Thánh Philipphê Phan Văn Minh sinh năm 1815 tại Họ Cái Mơn, quận Mỏ Cầy tỉnh Vĩnh Long. Cha là ông Đa Minh Phan Văn Đức và mẹ là bà Anna Tiếu. Ông giữ chức Trùm Họ Cái Mơn và có 14 người con, cậu Phan Văn Minh là con út của gia đình. Gia đình ông Đa Minh Phan Văn Đức được nổi tiếng là một già đình Công giáo đạo đức.
Nhưng không may mắn cho gia đình là ông bà Phan Văn Đức đều được Chúa sớm gọi về với Chúa, nên mọi công việc trong gia đình đều do người chị cả phải thay cha mẹ đảm đang gánh vác.Cậu Phan Văn Minh là người em út nên được chị cả yêu thương săn sóc đặc biệt. Chị chu đáo lo cho em học giáo lý để xưng tội rước lễ lần đầu rồi ngay sau đó chị lại dạy cậu em học thêm giáo lý về bảy ơn Chúa Thánh Thần cho cậu em lãnh nhận bí tích Thêm Sức lúc 13 tuổi. Ngay từ nhỏ, cậu Philipphê Phan Văn Minh đã tỏ ra thông giỏi nên Đức Cha Taberd nhận nuôi và gửi cậu vào Chủng viện Lái Thêu. Nhưng chỉ một thờ gian ngắn tới năm 1833 thì Chủng viện Lái Thêu phải đóng cửa vì lệnh cấm đạo của vua Minh Mạng lúc đó rất nghiêm ngặt Trong thời gian khó khăn này, thầy Minh phải theo Đức Cha lánh sang Thái Lan rồi sau đó, Đức Cha gửi thầy sang du học tại Đại Chủng viện Pénăng, Mã Lai. Tại đây, thầy học rất xuất sắc và được bầu làm Trưởng Tràng trong nhiều năm. Thầy được mọi người từ Ban Giáo sư tới các anh em đồng viện mến phục về tư cách, lòng đạo đức, trí thông minh và nhất là sự khiêm tốn, vui vẻ, hoà đồng với mọi người.Vì được quí mến như thế cho nên ngày nay nếu tới viếng thăm Đại Chủng viện Pénăng, du khách sẽ thấy tại sân trường, vẫn còn pho tượng bán thân và ngay trong Nhà Nguyện vẫn có tượng của cha thánh Philipphê Phan Văn Minh đặt trên bàn thờ. Đây quả là một vinh dự không những chỉ cho Chủng viện Pénăng mà còn là một vinh dự lớn lao cho Giáo Hội Việt Nam chúng ta nữa.. Khi thầy học xong thần học thì lúc ấy Đức Cha Taberd đang dưỡng bệnh tại Calcutta, Ân Độ, biết thầy Phan Văn Minh rất có khả năng cả về La tinh lẫn tiếng Việt nên Đức Cha gọi thầy sang Calcutta Ấn Độ để cùng với Ngài soạn bộ Tự điển Annam-Latinh, một cuốn Tự Điện rất lớn và giá trị. Sau khi hoàn tất chương trình triết và Thần học, thầy lãnh chức Phó Tế rồi trở về Việt Nam theo lệnh bề trên. Thầy về phục vụ ở Bổn Quán. Trong thời gian này thì Toà Thánh ra chỉ thị phân chia miền Nam thành hai giáo phận Huế và Saigòn. Đức Cha Lefèbre lúc bấy giờ đang bị giam tại Cung Quán Huế được chỉ định làm Giám mục giáo phận Saigòn. Được tin vui mừng này thầy Philipphê Phan Văn Minh vội vã ra Huế tìm đến thăm và chúc mừng vị Giám mục mới của Giáo phận Saigòn. Đức Cha vui mừng gặp thầy và muốn truyền chức linh mục cho thầy. Nhưng