2. Thông điệp và tính thời sự
Lời cầu nguyện riêng trong lễ thánh Nérée và thánh Achille, xin các ngài “bênh vực chở che”, đã gợi lại tấm gương “anh dũng tuyên xưng đức tin qua cuộc tử đạo của các ngài”.
Hiển nhiên gương lành của các vị tử đạo tiên khởi đã thúc đẩy các ngài hy sinh mạng sống để làm chứng cho đức tin Kitô giáo. Vậy khi chiến đấu như người chiến binh anh dũng của Đức Kitô (bài đọc một: 2 Tm 1,13-14; 2,1-3), các ngài đã không sợ những người giết được thân xác mà không giết được linh hồn (bài Tin Mừng: Mt 10, 21-33). Như thế, các ngài đã hoàn thành trong thân xác mình những gì còn thiếu nơi khổ nạn của Đức Kitô “Vậy, nếu bạn ở trong số các chi thể của Đức Kitô, dù bạn là người nào hay là ai đi nữa … thì bất cứ điều gì bạn chịu do những còn thiếu trong những thống khổ của Đức Kitô ” (thánh Augustinô: Bài đọc – Kinh sách).
— ∞ + ∞ —
THÁNH PANCRACE, tử đạo (+ khoảng 304)
1. Ghi nhận lịch sử – Phụng Vụ
Pancrace (= người chiến đấu) là cậu trai mười bốn tuổi và theo truyền thuyết, chịu tử đạo hôm sau ngày rửa tội, tại Rôma, dưới thời bách hại của Diocletien, cùng lúc với Nérée và Achille. Một thánh đường rất nổi tiếng tại Rôma được xây dựng dâng kính ngài, trên đường Aurelia. Ngày xưa, ngày chúa nhật trong tuần bát nhật Phục Sinh, những người tân tòng, trong trang phục trắng (in albis) thường qui tụ quanh mộ ngài.
Việc tôn sùng ngài từ Rôma lan truyền vào Tây Phương, đặc biệt tại Anh và Pháp. Ở Anh, thánh Augustin de Cantorbéry đã dâng kính ngài một thánh đường trong thành phố giáo phận.
Thánh Pancrace được biểu hiện dưới hình một trang thanh niên, đầu đội triều thiên và tay cầm nhành lá thiên tuế tử đạo. Vào thời Trung Cổ, người ta đã đưa tên ngài vào danh sách “mười bốn thánh bảo trợ”.
2. Thông điệp và tính thời sự
Chắc chắn tuổi trẻ của thánh Pancrace đã xứng đáng cho nhiều người ngưỡng vọng đặc biệt cuộc tử đạo và việc tôn kính ngài. Như thánh Agnès ở Rôma và thánh Blandine ở Lyon, thánh Pancrace đã trở thành một mẫu gương anh dũng về đức tin và lòng can đảm cho Hội thánh toàn cầu. Quả vậy, ngay hôm nay, giới trẻ vẫn thích qui tụ bên mộ ngài ở Rôma.
Phụng Vụ Thánh lễ trình bày gương các vị Tử đạo của Ítraen. Vì lòng yêu mến lề luật Chúa, tất cả các ngài, ngay cả người trẻ tuổi nhất, đều coi thường mạng sống. “Người mẹ nói với con trai út: Con đừng sợ tên đao phủ này; nhưng hãy tỏ ra xứng đáng với các anh con mà chấp nhận cái chết để đến ngày Chúa thương xót, Người sẽ trả con và các anh con cho mẹ” (2 Mcb 7, 1…21). Cũng chủ đề này đã được thánh Bênađô minh họa trong phần Bài đọc-Kinh sách: “Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Người xuống trần gian để gần gũi những tấm lòng tan vỡ, để ở cùng chúng ta, lúc chúng ta lâm cảnh ngặt nghèo. Sẽ có lúc chúng ta được đem đi trên đám mây, để nghênh đón Chúa trên không trung… bấy giờ Người sẽ là quê trời, miễn là hiện nay Người là đường cho chúng ta”.