Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm Hôm 11. 6. 2022 tại nhà thờ chính toà Thánh Gioan Tẩy giả ở Wrocław, Ba Lan, Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, đã cử hành thánh lễ tuyên phong chân phước cho 10 nữ tu Ba Lan Dòng thánh Elizabeth đã bị Quân đội Liên Xô giết vì lòng thù hận đức tin vào năm 1945. Từ nay, phụng vụ kính nhớ Chân phước Paschalis Jahn và các bạn tử đạo sẽ được cử hành vào ngày 11. 5 hằng năm.
Được biết, 10 vị tân Chân phước nằm trong số hơn 100 nữ tu của Dòng đã chết cách bi thảm trong tay Hồng quân với những hoàn cảnh tương tự.
Được thành lập tại Nysa vào năm 1810, mục đích chính của Dòng các Nữ tu Thánh Elizabeth là phục vụ những người gặp khó khăn, đặc biệt là những người đau khổ và bệnh tật. Hiện nay, Dòng đang hoạt động tại 19 quốc gia ở Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và Nam Mỹ với khoảng 1.000 nữ tu làm việc trong các bệnh viện, nhà trẻ, trường học và giáo xứ.
Dưới đây là một thoáng chân dung về 10 vị tân Chân phước:
1. Chân phước Maria Paschalis (Maria Magdalena) Jahn
Chân phước Maria Paschalis Jahn
Là con cả trong gia đình có 4 người con, Paschalis sinh ngày 7. 4. 1916 và được rửa tội 3 ngày sau đó. Sau khi khấn dòng lần nhất vào năm 1939, Sơ Paschalis được gửi đến phục vụ tại các cộng đoàn khác nhau của Hội dòng với công việc nấu bếp và chăm sóc các nữ tu già yếu.
Với cuộc tiến công của Hồng quân vào tháng 3.1945, theo yêu cầu của bề trên, Sơ Paschalis và một nữ tu khác rời thành phố chạy đến Velké Losiny, rồi sau đó là Sobotina (thuộc Cộng hòa Séc ngày nay), và trú ẩn trong một trường học. Trong thời gian này, các Sơ phục vụ tại một giáo xứ địa phương, đồng thời giúp chăm sóc những người đau bệnh và cao niên.
Vào ngày 11. 5. 1945, Sơ Paschalis đã phải đối mặt với một Hồng quân Liên Xô với lời đe dọa sẽ bị giết nếu Sơ không phục tùng anh ta. Sơ Paschalis can đảm chống trả, và khi thấy mình không còn sức để có thể tự vệ, Sơ quỳ xuống, cầm thánh giá từ tràng hạt trên tay và kiên quyết nói: “Tôi mặc lễ phục thiêng liêng và tôi sẽ không bao giờ làm theo ý của anh”.
Khi nghe những lời này, tên lính đe dọa thêm một lần nữa, nhưng Sơ vẫn trả lời: "Tôi thuộc về Chúa Giêsu Kitô, Người là Đức phu quân của tôi, tôi sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Người".
Sau đó, Sơ quỳ xuống cầu nguyện "Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm sức mạnh cho con," và Sơ nài xin những người xung quanh tha thứ cho những lỗi lầm của Sơ. Sau một lúc im lặng, tiếng súng vang lên, đặt dấu chấm hết cho cuộc đời trần thế 29 năm của Sơ Paschalis.
Sau đó, Sơ Paschalis được an táng tại nghĩa trang địa phương ở Sobotina với sự hiện diện của các giáo sĩ, các nữ tu trong Dòng và đông đảo tín hữu. Sơ đã được coi là hình mẫu về sự trong trắng cho giới trẻ.
2. Chân phước Maria Edelburgis (Juliana) Kubitzki
Chân phước Maria Edelburgis Kubitzki
Edelburgis sinh ngày 9. 02. 1905, tại Dąbrówka Dolna, miền nam Ba Lan. Sau khi khấn trọn đời năm 1936, Sơ Edelburgis làm y tá ngoại trú ở Wrocław-Nadodrze và Żary.
