TIỂU SỬ SONG THÂN THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU
Hôm thứ Bảy 27.6.2015 tại Điện Tông Tòa Tòa Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn các nghị định tuyên thánh cho Chân Phước Louis và Zélie Martin, là song thân của Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Lễ tuyên thánh cho hai Chân phước Louis và Zélie Martin có thể diễn ra trong dịp Thượng Hội đồng Giám mục về gia đình vào tháng 10 sắp tới. Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh cho biết cha mẹ của vị thánh tiến sĩ Hội Thánh sẽ là cặp vợ chồng đầu tiên được tuyên thánh cùng nhau như hai vợ chồng, làm chứng cho “chứng tá ngoại thường của linh đạo vợ chồng và gia đình”. Đức Hồng Y cũng nhấn mạnh “đời sống đức tin gương mẫu, sự cống hiến cho những giá trị lý tưởng kết hợp với hiện thực cuộc sống, và sự chú ý liên tục đến người nghèo” của các ngài. Louis Martin (1823-1894) và Zélie Guerin (1831-1877) đã may mắn có chín người con. Tuy nhiên bốn người đã chết trong thời niên thiếu. Năm cô gái còn lại tất cả đều gia nhập đời sống thánh hiến, một trong những người con đó là Thánh Têrêsa thành Lisieux. Hai ông bà đã được ĐGH Bênêđictô XVI phong Chân Phước tại Vương Cung Thánh Đường Lisieux vào Chúa Nhật Truyền Giáo, ngày 19 tháng 10 năm 2008, nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thành hôn của hai Ông Bà. Trong lịch sử Giáo Hội, có rất ít trường hợp các vị thánh xuất thân từ trong cùng một gia đình, thí dụ Thánh Monica và con là Thánh Augustinô. Riêng Giáo Hội Việt Nam, đã có hai trường hợp tương tự, trường hợp một đại gia đình có ba vị Thánh Tử Đạo, người đương thời gọi là “Nhất gia tam Thánh”, gồm Thánh Đaminh Khảm, Giuse Tả, và Luca Thìn. Gia đình thứ hai gồm hai Thánh, đó là Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ và nhạc phụ là Thánh Antôn Nguyễn Đích. Nhưng đây là trường hợp thứ nhất cả vợ lẫn chồng đều được phong thánh cùng một ngày. Chúng ta còn nhớ vào năm 2001, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong Chân Phước cho hai vợ chồng ông bà Luigi Beltrame Quattrocchi (1880-1951) và Maria Beltrame Quattrocchi (1884-1965) cùng ngày lần đầu tiên. Các ngài là thân phụ và thân mẫu của 2 linh mục, 1 nữ tu, và 1 người sống trong ơn gọi hôn nhân gia đình. Trường hợp thân phụ mẫu của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu được coi là rất đặc biệt, vì hai vị là song thân của một Thánh Nữ Tiến Sỹ của Giáo Hội. Một linh mục dòng Tên trước đây đã viết trong cuốn Một Tâm Hồn dịch qua tiếng Tây Ban Nha lời đề tặng: “Muôn đời kính nhớ Thân Phụ phúc hậu Chị Têrêsa Hài Đồng Giêsu, đáng là mô phạm cho bậc làm cha mẹ trong các gia đình Công Giáo”. SƠ LƯỢC TIỂU SỬ - Thánh Louis Martin (1823-1894): Louis Martin sinh ngày 22 tháng 8 năm 1823 tại Bordeaux, nước Pháp. Thân phụ là Đại Úy trong đoàn quân pháo thủ bình giặc ở Tây Ban Nha. Năm 19 tuổi thanh niên Martin học nghề chữa đồng hồ. Năm 22 tuổi, xin đi tu, nhưng vì không theo nổi môn Latin, nên phải bỏ cuộc. Về nhà, Marin ra sức học Latin thêm 2 năm nữa, nhưng sau đó không thấy tiến bộ nên quyết định bỏ cuộc. Giấc mơ làm linh mục không thành, Martin đã mở một tiệm đồng hồ tại thị trấn Alencon miền Bắc nước Pháp, và thuộc phía Tây thành Paris.
Năm 35 tuổi, Louis Martin gặp Zélie Guérin, một thiếu nữ trẻ hơn chàng 8 tuổi làm nghề sản xuất dây giày. Lễ thành hôn Louis-Zélie được cử hành đơn giản ngày 13 tháng 7 năm 1858 tại nhà thờ Đức Bà Alencon. Một chi tiết nhỏ nhưng nói lên sự thánh thiện của cặp vợ chồng trẻ này là mấy tháng đầu họ đã sống với nhau như anh em. Nhưng sau hiểu được ý Chúa, thì cả hai lại sẵn sàng đón nhận những người con mà Chúa ban cho trong đời sống hôn nhân. Trong số 9 người con có 2 trai và 7 gái. Hai người con trai và hai người con gái đầu đã qua đời khi còn rất trẻ. Còn lại 5 người con gái, tất cả đều dâng mình làm nữ tu:
- Marie-Louise: Nữ tu Dòng Kín Lisieux.
