Thánh Anrê Nguyễn Kim Thông thường gọi là Năm Thông sinh khoảng năm 1790 tại làng Gò Thị, Thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
Theo lịch sử giáo phận Qui Nhơn thì Gò Thị là một xứ đạo kỳ cựu nhất của giáo phận Qui Nhơn. Cha mẹ Ngài là ông Nguyễn Kim Chánh và bà Đặng Thị Mẫn. Ngài là con thứ tư của ông bà Nguyễn Kim Chánh, nhưng theo phong tục địa phương tại đó thì người con cả gọi là anh hai nên người ta thường gọi Ngài là Năm Thông thay vì Nguyễn Kim Thông. Xuất thân từ một gia đình chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của nền giáo dục Nho Giáo nên sau này Ông Anrê Nguyễn Kim Thông làm chủ một gia đình, ông cũng giáo dục con cái theo đường hướng đó. Nhờ sự chăm sóc và đường lối giáo dục con cái tốt lành mà ông bà đã có hai người con dâng mình cho Chúa: là linh mục Nguyễn Kim Thứ và nữ tu Dòng Mến Thánh Giá là sơ Anna Nhường. Vì đời sống rất tốt lành, nên ông được mọi người trong dân xã quí mến. Dân làng đã tín nhiệm bầu ông làm Xã Trưởng, phục vụ mọi người rất liêm chính, không phân biệt Công giáo hay không Công giáo. Sau ông lại được giáo xứ bầu ông làm Trùm Chánh của xứ.Gò Thị. Về sau Đức Cha Cuenot nhận thấy ông là người có kiến thức lại có đời sống đạo dức vững vàng nên Đức Cha đặt ông làm Trùm Chánh phụ trách toàn hạt Bình Định. Giữ trách vụ này, ông càng nêu gương khiếm tốn, bác ái, tận tâm và nêu gương đời sống đạo đức,siêng năng lần hạt Mân Côi hằng ngày. Ông có lòng sùng kính Mẹ Maria đặc biệt, nên đã xây cất một Nhà Nguyện dâng kính Trái Tim Vẹn Sạch Đức Mẹ. Ngoài các việc phục vụ giáo xứ Gò Thị và Hạt Bình Định, ông còn tận tâm giúp hàng giáo sĩ trong việc tông đồ, khôn khéo tìm chỗ kín đáo để các linh mục trú ẩn trong thời bách hại.Nhiều lần Đức Cha và các linh mục đã âm thầm trú ngụ lâu ngày tại nhà ông. Ông cũng đặc biệt để tâm đến các trẻ em mồ côi không cha không mẹ trong toàn vùng Bình Định. Do đó, ông đã đóng góp rất nhiều công sức, tiền của cho Viện Mồ Côi Qui Nhơn do các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá coi sóc. Cũng chính vì tinh thần trách nhiệm và lòng yêu thương con cháu mà đã có lần ông nặng lời sửa lỗi người cháu quá bê tha, mang nhiều tiếng xấu trong dân làng. Người cháu đó tên là Út. Chú Út bực bội với ông vì đã nặng lời với cháu nên hắn đã liều lĩnh viết một lá thư nặc danh gửi cho quan đầu tỉnh Bình Định. Trong thư tố cáo ông Anrê Nguyễn Kim Thông là người Công giáo và đã nhiều lần chứa chấp Đức Cha và các vị Thừa Sai ẩn lánh trong nhà.. Nhận được thư nặc danh này, quan đầu tỉnh Bình Định liền cho quân lính về vây bắt ông Anrê Nguyễn Kim Thông cùng với bốn linh mục khác và giải về giam trong ngục tỉnh Bình Định. Vì trước đây ông đã làm Xã Trưởng, có nhgiều dịp đi về quen biết quan lớn, và quan lớn cũng đã được ông đãi ngộ nồng hậu mỗi khi gặp gỡ. do đó, quan đối xử với ông rất tử tế, không