Thứ bảy, 23/11/2024

Ngày 23.10: Thánh Phaolô Tống Viết Bường - Quan Thị Vệ (1773-1833)

Cập nhật lúc 08:07 23/10/2020



Thánh Phaolô Tống Viết Bường sinh năm 1773 tại Phú Cam, tỉnh Thừa Thiên, thuộc tổng giáo phận Huế, trong một gia đình Công giáo lâu đời được tiếng là đạo hạnh, dòng tộc làm quan nhiều đời dưới triều vua Lê chúa Nguyễn. Thân phụ là ông Nicolas Tống Viết Giảng và bà Maria Lương cũng là người có chức tước trong triều đình.
Vì tổ tiên đã làm quan nhiều đời nên ngay từ nhỏ, cậu Phaolô Bường cũng đã được giáo dục và theo học để sau này nối nghiệp cha ông. Tại học đường cậu Phaolô Bường đã chứng tỏ là một học sinh thông minh xuất sắc được các thầy cô giáo và bạn đồng trường quý trọng.  Lớn lên, cậu lập gia đình, có hai đời vợ và có 12 người con. Sau đó anh gia nhập vào đội quânThị Vệ, thi hành quân vụ trong triều. Sau một thời gian phục vụ, anh chàng Vệ Binh Tống Viết Bường chứng tỏ khả năng phục vụ xuất sắc, nhất là qua đời sống liêm khiết, tận tụy và đức độ thật thà, hiền lành, anh được thăng cấp Cai Đội và được chúa Nguyễn tuyển chọn vào làm Thị Vệ trong hoàng cung. Vua Minh Mạng nhận thấy anh là người cần mẫn và nhiệt tâm nên rất hài lòng về người cai đội Thị Vệ này.
Tới năm 1831, tại Quảng Nam có giặc Đá Vách nổi lên cướp phá khắp nơi, quan quân trong tỉnh phải đối phó, đánh dẹp nhưng vẫn không dẹp nổi. Trước cảnh rối ren của đất nước, vua Minh Mạng biết khả năng tài binh khiển tướng của Đội Bường, vua đặc phái Đội Bường đi thanh sát chiến trường và ra tay đánh dẹp trong một thời gian kỷ lục. Giặc Đá Vách bị tan dã. Anh trở về tâu trình thành quả tốt đẹp. Vua Minh Mạng khen thưởng. Nhưng cũng vì ghen tức nên có kẻ xấu bụng đã tố cáo Đội Bường là người Công Giáo.
Mặc dầu vua rất thương mến ông nhưng đồng thời vua cũng rất nghi ngờ và ghen ghét đạo Công giáo, nên vua cho gọi ông Đội Bường tới và hạch hỏi:
- Khi thi hành xong công tác dẹp loạn, khanh có ghé viếng thăm Chúa Non Nước không?
Ông Đội Bường bình tĩnh trả lời:
- Muôn tâu hoàng thượng, vì hoàng thượng không truyền nên thần không đi. Hơn nữa, chùa Non Nước đâu có giặc để đánh?
Vua hỏi tiếp:
- Lệ thường, dẹp giặc xong thì phải vào chùa để lễ bái. Tại sao khanh không đi?
Ông không ngàn ngại nói thật, nói thẳng:
- Muôn tâu hoàng thượng, vì hạ thần theo đạo Công giáo.
Thế là đội Bường đã thẳng thắn và mạnh bạo tuyên xưng Đức Tin của mình trước mặt hoàng thượng. Nghe ông ngang hiên tuyên xưng Đức Tin, vua Minh Mạng bừng bừng nổi giận. Cơn thịnh nộ lên cao, vua nặng lời xỉ nhục ông cai đội và nói nhiều điều xúc phạm tới đạo Công Giáo. Vua dọa nạt ông phải bỏ đạo, nếu không vua sẽ hạ lệnh chém đầu. Trong cơn nóng giận, vua hạ lệnh đánh 80 roi, tước hết chức và giáng xuống làm binh nhì. Một số quan thần hiện diện vốn có cảm tình và mến thương ông đội Bường, lên tiếng can ngăn, xin vua nhẹ tay vớI người đã có công dẹp giặc. Nhưng vua vẫn một mực cương quyết giữ nguyên những quyết định của mình. Trước trận đòn đau đớn, nhục nhã và bị giáng chức làm binh nhì, ông đội Bường vẫn vui vẻ lãnh nhận và tiếp tục phục vụ vua trong chức vị binh nhì.
