Thứ bảy, 23/11/2024

Ngày 20.11: Thánh Phanxicô Xavier Nguyễn Cần -Thầy Giảng (1803-1837)

Cập nhật lúc 16:49 19/11/2020

Thánh Phanxicô Savier Cần còn có tên là  Nguyễn Tiên tức Tiên Truật, sinh năm 1803 tại xã  Sơn Miêng, huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông nay thuộc về Hà Nội.

Cha là ông Nguyễn Hới có 5 người con, cậu Cần là con thứ hai. Gia đình thuộc bậc trung lưu nhưng rất có lòng đạo đức, được tiếng là thật thà hiền lành.
Ngay từ lúc thiếu thời, cậu Phanxicô Cần đã có lòng ao ước dâng mình trong Nhà Chúa. Nhưng bà mẹ rất thương cậu Cần nên không muốn cho cậu xa nhà. Có lần cậu ngỏ ý xin mẹ đi tu, bà mẹ không cho, lấy lý do là còn nhỏ. Thấy mẹ cương quyết không chấp thuận, cậu mạnh dạn nói với mẹ:
Mẹ à! Nếu mẹ không cho con đi ở với cha xứ ở đây, con sẽ trốn đi xa ở với cha khác, lúc ấy mẹ đừng trách con.
Nghe cậu nói với vẻ cương quyết như thế, bà mẹ đành phải chấp thuận cho cậu vào ở với cha Nghi, cha chánh  xứ Sơn Miêng.
Sau một thời gian ngắn, nhờ đức hạnh tốt và siêng năng học hành, cậu được gửi về chủng viện. Qua một thời gian tu luyện và trau dồi học vấn thầy Phanxicô Nguyễn Cần được lên chức Thầy Giảng. Thầy được Đức Cha Harvard Du gọi về làm phòng bộ của Đức Cha, sau lại đi giúp cha Retord Liêu. Năm 1838 cha Retord Liêu được vinh thăng Giám mục. Đức Cha Retord Liêu nhận xét về Thầy Giảng Phanxicô Savier Nguyễn Cần như sau:
Thầy Cần đã giúp tôi học tiếng Việt, chia sẽ với tôi mọi nỗi khó khăn, nguy hiểm, thiếu thốn. Thầt rất nhiệt tâm trong việc tông đồ.
Y sĩ Giacôbê Vũ Văn Thịnh bạn học của Thầy Cần ở Kẻ Vĩnh kể lại rằng:
- Thầy Cần rất chăm chỉ chu toàn mọi bổn phận và có cách sống gương mẫu không trách cứ Thầy được điều gì. Thầy rất thông minh, học luôn đứng đầu cả lớp. Mãn trường La tinh Thầy Cần được làm Thầy Giảng về giúp cha Duyệt mấy tháng rồi được lệnh đi giúp Đức cha Retord. Ngày 20 tháng 4 năm 1836 thầy Cần bị bắt tại Kẻ Vạc.
Việc thầy bị bắt bà Mattha Sơ người làng Kẻ Vạc kể lại rằng: Ngày 19 tháng 4 năm 1836 thầy được sai đi tới làng Kẻ Chuông để hỏi ông trùm tại đây có sẵn sàng mời cha về làm phúc cho giáo dân không. Khi biết được cả họ đạo sẵn sàng, thầy Cần theo lệnh Đức Cha tới xứ Kẻ Vạc để xin cha Tuấn đến làm phúc cho Họ Kẻ Chuông. Khi đến Kẻ Vạc giữa lúc quan quân đang vây bắt cha Tuấn, cha Tuấn đã trốn thoát. Không bắt được cha Tuấn, ông cai tổng Hào là người chỉ huy cuộc vây bắt này ấm ức, gặp thấy thầy Phanxicô Nguyễn Cần lạ mặt thì chặn lại hỏi:
Anh đi đâu mà không trình giấy?
Tôi đi qua đường
Anh có quen biết ai ở đây không?
- Tôi quen ông Lý Quang.
Ông ra lệnh bắt và đánh thầy Cần sáu bảy roi và bắt Thầy phải nhận các đồ đạo là của Thầy. Nói tới Lý Quang là ông cai tổng lại càng nổi ghét vì ông Lý Quang là người Công giáo đã xin với quan đầu tỉnh miễn cho những ngưòi Công giáo không phải đóng một số thuế cho việc cúng tế dị đoan. Do đó cai tổng Hào vẫn để lòng thù hận ông Lý Quang. Bắt được thầy Nguyễn Cần rồi, ông còn cho vây bắt luôn ông Lý Quang rồi giải về nộp cho quan huyện Thanh Oai.