bị đánh đập và thỉnh thoảng quan lại cho ông về thăm gia đình. Khi được về thăm gia đình, ông lợi dụng cơ hội này khuyên bảo vợ con cháu chắt phải vững lòng tin theo đạo Chúa. phải năng xưng tội rước lễ và lần hạt kinh Mân Côi hằng ngày xin Đức Mẹ gìn giữ không bao giờ bỏ Chúa. Mọi người trong gia đình nghe ông khuyên bảo thì xúc động xụt xùi khóc. Nhưng ông nói tiếp: - “Chúng con đừng khóc, nhưng hãy luôn cầu nguyện và ký thác mọi sự trong tay Chúa. Xin Chúa luôn ban sức mạnh của Chúa cho mọi người chúng ta, nhất là trong thời kỳ khó khăn này. Xin Chúa cho chúng ta biết vâng theo thánh ý Chúa” Khi nghe ông khuyên nhủ, mọi người đều hân hoan, xin nghe lời khuyên dậy và hứa sẽ cố gắng nhắc nhớ cho nhau tuân giữ và thực hành những lời ông khuyên bảo. Mặc dầu quan đầu tỉnh vẫn kính nể, không đánh đập nhưng trong tù Ngài vẫn phải đeo gông, mang xiềng xích và ban đêm thì bị cùm hai chân trong xà lim như những tù nhân khác. Có những người.quen biết trước kia đã từng làm việc với Ngài đến viếng thăm và khuyên Ngài nên nghĩ tới gia đình và bạn hữu xa gần mà bước lên Thánh Giá để quan đầu tỉnh vui lòng và tha cho Ngài về với gia đình. Nhung Ngài cám ơn và ôn tồn trả lời: - Tôi thành thật cám ơn. Nhưng tôi đã già yếu, vất vả đã nhiều. Tôi không còn nuối tiếc sự gì nữa. Nếu vì Chúa mà phải chết thì tôi sẵn sàng, tôi hằng ước mong điều đó. Tôi không muốn bất cứ ai vận động để tha cho tôi”. Một lần sau cùng, quan đầu tỉnh gặp Ngài, lấy hết tình cảm để khuyên Ngài bước qua Thánh Giá. Quan nói với Ngài: - “ Này ông, tôi rất trọng kính ông. Tôi không muốn kết án ông, vì ông với tôi là chỗ thân quen, đã từng làm với nhau nhiều năm. Vậy tôi xin ông nghe tôi, chối đạo âm thầm thôi, tôi sẽ tha để ông về, sau đó ông đi xưng tội là xong. Ông biết, đây là lệnh của vua mà”. Ngài vui vẻ trả lời: - “Thánh Giá mà tôi tôn thờ hôm qua thì hôm nay tôi không thể bước lên được” Quan lại nói: - “Nếu ông không theo tôi thì nay mai triều đình sẽ gửi bản án xuống, rất có thể ông sẽ bị án phải lưu đầy. Ông nghĩ thế nào?” Ngài trả lời - “Lưu đầy hay phải chết vì Chúa. Đó là điều tôi hằng mong ước từ lâu, chứ phải chối Chúa thì không bao giờ tôi làm”. Nghe những lời đó, quan đầu tỉnh rất buồn, nhưng cũng rất tôn trọng những quyết định của Ngài. Sau hơn ba tháng giam giữ Ngài trong nhà tù ở tỉnh Bình Định, án lệnh từ triều đình đã gửi xuống, bắt ông Anrê Nguyễn Kim Thông phải lưu đầy tại Mỹ Tho.Thế là ông Anrê Nguyễn Kim Thông cùng với bốn người chiến sĩ đức tin khác của Chúa Kitô cổ mang gông, chân tay bị xiếng xích cùng với toán lính lên đường đi vào miền Nam. Vì tuổi già sức yếu, lại phải mang gông và xiềng xích mà đường tới Mỹ Tho thì quá xa, mỗi ngày chỉ đi được mấy chục cây số, nên phải mất mộr thời gian khá lâu. Do đó sức khoẻ của Ngài bị sút giảm trông thấy. Bọn lính sợ Ngài chết giữa dọc đường nên muốn tháo