Chúa nhật, 24/11/2024

Ngày 20.09: Thánh Gioan Carôlô Cornay Tân - Linh Mục, Tử Đạo (1809-1837)

Cập nhật lúc 08:45 19/09/2020


Thánh Gioan Carôlô Cornay Tân sinh ngày 27 tháng 2 năm 1809 tại Loudun, Poitiers, nước Pháp, là con thứ ba của ông bà Gioan Baotixita Cornay làm nghề bán vải. Sau khi mãn trường ở bậc tiểu học, cậu xin vào học trong chủng viện Saumur và Mont Morillon, rồi năm 1827 Jean Carôlô Cornay xin vào đại chủng viện Poitiers với ý định sau này sẽ trở thành linh mục Thừa Sai
Thế rồi cơ may tới, năm 1830 một linh mục thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP) được mời tới giảng tuần tĩnh tâm cho các thầy Đại Chủng Sinh. Thầy Jean Carôlô Cornay gặp vị giảng thuyết, bàn hỏi việc linh hồn, bày tỏ ý nguyện ước mong được đi truyền giáo, trở thành linh mục Thừa Sai. Vị giảng thuyết thấy ý nguyện chính đáng của thầy thì khích lệ và khuyên thầy nên trực tiếp gặp bề trên Hội Thừa Sai Paris và thầy được nhận vào Hội Thừa Sai. Năm 1831, thầy lãnh chức Phó Tế rồi ngay sau đó, ngày 17 tháng 9 năm 1831 thầy rời Bordeaux xuống tàu đi truyền giáo tại Viễn Đông. Tới Macao tháng 3 năm 1832, ít ngày sau, bề trên lại gửi thầy đi tới tỉnh Tứ Xuyên, Trung Hoa. Trên đường đi lại gặp trở ngại, vì đường vào Quảng Đông bị cấm ngặt. Bởi vậy, thầy phải vào Việt nam để đi bộ theo lối Vân Nam với hy vọng sẽ dễ dàng hơn. Một chuyện không may khác lại xẩy đến, đó là hai người Công giáo Trung Hoa từ tỉnh Tứ Xuyên đi đón thầy, khi tới Hà Nội thì lại bị bệnh dịch tả mà chết, nên thầy phải xuống điạ phận Nam, được Đức Cha Harvard Du truyền chức linh mục ngày 20 tháng 4 năm 1834, và nhận tên Việt Nam là Tân. Sau khi lãnh chức linh mục, cha lên Sơn Tây Sơn phục vụ truyền giáo ở địa phận Tây Đàng Ngoài. Ý nguyện đi truyền giáo tại Trung Hoa mãi tới năm 1836, cha thấy rằng con đường đi Trung Hoa vẫn không thể được nên cha quyết định ở lại làm việc tại Việt Nam.  Bề trên gửi Ngài tới xứ Bầu Nọ giúp cha Marette cùng với hai thầy Giảng Phaolô Mỹ và Phêrô Đường. Hai thầy Giảng này sau cũng bị bắt cùng ngày với cha và cũng được phúc tử vì đạo.
Ba tháng đầu mới tới Việt Nam Ngài phải trải qua một cuộc thử thách khá cam go. Vì thời tiết, nhất là vì khí hậu của vùng nhiệt đới nên Ngài bị đủ các chứng bệnh, nào là bị sốt rét thương hàn, nhức đầu, đau tai, nhức răng, đau mắt v.v. Nhiều người khuyên Ngài trở về Pháp quốc để chữa trị, nhưng Ngài nói:
“ Chúa đã sai tôi đến đây. Tôi chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai của tôi rồi, nếu có phải chết, tôi xin chết tại đây. Tôi không đi đâu nữa.”