Quan huyện Thanh Oai cho tống giam vào ngục. Hai ngày sau quan gọi thầy Cần ra tra tấn rất ác độc. Ba cuộc tra tấn liên tiếp, cứ cách một ngày lại tra tấn một lần. Mỗi lần tra tấn xong quan lại hỏi:
Anh tên là gì, tại sao anh bị bắt.
Thầy Phanxicô Nguyễn Cần thẳng thắn trả lời:
Tôi tên là Cần hay Nguyễn Tiến Truật cũng là tên tôi. Quan hỏi tại sao bị bắt thì tôi xin thưa: Khi tôi ở đồng vắng vào đến làng, chưa tới nhà ông Lý Quang thì đã bị bắt, còn đồ đạo thì chính ông cai tổng Hào đã bỏ vào túi của tôi và bắt tôi phải nhận.
Riêng cai tổng Hào thì nhất định khai gian là bắt được thầy Cần và đồ đạo của thầy Cần ở nhà ông Lý Quang. Nghe cai tổng Hào xác quyết, quan huyện Thanh Oai lại ra lệnh đánh thầy Nguyễn Cần thêm 60 roi, bắn cả máu ướt quần ướt áo. Đánh xong quan lại khuyên dụ thầy bỏ đạo thì được tha để về sống với mẹ già.
Thấy Phanxicô Cần trả lời một cách cương quyết:
Không thể được! Tôi thờ kính một Đức Chúa Trời dựng nên tôi, làm sao tôi dám đạp lên Ngài? Nếu quan tha thì tôi được sống, quan không tha thì tôi sẵn lòng chết vì Chúa tôi.
Nói xong, thầy Cần quay sang cai tổng Hào và nói:
- Ông cứ việc tố cáo mọi tội ông suy diễn ra, tôi sẵn sàng chịu hết để đền vì tội riêng của tôi.
Thầy Cần bị trói căng vào các cọc rồi bị tra tấn rất tàn nhẫn trong suốt hai tiếng đồng hồ. Nhưng nhờ ơn Chúa, thầy vẫn can đảm chấp nhận.
Hai ngày sau, thầy Cần lại bị đưa ra tra khảo tiếp. Lần này thầy ngậm thuốc lào trong miệng để giảm bớt đau đớn. Thầy để mặc cho quân quan đánh đập, thầy không muốn nói thêm điều gì. Quan bắt thầy nhận các đồ đạo nhưng thầy cương quyết chối ngay. Quan lại cho lính bắt thầy nằm xuống đất và đánh thêm 60 roi nữa.Thầy ngất xỉu, nước bọt sùi ra hai bên mép, quan sợ thầy chết ngay nên ra lệnh ngưng đánh. Hôm ấy nhà quan huyện có lễ giỗ, quan cho thầy ăn cơm. Thầy cám ơn và trước khi ăn thầy làm dấu đọc kinh to tiếng. Thấy vậy, quan hỏi thầy:
- Anh làm dấu gì vậy?
Thầy Cần lễ phép thưa lại:
- Bẩm quan lớn, khi dùng bữa, chúng tôi làm dấu Thánh Giá đọc kinh để tạ ơn Chúa đã tạo dựng nên của ăn và đã ban cho chúng ta hưởng dùng.
Khi ăn xong, thầy lại làm dấu  và đọc kinh. Quan lại tò mò hỏi:
- Anh còn làm dấu gì nữa vậy?
Thầy Cần lại cắt nghĩa thêm:
- Ăn xong chúng tôi cũng làm dấu cám ơn Chúa vì đã được ăn uống nuôi thân xác sống và được thờ phượng Đức Chúa Trời.
Nghe thầy nói hợp lý, quan huyện gật đầu khen:
Anh làm thế rất phải. Hãy đọc thêm các kinh khác trong đạo cho ta nghe.
Thầy Cần vui vẻ đọc kinh 10 điều răn Đức Chúa Trời và 6 điều răn Hội Thánh. Nghe đọc xong quan nói:
Những điều này rất tốt và rất hay, phù hợp với lẽ phải. Nhưng ta đã nghe nói trong đạo có nhiều điều trái lẽ. Ta cũng nghe nói các linh mục thường móc mắt đàn bà ốm yếu rồi bỏ vào chum nước có chó ngao. Sau đó lấy nước làm bùa mê rẩy trên dân chúng, có đúng không?
Thầy Cần cực lực phản đối:
Bẩm quan lớn, đó là những điều vu khống và hoàn toàn bịa đặt. Các đạo trưởng rất thành thật và không bao giờ lừa dối ai.
