PHẦN III: CỬ HÀNH MẦU NHIỆM KI-TÔ GIÁO
Bài 30: PHỤNG VỤ
Lời Chúa: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua” (Lc 2,41).
Ý chính : 1. Ý nghĩa và tầm quan trọng của phụng vụ (Lc 2,41-43.46.48-49)
2. Ngày Chúa nhật.
3. Năm Phụng vụ.
Tâm tình : Khiêm tốn, vui mừng được tham dự Phụng vụ.
Chuẩn bị: Tranh một buổi cử hành Phụng vụ.
I. ỔN ĐỊNH.
1. Đón tiếp:
2. Thánh hóa: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã vui vẻ, mau mắn lanh lẹ khi được cùng với cha mẹ lên Đền thờ cầu nguyện và học hỏi, đàm đạo Kinh Thánh. Xin cho chúng con có được tinh thầnsốt sắng, hân hoan ấy khi tham dự Thánh lễ và các nghi thức Phụng vụ, để tôn thờ, ca ngợi, tôn vinh và cảm tạ Thiên Chúa.
3. Giới thiệu tổng quát phần III và dẫn vào bài 30:
Mầu nhiệm Kitô giáo là đối tượng của Đức tin (phần I). Mầu nhiệm ấy được tỏ bày trong đời sống mọi ngày của người tín hữu (phần II) và được cử hành trong Phụng vụ (phần III). Đây là việc tuyên xưng công khai và chính thức của toàn thể Hội thánh. Nhờ cử hành Phụng vụ, chúng ta đón nhận mọi ân sủng cần thiết, nhất là bảy ơn Chúa Thánh Thần để tưới gội cho đời thường nhiều thách đố, phát sinh hoa trái; đồng thời nhờ cử hành Phụng vụ, chúng ta tiến sâu vào đời sống với Chúa Ba Ngôi. Vì thế, sau khi đã học phần I (tuyên xưng đức tin) và phần II (sống trong Chúa Kitô), chương trình giáo lý cấp II tiếp tục với phần III (cử hành mầu nhiệm Kitô giáo), đặc biệt về Bí tích Thêm sức mà các em sẽ lãnh nhận vào cuối chương trình giáo lý cấp II. Chúng ta bước vào phần III, trước tiên với bài Phụng vụ.
II. EM NGHE LỜI CHÚA.
A. Dẫn nhập: Ngày xưa có một tướng quân Aram tên là Na-a-man là người có thế giá trước mặt vua quan, nhưng ông lại mắc chứng phong cùi. Một cô gái Is-ra-el nói với bà vợ của Na-a-man: “Nếu Đức ông tôi được giáp mặt vị tiên tri ở Sa-ma-ri, ắt sẽ được chữa khỏi”. Được tin này, nhà vua bèn ban ngọc thư cùng lễ vật để Na-a-man lên đường tìm đến Êlisê, vị tiên tri xứ Sa-ma-ri. Êlisê sai sứ ra nói với Na-a-man: ông hãy đi tắm 7 lần trong sông Giođan, ông sẽ được khỏi bệnh. Na-a-man tức giận bỏ đi. Ông nói: “Kìa, ta cứ đinh ninh là hắn sẽ trịnh trọng đi ra rồi đứng dừng lại mà kêu khấn Danh Giavê Thiên Chúa của hắn. Đoạn khua tay đúng chỗ mà trừ bệnh phong cùi !” Các đầy tớ của ông khuyên giải, Na-a-man đành xuống sông tắm 7 lần theo lời người Thiên Chúa, da thịt ông trở lại như da thịt một trẻ nhỏ và ông đã được lành bệnh (2V 5,1-14).
Gần đây, báo tuổi trẻ đưa tin: mặc dù ban quản lý khu di tích văn miếu Quốc tử Giám ở Huế đã làm hàng rào bảo vệ để ngăn không cho mọi người lại gần rùa đá cõng bia tiến sĩ ghi tên những người đỗ đạt trong khoa thi ngày xưa, nhưng trước ngày thi, vẫn có rất nhiều bạn cố gắng sờ tay vào rùa đá để mong gặp được sự may mắn trong khi làm bài.
Các em thân mến, người ta thường nghĩ phải sờ tay vào rùa đá mới mong thi đậu, người ta cũng nghĩ như Na-a-man: phải khua tay, múa chân, phải kêu gào, nhảy nhót... (x. 1V 18,26-29) với những lễ vật, sát tế chiên bò... mới là thờ phượng Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô khi đến trần gian đã thiết lập một lễ tế khác về việc tôn thờ Thiên Chúa, chúng ta hãy cùng đọc Lc 2,41-43.46.48-49 (mời đứng).
B. Công bố Lời Chúa: Lc 2,41-43.46.48-49
Sau khi nghe Lời Chúa, thinh lặng giây lát rồi gợi ý:
Trong những năm sống cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu tham dự những nghi lễ tôn thờ Thiên Chúa của Cựu ước nhưng đồng thời Người cũng thiết lập một thể thức mới, đổi mới tâm tình và cách thức của nghi lễ phụng thờ: Người đã đến dâng chính mình “làm theo ý Cha” (Dt 10,9) để tôn thờ Thiên Chúa và ban ơn cứu độ cho muôn loài. Xin cho mỗi chúng ta luôn tham dự phụng vụ cách sốt sắng, với lòng yêu mến để chúng ta xứng đáng nhận lãnh những ân huệ Chúa ban.(Mời ngồi)
C. Dẫn giải nội dung giáo lý:
LỜI CHÚA | DIỄN GIẢI | NỘI DUNG GIÁO LÝ |
Xh 20,22-26 Lv 17,1-16 Lc 22,19-20 Mt 14, 23; Mc 1, 35 Lc 6, 12; Ga 10, 30 | TIẾT 1: - Phụng vụ và tầm quan trọng của phụng vụ:
- Dân tộc nào, thời đại nào, tôn giáo nào cũng có những lễ nghi thờ phượng thần linh. Vậy đạo Công giáo thì sao?
