I. Tiểu sử
"Bước qua thập giá là tự giết cả linh hồn lẫn xác đời đời". Thánh Phêrô Trương Văn Đường sinh năm 1808 tại Kẻ Sở, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, trong một gia đình nghèo nhưng rất đạo đức.Từ nhỏ, ngài ao ước sống đời tu trì và được thánh linh mục Trương Văn Thi, chú ruột, gửi đến xứ An Tập, nhờ cha Phượng nuôi dạy.
Hình ảnh chú Đường hiền hòa và đảm đang đã trở nên quen thuộc với mọi người. Chú chăm chỉ học chữ Nho và Latinh. Năm 26 tuổi, chú được lên bậc thầy giảng và được cử về giúp cho thừa sai François Marette - Phan tại giáo xứ Bầu Nọ.
Thầy dạy giáo lý cho tân tòng và phục vụ giáo dân xứ Bầu Nọ. Ngày 20-6-1837, khi quan quân vây làng để tìm bắt thừa sai Cornay - Tân, thầy Đường bị một người chỉ điểm nói là học trò của thừa sai Tân nên bị bắt.
Ngày 21-6-1837, cùng với thừa sai Cornay - Tân, thầy Mỹ và thầy Truật, thầy Đường bị giải về công đường Sơn Tây. Ngày 19-10-1837, thầy Đường bị án giảo giam hậu.
Trong suốt 14 tháng, chịu đói khát, nóng rét, gông cùm, xích xiềng, thầy vẫn kiên trung tuyên xưng đức tin. Thầy viết cho thừa sai Marette: “Nghĩ tới phúc trọng con sắp được, cửa thiên đàng đã gần kề, nghĩ đến hạnh phúc bất diệt đang chờ đợi con, con không còn mơ ước sự gì ở trần gian này nữa. Lạy cha, sắp đến ngày con bị đưa ra xét xử, con xin bái lạy cha lần sau hết, xin cha cầu cho con là người tội lỗi”.
Mùa thu năm 1838, vua Minh Mạng hạ lệnh cứu xét lại các bản án và truyền thi hành lệnh xử ba Thầy Nguyễn Văn Mỹ, Vũ Văn Truật và Trương Văn Đường.
Sau khi đã lãnh nhận Bí tích Hòa giải, thầy Đường bị giải ra pháp trường rạng sáng ngày 18-12-1838. Cầu nguyện xong, thầy nằm xuống cho binh lính thi hành án và thầy đã an nghỉ trong Chúa.
Thầy giảng Phêrô Trương Văn Ðường được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
II. Cầu nguyện
Cầu nguyện cho người trẻ biết hăng say làm tông đồ
Chín tuổi bước vào đời sống tu, 16 tuổi trở thành thầy giảng, 30 tuổi trở thành vị chiến sĩ đức tin của Chúa Kitô với triều thiên tử đạo, đó là những cột mốc, những điểm nhấn đầy ấn tượng khi ta lần theo dấu những trang sử cuộc đời của thánh Phêrô Trương Văn Đường.
Thời gian mà thầy Phêrô Trương Văn Đường ở nơi dương thế không dài, nhưng quãng thời gian ấy cũng đủ để khắc họa một cách đậm nét mẫu gương sống động vẫn còn mãi trong lòng Giáo hội. Chiêm ngắm cuộc đời và vinh phúc tử đạo của thánh nhân, các bạn trẻ và mỗi người chúng ta như được khơi dậy lòng thao thứchăng say dấn thân phục vụ trong yêu thương - trong bác ái, dù cho mỗi người bước đi trên những chặng hành trình và những lối rẽ khác biệt.
Sinh năm 1808 tại làng Kẻ Sở, xã Ninh Phú, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Chỉ ít năm sau đó (1817), cậu bé Phêrô đã hăng say vào sống trong nhà Chúa. Với nhiều khả năng và sự thông minh Chúa ban, cậu Phêrô Đường được các cha thương yêu cho đi học để chuẩn bị cho sứ mạng phục vụ trong tương lai. Với tính tình hòa nhã, vui tươi, hiền lành, thánh thiện cậu được mọi người quý mến. Sau hai mươi năm dấn thân trong sứ vụ tông đồ đầy nhiệt huyết từ lúc 9 tuổi, ngày 20/6/1837, thầy giảng Phêrô Trương Văn Đường bị bắt, bị tống ngục và chịu án tử hình ngày 18/12/1838.