- Marie-Pauline: Bề trên Dòng Kín Lisieux.
- Marie-Léonie: Nữ tu Dòng Thăm Viếng.
(Án phong chân phước cho Léonie, cũng đã được mở ở cấp giáo phận vào ngày 24 tháng Giêng năm 2015 tại Lisieux). - Marie-Céline: Nữ tu Dòng Kín Lisieux.
- Marie-Thérèse: Nữ tu Dòng Kín Lisieux.
(Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu) Sau khi người vợ trẻ qua đời vào năm 1877, ông Marin lãnh lấy trách nhiệm dạy dỗ con cái. Trong số 5 người con gái, ba cô còn ở tuổi thiếu niên, riêng Céline lúc đó mới 8 tuổi, và gái út là Têrêsa mới lên 4.
Sau khi Bà Zélie qua đời, và theo lời khuyên của bà trước lúc lâm chung, ông Marin đã đem gia đình về Lisieux sống gần gia đình người em trai của bà trong trang trại Buissonnets với hy vọng các con nhận được sự giúp đỡ và an ủi của những người thân yêu. Ông nghỉ không làm nghề sửa chữa đồng hồ và dành trọn thời giờ chăm lo và giáo dục các con.
Trong sinh hoạt tông đồ, Ông tham gia hội Bác Ái Thánh Vinh Sơn và là một hội viên rất nhiệt thành. Năm 1887, Ông đưa hai con gái út là Céline và Têrêsa đi du lịch một vòng Âu Châu, và trong dịp này, do sự khuyến khích của Ông, Têrêsa đã mạnh dạn xin với Đức Lêô XIII cho phép mình được vào tu dòng kín Camêlô khi mới được 15 tuổi.
Sau khi các con Ông lần lượt theo nhau vào tu Dòng Kín, Ông còn lại một mình sống âm thầm để chia sẻ con đường Thánh Giá của Chúa Cứu Thế. Năm 1887, Ông bị đột quỵ và chấn thương thần kinh. Ngày 12 tháng 12 năm 1889, Ông nghỉ bệnh tại Bon Sauveur, Caen. Ông phải điều trị 3 năm trong nhà dưỡng lão. Ngày 10 tháng 5 năm 1892, Ông đã được gia đình người em vợ đem về nhà chăm sóc cẩn thận. Thời gian này, Céline ngày đêm săn sóc ba cho đến khi Ông từ trần ngày 29 tháng 7 năm 1894. Sau khi Ông từ trần, cô cũng đã vào tu Dòng Kín Camêlô.
- Thánh Zélie Guérin (1831-1877): Sinh ngày 23 tháng 12 năm 1831, là người con thứ hai trong số 3 người con của một cựu chiến binh ở Alencon. Mẹ của Zélie Guérin nổi tiếng là người đàn bà khắc khổ và cứng rắn trong việc giáo dục con cái. Chị cả của cô dâng mình vào nhà tu và trở thành nữ tu. Cô muốn noi gương chị, xin vào dòng Chị Em Bác Ái Thánh Vinh Sơn, nhưng bị từ chối.
Sau khi biết mình không có ơn kêu gọi trong bậc tu trì, Zélie cầu xin Chúa cho mình một người chồng tốt, đạo đức để tâm giáo dục con cái nên người hữu ích cho Giáo Hội và xã hội. Bà cũng cầu xin Chúa ban cho mình có con, nhất là con trai để sau này dâng cho Chúa làm linh mục thừa sai rao giảng Tin Mừng. Lời cầu xin đã được Chúa nhận lời, và cuộc hôn nhân của Bà đã đem lại 9 người con, nhưng bốn người con đầu trong đó 2 trai và 2 gái đã qua đời trong tuổi thơ. Têrêxa là con út trong số 9 người con sau này được tôn phong Hiển Thánh, làm Bổn Mạng các xứ truyền giáo và làm Tiến Sỹ Hội Thánh. Một vị tiến sỹ trẻ nhất trong 33 vị Tiến Sỹ của Giáo Hội, và là 1 trong 3 vị Nữ Tiến Sỹ.
Bà Zélie qua đời ngày 28 tháng 8 năm 1877 khi vừa tròn 45 tuổi sau 5 năm chịu đựng do chứng bệnh ung thư.