- Lễ nghi công giáo có nguồn gốc từ Cựu ước, do Thiên Chúa truyền dạy. Ví dụ: Israel cử hành lễ tế, cuộc rước trong dịp lễ Vượt qua, lễ Lều…
- Được Chúa Kitô kiện toàn và đổi mới qua cuộc khổ nạn, Phục sinh và lên trời vinh hiển để làm nên Phụng vụ của Hội thánh.
- Vậy Phụng vụ là những cử hành mà Hội thánh dâng lên Thiên Chúa để thực thi cách hoàn hảo chức vụ tư tế của Chúa Kitô toàn thể để tôn vinh Thiên Chúa và thánh hóa con người:
- Chúa Kitô toàn thể: là toàn thể mọi thành phần dân Chúa, trong đó Chúa Kitô là Đầu.
- Tôn vinh Thiên Chúa: vì Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn mạch sự sống.
- Hoàn hảo: vì qua Phụng vụ, chúng ta cùng với Hội thánh hòa nhập vào Thiên Chúa Ba Ngôi, sống lại mầu nhiệm cứu chuộc, lãnh nhận những hồng ân Thiên Chúa, tuyên xưng đức tin và loan báo Tin Mừng.
- Cộng đồng dân Chúa: vì Phụng vụ là việc của toàn thể Hội thánh. Dù chỉ cử hành một mình, thừa tác viên vẫn nhân danh toàn thể Hội thánh, là cử hành của toàn thể Hội Thánh, sinh hiệu quả cho toàn thể Hội Thánh.
- Thánh hóa con người: qua Phụng vụ, con người lãnh nhận được nhiều ơn phúc của Thiên Chúa, được nân đỡ trong đời sống thiêng liêng, giúp con người ngày càng nên giống Chúa hơn.
- Phụng vụ quan trọng thế nào?
- Phụng vụ làm cho chúng ta tham dự vào việc cầu nguyện của Chúa Kitô, hướng lên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần vì Chúa Giê su luôn cầu nguyện, sống với Chúa Cha và nên một với Chúa Cha.
- Phụng vụ (ví dụ: Thánh lễ, Thánh Thể) là phương tiện tốt nhất để ta được tiếp xúc với Thiên Chúa và nuôi dưỡng đời sống Ki tô hữu của mình.
- Phụng vụ mang lại cho cuộc sống người tín hữu những hoa trái của cuộc sống mới trong Chúa Thánh Thần, sự dấn thân vào sứ mệnh của Hội thánh và phục vụ cho sự hiệp nhất của Hội thánh.
- Phụng vụ là tột đỉnh qui hướng tất cả mọi hoạt động của Hội thánh, là nguồn mạch sự sống của Hội thánh và đổ tràn ơn thánh cho các tâm hồn.
- Phụng vụ đi từ cái hữu hình dẫn đến những thực tại vô hình, từ biểu tượng đến thực tại, từ các dấu chỉ bên ngoài đến các mầu nhiệm, nên Phụng vụ là một “bài giáo lý” đầy chất lượng, thuyết phục con người hoán cải và trở nên tạo vật mới trong Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần.
| Phụng vụ là việc tôn thờ chính thức của toàn thể Hội Thánh để tôn vinh Thiên Chúa Ba Ngôi và thánh hóa con người. (132) Phụng Vụ rất quan trọng vì những lẽ này: - Một là Phụng Vụ cho ta tham dự vào việc cầu nguyện của Chúa Ki-tô, hướng lên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. - Hai là Phụng Vụ là nguồn mạch sự sống của Hội Thánh. - Ba là Phụng Vụ nhằm giáo huấn và hoán cải Dân Chúa. (133) |
St 2, 1-3 Ga 20, 19-22 Ga 20, 1.26 1Cr 15,12 | TIẾT 2: 2. Ngày Chúa nhật: - Theo sách Sáng thế, Thiên Chúa tạo dựng trời đất trong mấy ngày? 6 ngày
- Ngày thứ 7, Thiên Chúa làm gì? Nghỉ ngơi
- Vì thế, người Do thái gọi ngày thứ 7 là ngày hưu lễ để mừng kính Chúa, mừng ngày Chúa hoàn tất công trình tạo dựng
- Ngày Sabat là ngày thứ mấy trong tuần? Ngày thứ nhất
- Với chúng ta, ngày thứ nhất trong tuần là ngày nào ? ngày dành cho việc thờ phượng Chúa cách đặc biệt vì đó là ngày Chúa sống lại
- Tin mừng ghi lại những biến cố quan trọng nào xảy ra trong ngày Chúa nhật ?
