Thánh Tôma Nguyễn Văn Đệ sinh năm 1811 tại làng Bồ Trang thuộc tỉnh Thái Bình.
Sau vì vấn đề sinh kế, cha mẹ anh Đệ phải di chuyển tới làng Kẻ Mốt xã Đức Trai thuộc tỉnh Bắc Ninh để làm ăn sinh sống. Cha mẹ mua được miếng đất làm nhà ngay bên cạnh nhà thờ. Lớn lên anh Đệ học may và trở thành thợ may nổi tiếng trong vùng. Anh vui vẻ, ăn nói thật thà nên được mọi người thương mến. Khi làm nghề may đã khá thì Anh lập gia đình với một người thiếu nữ của Kẻ Mốt và sinh được ba người con. Anh sốt sắng giữ đạo và thường khuyên bảo vợ con phải siêng năng đọc kinh cầu nguyện sáng tối. Trong làng ai cũng khen gia đình anh Nguyễn Văn Đệ thật đầm ấm, hạnh phúc. Ngày 28 tháng 6 năm 1838, vì có lời tố cáo là làng Kẻ Mốt có đạo trưởng tên là Nguyễn Văn Tự nên quan ra lệnh cho quân lính kéo về vây làng Kẻ Mốt để bắt Cha Tự. Sau khi vây làng cẩn mật, quan phủ lại ra lệnh bắt mọi người trong làng phải tập trung tại đình làng để kiểm tra. Những người Công giáo phải đứng riêng ra một bên. Quan tra khảo và đe dọa những ngưòi Công giáo, bắt mọi người phải bỏ đạo, nếu không sẽ bị giết hết. Rất nhiều người sợ hãi nên đã bỏ đạo. Riêng anh Tôma Nguyễn Văn Đệ lo sợ vì phải bỏ đạo nên anh không chịu ra đình làng. Anh nhất định trốn trong nhà. Tới khi lính tới lục soát nhà anh thì anh bị phát giác lúc anh đang ấn trốn trong nhà anh. Anh bị bắt và trói rồi giải ra đình làng. Trước khi đi, anh nói với vợ: – “Em nhận lấy các con và về nhà cha mẹ, chịu khó làm ăn mà coi sóc nuôi con, để chúng nó biết thờ phượng Chúa và giữ đạo cho nên. Lúc này anh vào trận thì trông ơn Đức Chúa Trời thương giúp. Anh nhất định theo chân cha Tự cho đến chết. Anh nhất định không bao giờ bỏ Chúa, bỏ đạo. Em thương anh thì hãy cầu nguyện cho anh được theo Chúa đến cùng”. Khuyên vợ xong, quân lính đẩy anh đi ra đình làng nộp cho quan phủ. Lúc bị bắt, anh Tôma Nguyễn Văn Đệ 28 tuổi. Tại đình làng, quan hỏi anh: – “Nếu nhà ngươi bỏ đạo, bước qua Thập Giá thì Ta cho về làm ăn nuôi vợ con. Ta biết ngươi còn trẻ, làm nghề thợ may giỏi, được nhiều người mộ mến, nên Ta muốn tha ngươi”. Anh Tôma Nguyễn Văn Đệ dõng dạc thưa lại: – “Nếu quan lớn tha cho tôi được về làm ăn nuôi vợ con thì tôi cám ơn quan lớn muôn phần. Nhưng quan lớn bắt tôi bỏ đạo thì dứt khoát là không bao giờ tôi bỏ. Dù có phải chết thì tôi xin vui lòng chịu chết. Xin quan lớn đừng khuyên tôi làm điều xúc phạm đến Chúa tôi thờ”. Những người khác vì sợ hãi nên đã bỏ đạo hết, chỉ còn Cha Tư, anh Đệ và bốn người khác không chịu bỏ đạo nên bị tra khảo, đánh đập, bị xiềng xích tay chân, đeo gông nặng rồi giải về giam tại phủ. Sáng ngày 1 tháng 7, quan phủ cho gọi từng người ra trình diện. Quan phủ nói: – “Đây là giờ phút sau cùng ta khuyên các anh. Nếu các anh nghe ta mà bước qua Thập Giá thì ta tha, bằng không thì ta cho lệnh giải các anh về tỉnh nộp cho quan đốc tỉnh Bắc Ninh”. Cha Tự cũng như những anh em khác là anh Đệ, ông Mậu, Úy, Mới và anh Vinh đều cương quyết nhất định không bỏ đạo. Quan phủ bực bội cho lệnh giải tất cả về nộp cho quan đốc tỉnh Bắc Ninh. Tại nhà tù tỉnh Bắc Ninh, nhiều lần anh bị tra tấn, đánh đập và bao cực hình đau đớn thân xác nhưng anh Tôma Nguyễn Văn Đệ luôn tỏ ra đầy nghị lực chịu đựng, đức tin trung kiên với Chúa không hề nao núng. Quan đốc lại bắt người vợ trẻ tuổi ôm con tới khóc lóc khuyên dụ chồng, thương vợ thương con, đôi lúc cũng làm cho anh phân vân khó xử. Nhưng ơn Chúa vẫn tăng sức mạnh cho anh để anh luôn cam đảm khuyên nhủ vợ con vâng theo ý Chúa và hãy mạnh dạn chấp nhận để anh chết vì Chúa, vì đạo thánh Đức Chúa Trời. Anh nhẹ nhàng nói với người vợ hiền: – “Em hãy can đảm và tin cậy sự quan phòng của Chúa. Anh dâng phó em và các con cho Chúa rồi. Chúa sẽ giúp đỡ em. Em hãy vui vẻ về làm ăn nuôi con cho anh. Anh chỉ ước mong được chết vì Chúa, vì đạo thôi”. Thật là cảm động và thật là những cử chỉ và lời nói anh hùng quả cảm! Chị vợ nghe những lời nhắn nhủ yêu thương này, không nói thêm được điều gì. Chị nắm chặt lấy tay anh và nói lời từ biệt: – “Em hiểu và vâng lời anh. Em sẽ làm như lời anh căn dặn. Anh hãy can cảm lên. Xin Chúa ở cùng anh và phù trợ anh. Khi về với Chúa, anh nhớ cầu nguyện cho mẹ con em”. Nói xong, hai dòng nước mắt tuôn trào trên gò má. Chị từ từ bước ra khỏi nhà giam, Anh cũng xúc động nhìn người vợ hiền ôm con chậm chạp bước ra ngoài cổng nhà tù. Có lần anh Nguyễn Văn Đệ bị gọi ra hầu toà. Quan đốc hỏi: – Này anh Đệ, anh nói Chúa. Vậy Chúa là ai? Anh Đệ tuyên xưng một cách mạnh mẽ: – Chúa là cội rễ mọi sự, là Chúa thật dựng nên trời đất và muôn vật. – Chúa mày là mảnh gỗ ư? Vừa nói quan vừa đưa cậy Thập Giá cho anh xem. Anh nói lại: – “Nào quan lớn có biết đâu là Chúa thật. Xin quan lớn cho tôi được hỏi một lời. Quan lớn có biết nguồn gốc Đức Phật không? Nếu quan lớn chém đầu tôi thì tôi sẽ về cùng Chúa tôi trên trời, hưởng phúc vui vẻ muôn đời”. Nghe anh nói, quan đốc tỉnh nổi giận, truyền lấy roi và vồ nọc đánh đập hành hạ anh. Nhưng khi lính đã lấy roi và vồ sẵn sàng thì quan đốc nghĩ lại và nói: – Thôi không đánh nữa, chỉ làm bẩn roi. Quan truyền làm án để xin triều đình cho phép xử cho xong. Tuy làm án xin xử, nhưng quan đốc vẫn thương tiếc vì trong số những người cùng bị tù tội với anh thì anh là người đối đáp giỏi nhất. Khi đối đáp chữ Nho thì anh cũng đối lại bằng chữ Nho một cách văn vẻ, cho nên quan đốc có cảm tình, khen anh là giỏi chữ nghĩa. Sau nhiều lần quan đã cố gắng khuyên dụ các ông mà các ông vẫn một mực cương quyết trung thành với đạo Chúa. Do đó, ngày 24 tháng 11 năm 1839 anh và các bạn bị nghị án xử giảo. Lần cuối cùng, quan đốc gọi anh Nguyễn Văn Đệ và các bạn ra toà, quan chỉ ra lệnh anh và các bạn chỉ đi chung quanh Thập Giá tỏ ý bỏ đạo thì quan sẽ tha. Nhưng tất cả các Ngài đều không chấp thuận điều kiện này. Ngày 19 tháng 12 năm 1839, chiếu chỉ vua gửi về truyền xử giảo anh Tôma Nguyễn Văn Đệ và bốn người bạn cùng tù. Như án lệnh, các quan cùng binh lính điệu anh Tôma Nguyễn Văn Đệ và bốn người bạn tới pháp trường ở ngoại thành Cổ Mễ. Tới nơi xử, Anh Tôma Nguyễn Văn Đệ cùng bốn người bạn quì đọc kinh rồi phải nằm úp mặt xuống đất. Đội lý hình cột chân tay vào các cọc đoạn cuốn giây thừng vào cổ. Mỗi đầu giây hai lý hình cầm sẵn, đợi hiệu lệnh bằng những hồi chiêng trống nổi lên, quan giám sát giơ tay ra lệnh thì các lý hình cầm các đầu giây kéo hết sức mạnh. Máu từ miệng, từ mũi và tai chảy vọt ra, tử tội tắt thở. Lý hình đốt đầu ngón chân các Ngài để biết chắc là đã chết. Để làm vừa lòng các quan, lý hình còn đánh đập trên thân xác các Ngài. Sau đó quan quân kéo nhau về. Thân nhân và các tín hữu chạy ùa tới để nhận xác và các di tích của các Ngài. Một thanh niên làng Kẻ Mốt vội chạy tới vác xác thánh Tôma Nguyễn Văn Đệ đưa về Kẻ Mốt làm lễ an táng. Sau này chính người thanh niên can đảm này đã kể lại khi anh vác xác thánh Đệ như sau: “Tôi vác xác thánh Tôma Nguyễn Văn Đệ vào lúc nửa đêm. Bất chợt xác Ngài toả ra ánh sáng, chỉ đường cho tôi phải đi về đâu. Khi tới bờ sông, tôi rất lo lắng vì tôi biết chắc chắn không có đò vào giờ này thì làm sao tôi qua được bờ bên kia? Nhưng trái với ý nghĩ của tôi, lúc đó nước rút xuống rất thấp đến nỗi tôi có thể lội qua bờ bên kia rất dễ dàng. Hơn nữa khi tôi đến làng Kẻ Mốt, tôi thấy cổng làng đã mở, dù cổng làng luôn đóng chặt vào lúc ban đêm. Tôi vác xác thánh Đệ vào nhà thờ và đặt Ngài trên bàn thờ. Tôi thấy có ánh sáng lạ lùng phát ra từ thân thể của Ngài”. Thánh Tôma Nguyễn Văn Đệ được an táng tại họ Phong Cốc thuộc địa phận Bắc Ninh, tới ngày 11 tháng 3 năm 1877, giáo dân họ Phương Lê lại xin cải táng, rước về đặt tại nhà thờ họ Phương Lê Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988. Lm. Nguyễn Đức Việt Châu SSS
tonggiaophanhanoi.org