Trên đường Quốc lộ 1A, từ Thị xã Phủ lý đi Ninh Bình, đến cây số 8 rẽ tay trái, hoặc nếu đi hướng Quốc lộ 21 từ thành phố Phủ Lý đi Nam Định đến cây số 6 rẽ tay phải, chúng ta sẽ thấy một địa danh không mấy ai biết, có chăng là núi Non với những cây chè tươi thơm ngon nổi tiếng cả vùng, ở đó có Giáo xứ Kẻ Non hay theo lối gọi mới là Xứ Cẩm Sơn thuộc huyện Thanh liêm, Tổng Giáo phận Hà Nội nơi mảnh đất này đã sinh ra một vị Thánh tử Đạo, thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ.
Ngài chào đời năm 1798 ở làng Kẻ Non, còn gọi là Sơn Nga, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam trong một gia đình đạo hạnh, phần xác thì chẳng những đủ ăn đủ mặc, mà lại có phần dư giả; còn về phần linh hồn thì ngoan đạo biết dạy dỗ con cái. Tên thật của cậu là Nguyễn Văn Hữu, chỉ biết là khi ấy cậu ít nói, hiền lành, học hành sáng dạ và kinh bổn chóng thuộc. Cho nên khi cậu xin phép cha mẹ cho được vào nhà thày thì cha mẹ cho ngay không dám chối. Năm 13 tuổi, được phép cha mẹ, cậu Mỹ theo giúp việc
Đức cha Giacôbê Longer Gia rồi sau giúp cha Luật xứ Kẻ Đầm bốn năm. Đến năm 19 tuổi, cậu theo học tại chủng viện Kẻ Vĩnh (Vĩnh Trị). Tại đây, thày Mỹ tỏ lòng đạo đức cách riêng, giữ phép tắc nết na hẳn hoi, người làm trưởng tràng, công việc khó nhưng người đã chu toàn bổn phận tốt, được anh em quí mến và tuân phục Khi làm thày giảng thực thụ, thày Mỹ được gửi đến giúp thừa sai Marette. Ít lâu sau, Đức cha Harvard Du giám quản tông tòa giáo phận Tây Đàng Ngoài, đã chọn thày phụ giúp linh mục Cornay Tân, xứ Bầu Nọ[1], tỉnh Sơn Tây. Với nhiều kinh nghiệm và khả năng, thày Mỹ đã hỗ trợ đắc lực cho vị thừa sai trẻ tuổi nhiệt thành, nhưng thường đau ốm nặng nề này. Thày Mỹ luôn hoàn thành công tác mục vụ một cách chu đáo: Từ giảng lý tân tòng và trẻ em, đến khuyên bảo tội nhân hối cải. Khi tình hình cấm đạo lên cao độ, thày là vị tông đồ nhiệt thành và hữu hiệu, đi thăm từng gia đình để khích lệ các tín hữu sống đức tin, và còn hơn thế, được nhiều người ngoại giáo về đón nhận niềm tin Kitô giáo. Vào đời Vua Minh Mạng năm thứ 18, khoảng năm 1837, khi quan lên Bầu Nọ cố ý bắt cố Tân, Thầy Mỹ nhờ người đưa cố Tân đi ẩn, còn Thầy thì lấy các đồ lễ đem đi cất giấu. Quân lính sục xạo khắp làng, có người chỉ điểm, thầy Mỹ và thầy Truật đã bị quân lính bắt, họ đánh đập thầy để hỏi cho ra cố Tân, nhưng dù đòn roi, thầy nhất định im lặng chẳng thưa điều gì. Sau đó, quân lính cũng bắt được cố Tân. Họ giải cả ba người đến tỉnh Sơn Tây. Thật kể chẳng xiết những khốn khó các đấng phải chịu trong những ngày đó, nhưng các đấng vẫn tỏ ra vui vẻ bằng lòng chịu khó vì đạo thánh Đức Chúa Lời, chẳng dám phàn nàn kêu trách điều gì. Trái lại luôn một lòng tín thác, trung thành giữ vững niềm tin vào Chúa qua việc đọc kinh cầu nguyện, siêng năng lãnh nhận các Bí Tích khi có thể và giúp đỡ những bạn tù khác. Khi đến tỉnh cả ba thày phải chịu giam ngay. Ban ngày các thày phải mang gông xiềng, ban