- Chúa Ki tô Phục sinh luôn hiện ra vào ngày thứ nhất trong tuần
- Gioan được thấy thị kiến trong ngày của Chúa
- Chúa Thánh Thần là hồn sống của Hội Thánh được trao ban vào ngày thứ nhất trong tuần
- Niềm tin vào Đức Ki tô Phục sinh là nền tảng và trung tâm của Ki tô giáo. Vì thế, ngày Chúa nhật cũng là nền tảng và trung tâm của năm phụng vụ
- Chúa nhật trở thành ngày lễ hội của Hội thánh. Hội thánh bày tỏ tính cách cộng đoàn hiệp thông huynh đệ và truyền giáo.Vì vậy, ngày Chúa nhật “phải được đề cao và in sâu vào lòng đạo đức của các tín hữu, để ngày ấy trở thành ngày vui mừng và ngày nghỉ việc” (PVT 106).
| Ngày Chúa nhật rất quan trọng trong cử hành Phụng vụ vì đó là “Ngày của Chúa”, ngày Chúa đã Phục sinh. Vì thế, ngày Chúa nhật là nền tảng và trung tâm của cả năm Phụng vụ. (134) |
Mc 1, 4-5 Mc 1, 15 Mt 6,1-6.16-18; Gl 5, 24 Pl 4,4 Cv 5, 30-31 | 3. Năm Phụng vụ: - Trong 1 năm, thời tiết thay đổi từ ấm áp sang nóng nực, tiếp đến ảm đạm, rồi giá lạnh. Một năm có bao nhiêu ngày? 365 ngày
- Thời tiết trong năm được chia thành mấy mùa? 4 mùa: Xuân, hạ, thu, đông
- Mầu nhiệm cứu chuộc cũng được trải dài từ mầu nhiệm Nhập thể - sang mầu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh... gọi là NĂM PHỤNG VỤ
- Năm Phụng vụ Kitô giáo cũng kéo dài 12 tháng, bắt đầu vào chiều thứ bảy trước Chúa nhật I Mùa Vọng và kết thúc vào trưa thứ bảy sau lễ Chúa Kitô Vua. Vậy năm Phụng vụ là thời gian Hội thánh cử hành các mầu nhiệm Chúa Ki-tô theo chu kỳ hằng năm (PV.103).
- Năm Phụng vụ xoay quanh 2 trục chính:
- Mầu nhiệm Nhập thể với thời gian chuẩn bị (Mùa vọng) và mừng kính (Mùa Giáng sinh).
- Mùa vọng: Bắt đầu từ Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng và kết thúc vào chiều ngày 24/12, Mùa vọng giúp tín hữu Chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng chờ đón Chúa đến trong tâm tình hoán cải như một kỷ niệm Chúa đến lần thứ nhất và với tâm tình chờ đón Chúa đến lần thứ 2
- Mùa Giáng Sinh: Với thời gian từ chiều 24/12 cho đến lễ Chúa Giê su chịu phép rửa, Mùa Giáng Sinh là thời gian Hội thánh hân hoan mừng màu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa và sống tâm tình cảm tạ trong niềm vui vì Thiên Chúa đã nhập thể để cứu độ con người
- Mầu nhiệm Khổ nạn - Phục sinh với thời gian chuẩn bị (Mùa chay) và mừng kính (Mùa Phục sinh).
- Mùa Chay bắt đầu từ thư tư lễ tro và kết thúc vào lễ vọng Phục Sinh mà cao điểm là tam nhật thánh. Trong Mùa Chay, Hội thánh mời gọi ta ăn năn sám hối và tin vào Tin mừng qua cầu nguyện, sám hối, chay tịnh và làm phúc; hiệp thông với những đau khổ của Chúa Ki tô bằng những hy sinh trong đời sống thường ngày để cùng theo Chúa trên con đường tử nạn và xứng đáng tham dự vào sự sống lại của Chúa Giê su
- Mùa Phục Sinh kéo dài 50 ngày, từ lễ vọng Phục Sinh đến lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Hội thánh mời gọi ta sống trong niềm vui hân hoan vì Đức Giê su Phục Sinh đem ơn cứu độ cho chúng ta.
- Các Chúa nhật giữa 2 thời gian trên đây không mừng kính một mầu nhiệm nào rõ rệt của Chúa Kitô và gọi là các CHÚA NHẬT THƯỜNG NIÊN, gồm khoảng 32-34 tuần lễ, cũng quen gọi là mùa Thường Niên hay mùa Quanh năm.
- Trong suốt thời gian mỗi năm, Phụng vụ còn cử hành nhiều thánh lễ mừng kính Đức Trinh Nữ Maria, các thánh… Năm Phụng vụ có mục đích giúp người tín hữu sống mầu nhiệm Chúa Kitô hầu chuẩn bị đón Người trở lại trong vinh quang vào ngày tận thế.
| Năm Phụng vụ là thời gian Hội thánh cử hành các mầu nhiệm Chúa Ki-tô theo chu kỳ hằng năm (PV.103) (135) Năm Phụng vụ được tổ chức thành các mùa, là Mùa Vọng, mùa Giáng sinh, mùa Chay, mùa Phục sinh và mùa thường niên. Hội thánh cử hành năm Phụng vụ để giúp ta sống mầu nhiệm Chúa Ki-tô, hầu chuẩn bị đón Người trở lại vinh quang. (136) |
D. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Linh mục Thượng phẩm, Chúa đã cho chúng con được tham dự vào chức Tư tế của Chúa. Nhờ đó, cuộc sống chúng con và mọi tạo vật được trở nên lễ vật dâng lên Thiên Chúa. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết kết hiệp với Chúa làm thành lễ vật tiến dâng Thiên Chúa.
III. EM NHỚ LỜI CHÚA
- “Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua” (Lc 2,41).
