Thánh Tôma Khuông sinh năm 1780 tại Nam Hào Xứ Tiên Chu, tỉnh Hưng Yên. Cha Ngài là con quan Tuần Phủ Hưng Yên cho nên Ngài được ăn học tới nơi tới chốn. Ngài thành đạt nhờ trí tuệ thông minh, Cha Ngài hy vọng sau này sẽ sẽ có người con xứng đáng để nối dõi tông đường, thăng quan tiến chức, nối nghiệp của cha, làm rạng rỡ gia đình dòng tộc.
Nhưng sau khi đỗ đạt, cậu con trai yêu quý đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Chúa, Cậu không muốn làm quan nhưng làm linh mục. Cậu xin phép cha mẹ đi tu và được nhận vào chủng viện học tập theo lý tưởng làm linh mục. Sau khi hoàn tất chương trình triết và thần học, Thầy Tôma Khuông được gọi lãnh chức linh mục như lòng hằng mong ước.
Sau khi lãnh chức linh mục, cha được sai đi giúp các tín hữu trong giáo phận. Cha nổi tiếng là một linh mục khôn ngoan, thánh thiện, rất nhiệt thành, giao tế vui vẻ, uyển chuyển, được lòng mọi người và được mọi người thương mến. Làm việc mục vụ chung với các cha dòng Đa Minh, cha có cảm tình sâu đậm với các cha Dòng nên cha cũng xin vào Dòng Đa Minh và tích cực cổ động nhiều giáo dân vào dòng ba Đa Minh để sống tinh thần cầu nguyện và làm việc truyền giáo sâu rộng hơn.
Nhờ tài khôn ngoan và giao tế khôn khéo sẵn có mà cha đã trở thành bạn thân quen của nhiều quan chức địa phương. Nhờ vậy mà cha vẫn thi hành công việc mục vụ một cách điều hoà. Nhiều lần cha đã bị bắt nhưng vì những liên hệ nói trên với các quan chức địa phương nên cha được tha. Đến năm 1858 vì những áp lực của quân đội Pháp đối với triều đình đã làm cho vua Tự Đức nổi giận và nghi ngờ người Công giáo là dụng cụ của thực dân Pháp nên đã ra lệnh tiêu diệt đạo Công giáo và gia tăng việc bắt bớ các đạo trưởng cũng như người theo đạo.
Trước tình trạng khó khăn này một số thanh niên làng Cao Xá đã tổ chức võ trang chống lại triều đình. Cha khuyên can nhóm thanh niên này, nhưng không được cho nên cha quyết định trốn sang điạ phận Đông Đàng Ngoài, tức là Hải Phòng ngày nay.
Trên đường lánh nạn, đi đến cầu làng Trần Xá, cha thấy quân lính đã đặt một Thánh Giá trên cầu, cốt ý để cho mọi người đi qua cầu phải bước qua Thánh Giá. Biết vậy, Ngài nhất định không bước qua và cố gắng tránh để không động chạm tới Thánh Giá trên mặt đất. Bọn lính canh gác thấy thế liên xông tới bắt và trói cha cùng với một số người đi theo cha, đem nộp cho quan đế tống giam vào ngục. Bọn lính được thế, đã xông vào đánh đập cha một cách hung bạo, không còn kiêng nể gì.Trước những trận đòn tàn ác và những xỉ nhục phải chịu, người chiến sĩ của Tin Mừng vẫn một lòng kiên trì, cậy trông vào quyền năng của Chúa. Dù bị tra tấn, đánh đập với trăm ngàn cực hình cay đắng đớn đau, Cha Tôma Khuông vẫn kiên cường chịu đựng mọi nhục nhã đớn đau vì Chúa. Cha luôn tỏ ra vui mừng và hãnh diện vì cha đã được chịu những cực hình vì lòng yêu mến Chúa và để cầu nguyện cho những người đã vì lời rao giảng của cha mà tin theo Chúa.
Một hôm cha Tôma Khuông cùng với mấy người viên chức có địa vị trong làng là Công giáo bị áp giải tới đối chất với quan tổng đốc. Quan tìm mọi cách buộc cha và những người này phải khai báo về các vị Thừa Sai và làm chứng nhóm thanh niên ở Cao Xá đã liên hệ với Pháp và Tây Ban Nha đang ở trên những chiếc tầu đậu ngoài biển để nổi loạn chống triều đình. Quan tổng đốc xin cha làm chứng như thế; Cha Tôma Khuông thẳng thắn trả lời:
– Đạo Công giáo không những cấm các tín hữu chống lại chính quyền, mà còn khuyên họ cầu nguyện và góp phần giúp quê hương được an bình thịnh vượng nữa.
Quan lại hỏi:
– Như ông nói đạo Công giáo không chống lại chính quyền vậy tại sao ông lại chống lệnh vua, không chịu quá khoá. Ông nói láo.
Cha đáp lại:
– Đạo Công giáo chúng tôi không chống lại vua quan. Nhưng lệnh vua bắt chúng tôi phải bỏ đạo thì không thể được. Đạo Công giáo dạy thờ kính Thiên Chúa mà Thiên Chúa còn trọng hơn vua quan. Chúng tôi không thể bỏ Thiên Chúa để theo lệnh vua được. Chúng tôi có làm điều gì trái đâu. Đạo có dạy điều gì trái với đạo làm người đâu? Đạo dạy ăn ngay ở lành, làm điều tốt, tránh điều xấu mà.
Quan lại dùng lời lẽ ngọt ngào khuyên dụ cha:
– Thôi, xin ông bước qua Thập Giá và khuyên bảo những người này cùng bước qua Thập Giá để được tha về, sống trong tự do hạnh phúc.