Khi Hồng quân Liên Xô tiến vào Żary, các nữ tu bị buộc phải ra khỏi tu viện tìm nơi ẩn nấp trong một nhà xứ, nơi đây các chị em cũng sắp xếp để có một nhà nguyện nhỏ để cầu nguyện. Vào đêm 17-18 tháng 2. 1945, lính Hồng quân tấn công nhà xứ, bắt giữ các nữ tu và một số trẻ em nữ và lạm dụng họ một cách rất dã man. Chứng kiến cảnh đau lòng này, Sơ Edelburgis cương quyết tự nhủ: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi sẽ không khuất phục, cho dù có thể phải bị trả giá bằng mạng sống của mình”.
Vào ngày 20. 2, quân lính đã đột nhập vào căn phòng nơi các nữ tu đang ẩn náu và yêu cầu các Sơ đi cùng họ. Một lên lính đã bắn nhiều phát về phía Sơ Edelburgis, Sơ gục ngã và qua đời ngay sau đó. Thi thể của Sơ được lưu lại trong phòng khoảng 3 ngày để tránh tiếp tục bị xâm phạm.
Sau đó, Sơ Edelburgis được chôn cất đối diện với cổng chính của nhà thờ giáo xứ Đức Mẹ lên trời tại Żary.
3. Chân phước Maria Rosaria (Elfrieda) Schilling
Chân phước Maria Rosaria Schilling
Sinh ra trong một gia đình theo đạo Tin lành ở Wrocław vào ngày 05. 5. 1908, Rosaria theo học tại một trường dạy quản lý do các Sơ Dòng thánh Elizabeth ở Nysa điều hành.
Sau khi gia nhập đạo Công giáo năm 20 tuổi, Rosaria xin vào tu Dòng thánh Elizabeth và khấn trọn đời năm 1935. Sơ lần lượt phục vụ tại các văn phòng mục vụ và hành chính tại Hamburg, Głogów, Nysa, Katowice, Legnica, Chojnów và Nowogrodziec ở Kwisa, tây nam Ba Lan.
Khi quân đội Liên Xô chiếm được Nowogrodziec vào ngày 18. 2. 1945, Sơ Rosaria đang ở tại một cộng đoàn địa phương của Hội dòng. Cùng với các nữ tu khác, Sơ Rosaria tìm nơi ẩn nấp trước những cuộc không kích dữ dội. Vào tối muộn ngày 22. 2. 1945, 3 tên lính đã đột nhập vào nơi các Sơ trú ẩn, và bằng vũ lực, họ đã lôi Sơ Rosaria đến văn phòng của người chỉ huy. Sau đó, Sơ Rosaria bị đưa trả về nơi trú ẩn trong tình trạng kiệt sức và bộ áo dòng rách tả tơi. Với chút sức lực, Sơ Rosaria đã kể lại cho các chị em nghe những đau khổ mà Sơ đã trải qua.
Ngày hôm sau, chính ủy quân đội ra lệnh cho các nữ tu, trừ nữ tu Maria Rosaria, đến gặp sĩ quan chỉ huy. Bất chấp sự yếu đuối của mình và để tránh sự cưỡng bức có thể tái diễn, Sơ Rosaria đã trốn chạy cùng với những người khác. Một viên đạn do tên ủy viên phẫn nộ bắn vào Sơ Rosaria, khi gục ngã, Sơ kêu lên "Giêsu Maria!” và rồi, phát súng thứ hai đã kết thúc mạng sống của người nữ tu 37 tuổi.
Thi thể của Sơ Rosaria được tìm thấy 6 tháng sau đó, và được chôn cất tại nghĩa trang giáo xứ ở Nowogrodziec.
4. Chân phước Maria Sabina (Anna Jadwiga) Thienel
Chân phước Maria Sabina Thienel
Sinh ngày 24. 9. 1909, tại Rudziczka, miền nam Ba Lan, Sabina gia nhập Dòng Thánh Elizabeth và tuyên khấn trọn đời năm 31 tuổi.
Là một y tá, Sơ Sabina phục vụ những người già và đau bệnh tại Mái ấm thánh Nicholas ở Wrocław. Năm 1944, vì lý do an toàn, Sơ Sabina và những người Sơ chăm sóc được di tản đến Lubań, vốn là nơi các nữ tu có các hoạt động chăm sóc và điều trị ngoại trú.