- Số 132- 136
IV. EM SỐNG LỜI CHÚA
1. Sinh hoạt: Tìm trong tập Hát và Sinh hoạt giáo lý cấp II.
2. Thực hành: Em quyết tham dự mọi cử hành phụng vụ cách tích cực, linh động và hữu hiệu hơn.
3. Bài làm ở nhà: Em vẽ một vòng tròn biểu thị năm Phụng vụ (hình của bài 28 giáo lý cấp I ĐBTT).
V. KẾT THÚC
(GLV nhắc lại ý chính của bài Phụng vụ và mời gọi các học viên sốt sắng tham dự Phụng vụ nhất là Thánh lễ Chúa nhật.)
Kinh Sáng Danh...
………………………………………..
Bài 31: BÍ TÍCH
Lời Chúa: Hôm ấy là ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất. Đức Giê-su đứng trong Đền thờ và lớn tiếng nói rằng: Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống” (Ga 7,37-38)
Ý chính : 1. Chúa Giêsu thiết lập các Bí tích (Ga 7,37-39a).
2. Điều kiện lãnh nhận Bí tích (1 Cr 11,27-29).
3. Bí tích trong đời sống Kitô hữu (Rm 6,3-4).
Tâm tình : Sung sướng và ước mong lãnh nhận các Bí tích.
I. ỔN ĐỊNH.
1. Đón tiếp:
2. Thánh hóa: Lạy Chúa Giêsu, nhờ cuộc Tử nạn và Phục sinh, Chúa đã trở nên Bí tích cứu độ thế giới. Xin cho chúng con nhận ra Bí tích là dấu hiệu của tình yêu và là dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa chúng con.
II. EM NGHE LỜI CHÚA.
A. Dẫn nhập:
Sau khi ra khỏi Ai cập, Dân Do thái được dẫn vào vùng Rơ-phi-dim. Ở đây không có nước uống, họ đã kéo nhau đến kêu trách Môsê: “Tại sao ông đã đem chúng tôi ra khỏi Ai cập để chúng tôi chết khát?” Môsê cầu khẩn cùng Thiên Chúa. Ông kêu các kỳ mục đi với ông đến trước hòn đá ở Kho-rép và Môsê đã giơ tay đập trên đá. Tức thì một dòng nước lênh láng chảy ra cho dân và đoàn súc vật uống thỏa thuê!
Đây chính là hình ảnh báo trước về ơn cứu độ mà Chúa Giêsu ban cho Hội thánh qua các Bí tích - Mời các em cùng đọc Ga 7,37-39a (Mời đứng).
B. Công bố Lời Chúa: Ga 7,37-39a - Thinh lặng giây lát rồi gợi ý:
Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con tìm đến dòng nước hằng sống được khơi nguồn từ cạnh lương long của Chúa Giê su và cũng là suối nguồn Bí Tích để lãnh nhận sự sống thần linh. Xin cho mỗi chúng con biết lãnh nhận các Bí tích một cách ý thức và sốt sắng để đạt tới cuộc sống hạnh phúc muôn đời. (Mời ngồi)
C. Dẫn giải nội dung giáo lý:
LỜI CHÚA | DIỄN GIẢI | NỘI DUNG GL |
Mt 28,19 Lc 22,19 Cv 8,17 Cv 19,6 | 1. Chúa Giêsu thiết lập các Bí tích: - Chúa Kitô đã hoàn tất công trình cứu độ mà Chúa Cha đã trao phó bằng cách nào? Bằng cuộc sống trần thế và nhất là bằng cuộc khổ nạn và Phục sinh.
Bí tích gồm những dấu chỉ và nghi thức bề ngoài để chỉ ân sủng bên trong mà ta không thấy bằng mắt thường. Ví dụ: | Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Giê-su thiết lập và được trao lại cho Hội Thánh để ban sự sống thần linh cho chúng ta. (137) Có ba Bí tích chỉ được lãnh nhận một lần là: Bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm sức, Bí tích Truyền chức thánh; vì ba Bí tích ấy in vào linh hồn dấu ấn thiêng liêng không thể xóa được. (138) |
| Bí tích Rửa tội | Bí tích Thánh Thể |
Dấu chỉ | Nước | Bánh - rượu |
Nghi thức | Đổ nước + lời đọc: “Tôi rửa anh: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” | Phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể |
Hiệu quả | Tha tội tổ tông, tội riêng và trở thành con Chúa | Ban sự sống trong Đức Kitô |
- Ai thiết lập Bí tích? Mời các em mở Tin mừng
- “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,
làm phép rửa cho họ...” - “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy
Vậy, Bí tích do Chúa Giê su thiết lập. - Ân sủng của Bí tích được ban thế nào?
- Khi Phêrô và Gioan đặt tay trên những tín hữu tại Samari, những người này nhận được Thánh Thần
- Khi Phaolô đặt tay trên 12 tín hữu ở Êphêsô, Thánh Thần ngự xuống trên họ. Họ nói tiếng lạ và nói tiên tri.
- Hội thánh cử hành các Bí tích để trao ban ân sủng cứu độ cho những ai tin vào Chúa Kitô. Như vậy, Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Giê-su thiết lập và được trao lại cho Hội Thánh để ban sự sống thần linh cho chúng ta.
