Thánh Giuse Melcchior Garcia Sampdro Xuyên sinh ngày 29 tháng 4 năm 1821 tại họ đạo thánh Stêphanô, làng Cortes thuộc tỉnh Oviedo, nước Tây Ban Nha, con của hai ông bà Gioan Garcia Sampedro.và Francesca Suarez.
Tuy là gia đình thuộc hàng quí tộc nhưng nay thì gia đình đã sa sút rất nhiều về vật chất, nhưng lòng đạo đức, tính hiền hoà và rất cương trực thì không ai sánh bằng. Ông bà rất chú tâm đến việc giáo dục đức tin và đời sống đạo đức cho con cái. Hằng ngày sáng tối mọi người phải cầu nguyện chung. Ông bà lại có lòng từ bi bác ái. Tuy nghèo nhưng không bao giờ từ chối khi có người tới ăn xin. Năm 12 tuổi, cậu Giuse Melchior Garcia Sampedro đã ngỏ ý xin đi tu để làm linh mục, nhưng cha mẹ muốn con mình học xong chương trình Trung học rồi sẽ tính chuyện sau. Năm 1835, lúc cậu Sampedro mới được 14 tuổi thì đã ghi danh vào trường đại học Oviedo theo ban triết học. Tuy chưa tốt nghiệp đại học nhưng thầy Sampedro đã được mời làm giáo sư dạy Văn Chương, La ngữ và Nhạc Lý cho trường thánh Giuse tại Oviedo. Năm 1844, thầy Sampedro tốt nghiệp đại học, hoàn tất chương trình triết và thần học lúc 24 tuổi. Thầy được tuyển chọn làm giáo sư phụ tá dạy môn Luân Lý cho các tân sinh viên. Cuối tuần thì về giúp đỡ cha mẹ làm ruộng lo việc đồng áng. Ngoài ra thầy còn giúp cha xứ dạy Giáo lý cho các em thiếu nhi trong giáo xứ. Nhiều thanh thiếu niên trong giáo xứ đã coi thầy Sampedro như là tấm gương tốt về lòng đạo đức cũng như hiếu thảo của mình. Nhưng tiếng Chúa kêu gọi vẫn thôi thúc thầy, ước mong trở thành linh mục để lo việc truyền giáo vẫn âm ỉ đốt cháy tâm hồn của thầy. Ngày 2 tháng 7 năm 1845 thầy đã dứt khoát và xin phép cha mẹ để vào tu viện Đa Minh, thuộc tỉnh dòng Đức Mẹ Mân Côi tại Ocana, rồi ngày 16 tháng 8 cùng năm thầy nhận áo dòng, chính thức bước vào năm Tập theo Hiến Pháp của dòng. Qua một năm tập thầy khấn ba lời khấn dòng và vì thầy đã học xong chương trình triết và thần học rồi nên một năm sau bề trên quyết định cho thầy lãnh chức linh mục tại Madrid ngày 29 tháng 5 năm 1847. Sau khi lãnh chức linh mục, cha Sampedro làm mục vụ tại Ocana được 9 tháng thì bề trên biết cha Sampedro rất mong ước đi truyền giáo tại Á Châu nên bề trên quyết định gửi cha đi cùng với 4 anh em khác của dòng. Ngày 7 tháng 3 năm 1848, nhằm chính ngày lễ kính thánh Tôma tiến sĩ, Cha Sampedro cùng 4 đồng nghiệp tới cảng Cadice, xuống tàu Victoria khởi hành đi Manila Phi Luật Tân. Ngày 25 tháng 7 năm 1848 tàu cập bến Manila. Các ngài vui mừng được đặt chân trên phần đất của Á Châu. Khi tới nơi thì bề trên đã xếp đặt để cha Sampedro phụ trách khoa triết lý cho trường đại học Santo Thomas, nhưng cha xin được phép đi truyền giáo tại Việt Nam. Biết được ý nguyện của Ngài, cha bề trên đồng ý chấp thuận và để Ngài tự do học hỏi ngôn ngữ và tìm hiểu phong tục tập quán của Việt Nam. Đến đầu năm 1849, ngài vui mừng đạt được ước