Cũng như thánh Phêrô Trương Văn Đường, tuổi trẻ của chúng ta chất chứa khát khao và ước mơ bay cao. Nhưng những lúc tràn đầy ước mơ cháy bỏng ấy, ước gì những người trẻ cũng sẵn sàng dành ra một khoảng trống đủ rộng trong tim, để chia sẻ khát khao muốn dấn thân làm tông đồ, muốn dấn thân phục vụ.
Thánh Phanxicô Salêsiô đã chia sẻ cho các bạn trẻ một tư tưởng, để nung nóng lên tâm hồn ngập tràn niềm tin yêu, hy vọng, vững tin và lạc quan rằng: “Quá khứ của tôi không liên quan đến tôi nữa, nó thuộc về lòng thương xót Chúa. Tương lai của tôi chưa liên quan đến tôi, nó thuộc về Chúa quan phòng. Điều liên quan đến tôi, điều thử thách tôi là hôm nay, nó thuộc về ơn Chúa và về sự dâng hiến của lòng tôi và thiện chí của tôi.”[1]
Đồng hành với giới trẻ, thấu cảm những điều đang hấp dẫn cuốn hút họ, Đức giáo hoàng Phanxicô đã lên tiếng mời gọi: “Hãy can đảm lên, hãy đi ra gặp gỡ những người các con không biết.Hãy đi ra gặp gỡ bạn bè hoặc những người đang gặp rắc rối. Hãy ra đi với lời hứa duy nhất chúng ta hiện có; bất cứ nơi nào các con ở, trong sa mạc, trong cuộc hành trình, giữa sự phấn khích, các con sẽ luôn được nối kết… Chúng ta sẽ không bao giờ cô đơn; chúng ta sẽ luôn hưởng được sự đồng hành của Chúa Giêsu, của Mẹ Người và của cộng đồng. Chắc chắn cộng đồng không hoàn hảo, nhưng điều đó không có nghĩa là nơi đó không có biết bao điều để yêu thương và để hiến tặng người khác.”[2] Hãy bước ra khỏi “thế giới ảo” để bước vào thế giới thật bằng con tim luôn luôn tươi trẻ, bằng tấm lòng cảm thương sâu sắc những phận người khốn khổ. Mẹ Têrêsa Calcutta đã khuyên: “Hãy thương người nghèo, và đừng quay lưng lại với họ, nếu bạn quay lưng lại với người nghèo là bạn quay lưng lại với Chúa Kitô - Người làm cho mình thành người đói, người ở trần, người không nhà, để các bạn và tôi có dịp yêu Người.”[3]
Nhờ lời chuyển cầu của vị thánh trẻ Phêrô Trương Văn Đường, nguyện Chúa thương đồng hành với chúng con là những người trẻ đang căng tràn sức sống và nhiệt huyết, để chúng con mang đến cho đời và cho người những nét đổi thay tuyệt diệu. Xin đừng để chúng con bị hòa tan vào những tiện nghi của thời đại mà lãng quên việc tìm kiếm giá trị, ý nghĩa đích thực của cuộc sống qua việc chung tay xây dựng thế giới trong tình bác ái huynh đệ. Xin cho chúng con trở thành những người Samaritanô trẻ tuổi để luôn biết sẵn lòng đưa tay vực dậy những ai đang ở bên lề xã hội. Xin cho chúng con trở thành những Simon Kyrênê, để con luôn an vui với Thánh Giá Chúa Kitô mỗi ngày và góp phần làm vơi dần đau khổ của những người đang sống quanh con. Xin giúp con tìm thấy yêu thương khi dấn thân hoạt động tông đồ và khi làm việc bác ái xã hội. Đồng thời xin thương ban cho chúng con trái tim của Chúa, để yêu thương không bao giờ vơi đi trong tâm hồn chúng con. Amen
[1]Youcat Việt Nam, tr.255. [2] Trích Bài chia sẻ của Đức thánh cha Phanxicô với giới trẻ Chile. [3] Youcat Việt Nam,tr.251. http://daminhrosalima.net/