- Tất cả có 7 Bí tích, trong đó ba Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức thánh in vào linh hồn người lãnh nhận dấu ấn thiêng liêng không thể xóa được nên mỗi người chỉ được lãnh nhận một lần.
|
Cv 8,18-21 1Cr11,27-29 | 2. Điều kiện lãnh nhận Bí tích. - Khi thấy các tông đồ Phêrô và Gioan đặt tay trên các tín hữu tại Samari thì Thánh Thần được ban xuống, ông Simon phù thủy đã làm gì? Kết quả của hành động ấy thế nào? Ông đem tiền đến mua ân sủng, nhưng tiền bạc chẳng mua được ân sủng của Thiên Chúa!
- Chúng ta phải có thái độ căn bản nào khi đến lãnh nhận Bí tích? Mời các em đọc 1Cr 11,27-29 …“Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình”.
- Như vậy, thánh Phaolô nhắc nhở ta phải dọn mình cho xứng đáng trước khi lên lãnh nhận Bí tích, đó là:
- Phải học hiểu Giáo lý Lời Chúa: “Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa là ăn và uống chén án phạt” (c.29)
- Phải có lòng tin và thật lòng ước muốn: “Ai ăn và uống chén của Chúa cách bất xứng thì cũng phạm đến Mình và Máu Thánh Chúa” (c.27)
| Để lãnh nhận các Bí tích cần có những điều kiện này: - Một là phải đón nhận và học hiểu Lời Chúa. - Hai là phải có đức tin và thật lòng ước muốn. (139) |
| 3. Bí tích trong đời sống Kitô hữu. - Khi chào đời, em được lãnh Bí tích nào? Bí tích Rửa tội
- Ta được tăng cường ân sủng Chúa Thánh Thần và trưởng thành trong đời sống Kitô hữu nhờ Bí tích nào? Nhờ Bí tích Thêm sức (mà các em sẽ lãnh nhận vào cuối chương trình giáo lý cấp II này).
- Chúng ta được nuôi dưỡng linh hồn bằng Bánh trường sinh, đó là Bí tích nào? Nhờ Bí tích Thánh Thể.
- Khi yếu đuối phạm tội, chúng ta có Bí tích nào nâng đỡ? Bí tích Hòa giải (Giải tội).
- Khi thể xác đau yếu, chúng ta được nâng đỡ nhờ Bí tích nào? Bí tích Xức dầu Bệnh nhân.
- Đến tuổi trưởng thành, những người nam được Chúa tuyển gọi trong đời sống thánh hiến thừa tác, sẽ lãnh nhận Bí tích nào? Bí tích Truyền chức thánh.
- Những ai chọn đời sống hôn nhân gia đình, sẽ đón nhận Bí tích nào? Bí tích Hôn phối.
- Như vậy, các Bí tích đều nhằm nâng đỡ cuộc sống siêu nhiên của chúng ta, và có thể so sánh như sau:
Đời sống tự nhiên | Đời sống siêu nhiên | Sinh ra Nuôi dưỡng Trưởng thành Chữa bệnh Đời sống xã hội | Bí tích Rửa tội Bí tích Thánh Thể Bí tích Thêm sức BT Xức dầu bệnh nhân- BT Hòa giải BT Truyền chức- Bí tích Hôn phối | - Các Bí tích là những phương thế chắc chắn và hữu hiệu nhất, giúp chúng ta lãnh nhận ơn cứu độ. Vì thế, chúng ta tin tưởng rằng: tất cả những ai thường xuyên lãnh nhận các Bí tích một cách ý thức và sốt sắng sẽ đạt tới cuộc sống hạnh phúc muôn đời
| Đối với các tín hữu, các Bí tích cần thiết để được ơn cứu độ, vì chính Chúa Ki-tô hành động nơi các Bí tích, và Chúa Thánh Thần làm cho những người lãnh nhận nên giống Con Thiên Chúa. (140) |
D. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã lập các bí tích như dấu chỉ rõ rệt nhất và như phương tiện hữu hiệu nhất để chuyển thông ơn thánh cho con. Xin cho con năng lãnh nhận các bí tích để được dồi dào ơn Chúa mà sống đạo tích cực.
III. EM NHỚ LỜI CHÚA.
- “Hôm ấy là ngày bế mạc tuần lễ Lều, và là ngày long trọng nhất. Đức Giê-su đứng trong Đền thờ và lớn tiếng nói rằng: Ai khát, hãy đến với tôi, ai tin vào tôi, hãy đến mà uống” (Ga 7,37-38)
- Số 137- 140.
IV. EM SỐNG LỜI CHÚA.
1. Sinh hoạt:
2. Thực hành: Em chuẩn bị tâm hồn chu đáo mỗi khi lãnh nhận bí tích.
3. Bài làm ở nhà: Em vẽ một dòng suối và ghi dưới hình vẽ đó một câu Kinh thánh nói lên ý nghĩa của bí tích.
V. KẾT THÚC.
……………………………………………
Bài 32: BÍ TÍCH XỨC DẦU BỆNH NHÂN
Lời Chúa: “Ai trong anh em đau yếu ư ? Người ấy hãy mời các kỳ mục của Hội thánh đến ; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa” (Gc 5, 14).
Ý chính : 1. Bí tích xức dầu bệnh nhân là gì ? (Gc 5,14-15).
2. Ơn ích của Bí tích xức dầu bệnh nhân.
Tâm tình : Biết ơn - luôn cảnh giác để giúp mọi người lãnh nhận Bí tích xức dầu bệnh nhân.