nguyện cách trọn vẹn khi ngài đặt chân trên đất Đông Xuyên của Việt Nam yêu quí và chính thức được Đức Cha Jêrônimô Hermosilla Liêm đón tiếp, lại còn được Đức Cha tặng cho tên Việt Nam là Xuyên – cha Xuyên, hôm đó là ngày 28 tháng 2 năm 1849. Nhưng đáng buồn là trong thời kỳ này tại Việt Nam đang thời vua Tự Đức cấm đạo. Nhiệm vụ đầu tiên được bề trên ủy thác tại Việt Nam là làm giám đốc Chủng viện Cao Xá. Thời gian giữ chức vụ này ngài đã chứng tỏ khả năng kiến thức cũng như những nhân đức, sự thánh thiện của ngài. Từ Ban giáo sư đến các chủng sinh ai nấy đều ca tụng ngài là một linh mục gương mẫu về mọi mặt. Do đó, Đức Cha lại bổ nhiệm Ngài làm cha chính địa phận, rồi nhà dòng lại đặt ngài làm bề trên Giám tỉnh dòng Đa Minh tại Việt Nam. Ngoài công tác điều hành công việc theo các chức vụ nói trên, cha Sampedro còn dành thời giờ để soạn bộ sách giáo lý theo các trình độ khác nhau. Nhờ vậy mà rất nhiều người đã hiểu biết về đạo Công giáo và đã xin được rửa tội, có lần 54 gia đình gồm hơn 500 người lớn nhỏ đã xin cha rửa tội trong một thánh lễ long trọng. Ngày 26 tháng 8 năm 1852 Đức Cha Marti Gia lâm bệnh và qua đời tại Hồng Kông thì Toà Thánh đặt Đức Cha Diaz Sanjurjo An lên kế vị. Vì điạ phận quá đông nên Đức Cha Diaz Sanjurjo An xin phép Toà Thánh để chọn cha Sampedro Xuyên lên làm Giám mục Phó hiệu toà Tricomia với quyền kế vị. Lễ tấn phong Giám mục được cử hành long trọng tại Bùi Chu ngày 1 tháng 9 năm 1855, với sự hiện diện của 2 Giám mục, 49 linh mục và rất đông giáo dân tham dự. Sau đó ngài lại trở về chủng viện Cao Xá. Từ Cao Xá về Bùi Chu và rồi từ Bùi Chu trở lại Cao Xá, cả hai lần thuyền chở ngài đều bị lính khám xét. Đức Cha nằm trong phía trong mạn thuyền, thế mà Chúa gìn giữ không bị phát giác. Trở về Cao Xá trong hoàn cảnh đạo Chúa đang bị bắt bớ, thế mà Đức Cha Giuse Sampedro vẫn âm thầm lén lút ban đêm đi thăm các xứ đạo và thi hành mục vụ đều đều. Ngày 21 tháng 5 năm 1857 Đức Cha Diaz Sanjurjo An bị bắt, Đức Cha Giuse Milchior. Sampedro lên thay, Ngài sợ điạ phận có ngày bị mất chủ chiên nên Ngài xin Toà Thánh bổ nhiệm cha Valentinô Berrio Ochoa Vinh làm Giám mục Phó với quyền kế vị. Lễ tấn phong âm thầm cử hành vào lúc 2 giờ sáng trên cót thóc nhà ông Trương Chi, xã Ninh Cường, giáo phận Bùi Chu hiện nay, ngày 13 tháng 6 năm 1858. Trước tình thế khó khăn vì các cuộc săn lùng bắt bớ, các Giám mục và linh mục, Đức Cha Sampedro Xuyên cai quản giáo phận bằng đời sống đạo đức thánh thiện và cầu nguyện. Ngài thường đánh tội, ăn chay cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ để Ngài có thể giúp cho nhiều người trở lại cùng Chúa. Sau lễ tấn phong Giám mục cho Đức Cha Valentinô Borrie Ochoa Vinh, Đức Cha Sampedro Xuyên tiếp tục âm thầm đi kinh lý các xứ đạo trong vùng. Ngài tới Quần Cống rồi tới Thôn Đông, tiếp tục đi vòng tới Kiên Lao. Ngài ở lại Kiên Lao nhiều ngày