Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa sinh năm 1790 tại Thượng Hải làng Thuận Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, con ông Phaolô Vũ Đình Tân và bà Maria Nguyễn thị Hoan.
Cậu Khoa là con thứ ba trong số bảy người con của ông bà Phaolô Vũ Đình Tân, là một gia đình Công giáo ngoan đạo. Ngay từ lúc cậu lên 8 tuổi thì ông Vũ Đình Tân đã cho cậu đi học chữ Hán. Cha Hòa và cha Phương thấy cậu Khoa hiền lành, ngoan đạo, có trí thông minh lai có lòng ước muốn dâng mình cho Chúa thì nhận cậu rồi gửi cậu vào học tại chủng viện Vĩnh Trị, dưới sự giáo huấn của cha chính Jeannet Khiêm. Tại chủng viện Vĩnh Trị thầy Phêrô Vũ Đăng Khoa học La tinh, triết học rồi thần học. Thầy học môn gì cũng xuất sắc, được ban giáo sư khen thưởng. Sau khi mãn trường năm 1820, thầy Phêrô Vũ Đăng Khoa được lãnh chức linh mục. Là một linh mục trẻ trung 30 tuổi, Đức Giám mục chỉ định cha về làm phụ tá cho cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm coi hai xứ Lu Đăng và Vĩnh Phước thuộc hạt Bố Chính.Trong thời gian 9 năm làm phụ tá cha Vinh Sơn Điểm, cha Khoa đã hết lòng phục vụ giáo hữu và cố gắng học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm trong chức vụ chủ chiên. Nhờ lòng nhiệt thành trong mọi công vụ và lòng đạo đức sâu sa trong lời kinh nguyện, cha Phêrô Vũ Đăng Khoa đã gặt hái được rất nhiều thành quả đáng khen ngợi. Thấy công việc cha làm quá tốt đẹp, năm 1829 Đức Cha Haverd Du bổ nhiệm cha về coi sóc giáo xứ Cồn Dừa. Trong chức vụ mới, cha Vũ Đăng Khoa đã vận dụng mọi tài năng và hoàn cảnh thuận lợi để lôi kéo được nhiều người trở về với Chúa và mở mang Nước Chúa. Công việc rất nhiều, lúc nào cha cũng bận rộn với đủ mọi thứ việc khác nhau, nhưng cha luôn giữ được sự quân bình trong đời sống thiêng liêng, giờ kinh, giờ cầu nguyện là những ưu tiên hàng đầu của cha. Nét mặt cha luôn vui tươi, nói năng điềm đạm, nhất là rất quảng đại nhân từ với mọi người. Nhờ vậy mà ai ai tiếp xúc và quen biết cha đều quí mến trọng nể cha. Cuộc đời đang êm đềm và công cuộc mục vụ của cha đang phát triển tốt đẹp thì ngày 6 tháng 1 năm 1833, vua Minh Mạng ra chiếu chỉ cấm đạo ban hành toàn quốc: Phải lùng bắt các đạo trưởng Tây phương cũng như bản quốc, kể cả các đạo hữu, đồng thời phải phá hủy các thánh đường, các cơ sở Công giáo. Rồi tiếp đến ngày 25 tháng 1 năm 1836 vua Minh Mang lại ban hành chiếu chỉ thứ ba còn mạnh mẽ hơn, nên các linh mục phải trốn tránh. Cha Vũ Đăng Khoa cũng phải thay đổi chỗ ở, nay cư ngụ nhà này, mai trốn chạy tới nhà khác, công việc mục vụ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt trong những năm 1836-1838. Mặc dầu trước những nguy hiểm và muôn vàn khó khăn trong một hoàn cảnh tràn đầy thách đố như thế, cha Vũ Đăng Khoa vẫn không chịu lùi bước, cha vẫn kiên trì len lỏi tới bất cứ nơi nào cần đến cha. Thế rồi một hôm cha tới Lê Sơn hạt Bố Chính làm lễ thì Tú Khiết là một văn nhân trong làng dẫn 15 thanh niên tới đột nhập vào nhà bắt trói cha cùng với hai thầy Giảng là thầy Đức và thầy Khang. Sau đó Tú Khiết bắt cha đeo gông, còn hai thầy thì bị trói rồi áp giải cả ba cha con về Đồng Hới thuộc tỉnh Quảng Bình nộp cho quan và cả ba đều bị tống giam tại nhà tù Đồng Hới, hôm đó là ngày 10 tháng 7 năm 1838. Bị giam trong nhà tù Đồng Hới ít ngày thì quan ra lệnh giải cha Vũ Đăng Khoa ra công đường Đồng Hới tra khảo rồi dụ dỗ cha bỏ đạo. Lúc đầu quan tỏ vẻ tình nghĩa khuyên dụ cha: - Này ông Khoa, tôi biết ông làm việc tốt