Thứ bảy, 23/11/2024

Ngày 22.01: Thánh Phanxicô Gil de Federich (Tế) – Linh Mục (1702-1745)

Cập nhật lúc 21:15 21/01/2021

Cha Phanxicô Gil de Federich Tế sinh ngày 14 tháng 12 năm 1702 tại Toetosa Catalunha, thuộc Tây Ban  Nha trong một gia đình quí tộc. Ông bà thân sinh của cha rất đạo đức và luôn đề cao những giá trị tôn giáo. Chính vì vậy mà ông bà đã đặt nặng lòng đạo đức và tinh thần Công giáo trong việc giáo dục các con cháu trong gia đình.

14314 St. PhanxicoTe

Năm 15 tuổi cậu Phanxicô Féderich tận hiến cho Chúa trong Dòng Đa Minh tại tu viện Barcelona. Ngay từ nhỏ, cậu Féderich đã nhiều lần được mẹ kể cho cậu nghe chuyện của nhiều vị đi truyền giáo tại các xứ sở xa xôi. Nhờ vậy, cậu đã nhiều lần mơ ước sau này sẽ trở thành chiến sĩ đi truyền giáo ở những vùng trời xa xăm như những câu chuyện cậu đã được nghe mẹ kể. Sau khi chịu chức linh mục, năm 22 tuổi, cha xin tình nguyện đi truyền giáo bên Viễn Đông. Nhưng Bề trên đã không chấp nhận ngay, vì thấy cha còn trẻ tuổi nên muốn trì hoãn lại một thời gian để thử thách ý chí và lòng nhiệt thành của cha. Đàng khác bề trên nghĩ rằng cha Féderich khó có thể chấp nhận khổ cực được vì cha là con nhà giầu có, thuộc dòng dõi quí phái, đi tu được cũng đã là điều may mắn lắm rồi. Bây giờ đi truyền giáo còn đòi hỏi hy sinh gấp ngàn lần nữa thì làm sao chịu được! Nhưng nhiều lần cha năn nỉ xin Bề trên để được đi truyền giáo.
Sau một thời gian thử thách, Bề trên thấy ý chí và lòng nhiệt thành lo việc truyền giáo của cha là đáng kính phục nên tới năm 1729 Bề trên đã quyết định sai cha đi cùng với 24 linh mục tu sĩ khác lên đường sang Phi Luật Tân lo việc truyền giáo cho vùng đất rộng lớn này. Con tầu khởi hành từ cảng Bordeaux, đưa các nhà truyền giáo sang Viễn Đông. Con tầu lênh đênh trên biển cả bao tháng ngày, mãi tới đầu tháng 11 năm 1730 tầu mới cập bến Manila bằng an.
Tại Manila, Phi Luật Tân, Cha Gil de Federich học tiếng địa phương dễ dàng, và thích ứng với khí hậu, văn hoá và nếp sống của người dân một cách mau chóng. Do đó, cha được chọn làm thư ký cho cha Bề trên Giám Tỉnh của Dòng Trong chức vụ mới này, cha đã tỏ ra là một cộng tác viên rất đắc lực của cha Bề trên và cha đã chiếm đươc sự quí mến của Bề trên cũng như của mọi thành phần trong cộng đồng Tu Viện. Đến ngày 28 tháng 8 năm 1735, vì nhu cầu của công việc truyền giáo tại Bắc Hà đòi hỏi tăng cường nhân sự nên Bề trên Giám Tỉnh đã sai cha sang Việt Nam tiếp tay với các anh em đã có mặt và đang hoạt động rao giảng Tin Mừng tại vùng đất phì nhiêu Bắc Hà này. Tới nơi, cha nhận tên Việt Nam là Tế và ở Lục Thủy giáo phận Bùi Chu ngày nay để học tiếng Việt chừng năm tháng, sau đó cha bắt đầu đi hoạt động trong các vùng lân cận của huyện Trực Ninh, Giao Thủy. Xuân Trường. Cha hăng say xả mình trên cánh đồng truyền giáo mênh mông mà không biết mệt mỏi. Có lần cha