đêm mang thêm cùm nữa. Trước hết, các quan đã có ý khép tội các thày làm giặc. Nhưng khi đã hỏi một vài câu thì biết ngay các đấng chỉ phải bắt phải giam vì sự đạo mà thôi. Thày Mỹ và hai anh em phải điệu đến tỉnh Sơn Tây ngày hôm trước mà đến hôm sau phải ra công đường trước mặt ba quan lớn tra hỏi. Bấy giờ quan bảo rằng: chúng bay đi vuối quân Nhờn quan Thạch cùng đem của cải giúp nó, thì chúng bay xưng ra cho thật chúng nó ở đâu. Ông thánh Mỹ chối điều ấy cùng thưa rằng: Bẩm ông lớn, chúng tôi không biết Nhờn, không biết Thạch cùng chẳng đưa của gì giúp nó; còn cụ đạo chúng tôi thật người chẳng phải quân sự thằng Nhờn, chúng tôi là đầy tớ người nuôi cho được làm thày đạo, chúng tôi không biết tướng giặc ở đâu. Có người trần tố thày Mỹ giữ chìa khóa hòm cố Tân cho nên quan cũng hỏi về sự vàng bạc của cải ở đâu và mấy điều khác như vậy. Rồi quan lại nói rằng: Đạo chúng bay làm sao? Đức Hoàng Đế đã cấm,vì chưng trong đạo chúng bay gian ô phụ nữ, uổng thủ mục tình về làm bùa thuốc cho người ta ăn. Thày Mỹ thưa rằng: Lạy ba ông lớn, chúng tôi xả thân cầu đạo, nếu có khoét mắt người nào, thì anh em con cái nó để chúng tôi sống chăng? Trong đạo chúng tôi có thế, thì dạy bảo ai được nữa? Mà nếu chúng tôi đi tu, nếu có ăn ở thể ấy, thì vợ chồng người ta còn để chúng tôi đến nhà mình nữa chăng? Quan thượng lại hỏi: Chúng bay theo cụ tây từ bao giờ cùng đã ở những nơi nào? Thì các thầy không chịu xưng ra. Quan cũng bảo bước qua thập tự mới được tha nhưng mà ba thày cũng không chịu và ông thánh Mỹ thưa quan rằng: Chúng tôi theo cụ tây mà đi giảng đạo, chúng tôi chẳng bỏ đạo được, chúng tôi không dám quá khóa trên mặt Chúa chúng tôi, các quan muốn làm thể nào thì làm. Hễ lần nào ba thày phải tra về sự thông phỉ vuối giặc thì cả ba người phải đòn vọt quá sức, mà thày Mỹ bởi nhiều tuổi hơn cùng đứng đầu thưa lại vuối quan thay mặt anh em, cho nên càng phải khổ hơn nhiều. Lúc quan sai đánh thì các ông ấy phải chịu thẳng lắm, lại hai bên có tên lính cầm một nắm roi trúc tươi cùng đánh cho đến khi nát thịt giập roi, roi lẫn vào thịt. Cố Tân trong cũi thấy ba thày phải đòn quá làm vậy thì vật mình cùng kêu khóc lớn tiếng rằng: Nước tôi chẳng có đánh quá thể này. Khi quan nghe lời người kêu làm vậy thì truyền lấy bàn vả mà vả vào mặt người. Hễ các ông phải đòn trận nào, thì đau đớn đến nỗi ra như bất tỉnh cùng ra như chết vậy, cho nên lính tráng phải khiêng về ngục. Thày Mỹ phải chịu tấn bốn kỳ và trong bốn kỳ ấy người phải 130 roi tấn, còn những roi nó đánh lúc khác thì không biết đâu mà kể. Dầu vậy người không có phàn nàn, không kêu trách cùng chẳng kêu khóc như các tù khác quen làm. Người ta lấy làm lạ, cho nên hỏi ông thánh Mỹ rằng: Khi phải đòn nát thịt làm vậy có lấy thuốc gì chăng? Người thưa rằng: Khi phải đòn đã ra bất tỉnh làm vậy, thì quân lý hình khiêng tôi ra cuối sân cùng lấy lá rắc vào nơi dấu tôi đã phải thì đỡ đau và bớt sưng. Nhưng mà chẳng cần phải có