Cha bình tĩnh và khiêm tốn trả lời:
– Tôi nay đã 80 tuổi rồi, lại là linh mục. Tôi luôn luôn khuyên bảo các tín hữu phải trung thành giữ đạo thánh Chúa. Bây giờ tôi lại chối đạo và khuyên người ta chối đạo nữa thì tôi thật đáng ghét, tôi là kẻ bất trung, không còn xứng đáng là linh mục nữa. Tôi và những người bạn đồng đạo với tôi đây chỉ mong ước được chết vì đạo Chúa mà thôi.
Nghe những lời này, quan Tổng đốc lắc đầu thở dài thất vọng rồi cho lệnh đưa Ngài về nhà tù.
Sau một thời gian đầy đọa, hành hạ người chiến sĩ đức tin, làm đủ cách mà không làm sao lay chuyển được lòng can đảm và ý chí vững bền của Ngài, Ngài luôn giữ vững niềm tin nơi Chúa. Các quan đều thất vọng vì không thuyết phục được Ngài nên cuối cùng các quan đã làm án tử hình vì là đạo trưởng của đạo Công Giáo.
Sau khi án lệnh được công bố, ngày 30 tháng 1 năm 1860 toán quân lý hình điệu Ngài đi xử. Trên đường ra pháp trường người ta thấy một cụ già 80 tuổi đầu tóc bạc phơ, tay chống cây gậy, trên đầu cây gậy cha đã buộc một thanh gỗ nằm ngang như cây Thánh giá, cha chậm chạp bước đi từng bước vì tuổi già, sức yếu. Những người theo sau để chứng kiến cái chết oai hùng của cha, có ngưòi thở dài nói:
– Trông ông cụ già, đầu tóc bạc phơ đáng kính quá mà đem ra mà xử tử hình như thế này, thật đắc tội với Trời.
Người khác bàn thêm vào:
– Nhưng đó là lệnh của vua ban xuống mà, các quan cũng đâu có muốn hành hạ cụ già này làm gì.
– Ai chả biết đó là lệnh của vua. Thật tội nghiệp cụ già, đáng tuổi ông cố nội chúng mình.
Hình như một người tín hữu đi theo nói xen vào:
– Ngài thật là đấng thánh tử đạo đấy. Ngài chết để làm chứng đạo Thiên Chúa là đạo thật. Được đổ máu ra vì Chúa là một phúc trọng lắm đấy.
Đoàn người chậm chạp theo sau xa xa, vừa đi vừa bàn tán với nhau về cha. Người nào dù Công giáo hay lương dân cũng đều tỏ lòng thương mến cha. Thấy việc đem xử chém đầu ngài là một hành động mang tội với Trời.
Đi trước đám quần chúng đông đảo là một đội quân cờ quạt, chiêng trống. Quan giám sát cỡi ngựa, đội lính đi hai hàng, một cụ già 80 tuổi đi ở giữa. Tới nơi xử, cha quì xuống đất đọc kinh bằng tiếng la tinh rất sốt sắng. trước khi bị chém, cha thấy tấm bảng gỗ ghi hai chữ “tả đạo”. Cha đề nghị bôi hai chữ đó đi. Nhưng đội lý hình thưa laị:
– Chúng tôi rất muốn chiều theo ý cụ. Nhưng đây là lệnh của vua, chúng tôi không thể làm cách khác được. Xin cụ đưa đầu để chúng tôi chỉ chém một nhát cho đỡ đau đớn
Quan giám sát ra hiệu, chiêng trống ba hồi nổi lên. Tới tiếng chiêng trống thứ ba thì lý hình vung gươm thật cao chém một nhát, đầu vị chứng nhân đức tin rụng xuống đáấ. Nhiều tiếng kêu lớn từ xa vọng lại:
– Giêsu Maria, lạy Chúa! Họ chém đầu cha rụng xuống đất rồi.
Tiếng kêu khác vọng lên:
– Cụ về trời, cụ nhớ cầu cho chúng tôi nhé. Cụ thật là đấng thánh đáng kính phục..
Đoàn người không còn sợ hãi, xông vào thi đua nhau thấm máu vị tử đạo. Vì người ta tin rằng máu các vị tử đạo chữa được mọi thứ bệnh tật, cho nên người lương cũng chen nhau mà thấm máu các Ngài. Một số giáo dân đã tới xin thi thể Ngài để an táng ngay tại nơi Ngài bị xử.
Ngày 29 tháng 4 năm 1951 Đức Giáo Hoàng Piô XII đã long trọng tôn vinh Ngài cùng với 24 vị tử đạo khác tại Việt Nam lên bậc Chân Phước và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988. Chúng ta cảm tạ Chúa thay cho Ngài và xin Ngài bầu cử cùng Chúa cho chúng ta nữa.
Cha Thánh Tôma Khuông
Cha Khuông viết lại lời khai
Khi quan tra khảo về ngài như sau:
Tôi ngoài tám chục tuổi đầu
Cũng là linh mục, giúp nhau trọn lành
Ngay tà tôi biết phân minh
Giáo điều Đạo Thánh trung thành giữ tuân
Dạy người cùng giữ thiết cần
Nếu vì ham sống giáo dân khai trình
Đạp lên nhan Chúa huyền linh
Ắt đời chẳng trọng mà khinh vì hèn
Sao nhìn giáo hữu thân quen
Còn chi xứng với chức trên ủy quyền
Vậy tôi thẳng thắn nói lên
Ngàn lần chịu chết, chẳng phiền trách ai.
Cha xin với ý van nài
Chết vì Đạo Thánh, tôi hài lòng vâng
Bởi vì Con Đấng Toàn Năng
Chết cho nhân thế, tôi hằng ước ao
Chết đền bằng chết thế nào
Yêu bù yêu chẳng lẽ nào từ nan.
(Trương Hoàng)