Thánh Emmanuel Nguyễn Văn Triệu sinh tại làng Kim Long, Phú Xuân, Huế thuộc Tổng giáo phận Huế ngày nay. Cha của ngài là ông Cai Nguyễn Văn Lương, một võ quan phò chúa Nguyễn. Trong một trận giao tranh ác nghiệt với quân Tây Sơn, ông đã tử trận. Cậu Triệu sớm mồ côi cha và được xếp vào số các nghĩa tử của các gia đình tử sĩ. Sau khi cha tử trận, cậu sống với mẹ ở Thợ Đúc rồi năm 1771, cậu gia nhập quân đội lúc 15 tuổi. Năm 1774, anh Nguyễn Văn Triệu cùng các bạn đồng đội chiếm được Phú Xuân. Nhưng sau đó, quân Tây Sơn từ miền Nam tiến ra đánh chiếm được Phú Xuân năm 1786. Vệ binh Nguyễn Văn Triệu theo chủ của mình là Trịnh Khải rút về Thăng Long. Thừa thắng xông lên, tháng 6 năm đó quân Tây Sơn lấy lý do phò Lê diệt Trịnh, hung hăng tiến quân đánh thẳng ra Bắc. Quân Tây Sơn mạnh như vũ bão, Trịnh Khải hốt hoảng mổ bụng tự tử. Vua Lê Cảnh Hưng qua đời, Lê Chiêu Thống lên ngôi. Miền Bắc lại xảy ra cuộc nội chiến giữa hai phe phái Trịnh Lệ và Trịnh Bồng. Trước cảnh nồi da xáo thịt, anh em giết nhau này đã làm cho anh vệ binh Nguyễn Văn Triệu suy nghĩ và đưa tới một cuộc đổi đời toàn diện khiến nhiều người ngỡ ngàng khó hiểu. Từ một anh vệ binh phò Lê diệt Trịnh tiến tới một linh mục của Chúa, để phục vụ tha nhân.
Năm 1786, bước vào tuổi 30 tròn, với 15 năm trong binh nghiệp. Anh vệ binh Nguyễn Văn Triệu xin giải ngũ và trở về đời sống dân sự. Anh sốt sắng đi tham dự thánh lễ hằng ngày và chăm chỉ đọc kinh sáng tối, cầu xin Chúa cho biết ý Chúa trong việc định hướng cuộc đời. Anh may mắn gặp được một linh mục Thừa sai dòng Chúa Giêsu. Làm việc truyền giáo ở Hà Nội. Anh nhận ngài làm cha linh hướng. Cha hướng dẫn và giúp anh lựa chọn hướng đi cho cuộc đời. Linh mục Thừa sai này giới thiệu anh với Đức Giám mục địa phận Đông Đàng Ngoài là Đức Cha Obelai Khâm. Đức Cha tiếp xúc với anh và thấy anh có một ước mong mạnh mẽ là muốn trở thành linh mục để phục vụ Chúa. Đức cha cho anh vào Chủng viện Trung Linh, học triết và thần học. Khi đã hoàn tất chương trình triết và thần học năm 1793. Sau 7 năm tu luyện các nhân đức và trau dồi kiến thức, thầy Emmanuel Nguyễn Văn Triệu được lãnh chức linh mục qua bàn tay Đức Cha Alphonsô Phê. Khi ấy ngài đã 37 tuổi. Chịu chức linh mục ở tuổi 37, cha Emmanuel Triệu đã thu thập được rất nhiều kinh nghiệm trong suốt 15 năm quân ngũ, cũng như trong những năm học tập trong chủng viện. Nhờ đó, sau khi lãnh chức linh mục, cha đã rất thành công trong sứ vụ linh mục, trong những công tác mục vụ đó đây, đâu đâu cha cũng gặt hái được những thành quả rất đáng khen ngợi. Đức Giám mục cũng như các đấng bề trên rất hài lòng về những thành quả trong đời mục vụ của Cha. Cha làm việc gì cũng rất ngăn nắp, thứ tự và có phương pháp theo kiểu “nhà binh”. Đường lối phải rõ ràng, minh bạch, nhưng cha