Sau cuộc tra vấn, quan cho thầy trở về nhà giam. Hai ngày sau, quan lại gọi thầy tới khuyên dụ rồi ép buộc thầy nhận các đồ đạo là của thầy và đạp lên tượng ảnh thì được tha. Nhưng trước sau như một, thầy Phanxicô Nguyễn Cần luôn khẳng khái từ chối. Thấy vậy, quan nói:
-  Anh là ngườ khôn ngoan, lý sự, tôi rất thương và quý anh. Sao anh không chịu bước qua ảnh đi. Nếu không thì cứ nhận là đã bước qua và ký vào tờ giấy trình lên vua là anh đã bước qua Thập Tự, thế là anh sẽ được tự do ra về.
- Bẩm quan lớn, nếu quan lớn viết về kinh rằng tôi đã chối đạo thì chính tôi sẽ về kinh để phản đối và nói là chính quan lớn viết như thế, chứ tôi không bỏ đạo. Vua cũng là người phải chết, thế mà các ông không dám đạp lên hình vua, không dám nói một lời thất lễ. Vậy tại sao quan lớn lại muốn tôi chối bỏ và đạp lên ảnh Chúa tôi? Chính Ngài là Chúa dựng nên trời đất, là vua các vua. Chính Ngài ban cho chúng ta hằng ngày muôn vàn ơn lành. Tôi nhất quyết là không bao giờ dám tỏ ra vô ơn với Ngài.
Nghe thầy nói, quan huyện nổi giận ra lệnh căng thân thể thầy ra dưới đất và đánh đủ 50 roi nát da nát thịt. Đánh 50 roi rồi quan lại truyền cho lính khiêng thầy qua ảnh. Thầy co chân lại và la lớn:
- Không bao giờ tôi đồng ý, chiều theo các ông.
Quan giận dữ nói:
Ta đã làm hết sức để chạy tội cho ngươi mà ngươi vẫn không chịu. Ngươi quả là một tên lì!
Sau lần thuyết phục vẫn bị thất bại này, quan cho lệnh đưa về nhà giam. Nhà giam tại huyện rất đồi tệ, hôi hám, bẩn thỉu, bị giam chung với những tên trộm cướp, ăn nói tục tằn. Thầy Cần vừa khổ vì đau đớn thể xác, vừa phải chịu những lời phỉ báng, riếc mắng. Có mấy người lương ở làng Sơn Miêng có mặt cũng lên mặt dạy đời:
Nếu vua có bắt chúng tôi đạp trên đầu các tượng Phật, các sư sãi, chúng tôi sẽ làm ngay. Còn anh này chẳng có lý do gì mà phải sợ hãi không bước lên tượng ảnh bằng gỗ. Này anh Cần, anh cứ bước qua rồi về, nếu có tội thì đi xưng tội.
Mấy người Công giáo kém đức tin cũng khuyên thầy bước qua Thánh Giá. Có người lại nói dối thầy là cố Liêu nhắn tin nói là thầy cứ bước lên Thánh Giá, về ngài sẽ tha cho.
Thầy Cần sáng suốt trả lời:
- Tôi không tin là cố Liêu nói như thế. Mà giả như cố Liêu có nói thật như vậy thì tôi cũng không nghe. Thiên Thần có hiện đến nói với tôi như vậy thì tôi cũng không nghe Thiên Thần. Tôi sẽ không bước lên Thánh Giá Chúa tôi.
Có lần thầy viết thư cho cha cố Liêu như sau:
- “Con xin báo để cha an tâm. Ở đâu con cũng được mọi người thương mến, dù quan hay dân và các bạn tù đều kính trọng gọi con là Thầy, có người còn tặng con danh hiệu khác nữa. Hầu hềt họ cảm thương con bị đau khổ, hoặc khen con vững chí. Con hay bàn luận với họ và biết nhiều mê tín của họ, nhưng chưa biết phải khuyên bảo họ như thế nào bây giờ. Có một ông chánh tổng cũng bị giam ở đây, hứa với con là khi ra khỏi nhà tù sẽ theo đạo và sống theo những điều con giảng. Thưa cha, con thấy người đời sẵn sàng chịu nhiều khổ sở để được giầu sang hoặc danh vọng chóng qua, lẽ nào con không nhẫn nại, chịu những sự khổ đau mau chóng qua này để được vinh quanh Chúa và cho con hạnh phúc muôn đời. Xin cha cầu nguyện cho con vững chí tới cùng".