được dân chúng quí mến. Tôi không muốn làm khổ ông và cũng không muốn ông phải chết. Ông biết là lệnh vua ban xuống phải bắt hết các đạo trưởng và phải chém đầu, nếu không bỏ đạo. Vậy ông hãy bước lên Thập Tự này thì tôi sẽ tha ngay cho ông. Cha Vũ Đăng Khoa cũng tỏ ra rất lịch sự thưa lại: - Bẩm quan lớn, tôi cám ơn quan lớn về những điều quan lớn vừa nói. Nhưng bỏ đạo thì đối với tôi không thể được, dầu có phải chết, phải chém đầu tôi cũng sẵn lòng chấp nhận. Xin cám ơn quan lớn. - Sao lại không thể được? Quan lớn hỏi lại Cha thưa lại: - Quan lớn đã biết, tôi là đạo trưởng, tôi giảng dạy cho nhiều người về đạo Thiên Chúa. Nay tôi lại bước lên ảnh tưởng Chúa là Đấng tôi rao giảng. Tôi xin thưa là không bao giờ tôi làm như thế. Xin quan lớn đừng ép buộc tôi. Sau cuộc đối thoaị khá dài và những lời dụ dỗ đối với cha trở thành vô ích, quan cho lệnh đưa cha trở về nhà giam. Tại công đường Đồng Hới, cha Vũ Đăng Khoa còn bị tra vấn nhiều lần nữa. Quan Đồng Hới cố gắng thuyết phục cha bỏ đạo và khai báo chỗ ở của các vị Thừa Sai, nhất là cha Candalh Kim. Tới khi thấy thuyết phục không được thì quan ra lệnh đánh 76 roi thật đau đớn để uy hiếp tinh thần cha. Nhưng cha nhất định không khai báo bất cứ chi tiết gì. Quan nản lòng trước chí khí cương quyết của cha. Quan bền bỉ bày ra nhiều kế hoạch khác và nhiều khổ hình để lung lạc đức tin của cha Phêrô Khoa. Cha vẫn khẳng khái nhắc đi nhắc lại với quan rằng: - Thưa quan lớn, tôi là linh mục, là chủ chăn, làm sao tôi có thể chối Chúa, làm sao tôi có thể bỏ Chúa? Tôi sẵn lòng chịu mọi khổ hình, mọi tra tấn, đòn vọt, chấp nhận luôn cả sự chết. Trước những lời lẽ cương quyết khẳng khái của cha như vậy, các quan họp lại bàn định làm bản án gửi về kinh đô xin vua phê chuẩn cùng với bản án Đức Cha Borie Cao và cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm. Đức cha Borie Cao, cha Vinh Sơn Điểm và cha Phêrô Khoa được tin là các quan đã làm bản án và gừi về kinh đô xin vua Minh Mạng phê chuẩn bản án thì vui mừng và thêm lòng sốt sắng phó thác cuộc sống cho Chúa và bàn tay nhân từ của Đức Mẹ. Hằng ngày các ngài sốt sắng lần hạt kinh Mân Côi và hát kinh Ave Maria Stella –kính chào Mẹ Maria, là sao mai rực rỡ. Xin chuyển cầu cho chúng con- Các ngài phó thác đời mình cho Nữ Vương các linh mục như xưa Mẹ đã dâng Con Yêu Quí là Chúa Giêsu trong đền thờ. Nay các ngài cũng xin Mẹ hiến dâng các ngài trong cuộc tử đạo đầy hồng phúc châu báu này. Ngày 22 tháng 11 năm 1838 bản án đã được vua Minh Mạng phê chuẩn gửi về và sáng ngày 24 tháng 11 năm 1838 quan tới nhà tù đọc bản án, các tù nhân khác đứng chung quanh từ biệt ba vị chiến sĩ anh dũng của Chúa lần cuối cùng trong thương tiếc và nước mắt. Nghe đoc xong bản án, Đức Cha Borie Cao quì xuống lạy cám ơn quan vì ơn trọng đại được tử vì đạo, cha cha Điểm và cha Khoa cũng làm theo. Sau đó các ngài tiến ra đi theo hàng hàng lính đi hai bên, ở giữa là Đức Cha Borie Cao đi trước, rồi đến cha Khoa, tiếp theo sau là cha già Điểm. Các ngài hân hoan bước theo đoàn binh lính đông đảo, có mấy người lính nâng bốn đầu gông của các ngài. Tới pháp trường gọi là Tân Ninh, giáo dân đã trải sẵn sáu tấm chiếu mới. Cha Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm và cha Phêrô Vũ Đăng Khoa nằm sấp mặt xuống đất, chân tay bị trói vào ba cọc như hình Thánh Giá. Hai bên đầu giây xiết cổ hai cha. Khi lên hiệu thì đội lý hình kéo hai đầu giây xiết lại cho tớI khi các ngài tắt thở, linh hồn các ngài về với