Chúa nhật, 24/11/2024

Ngày 11.10: Thánh Phêrô Lê Tùy - Linh mục (1773 - 1833)

Cập nhật lúc 08:19 10/10/2020


Thánh Phêrô Lê Tùy sinh năm 1773 trong một gia đình nề nếp và giầu có ở làng Bằng Sở, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội.
Năm 1773 cậu Phêrô Lê Tùy chào đời thì cũng chính là năm thánh linh mục Vinh Sơn Liêm và thánh linh mục Giacinta Castaneda Gia được phúc tử vì đạo tại Hà Nội do lệnh xử trảm của chúa Trịnh Sâm. Có lẽ vì cảm kích tấm gương anh hùng của hai vị thánh tử đạo này mà cha mẹ cậu Phêrô Lê Tùy đã sốt sắng và sớm gửi cậu con trai yêu quý của mình vào học tại chủng viện Kẻ Vĩnh (Nam Định), mong ước con mình sau này nối gót.những vị thánh anh hùng của Hội Thánh Chúa.
Tại chủng viện, cậu Phêrô Lê Tùy đã sớm tạo được những thành tích tốt đẹp, chiếm được cảm tình ưu ái của ban giáo sư cũng như các bạn đồng trường. Cậu học hành rất thông minh, chăm chỉ, xử sự khôn ngoan, đời sống đạo đức, khiêm tốn và hiền hoà với các bạn bè. Chính nhờ đời sống tốt lành và học hành xuất sắc nên sau khi mãn trường thầy đã được lãnh chức Phó Tế rồi thầy Phêrô Tùy được đặc cử đi giúp Đức Cha De la Mothe Hậu lo việc truyền giáo tại vùng tỉnh Nghệ An.
Sau một thời gian giúp việc truyền giáo rất đắc lực, Đức Giám mục gọi thầy về thụ phong linh mục. Sau đó, Đức Cha bổ nhiệm Ngài đi làm phó xứ Đông Thành, rồi Chân Lộc và làm cha chánh xứ Nam Đường. Ở đâu Ngài cũng tận tình, tận lực lo việc mục vụ một cách rất sốt sắng và nêu cao gương sáng nhân đức khiêm nhường, thánh thiện. Từ các linh mục bạn hữu tới giáo dân, ai ai cũng đều khen Ngài là một linh mục vui vẻ, hiền hoà và nhiệt tình trong mọi công việc được trao phó. Nhìn thấy những nhân đức và những kết quả tốt đẹp do việc mục vụ của Ngài, Đức Cha De la Mothe Hậu đã nhiều lần ca ngợi cha, có lần Đức Cha nói:
- “Không ai là không hài lòng với cha Phêrô Lê Tùy”.
Trong suốt 30 năm trường phục vụ trong thiên chức linh mục, cha đã công khai hoạt động trong cánh đồng truyền giáo của Giáo Hội Việt Nam và cha đã đem lại bao kết quả lớn lao cho Giáo Hội bằng việc lôi kéo được biết bao linh hồn trở về với Chúa. Công việc mở mang nước Chúa đang tiến triển ngoạn mục thì ngày 6 tháng 1 năm 1833 vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo trên toàn quốc từ Bắc chí Nam thì cha Phêrô Tùy cũng như bao nhà truyền giáo khác phải rút lui vào bóng tối, âm thầm hoạt động trong lén lút và len lỏi vào những nơi hang cùng ngõ hẻm để tránh sự dòm ngó của các nhà chức trách và người lương dân.
Ngày 25 tháng 6 năm 1833, tại họ Thanh Trai. có một bệnh nhân bệnh nặng đang hấp hối chết, người trong gia đình vội vàng tìm đến cha và mời cha tới giải tội và xức dầu cho bệnh nhân. Cha mau mắn tới và sau khi đã làm xong bổn phận, trên đường về cha bị nhóm người lương dân bắt và nộp cha cho quan huyện Thanh Phương. Họ đạo Thanh Trai là họ xôi đỗ, nghĩa là dân Công Giáo và không Công Giáo sống trà trộn với nhau cho nên những người lương dân hay theo dõi những sinh hoạt của những người Công Giáo để rồi báo cáo cho vua quan để lập công với nhà cầm quyền. Chính vì lý do đó mà khi cha Phêrô Tùy vừa âm thầm lén lút tới với bệnh nhân thì họ đã biết và tìm cách bắt được cha ngay. Khi họ giải cha tới huyện thì nhóm người Công Giáo đi theo và tới trình với quan huyện xin chuộc cha với một số tiền khá lớn. Quan huyện Thanh Phương đồng ý cho chuộc với điều kiện cha chỉ khai mình là Thầy Thuốc, không khai mình là linh mục. Giáo dân xin cha chiều ý quan huyện và khai như quan dậy. Nhưng cha không chịu. Cha nói khai như thế là khai man, là nói dối, là làm gương mù gương xấu cho bao người khác. Cha cương quyết chỉ nhận mình là linh mục mà thôi. Vì cha không chịu nói dối nên quan huyện Thanh Phương cho lệnh đeo gông, xiềng xích tay chân rồi áp giải về nộp cho quan đầu tỉnh Nghệ An xét xử.