đang bị cảm nặng, nghe tin có bệnh nhận bị liệt giường cần xưng tội. Cha vội vàng chỗi dậy đi ngay. Có người can ngăn cha, sợ cha bị lây bệnh. Cha trả lời: “Hồi xưa Chúa bị treo trên Thánh Giá, gần tắt thở, Chúa còn giải tội cho người trộm lành. Phần tôi chưa đến nỗi chết, tôi phải đi giúp người ta chứ”. Quả thật, Cha Gil de Federich Tế là một linh mục đầy lòng quả cảm, Ngài đã biết rằng tới Bắc Hà trong thời điểm này thật khó khăn và đầy những thách đố đang chờ đợi cha, vì chính thời gian này là thời gian Đạo Chúa đang bị chúa Trịnh bách hại một cách vô cùng tàn bạo.
Bất chấp mọi thử thách, cha đã hăng say lăn xảo vào trách vụ truyền giáo. Cha  tận tụy trong công việc dạy giáo lý, lo Rửa Tội cho rất nhiều tân tòng trong khu vực Nam Định, Bùi Chu v.v. Cha đã gặt hái được rất nhiều thành quả cho Chúa, đã đưa được nhiều người trở về tin theo Đạo Chúa. Nhưng rồi những sự khốn khó lại xẩy tới. Vì thấy nhiều người bỏ chùa chiền đi theo cha Gil de Federich Tế nên một nhà Sư tên Thịnh sinh lòng ghen tị và ác cảm với cha, do đó nhà Sư này đã đi tố cáo cha với nhà chức trách. Chính vì thế mà ngày 3 tháng 8 năm 1737 cha đã bị bắt ngay tại nhà thờ xứ Lục Thủy. Biết được âm mưu của nhà Sư và cuộc truy lùng của quân lính, giáo dân đã tìm đủ mọi cách để cứu thoát cha, nhưng công việc không thành, vì vậy cha đã bị bắt và áp giải về Thăng Long. Vế tới Thăng Long, cha được đưa tới công đường để tra vấn, xét hỏi, rồi bị tống giam trong ngục tù, bị đày đọa một cách rất tàn nhẫn.
Một hôm các quan ra lệnh dẫn cha Féderich Tế ra công đường, các quan hỏi cha về danh sách những người Công giáo mà cha đã lui tới, giảng dạy. Cha nhất định không khai. Các quan bực mình, đem ra một tang vật đã tịch thu được là một chiếc hộp trong đó có tượng ảnh, cây Thánh Giá và tượng Đức Mẹ bằng ngà và ảnh Đức Mẹ Mân Côi. Một quan hỏi cha:
– Những đồ vật này là gì đây? Tang chứng rõ rệt quá rồi. Ông phảI khai báo rõ ràng cho chúng tôi.
Cha bình tĩnh, lần lượt giải thích, vì có dịp được nói về đạo. Cha nói:
– Cây Thánh Giá là hình ảnh Chúa Giêsu con Thiên Chúa đã giáng trần làm người, đã tử nạn để đền thay tội lỗi chúng ta. Còn hai tượng kia là hình ảnh Đức Mẹ chí thánh ngày xưa đã sinh Chúa Giêsu tử nạn.
– Thế sau khi chết rồi ông hy vọng đi về đâu? Quan hỏi.
– Đi lên trời hưởng phúc trường sinh.
Quan lại hỏi tiếp:
– Chết rồi, xác chôn dưới lòng đất, mà ông nói là lên trời làm sao. Ông nói vô lý quá, ai nghe được?
Cha đáp:
– Phải xác nằm nguyên lại trong mồ, nhưng linh hồn là bản tính linh thiêng có hai đường đi: một là lên trời hưởng phúc vĩnh cửu, hai là xuống hoả ngục chịu khổ muôn đời, tùy theo tội phúc của mỗi người khi còn sống.
Quan lại tò mò hỏi tiếp:
– Thế ra cũng lên trời được à?
Cha giải thích tiếp:
– Thật vậy, nếu không như thế thì làm sao tôi có can đảm sẵn sàng chịu mọi đòn vọt, tra tấn, chịu khổ nhục và sẵn sàng chấp nhận chết?.