lại biết dung hoà trong sự uyển chuyển rất dễ thương. Nhờ vậy mà những người cộng tác với cha, ai cũng cảm thấy rất thoải mái. Được như vậy, có lẽ một phần cũng nhờ sự khiêm tốn, vui vẻ, hài hoà của cha nữa. Vào những năm 1792 tới 1802 dưới triều vua Cảnh Thịnh, tình hình chính trị trong nước dần dần trở nên sôi động. Nguyễn Ánh củng cố và tổ chức quân đội hùng mạnh chiếm đóng tại Gia Định, rồi cứ tới mùa mưa to gió lớn thì kéo quân ra đánh phá Huế. Yểm trợ cho quân đội của Nguyễn Ánh có một số quân nhân của Pháp do sự móc nối của Đức cha Bá Đa Lộc. Vua Cảnh Thịnh biết được việc này thì sinh lòng ác cảm với Đức cha Bá Đa Lộc rồi ghét luôn cả đạo Công Giáo. Nhưng rất may mắn là trong triều có quan Thượng Thư tên là Hồ Cung Điều là người Công Giáo, quan Thượng Điều trình bày lý lẽ và cắt nghĩa cho vua rằng: “Đạo Công Giáo dạy trung quân vương, hiếu phụ mẫu, chớ có phải đạo dạy làm giặc đâu”. Vua nghe thì an lòng. Nhưng trong triều lại có tên Lợi là quan nội hầu, rất ghét người Công giáo nên y tìm mọi cách to nhỏ, dèm pha đạo Công Giáo, nhiều lần đã làm cho vua xiêu lòng. Thế rồi việc bất trắc xảy đến, đó là người ta bắt được một bức thư của Nguyễn Ánh viết cho Đức cha Labartette Bình, Giám mục địa phận Đàng Trong ở Phú Xuân, khiến vua thêm nghi ngờ đạo Công Giáo nối giáo cho giặc. Thế là tháng 8 năm 1798 vua ban chiếu chỉ cấm đạo và truy giết hết các đạo trưởng, đốt phá hết các cơ sở của đạo Công giáo. Trong lúc đó, cha Emmanuel Nguyễn Văn Triệu vì đã lâu ngày chưa về thăm mẹ già, nay cha về làng Thợ Đúc, xã Phú Xuân, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sau 12 năm mẹ con gặp lại nhau thật vô cùng cảm động. Mẹ đã già thêm 12 tuổi đời, đôi mắt thêm mờ, tóc đã đổi mầu quá nhiều, còn con cũng đã già thêm đi quá nhiều. Nhưng đã chững chạc trong bộ áo linh mục của Chúa. Cha quặn đau lòng khi thấy mẹ già phải ăn nhờ ở đậu người cùng xóm. Trước cảnh nghèo khổ của mẹ và lòng hiếu thảo của con, cha Emmanuel Triệu định ở lại một thời gian tìm cách dựng cho mẹ một căn nhà nhỏ, đồng thời cũng có dịp đi thăm viếng các gia đình Công giáo trong vùng và dâng lễ cầu nguyện chung với họ. Nhờ những cuộc thăm viếng, dâng lễ và cầu nguyện chung, tại đây cha cũng tạo được cảm tình và những liên hệ thật tốt đẹp. Theo sắc lệnh của vua, nên bất thần ngày 7 tháng 8 năm 1798, các quan cho 200 quân lính, chia làm bốn đội, mỗi đội 50 người về bao vây các giáo xứ vùng kinh đô để truy lùng các thừa sai đạo trưởng. Tại giáo xứ Thợ Đúc, các quan cố ý vây bắt cha Nhơn là cha xứ tại đó. Nhưng cha Nhơn đã được quan Thượng Điều bí mật báo cho biết nên cha đã kịp thời trốn thoát. Riêng cha Emmanuel Triệu vì mới về với mẹ già, quan Thượng Điều không biết nên không kịp thông báo cho cha. Bao vây giáo xứ Thợ Đúc, quan quân bắt