vì còn đang bị giam tù nên Đức Cha Lefèbre đã biên thư xin Đức Cha Cuénot Thể truyền chức linh mục cho thầy Phó Tế Phan Văn Minh. Được thư của Đức Cha Lefèbre cậy nhờ, Đức Cha Cuénot Thể đã mau mắn truyền chức linh mục cho thầy Philipphê Phan Văn Minh tại Gia Hựu, Huế lúc thầy mới 31 tuổi. Từ năm 1840, sau khi vua Minh Mạng qua đời, vua Thiệu Trị lên ngôi, đạo Chúa được hưởng một thời gian tương đối an bình. Tuy vua Thiệu Trị không ra lệnh hủy bỏ những sắc lệnh cấm đạo, nhưng việc cấm đạo không còn gay gắt như trước. Biết các sắc lệnh cấm đạo vẫn duy trì nên các vị Thừa Sai, các linh mục, giám mục vẫn còn phải trốn lánh chưa dám công khai thi hành mục vụ. Nhưng trong âm thầm, các Ngài vẫn tích cực lo mục vụ cho các con chiên bổn đạo của mình. Trong hoàn cảnh này, Cha Phan Văn Minh đã được Đức Giám mục ban quyền để Cha được phép ban Phép Thêm Sức và thi hành mục vụ trong toàn giáo phận.Do đó, cha đã tích cực một cách can đảm lần lượt đi làm phúc cho các xứ đạo: Đầu Nước, Xoài Mút, Chợ Búng, Cái Nhum, Cái Mơn, Ba Giòng, Bãi San, Chà Và, Mặc Bắc v.v. Năm 1847 vua Tự Đức lên ngôi, rồi liền sau đó, từ năm 1848 việc cấm đạo lại trở nên tàn ác dữ dội hơn bao giờ hết. Tháng 3 năm1851 vua Tự Đức ra chiếu chỉ, truyền cấm đạo, bắt chém đầu và buông sông các đạo trưởng tây phương, tra tấn, kìm kẹp, hành nhục và xử tử các linh mục bản quốc, phát lưu và phân tán những người theo “Gia Tô Tả Đạo”. Vua truyền các quan Tổng Đốc các tỉnh phải vâng lệnh triệt để thi hành chiếu chỉ này một cách nghiêm minh. Trong những năm vô cùng khó khăn này, cha Phan Văn Minh vẫn một lòng tin cậy phó thác nơi Chúa và bình tĩnh thi hành mọi công tác mục vụ. Hằng ngày bằng mọi cách Cha vẫn lén lút tới thăm viếng và dạy giáo lý cho giáo dân trong các vùng Tiền Giang, Hậu Giang một cách rất đều đặn. Các giáo hữu đều cảm phục sự nhiệt thành và lòng dũng cảm của cha, nhiều người đã chuyền miệng nhau: “Cha hiền từ đức hạnh, Cha thay mặt Đức Chúa Trời, Cha thật hiền lành giống Chúa Giêsu nữa”. Ngoài việc dạy giáo lý và lo lắng vun trồng Đức Tin cho mọi người, Cha còn lo việc cổ động ơn gọi linh mục và tu sĩ nữa. Có lần Cha đã tâm sự với người con đỡ đầu của Cha là linh mục Giacôbê Bình rằng: “Cha nuôi nhiều học trò, nhưng không chắc có ai nối gót Cha được. Vậy con hãy siêng năng cầu nguyện cùng Chúa và Đức Mẹ và con hãy cố gắng tập luyện các nhân đức. Cha hy vọng Chúa sẽ chọn con để nối tiếp công việc của Cha. Con hãy theo ơn Chúa mà học hành tới nơi tới chốn, hy vọng Chúa sẽ chọn con làm linh mục sau này”. Tháng 12 năm 1852, vâng lời cha Borelle đang cai quản vùng Cái Nhum, Cha Phan Văn Minh tới Mặc