Thánh Luca Phạm Trọng Thìn, theo bản án của triều đình thì viết là Phạm Viết Thìn, sinh năm 1820 tại làng Quần Cống, xã Trà Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, nay thuộc giáo phận Bùi Chu, Ngài là con cụ Án Phạm Trọng Khảm và bà Agnès Phượng.
Nhờ gia đình khá giả nên Ngài được học hành đỗ đạt tốt, mới 30 tuổi đã làm tới chức Chánh Tổng. Ngài kết bạn với cô Maria Tâm là một thiếu nữ đạo hạnh hiền lành, người cùng làng. Hai người sống với nhau rất hạnh phúc. Nhưng vì chức vụ luôn phải đi xa nhà và còn trẻ tuổi nên dễ bị bạn bè lôi cuốn đi vào con đường tội lỗi. Dần dần Ngài đã làm quen thân với một thiếu nữ tên là Trung người làng Trà Lũ, cô này rất duyên dáng, rồi sau đó cưới làm vợ nhỏ. Từ đó việc đạo đức trở nên nguội lạnh, bỏ cả việc xưng tội rước lễ. Người vợ cả là cô Tâm rất đau khổ, âm thầm cầu nguyện xin Chúa thương, sớm giúp ông trở về với Chúa và gia đình. Sau một thời gian thì Ngài bị bệnh rất trầm trọng, tưởng là chết, cha Ngài là cụ Án Khảm hết lời khuyên bảo, nhất là nhờ lời khuyên dạy của cha giải tội, Ngài đã xưng tội và chân thành sám hối rồi làm giấy dứt khoát từ bỏ người vợ nhỏ này. Ngài lại hứa với Chúa và gia đình nếu Chúa cho sống thì Ngài sẽ cố gắng lập công đức để đền tội lỗi và sẽ sống cuộc đời đạo hạnh hơn. Khi khỏi bệnh, Ngài đã thật sự làm lại cuộc đời và sống rất tốt lành thánh thiện, xây dựng một gia đình gương mẫu, một thành viên dòng ba Đa Minh rất sốt sắng.
Triều đại vua Tự Đức năm thứ XI cũng chính là thời kỳ vua Tự Đức ra những sắc chỉ cấm đạo ác nghiệt nhất, vì khi ấy liên quân Pháp và Tây Ban Nha, lăm le tiến vào Đà Nẵng nên vua lại càng lo sợ và càng ra tay tiêu diệt đạo Gia-Tô của tây phương đem tới, vì vua được các quan triều đình đệ trình rằng đạo Gia-Tô là chiêu bài của quân đội liên quân Pháp và Tây Ban Nha. Vua Tự Đức tin chắc như thế nên tìm mọi cách để tiêu diệt đạo và các Thừa Sai ngoại quốc.
Trước tình thế dầu sôi lửa bỏng như thế Đức Cha Sampedro Xuyên liền cậy nhờ hai ông Chánh Tổng Phạm Trọng Thìn và ông Chánh Tổng Phạm Trọng Tả là hai người tín hữu rất đạo đức và có uy tín làm sứ giả hoà bình, tới gặp Tổng Đốc Nam Định lúc ấy là ông Nguyễn Đình Tân, xin ông nhẹ tay cho các tín hữu được an bình giữ đạo. Hai ông hứa với quan Tổng Đốc Nam Định là sẽ kêu gọi toàn dân Công giáo sẽ trung thành với Đức Vua. Cuộc dàn xếp đang trên đường tiến triển tốt đẹp thì không may tại làng Cao Xá có một người tín hữu bất mãn với chính sách nhà nước, đã xúi giục dân chúng nổi loạn chống lại các quan. Được tin cấp báo này, quan Tổng Đốc nổi giận, ra lệnh bắt ông Thìn và ông Tả kết tội hai ông này lừa dối, là nội gián và truyền lệnh tiếp tục truy nã bắt hết các đạo trưởng, các linh mục, các Thừa Sai và tất cả các tín hữu. Quan lại cho lính về vây làng Quần Cống vì có mật báo cho biết là trong làng này chứa chấp nhiều đạo trưởng. Quân lính xông xáo lục bới từng nhà, kết quả là bắt được Đức Cha Sampedro Xuyên và cha Estevey đang trú ngụ tại đó.