ĐỜI SỐNG VÀ ẢNH HƯỞNG GIÁO DỤC “Xem quả thì biết cây”. Đó là câu nói bình dân của người Việt Nam nhằm diễn tả ảnh hưởng tương quan giữa cha mẹ và con cái trong lãnh vực giáo dục. Nhìn vào đời sống của 5 người con gái, và đặc biệt, riêng Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thì ảnh hưởng giáo dục của thân phụ và thân mẫu đã được phản ảnh rõ ràng trong cuộc đời tận hiến của tất cả 5 người con, đặc biệt là Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Nhưng liệu lối sống ấy có phù hợp và có thể áp dụng vào đời sống của chúng ta hiện nay không?
1- Đời sống vợ chồng: Không cần phải thêu dệt hoặc tưởng tượng, chúng ta cũng có thể hiểu và tin rằng cuộc sống hôn nhân của Ông Bà là một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc. Tuy nhiên, vì là con người, nên chúng ta cũng có quyền tin rằng không phải lúc nào cuộc đời cũng êm xuôi và thanh bình đối với hai vị. Nếu vậy, sẽ không minh chứng được sự hy sinh của các ngài. Điều làm cho chúng ta kính phục là hai vị đã chịu đựng, đã hy sinh cá nhân mình để bầu khí gia đình luôn hạnh phúc. Và bí quyết đã giúp hai vị chấp nhận những trái ý và thử thách trong cuộc sống là lời cầu nguyện và hy sinh.
Bận bịu với chồng và 5 con. Chịu đựng những đau đớn do bệnh tật, nhất là 5 năm cuối cuộc đời. Và sau cùng là phải bỏ lại người chồng yêu dấu và 5 con thơ vào tuổi 45, đây là một thử thách lớn cho Bà Zélie. Giữ được sự bằng an, và nụ cười trong những hoàn cảnh như vậy đòi hỏi một nhân đức anh hùng.
Đối với Ông Louis Martin, sự chịu đựng và hy sinh có thể nói là thực sự bắt đầu khi người vợ thân yêu của Ông bỏ Ông lại với 5 người con trong lúc Ông ở tuổi 53. Ông đã ở vậy cho đến chết để nuôi nấng và giáo dục con. Nhưng sự hy sinh cao cả nhất của Ông là nhìn từng người con bỏ Ông vào dòng Kín hoặc đi tu. Cũng như người vợ hiền của Ông, Ông đã can đảm dâng cho Chúa những người con của mình. Trên giường bệnh và trước lúc từ giã cõi đời, bên Ông chỉ còn một người con duy nhất là Cécinle, mà Ông biết là cũng đang mang ý tưởng tu trì.
2- Giáo dục con cái: Sự trọn lành và thánh thiện của ơn gọi hôn nhân không chỉ dừng lại ở nơi người chồng, người vợ hoặc cả hai, mà còn trực tiếp liên quan đến việc sinh sản và giáo dục con cái nữa. Để biết hai Ông Bà đã giáo dục con cái họ như thế nào và theo tinh thần nào, chúng ta hãy theo dõi những lời kể của chính Thánh Têrêsa về thân phụ và thân mẫu của mình. Trong cuốn tự truyện Một Tâm Hồn. Thánh Nữ đã viết về mẹ mình như sau:
“Có một buổi sáng, mẹ muốn hôn Têrêsa rồi mới xuống gác. Xem như nó còn ngủ mệt, mẹ không dám làm nó thức dậy; song chị Marie nó nói: “Mẹ ơi, con chắc em giả cách ngủ đấy!” Mẹ liền cúi hôn mặt nó, nó kéo ngay chăn lên trùm kín cả mặt rồi nói lụng bụng: “Chẳng cần ai thăm nom con hết!” Mẹ đã không bằng lòng cử chỉ ấy và cũng làm nó hiểu thế”. (Một Tâm Hồn, tr. 22).
“Con không thể quên cái ngày chị chịu lễ lần đầu; con còn nhớ cả cô gái nhà nghèo, là bạn thân chị mà me đã may áo mới cho để mặc ngày ấy, như thói lành những nhà khá giả trong tỉnh Alencon. Cô bạn, suốt ngày vui mừng ấy, không rời chị Léonie một phút. Đến tối lúc ăn tiệc mừng, cô được hân hạnh ngồi ghế danh dự chính giữa!” (Một Tâm Hồn, tr. 24).
“Đi chơi mát hay gặp kẻ khó, nên mẹ đã giao cho con công tác mang tiền làm phúc”. (Một Tâm Hồn, tr.29).