Tháng 12 năm 1832, tức một năm sau, trước khi ban hành chiếu chỉ cấm đạo, vua Minh Mạng cho lệnh kiểm kê những người theo đạo Công giáo trong triều đình, đặc biệt là hàng ngũ Thị Vệ. Vâng lệnh vua, các quan kiểm kê trong hàng Thị Vệ thì các quan mới phát giác ra là trong hàng ngũ Vệ binh có 11 người đã theo lời khuyên dụ của ông đội Bường theo đạo Công Giáo. Đọc bản phúc trình vua nổi giận cho lệnh bắt cả 11 người cùng với ông đội Bường, lúc ấy ông đã 50 tuổi.
Sau khi bị bắt và tra tấn, 5 người khiếp sợ nên xin bỏ đạo, 6 người khác sau khi bị tra tấn thì bị đeo gông, mang xiềng xích, tống vào ngục thất. Một ngườI bị chết rũ tù và một người khác là anh Tadêô Quyền con rể ông Phaolô Bường cũng theo gương người cha vợ tuyên xưng Đức Tin cho đến khi chết.
Trong suốt thời gian đầu, cứ khoảng 10 ngày ông Đội Bường lại bị giải tới công đường để tra tấn và ép buộc bỏ đạo. Lần nào quan cũng hỏi:
Này ông đội, ông có bỏ đạo không? Chúng tôi không muốn tra tấn ông. Nhưng lệnh vua thì chúng tôi phải tuân theo.
Ông đội Bường trước sau như một, lần nào ông cũng thẳng thắn trả lời:
- Lâu nay tôi chỉ thờ một Thiên Chúa dựng nên muôn loài muôn vật, lẽ nào bây giờ tôi lại bỏ Chúa tôi?
Sau mỗi lần thưa như thế là chịu trận đòn 20 roi rách da xé thịt, nhưng người chiến sĩ can trường của Chúa vẫn can đảm chịu trận mà không hề kêu ca, than khóc. Càng bị đòn đau đớn, ông càng tỏ ra kiên trì, cương quyết. Mấy người lính thấy ông bị đeo chiếc gông quá nặng thì thương và muốn thay cho ông một chiếc gông nhẹ hơn thì ông tỏ ý không muốn. Ông còn vui vẻ nói với mấy người lính bằng một giọng bông đùa:
- Này các bạn, các bạn kiếm cho tôi cái gì nặng hơn một chút, chứ chiếc gông này còn nhẹ đấy. Tôi còn bị đánh đập ít quá, tôi nghĩ tôi còn có sức chịu đòn đau hơn nữa.
Có nhiều lần các quan dụ dỗ không được nên đã cho lính khiêng bổng ông lên rồi kéo chân ông đạp lên Thanh Giá rồi nói là ông đã bước qua Thánh Giá, lấy cớ để tha cho ông. Nhưng ông lớn tiếng la lên:
-  Việc này là do các quan làm, chứ tôi không bao giờ dám làm như thế. Tôi dứt khoát không bao giờ bỏ Chúa, bỏ đạo.
Sau rất nhiều dùng sức mạnh, đòn vọt, tra tấn, hành hạ tàn nhẫn, nhưng người chiến sĩ dũng cảm của Chúa không hề lay chuyển. Thân xác đau đớn, yếu mệt nhưng tinh thần vẫn minh mẫn, sáng suốt và chí khí vẫn luôn sáng chói. Các quan biết không thể nào dùng sức mạnh, đòn vọt để khuất phục được người chiến sĩ của Chúa. Các quan lại bàn nhau và đổi chiến thuật để tìm cách thuyết phục.
Một hôm quan Bộ Hình Thượng Thư Võ Xuân Cần cho lệnh đưa ông đội Bường tới công đường. Quan tỏ ra thân thiện, tha thiết khuyên dụ ông tuân hành lệnh vua, vì vua vẫn quí trọng ông. Quan nói:
- Này, ông đội, ông nghe tôi, chỉ bỏ đạo trong lúc này thôi để vua hài lòng. Sau này ông muốn làm gì thì làm.Có sao đâu?