Chúa. Tấm thẻ gỗ viết án cha Vũ Đăng Khoa như sau: “Vũ Đăng Khoa thuộc làng Thuận Ngãi, tỉnh Nghệ An, đạo trưởng Gia Tô phải xử giảo theo lệnh vua”. Xác các Ngài được an táng ngay chỗ xử, ngoài thành Quảng Bình, bên kia sông. Ông Phêrô Trần Văn Thiêng đã kể lại việc bốc xác ba Đấng tử đạo như sau: “Cha chính Masson Nghiêm coi sóc xứ Nghệ, sai tôi là kẻ giảng Phêrô Trần Văn Thiêng vào Quảng Bình sảnh, Bình Chính huyện, năm 1839, năm An Nam là Kỷ Hợi, vua An Nam là Minh Mạng thập cửu niên (19)- Cha chính Masson Nghiêm dặn tôi rằng: Con vào trong ấy mà lo liệu cất xác các Đấng về cho cha mà có đưa về cả được thì tốt bằng chẳng liệu được cả thì cha cho phép lấy hài cốt các Ngài cho dễ như thói An Nam đã quen. Tháng 10 ta năm ấy tôi ở tại tỉnh Quảng Bình, có thầy Tự là con thiêng liêng của Đức Cha Borrie Cao và ông Năm phải giam ở đó. Hai ông ấy bảo tôi rằng: - Ông phải liệu đưa xác các Đấng ấy đi cho chúng tôi xem thấy kẻo sau này quan xử chúng tôi thì chẳng có ai đến đây làm chi nữa, mà bỏ các Ngài ở đây mãi thì không được. Tôi nhờ thầy Nguyên và chị Mễ giúp tôi. Sau đó chúng tôi vào xin quan phủ cho chung tôi được lãnh xác ba ông đạo trưởng kẻo để nơi đây trâu bò đi lại thì chúng tôi sợ lắm. Quan nói với chúng tôi: - Trong lúc này vua còn ghét đạo lắm. Ta không dám cho phép. Nhưng các ngưòi lấy trộm được thì ta cho phép. Biết được ý của quan huyện như vậy, ban đêm chúng tôi cùng nhau lấy trộm xác các Ngài. Khi mở nắp xăng của Đức Cha Borie Cao ra thì xác còn y nguyên, không thối, không thâm, trong xăng có nước đứng đến cổ chân. Ngài phải chém đầu cho nên khi ấy tuốt một cái thì thịt ra một đàng, xương ra một đàng. Chân thừa ra ngoài xăng độ hơn một gang tay thì thịt có mềm nhưng không tuốt ra được. Còn từ vai trở xuống thịt còn cứng không lấy xương ra được, phải khiêng lên đem vào nhà tế dượng mà lấy xương ra, cũng không lấy được vì thịt chắc lắm nên phải đem vội xuống thuyền chở tới chợ Đồng Hới một ngày một đêm. Khi đem vào nhà tế dượng có phỏng chừng mười lăm người được xem thấy, trong số mười lăm người này thì chỉ có 5 người Công giáo, còn những người khác là lương dân cũng đều xem thấy và chứng kiến như vậy. Đến tối hôm sau, chúng tôi mới lấy được xác cha Vũ Đăng Khoa, thịt ngài có mềm hơn nhưng cũng không lấy xương ra được, phải khiêng xác xuống thuyền đến hôm sau lại đưa cả hai xác lên nhà thầy Nguyên ở làng Mỹ Hương huyện Lệ Thủy. Về tới làng Mỹ Hương chúng tôi đào lỗ xuống đất và để xác các Ngài xuống, rồi đổ vôi vào hai xác ấy cho nát thịt ra để chỉ lấy xương nhưng thịt cũng không nát. Sau phải xé thịt ra mà lấy xương rồi mới lấy giấm và rượu để rửa, đoạn lấy giấy và vải bọc xác hai đấng ấy và bỏ vào bồ đậy lại. Rồi đưa về Nghệ An, xã Thuộc Dược, huyện Chân Lộc, thôn Kẻ Gốm. Khi ấy cha chính Masson Nghiêm và cha Simonin Nhượng vui mừng đón nhận linh hài hai thánh Tử Đạo. Đây là những lời chúng tôi là người đã lo việc cải táng và làm chứng sự thật, không dám thêm bớt điều gì. Cha chính Masson Nghiêm đã rất hối tiếc vì thầy giảng Trần Văn Thiềng đã làm theo lệnh từng chữ, khiến không mang toàn thân thể nguyên vẹn của các Ngài về được. Thật là vô cùng đáng tiếc! Ngày 27 tháng 5 năm 1900, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong các Ngài lên bậc Chân Phước và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng các Ngài lên hàng hiển thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988. Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org