Cha Gioan Carôlô Cornay Tân làm việc ở xứ Bầu Nọ được một thời gian vui vẻ thì lệnh cấm đạo của vua Minh Mạng ban ra, nhưng quan trấn tỉnh Sơn Tây khi ấy là Lê Văn Đức cũng có cảm tình với nhiều người Công giáo nên quan cũng lơ là với sắc lệnh của vua, nhờ vậy mà các nhà truyền giáo hoạt động tương đối còn dễ dàng. Tại làng Bầu Nọ có một thanh niên tên là Đức. Anh này đứng đầu một băng đảng chuyên ăn trộm ăn cướp. Người ta đã bắt và nộp cho quan, anh ta lại sẵn có tiền án tù tội vì những tội nói trên. Nay được tha, anh ta được về và sinh lòng ghen ghét những người Công giáo vì anh ta nghĩ rằng do những người Công giáo tố cáo mà anh ta bị bắt. Thế là anh ta sinh ra thù hằn, muốn trả thù những người Công Giáo, đồng thời muốn lập công chạy tội. Anh ta vu khống và đi tố cáo với quan tuần phủ cha Cornay Tân là người xúi giục dân chúng nổi loạn. Anh ta lại xếp đặt lập kế cho người vợ tên là Yến giả vờ xin học đạo để biết chắc chắn chỗ ở của cha Cornay Tân, rồi ban đêm anh ta lén vào khu vườn nơi cha ở, anh ta chôn vũ khí. Sau khi đã làm xong các việc như ý định, anh ta đi trình báo cho quan. Khi quan nghe báo cáo rõ ràng việc cha Cornay Tân xúi giục dân nổi loạn thì hoảng sợ. Ngày 20 tháng 6 năm 1837 quan cấp tốc đêm 1500 quân lính tới bao vây làng Bầu Nọ bắt cho bằng được cha Cornay Tân với ý định dẹp tan cuộc nổi loạn như tên Đức báo cáo.
Lúc quan quân kéo đến vây làng Bầu Nọ, ông lý trưởng làng Bầu Nọ cũng là người Công giáo rất ngạc nhiên và muốn bao che cho cha Cornay Tân. Nhưng khi quan dẫn ông lý trưởng tới ngay chỗ chốn giấu vũ khí tên Đức đã chỉ, đào lên thấy khí giới, quan liền đánh ông lý và tra khảo chỗ trú ẩn của các vị Thừa Sai. Cha Cornay Tân đang ẩn trong bụi cây gần đó thấy ông lý bị đánh đập tàn nhẫn, liền ra tự thú. Quan quân vui mừng bắt luôn và đóng gông, nhốt vào cũi giải ngay về tỉnh Sơn Tây.
Nghe tin cha bị bắt, dân chúng cả lương lẫn giáo kéo nhau ra đứng chật hai bên đường. Nhiều người nói ồn ào:
- “Ông cha này hiền lành, giúp đỡ nhiều người. Có bao giờ ông xúi giục ai nổi loạn đâu mà vu khống cho ông như thế. Thật là tội nghiệp cho người hiền lành, dễ thương”.
Một bà có vẻ thông thạo, biết chuyện nói thêm vào:
- “Chắc là những kẻ không ưa ngài, vu khống đấy thôi. Ở đời còn lạ gì. Kẻ ưa người ghét, chỉ tội cho người hiền lành”
Khi quân lính khiêng chiếc cũi nhốt Ngài bên trong, người ta thấy Ngài vui vẻ, giơ tay vẫy chào mọi người, trông thật cảm động. Có người thấy Ngài bị nhốt trong cũi mà còn phải đeo gông, đã lớn tiếng kêu lên:
- “Giêsu Maria, đã nhốt trong cũi rồi mà còn bắt cha phải đeo gông, sao ác độc quá vậy? Xin cha cầu nguyện cho chúng con, cha ơi!”.