tập trung mọi người, trong đó có cả cha Triệu. Quan tra hỏi từng người về các đạo trưởng. Khi quan hỏi cha Emmanuel Triệu thì ngài tự xưng mình là đạo trưởng. Biết chắc ngài là linh mục, quân lính vui mừng bắt và trói ngài rồi dẫn ngài đi. Khi thấy con bị bắt, bà mẹ già nức nở khóc: - “Ôi con tôi! Con về thăm mẹ để bây giờ người ta bắt con, mẹ đau lòng lắm. Chúa ơi! Người ta bắt con của con, linh mục của Chúa rồi, Chúa ơi!”. Cha bình tĩnh và âu yếm nói với mẹ: - “Thiên Chúa đã ban cho con được diễm phúc làm chứng cho ngài. Con vui mừng tạ ơn Chúa. Mẹ đừng khóc nữa. Mẹ hãy cùng con cảm tạ Chúa. Mẹ đã dâng con cho Chúa rồi cơ mà!” Sau đó, quân quan giải cha về tống giam trong ngục. Trong ngục tù, ban ngày ngài phải đeo gông nặng nề, tay chân phải xiềng xích, ban đêm phải cùm hai chân trong xà lim, chịu ruồi muỗi và bọ cạp cắn đau đớn, nhưng bị cùm, không có cách nào cựa quậy được, thật là khổ cực, ấy là chưa kể tới những trận đòn dữ dội do bọn lính theo lệnh các quan đánh mỗi ngày. Khi phải hầu toà, các quan điều tra lý lịch. Quan hỏi thì ngài trả lời: “Tôi sinh quán tại Phú Xuân, vì nhà nghèo tôi phải ra Đàng ngoài để tìm kế sinh nhai, rồi may mắn được học giáo lý về đạo và sau tôi học thêm làm linh mục”. Các quan lại hỏi: - “Thầy có vợ con ở đây hay ở Đàng Ngoài?” Cha mỉm cười và nói: - “Tôi không có vợ, vì tôi làm linh mục nên sống độc thân”. Các quan lại cười: - “Đạo gì mà kỳ cục như vậy? Làm linh mục thì không lấy vợ!” Các quan lại cho lệnh đưa về tống giam trong ngục. Mặc dù ở trong ngục rất khổ cực nhưng lúc nào ngài cũng tỏ ra vui vẻ, cậy trông, phó thác trong sự an bài của Chúa. Có lần một linh mục bạn cải trang vào thăm, giải tội cho ngài, ngài tỏ ra rất cảm động. Bà cố cũng nhiều lần lén lút vào thăm và an ủi ngài. Bà cụ nói: - “Hằng ngày mẹ cầu xin Chúa cho con kiên trung chịu mọi hình khổ vì Chúa. Mẹ xin Chúa giúp con trung thành với Chúa đến giờ phút cuối cùng”. Cha cảm động nói với mẹ: - “Xin Chúa gìn giữ mẹ bằng an. Con hứa với mẹ, con sẽ trung thành với Chúa cho đến chết. Xin mẹ cứ an tâm”. Nhờ những lời khích lệ của bà mẹ già, Cha lại càng cảm thấy tâm hồn bình an, sung sướng khi nghĩ tới giờ phút được đổ máu mình ra làm chứng cho đạo thánh Chúa. Sau 40 ngày giam trong tù, thấy không khuyên dụ được ngài bỏ đạo nên các quan họp nhau bàn làm án cho voi giày, nhưng một quan không đồng ý nên vụ án lại tạm hoãn. Cuối cùng Cha bị kết án trảm quyết, và ấn định ngày thi hành án lệnh là ngày 17 tháng 9 năm 1798. Đúng như án lệnh đã định, sáng sớm ngày 17 tháng 9 các quan còn hỏi cha lần cuối cùng: - “Này Thầy, Thầy có muốn bỏ nghề đạo trưởng để trở về quê quán sinh sống chăm sóc mẹ già không? Nếu thầy muốn, chúng tôi sẽ xin vua tha cho, vì thầy là người Huế mà!” Lại một lần nữa, ngài khẳng khái