Về tới tỉnh Nghệ An, cha bị tống giam trong ngục thất, bị đánh đòn, tra tấn, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bị bọn lính hành hạ khổ sở. Nhưng lúc nào cha cũng vui tươi, bình tĩnh, can đảm chịu mọi khổ nhục. Những người cùng bị giam với cha, thấy cha đã già mà phải đòn vọt máu me chảy ra như thế mà cha vẫn vui vẻ thì lấy làm lạ nên có người đã hỏi:
- “Cha ơi! Cha đã già mà phải hành hạ khổ nhục quá như vậy mà cha vẫn chịu một cách can đảm. Tại sao cha gan thế? Bí quyết nào đã giúp cha vậy?”
Cha vui vẻ trả lời:
“Bí quyết nào à? Đó là ơn thiêng Chúa ban. Chúa còn phải khổ nhục hơn ta nhiều. Chúa bị hành hạ cách vô cùng tàn nhẫn rồi còn bị đóng đanh trần trụi trên Thánh Giá vì chúng ta cơ mà! Chúa có tội gì đâu mà còn  phải khổ nhục như thế. Đó, Chúa chịu vì yêu thương chúng ta đấy. Bây giờ tôi có phải khổ nhục vì Chúa như thế này có thấm gì đâu? Anh em hãy tin cậy Chúa, Chúa sẽ giúp cho”
Mọi người chăm chú nghe cha nói và xin cha cầu nguyện cho họ.
Sau nhiều ngày bị đòn đánh khổ nhục, quan án tỉnh gọi cha ra công đường. Quan Án hỏi:
“Ông là đạo trưởng Gia Tô phải không?”
Cha giõng giạc trả lời:
- "Bẩm quan lớn, phải. Tôi là đạo trưởng”
Quan lại hỏi:
- “Ông có biết lệnh vua ban xuống là phải cấm đạo Gia Tô và phải tiêu diệt hết các đạo trưởng của đạo ấy không”.
Cha bình thản trả lời:
- “Bẩm quan lớn, tôi biết”.
Quan án nhìn cha một cách thông cảm rồi nói:
“Ông nghe ta đi! Ai thấy ông bị bắt cũng động lòng trắc ẩn. Không ai muốn ông phải tử hình. Ta đây cũng thế, ta không muốn xử tử hình ông, nhưng lệnh vua thì ta phải vâng theo mà thôi. Vậy bây giờ ông nghe ta. Ông chỉ khai ông là Lang Y đi chữa bệnh mà thôi. Có thế thì ta mới cứu ông khỏi chết.
Cha Phêrô Tùy ôn tồn và lễ phép trả lời:
- “Tôi xin cám ơn lòng tốt của quan lớn. Tôi không thể nói dối được.Nhưng tôi không sợ chết vì đạo Chúa. Chết bằng cách nào tôi cũng xin chấp nhận, tôi không ngại đâu. Quan biết rằng ai cũng phải chết mà! Dù chết êm đềm trên nệm ấm hay chết bị cọp tha, cá rỉa, dầu bị lột da hay xé xác làm trăm mảnh cũng đều là chết thôi. Thưa quan, tôi không sợ chết“
Quan án thấy cha lý luận vững chắc và lòng can đảm lạ lùng, quan tỏ lòng kính phục; đàng khác thấy cha đã ngoài 60 tuổi, quan không ra lệnh đánh đòn nữa, chỉ ra hiệu cho lính đưa cha trở lại nhà giam. Từ nay cho tới khi bị xử quan ra lệnh không được đánh đập cha nữa và cho cha ăn uống đều hoà, vì cha đã 60 tuổi, theo luật nhà nước khi ấy thì ở tuổi 60 trở lên không được phép kết án xử tử. Nhiều lần các quan cho ngưòi vào khuyên dụ cha, xin cha làm giấy khai là Lang Y để các quan có lý do cho cha về. Nhưng trước sau như một cha nhất định chỉ khai mình là linh mục đạo Công Giáo. Những người bạn cùng bị giam tù chung với cha đều quí trọng cha. Có người thấy cha quá tốt lành thánh thiện thì nói:
- "Một người hiền lành đạo đức như vậy mà bị giam như một tội phạm gian ác, thật là phi lý. Chúng mình phải chịu án đã đành chứ ông già này làm gì nên tội mà giam cầm đánh đập như thế. Thật vua quan đắc tội với Trời”.
