Thánh Phêrô Nguyễn Khắc Tự sinh năm 1808 tại Ninh Bình, thời vua Gia Long. Được rèn luyện tinh thần đạo đức trong một gia đình Công giáo nên ngay từ nhỏ Thầy đã ước áo được dâng mình trong Nhà Chúa.
Thầy được cha già Quế giúp đỡ ăn học để trờ thành Thầy Giảng. Khi cha già Quế qua đời thì Thầy theo giúp cha Phêrô Dumoulin Borie Cao sau cũng được Toà Thánh chỉ định làm làm Giám mục nhưng chưa được tấn phong thì đã bị bắt và được phúc tử đạo. Khi giúp cha Cao Thầy đã tỏ ra là một Thầy Giảng có khả năng hoạt động tông đồ, có kiến thức sâu rộng và nhất là có lòng đạo đức nhiệt thành trong mọi công việc được trao phó.Từ đây cuộc đời của Thầy đã gắn liền với cuộc đời của cha Borie Cao.Khi cha Phêrô Dumoulin Borie Cao bị bắt, Thầy đã lăn xả vào ôm gông cha Cao mà khóc lóc. Chính vì thế mà Thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự cũng bị bắt và cũng phải đeo gông nặng nề. Cha Borie Cao thấy Thầy cũng bị bắt thì sợ Thầy còn trẻ tuổi không đủ sức chịu đựng mà chối đạo nên cha tìm cách kiếm một số tiền để chuộc cho Thầy được về. Nhưng Thầy đã mạnh mẽ và cương quyết thưa với cha Cao: - “Xin Cha đừng làm như thế. Nhờ ơn Chúa giúp, con quyết chịu mọi hình khổ. Theo Cha, con sẽ không bỏ Chúa”. Thấy Thầy trả lời một cách cương quyết như thế, cha Borie Cao vui mừng xé tấm khăn đang đội ra làm hai phần. cha trao cho Thầy một phần và nói: - “Con hãy giữ tấm khăn này để làm chứng lời nói của con” Cha Phêrô Dumoulin Borie Cao và Thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự bị bắt tại Bố Chính rồi giải về Đồng Hới, mỗi người bị giam trong một chiếc cũi riêng. Thầy Tự bị tra tấn nhiều lần và bị đánh đòn rất đau đớn 4 lần. Lần thứ nhất 30 roi, sau ba ngày thêm 30 roi nữa, thân xác Thầy bị tan nát và máu rớm ra chảy khắp thân mình. Mặc dầu bị tra tấn, đòn vọt đau đớn, lại bị đói, khát v.v. nhưng tinh thần Thầy thì vẫn sáng suốt, mạnh mẽ và cương quyết Hai tuẫn lễ sau, quan Tuần Phủ lại cho lệnh áp giải ra hầu tòa với hy vọng sẽ thuyết phục được Thầy. Quan hỏi Thầy: - “Anh hãy khai tên và nơi cư ngụ của các đạo trưởng Tây phương thì ta sẽ tha” Thầy vẫn một mực trung thành, không khai một điều gì. Quan tức bực lắm nhưng vẫn tỏ ra hiền hoà, dụ dỗi Thầy: - “ Này anh Tự, anh còn trẻ tuổi nên tôi muốn tha cho anh. Vậy anh bước lên Thập Tự rồi tôi sẽ tha cho anh về. Anh đừng ngây ngô theo mấy ông cố Tây làm gì” Thầy Phêrô Tự trả lời với niềm xác tín: - “Thưa quan, tôi không ngây ngô theo mấy ông cố Tây đâu. Tôi xác tín vào niềm tin của tôi. Tôi tin Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Tôi tin Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết chuộc tội cho tôi. Tôi vững vàng tin như thế nên tôi sẵn lòng chịu chết chứ không bao giờ tôi bước lên Thánh Giá Chúa tôi, không bao giờ tôi bỏ đạo”. Nghe Thầy nói thế, quan truyền đánh 30 roi rồi lệnh đem tống giam chung với Cha Borie Cao, cha Phêrô Võ Đăng Khoa, cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm cùng một số giáo dân khác nữa, trong đó có ông Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh cũng gọi là Năm Quỳnh. Tuy được giam chung nhưng Thầy vẫn phải đeo gông nậng nề, chân bị cùm và xiềng xích nhưng Thầy rất vui và luôn tỏ ra sẵn sàng chết cho Chúa. Thầy tạ ơn Chúa vì được giam chung với các linh mục và nhiều giáo dân khác, Thầy lại càng hăng hái trong việc khuyên bảo anh em bạn tù hãy luôn tin cậy vào Chúa, hãy kiên trì giữ vững Đức Tin trung thành với Chúa và cầu nguyện luôn để Chúa ban thêm sức mạnh mà chiụ các hình khổ vì Chúa. Sau một thời gian dài 4 tháng, Thầy cùng bị kết án tử hình với Đức Cha Phêrô Dumoulin Borie Cao, lúc ấy cha đã được Toà Thánh gửi sắc phong Giám mục, cha Phêrô Võ Dăng