thuốc vì giữ đức nhịn nhục và chịu khó bằng lòng là thuốc tốt hơn, vì sự ấy làm cho mình được thêm công trước mặt Đức Chúa Lời. Và dù các quan đánh hay làm khổ thể nào chẳng có bao giờ dám kêu điều gì, một bằng lòng chịu cả vì Chúa chúng tôi. Sau nữa bởi các quan hay giục bỏ đạo cùng làm đủ mọi chước cho các đấng ngã lòng, thì thày Mỹ thưa với các quan rằng: Lạy quan lớn, người có để chúng tôi được sống, chúng tôi sẽ được nhờ phước quan lớn, mà người có cho chúng tôi phải chết, chúng tôi cũng đành cùng bằng lòng chịu ngay. Vả lại các ông lớn có thương đến thày chúng tôi mà tha cho người, thì chúng tôi cũng được khỏi. Mà thày chúng tôi phải tử vì đạo thì chúng tôi cũng xin theo người, cùng chẳng chịu quá khóa. Cho nên dù các đấng đã mang tiếng ngụy vì mụ Yển đã bỏ vạ cho được chuộc tội chồng nó, ai ai cũng biết rằng ba ông ấy không có làm ngụy bao giờ, mà thật sự chỉ phải bắt vì đạo mà thôi. Vả lại dù các quan hằng giục ba thày nhận án ngụy thì ba thày không chịu bao giờ cùng kêu rằng: Ông lớn làm án chúng tôi bất khẳng xuất giáo thì chúng tôi xin ký ngay. Còn án ngụy chúng tôi không nhận vì chúng tôi không đi làm giặc. Trong ngục cũng phải trăm nghìn sự khốn khó kể chẳng xiết: trước hết phải giam riêng một người một nơi và những chỗ hôi hám xức người ta chịu chẳng được. Ta chỉ lấy một điều này làm chứng là có một lần cụ Triệu được vào trong ngục thăm các thày mà lúc ra người khiếp quá cùng đổ mồ hôi lắm, khỏi một trống canh mới tỉnh lại. Về sau ba thày được ở làm một với nhau thì đỡ một chút, mà vì được gặp nhau cho nên được sự yên ủi và bảo nhau chịu khó vì Đức Chúa Lời. Nhưng mà vẫn phải đóng xiềng mang gông luôn luôn. Vậy gông Văn Mỹ thiết diệp nặng độ bằng sáu quan tiền, xiềng nặng độ bốn quan, nhưng mà bó vắn quá, cho nên người không đứng thẳng lên được, chỉ đi lóm khóm mà thôi, lại tối nào cũng phải cùm mà đêm nào có khi quan vào khám đến năm lần. Thày Mỹ cùng hai anh em đoán rằng sẽ được xử làm một vuối cố Tân, song le dù các quan khép án cho ba thày cùng một trật ấy, bởi vì vua muốn liệu cho các thày bỏ đạo, thì còn hoãn lại để thử xem có dụ được chăng, nên ba thày phải án xử giam hậu, mà cố Tân đã phải xử được một tháng thì án ba thày mới đến tỉnh Sơn Tây. Từ bấy giờ mà đi các quan không còn làm riết như trước và đóng gông đóng xiềng nhẹ hơn và dần dần cũng có tha cùm. Lại có một kỳ thày Mỹ lên rọt ở nơi cổ, nên ông đội tha gông cho người bốn năm tháng. Vậy từ ngày phải án xử giảo giam hậu cho đến ngày xử thày Mỹ và hai anh em còn phải chịu giam mười bốn tháng nữa. Ông thánh Mỹ đã biết thuốc ít nhiều, thỉnh thoảng người làm phúc cho các bạn tù và cho lính canh nữa nên ông đề lao, ông đội đốc canh và mọi người kính nể cả ba thày vì điều ấy. Cai đội cũng đã nói nhiều lần rằng: các tù có được như ba người này thì chúng tôi cũng được nhờ vì không còn phải lo trốn đi mất. Các quân tù cũng mến vì chưng cũng có nhiều khi các đấng phân phát của ăn cho chúng nó.