Khi các quan trong tỉnh làm án gửi về kinh đô, các quan cũng nghĩ ông già này đã 60 tuổi rồi, mà theo luật nhà nước thì không xử tử những tội nhân đã 60 tuổi trở lên. Hy vọng vua sẽ phạt ít tiền rồi cho về thôi. Nhưng thật là kinh hoàng khi nhận được án lệnh của vua Minh Mạng chuyển tới, mở ra đọc thì thấy vua ra lệnh: “Tên Lê Tùy đã xưng là đạo trưởng và truyền dậy tà đạo cho dân, phải trảm quyết!”. Đọc xong án lệnh các quan đều bàng hoàng khiếp sợ.
Khi được tin bị án trảm quyết, cha Phêrô Tùy rất bình tĩnh, vui vẻ, không hề tỏ ra khiếp sợ Có người bạn tù thấy cha vui vẻ thì hỏi:
- “Cha bị kết án trảm quyết mà sao cha lai vui vẻ được?’'
Cha ôn tồn trả lời:
“Thật ra đã từ lâu tôi không dám trông đợi ơn trọng ấy. Bây giờ tôi vui mừng vì Chúa đã thương ban cho tôi được chết vì Ngài. Đây là ơn rất trọng”.
Cha dùng bữa tối thường lệ như các bạn từ khác. Sau đó cha lặng lẽ một mình, không trò truyện như những tối khác, âm thầm dọn mình sốt sắng để lãnh nhận ơn tử đạo Chúa ban.
Theo án lệnh vua Minh Mạng  ban xuống, các quan tỉnh Nghệ An quyết định ngày 11 tháng 10 năm 1833 sẽ thi hành án lệnh. Ngay từ sáng sớm hôm ấy, quan quân đưa cha ra pháp trường là chợ Quân Ban, cha vui vẻ, nét mặt hớn hở, những người đi theo cha trong đó có nhiều người không Công Giáo thấy cha bình thản, tươi vui thì ồn ào nói với nhau:
- “Từ xưa tới nay chưa thấy ai bị  đem ra pháp trường xứ chém mà lại can đảm như cụ già này. Thật là lạ lùng!”.
Một giọng nói khác xen vào:
- “Ông cụ già này là đạo trưởng đạo Gia Tô đấy. Đạo này lạ kỳ thật. Đạo dạy thờ Đức Chúa Trời là Đấng dựng nên trời đất muôn vật. Nghe nói về đạo nhiều điều hay lắm. Có lý lắm”.
Đoàn quan quân dẫn cha tới nơi xử, một giáo dân đã trải chiếu sẵn để cha quì cầu nguyện. Cha ngước mắt lên trời nói lớn tiếng:
- “Lạy Cha là Chúa Trời đất con xưng tụng Cha đã dựng nên con có hồn có xác. Giờ phút này con xin dâng lên Cha cả hồn lẫn xác của con để nói cho mọi người hiện diện nơi đây là con tin thật Chúa là Cha của con, của mọi người. Xin Cha chúc lành cho những người này và xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.
Cha đang cầu nguyện thì quan định ra hiệu xử, nhưng ông Bernado Thu vội chạy lại xin quan trì hoãn lại thêm vài phút nữa để cha cầu nguyện thêm ít phút. Sau khi cầu nguyện lớn tiếng thì ông Bernado Thu tới lạy cha bốn lạy và nói:
- “Giờ đây cha sắp đuợc về nơi vĩnh phúc đã bao lâu cha mong đợi. Phần con còn ở chốn dương gian này, xin cha nhớ tới con”.
Cha cũng quay lại lạy bốn vái đáp lễ và khuyên:
- “Cha cám ơn con. Con hãy bền lòng vững chí theo Chúa đến cùng. Con cũng sẽ được phần thưởng trên nước trời”.
Trước cảnh cha con từ biệt nhau thật lâm ly, khiến nhiều người xúc động khóc nức nở.
Cuối cùng cha quay sang nói với toán lý hình:
- “Cám ơn các anh. Bây giờ tôi đã sẵn sàng rồi”
Quan giám sát ra hiệu lệnh, tiếng thanh la và tiếng trống vừa chấm dứt thì tên lý hình vung gươm sáng loáng thật cao, chém một nhát thì đầu vị chứng nhân của Chúa rơi xuống, máu vọt lên cao.Có những tiếng kêu la lớn tiếng từ đám quần chúng đứng xa xa kêu lên:
- “Giêsu lạy Chúa tôi! Họ chém cha rồi! Đầu cha rụng xuống rồi!”
Một tiếng kêu khác cũng vọng lên:
- “Trời ơi! Người hiền lành quá dễ thương như vậy mà đem giết đi. Thật tội với Trời”
Ngay sau đó, các tín hữu tới xin nhận thi thể của cha, liệm đặt vào quan tài rước về an táng trong khu đất của nhà xứ Tràng Nứa. Sau lại cải táng rưóc về xứ Yên Duyên. Nay thì được đưa về đặt tại Bằng Sở là xứ nguyên quán của Ngài.
Ngày 27 tháng 5 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước và ngày 19 tháng 6 năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log