gông và xiềng xích cho Ngài, nhưng Ngài xin cứ để như thế, vì Ngài muốn sẽ cố gắng thi hành đúng bản án đã ghi. Từ Qui Nhơn vào miền Nam, phải đi qua Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Thuận. Tới Bình Thuận thì rất may mắn, Ngàigặp được linh mục Nguyễn Kim Thứ, con của Ngài. Hai cha con vui mừng gặp được nhau, trao đổi những lời khích lệ thánh thiện rồi cha Thứ giải tội và xức dầu cho Ngài. Ngài sung sướng tạ ơn Chúa và từ biệt người con quí yêu để tiếp tục cuộc hành trình đi về miền Nam. Sau nhiều ngày đi bộ cực khổ. các chiến sĩ anh dũng bị lưu đầy của Chúa đã tới Sài Gòn. Trong khi đó, Đức Cha Lafèbre đang ẩn trốn tại Thị Nghè được tin các chiến sĩ đức tin bị lưu đầy đi từ Qui Nhơn đã tới Sài Gòn thì tìm mọi cách để gặp cho bằng được. Khi gặp được, Đức Cha vui mừng chúc lành và ban lời khích lệ hãy luôn vững tin nơi Chúa, Chúa sẽ ban thêm ssức mạnh để chúng ta chịu mọi khổ hình vì Chúa. Mọi người đều hân hoan trong niềm tin yêu Chúa. Nhiều người thấy Ngài yếu sức quá, sợ không thể đi tới nơi chỉ định, nên khuyên Ngài xin ở lại Sài Gòn và quan Khâm sứ cũng đồng ý, nếu Ngài muốn xin ở lại tại Sài Gòn. Nhưng không. Ngài không muốn như vậy. Ngài muốn thi hành mọi điều đúng như án lệnh vua đã truyền. Sau khi tạm dừng chân ở Sài Gòn ít ngày, đoàn chiến sĩ bị lưu đầy lại tiếp tục lên đường đi tới Mỹ Tho. Đến Mỹ Tho thì ông Nguyễn Kim Thông ở lại Mỹ Tho, còn bốn chiến sĩ đức tin khác thì lại phải tiếp tục đi về Vĩnh Long, nơi đã được chỉ định để chịu lưu đầy tại đó. Khi bốn chiến sĩ kiên trung này đi tới Cái Nhum thì may mắn lại gặp được cha chính Borelle Hoà. Cha chính Borelle Hoà nghe biết là ông Anrê Nguyễn Kim Thông bị lưu đầy ở Mỹ Tho bị ốm liệt, kiệt sức lắm, cha Borelle Hoà vội đi tìm ông Y sĩ Thiện, một Y sĩ quen thân, cấp tốc đến chữa trị cho ông Anrê Nguyễn Kim Thông. Nhưng ý Chúa đã an bài, khi Y sĩ Thiện tới nơi thì ông Anrê Nguyễn Kim Thông đã quá kiệt sức lại bị sốt rét rất nặng nên đã tắt thở trong nhà giam ngày 15 tháng 7 năm 1855, hưởng thọ 65 tuổi. Ông Y sĩ Thiện xin nhận thi hài Ngài về an táng tại Cai Nhum đêm ngày 20 rạng sáng ngày 21 tháng năm 1855. Thánh lễ an táng do cha chính Borelle Hoà cùng với 4 linh mục và hàng ngàn giáo dân vùng Vĩnh Long. Mấy năm sau tình thế yên ổn hơn, cha Nguyễn Kim Thứ, anh Tôma Ngọc, ông Tôma Xa là những người con của Ngài tới xin cải táng đưa về đặt tại nhà thờ Gò Thị, quê hương của Ngài. Ngày nay nếu khách hành hương tới Gò Thị thì còn được nhìn thấy ngôi mộ của Ngài. Nhưng hài cốt thì đã đã gửi sang Bộ Truyền Giáo tại Rôma một phần, một phần được lưu giữ tại Chủng viện Làng Sông Qui Nhơn, một phần lưu giữ tại Toà Giám mục Qui Nhơn. Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 2 tháng 5 năm 1909 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988. Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org