Thánh Vinh Sơn Đỗ Yến sinh năm 1764 tại làng Trà Lũ thuộc giáo xứ Phú Nhai, giáo phận Bùi Chu, tỉnh Nam Định.
Ngay từ khi còn nhỏ, Ngài đã sốt sắng đọc kinh cầu nguyện, thích đi tu, dâng mình cho Chúa. Tới 12 tuổi Ngài xin vào Chủng viện để tu học. Nhờ trí không minh và đức độ nên được bề trên thương mến. Khi đã học xong chương trình triết và thần học thì Ngài được lãnh chức linh mục qua sự đặt tay của Đức Cha Delgado Y năm 1798. Đến năm 1806 Ngài xin gia nhập Dòng Đa Minh và ngày 22 tháng 7 năm 1807 Ngài lãnh áo Dòng Đa Minh và năm sau thì khấn ba lời khấn của Dòng. Đời sống của cha Vinh Sơn Đỗ Yến thật là một đời sống rất gương mẫu về sự hiền hoà, lòng bác ái, tính tận tâm trong tất cả mọi công việc được trao phó. Ngài lấy sự khiêm tốn và nhịn nhục làm khuôn thước cho mọi giao tế trong khi thi hành chức vụ. Những người được sống gần Ngài đều nhận thấy rằng tâm hồn Ngài luôn luôn bùng cháy ngọn lửa yêu mến Chúa và tha nhân. Ban đầu, bề trên sai Ngài coi xứ Kẻ Mát, sau về Kẻ Sặt. Ở đâu Ngài cũng nhiệt tình khuyên bảo và làm mọi cách để củng cố Đức Tin cho các tín hữu. Giáo hữu rất thương mến Ngài vì lúc nào cũng thấy Ngài vui vẻ, cởi mở, dịu hiền, bình tĩnh, khôn ngoan và thánh thiện. Mọi công việc mục vụ trong những năm đầu dưới triều vua Gia Long (1802-1820) và đầu thời vua Minh mạng, đối với cha Vinh Sơn Đỗ Yến tương đối còn dễ dàng. Nhưng bước sang năm 1838 vua Minh Mạng hạ lệnh tiêu diệt đạo Công Giáo, nhất là trong điạ phận Đàng Ngoài thì nhiều giám mục, linh mục, thầy giảng và giáo dân đã can trường hy sinh chính mạng sống mình vì đạo Chúa. Các nhà thờ, nhà trường và làng mạc Công giáo đều bị đốt phá. Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn này cha già Vinh Sơn Đỗ Yến phải ẩn trốn nay nhà này, mai nhà khác. Có kẻ nội gián báo cho quan biết là cha già Vinh Sơn Đỗ Yến còn lẩn trốn trong làng Kẻ Sặt cho nên quan cho tăng thêm binh lính về vây bắt và kiểm soát rất khắt khe từng gia đình. Quan lại nói nếu không bắt được linh mục Đỗ Yến thì quan sẽ cho lệnh tàn phá bình địa làng Kẻ Sặt. Thấy tình thế bị đe dọa quá sợ hãi, cha Vinh Sơn Đỗ Yến âm thầm ra đi trong nỗi niềm đau xót khi phải bỏ đoàn chiên. Lợi dụng lúc tối trời cha trốn sang họ Thừa rồi tìm đường đến họ Lực Điền Hưng Yên.Trên đường đi, Ngài gặp ông Cai Phan là chỗ quen biết. Ông Cai Phan tỏ vẻ cảm thông và năn nỉ Cha dừng chân tạm nghỉ ở nhà ông. Ngay đêm hôm ấy, ông trở mặt bắt Cha, đóng gông và giải Cha về Hải Dương. Giáo dân Kẻ Sặt và Lưc Điền biết tin liền chạy đến đem tiền bạc điều đình để chuộc Cha. Nhưng ông này nhất định không chịu và áp giải Cha về nộp cho quan đầu tỉnh Hải Dương để hy vọng lấy tiền thưởng nhiều hơn Quan Tuần Phủ Hải Dương là người có lòng tốt lại đã biết danh tiếng của Cha già Vinh Sơn Đỗ Yến, quan sẵn lòng quí mến nên quan không muốn hành hạ Cha. Sau ba ngày