Sau 8 tháng giam giữ ở nhà tù huyện Thanh Oai mà thầy Cần vẫn một lòng cương quyết theo Chúa. Tháng 12 quan huyện chuyển thầy lên tỉnh Hà Nội. Vừa tới tỉnh, quan đầu tỉnh đã ép thầy quá khóa. Thầy thẳng thắn trả lời:
Bẩm quan lớn, nếu muốn được tha, tôi đã không phải chờ đợi cho tới bây giờ. Bởi vậy người ta mới giải tôi về nộp cho quan lớn. Xin quan lớn cứ xét xử theo lệnh đức vua.
Biết thầy là người cương nghị nên quan cho lệnh tống giam trong ngục Thầy ở trong ngục, ban ngày thì mang xiềng xích, ban đêm thì bị cùm trong xà lim. Thầy luôn vui vẻ, đọc kinh cầu nugyện hằng ngày. Các bạn tù thường nói với nhau, anh này còn trẻ quá mà sao anh không sợ chết, dần dần ai nấy đều mến phục và nghe thầy giảng đạo, nói về Chúa và sự sống đời sau. Tới tháng 3 quan lạI gọi thầy tớI công đường, ép thầy bước lên Thánh Giá. Thầy nhất định không chịu. Quan  cho lính cầm hai đầu gông khiêng bổng thầy lên đưa qua Thánh Giá. Thầy la lớn tiếng:
Lính của quan mạnh khoẻ khiêng voi cũng được, huống chi là tôi. Nhưng tôi không chối đạo, tôi không bao giờ bước lên ảnh tượng Chúa của tôi.
Quan lại cho lệnh đánh thêm 50 roi thật đau đớn rồi cho trở về nhà tù. Viên cai tù thấy tác phong của thầy Phanxicô Nguyễn Cần thì nói với bọn lính:
Anh này gầy yếu chỉ bằng nắm tay mà nghị lực phi thường. Anh ta mà chết chắc sẽ trở nên Thành Hoàng của làng chứ chẳng chơi.
Mấy người lính gác cũng bàn tán thêm:
Thật chưa từng thấy một thanh niên nào như anh này. Bị đánh hằng trăm roi đòn, nát hết da hết thịt như vậy mà anh ta vẫn vui vẻ, lịch thiệp, nói chuyện dễ thương, anh ta còn giúp đỡ bao nhiêu bạn tù khác nữa đấy.
Các quan thấy giam giữ thầy đã lâu mà thuyết phục vẫn không được nên quyết định làm án xử giảo rồi gửi về triều đình. Ngày 20 tháng 11 năm 1837, bản án được vua Minh Mạng phê chuẩn gửi ra tới Hà Nội. Quan tổng trấn gọi thầy tới khuyên thầy nhắm mắt lại bước lên Thánh Giá để được tha  Thầy đáp lại:
Bẩm quan lớn, mắt thì nhắm được nhưng lòng và trí khôn thì không thể nhắm được, nên tôi không làm.
Quan tổng trấn lại cho lấy hai  khúc gỗ xếp chéo lại rồi nói:
Đây không phải là ảnh Chúa, hai khúc gỗ mà! Anh cứ bước qua đi để thoát chết.
Bẩm quan lớn, tôi không thể bước qua vì đây là dấu chỉ bỏ đạo.
Thế là thầy Phanxicô Xavier Nguyễn Cần bị điệu ra pháp trường Cầu Giấy Hà Nội để thi hành bản án. Đi đầu là năm viên quan cỡi voi oai phong đi trước, 10 cai đội cỡi ngựa theo sau, rồi đến 300 lính mặc binh phục đỏ, tay cầm kiếm. Một tên lính đi giữa cầm tấm thẻ án giơ cao với những hàng chữ: “Can phạm theo đạo Gia Tô, không chịu bước qua Thập Giá, bị án xử giảo”. Sau cùng là đoàn lũ người gồm lương giáo đi rất đông.
Tới pháp trường, đội lý hình tháo gông và xiềng xích rồi trói thầy và thòng giây vào cổ thầy. Thầy quay lại cám ơn, giơ tay vẫy chào vĩnh biệt mọi người. Sau đó quan tổng trấn ra hiệu lệnh, tức khắc đội lý hình kéo thật mạnh hai đầu giây. Đầu thầy rũ xuống và tắt thở. Người chiến sĩ can trường của Chúa Kitô giã biệt cuộc đời ngày 20 tháng 11 năm 1837 khi mới 34 tuổi thanh xuân.
Giáo dân xin thi hài người môn đệ Chúa để an táng tại Chân Sơn. Sau cải táng rước về đặt tai nhà thờ xứ Sơn Miêng.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Thầy lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Thầy lên hàng hiển thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log