"Xin cha thương nhận con làm môn đệ,
để con cùng được chết vì đạo như cha cho tròn đức tin".
Thánh Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu chào đời năm 1790, tại làng Kẻ Diền (nay thuộc xứ Duyên Lãng, tỉnh Thái Bình). Song thân dâng chú Mậu vào đời sống thánh hiến. Cậu lên chức thầy giảng và gia nhập dòng Ba Đa Minh. Thầy Mậu hiền lành, tận tụy, lãnh hội kiến thức giáo lý vững chắc, được ủy nhiệm theo giúp cha Nguyễn Văn Tự tại làng Đức Trai, xứ đạo Kẻ Mốt.Khi hay tin cha Tự bị bắt, thầy Mậu vội vã đi dò la tin tức. Để an toàn, thầy được giáo hữu gửi trọ tại nhà một lương dân làng Nhất Trai. Thế nhưng, chính chủ nhà lại đi khai báo với quan để nhận tiền thưởng. Thế là thầy bị bắt giam vào ngục cùng với cha Tự.
Tại công đường Bắc Ninh, quan bố chánh tra hỏi, thầy Mậu trả lời: “Bẩm quan, tôi là thầy giảng, môn đệ thân tín của linh mục Tự”. Vì muốn cứu thầy, cha Tự làm hiệu khuyên thầy đừng khai rõ lý lịch, nhưng thầy Mận vẫn cương quyết thưa: “Xin cha thương nhận con làm môn đệ để con cùng được chết vì đạo như cha cho tròn đức tin”. Thấy thầy can đảm vững vàng, cha Tự vui mừng cảm tạ Chúa.
Tại công đường, quan án bảo thầy Mậu rằng: “Anh là người khôi ngô tuấn tú, lại ít tuổi, có muốn làm quan, ta sẽ tâu vua; hay muốn về nhà làm thuốc ta sẽ liệu, nhưng phải bước qua ảnh này”. Thầy Mận thưa lại: “Cám ơn quan lớn, tôi không dám bước qua mặt Chúa tôi”.
Trong chốn tù ngục, bị tra hỏi về nơi ẩn trốn của các linh mục, thầy Mậu luôn nhanh nhẹn trả lời thay cho các ông: Bùi Văn Úy, Nguyễn Văn Mới, Nguyễn Văn Vinh và Nguyễn Văn Đệ. Thầy Mậu và bốn giáo hữu đã mặc áo dòng Ba Đa Minh nên các ông đều trung thành sống luật dòng. Trong thư viết cho cha Huấn và cha Thuận, thầy Mậu tường trình: “Con và bốn anh em thường ăn chay kiêng thịt như luật dòng dạy vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy, nhưng có khi cũng không giữ được. Xin hai cha thương tha lỗi cho chúng con. Chúng con ao ước xin hai cha ban phép cho chúng con khấn dòng. Chúng con xin hứa giữ luật dòng thánh Đa Minh”. Ngày 19-8-1838, quan truyền lệnh bước qua Thánh Giá, thầy Mậu khẳng khái từ chối nên bị đánh 60 roi, đau đớn đến ngất đi. Binh lính phải khiêng thầy vào ngục.
Ngày 19-12-1839, thầy Mậu chịu xử giảo tại pháp trường Cổ Mễ, dười thời vua Minh Mạng. Thi hài của thầy được giáo hữu rước về an táng tại nhà thờ họ Hương La, xứ Tử Nê, Giáo phận Bắc Ninh. Hiện nay, hài cốt của thầy vẫn còn được lưu giữ một phần tại Tòa Giám mục Bắc Ninh.
Thầy giảng Phanxicô Xaviê Hà Trọng Mậu được nâng lên hàng chân phước ngày 27-5-1900 và được tôn phong hiển thánh ngày 19-6-1988.
II. Cầu nguyện
Tinh thần truyền giáo
Thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê được chọn làm vị bổn mạng của các xứ truyền giáo, bởi ngài đã đi khắp vùng Viễn Đông và ngài đã không mệt mỏi để truyền giáo. Thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su cũng được chọn làm bổn mạng các xứ truyền giáo, bởi tâm hồn ngài luôn hướng về các nơi truyền giáo và cầu nguyện cho những ai làm công tác truyền giáo. Hai vị thánh để lại hai mẫu gương truyền giáo khác nhau. Hôm nay chúng ta chiêm ngắm và cầu nguyện với thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê Hà Trọng Mậu một mẫu gương truyền giáo trong chốn lao tù.