Nhưng ông đội Bường khiêm tốn trả lời:
- Quan lớn có lòng thương thì tôi cũng xin hết lòng đội ơn quan lớn. Nhưng tôi cũng xin quan lớn một điều là xin quan lớn cũng để cho tôi được giữ trọn vẹn chữ Trung với Đức Chúa Trời là Chúa tôi thờ.
Quan Thượng Thu Bộ Hình nói tiếp:
- Thì ông vẫn giữ được chữ Trung với vua và cả với Chúa của ông nữa. Ông chỉ chối bây giờ thôi mà! Sau đó ông vẫn giữ đạo và Chúa của ông thờ. Không ai cản trở ông. Ông chối bây giờ là để làm đẹp lòng vua mà thôi.
Ông trả lời:
- Làm như thế là dối lương tâm mình, dối cả với Chúa nữa. Không bao giờ tôi làm như thế. Tôi sẵn lòng chịu chết vì Chúa của tôi.
Nghe ông nói với giọng cương quyết và khẳng khái như thế, quan Thượng Thư lắc đầu, không nói thêm điều gì nữa, nhưng quan tỏ vẻ thân thiện, cho lệnh đưa ông trở về nhà giam.
Tại nhà giam, ông đội Bường luôn vui vẻ, tìm mọi dịp giúp đỡ những người bạn tù, đồng thời ông tìm mọi dịp khuyên bảo, khích lệ những người bị bắt vì đạo Chúa hãy luôn cầu nguyện xin Chúa giúp sức để được trung thành với Chúa, dầu có bị chết vì Chúa thì cũng can đảm lãnh chịu vì Chúa. Ông cũng lần hạt Mân Côi hằng ngày dâng kính Đức Mẹ, xin Đức Mẹ giúp sức để trung thành với Chúa.
Trong thời gian bị giam tù, có cha An và cha Vững thường cải trang thay nhau vào giải tội và trao ban Mình Thánh Chúa cho ông và cho các bạn tù, nhờ vậy, Đức Tin thêm kiên vững và sức chịu đau đớn vì tra tấn, đòn vọt thêm vững mạnh. Mọi người đều cảm thấy can đảm trước những đau khổ phần xác mà được hạnh phúc về phần linh hồn.
Sau lần quan Thượng Thư Bộ Hình Võ Xuân Cần gặp gỡ, khuyên dụ mà không thành công thì các quan bàn định và làm bản án xin vua tuyên án. Khi trình tâu lên, vua đã mau mắn trả lời:
- Trường hợp đội Bường còn cần gì bán án. Cứ việc tra tấn không ngừng, nếu nó không chịu đạp lên Thánh Giá thì cứ việc đánh cho chết, rồi vất xác ra ngoài thành là xong.
Ít ngày sau, các quan lại các quan lại đệ trình:
- Tâu đức vua, người Công giáo thật cứng lòng, dầu khuyên dụ, dầu đánh đập, bọn chúng vẫn cứng lòng. Vậy theo luật nước, xin đức vua ban án lệnh để thi hành.
Vua Minh Mệnh nghe nói liền ưng cho các quan Bộ Hình ra án trảm quyết và phải treo đầu đội Bường ba ngày để làm gương cho kẻ khác. Tuy vua đã đồng cho lên án nhưng vua cũng chưa cho xử ngay. Vua có ý chờ đợi ông đội Bường xin ân xá.các quan nói với ông: vua vẫn quý mến và thương ông, vua mong ông xin ân xá để vua sẽ tha. Nhưng ông vui vẻ trả lời:
Đức vua đã ban lệnh thì xin các quan cứ thi hành như án lệnh.
Trường hợp xử ông đội Bường là một trường hợp đặc biệt, vì ông là viên quan Thị Vệ có nhiều công trạng với vua Minh Mạng, nên vua muốn cuộc xử phải diễn ra trong âm thầm, ít người biết tới. Do đó mãi tới 5 giờ chiều tử tội mới được thông báo cho biết tin giờ xử. Tuy vậy, ông rất vui mừng vì ông đã dọn mình sẵn sàng từ lâu. Khi được tin, ông gọi các bạn tù lại cầu nguyện chung với ông và xin các bạn tù cầu nguyện cho ông được ơn vững mạnh tuyên xưng đức tin tới giờ phút sau cùng. Tới giờ, lính tới điệu ngài đi, vì trời đã tối nên quân lính phải đốt đuốc dẫn đường. Dẫn đầu là một tên lính mang bản án, vừa đi vừa đọc lớn tiếng: “Người này bị xử tử vì tội theo đạo Gia-Tô, nên phải xử trảm, đầu treo 3 ngày để làm gương cho kẻ khác”.
