Thánh Giuse Phạm Trọng Tả sinh năm 1800 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, nay thuộc giáo phận Bùi Chu. Ngài là con ông Đa Minh Phạm Thăng, anh em thúc bá với thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm.
Ngài làm Chánh Tổng trước thánh Luca Phạm Trọng Thìn, Ngài cũng lập gia đình nhưng người vợ đã chết sớm. Lý do Ngài bị bắt đã kể trong chuyện thánh Luca Phạm Trọng Thìn. Hai Ngài được Đức Cha Sampedro ủy thác việc dàn xếp với quan Tổng đốc Nguyễn Đình Tân xin nhẹ tay đối với người Công giáo và hứa sẽ trung thành với vua. Câu chuyện điều đình gần đi tới kết quả tốt đẹp thì chuyện không may xẩy đến tại làng Cao Xá làm quan Tổng đốc bực mình và sinh lòng nghi ngờ thiện chí của các Ngài, kết án các Ngài là nội gián, lừa bịp quan Tổng đốc, âm mưu làm loạn. Quan Tổng đốc ra lệnh bắt các Ngài luôn. Khi bị bắt thánh Giuse Phạm Trọng Tả đã 60 tuổi. Ngài là cựu Chánh Tổng, sống đời sống rất an bình chừng mực, đạo đức. Ngài đã vào Hội dòng Ba Đa Minh và làm chủ Hội. Ngài sốt sắng làm các việc đạo đức, yêu thương và hay giúp đỡ mọi người và tìm mọi cách giúp.những người đồng đạo thực hành đức tin trong hoàn cảnh khó khăn của thời cấm cách.
Đặc điểm nổi bật trong đời Ngài là lòng thương người. Ngài hay bố thí và phân phát thóc lúa cho những người nghèo khó. Cho những người nghèo khó vay mượn Ngài chỉ lấy lại một phần, những người nghèo túng quá thì Ngài cho luôn. Ngài rất để ý tới những người làm công thuê mướn cho Ngài. Chính vì lòng yêu thương này mà ai ai trong làng xóm đều quý mến và kính trọng Ngài như người cha của mình.
Thế rồi khi bị bắt, quan quân cố tình ép buộc Ngài bước qua Thập Giá, đạp lên ảnh tượng, Ngài đã mạnh bạo xưng đạo, cương quyết một lòng tin theo Chúa, yêu mến Chúa, dầu có phải chết hay chịu trăm ngàn sự khó thì Ngài cũng can đảm chịu hết chứ nhất định không chối Chúa, không phạm tội bước qua ảnh tượng Chúa. Lúc Ngài bị bắt, nhiều người, kể cả những người lương dân đều khóc thương Ngài. Ông Đoàn Vĩnh người làng bên cạnh không Công giáo than phiền rằng:
– Thời thế khó khăn quá! Cụ Chánh Phạm Trọng Tả là người tốt lành, yêu thương dân làng, không phân biệt lương giáo, làm gì nên tội mà bắt cụ như thế.
– Thật tội nghiệp cụ tổng! Tôi thương cụ quá! Tôi chẳng biết làm gì để giúp cụ trong lúc này. Anh Cai Bình nói thế.
Nhiều người trong làng biết cụ bị bắt đem lên tỉnh giam thì tìm cách lên thăm và an ủi cụ, bày tỏ lòng kính phục cụ.
Trong những ngày tháng bị giam cầm trong tù ngục tại Nam Định, đã nhiều lần Ngài phải đối chất với các quan. Bị các quan dụ dỗ bị đe dọa đủ cách nhưng Ngài vẫn một mực cương quyết không chối Chúa. Trong nhà giam, nhiều lần Ngài bị đánh đập cực kỳ tàn nhẫn, bị kìm kẹp đau đớn nhưng không sao thuyết phục được Ngài bước qua Thập Giá, một dấu chỉ chối Chúa.
Có lần người ta khuyên Ngài giả vờ bước lên tượng Chúa để được tha thì Ngài nói:
– Đó là tội đáng ghê tởm! Giả vờ bước lên Thánh Giá cũng là một tội ghê gớm. Dầu có phải chết thì tôi cũng không thể làm như thế được. Làm như thế là xúc phạm đến Chúa vô cùng.