Khoa, cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm và ông Antôn Nguyễn Hữu Quỳnh cũng gọi là Năm Quỳnh. Ngày 24 tháng 11 năm 1838 thi hành án lệnh, Đức Cha Borie Cao, Cha Khoa và cha Điểm bi điệu ra pháp trường Đồng Hới xử giảo theo lệnh vua Minh Mạng. Riêng Thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự và ông Antôn Nguyễn Hữu Năm, vua lại ra lệnh trì hoãn việc xử vì hy vọng hai người này sẽ thay lòng đội dạ mà bỏ đạo. Sau khi Đức Cha và hai cha bị xử rồi, Thầy Tự và ông Trùm Nguyễn Hữu Năm vẫn được giam chung với nhau. Hai người thúc giục nhau đọc kinh cầu nguyện, vững lòng cậy trông Chúa, xin Chúa giúp để luôn trung thành với Chúa. Ông cai tù tên Đoài cũng dễ dãi cho phép con cháu ông Trùm Năm ra vào thăm nuôi cả hai người. Cha Ngôn cũng nhiều lần cải trang lén lút vào giải tội và đem Minh Thánh Chúa cho hai người. Giam giữ hai môn đệ trung kiên của Chúa trong suốt hai năm trời, đã nhiều lần các quan dâng sớ vào kinh xin vua cho phép thi hành bán án, nhưng vua Minh Mạng vẫn trì hoãn và khuyên các quan hãy kiên nhẫn chờ đợi ngày hai người bước lên Thánh Giá và bỏ đạo. Biết bao nhiêu lần đã bị đưa ra công trường tra tấn, đánh đập, hành hạ và làm xỉ nhục. Nhưng lạ lùng thay, trái tim của cả hai người hầu như đã trở thành sắt đá, không ai có thể lay chuyển đưọc lòng tin của hai Đấng. Phải chờ đợi mãi tới tháng 7 năm 1840, vua Minh Mạng mới cho phép thi hành bản án. Trong bản án đã ghi: “Tên Tự, học trò ông Borie Cao, đã không chịu đạp ảnh, vì người ta đã cho nó ăn thuốc làm tăng sức mạnh và kiên trì trong lầm lạc. Vì lý do này mà nó không có hy vọng sửa sai”. Thuốc làm tăng sức mạnh ở đây các quan có ý nói Mình Thánh Chúa mà các người Công giáo lãnh chịu. Sau đó, các quan lại sửa lại bản án rõ ràng hơn như sau: “Tên Nguyễn Khắc Tự, học trò cố Cao, không chịu đap ảnh, thuộc vào hạng bất trị và cố chấp. Vậy tôi kết án đánh 100 roi và lưu đày 3,000 dặm tức là đi đày Phú Yên, và phải ghi vào má hai chữ “Tả Đạo” và má bên phải hai chữ “Phú Yên”. Vua Minh Mạng còn truyền phải thúc ép bỏ đạo hai ba lần nữa. Nhưng cả hai vị anh hùng của Chúa vẫn hiên ngang chấp nhận chết chứ không bước lên ảnh tượng và chối bỏ đạo Chúa. Ngày 20 tháng 6 năm 1840 bản án hai tông đồ kiên trung của Chúa được vua Minh Mạng châu phê gửi về. Được tin, hai Ngài vui mừng quì cầu nguyện tạ ơn Chúa và từ đây, các Ngài đóng cửa ngục lại, không gặp gỡ những người tới thăm viếng nữa. Các Ngài cùng nhau sốt sắng dọn mình để lãnh nhận triều thiên tử đạo. Tới ngày 10 tháng 7 năm 1840, quan Giám sát và đoàn lính có tới cả trăm người tới nhà tù áp giải hai vị anh hùng Đức Tin ra pháp trường Đồng Hới. Có đông đảo tín hữu cùng đi theo đoàn quân, tạo thành một rừng người ồn ào, nhiều người để lộ nét mặt đăm chiêu hồi hộp và lo sợ. Đi theo đoàn lính, người ta thấy ông già Năm Quỳnh đi trước, thầy Tự trẻ trung đi sau, nét mặt cả hai đều tươi cười, chân nhịp nhàng bước đều đều. Pháp trường Đồng Hới này cũng chính là pháp trường đã xử Đức Cha Borie Cao và hai cha Khoa và Điểm. Thầy Phêrô Nguyễn Khắc Tự hỏi chỗ nào là chỗ đã xử Đức Cha Cao và xin lý hình cho Thầy được xử cũng chính nơi ấy. Lý hình chỉ chỗ, Thầy Nguyễn Khắc Tự quì gốicầu nguyện và xin được xử chính nơi ấy. Lý hình tháo gông và xiềng xích, Thầy Tự nằm xuống đất, lý hình tròng giây qua cổ. Chiêng trống ba hồi ầm ĩ vang lên, hai lý hình cầm hai đầu giây cùng xiết thật mạnh, thật chặt Thầy tắt hơi thở cuối cùng, gĩa từ cuộc đời ô trọc khi mới 32 tuổi.đời. Linh hồn Thầy bay lên cùng Chúa, lúc đó là khoảng 3 giờ chiều thứ Bảy ngày 10 tháng 7 năm 1840. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988. Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org