Đoàn người ngậm ngùi đứng nhìn quan quân lũ lượt kéo nhau trở về với chiến lợi phẩm là bắt được một vị Thừa Sai, tông đồ truyền giáo đeo gông ngồi trong chiếc cũi, bị khênh đi như một con thú vật! Thế nhưng vị tông đồ của Chúa vẫn vui vẻ, miệng luôn ca hát, đọc kinh suốt cuộc hành trình từ làng Bầu Nọ tới tỉnh Sơn Tây. Những người lính đi sát bên cha thấy cha vui vẻ, ca hát, đọc kinh, cầu nguyện trường kỳ như vậy thì lấy làm lạ, họ hỏi cha:
- “Này ông cố Tây, ông bị bắt, bị đánh đập và bây giờ bị đeo gông nhốt trong cũi như vậy mà tại sao ông còn vui vẻ ca hát như thế được?”
Cha thân thiện trả lời:
- “Tôi bị bắt và chịu cưc hình như thế này vì Chúa tôi thờ. Người là Thiên Chúa, Người làm chủ vạn vật. Tôi được chịu khổ như thế này vì Người thì tôi lấy làm hạnh phúc lắm”.
Cha hát rất hay, giọng hát rất truyền cảm nên các quan bắt cha hát suốt mấy ngày. Có lần trước khi được ăn, các quan yêu cầu cha hát, cha chọn hát một bài thánh ca về Đức Mẹ, các quan rất thích. Sau đó các quan dụ Ngài bỏ đạo, quan nói với cha:
- “Ông còn quá trẻ lại hát hay và tài giỏi như thế, chết uổng lắm. Ông hãy bước qua Thánh Giá thì tôi sẽ liệu cách cho ông về”.
Cha nghe nói thì lắc đầu chối:
- “Nếu quan lớn tha thì tôi về, còn việc bước qua Thánh Giá thì không bao giờ có thể xẩy ra được”.
Thấy thái độ cương quyết của Cha, quan truyền nhốt lại trong ngục tù Vua Minh Mạng được tường trình về trường hộp của cha, vua trao quyền cho các quan tỉnh Sơn Tây ép buộc cha nhận tội xúi giục dân chúng làm loạn rồi xử tử Ngài. Nhưng bao nhiêu lần ép buộc, cha vẫn không nhận. Bị ép buộc quá, cha thẳng thắn trả lời:
- “Thưa các quan lớn, tôi chỉ chuyên lo giảng dạy đạo thật cho người ta, luôn khuyên bảo làm lành lánh dữ, dạy con cái thảo hiếu với cha mẹ, dạy dân chúng phải tùng phục vua quan, cầu nguyện cho vua quan biết thương dân trị nước. Như vậy làm sao tôi có thể làm ngược lại những điều chúng tôi khuyên dạy người dân? Không bao giờ tôi khuyên dân làm loạn. Ai báo cáo với các quan là tôi xúi dân làm loạn, đó là điều vu khống. Tôi phủ nhận hoàn toàn”.
Lần cuối cùng cha bị đem ra tra tấn, bị đánh 50 roi bằng những chiếc roi kép bện bằng nhiều sợi giây, đầu mỗi sợi giây có một miếng chì, nên mỗi lần bị đánh những đầu chì móc da thịt, máu chảy đầm đìa cả áo quần. Dù bị đau đớn như thế nhưng cha vẫn cắn răng chịu đựng, không hề kêu ca, than trách. Lính đánh cha nát ba chiếc roi kép bện, bắt cha nhận tội làm loạn. Cha dứt khoát không nhận. Bọn chúng lại bắt cha bước lên Thánh Giá, cha âu yếm ôm cây Thánh Giá hôn kính. Bọn lính lại đấm đá lên đầu lên cổ cha, mà cha vẫn bình tĩnh, đứng lên tiếp tục hát thánh ca.