hơn vì giáo dân xứ này có tới 5 ngàn người, mặc dầu vua vẫn ra lệnh cấm đạo, nhưng số người theo đạo mỗi ngày thêm đông. Hôm ấy quan tổng đốc tỉnh Nam Định được mật báo cho biết tại Kiên Lao có nhiều Thừa Sai Âu Châu đi lại và ấn trốn tại đó, nên quan tổng đốc chỉ thị cho các quan quân ở các địa phương phải truy nã bắt hết các vị Thừa Sai. Do đó lúc Đức cha Sampedro Xuyên tới Kiên Lao trú tại nhà ông Trùm Khanh thì quân lính kéo đến vây làng Kiên Lao. Vì quá gấp rút nên chạy trốn không kịp, quân lính vây bắt được Đức Cha và hai thầy giảng tên là Đa Minh Nguyễn Tiệp và Mai Hiếu. Thế là Đức Cha bị bắt chỉ một tháng sau lễ tấn phong cho Đức Cha Borrie Ochoa Vinh. Quan bắt Đức Cha Melchior Sampedro Xuyên đeo gông nặng nề, xiềng xích chân tay rồi giải về tỉnh Nam Định cùng với hai Thầy Giảng Tiệp và Hiếu. Bị giam trong ngục tù Nam Định, Đức Cha phải đối chất với quan tổng đốc Nguyễn Đình Tân nhiều lần. Sau nhiều lần ép buộc Ngài bước lên Thánh Giá. Ngài nhất định từ chối nên quan kết án ngài 3 tội sau đây: - Tội thứ nhất: Mặc dầu đã có lệnh nghiêm cấm, Ngài đã xâm nhập và ở trong nội địa Việt Nam 9 năm trời, đi tuyên truyền “tà đạo Gia Tô” và lừa dối dân chúng”. - Tội thứ hai: Đã ngấm ngầm liên lạc “mời” thuyền trưởng ngoại quốc đến với ý đồ xâm nhập lãnh thổ quốc gia tại Đà Nẵng”. - Tội thứ ba: Làm tướng quân xúi dục dân chúng nổi loạn chống nhà vua” Đức Cha nghe bị kết 3 tội trên đây, Ngài chỉ nhận tội thứ nhất mà thôi, nghĩa là Ngài chỉ nhận là tới Việt Nam để rao giảng đạo Chúa. Các tội kia Ngài không làm, không nhận. Mấy bà già thuộc giáo xứ Kiên Lao lén lút tới thăm nuôi Đức Cha, nghe quan tổng đốc tỉnh Nam Định kết tội Đức Cha như thế thì oà lên khóc và nói: - “Giêsu Maria, lạy Chúa tôi! Quan mà cũng vu khống cho Đức Cha như thế mà không sợ Chúa phạt à? Chúng tôi biết Đức Cha chỉ làm những sự đạo đức và giúp đỡ những người nghèo đói như chúng tôi, có bao giờ Đức Cha xúi ai làm loạn chống đức vua đâu? Lạy Chúa tôi, quan vu oan cáo vạ cho Đức Cha rồi”. Đội lính canh nghe các bà khóc bù lu bù loa và kêu ca như thế thì sợ hãi quá, vội vã xua đuổi các bà ra khỏi cổng nhà tù. Bị đuổi, một bà quay đầu lại, nói thêm: - “Con lạy Đức Cha! Xin Chúa giúp Đức Cha. Chúng con nhìn thấy Đức Cha phải đeo gông nặng nề như Chúa Giêsu vác Thánh Giá ngày xưa, chúng con đau lòng lắm. Lạy Chúa! xin giúp Đức Cha của chúng con”. Sau 3 tuần lễ giam trong ngục tù, bị hành hạ và tra tấn cùng muôn vàn khổ nhục, Ngài nhận được bản án bị xử lăng trì. Ngài vui mừng tạ ơn Chúa và sẵn sàng dọn mình chiụ chết vì Chúa. Ngày 28 tháng 7 năm 1858, quan Giám Sát cùng đội binh lý hình 20 người đưa Đức Cha cùng hai Thầy Giảng Tiệp và Hiếu ra pháp trường Bảy Mẫu. Trên đường tiến ra pháp trường Đức Cha Giuse Sampedro tươi cười, cổ mang gông nặng nề, tay chân bị xiềng xích. Nhưng cũng cố giơ tay ban phép lành cho dân chúng đứng thương khóc