Vào ngày 28. 2. 1945, Hồng quân chiếm được thành phố, và những người lính đã tiếp quản ngôi nhà của các Sơ. Các nữ tu và cư dân không được phép rời khỏi tòa nhà và phải chịu nhiều sự quấy rối, xâm phạm rất dã man.
Khi bị một trong những tên lính cố gắng dùng vũ lực để kéo mình ra khỏi phòng, Sơ Sabina đã kháng cự rất mạnh mẽ, bám chặt vào cây thánh giá, và nài xin sự trợ giúp của Mẹ Maria: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin cho con được chết là một trinh nữ, xin hãy bảo vệ sự thanh sạch cho con!”
Hôm sau, ngày 1. 3, khi các nữ tu đang cầu nguyện và Sơ Maria Sabina đang thầm thĩ lời khẩn cầu của mình với Mẹ Maria, thì một viên đạn xuyên qua cửa và găm vào ngực khiến Sơ Sabina thiệt mạng.
Sau đó, Sơ được chôn cất tại nghĩa trang Công giáo ở Lubań.
5. Chân phước Maria Melusja (Marta) Rybka
Chân phước Maria Melusja Rybka
Sinh ngày 11. 7. 1905, tại Pawłow, Melusja gia nhập Dòng thánh Elizabeth vào năm 1927 và tuyên khấn vĩnh viễn 7 năm sau đó. Là một nữ tu, Sơ Melusja hầu như đã dành suốt cuộc đời tại tu viện thánh George ở Nysa trong công tác làm vườn, nướng bánh, và các việc nội trợ khác. Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Sơ Melusja chăm sóc những người già, đau bệnh và trông nom các thiếu nữ thuộc trường quản lý của Dòng.
Vào ngày 24. 3. 1945, Sơ Melusja bị một Hồng quân bắn khi cố gắng bảo vệ một thiếu nữ bị xâm hại. Theo lời kể của các nhân chứng, Sơ Melusja đã cứu ngôi nhà khỏi bị thiêu rụi vì ngọn lửa bị quân lính đốt ngay trước căn phòng nơi Sơ ngã gục trên vũng máu.
Thi thể của Sơ Melusja được chôn cất trong một ngôi mộ tập thể trong khu vườn của các nữ tu ở số 16 Phố Słowiańska tại Nysa.
6. Chân phước Maria Sapientia (Łucja) Heymann
Chân phước Maria Sapientia Heymann
Sapientia sinh ngày 19. 4. 1875, tại Lubiesz, Tây Bắc Ba Lan. Sau khi khấn trọn đời trong Dòng vào năm 1906, Sơ Sapientia phục vụ trong vai trò là một y tá ở Hamburg và sau đó ở Nysa.
Khi Hồng quân tiến vào thành phố khiến cho bầu khí sợ hãi và bất ổn ở Nysa tăng cao. Vào ngày 24. 3. 1945, quân lính ra lệnh cho các nữ tu đang cư ngụ tại tu viện thánh Elizabeth tập trung tại nhà kho. Khi thấy một tên lính tiến về phía một nữ tu trẻ và muốn đưa Sơ ấy đi, Sơ Sapientia xin anh ta từ bỏ ý định: "Không, tôi xin anh, đừng!" Người lính dí súng vào thái dương của Sơ Sapientia và bóp cò. Hắn đạp gót giầy lên đầu và ngực Sơ Sapientia và bước đi.
Sau đó, thi hài của Sơ Sapientia được chôn cất trong một ngôi mộ tập thể tại khu vườn của tu viện thánh Elizabeth ở Nysa.
7. Chân phước Maria Acutina (Helena) Goldberg
Chân phước Maria Acutina Goldberg
Sinh ngày 6. 7. 1882, tại Dłużek, Acutina gia nhập Dòng thánh Elizabeth năm 23 tuổi, và tuyên khấn trọn đời vào năm 1917.
Trong một thời gian dài, Sơ Acutina làm y tá phục vụ tại một viện điều dưỡng suối nước nóng ở Wleń và tại một nhà hưu linh mục ở Nysa. Từ năm 1941, Sơ làm việc tại một nhà tế bần ở Lubiąż trong vai trò là người giám hộ những trẻ mồ côi trong chiến tranh.