Chính thằng Đức là người nghèo đói không có ai nhìn đến cũng được nhờ các thày nhiều. Vì cả ba đấng bởi nhớ lời Đức Chúa Giêsu đã phán dạy rằng: “Hãy đọc kinh cầu nguyện cùng làm ơn cho những kẻ làm khốn mình” thì vẫn nói cách êm ái dịu dàng vuối nó cùng lấy khẩu phần mình mà cho nó ăn uống. Người nuôi các thày trong tù nói rằng: Khi nào tôi đi thăm ba thày ấy, thày Mỹ bảo tôi phải chịu khó mà giữ đạo và làm các việc bậc mình cho nên, và có một lần tôi thấy người quở trách mấy người bạn tù vì chúng nó đã liều mình xuất giáo. Chiều hôm sớm mai người và hai anh em đọc kinh to tiếng là lần hạt một tràng trăm rưởi, về sau từ khi người được sách ngắm mười lăm sự thương khó Đức Chúa Giêsu người đã xin cố Phan thì hằng ngày ngắm vuối anh em. Người cũng giữ nhân đức khiêm nhường cách lạ lùng, mà khi người ta xin người làm tờ tự tình kể lại những sự khốn khó người đã chịu, thì không muốn làm cùng bảo rằng sự ấy không nên, nhưng mà sau này xin mãi thì người ép mình mà làm và viết mấy điều cho cố Phan. Đức Chúa Lời cũng thương người cách riêng vì đang khi người phải giam làm vậy, xưng tội được bốn lần vuối cụ Triệu và bốn lần ấy cũng được chịu Mình Thánh Đức Chúa Giêsu nữa. Sau ông thánh Mỹ lối cho anh em bà con ba điều này: Thứ nhất: anh em hãy ở trong cửa nhà, trong làng nước vuối nhau cho hòa thuận bằng yên, phải giữ đạo cho sốt sắng vì anh em ở đời này không được bao lâu. Thứ hai: phần tôi, bề trên đã định thể vậy, thì tôi xin vâng. Đến khi tôi phải xử anh em hãy lên để anh em trông thấy nhau một lần sau hết, rồi đem xác về nhà quê cho được ở vuối anh em. Thứ ba: của cải cha mẹ để lại cho tôi, có ít nhiều nào xin chia ra làm hai phần: một phần để cho anh em dùng, một phần cúng vào nhà chung, vì xưa nhà chung đã nuôi tôi, lại nhà chung sẽ lấy của ấy mà nuôi kẻ khác giúp việc trong Hội Thánh nữa. Thầy Mỹ đã nói vuối người nhà quan rằng: Khi nào án ba anh em chúng tôi ra thì xin cho chúng tôi biết. Vậy đến mùa thu, ở trong kinh đã có thói quen xét lại những án các nơi, nên năm ấy, đời vua Minh Mệnh thứ 19[2], trong triều xét lại việc các thày đã phải xử giam hậu, và bởi vì các thày không chịu xuất giá thì truyền phải điệu đi xử ngay. Án chạy ra đến tỉnh Sơn Tây tối hôm trước và ông đề lao đưa tin cho thày
Mỹ rằng: Mọi khi tôi không dám bảo người tù khi án đã chạy ra, nhưng mà phần các thày tôi không lo, cho nên tôi chúc cho các thày được mạnh bạo mà chịu khó bằng lòng vì ngày mai sẽ phải xử. Thày Mỹ giã ơn ông đề lai cùng tỏ ra lòng mừng rỡ vì được tin rất tốt làm vậy. Sau người bảo nhắn tin cho cụ Triệu biết để người lên đón mà làm phép giải tội cho ba thày, rồi dặn các việc phải lo liệu khi sẽ đưa xác về trên xứ Bầu Nọ. Đến ngày 18 tháng 12, cũng là ngày mồng 2 tháng 11 âm lịch, quá nửa buổi sáng, các người nha lại vào trong ngục mà nhận tù đi rồi bắt ông thánh Mỹ ra khỏi tù cùng điệu đi xử. bốn tên lính đi chung quanh thày Mỹ. Một tên mang án xử đi trước, hai tên giữ lấy gông và xiềng, còn một tên nữa đi sau hết cầm thanh gươm. Án xử Thầy Mỹ là thể này: một bên ghi: Nguyễn Văn Hữu ở làng Sơn Nga, Huyện Thanh Liêm phải tội theo đạo Giêsu. Nó đã nhận. Án đã phát mùa thu năm nay truyền cho nó phải xử giảo. Còn bên kia viết ngày tháng rằng: Minh Mệnh thập cửu niên thập nhất nguyệt sơ nhị nhật[3]. Khi quân lính điệu thầy ra ngoài công đường, thầy gặp cha Triệu trước cửa nhà ông Tổng Đốc, người làm Dấu Thánh giá như đã hẹn trước và cha Triệu đã giơ tay giải tội cho thầy. Khi điệu người nào đi xử đã có thói quen cho nghỉ một lát và cho ăn uống. Vậy