Ngài. Tới pháp trường Quan Giám Sát lệnh xử trảm (chém đầu) hai Thầy Giảng, còn Đức Cha Giuse Sampedro thì phải xử lăng trì (phân thây). Đức Cha chứng kiến trảm quyết hai Thầy trước. Hai Thầy thưa với Đức Cha: - "Chúng con tạm biệt Đức Cha. Chúng con hẹn gặp Đức Cha ở trên Trời. Xin Đức Cha cầu nguyện cho chúng con can đảm đến cùng”. Đức Cha khuyên hai Thầy: - “Chúng con đừng sợ. Chúa sẽ giúp chúng ta. Chúng ta sẽ gặp lại nhau trên Trời Sau đó, hai Thầy bị chém đầu. Còn Đức Cha thì bình tĩnh để cho lý hình xô ngã trên chiếu đã phủ vải sẵn. Lý hình lột hết quần áo, chỉ để lại một chiếc quần cụt, rồi họ trói chân tay thật chặt vào 4 chiếc cọc ở 4 phía, và thêm 2 cọc ở dưới nách để nạn nhân khỏi cựa quậy. Mọi chuẩn bị đã xong, 5 lý hình cầm sẵn 5 cái rìu sắc bén, chờ hiệu lệnh trống chiêng nổi lên, lần lượt 5 lý hình thi hành nhiệm vụ. - Người lý hình thứ nhất giơ cao rìu bổ xuống đầu gối, phải chém tới 12 nhát mới đứt hai chân. - Người lý hình thứ hai chặt khủyu tay bị đau đớn quá Ngài chỉ còn thều thào kêu lên: - “Giêsu Maria!" - Người thứ ba: vung gươm thật cao, chém đầu! Sau vài phút, người lý hình thứ bốn và thứ năm xông vào mổ bụng, lấy gan giơ lên cho mọi người trông thấy và nói: - “Bà con xem này, gan tây to lắm!” Nói xong họ vứt luôn ruột gan vào đống lửa đang bừng bừng cháy ở bên cạnh. Những người đứng gần đó, hốt hoảng la lên: - “Lạy Chúa tôi! Họ giết Đức Cha rồi! Ghê tớm quá! Máu đọng lại thành vũng giáo dân xô vào thấm máu nhưng quan ra lệnh ngăn cản không cho ai tới gần. Các tín hữu, nhất là một số các cụ già, chẳng còn sợ hãi, cứ xông vào. Miệng khóc lóc, kêu la, tay ôm vải cố gắng thấm được chút máu của vị anh hùng tử đạo Sau cùng bọn lý hình nhặt chân tay cho vào cái giỏ rồi chôn ngay tại chỗ, còn đầu của Ngài thì họ theo lệnh đem treo 3 ngày ở cửa Nam thành Nam Định. Sau 3 ngày họ đem ném xuống biển. Mọi người ngậm ngùi ra về trong những tiếng khóc nức nở, kẻ than trách bọn lý hình hung ác, người ca ngợi lòng can đảm tuyệt vời của vị thánh tử đạo. Một số các bà nữa thì vừa đi, miệng vừa lẩm bẩm đọc kinh cầu nguyện cho Đức Cha. Sau một thời gian, giáo dân Bùi Chu đã cải táng đưa về đặt tại đền thờ Phú Nhai. Năm 1868, Đức Cha Venceslaô Onate cho phép gửi cánh tay trái của Ngài sang tu viện dòng Đa Minh ở Manila. Các phần khác vẫn lưu giữ tại Bùi Chu. Năm 1888 theo lời yêu cầu của Đức Giám mục giáo phận là Đức Cha Raimondô Marinea Vigil yêu cầu nên thi hài Ngài lại được rước về quê hương của Ngài, hiện nay đặt tại nhà thờ chính toà Oviedo, nước Tây Ban Nha. Đức Thánh Cha Piô XII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 29 tháng 4 năm 1951 cùng với Đức Cha Giuse Diaz Sanjurjo An, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo cùng với 116 vị Tử Đạo tại Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988. Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org