và dứt khoát đáp lời: - “Thưa các quan, tôi đã thưa rằng không bao giờ tôi bỏ đạo. Tôi là đạo trưởng, nếu vua quan chém đầu tôi thì tôi sẵn lòng chịu, chứ không bao giờ tôi bỏ đạo”. Những lời nói trên đây là những lời kế thúc đời ngài. Đúng 10 giờ sáng hôm ấy, quan giám sát cùng với đội quân điệu cha Emmanuel Nguyễn Văn Triệu ra pháp trường cùng với sáu tên trộm cướp cũng bị án tử hình. Trên đường tiến ra pháp trường Bãi Dâu, cha bình tĩnh, hiên ngang bước từng bước, nét mặt tươi vui, miệng đọc kinh cầu nguyện. Theo sau, mấy người phụ nữ đi sát bà cụ già bước đi cũng hiên ngang, tuy có vẻ đau đớn nhưng khi bà cụ nói thì lại thấy phong độ của bà cụ còn rất cao. Khi cố gắng tới gần con, bà cụ nói: - “Con ơi! Mẹ dâng con cho Chúa, Tuy đau đớn trong lòng nhưng mẹ xin vâng theo thánh ý Chúa. Lên Thiên Đàng con nhớ cầu nguyện cho mẹ. Cha liếc mắt nhìn mẹ lần cuối, định nói thì tên lính đã đẩy ngài đi xa nên ngài chỉ kịp từ giã mẹ bằng một cái nhìn lần cuối. Mấy người đi theo nói thêm: - “Độc ác quá sức! Người ta sắp phải chết rồi mà cũng không cho người ta nói mấy lời từ biệt mẹ”. Bọn lính quát lớn: - “Im lặng! Im lặng!” Tới pháp trường Bãi Dâu, ngài quì cầu nguyện và hướng về đám dân chúng đứng xa xa, hình như ngài muốn nhìn mẹ ngài nhưng không nhìn thấy. Một tên lính đưa tới trao cho ngài một quan tiền, theo thói lệ, để làm gì tùy nghi. Ngài cám ơn và không nhận. Quan giám sát nói: - “Của vua ban, không được phép khinh thường”. Ngài đáp lại: - “Nếu thế thì xin đem phát cho người nghèo” Nghe ngài nói thế, một tên lính tát vào mặt ngài. Quan giám sát trông thấy mắng lại tên lính: - “Chưa tới giờ hành quyết, mi không được phép xúc phạm tới thầy như thế”. Mắng tên lính xong, quan quay lại nhẹ nhàng nói với Cha: - “Khi nào tới giờ, tôi sẽ báo cho thầy”. Cha vẫn bình tĩnh, tươi vui tiếp tục cầu nguyện. Đúng giờ ngọ, tức 12 giờ trưa quan giám sát nói với cha: - “Giờ đã điểm!” Quân lính tới tháo xiềng xích và trói cha Emmanuel Nguyễn Văn Triệu lại. Ngài thản nhiên quì xuống chiếc chiếu, bình tĩnh đưa cổ cho lý hình thi hành bổn phận. Ba hồi chiêng trống nổi lên, tới tiếng chiêng cuối cùng, lý hình vung cao lưỡi gươm sắc bén, chém một nhát, đầu vị chứng nhân đức tin rụng xuống. Trong đám những người chứng kiến, có tiếng kêu lớn: - “Giêsu Maria Giuse! Họ chém đầu cha rơi xuống đất rồi! Thế là đám người cả lương lẫn giáo đổ xô vào thấm máu vị tử đạo. Giáo dân họ Dương Sơn săn đón xin thi hài của cha đem về an táng tại nhà thờ họ Dương Sơn. Đức Giáo Hoàng Lê-ô XIII đã suy tôn ngài lên bậc Chân phước ngày 27 tháng 5 năm 1900, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng ngài lên hàng Hiển thánh tử đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988. Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org