Thánh Matthêu Lê Văn Gẫm sinh năm 1813 dưới thời vua Gia Long tại làng Long Đại, đất Gò Công, tỉnh Biên Hoà, nay thuộc quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định.
Ngài là con đầu lòng và có 4 em trai, một em gái. Nhờ lòng đạo đức và đời sống tốt lành của cha mẹ mà ngay từ nhỏ Ngài đã có tập quán tốt, siêng năng đọc kinh, mau mắn giúp đỡ bạn bè lại hay giúp đỡ mẹ những công việc trong gia đình. Khi lên 15 tuổi Ngài xin vào chủng viện Lái Thiêu để tu học làm linh mục. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình, người cha già yếu bị lãng trí, lại đông các em, bà mẹ quá vất vả, nên Ngài phải trở về giúp mẹ lo các việc cho gia đình. Tới tuổi lập gia đình, Ngài đã kết hôn với một thiếu nữ ngoan đạo ở Họ Thành, làng Long Điền, Bà Rịa, nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Nai. Sau khi cưới, Ngài về ở làng quê của vợ. Gia đình sống hạnh phúc trên thuận dưới hoà, được mọi người thương mến. Ngài sinh được bốn người con. Người con trưởng và con út qua đời vì bệnh. Người con thứ hai đứng ra ngăn cản việc đốt nhà thờ Cầu Ngang nên bị đánh chết. Người con thứ ba cũng bị bắt vì đạo và bị chết cháy trong nhà tù cùng với nhiều người khác tại Bà Rịa ngày 7 tháng 1 năm 1862. Trong gia đình Ngài đã có hai người con tử đạo chứng tỏ cho ta thấy về đường lối giáo dục Đức Tin của gia đình Ngài rất vững chắc. Để nuôi sống gia đình, Ngài làm nghề buôn bán nay đây mai đó, thường phải xa nhà. Do đó đã có lần Ngài yếu đuối bị sa ngã, lén lút yêu thương ngang trái với một cô thiếu nữ. Một thời gian bị lương tâm cắn rứt, Ngài nghĩ lại, ăn năn thống hối, cương quyết dứt khoát từ bỏ mối tình ngang trái này. Để đền bù vì tội lỗi cũ, Ngài đã tỏ ra yêu thương vợ nhiều hơn, chăm chú săn sóc yêu thương và tận tình giáo dục con cái hơn, cố gắng chu toàn bổn phận làm chồng, làm cha và nêu gương đời sống đạo đức hơn, nhất là đối với Chúa, Ngài lại càng sốt sắng đọc kinh cầu nguyện, và luôn nhắc nhủ vợ con phải siêng năng đọc kinh cầu nguyện mỗi ngày… Vì Ngài có thuyền riêng và rành nghề biển, lại nhiệt tâm phục vụ việc đạo, nên được cha Lợi, quản lý Nhà Chung Bà Rịa tín nhiệm trao cho công tác đưa thuyền vượt biển sang Singapour gọi là Hạ Châu ở Tân Gia Ba và Pénăng ở Mã Lai đón các nhà Truyền Giáo và đưa rước các chủng sinh đi du học về. Một lần kia, hôm ấy là ngày 23 tháng 5 năm 1846, vâng lời cha quản lý Nhà Chung Bà Rịa, Ngài đưa thuyền sang Singapour đón Đức Cha Đa Minh Lefébre Nghĩa. Khi thuyền nhổ neo rời bến Singapour về Saigòn thì gặp trở ngại. Trên thuyền có Đức Cha Lefebre Nghĩa, cha Duclos Lộ cùng 5 chủng sinh và các đồ đạo. Thuyền đi được một quãng thì bị gió bão và bọn cướp biển rượt theo nên thuyền không thể đi đúng hẹn như đã tính toán và xếp đặt trước; do đó bị lỡ hẹn. Bị lênh đênh trên biển cả mãi tới ngày 6 tháng 6 thuyền mới vào tới cửa Cần Giờ. Theo như sự xếp đặt trước, thì ông trùm Huy họ Chợ Quán phải có mặt để đón Đức Cha. Ông đã chờ đợi ở đó 6 ngày rồi mà không thấy có tin tức gì, ông bèn giả bộ đi lượm củi rồi trở về. Về tới nơi, ông chủ thuyền Lê Văn Gẫm biết đang bị theo dõi sát nút nên đã khôn ngoan cho thuyền chờ thêm hai ngày nữa mới cập bến. Chờ mãi mà không thấy ai ra đón, Ngài quyết định cho thuyền vào bến Saigòn. Thuyền đã đi qua được một đồn canh thì không may lại gặp chiếc thuyền đi tuần tiễu chặn lại, Ngài nhanh trí hối lộ cho bọn lính 10 nén bạc, bọn lính vui vẻ nhận. Nhưng sau đó vì bị