I. Ghi nhận lịch sử - phụng vụ
Lễ nhớ thánh Calliste được chứng thực bởi văn kiện Depositio martyrum (Chứng từ tử đạo) năm 354; lễ nhớ này được ấn định cử hành vào ngày 14 tháng 10, và nơi cử hành được xác định là ở chặng thứ ba trên đường Aurelia. Hình như lúc đầu Calliste là nô lệ của một người Kitô hữu tên là Carpophore, sống tại Rôma. Được chủ tín nhiệm, nhưng ngài lại bị tố cáo làm thất thoát tài sản của chủ. Bị bắt, ngài có thể bị lưu đày và lao động khổ sai ở vùng mỏ Sardaigne. Nhưng có lẽ nhờ sự can thiệp của Đức giáo hoàng Victor, ngài trở về Rôma và được Đức giáo hoàng Zéphyrin (198-217) truyền chức linh mục và cử trông coi nghĩa trang Kitô giáo đầu tiên của Giáo Hội Rôma, nằm trên Via Appia; nghĩa trang này rất quan trọng đến nỗi các hang toại đạo trong đó trở thành nơi chôn cất các vị giáo hoàng ở thế kỷ III. Ngày nay người ta vẫn còn gọi đây là Hang Toại Đạo thánh Calliste. Các công lao to lớn đã đưa ngài lên kế vị Đức giáo hoàng Zéphyrin năm 217. Trong 5 năm ở ngôi, từ 217 đến 222, vị giáo hoàng vĩ đại này đã nổi bật về hoạt động mục vụ, sự kiên trì trong việc bảo vệ đức tin tinh tuyền, cũng như trong những sáng kiến canh tân một cách trung dung việc thực hành sám hối và luật hôn nhân. Người ta nói ngài đã ra một sắc lệnh ban phép xá giải cho một số tội nhân và vì thế gây sự chống đối và tấn công từ phía các vị có chủ trương khắt khe như Tertullien và Híppolyte. Theo tài liệu “Cuộc Khổ Nạn”, thánh Calliste chịu tử đạo năm 222, tại Transtévère (Rôma), trong một cuộc bạo loạn chống lại người Kitô hữu. Năm 1960, người ta đã tìm ra ngôi mộ của ngài ở nghĩa trang Calepode, trên đường Via Aurelia. II. Thông điệp và tính thời sự
Lời nguyện lấy từ một công thức được các sách bí tích cho là lời của Đức giáo hoàng Marcel: “Lạy Chúa, hôm nay chúng con mừng kính thánh Calliste tử đạo. Vì công đức của người, xin Chúa thương... che chở giữ gìn chúng con.”
Công đức của vị thánh giáo hoàng này phải kể đặc biệt đến việc ngài bênh vực niềm tin Thiên Chúa Ba Ngôi (Thiên Chúa: một bản tính duy nhất trong ba ngôi vị); việc ngài ra vạ tuyệt thông đối cho Sabellius, kẻ chủ trương thuyết Nhất vị (monarchianisme). Theo lạc thuyết này, Thiên Chúa chỉ có một ngôi duy nhất nhưng được mạc khải duới ba hình thức khác nhau. Trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa một ngôi duy nhất đã mạc khải như là Cha, trong công trình cứu chuộc như là Con, và trong công trình thánh hóa như là Thánh Thần. Lạc thuyết này bị Đức Giáo Hoàng Denis (259-268) kết án là lạc giáo.
Về việc thực hành sám hối, thánh Calliste đã đưa vào một thực hành ít nghiêm khắc hơn kỷ luật sám hối của những thập niên cuối thế kỷ II; ngài chấp nhận một thái độ khoan dung đối với những kẻ sa ngã (lapsi=những người chối đạo công khai) khi họ ăn năn sám hối vì đã chối đạo trong các cuộc bách đạo.
Không khoan nhượng trên bình diện tín lý, thánh giáo hoàng Calliste lại tỏ ra độ lượng và nhân hậu đối với những tội nhân, ngài có thái độ trung dung chứ không theo chủ nghĩa cực đoan. Ngài quả thật là người tôi tớ của Thiên Chúa tình yêu mà Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta trong Tin Mừng. Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải hy tế (Mt 9, 13).
Enzo Lodi
tonggiaophanhanoi.org