Vì trời tối mà lại phải đi qua chiếc cầu nhỏ hẹp trong lúc nước đang dâng lên cao nên đường rất khó đi. Đoàn quân thúc giục đi lẹ nhưng ông đội Bường cố ý đi chậm tìm hướng đến nền cũ của nhà thờ Thợ Đúc, gần Trường An để xin được chết tại đây. Khi đi gần tới Thợ Đúc, vua Minh Mạng còn sai quan đến khuyên dụ người chiến sĩ Đức Tin của Chúa bước lên Thánh Giá để được tha. Vua hứa sẽ phục hồi mọi chức tước và ban tặng nhiều vàng bạc, nếu nghe theo lời khuyên dụ của vua. Biết được tôn ý của vua. Quan Giám Sát tới gần âu yếm nói với Ngài những lời:
Này quan cai đội, ông không phải là tướng cướp, cũng không phải là tên giặc. Ông không có tội gì, ngoài tội theo đạo Gia-Tô. Ông phải chết là điều phi lý. Vậy ông hãy đạp lên ảnh Thánh Giá này để được tha, vua sẽ hoàn cấp bậc lại cho ông, vì vua vẫn yêu thương ông
Nghe những lời chân tình của quan Giám Sát, Ngài thưa lại:
- Tôi xin cám ơn vua và quan Giám sát. Xin hãy đưa tôi đi và xử cho mau, để tôi sớm được về với Thiên Chúa của tôi, còn việc bỏ đạo thì không bao giờ tôi nghe theo vua quan.
Ngài xin quan Giám Sát được chết trên nền cũ của nhà thờ Thợ Đúc. Quan Giám sát chiều ý. Tới nơi Ngài quay lại âu yếm nhìn người con gái của Ngài lần cuối cùng đang chen chúc trong đám đông rồi Ngài quì xuống trên chiếc chiếu do ông Thục ở Phú Cam là bạn của Ngài đã đưa cho lính canh trải sẵn, Ngài xin cầu nguyện vài phút rồi bình tĩnh nói với đội lý hình: “ tôi đã sẵn sàng” người lính đao phủ vung gươm lên cao chém một nhát, đầu vị thánh rơi xuống đất dưới ánh sáng lung linh của những bó đuốc cháy như những ngọn nến bập bùng trong thánh đường.
Quan cho phép dân làng lãnh nhận xác đem về an táng tại họ Phú Cam, còn thủ cấp thì phải treo tại nền nhà thờ Thợ Đúc ba ngày theo lệnh vua. Hôm đó là ngày 23 tháng 10 năm 1832.
Ngày 27 tháng 5 năm 1900 Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã suy tôn ông Phaolô Tống Viết Bường lên bậc Chân Phước và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Trọn Bề Hiếu Trung
Trong tù Ngài vẫn khuyên lơn
Các tù nhân hãy biết ơn Chúa Trời
Khổ đau Chúa gửi cho đời
Cứ vui chịu đợi chờ Người đổi thay
Quân hành hạ cứ mặc thây
Xác tan vào đất, hồn bay về Trời
Xá chi tra tấn, đòn roi
Hãy mang Thánh Giá để noi gương Ngài
Khi còn trên cõi trần ai
Tựa nương Đức Mẹ hằng ngày ủi an
Nhiều người ngoại đạo khuyên can
Quan binh trẻ chớ theo chân đội Bường
Bỏ tà đạo để làm gương
Được về nhà sống là thương gia đình
Ông nghe buồn bã trong mình
Nên dùng lời lẽ biện minh trả lời
Những ai theo đạo chúng tôi
Chết non đường tắt về trời Chúa thương
Chết già là quãng đường trường
Đàng nào cũng tới Thiên Đàng lãnh công
Chẳng thay đổi được cõi lòng
Quan tâu vua được đem ông chém đầu.

(Trương Hoàng)

Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log