giam giữ quan cho lệnh đưa Cha ra toà. Quan thấy một cụ già phúc hậu với bộ râu đáng kính nét mặt hiền hoà lại không muốn vấy máu vị đạo trưởng. Quan xin Cha tự nhận là lang y để quan phóng thích. Nhưng vị tông đồ anh dũng của Chúa khiêm tốn đáp lời: - “Thưa quan, tôi không phải là thầy lang. Tôi là linh mục chuyên giảng đạo và dâng lễ tế lên Thiên Chúa. Tôi sẵn lòng chịu chết chứ không thể nói dối để được sống”. Quan lại bày mưu khác để cứu Cha. Quan truyền vẽ một hình vòng tròn rồi yêu cầu cha bước qua hình vòng tròn đó, được coi như là bước qua Thánh Giá. Cha lại khẳng khái trả lời: - “Thưa quan, làm như thế cũng như tôi chối đạo, bỏ Chúa rồi! Tôi không thể làm được”. Sau cùng, quan Tuần Phủ thấy không còn cách nào thuyết phục vị linh mục đáng kính này bỏ đạo được nên quan phải làm tờ trình gửi về kinh đô và vì không muốn đích thân xử án vị linh mục lão thành đáng kính nên quan xin triều đình cho giải Cha về nguyên quán là tỉnh Nam Định để xử. Vua Minh Mạng không chấp thuận lời yêu cầu của quan Tuần Phủ Hải Dương và làm án tử hình ngay. Bản án ký ngày 20 tháng 6 năm 1838, nội dung như sau: - “Đỗ Yến người bản quốc là đạo trưởng Gia Tô, bị bắt mà vẫn không chịu bỏ đạo. Thật là người ngu muội, cố tình không theo đường ngay lẽ phải. Vậy trảm quyết ngay, giải về Nam Định làm gì nữa?” Ngày 30 tháng 6 năm 1838 quan Tuần Phủ cho thi hành án lệnh của vua Minh Mạng, Cha già đáng kính Vinh Sơn Đỗ Yến hiên ngang theo toán quân tiến ra pháp trường, gần họ Bình Lao, cách tỉnh Hải Dương chừng một cây số về hướng phía Tây. Nhìn một cụ già đã 74 tuổi đi bên cạnh toán quân lý hình, nét mặt vui tươi, hân hoan bước từng bước, nhiều người bị xúc động nức nở khóc. Nhưng Cha ôn tồn nhắn nhủ: - “Anh chị em đừng khóc, nhưng hãy vui mừng tạ ơn Chúa đã thương ban cho tôi được phúc tử đạo. Anh chi em hãy kiên vững gìn giữ Đức Tin. Hãy luôn tin tưởng và trung thành với Chúa” Nói xong, Ngài qui xuống đất cầu nguyện rất sốt sắng rồi đưa cổ cho lý hình thi hành phận sự. Lý hình vung gươm thật cao chém một nhát đứt ngay cổ, đầu người tôi tớ anh hùng của Chúa rơi xuống đất. Quan tặng một tấm khăn lớn để liệm xác và truyền khâu đầu vị tử đạo vào cổ rồi giáo hữu họ Bình Lao xin đưa về an táng. Nhưng tám tháng sau họ lại cải táng đưa về nhà thờ Thọ Ninh. Khi cải táng, người ta thấy thi hài Ngài còn nguyên vẹn như vừa mói ly trần. Một người ngoài Công giáo tên là Trưởng Dong quen biết lúc Ngài còn sống được chứng kiến tận mắt đã sửng sốt kêu lên: - “Thật là người sống khôn thác thiêng. Đã tám tháng mà không tiêu hao chút nào, không hôi tanh mà lại còn phảng phất mùi thơm tho nữa”. Vị linh mục lão thành đáng kính và là nhân chứng oai hùng của Đức Tin đã được Đức Giáo Hoàng Lêô XIII suy tôn Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988. Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org