Thánh Piô X Giáo Hoàng, tên thật là Guiseppe Melchierre Sartô, sinh tại làng Riese miền Venetia ngày 02 tháng 6 năm 1835. Cha Ngài ông Giovanni Battista Sartô thành hôn với mẹ Ngài là bà Margherita Samon, nhỏ hơn ông tới một nửa số tuổi. Vì vậy, lên 17 tuổi, Ngài đã mồ côi cha. Làm nghề chạy giấy của xã, ông Giovanni Battista làm cha một gia đình nghèo túng. Mất đi, ông cũng lại một gia đình càng túng quẫn hơn nữa. Tuy nhiên, nhờ lòng đạo đức của cả hai ông bà mà gia đình này đã góp phần đào tạo nên một vị thánh lớn cho Giáo hội.
Ngay từ nhỏ, học tại trường làng, Guiseppe đã tỏ ra có nhiều triển vọng, Ngài luôn là một học sinh giỏi đứng đầu lớp học. Theo phong tục thời đó, dù đã vào ban giúp lễ từ hồi 7 tuổi, mãi tới năm 11 tuổi, Guiseppe mới được rước lễ lần đầu. Những ngày tháng mong đợi có lẽ đã khiến Ngài khi lên Giáo Hoàng sau này, đã cho phép trẻ em được rước lễ vỡ lòng khi vừa tới tuổi khôn và nhiệt tình cổ võ lòng tôn sùng bí tích Thánh Thể. Trước bàn thờ Đức Mẹ, dịp rước lễ lần đầu, Guiseppe đã khấn dâng mình cho Chúa. Từ lâu rồi, Ngài đã nuôi ý định này nhưng không dám tỏ bày với cha mẹ. Nhưng khi biết được ý định của con, mẹ Ngài đã hết sức tán thành, cha Ngài ngập ngừng vì thấy gia đình nghèo túng, nhưng rồi cũng quảng đại vâng theo ý Chúa. Mọi người đều vui mừng vì quyết định của Guiseppe, nhất là cha sở Riese. Cha phó dạy tiếng Latinh cho Ngài. Khi đã đủ lực theo bậc trung học ở Castelfrancô cách Riese 7 ngàn cây số. Suốt 4 năm trời, Ngài thường vác giầy trên vai để tiết kiệm, và đi bộ tới trường, rồi lại đi bộ về nhà. Chính lý tưởng làm linh mục là sức mạnh giúp Ngài kiên trì như vậy. Hết 4 năm tại Castelfrancô, năm 1850, Guiseppe lên đại chủng viện Padua. Gia đình Guiseppe nghèo, cha sở xin được cho Ngài một học bổng, giáo dân trong họ hằng năm quyên tiền giúp đỡ Ngài. Trong nếp sống nghèo khó nhưng lại giàu lòng quảng đại ấy, Guiseppe đã tiến tới chức linh mục ngày 28 tháng 9 năm1858, lúc 23 tuổi. Cha Guiseppe đi nhận phó xứ Tombolo. Chín năm sau, Ngài được bổ nhiệm làm chính xứ Salzano. Mười bảy năm làm phó xứ rồi chính xứ, cha Guiseppe sống đời hy sinh tận tụy với giáo dân, nhất là với những người nghèo khó. Không hề ao ước danh vọng, Ngài được tín nhiệm vào chức vụ cao hơn. Đức Giám mục Trevise mời Ngài về làm trưởng ấn Toà Giám mục, kiêm nhiệm chức vụ giám đốc Chủng viện. Năm 1884, Đức Lêô XIII, Đấng mà Ngài sẽ kế vị đặt Ngài làm giám mục cai quản địa phận Mantua, Ngài muốn từ khước nhưng đã vâng lời và quyết nên mọi sự cho mọi người "Dân chúng sẽ thấy tôi luôn kiên trì trong chức vụ, luôn hiền từ và đầy bác ái." Phải thật nhân đức mới có thể đương đầu với thệ phản thuyết phóng túng, Đức