Việc tôn sùng thánh Giuse, bạn Đức Trinh Nữ Maria và là cha nuôi Đức Giêsu, được phổ biến bên Phương Đông từ thế kỷ thứ V, lan tràn sang Phương Tây vào thời Trung Cổ. Lễ này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 800, trong Hạnh các thánh tử đạo xứ Gaule, vào ngày 19.03, trùng hợp với ngày lễ một thầy phó tế của Antiochia cũng mang tên Josippe. Sau đó, việc tôn kính lan tràn khắp nơi vào thế kỷ thứ XIV, XV và XVI. Vào năm 1870, Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố thánh Giuse là quan thầy Hội thánh (lễ ngày 19.03) và vào thánh 04 năm 1956, Đức Giáo Hoàng Piô XII thiết lập lễ thánh Giuse Thợ (01.05), quan thầy các thợ thuyền. Ngài cũng được tôn kính như thánh quan thầy các thợ mộc và người hấp hối.
Nhiều hình ảnh trình bày thánh Giuse dựa theo Phúc Âm và Ngụy Thư: Phép lạ cây gậy trổ hoa của Giotto, Padoua; Hôn nhân với Đức Trinh Nữ Maria của Raphael, Milan; giấc mơ của thánh Giuse của Georges de La Tour, Nantes; Trốn sang Ai Cập của Duccio, Sienne…
Thánh Giuse (tiếng Hipri: yôsep = xin Thiên Chúa thêm vào), con của Giacóp (Mt 1,16) hay Héli (Lc 3,23), cũng là “Con vua Đa-vít” (Mt 1,20). Tại Nazareth, ngài làm nghề tektôn (Mt 13,55) có nghĩa là: thợ xây nhà, thợ làm gỗ, đá hay kim loại. Ngài đính hôn với Maria vào lúc Thiên thần truyền tin (Mt 1,18; Lc 1,27). Ngài đón nhận Hài Nhi, hôn thê Maria và đóng vai trò quan trọng trong Tin Mừng thời thơ ấu (Mt 1 & Lc 1-2); trong Phúc Âm ngài được gọi là tektôn (thợ mộc), con ngài là Đức Giêsu.
Hình ảnh thánh nhân trong Tin Mừng gợi lên những ơn gọi trong Thánh Kinh. Lời loan báo cho biết về việc Đức Giêsu sinh ra (Mt 1,20-21) nhắc nhớ lại sự loan báo cho Abraham về sự sinh ra của Isaac và việc trốn chạy sang Ai Cập, việc lưu đày của Môisen đến Madian (Xh 4,19-23). Cũng như ông Noe (St 6,9), ngài được gọi là người công chính (Mt 1,19).
2. Thông điệp và tính thời sự
a. Trong niềm vui, chúng ta cử hành lễ thánh Giuse “người đầy tớ trung tín và khôn ngoan, Thiên Chúa đặt lên coi sóc gia đình Người”. Kinh Tiền tụng lấy lại đề tài sứ vụ “người công chính” được ban cho Đức Maria như người hôn phu và như “người tôi tớ trung tín và khôn ngoan”, Thiên Chúa gởi gấm gia đình mình. Phúc Âm thời thơ ấu chứng minh sứ vụ tiền định của thánh Giuse: ngài đem vị hôn thê về nhà mình và đặt tên cho hài nhi mà Đức Maria sinh hạ, là Giêsu (Mt 1,24-25). Ngài đem Đức Maria và trẻ Giêsu trốn sang Ai Cập và trở lại Israel khi Hérode qua đời, luôn luôn thực hiện sứ vụ làm cha.
b. Sự trung tín của thánh Giuse trong việc thực hiện sứ vụ được nhắc đến trong Tin Mừng thánh Matthêu: thánh Giuse thực hành điều Thiên thần truyền tin cho mình (1,24)… ngài chỗi dậy, đem con trẻ và mẹ em sang Ai Cập (2,14); Giuse tỉnh dậy, đem con trẻ và mẹ em, trở về đất Israel (2,21). Nhờ vào sự vâng phục tuyệt đối mà các lời tiên tri đều được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu, như có nói trong các Phúc Âm: Tất cả các việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ” (Mt 1,22; 2,23).
c. Thánh Giuse như một cha chăm sóc Con Một Thiên Chúa. Ngài gìn giữ các mầu nhiệm cứu độ, điều này cũng đầy rẩy những khó khăn. Đức Maria nói với Chúa Giêsu: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con” (Lc 2,48). Và Phúc Âm nhấn mạnh: “Nhưng ông Bà không hiểu lời Người vừa nói” (Lc 2,50). Dù vậy, Đức Giêsu luôn vâng phục cha mẹ mình, nhắc tới một Người Cha khác, Đấng là “nguồn của mọi tình phụ tử” (Ep 3,15): “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao ?” (Lc 2,49).
Cũng như Đức Maria, mẹ Đức Giêsu, trở thành Mẹ Hội thánh, thì thánh Giuse, “người gìn giữ trung thành” của Đức Giêsu, được tôn kính như “Đấng bảo vệ Hội thánh phổ quát”, Nhiệm Thể Chúa Kitô, mà ngài nâng đỡ nhờ lời cầu bầu. Như thánh Bernadin de Sienne kết thúc một bài giảng: “Lạy thánh Giuse, xin nhớ đến chúng con, xin cầu bầu cho chúng con nơi Con Nuôi của ngài; xin làm cho chúng con cũng được phù hộ nơi Đức Trinh Nữ Maria, hôn thê của ngài, cũng là Mẹ Đấng, cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, luôn sống và hiển trị muôn đời.”