Giam giữ cha hơn bốn tháng trời mà vẫn không khuyên dụ cha bước lên Thánh Giá và bỏ đạo được. Các quan bàn tính kết án cha phải chém đầu. Bản án gửi về triều đình Huế, xin vua châu phê. Vua Minh mạng đọc bản án xong, liền lấy bút sửa lại thành án lăng trì. Bản án gửi lại cho quan Tây Sơn Cha Jaccard Phan biết tin, vội cấp báo cho cha Cornay Tân. Được tin, Ngài vội biên thư cám ơn cha Jaccard Phan và gửi lời vĩnh biệt mọi người. Ngài cũng nhờ cha Phan chuyển mấy lời vắn tắt về từ giã gia đình như sau:
“ Cha mẹ yêu quí, xin cha mẹ đừng buồn về cái chết của con. Đây không phải là ngày than khóc mà là ngày vui mừng. Xin cha mẹ hãy nghĩ rằng sau những đau khổ ngắn ngủi con phải chiụ thì con sẽ luôn nhớ đến cha mẹ trên Trời. Xin nhận nơi đây tấm lòng thảo hiếu của con. Jean Charles Cornay”
Sáng ngày 20 tháng 9 năm 1837 quan giám sát cùng đội quân hùng hậu gươm giáo đưa cha Gioan Carôlô Cornay Tân ra pháp trường Năm Mẫu tỉnh Sơn Tây. Ngài vẫn bị nhốt trong chiếc cũi sắt, quân lính khênh đi, ngồi cuộn mình trong chiếc cũi nhỏ chật hẹp, vị tông đồ anh hùng của Chúa vẫn tiếp tục cầu nguyện và hát thánh ca. Những ngưòi đi theo sau đoàn quân, nghe cha hát. Họ nói với nhau:
- “Thật lạ lùng, bị đem đi chém đầu mà vẫn ca hát được. Thật là khó hiểu”.
Kẻ khác nói lại:
- “Vì Ngài tin ở Chúa, chết để làm chứng cho đạo Chúa thì Ngài không còn sợ hãi. Ngài là nhà truyền giáo thật anh hùng”
Một bà nói lớn, không biết cha có nghe thấy không:
- “Cha ơi! Cha lên Thiên Đàng nhớ đến chúng con ở xứ Bầu Nọ nhé. Chúng con thương mến cha lắm”.
Tới nơi xử, cha xin mấy phút cầu nguyện dâng phó linh hồn cho Chúa, rồi cha tự cởi áo và nằm trên thảm đã trải sẵn. Đội lý hình đóng bốn chiếc cọc bốn phía, trói chân tay vào các cọc, chờ lệnh sẽ thi hành bổn phận.
Theo thông lệ bị án lăng trì thì phải chặt hai chân trước, rồi tới hai tay, sau hai tay rồi mới chặt đầu, cuối cùng mổ bụng, chặt thân hình ra làm bốn. Nhưng hôm nay quan thấy cha còn quá trẻ, lại hiền lành vui vẻ, ca hát thật hay, nên quan thương và tỏ ra nhân đạo hơn. Quan ra lệnh chặt đầu trước rồi mới chặt chân tay sau, rồi phân thân hình Ngài ra làm bốn. Bọn lý hình thấy cha quá can đảm thì tin rằng ăn gan của cha sẽ được can đảm hơn, nên họ lấy gan của Ngài chia nhau ăn. Có người còn liếm máu còn dính ở lưỡi gươm. Họ tin ăn gan và uống máu người can đảm như thế thì sẽ được khoẻ mạnh và can đảm như người đã bị giết.
Chứng kiến cảnh tàn bạo, ghê tớm này, nhiều người khóc thét lên, ôm mặt không dám nhìn. Quan cho lệnh xua đuổi không cho dân tới gần. Nhiều tiếng khóc than từ xa xa vọng lại, nghe thật đau buồn thảm thiết.
Trước ảnh rùng rợn đó, ông Trưởng xóm Bách Lộc đã tình nguyện tới xin quan cho nhận thi thể Ngài để chôn cất. Quan cho phép và ông đã thu nhặt đầu, thi thể, tay chân xếp vào một chiếc hòm rồi chôn cất ngay tại pháp trường Năm Mẫu, sau này ông Trưởng cũng xin theo đạo Công giáo. Mấy tháng sau đã cải táng đem về an táng trong phần đất của Dòng Mến Thánh Giá Chiêu Ứng.
Đức Giáo Hoàng Leô XIII đã suy tôn Ngài lên bậc Chân Phước Tử Đạo ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log