I. ỔN ĐỊNH.
1. Đón tiếp:
2. Thánh hóa: Bí tích Xức dầu bệnh nhân là bí tích của sự an ủi, tăng sức mạnh của sự tha thứ và chữa lành tâm hồn và thân xác. Xin Chúa cho chúng con dù bé nhỏ, cũng biết lưu tâm thăm viếng và giúp đỡ những người đau yếu, vì đó là những việc làm cho chính Chúa.
3. Dẫn vào bài mới: Con người có lúc sẽ đau ốm và bước vào tuổi già. Để ban ơn nâng đỡ phần hồn cũng như phần xác cho những người bệnh hoạn, đau yếu ấy, Chúa Giêsu đã lập Bí tích xức dầu bệnh nhân. Trong bài hôm nay, chúng ta cùng nhau học hỏi về Bí tích xức dầu bệnh nhân.
II. EM NGHE LỜI CHÚA.
A. Dẫn nhập:
Lần kia khi nghe tin Chúa Giêsu đã trở về miền Capharnaum, ông Gia-ia trưởng hội đường đến sụp lạy dưới chân Chúa van xin: “Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài hãy đến đặt tay lên cháu để nó được cứu thoát và được sống”. Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi theo ông. Dọc đường, có mấy người từ nhà ông đến báo tin: “Con gái ông chết rồi”. Đến nơi, Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc, kêu la ầm ĩ. Chúa bước vào nhà và bảo họ: “Đứa bé không chết đâu, nó ngủ đấy”. Mọi người chế nhạo Chúa! Đuổi họ ra, Chúa dẫn cha mẹ và mấy môn đệ vào bên giường đứa bé. Người cầm tay nó và nói: “Này bé, Thầy truyền cho con: chỗi dậy đi”. Lập tức đứa bé đứng dậy và đi lại được vì nó đã 12 tuổi. (x. Mc 5,22-43).
Đây là hình ảnh rất sống động về tâm tình của Chúa Giêsu đối với các bệnh nhân, đặc biệt đối với thiếu nhi: Chúa thương xót các bệnh nhân và muốn cứu chữa họ. Chính tâm tình này đã làm cơ sở cho lệnh truyền của thánh Giacôbê tông đồ dạy các tín hữu thời sơ khai về việc chăm sóc các bệnh nhân. Mời các em đứng, chúng ta cùng lắng nghe lời Chúa.
B. Công bố Lời Chúa:
Lời Chúa trong thư thánh Giacôbê tông đồ (Gc 5,14-15) - Thinh lặng giây lát rồi gợi ý:
Các em thân mến!
Lúc này, trên thế giới có biết bao nhiêu người ốm đau, bệnh tật. Trong giáo xứ chúng ta cũng có rất nhiều bệnh nhân. Có thể trong gia đình chúng ta cũng đang có người đau bệnh. Chúng ta cầu nguyện cho những người chăm sóc họ và cầu nguyện cho các bệnh nhân, đặc biệt là những người nguy tử được lãnh nhận Bí Tích xức dầu.
C. Dẫn giải nội dung giáo lý:
LỜI CHÚA | DIỄN GIẢI | NỘI DUNG LG |
Mt 9, 23-26 Mt 8, 14-15 Ga 9, 1.6.7 Ga 5, 5-9.14 | - Chúa Giê su là lương y tuyệt vời
- Tin Mừng minh chứng cho chúng ta thấy lòng yêu thương Chúa Giêsu dành cho con người, nhất là những người đau yếu, bệnh tật thuộc mọi lứa tuổi, mọi giai cấp. Chúa Giê su là vị lương y tuyệt vời, Người biết rõ bệnh tật là thử thách nặng nề trong cuộc sống. Mời chúng ta cùng mở sách Tin Mừng
- Theo Mt 9, 23-26, Chúa Giê su chữa lành ai ? Cho 1 thiếu nhi
- Chúa Giê su chữa bệnh cho ai, và người ấy đang bị bệnh gì? Bà mẹ vợ ông Phêrô đang lên cơn sốt nặng
- Chữa người đầy tớ của viên bách quân trưởng
- Chúa chữa cho người bất toại 38 năm. Chúa nhắc anh đừng phạm tội nữa.
| Chúa Giê Su yêu thương các bệnh nhân và Người đòi hỏi họ phải có lòng tin. Hội Thánh phải thể hiện lòng nhân từ của Chúa qua việc chăm sóc bệnh nhân và cầu nguyện cho họ |
Mc 6, 13 Gc 5, 14 | - Bí tích xức dầu bệnh nhân
- Như các em đã học trong bài trước, ai đã thiết lập các Bí Tích ? Chúa Giê su.
- Chúa Giê su thiết lập các Bí tích đồng hành với chúng ta trong mọi giai đoạn của cuộc sống và để cứu độ chúng ta. Ngài thương xót và đã chữa lành cho biết bao người đau yếu, bệnh tật.