Bắc thay thế cha Nguyễn Văn Lựu, chánh xứ Mặc Bắc đã bị một người tại đó tên là Bếp Nhẫn vì có lần xin tiền cha đi đánh bạc, Cha Lựu không cho nên anh Bếp Nhẫn để lòng thù ghét rồi đi tố cáo với quan cha Nguyễn Văn Lựu là đạo trưởng. Cha Lựu đã trốn sang Ba Giòng và cha Phan Văn Minh đã âm thầm tới thay cha Lựu và trú ngụ tại nhà ông Trùm Họ Mặc Bắc là ông Nguyễn Văn Lựu. Bếp Nhẫn vì thù cha Nguyễn Văn Lựu, đồng thời tham món tiền thưởng vua hứa, nên đã tới bàn tính với Xã Hiệp và Lý Vắp rồi dẫn quân lính từ tỉnh Vĩnh Long về bao vây làng Mặc Bắc để bắt cha Nguyễn Văn Lựu. Hôm ấy là tối Thứ Bảy ngày 26 tháng 2, khi mọi người đọc kinh tối vừa xong thì quân lính đã được Bếp Nhẫn chỉ điểm rằng cha Nguyễn Văn Lựu đang ẩn trốn tại nhà này, nên họ đã kéo thẳng tới bao vây nhà ông Trùm Nguyễn Văn Lựu. Quân lính xông xáo và hò hét, bắn súng dọa nạt, đe đốt nhà Ông Trùm Lựu ra thưa với quan: - “Thưa quan, quan cho quân tới bắt ai ở đây” Quan trả lời: - “Ta có lệnh tới bắt đạo trưởng Nguyễn Văn Lựu Ông Trùm Lựu thưa: - “Thưa quan, ở đây không có đạo trưởng Nguyễn Văn Lựu, chỉ có tôi là Nguyễn Văn Lựu mà thôi”. Quan ra lệnh bắt trói mọi người trong nhà, trong số đó có cả mấy chủng sinh cũng đang lẩn trốn vớ cha ở đó. Thấy cả nhà bị bắt, sợ vì mình mà cả nhà bị bắt bớ, cha Phan Văn Minh ra nộp mình, nói với quan: -“Nếu các ông tìm đạo trưởng thì tôi đây là đạo trưởng. Tôi không phải là đạo trưởng Nguyễn Văn Lựu. Tôi xin quan tha cho những người này” Quan bắt trói cha vào cột nhà, vì quan sợ bên đạo có phù phép Quan nhất quyết hỏi và bắt cho bằng được đạo trưởng Nguyễn Văn Lựu. Quan hỏi cha Minh: - “Đạo trưởng Nguyễn Văn Lựu đâu? Cha Phan Văn Minh trả lời: - “Tôi là Đạo trưởng, còn Nguyễn Văn Lựu là ông chủ nhà này. Quan lãnh binh được lệnh đi bắt đạo trưởng Nguyễn Văn Lựu, mà bây giờ lại bắt được đạo trưởng Phan Văn Minh, chủ nhà lại là tên Nguyễn Văn Lựu. quan thấy hơi lạ, nên lại một thêm một lần nữa: - “Đạo trưởng tên là Nguyễn Văn Lựu, mà thầy không phải là Đạo trưởng Lựu. Vậy Đạo trưởng Lựu đâu? Cha Minh vẫn nhắc lại câu trả lời trên: - “Thưa quan, Tôi là đạo trưởng, còn Nguyễn Văn Lựu là ông chủ nhà này”. Sau đó quan bắt trói giải về tỉnh Vĩnh Long cùng với ông Trùm Nguyễn Văn Lựu và một số viên chức đã không chịu tố cáo các đạo trưởng. Tại nhà giam tỉnh Vĩnh Long, cha Phan Văn Minh bị quan Tổng đốc Lý, quan án Doãn, quan bộ Hoài tra hỏi cha nhiều điều về lý lịch các linh mục những nơi trú ngụ, những liên hệ với giáo dân v.v. Nhưng cha đã khôn ngoan trả lời tất cả các thắc mắc mà các quan cũng không thể khai thác được gì. Cá c quan nổi giận ra lệnh cho hành hạ, tra tấn, bắt