Các quan cười rồi nói:
– Rõ là chuyện bịa đặt chứ ông biết gì. Chúng tôi không tin điều ông nói.
Cha thản nhiên  đáp:
– Chính Thiên Chúa đã dạy như thế. Thiên Chúa không thể nói dối được.
Quan chánh án lại nói:
– Có bao giờ ông nghe thấy Thiên Chúa nói không?
Cha nói với giọng quả quyết:”
– Mặc dầu tôi chưa đích thân nghe thấy. Nhưng tôi vẫn xác tín là Thiên Chúa đã dạy như vậy.
Cuộc đối thoại chấm dứt. Quan tòa ra lệnh đưa ra một cái búa, cha chưa hiểu búa dùng để làm gì thì quan nói với cha:
– Ông hãy cầm búa đập tan những ảnh tượng này đi
Cha không trả lời. Cha cầm chiếc búa ném ra ngoài. Lính vội vàng chạy ra cầm búa vào đưa cho nhà Sư để đập tượng. Cha Féderich Tế vội lấy hai tay che đầu tượng và thẳng thắn nói:
– Muốn đánh thì  đánh trên hai bàn tay này hay bất cứ nơi nào trên thân xác tôi. Nhưng xin đừng xúc phạm đến Chúa tôi tôn thờ.
Chứng kiến cảnh xô xát này, các quan cười rũ rượi rồi tuyên bố giải tán, cho lệnh đưa cha về lại nhà giam.
Trong năm 1738 có tất cả 5 lần phải ra công đường đối chất như vậy. Nhưng không lần nào các quan thuyết phục được cha.
Sau nhiều lần bị đánh đập, tra hỏi các quan hội họp quyết định kết án tử hình về tội đã rao giảng Đạo Gia-Tô. Bản án đã công bố nhưng vì trong thời gian này có nhiều biến cố dồn dập xẩy tới, vì vậy mà bản án bị quên dần và cha cũng được đối xử tử tế hơn đôi chút,
Vì bản án bị đình hoãn nên ngày 30 tháng 5 năm 1744 cha Phanxicô Gil De Federich Tế đã có cơ hội được gặp lại cha Matthêu Leziniana Anphongsô Đậu tại nhà tù Thăng Long. Hai người bạn đồng hương lại cùng Dòng Đa Minh được gặp nhau  trong hoàn cảnh tù đày tại một nơi xa xôi với quê hương của mình, chắc chắn phải là một dịp vô cùng quý báu, vô cùng sung sướng, vô cùng vui mừng và xúc động. Thế rồi tới ngày 20 tháng 1 năm 1745 sau khi đã dâng thánh lễ, Cha Phanxicô Gil de Faderich Tế bị điệu đi xử tử và Cha  Matthêu Anphongsô Leziniana Đậu được phép tiễn chân bạn ra tận pháp trường để chứng kiến cái chết anh hùng của bạn rồi cùng chết với bạn..
Thật ý Chúa nhiệm mầu như muốn cho hai người môn đệ của Chúa được vinh phúc lãnh triều thiên tử đạo cùng ngày với nhau nên Chúa đã để cho Chúa Trịnh đổi ý, ra lệnh thi hành án lệnh tử hình cha Matthêu Đậu ngay trong ngày hôm đó. Thế là cha Matthêu Anphongsô Đậu bị trảm quyết cùng một nơi chốn với cha Gil de Federich Tề. Cả hai thi hài các Ngài đã được giáo dân đón nhận, rước về an táng tại nhà chung xứ Lục Thủy, giáo phận  Bùi Chu.
Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong hai vị anh hùng tử đạo lên bậc Chân Phước ngày 20 tháng 5 năm 1906. Sau 82 năm, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn vinh các Ngài lên bậc Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lm. Nguyễn Đức Việt Châu SSS
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log