Về cách thức sửa phạt con cái, cũng chính Têrêsa đã viết:
“Mẹ khiển trách một cách nhẹ nhàng nhưng không kém phần nghiêm khắc bất cứ lỗi lầm nào của các con dù là những lỗi lầm nhỏ nhặt nhất. Mẹ dậy dỗ và hướng dẫn các con cầu nguyện. Từ thuở còn thơ, đám con cái chúng tôi đã được mẹ tập làm những việc hy sinh bé nhỏ để dâng lên Chúa, làm đẹp lòng Người.”
Và Têrêsa đã kết luận về mẹ mình: “Con cái được quây quần xunh quanh một người mẹ tốt lành như vậy làm sao không trở nên tốt lành giống như mẹ.”
Ông Martin cũng có cùng một đường lối giáo dục tương tự. Têrêsa đã viết về cha của mình:
“Chiều chiều, con thường được theo cha đi chơi mát, rồi vào nhà thờ viếng Mình Thánh, hôm nay nhà thờ này, hôm mai nhà thờ khác. Nhân thế mà con được vào viếng Chúa ở nhà nguyện Dòng Kín lần thứ nhất. Lần ấy cha bảo con rằng: Này! Con xem bên trong phên sắt, hàng có các bà Dòng thánh thiện cầu nguyện cả ngày”. (Một Tâm Hồn, tr.36).
“Chơi đoạn, cả nhà lại lên gác đọc kinh. Ở trên gác con vẫn được ngồi bên cha, con chỉ cần nhìn cha cũng đủ biết được cách các thánh cầu nguyện”. (Một Tâm Hồn, tr.47).
Thương con, chiều con nhưng không làm hư con. Têrêsa đã tiết lộ cho thấy thái độ cứng rắn của cha mình trong cách giáo dục như sau:
“Tuy nhiên cũng không nói được là cha nuông con đâu. Con nhớ một lần, con đang chơi đu vui thích lắm, cha đi qua gọi con rằng:
- Công chúa cha ơi, lại hôn cha nào.
Không hiểu sao hôm ấy con không muốn lại, con đứng yên đấy và thưa hổn xược:
- Cha lại đây kia.
Cha đã xử rất phải: Không lại. (Một Tâm Hồn, tr.21).
Và đặc biệt, trong dịp lễ Giáng Sinh khi Têrêsa lên 14 tuổi. Lúc ấy, Têrêsa xem ra vẫn còn vòi vĩnh, cư xử như con nít, và điều này không làm cho Ông Martin vui. Ông nghĩ đã đến lúc cần phải sửa sai lại lối sống này của Têrêsa.
“Khi bước lên phòng, con nghe thấy cha nói những lời như xé ruột rằng: “Một con gái lớn như Têrêsa mà còn phải chiều như thế này, trẻ con lắm! Cha hy vọng đây là lần sau hết”. (Một Tâm Hồn, tr. 100).
a) Giáo dục tinh thần: Đối với những phụ huynh quan tâm đến tương lai của con cái, thì việc giáo dục đang là đề tài nóng bỏng của chúng ta hiện nay. Nhưng điều quan trọng không phải là giáo dục về những kỹ năng và khả năng chuyên môn, mà là về những ảnh hưởng tâm linh của các em. Tuổi trẻ ngày nay biết rất nhiều và rất sớm về những tiến bộ của khoa học kỹ thuật. Do dinh dưỡng đầy đủ, các em cũng đã phát triển rất sớm về mặt sinh lý. Và song song với đà tiến bộ của tư tưởng, lối sống, tuổi trẻ ngày nay cũng phát triển nhanh về mặt tâm lý.
Những khía cạnh phát triển về xã hội, tâm sinh lý và lý trí đang trở nên một thách thức rất lớn trong các chương trình giáo dục. Đặc biệt, tại các quốc gia Âu Mỹ khi mà nền giáo dục cổ điển đang từ từ được thay thế bằng nền giáo dục có tính cách nhân bản và tâm lý ứng dụng hơn.
Càng đi sâu vào ảnh hưởng giáo dục, chúng ta càng khám phá ra rằng những đường lối giáo dục hiện nay đều thiếu sót nếu vắng bóng ảnh hưởng giáo dục tâm linh, tức nền giáo dục về tôn giáo và đạo đức. Thật ra, con người trưởng thành cần phải được phát triển đồng đều giữa thể lý, tâm lý và tâm linh. Tất cả ba yếu tố phát triển này hòa nhập để đem đến kết quả của giáo dục là một con người trưởng thành về cả ba mặt thể lý, tâm lý và tâm linh.