khi các quan điệu các thày đi xử thì cũng theo thói ấy mà cho nghỉ một lát hỏi các thày có muốn ăn uống đí gì chăng? Trước hết thày Mỹ chối, nhưng mà sau người bảo một người đàn bà có đạo rằng: Tôi chẳng muốn cho người ta hồ nghi tôi sợ chết. Cho nên người xơi hai cái bánh cùng uống một chén nước chè và ăn một miếng trầu. Lúc đến nơi xử quân đóng vòng tròn, hai quan cỡi hai voi làm quan giám sát mà người vô đạo giải chiếu cho các thày nằm lúc phải xử. Bấy giờ cả ba ông xin quan giám sát giãn một lát cho được làm việc riêng, quan cho thì các ông ấy nom chung quanh lũ người đi xem đám xử, thấy cụ Triệu đang giơ tay lên, liền sấp mình xuống chịu phép giải tội lần sau hết Rồi thày Mỹ cởi áo ra nằm sấp xuống cho được chịu xử. Quân lính trói hai cánh tay giáp làm một cùng buộc hai chân vào một cái cọc, đoạn lính tròng giữa thừng vào cổ, một đầu thừng buộc vào cái cọc một tên lính cầm giữ cho vững, còn đầu bên kia ba tên lính cầm đợi quan lên hiệu thì kéo. Bấy giờ được yên một lát vậy thì quan giám sát cất tiếng lên mà rằng: Thấy đánh trống tiếng thứ ba thì kéo. Vừa nói xong quan lên hiệu thì lính kéo dây ngay. Nhưng mà bởi lính kéo dây cao lên khỏi đất cho nên tức hơi thì nứt mặt mũi chảy máu ra. Khi xác nằm yên thì quan gọi loa truyền thử xem đã chết thật chưa, nên lính đốt ngón chân người. Không thấy động nữa, thì quan giao xác cho bổn đạo chôn, rồi kéo về tỉnh. Còn các đồ thuộc về các thày là thẻ án, dây, cọc, gông, xiềng… thì có ông suất đội vào chỗ xử mà lấy các đồ ấy ra, xếp tất cả làm một cùng giao cho bổn đạo. Khi quân quan đã kéo về cả thì bổn đạo lấy xác ông thánh này mà để vào chiếu cùng đem về làng Kẻ
Máy (Cao Mại). Ở đấy đã có cố Phan và hai cụ trực sẵn có ý nhận xác các đấng tử vì đạo. Khi người ta đến nơi, cố và hai cụ lấy quần áo mới bằng vóc lụa mà mặc cho xác các đấng cùng khâm liệm cho tử tế, rồi để vào quan tài cùng biên tên và ngày tháng các đấng đã chịu xử. Lúc xong các việc bấy giờ mới đọc kinh Giáo Hội quen đọc cho những kẻ đã qua đời. Quá nửa đêm, hai cụ làm lễ tạ ơn Đức Chúa Lời vì các đấng đã được phúc trọng xưng đạo ra trước mặt thiên hạ cùng chịu chết vì Đức Chúa Giêsu. Còn về cố Phan, người làm lễ qui lăng và đưa xác cả ba đấng một huyệt rộng đã đào trong gian cuối nhà đàn bà góa tên là bà Tín. Xác ông thánh Mỹ còn để lại đó độ sáu bảy năm, rồi có anh em nhà quê nhớ lời người đã dặn khi trước, thì lên lấy xác người mà đem về. Bổn đạo áy náy buồn bã, song cũng phải vâng lời cụ truyền và họ giao xác ông thánh Mỹ cho anh em người. Bây giờ Đức Thánh Phapha Leong XIII đã phong chức phúc lộc cho người mà ban phép cho ta được kính thờ người là bậc thánh nữa. Ngày 19 tháng 6 năm 1988 Đức Thánh cha Gioan Phaolô II tôn phong người lên bậc Hiển Thánh. Hội thánh dành ngày 18 tháng 12 hằng năm để kính ngài. Ngày nay, tại Giáo xứ Kẻ Non, Tổng Giáo Phận Hà Nội đã lập Đền kính Thánh Phaolô Nguyễn Văn Mỹ, có Hội ông thánh Mỹ, các hội viên sống noi gương vị anh hùng trung tín của Quê hương. Kinh Ông Thánh Mỹ: Lạy ơn Đức Chúa Trời lòng lành vô cùng đã đoái thương nước Việt Nam ban cho anh em chúng con được phúc Tử Đạo, xin Chúa vì công nghiệp ông thánh Phaolô Mỹ, nghe lời chúng con cầu xin cho được mọi sự lành và ban ơn cho chúng con được bắt chước ông thánh Phaolô Mỹ làm sáng danh Chúa ở đời này, cho ngày sau được lên Thiên Đàng hưởng phúc đời đời Amen [1] Nay là giáo xứ Nỗ Lực , Thụy Vân, Tp. Việt Trì, Phú Thọ thuộc giáo phận Hưng Hóa.
[2] Năm 1838
[3] Minh Mệnh năm thứ 19, ngày 2 tháng 11 năm âm lịch (1838).
tonggiaophanhanoi.org