Nhận thức được sự tàn bạo của Hồng quân Liên Xô, khi họ tiến vào thành phố ngày 26. 01. 1945, Sơ Acutina liên tục canh chừng sự an toàn của các cô gái mà Sơ được giao phó để chăm sóc. Và cũng chính vì điều này, vào ngày 02. 5. 1945, Sơ bị bắn chết khi đang cố gắng để bảo vệ các em.
Sơ Acutina được an táng tại nghĩa trang giáo xứ ở Krzydlina Mała, tây nam Ba Lan.
8. Chân phước Maria Adela (Klara) Schramm
Chân phước Maria Adela Schramm
Sinh ngày 3. 6. 1885, tại Łączna, tây nam Ba Lan, Sơ Adela gia nhập Dòng và được khấn trọn đời vào năm 1924.
Sơ Adela là bề trên của các cộng đoàn địa phương tại Ramułtowice, Szklarska Poręba, Wałbrzych-Sobięcin, và Godzieszów.
Khi Hồng quân đến gần, Sơ Adela quyết định ở lại để chăm sóc những phụ nữ cao niên được trao phó cho Sơ. Sau khi quân lính chiếm ngôi làng, Sơ Adela và mọi người tìm được một nơi trú ẩn tại trang trại của ông bà Maria và Paul Baum.
Vào ngày 25. 02. 1945, một tên lính đã đột nhập vào ngôi nhà. Sơ Adela ra sức bảo vệ những người mà Sơ có trách nhiệm chăm sóc, cũng như bảo toàn đức khiết tịnh của mình. Cuối cùng, Sơ Adela, gia chủ và những người khác đang ở đó đã bị bắn chết.
Tất cả nạn nhân đều được chôn cất trong một hố bom tại Godzieszów, tây nam Ba Lan, thuộc khuôn viên tài sản của một nông dân. Sau này người ta dựng một tấm bia để tưởng nhớ cái chết của họ do sự tàn bạo của quân đội Liên Xô.
9. Chân phước Maria Adelheidis (Jadwiga) Töpfer
Chân phước Maria Adelheidis Töpfer
Adelheidis sinh ra ở Nysa vào ngày 26. 8. 1887, vào Dòng năm 1907 và tuyên khấn trọn đời năm 1919.
Là người có kỹ năng sư phạm tuyệt vời, trong nhiều năm, Sơ Adelheidis là giáo viên và hiệu trưởng của một trường dạy nghề thủ công, và quản lý ở Koźle, và sau đó tại trường nội trú thánh George ở Nysa.
Năm 1943, Sơ Adelheidis chuyển đến tu viện thánh Notburga ở Nysa. Trong thời gian quân lính Liên Xô chiếm đóng thành phố, những người đau bệnh, già cả đã tìm đến ẩn náu tại nhà của các nữ tu, và Sơ Adelheidis luôn ở bên cạnh họ. Dù điều kiện sống vô cùng khó khăn nhưng Sơ Adelheidis luôn tìm đến và giúp đỡ những người khó khăn. Sơ Adelheidis thực sự là linh hồn của ngôi nhà.
Vào ngày 24. 3. 1945, khi Hồng quân xâm nhập và bắt đầu lục soát tòa nhà, một người lính bước vào căn phòng nơi Sơ Adelheidis và mọi người đang ẩn náu. Với thái độ khiêu khích, tên lính chìa bàn tay đang chảy máu của mình ra trước mặt mọi người và hỏi xem ai đã bắn lén từ trong phòng. Mặc dù mọi người thành thật phủ nhận điều đó, nhưng anh ta đã đưa súng lên và nhắm vào Sơ Adelheidis.
Thi thể của Sơ Adelheidis sau đó được an táng tại Nghĩa trang Giêrusalem ở Nysa.
10. Chân phước Maria Felicitas (Anna Ellmerer)
Chân phước Maria Felicitas
Sinh ngày 12. 5. 1888, tại Grafing, gần Munich, Sơ Felicitas khấn trọn đời trong Dòng năm 1923, phụ trách dạy học và gia sư ở Dusseldorf, Kup, và Nysa.