Phan-xi-cô Xa-vi-ê Hà Trọng Mậu sinh năm 1790, tại Kẻ Riền, tỉnh Thái Bình. Vốn xuất thân trong một gia đình đạo đức, cậu được cha mẹ cho đi tu từ nhỏ. Sau khi nhận tu phục, thầy được sai đến giáo xứ Kẻ Mốt. Thầy Mậu hiền lành, nhiệt tâm, tận tụy nên được nhiều giáo dân phụ giúp cho việc truyền giáo.
Trong thời kỳ bách hại đạo gay gắt, các nhà truyền giáo là đích nhắm của quan quân. Thầy Mậu cũng bị quan quân bắt như bao nhà truyền giáo khác. Họ đánh đập và buộc thầy phải bước qua Thánh Giá mà chối đạo. Tưởng chừng như thầy sẽ lùi bước. Vậy mà, nơi tù đày ấy, thầy cùng các bạn vẫn luôn tín thác vào Chúa, cùng đọc kinh chung, ăn chay cầu nguyện… để vượt qua hết những lời dụ dỗ ngon ngọt, rồi đến đòn roi tra tấn khủng khiếp, quyết giữ vững đức tin. Không dừng lại ở đó, thầy Mậu còn dạy giáo lý và giúp cho nhiều tù nhân tin theo Chúa Ki-tô. Trong một lá thư viết cho cha Huấn, thầy kể: “Những người được rửa tội trong ngục lên tới 14 rồi! Sáu người đã thuộc các kinh đọc hằng ngày, còn tám người kia thì thuộc ít, nhưng vẫn vui vẻ học đạo. Ngày 13/01/1839 vua truyền xử tử mấy tên tù, trong số đó có ba người con đã rửa tội trước và hai người nữa con mới rửa tội trước khi ra pháp trường. Khi bị đem đi xử, những người này cứ đọc kinh to tiếng và phó linh hồn cho Chúa Giê-su…”
Sau nhiều lần các quan cho gọi thầy Mậu và các bạn ra hầu tòa để thẩm xét, nhưng lần nào thầy cũng cương quyết giữ vững đức tin. Lần cuối cùng trước khi phải ra pháp trường xử tử, các quan dụ dỗ: không cần bước qua ảnh tượng, chỉ cần bước đi chung quanh ảnh tượng thì cũng được thả cho về. Thầy Mậu cương quyết không thực hiện bất cứ hành động trá hình nào tỏ ra chối bỏ Chúa. Ngày 19/12/1839, thầy Phan-xi-cô Hà Trọng Mậu vui mừng tiến ra pháp trường lãnh phúc tử đạo.
Tinh thần của thánh Phan-xi-cô Hà Trọng Mậu khiến cho bạn và tôi phải tự hỏi mình: Trong bước đường truyền giáo, có bao giờ ta nghĩ đến việc truyền giáo nơi các nhà tù và nơi những môi trường đầy tràn những khó khăn không?
Thực tế nơi nhà tù có cả người mang án oan lẫn người bị kết đúng tội, nhưng có một điểm chung giữa họ là: Họ đều tin vào Đấng Tối Cao sẽ thương nhìn đến họ. Niềm tin còn thì sẽ có ngày “sự thật sẽ giải phóng họ”. Hoặc ít ra, với những người đã trót phạm tội, họ được thức tỉnh, hoán cải và đổi thay cuộc đời.
Vào tù, không đồng nghĩa với việc kết thúc hết mọi hy vọng, bởi “Vị thánh nào cũng có một quá khứ, tội nhân nào cũng có một tương lai”. Ước gì các tù nhân không đánh mất niềm tin và hy vọng vào cuộc sống. Vào tù, con người bị tước đi quyền công dân, nhưng quyền làm con Chúa thì muôn đời không ai tước đi được. Những ai đã tin Chúa Ki-tô hãy giữ vững đức tin cho mình và giới thiệu cho người chưa tin. Việc truyền giáo cho các tù nhân sẽ rất hữu hiệu khi có sự đóng góp của chính các tù nhân có đạo, như trường hợp của Đức Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.
Lạy Chúa, chúng con là những con người tội lỗi. Chúng con cần được Chúa xót thương. Nhưng lạy Chúa, nơi chúng con lại thiếu lòng thương xót đối với anh chị em đồng loại, nhất là với những ai đang trong chốn lao tù. Chúng con còn gièm pha, kỳ thị, xa lánh những người từng là “tù nhân”. Xin cho mỗi ngày sống của chúng con là những hy sinh, bác ái. Xin cho chúng con biết vui vẻ đón nhận những anh chị em trong cảnh lao tù. Xin cho chúng con hăng say dấn thân cho công cuộc truyền rao Lời Chúa, để danh Chúa được truyền đến nơi các nhà tù - nơi mà thường bị mọi người bỏ qua. Amen