Quan Tổng Đốc cho dẫn ông Phạm Trọng Thìn ra toà đã ba bốn lần để khuyên dụ bước qua Thập Giá rồi sẽ tha cho về. Nhưng vẫn một mực từ chối, dứt khoát không bao giờ ông bước qua Thập Giá. Dù bị dọa nạt, tra tấn, kìm kẹp thì Ngài vẫn giữ một lòng cương quyết không quá khoá, không bỏ đạo. Khuyên dụ không được, quan bắt Ngài viết những suy nghĩ của mình trên giấy. Ngài đã can đảm viết rành mạch bản tuyên xưng Đức Tin của Ngài như sau:
– Tôi là một Kitô hữu, tôi sẵn sàng chấp nhận mọi cực hình, thậm chí cả cái chết đau đớn nhất, hơn là vi phạm một lỗi dù rất nhỏ trong đạo tôi thờ. Tôi tin kính và thờ phượng Chúa tôi hết lòng. Dù phải chết tôi cũng không bỏ Chúa tôi. Chính tay tôi viết những điều này. Luca Thìn”.
Nhìn thấy thái độ cương quyết của Ngài, quan ra lệnh xích tay chân và tống giam vào ngục. Ban ngày phải mang xiếng xích nặng nề, ban đêm hai chân bị cùm vào xà lim rất đau đớn nhưng Ngài vẫn một niềm hân hoan, vui vẻ, không sợ đánh đòn hay bất cứ hình khổ nào. Những người ngoại đạo thấy Ngài bị xiềng xích, hành hạ khổ sở quá thì khuyên Ngài bước qua Thập Giá để trở về với gia đình, giữ được của cải lại còn quyền chức nữa.
Ngài trả lời:
– Xin các bạn để tôi yên, đừng nói với tôi những điều này. Tôi thà mất hết chức quyền, của cải còn hơn là tôi chối bỏ Chúa tôi.
Ông Đương tuy là người khác đạo nhưng rất quen biết Ngài vì đã có thời kỳ làm việc trong tổng với Ngài nên an ủi Ngài:
– Này ông tổng, ông nghe tôi, cứ bước qua Thập Giá để được tha. Ông được tha lại được phục hồi chức quyền rồi xin ông giúp tôi được giảm án trở về thì tôi biết ơn ông vô cùng. Tôi biết nếu ông xin thì thế nào các quan cũng tha cho tôi. Tôi không phải là người theo đạo Gia-Tô nhưng tôi nghe nói nếu ông chối đạo để được về rồi sau đi xưng tội thì cũng được tha, có phải như thế không?”
Ngài vui vẻ nói lại:
– Này ông, tôi không muốn lừa Thiên Chúa là Chúa tôi thờ. Cố ý chối Chúa rồi đi xưng tội để được tha là một hành động lừa dối Chúa đó ông ạ. Chúa biết hết mọi sự ta nghĩ, ta làm. Tôi không bao giờ làm như thế. Tôi sẽ cầu nguyện cho ông mà thôi. Riêng tôi, tôi thà chịu chết vì Chúa tôi thờ chứ bỏ Ngài, chối Ngài thì nhất quyết không bao giờ có chuyện đó xẩy ra với tôi.