đeo gông cùm, xiềng xích. Có khi quan lại cho dụ dỗ, cho lính đem Thánh Giá tới để Cha bước qua, có khi lại dọa nạt, đánh đập, kìm kẹp v.v. Trước tất cả những cám dỗ và hình phạt đau đớn cha Phan Văn Minh vẫn giữ vững lập trường sắt đá, không bao giờ bước qua Thánh Giá, không bao giờ bỏ Chúa, quyết chí trung thành với Chúa và Hội Thánh. Các quan thấy cha mới 38 tuổi. còn trẻ trung lại thông minh, hiền hoà, dễ thương nên muốn tha cho cha, không bắt cha bước qua Thánh Giá nữa mà chỉ cần cha nói: “tôi xin bỏ đạo” thì các quan cũng tha. Nhưng Ngài cũng một mực từ chối, không làm theo những lời dụ dỗ quái ác đó được. Ngài nói: - “Xin các quan xét, tôi không thể khai dối trá.như thế đươc. Các quan làm án chém đầu tôi, tôi cám ơn và sẵn sàng chấp nhận chứ theo các quan mà nói như thế thì tôi không dám”. Trước thái độ cương quyết đó, các quan thấy không còn làm gì hơn được, các quan cho lệnh đem Ngài về giam tại Tuyến Phong chờ ngày thi hành án lệnh. Trong ngục tù, Ngài luôn hãnh diện vì là linh mục và đầy lòng thương mến các bạn tù, dù phải chịu hình khổ và nhiều điều xỉ nhục. Vì không lay chuyển nổi đức tin sắt đá của Ngài, các quan rất thương mến Ngài nên đã lên án “Phát lưu ra Bắc” và gửi án vào kinh xin châu phê. Nhưng vua Tự Đức không nghe, vua truyền phải xử tử. Thế là ngày 3 tháng 7 năm 1853 Ngài đã hiên ngang tiến ra pháp trường cùng với đội lính hùng hậu đi theo. Trên đường ra pháp trường, Đình Khao Vĩnh Long , đi qua bờ sông Long Hồ tới Cái Sơn Bé, quan đã dọn bữa ăn sau cùng cho người tử tội trước khi bị chém. Nhưng Ngài đã cám ơn và từ chối. Lòng tràn ngập hân hoan, miệng tươi cười từ giã mọi người. Tới nơi xử, Cha Philipphê Phan Văn Minh quì chăm chú cầu nguyện.: - “Lạy Chúa, xin xót thương con. Lạy Chúa Giêsu, xin cho con sức mạnh và can đảm chịu khổ hình để vinh danh Chúa. Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ nâng đỡ con”. Ba hồi chiêng trống rộn rã vang lên, lý hình vung cao lưỡi gươm chém đứt cổ vị linh mục trẻ trung, thông thái và trung thành với Chúa cho tới hơi thở cuối cùng. Giáo hữu tới xin xác và rước về Cái Nhum. Các linh mục Gioan Thiềng, Phaolô Lượng và Laurensô Lân cử hành lễ an táng cho Ngài. Sau đó, lại âm thầm rước về an táng tại ngôi nhà thờ mới bị đốt phá tại Cái Mơn. Ngay sau đó, Chúa đã cho vị tử đạo làm nhiều dấu lạ như những đồ vật liên quan tới Ngài tự nhiên toả ánh sáng rực rỡ, nhiều người đã được chứng kiến. Năm 1960, linh hài Ngài lại được đưa về đặt tại Vương Cung Thánh Đường Saigòn. Ngày 27 tháng 5 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988. Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org