọi hình khổ ở đời này để giữ một lòng trung thành yêu mến Chúa. Quan hy vọng dần dần với thời gian hai ông sẽ thay đổi lập trường Đức Tin, nên quan truyền tống giam vào ngục Tăng Già. Các Ngài bị giam ở đây chín tháng. Trong chín tháng này, hai ông bị tra tấn dã man, bị kìm nung đỏ kẹp da cháy thịt, bị nhịn đói nhịn khát, bị hành hạ khốn khổ. Trước những khổ hình này, hai ông vẫn vui mừng chịu vì Chúa, vẫn một lòng kiên cường, can đảm, miệng luôn xưng đạo Chúa. Lần cuối cùng hai ông bị điệu ra công đường, quan nhất quyết ép hai ông đạp lên Thánh Giá. Nhưng hai ông đã cương quyết chống lại một cách rất kịch liệt. Thấy sự cứng lòng của hai ông, quan biết không thể lay chuyển được lòng tin của các ông nên kết án phải thiêu sống. Biết bản án sẽ bị thiêu sống, các Ngài hân hoan vui mừng, trở lại gặp gỡ và nói với các bạn tín hữu cùng tù: - Anh em hãy cam đảm lên! Chúng ta chịu khổ hình vì Chúa Kitô, nên chúng ta phải đón nhận đau khổ cách nhẫn nại. Chúng ta phải bền chí đến cùng và nếu cần chúng ta phải sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Chúa nữa. Sáng ngày 5 tháng 6 năm 1862, hai ông hân hoan theo đội lính tiến ra pháp trường Nam Định. Nét mặt hân hoan, miệng sốt sắng đọc kinh cầu nguyện. Hai ông bình tĩnh một cách rất tự nhiên tiến tới dàn hỏa thiêu đang sẵn sàng chờ đợi các ông. Các ông bình thản bước vào cũi tre. Đội lính thi hành phận sự khóa chặt cũi tre lại. Những người hiện diện, trong đó có người vợ của thánh Toại và một bà tên Anna Ngư cùng một số thân hữu trong xứ đạo, tất cả đều xúc động khóc nức nở khi nghe rõ các ông cất tiếng cầu nguyện thật lớn trong khi ngọn lửa đang bừng bừng bốc cháy thiêu đốt hai chứng nhân kiên cường tuyệt vời của Chúa Kitô. Viết tới đây, chúng tôi nhớ lại lời nguyện cầu của thánh Polycarpô cũng lớn tiếng khẩn cầu với Chúa trên dàn lửa lúc bị thiêu sống như sau: - “Lạy Chúa các Thiên Binh, Chúa trời đất, Đấng bênh vực kẻ công chính và những ai bước đi trong sự hiện diện của Người. Con là một kẻ hèn mọn trong các tôi tớ của Chúa đây, xin tạ ơn Người đã cho con vinh dự được đau khổ, được cầm trong tay triều thiên tử đạo và được kề môi đón nhận chén thương khó. Này đây lạy Chúa, hiến tế con sắp hoàn tất trong ngày hôm nay, con sẽ được thấy lời hứa của Người thể hiện. Amen”. Sau khi ngọn lửa dần dần hạ xuống thì xác hai vị thánh anh hùng tử đạo cũng dần dần ngã gục xuống đất. Đợi cho tới khi khi ngọn lửa tàn, quan cho phép thân nhân nhận xác đem về an táng. Sau này được cải táng đưa về nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu, họ Đông Thành, xứ Kẻ Mèn, nay thuộc giáo phận Thái Bình. Ngày 29 tháng 4 năm 1951, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn hai Ngài lên bậc Chân Phước và ngày 19 tháng 6 năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng hai Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam. Xin các Ngài cầu cùng Chúa cho chúng con. Amen. Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org