1. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ
Thánh Josaphát sinh khoảng năm 1580, tại Ucraina, trong một gia đình theo Chính thống giáo. Cha mẹ làm nghề buôn bán. Vì bận công việc, hai ông bà ít có thời giờ chăm lo giáo dục và huấn luyện lòng đạo đức cho con. Nhưng bù lại, Josaphát đã được hưởng một sự giáo dục đầy đủ về cả trí lẫn tâm, nhờ tiếp xúc gặp gỡ thường xuyên với một linh mục, có lòng đạo đức, nhờ đó Josaphát đã sớm gắn bó với Giáo Hội Chính thống Ucraina, theo nghi lễ Xilavônia hiệp nhất với Rôma. Ngay từ thơ ấu, Josaphát đã hấp thụ nơi linh mục này tinh thần cầu nguyện và hăng hái làm việc tông đồ. Nhiều lần sau khi đi học về, cậu Josaphát thường mang ảnh Chuộc tội ra đứng ở nơi công cộng và rao giảng như một "ông cụ non" về sự thương khó của Chúa Giêsu. Ban đầu nhiều người cho cậu bé là kỳ dị, nhưng dần dà họ như bị thôi miên bởi vẻ mặt rạng rỡ và giọng nói đầy cảm động của Josaphát đến nỗi nhiều người đã bỏ cả công việc để đến nghe thuyết giảng. Đúng là một tông đồ miệng còn hơi sữa! Năm lên mười bảy tuổi, Josaphát nghe như có tiếng gọi dấn thân phục vụ Chúa đắc lực hơn, nên đã mạnh dạn ngỏ ý xin cha mẹ cho vào tu ở một đan viện. Nhưng ông bà thân sinh vốn ham mê công việc buôn bán, lại muốn con lập gia đình để có người nối dõi tông đường, nên đã cương quyết từ chối ý định của con nhưng sau vì thấy Josaphát một mực từ chối đời sống hôn nhân, nên hai ông bà thân sinh bằng lòng cho con tự do đi theo tiếng Chúa gọi. Josaphát xin vào đan viện thánh Basiliô ở Vilna, với ý hướng dâng hiến cuộc đời cùng với những hy sinh, phạt xác theo nếp sống đan tu đề cầu nguyện cho Giáo Hội. Những tưởng được an tâm để theo đuổi nguyện vọng, ai ngờ thầy lại gặp cảnh trớ trêu: Đan viện nơi thầy Josaphát ở đã mất sự hiệp nhất từ trong nội bộ. Bề trên của đan viện có khuynh hướng ngả theo phe ly khai, kéo theo một số thầy. Thế là nhà dòng đâm ra chia rẽ, kẻ theo Bề trên, người theo thầy Josaphát, khiến thầy mấy lần bị những người thuộc phe đối nghịch làm khó dễ. Phân vân trước hai ngã đường: Phải trung thành với Giáo Hội Chúa Kitô hay vâng phục Bề trên ? Sau những ngày cầu nguyện và suy nghĩ, thầy Josaphát đã quyết định không đứng về phe ly khai. Thầy mạnh dạn lên tiếng: "Trong trường hợp Bề trên công khai làm trái luật Chúa và Giáo Hội, không ai được phép vâng theo!” Ít lâu sau câu chuyện lục đục này của nhà dòng tới tai Đức Giám mục giáo phận, ngài liền cách chức vị Bề trên ấy, sai đi một nơi hẻo lánh để hồi tâm và đặt thầy Josaphát lên làm Bề trên thay thế. Sau hai năm trong cương vị Bề trên đan viện, thầy Josaphát được thụ phong linh mục. Ngày đêm cha hăng hái lao mình vào việc củng cố sự hiệp nhất trong nội bộ đan viện và trong Giáo Hội Ucraina đã hiệp nhất với Rôma, kêu gọi những anh em ly khai trở về với Giáo Hội mẹ. Ngài cũng hết tâm chăm lo cho những người nghèo khổ có nơi ăn chốn ở . Người thời bấy giờ quen gọi ngài là "Cha của những người khốn khổ". Năm 1617, ngài được phong làm Tổng Giám mục Vì nhiệt tâm tông đồ, năm 1623, Đức Giám mục Josaphát lên đường đi Vitebsk để viếng thăm, ủy lạo và cổ vũ tinh thần hiệp nhất của các tín hữu nơi đây. Những thành công hoạt động tông đồ của vị Giám mục vừa mạnh mẽ vừa nhân hậu này đã khiến những người đối nghịch gọi ngài là "tên bắt cóc các linh hồn". Họ để lòng thù ghét và thừa dịp ngài đến viếng thăm Vitebsk, họ đã hạ sát ngài ở đây. Đúng như ngài đã linh cảm trước khi lên đường và khi ấy ngài đã cầu nguyện: "Lạy Chúa, con biết những kẻ thù nghịch của Chúa sẽ giết con; nhưng con sẵn sàng hiến dâng mạng sống con cho Chúa. Con chỉ xin Chúa một điều là cho họ được ơn trở về với Hội Thánh Chúa". Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh vào năm 1867 với tước hiệu" Ðấng bảo vệ sự thống nhất Giáo Hội". Ngài là vị thánh Ðông phương đầu tiên được phong tước hiệu quí hóa này. 2. NHỮNG ĐIỂM SÁNG NƠI THÁNH JOSAPHÁT
Trước hết ngài là một người biết hết lòng chăm lo cho những người nghèo.