Tới đầu tháng 7 năm ấy, giữa lúc Ngài còn đang bị giam tù, bị đánh đập quá sức thì may mắn Ngài lại được gặp cha mình là cụ Án Khảm cũng đã bị bắt và giải về nhà giam Nam Định. Hai cha con vui mừng vì được gặp nhau và cùng bị đem ra xử. Ngài hân hoan và thêm can đảm vì biết rằng cả hai cha con sẽ được phúc chết vì Chúa. Thế rồi vài ngày sau, Đức Cha Sampedro Xuyên cũng bị bắt và giải về Nam Định. Quan thử lòng cho ông Luca Thìn ra gặp Đức Cha. Vừa thấy Đức Cha bị trói, ông Luca Thìn liền quì gối kính cẩn chào Đức Cha. Thấy thái độ cung kính ấy, quan nổi giận cho đánh đòn rồi lôi vào ngục.Bị giam tù, chịu nhiều hình khổ, đánh đập, nhịn ăn nhịn khát, tra tấn trong suốt hơn bốn tháng trời. Các quan thấy không thể thuyết phục được nên làm án tử hình.
Khi biết tin bị tử hình, ông Luca Phạm Trọng Thìn không biết bị kết án về tội gì nên tới hỏi quan đốc:
– Thưa quan tôi bị kết án vì tội gì?
Quan tổng đốc trả lời:
– Về tội phản nghịch, đưa Thừa Sai ngoại quốc vào nước.
Ngài nói lại:
– Chúng tôi tiếp đón đạo trưởng tây phương và theo đạo Gia-Tô. Nhưng không bao giờ chúng tôi chống lại vua.
Quan tổng đốc nói tiếp:
– Nguyên việc đón tiếp đạo trưởng tây phương và theo đạo Gia-Tô đã đáng chết rồi vì vua đã ra lệnh cấm theo đạo này và ngươi đã không bước qua Thập Giá.
Biết được lý do chính đáng chết vì đạo, Ngài vui mừng cảm tạ Chúa và dọn mình sốt sắng để được lãnh nhận ơn phúc trọng đại này.
Theo án lệnh thì ngày 13 tháng 1 năm 1859 thánh Luca Phạm Trọng Thìn phải tử hình, Ngài đã hân hoan cầm trên tay và giơ cao Thánh Giá tiến ra pháp trường Bảy Mẫu Nam Định lãnh triều thiên Tử Đạo, cùng với thánh Đa Minh Phạm Trọng Khảm, thánh Giuse Phạm Trọng Tả, Đa Minh Sơn, Gioan Tăng, Lê Lý và bốn người giáo dân khác nữa. Tất cả cùng nhau miệng đọc kinh lớn tiếng, chân bước đều, lòng hân hoan, nét mặt tươi cười, không ai tỏ vẻ lo sợ trước giờ chết. Tới nơi xử, các Ngài còn đọc kinh Tin Cậy Mến, kinh Ăn Năn Tội rồi lớn tiếng kêu ba lần:
– Giêsu, Maria chúng con phó linh hồn chúng con trong tay Chúa!
Sau đó, đội lý hình đẩy các vị nằm ngửa trên chiếu rồi trói chân tay từng người vào cọc đã chôn sẵn. Mỗi vị bốn lý hình cầm hai đầu giây thừng tròng qua cổ và kéo thật mạnh cho đến khi tắt thở.
Vợ con đứng từ xa xa chứng kiến cái chết anh hùng của chồng, của cha thì kêu rú lên:
– Lạy Chúa, xin đón nhận linh hồn Luca về với Chúa.
Những tiếng khóc nức nở xen lẫn những tiếng kêu la ồn ào trước cảnh xử giảo một anh hùng chứng nhân của Đức Tin.
Sau các Ngài đã tắt thở lý hình còn đốt chân tay và mặt các Ngài. Mọi sự hoàn tất, giáo dân Quần Cống tới xin rước xác các Ngài về chôn tại nhà thờ xứ đạo.
Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 29 tháng 4 năm 1851 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tôn vinh Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988. Chúng ta cảm tạ Chúa thay cho Ngài và xin Ngài bầu cử cùng Chúa cho chúng ta nữa.