Sau khi chiếm đóng tu viện thánh Elizabeth, quân lính liên tục làm phiền và khiến cho các nữ tu phải trải qua những ngày tháng sợ hãi và kinh hoàng.
Trước tình thế này, Sơ Bề trên tu viện đã cầu xin họ để các nữ tu được yên. Để đáp trả lời thỉnh cầu này, tên lính đã nhả đạn và Sơ Bề trên bị bất tỉnh. Sơ Felicitas vội vàng chạy lại để hỗ trợ. Lợi dụng điều này, một tên người lính đã dùng sức để kéo Sơ Felicitas ra ngoài. Trước sự chống cự mạnh mẽ của Sơ Felicitas, anh ta đã bắn một phát súng cảnh cáo. Đáp lại, Sơ Felicitas đứng dựa vào tường, dang hai tay thành hình thánh giá và lớn tiếng kêu lên: “Lạy Chúa Kitô, Vua... muôn năm!” Lời cuối cùng bị cắt ngang bởi một viên đạn...
Thi thể của Sơ Felicitas được chôn cất trong khu vườn của tu viện, số 16 đường Słowiańska ở Nysa.
* * *
Thánh lễ phong chân phước ngày 11. 6. 2022 tại Wroclaw, Ba Lan
Khi nhìn lại một thoáng chân dung 10 vị tân Chân phước, chúng ta thấy một nét rất rõ đó là: dù ở những độ tuổi khác nhau, sống ở những nơi khác nhau, và đảm nhận những công việc khác nhau, nhưng các ngài đều có chung một lý tưởng là hiến dâng cho Thiên Chúa và phục vụ con người cách tròn đầy, ý nghĩa, và tín trung nhất. Các ngài đã sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin, đức khiết tịnh của mình với sự can đảm, quyết liệt, và anh hùng nhất. Các ngài đã sẵn sàng dâng hiến cuộc đời để bảo vệ những người đau khổ, bệnh tật, yếu thế được trao cho mình trong bối cảnh nguy hiểm, bi thảm, và khó khăn nhất. Chính vì thế, Đức Hồng y Semeraro, trong bài giảng Thánh lễ phong chân phước, đã ca ngợi “Cả cuộc đời của các nữ tu này là một món quà đích thực dâng hiến chính bản thân để phục vụ trẻ em, những người bệnh tật, nghèo khổ, thiếu thốn nhất…”. Và Đức Thánh Cha Phanxicô, sau Kinh Truyền Tin tại quảng trường thánh Phêrô vào ngày 12. 6, đã tuyên dương “tấm gương đức tin” của các vị tân Chân phước: "Mặc dù nhận thức được những rủi ro đang phải đối diện, nhưng những vị nữ tu này vẫn ở bên cạnh những người già và bệnh tật mà họ đang chăm sóc”. Đức Thánh Cha ước mong: “Xin tấm gương đức tin của các ngài đối với Đức Kitô giúp chúng ta, đặc biệt là những Kitô hữu đang bị bách hại ở nhiều nơi trên thế giới, can đảm làm chứng cho Tin Mừng”.
Thật vậy, cuộc đời của 10 vị tân Chân phước tử đạo nhắc nhở chúng ta rằng, trong cuộc sống cụ thể hôm nay:
- có thể, chúng ta không phải chạm trán với tình huống phải đổ máu đào để bảo vệ đức tin, thì vẫn cần những chứng tá đức tin trong lối sống: tốt lành, công bằng, ngay thẳng, ý thức trách nhiệm về công ích;
- có thể chúng ta không phải chạm trán với tình huống phải chọn lựa để bảo vệ những người thuộc về mình, thì vẫn cần những cử chỉ yêu thương vị tha, và quan tâm đến người khác;
- có thể chúng ta không phải chạm trán với tình huống phải bỏ mạng sống một cách quyết liệt thì chúng ta vẫn cần chọn lựa “bỏ mình” mỗi ngày để nói “không” với lối sống đề cao tự do cá nhân; thực dụng; hưởng thụ; duy lợi… và chấp nhận những thua thiệt, mất mát… để bảo toàn căn tính Kitô hữu của mình?
Xin các vị Nữ tu Chân phước tử đạo cầu bầu cùng Chúa cho chúng ta!