Truyền thuyết còn lưu lại: Có một bà goá kia lâm cảnh vỡ nợ, chủ nợ đưa vụ việc ra tòa, bà ta không chạy đâu ra tiền để trang trải. Ngồi tù thì đàn con thơ dại của bà sẽ phải nheo nhóc, đói khổ. Bà chạy vào nhà dòng khóc lóc van xin cha Bề trên giúp đỡ. Cha Josaphát lúc đó cũng chẳng có lấy một đồng bạc; ngài chỉ an ủi bà ít lời, rồi bảo bà ra về, sau sẽ hay. Khi bà goá ấy vừa ra về, ngài liền sấp mình van xin Chúa thương cứu vớt mẹ con bà goá kia. Khi ngẩng đầu lên, cha gặp ngay một thanh niên ăn mặc lịch sự đang đứng ở đấy; người thanh niên lạ mặt cúi đầu chào, trao cho cha một túi vải và nói: "Chúa sai tôi mang túi vải này đến cho cha. Cha vừa đỡ lấy "món quà, thì người thanh niên kia cũng lui ra và biến mất. Cha mở túi ra xem, thì thấy có năm mươi đồng tiền vàng. Cha đem đi giúp đỡ mẹ con bà goá kia hết.
Thứ đến ngài là người tha thiết với việc hiệp nhất của Giáo Hội. Đây là tấm gương cho Phong trào Đại kết hôm nay.
Đức Giáo Hoàng Piô XI, trong Thông điệp "Hội Thánh của Thiên Chúa" đã hết lời ca ngợi thánh Giám mục Josaphát. Ngài viết: "và để mãi mãi duy trì sự hiệp nhất (dấu chỉ hiểu hình Hội Thánh Chúa Kitô), Thiên Chúa quan phòng đã lấy sự thánh thiện, cùng với ơn tử đạo như một ấn tín mà thánh hóa Hội Thánh. Thánh Josaphát, Tổng Giám mục Polotsk, thuộc nghi lễ Xilavônia trong Hội Thánh Đông phương được cả hai vinh dự ấy". Đức Giáo Hoàng khẳng định mạnh mẽ về công lao và vinh dự của vị thánh Giám mục: "Chúng ta có đủ lý do để nhìn nhận Đức Giám mục Josaphát là vinh quang rực rỡ và là cột trụ của những người Xilavônia theo nghi lễ Đông phương. Bởi lẽ khó có ai khác đã làm rạng danh họ hay đã góp phần vào ơn cứu độ cho họ hơn vị mục tử này và cũng là tông đồ của họ, nhất là do việc ngài đã đổ máu mình vì sự hiệp nhất của Hội Thánh". (Trích thông điệp Hội Thánh của Thiên Chúa của Đức Giáo Hoàng Piô XI). Thật không còn lời lẽ nào tốt đẹp hơn, mà vị đại diện Chúa Kitô ở trần gian này đã nói lên để tán dương vị thánh Giám mục. Quả thực, thánh Giám mục Josaphát xứng đáng được ca tụng như vậy. Vì suốt đời Giám mục, ngài đã đóng góp nhiều công sức, trí tuệ để xây dựng sự hiệp nhất cho Hội Thánh. Ngài quan tâm đặc biệt đến việc giúp cho những người ly khai và đồng hương của mình liên kết với tòa thánh Phêrô.
Ngài tìm mọi phương thế và lý lẽ để củng cố và cổ vũ mối liên kết ấy. Ngài còn để giờ nghiên cứu sách phụng vụ mà các tín hữu Đông phương và cả những người ly khai cũng quen sử dụng để tìm ra tiếng nói chung, tạo dịp gặp gỡ và trao dồi với nhau để đi đến hiệp nhất.
Xin tạ ơn Chúa muôn đời. Amen.
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
tgpsaigon.net