cha Sartô bắt tay ngay vào việc canh tân. Ngài đi kinh lý khắp địa phận rộng lớn. Những cuộc tiếp xúc thường xuyên và thân mật này đã tạo nên những bước tiến cụ thể. Khi mùa gặt đã tới, Ngài lên tiếng kêu gọi cho ngân quỹ vơi cạn của Chủng viện và được đáp ứng quảng đại. Ngài triệu tập một hội nghị để trao đổi và để đón nhận các ý kiến. Ngài luôn lo bảo vệ sự toàn vẹn đức tin và không muốn chấp nhận sự nhượng bộ khi không được phép: Người ta phải tranh đấu nơi thanh thiên bạch nhật. Mỗi hoạt động của vị Giám mục thánh thiện đều tạo thành tiếng vang. Năm 1893, Đức Lêô XIII đặt Ngài làm hồng y chăm sóc Vevetia. Đức Hồng y tiếp tục cùng một chương trình canh tân. Ngài xây dựng nhiều thánh đường, cô nhi viện, Chủng viện và một phân khoa giáo luật. Ngài can đảm thiết lập thông tấn xã công giáo. Ngài đến nhà thờ và tranh đấu cho việc tôn trọng luật Chúa. Ngày 08 tháng 7 năm 1903, Đức Lêô XIII từ trần. Cuộc bỏ phiếu ngày 1 tháng 8, Đức Sarto được bầu chọn làm Giáo hoàng. Lễ đăng quang được cử hành ngày 09 tháng 8 năm 1903, và Ngài lấy tước hiệu là PIÔ X. Trong thông điệp đầu tiên, E Supreni Apostolatus ngày 04 tháng 10 năm 1903, Ngài công bố: "Nếu người ta muốn hỏi chúng tôi một châm ngôn phát xuất tự đáy lòng, tôi sẽ luôn nói rằng: 'canh tân mọi sự trong Đức Kitô'."Suốt triều đại Giáo hoàng, Đức Piô X đã thực hiện châm ngôn ấy. Ngài cho phép các trẻ em nhỏ rước lễ sớm khi vừa tới tuổi khôn và khuyến khích việc rước lễ hàng ngày. Với thông điệp Pascendi ngày 08 tháng 9 năm 1908 kết án thuyết duy tâm, Ngài sửa lịch và sách nguyện, canh tân thánh nhạc và truyền dùng trong cả Giáo hội. Ngài thiết lập các viện nghiên cứu âm nhạc và kinh thánh tại Roma. Ngài khởi đầu công cuộc hệ thống hóa giáo luật... Về phương diện chinh trị, Ngài tạo ra sự dễ dàng trong việc liên lạc giữa Giáo hội và vương quốc Ý. Khi tổ chức lại các bộ và các toà án, cùng giáo triều Roma, tông hiến Sapienti Consiliô năm 1908 cho thấy dấu hiệu sẵn sàng chấp nhận việc để mất các quốc gia của Giáo hội, cũng không cần đến cơ cấu cai trị dân sự làm khuôn mẫu. Ngay từ năm 1905 Ngài đã cương quyết từ khước hoà ước Napoleon và chấp nhận sự phân biệt Giáo hội với quốc gia vì biết rằng sự nghèo khó của Giáo hội Pháp là có lợi hơn. Năm 1914 vào năm thứ 11 sau khi Đức Piô được bầu làm Giáo hoàng, Âu Châu lâm vào cảnh chiến tranh. Ngài ngã bệnh, Ngài dâng lễ cuối cùng vào ngày lễ Mông Triệu và qua đời ngày 20 tháng 8. Người ta nói rằng: "Ngài bị vỡ tim vì lo buồn cho nhân loại." Chín năm sau đã bắt đầu hồ sơ phong thánh và ngày 03 tháng 6 năm 1951 Ngài được phong chân phước. Ngày 29 tháng 5 năm 1954, sau 40 năm qua đời Ngài được phong hiển thánh. tgpsaigon.net