lộ nên bọn lính quay lại trả tiền rồi áp tải thuyền của ông Lê Văn Gẫm về Bến Nghé. Tới Bến Nghé, họ bắt Đức Cha Lefèbre Nghĩa và cha Duclos Lộ về giam ở Công Quán. Cha Lộ chết rũ tù ngày 17 tháng 7 năm 1846. Đức Cha Lefèbre Nghĩa thì họ giải về kinh đô Phú Xuân, vua Thiệu Trị ra án xử trảm, sau vua nghĩ lại, đổi thành án trục xuất về Singapour, còn những người Việt Nam khác trên thuyền đều bị bắt giải về nhà giam Saigòn. Nhưng chỉ một mình ông Lê Văn Gẫm bị trói và đeo gông vì đã tự nhận là người chủ thuyền đi đón Đức Cha và những người trên thuyền. Bị giam trong ngục ít ngày thì Ngài bị dẫn ra trước mặt các quan để lấy khẩu cung, bị đánh đau đớn và bắt Ngài bước qua Thập Giá. Dù bị đánh đập và làm khổ nhục, Ngài vẫn hiên ngang chịu đựng, nhất định không chịu bỏ đạo và bước lên ảnh tượng Chúa Trong thời gian bị giam 7 tháng trong tù, cha Thán cải trang vào thăm, giải tội và đưa Minh Thánh Chúa 3 lần, cha Phan Văn Minh sau này cũng được phúc tử vì đạo, cũng vào thăm, an ủi và khích lệ. Các tín hữu Thị Nghè, Chợ Quán, An Nhơn, Họ Lăng Chí Hoà cũng rủ nhau tới viếng thăm người chiến sĩ đồng đạo. Thân phụ Ngài và người em kế là Phaolô Bằng vì liên hệ cũng bị bắt, còn bà mẹ thì cũng phải trốn lén lút và cũng đã tìm đường vào thăm Ngài được một lần. Được gặp gỡ những người thân yêu, Ngài luôn tỏ ra vui vẻ, hiên ngang, tin cậy vào Chúa chứ không hề tỏ ra sợ hãi đòn vọt, tra tấn và ngay cả sự chết. Trước sự cương quyết và lòng tin sắt đá của Ngài, vua Thiệu Trị phê án tử hình cho Ngài. Ngày 11 tháng 5 năm 1847 Ngài được đưa tới pháp trường Da Còm, nay là xứ Chợ Đũi. Được tin, rất nhiều giáo dân cũng như những người lương kéo nhau tới để chứng kiến cái chết anh dũng của người chiến sĩ Chúa Kitô. Trong số người hiện diện có ba người em của Ngài là Tôma Trọng, Phaolô Bằng, Anê Nguyện. Ông trùm Phước và ông Phaolô Bằng phải vất vả xô đẩy đám đông để cha Thán đến gần giải tội lần cuối cùng cho Ngài. Khi nghe tiếng chiêng tiếng trống vang lên, và thấy những tiếng gào thét thương tiếc của đám đông chung quanh, tên lý hình không giữ được bình tĩnh nên phải chém tới ba lần, đầu vị tử đạo mới lìa khỏi cổ. Đầu vừa rơi xuống đất thì ba người em và những người tín hữu đã nhanh nhẹn xô vào thấm máu, lấy khăn bọc đầu Ngài rồi đặt xác và đầu Ngài lên chiếc võng, khiêng về an táng tại nhà thờ Chợ Quán. Cha Thán làm lễ an táng còn ông trùm Phước thì mua được xiềng xích, và tấm thẻ trao cho cha Miche. Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên bặc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988 Thánh Mathêu Lê Văn Gẫm
Áo dài gấm thắt khăn xanh
Bảng ghi thật rõ tội danh lính cầm
Hãy rao to chớ nói thầm
Rao cho thật đúng, đừng lầm đừng sai
Người mang áo gấm là ai?
Chính Lê văn Gẫm là người như ta
Lời trên thánh Gẫm nói ra
Thẻ ghi Lê Bối đạo tà Gia Tô
Hạ Châu đến Sanh Ga Po (Singapore)
Mã Lai đón đạo trưởng vô nước nhà
Chánh quyền bắt được không tha
Không nghe quá khoá lệnh ra chém đầu
Bị tra Lê Gẫm xưng tâu:
Xưng tên là Bửu quan mau đổi liền
Đổi ngay thành Bối đặt tên
Hai danh Bửu Bối nói lên ý lòng
Hiên ngang tiến giữa đám đông
Ý Ngài lưu lại một dòng máu thiêng
Mai sau rõi bước trung kiên
Theo Cha đừng sợ xích xiềng gươm đao
Nếu cần phải đổ máu đào
Xác tan hồn sẽ được vào Thiên Cung
Gia đình Công giáo đạo dòng
Ngụ làng Long Đại Gò Công Biên Hoà
(Trương Hoàng)
Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
Nguồn: tonggiaophanhanoi.org