Thánh Gioan Boscô đã nói: “Để làm thánh thì cần phải làm người trước đã”. Theo thánh nhân, thì sự thánh thiện của một người chính là trưởng thành về đời sống tâm linh trong sự trưởng thành về tâm lý và thể lý. Như vậy, ở một mức độ nào đó, sự trưởng thành về tâm linh quan trọng hơn và cần thiết hơn trong lãnh vực giáo dục. Ở đây, chúng ta thấy song thân của Thánh Têrêsa đã thấu hiểu về quan điểm giáo dục này, và đã dành nhiều chú tâm về vấn đề này. Và có lẽ chính nhờ ở nền giáo dục tâm linh, chúng ta đã nhìn thấy kết quả tốt đẹp nơi 5 người con của Ông Bà. Chúng ta hãy nghe lại những gì mà Têrêsa đã ghi nhận về ảnh hưởng giáo dục này:
“Đi chơi mát hay gặp kẻ khó, nên mẹ đã giao cho con công tác mang tiền làm phúc”. (Một Tâm Hồn, tr.29).
“Mẹ dậy dỗ và hướng dẫn các con cầu nguyện. Từ thuở còn thơ, đám con cái chúng tôi đã được mẹ tập làm những việc hy sinh bé nhỏ để dâng lên Chúa, làm đẹp lòng Người.” Thái độ này hoàn toàn khác với thái độ của người vú mà Têrêsa đã nhận xét: “Bà không được như mẹ! Mẹ bao giờ cũng kèm chúng ta đọc kinh kia mà” (Một Tâm Hồn, tr. 31).
Về phần Ông Louis Martin, Têrêsa cũng đã viết:
“Chiều chiều, con thường được theo cha đi chơi mát, rồi vào nhà thờ viếng Mình Thánh, hôm nay nhà thờ này, hôm mai nhà thờ khác. Nhân thế mà con được vào viếng Chúa ở nhà nguyện Dòng Kín lần thứ nhất. Lần ấy cha bảo con rằng: Này! Con xem bên trong phên sắt, hàng có các bà Dòng thánh thiện cầu nguyện cả ngày”. (Một Tâm Hồn, tr.36).
“Chơi đoạn, cả nhà lại lên gác đọc kinh. Ở trên gác con vẫn được ngồi bên cha, con chỉ cần nhìn cha cũng đủ biết được cách các thánh cầu nguyện”. (Một Tâm Hồn, tr.47).
b) Giáo dục bằng gương sáng: Quan trọng hơn cả là Ông Bà không chỉ dậy con cái, nhưng là sống lời mình dậy: “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”. Câu ca dao của người Việt Nam đã ứng dụng hết sức đúng vào quan niệm và đường lối giáo dục của song thân Têrêsa. Thánh Têrêsa đã nhận định về đường lối giáo dục này:
“Chơi đoạn, cả nhà lại lên gác đọc kinh. Ở trên gác con vẫn được ngồi bên cha, con chỉ cần nhìn cha cũng đủ biết được cách các thánh cầu nguyện”. (Một Tâm Hồn, tr.47).
“Chỉ cần nhìn cha cũng đủ biết được cách các thánh cầu nguyện”. Ảnh hưởng giáo dục qua cách sống và thực hành của cha mẹ, đối với Têrêsa là những ảnh hưởng mà con cái không thể từ chối được: “Con cái được quây quần xunh quanh một người mẹ tốt lành như vậy làm sao không trở nên tốt lành giống như mẹ.”
Quan niệm giáo dục bằng hành động là một quan niệm giáo dục hết sức phổ thông. Tâm lý học cũng không loại bỏ ảnh hưởng này và coi đây là một phương pháp giáo dục hữu hiệu nhất. Trong các khảo cứu về tình trạng con cái hư hỏng, hoặc trong những nghiên cứu về mối tương quan giữa cha mẹ và con cái đều cho thấy rằng, đa số các trẻ em tội phạm đều phát xuất từ các gia đình mà trong đó cha mẹ hoặc là bê tha, hoặc là coi thường việc giáo dục.
Tóm lại, song thân của Thánh Têrêsa tuy không mang một mảnh bằng giáo dục hay tâm lý nào, nhưng với lòng yêu mến Thiên Chúa, và dựa vào tâm lý tự nhiên đã hiểu rằng Ông Bà cần phải có một đời sống tốt mới có thể giáo dục được con cái. Một cách thực tế, đó là Ông Bà đã sống và đã làm điều mình muốn truyền thụ lại cho con cái. Sau này khi được tôn phong Hiển Thánh, hy vọng các ngài sẽ được tôn vinh làm Bổn Mạng giới phụ huynh.