- Khi trong nhà có người bệnh nặng, gia đình các em thường làm gì? Đi bác sĩ hoặc nhà thương
- Con người có thể xác và tinh thần. Khi đau bệnh, chúng ta đến nhà thương để được chữa trị về thể xác. Còn về tinh thần, Thánh Giacobê khuyên chúng ta thế nào? Mời các em mở Gc 5, 14 … hãy mời các kỳ mục của Hội thánh đến; họ sẽ cầu nguyện cho người ấy, sau khi xức dầu nhân danh Chúa
- Kỳ mục của Hội thánh chính là các Linh Mục. Vậy thừa tác viên của Bí tích Xức dầu bệnh nhân là ai? Các Linh Mục.
| Bí tích Xức dầu bệnh nhân là Bí Tích Chúa Giê su đã lập để ban ơn nâng đỡ bệnh nhân và người già yếu về phần hồn và phần xác (141) |
Cl 1,24 2Cr 4,8-10 Gc 5, 15 | 3. Ơn ích của Bí tích xức dầu bệnh nhân. Người thân của em bé con gái ông Gia-ia lo lắng chạy chữa bệnh nhân mà không được (“em bé đã chết rồi!”). Phép lạ của Chúa Giêsu cho ta xác tín rằng: ngay cả khi con người bất lực, tuyệt vọng thì Thiên Chúa vẫn có thể cứu vớt được. Đây là niềm xác tín đặc biệt về Bí tích xức dầu bệnh nhân vì Bí tích Xức dầu bệnh nhân ban những ơn này: - Một là kết hợp bệnh nhân với cuộc khổ nạn của Chúa Ki-tô để sinh ích cho chính mình và cho Hội thánh - Hai là ban niềm an ủi và lòng can đảm để biết chịu đựng những đau đớn của bệnh tật hoặc tuổi già theo tinh thần Ki-tô giáo - Ba là tha thứ các tội lỗi nếu chưa xưng được, - Bốn là phục hồi sức khỏe phần xác nếu điều này giúp ích cho ơn cứu độ thiêng liêng, - Năm là chuẩn bị cho “cuộc vượt qua” sang cõi sống đời đời. | Chúa Thánh Thần ban ân huệ đặc biệt trong Bí Tích Xức Dầu bệnh nhân để người bệnh tin tưởng, tín thác vào Chúa, chiến thắng cám dỗ và sự sợ chết. |
| 4. Điều kiện: - Một người đang khỏe mạnh và đang đi làm việc bình thường có cần lãnh Bí Tich Xức Dầu không ? Không
- Tại sao? Tại vì Bí Tích Xức dầu bệnh nhân chỉ dành cho những người bệnh nặng đang nguy kịch
- Để tăng hiệu quả của Bí Tích, tùy hoàn cảnh, bệnh nhân có thể lãnh Bí Tích Hòa giải và đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể, như của ăn đàng để giúp họ vững mạnh tiến về nhà Cha
- Vậy, khi người tín hữu lâm cảnh nguy tử vì bệnh nặng hay tuổi già thì nên mời linh mục tới ban Bí tích Xức Dầu cho họ. Các em hãy nhớ cầu nguyện cho bệnh nhân, những người nguy tử, già yếu, nhớ những ơn ích và yêu cầu của Bí tích xức dầu bệnh nhân để biết chăm sóc cho các bệnh nhân trong gia đình và khu xóm để họ được lãnh Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Xức Dầu.
| Khi người tín hữu lâm cảnh nguy tử vì bệnh nặng hay tuổi già thì nên mời Linh Mục tới ban Bí Tích Xức Dầu cho họ (143) |
D. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa luôn tỏ lòng thương xót những người đau khổ và sẵn sàng chữa lành những người bệnh tật. Xin cho chúng con cũng có tâm hồn cảm thông như Chúa để sẵn sàng ủi an, giúp đỡ những người bệnh hoạn, tật nguyền, nhất là giúp họ sốt sắng lãnh nhận bí tích Xức dầu bệnh nhân.
III. EM NHỚ LỜI CHÚA: c. 141-144
IV. EM SỐNG LỜI CHÚA.
1. Sinh hoạt:
2. Thực hành: Em năng cầu nguyện cho những người già yếu bệnh tật trong xứ.
3. Bài làm ở nhà: Hãy viết một lời nguyện với ý cầu cho các người bệnh tật.
V. KẾT THÚC.
………………………………..
Bài 33: ƠN KÊU GỌI
Lời Chúa: “Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9, 37-38).
Ý chính : 1. Ơn kêu gọi là gì ?(Mt 9,35-38).
2. Dấu hiệu ơn kêu gọi (Is 6,1-8 ; Mt 4,18-22 ; 9,9 ; GL.1024 ; 1029 ; 656)
3. Thái độ người trẻ (Mt 4,20.22 ; 9,9)
Tâm tình : Mau mắn, sẵn sàng đáp lại lời mời gọi của Chúa.
Chuẩn bị: Tranh “Chúa gọi Samuel”, hình ảnh linh mục, tu sĩ.
I. ỔN ĐỊNH.
1. Đón tiếp:
2. Thánh hóa: Tiếng gọi của Chúa được coi như là một Ơn gọi để chúng ta dùng ơn Chúa và khả năng Chúa ban, xây dựng đời mình và phục vụ tha nhân. Xin Chúa cho chúng ta luôn có thái độ sẵn sàng lắng nghe và đáp trả lời mời gọi của Chúa.
3. Dẫn vào bài mới: Năm tháng, ngày giờ làm cho mọi người khôn lớn và khơi gợi lên trong tâm hồn những suy nghĩ: khi lớn, tôi sẽ làm gì ? Những khát vọng thầm kín này sẽ làm cho mỗi người chọn lựa một nếp sống. Chúng ta tin rằng: chính Chúa mời gọi mỗi người vào một bậc sống khác nhau: Linh mục, tu sĩ, hay giáo dân. Chúng ta nói: đó là ơn gọi.