Một hôm quan Tổng đốc và quan Chánh Án lệnh đưa Ngài ra công đường để khuyên dụ. Quan Chánh Án nói:
– Ông đã làm đến chức Chánh Tổng trong dân. Ông đã được hưởng bao ơn lộc của vua. Tại sao bây giờ ông lại chống lại vua như thế? Ông hãy vâng lệnh vua bước qua Thập Giá này.
Ngài mạnh bạo trả lời:
– Tôi luôn trung thành với vua, không bao giờ chống lại vua. Sao quan lớn lại nói như thế?.
– Trung thành với vua, sao không vâng lệnh vua bỏ đạo
– Không bỏ đạo, không có nghĩa là chống lại vua, là không trung thành với vua.
– Tại sao không bỏ đạo là không chống lại vua?
– Tôi luôn trung thành với vua. Nhưng theo đạo Gia-Tô là tôn thờ Thiên Chúa. Thiên Chúa trọng hơn vua. Phải tôn thờ Thiên Chúa hơn vâng lệnh vua mà bỏ Chúa..
Quan Tổng đốc nói tiếp:
– Ông làm việc đã lâu. Tôi biết ông là người tốt, ngay thẳng, liêm khiết, nhất là có lòng thương người. Tôi biết rất rõ về ông. Tôi không muốn làm án hại ông. Bây giờ ông dẹp bỏ tự ái, dẹp bỏ lòng tin nhẹ dạ của ông, vâng lệnh vua, bước qua Thập Giá, chúng tôi sẽ tha cho ông về và còn trọng thưởng cho ông nữa để dân chúng trong tổng của ông vui mừng. Tôi biết họ rất quí mến ông.
Ngài từ tốn đáp lại:
– Bẩm các quan, tôi hết lòng cảm tạ về những lời lẽ quan lớn vừa nói với tôi. Tôi biết và hiểu như thế. Nhưng tôi không tự ái, không nhẹ dạ như quan nói. Tôi xác tín theo đạo. Bây giờ dù phải mất hết mọi sự ở trần gian này thì tôi cũng xin vui lòng chấp nhận kể cả sự chết; còn việc bước qua Thập Giá theo lệnh của vua, thì nhất định tôi không thể chiều theo ý vua và các quan lớn được. Nếu phải chết, tôi cũng vui lòng chịu chết vì đạo.
– Chúng tôi thương giúp ông mà ông không nghe thì chúng tôi phải theo lệnh vua, ông không thể trách chúng tôi.
– Bẩm các quan lớn, tôi không dám trách các quan lớn. Tôi sẽ cầu nguyện cho các quan lớn mà thôi.
Các quan thấy Ngài cương quyết không bước qua Thập Giá và sẵn lòng chấp nhận chết vì đạo, thì thất vọng, buồn rầu đứng lên, không nói gì thêm, cho lệnh đưa Ngài về ngục.
Sau những tháng ngày dài, các quan không thuyết phục được Ngài nên đã làm án tử hình cùng với thánh Khảm, thánh Thìn và 7 anh hùng đức tin của Chúa gửi về kinh và được vua chấp thuận một cách mau lẹ..
Nhận được án lệnh từ kinh đô gửi về, các quan cấp tốc thi hành. Sáng hôm ấy, trên đường tiến ra pháp trường Bảy Mẫu Nam Định, Ngài bình tĩnh, nét mặt tươi vui, miệng đọc kinh lớn tiếng. Tới nơi Ngài cùng với các vị khác quì gối đọc kinh Tin Cậy Mến, kinh Ăn Năn Tội rồi để cho các lý hình trói chân tay đặt nằm trên chiếu trải trên mặt đất. Lý hình tròng giây qua cổ rồi bốn lý hình cầm hai đầu giây kéo thật mạnh cho tới khi Ngài tắt thở thì đốt tay chân của Ngài. Thân nhân và tín hữu xô tới xin xác Ngài. Ông Đa Minh Nhượng là người đã giúp đỡ Ngài trong suốt thời gian bị tù đã vinh dự được chứng kiến cuộc xưng đạo anh dũng của Ngài, ông xin nhận xác và đưa về an táng tại giáo xứ Quần Cống, quê hương của Ngài. Ngày 3 tháng 1 năm 1866 cha Trường đã cải táng và rước Ngài về đặt tại nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi của xứ Quần Cống.
Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 29 tháng 4 năm 1851 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn vinh Ngài lên hàng Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Chúng ta cảm tạ Chúa thay cho Ngài và xin Ngài bầu cử cùng Chúa cho chúng ta nữa.