Lặng lẽ và thâm trầm.
Một thoáng ngẫm nghĩ về sự thinh lặng của cha, sự thinh lặng vượt xa những gì mà triết gia Kierkegaard khắc khoải sẽ giúp hóa giải muộn phiền, con nhận ra sự thinh lặng ấy chất chứa những ý nghĩa thật đẹp.
Tin Mừng của Đức Giêsu – Con nuôi của cha nói về cha. Lạ một nỗi, các thánh sử chỉ nhắc đến cha khi họ tường thuật sự kiện mà chẳng bao giờ trích lại lời nào cha nói. Sao lại như thế? Có lẽ vì cha đã chẳng nói lời nào. Còn nhớ ngày cha biết Mẹ mang thai, cha “định tâm bỏ bà cách kín đáo” để bảo vệ Mẹ và để giữ trọn đức công chính cho mình (x. Mt 1,18-25). Trong sự kín đáo riêng tư ấy, Thiên Chúa qua sứ thần đến ngỏ lời cùng cha, mời cha tham dự vào kế hoạch cứu độ. Khi nguy hiểm ập tới với Hài Nhi, một lần nữa thần sứ đến với cha trong giấc mơ, bảo cha hãy đưa gia đình sang Ai Cập lánh thân.
Hình ảnh “giấc mơ”, trong khi gợi nhớ câu chuyện ông Giuse giải mộng trong Cựu Ước ngày nào (x. St, chương 37, 40) cũng hàm chứa ý nghĩa thú vị. “Giấc mơ” cách nào đó diễn tả sự thụ động tích cực của việc đợi chờ. Quả thật, với tư cách chủ nhân của mạc khải, Thiên Chúa hoàn toàn tự do để ngỏ lời với ai Ngài muốn. Về phần mình, con người phải luôn ở trong sự thinh lặng, kèm theo đó là một sự đợi chờ thụ động tích cực. Thụ động vì người ta không biết khi nào Chúa sẽ mở lời. Tích cực vì hy vọng và biết chắc Ngài sẽ lên tiếng. Và trước lời mở ra dành cho cha, trong sự thinh lặng, cha đón nhận ý Chúa mà không mảy may phản đối hay thắc mắc. Có lẽ thánh Bờ-noa đã nhớ về cha khi đặt thinh lặng và lắng nghe liền kề nhau, vì thinh lặng hỗ trợ cho lắng nghe, giúp tập chú hơn vào lời của Chúa.[i]
Ngẫm suy về cha, con xét đến mình. Đúng thật, nếu không thinh lặng, làm sao con có thể nghe được dù chỉ là tiếng sóng, tiếng suối reo, tiếng gà gáy trưa, tiếng đồng hồ tích tắc…? Chúa dựng nên con với một cái miệng và hai cái tai, khốn nỗi con lại luôn ưu ái dành phần hơn cho cái miệng. Thế nên, con sẽ chẳng nghe được người khác nói gì khi miệng hoài lải nhải hay tâm trí mãi rộn ràng với đủ thứ chuyện trên đời. Thú thật những khi ấy, con chỉ còn nghe tiếng nói của mình, ồn ào và náo động.
Cũng vì thiếu vắng sự thinh lặng để lắng nghe nhau, người đời đã gây ra biết bao đổ vỡ. Con cái lạc đường hư hỏng vì để lời cha mẹ ngoài tai. Vợ chồng hiểu lầm, lục đục vì thiếu sự lắng nghe và thấu hiểu. Thôn xóm, phố phường xích mích, chia rẽ vì không ai chịu nghe ai. Vì thiếu thinh lặng xét như điều kiện cần thiết để lắng nghe, mọi thứ có nguy cơ rơi vào cảnh bát nháo.
Trong sự thinh lặng đợi chờ, tiếng Chúa đã vang lên trong cuộc đời cha. Nhưng tiếng Chúa sẽ vang lên cho con ở đâu và khi nào? Có lẽ thật khó để trả lời thỏa đáng, nhưng chắc hẳn Ngài sẽ mở lời trong chính cuộc sống thực tại này của con. Những âm thanh và cảnh sắc của tự nhiên, những lời động viên, cổ vũ, bảo ban hay thậm chí quở trách, sửa dạy đều có thể là phương tiện để Thiên Chúa gửi trao lời Ngài. Và quan trọng hơn cả, từ kinh nghiệm của cha, chắc rằng Chúa sẽ nói với con qua “giấc mơ” nội tâm, tức là những chuyển động của lòng mình, hay những cung bậc cảm xúc. Điều cần thiết đối với con là thinh lặng và đợi chờ.
Nếu ông Giuse trong Cựu Ước tìm kiếm ý nghĩa giấc mơ để áp dụng vào cuộc sống thực tại, thì nơi giấc mơ riêng tư, cha cũng tìm biết ý Chúa trong thinh lặng và lắng nghe. Và một khi đã nghe được tiếng Chúa, cha mau mắn đáp lời Ngài trong thinh lặng. Mau mắn hành động, “trỗi dậy”, “làm như lời sứ thần truyền” là tiếng thưa vâng thầm lặng nhưng dứt khoát của cha. Rồi vào ngày Giêsu ở lại Đền Thờ, gặp lại Con yêu sau ba ngày lạc mất, cha cũng vẫn im lặng. Cha biết rằng đã đến lúc cha thinh lặng để tiếng Con vang lên.
Jos. Nguyễn Minh Vương.
***
[i] Anselm Grun, Học sống thinh lặng (Antôn & Đuốcsáng, San Diego, 2007), 66.