II. EM NGHE LỜI CHÚA.
A. Dẫn nhập: (Sử dụng tranh“Chúa gọi Samuel”)
Khi trẻ Samuel dứt sữa, bà Anna dẫn cậu đến nhà Thiên Chúa ở Silô. Samuel lo việc phụng sự Thiên Chúa dưới sự trông nom của Thầy Êli. Vào một đêm nọ, Samuel đang ngủ say thì nghe có tiếng gọi tên mình: “Samuel”. Cậu bừng tỉnh đáp: “Này con đây”. Rồi cậu chạy lại bên Êli và thưa: “Này con đây, Thầy gọi con”. Êli đáp: Ta có gọi con đâu, về nằm đi”. Samuel về ngủ. Cậu lại nghe gọi, đây là lần thứ 2 rồi lần thứ 3. Được Thầy Êli chỉ dẫn, Samuel mau mắn thưa: “Xin Ngài phán dạy, vì tôi tớ Ngài đang nghe”. Và Thiên Chúa lên tiếng chọn gọi Samuel làm ngôn sứ thay thế Êli. Samuel không để rơi xuống đất một lời nào Thiên Chúa phán với cậu (x.1Sm 1,24-28 ; 3,1-21). (cũng có thể kể câu chuyện xức dầu tuyển chọn Đavít trong 1 Sm 16,1-13 ; hoặc ơn gọi Isaia trong Is 6,1-8 ; hoặc ơn gọi Giêrêmia trong Gr 1,4-19).
Thiên Chúa đã chọn gọi Samuel làm ngôn sứ của Người. Chúng ta thấy việc chọn gọi này là một khởi xướng từ Thiên Chúa. Chính vì thế Chúa Giêsu mời gọi chúng ta cầu xin Thiên Chúa sai thêm thợ gặt đến cho đồng lúa của Người. Mời các em lắng nghe - Mời đứng.
B. Công bố Lời Chúa: Mt 9,35-38 - Thinh lặng giây lát rồi gợi ý:
Thánh sử Mattheu phác họa cho chúng ta chân dung một Thiên Chúa đầy lòng thương xót. Ngài chạnh thương khi thấy đoàn dân đông đảo bơ vơ vì không có người hướng dẫn. Chúa Giê su đã ước mong có nhiều người sống như Chúa để phục vụ. Xin Chúa giúp chúng ta nghe được tiếng Chúa mời gọi và luôn sẵng sàng đáp lại lời mời gọi ấy.
C. Dẫn giải nội dung giáo lý:
LỜI CHÚA | DIỄN GIẢI | NỘI DUNG GL |
Mt 9,35 Mt 9,36 Mc 3,13-14 Mt 9,38 Mt 5,48 1 Cr 7,7b Mt 4,18-22 Mc 1,18.20 Mt 16,18 Mc 5, 18-19 1 Cr 12,4-11 1Cr 7,25- 26 | Tiết 1: 1. Ơn kêu gọi là gì ? - Theo Tin Mừng Mt 9,35 các em vừa nghe đọc, Chúa Giê su đã làm gì cho dân chúng và Ngài làm những việc đó ở đâu? Chúa Giê su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền
- Vì sao Chúa Giêsu chạnh lòng thương dân chúng? vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt
- Trước đám đông dân chúng đang khao khát được nghe rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Chúa Giê su đã làm gì? Các em mở Mc 3,13-14 … Chúa Giê su đã chọn gọi nhóm 12 môn đệ theo Ngài, ở với Ngài để được Ngài dạy bảo, và ra đi rao giảng.
- Theo Mt 9,38 những người được Chúa gọi để tiếp tục sứ mạng rao giảng còn được gọi là gì? Thợ gặt
- Đồng lúa ám chỉ ai? Các linh hồn
- Nhờ Bí Tích nào mà mọi Kitô hữu được mời gọi tham dự vào chức vụ Tư tế, Ngôn sứ và Vương Giải? Bí tích Rửa tội
- Chúa Giê su mời gọi chúng ta phải sống thế nào? Mở Mt 5,48 … nên hoàn thiện như Cha trên trời
- Mỗi chúng ta có tính tình, sở thích, năng khiếu khác nhau, vì thế Thiên Chúa cũng mời gọi mỗi người vào một bậc sống khác nhau với những công việc khác nhau. Mời các em mở Tin mừng Mt 4,18-22
+ Chúa Giêsu gọi ai làm các môn đệ đầu tiên? … Anrê và Simon Phêrô, Giacôbê và Gioan + Các môn đệ đã đáp lại lời Chúa Giêsu mời gọi thế nào? … các ông đã bỏ nghề, bỏ cha, bỏ của cải mà đi theo Chúa. + Mời các em mở Tin mừng Mc 5, 18-19. Khi người bị quỉ ám được chữa lành xin đi theo làm môn đệ, Chúa Giê su đã muốn anh làm gì? Ngài muốn anh ở lại với dân làng để làm chứng cho Chúa - Đời sống tu trì ngày nay theo nếp sống của các tông đồ là những người được Chúa mời gọi bỏ gia đình, bỏ nơi ở, bỏ nghề nghiệp mà theo Chúa hay sống giữa đời như người bị quỉ ám được chữa lành? … theo nếp sống của các tông đồ
- Theo 1Cr 12,4-11thì đâu là nguồn gốc mọi ơn gọi? Thiên Chúa. Chúa phân định bậc sống tùy theo mỗi người mỗi cách để làm gì? Để phục vụ ích chung
- Vì sao thánh Phaolo khuyên nhủ: “ở vậy là điều tốt” (“ở vậy” muốn nói đến giáo sĩ và tu sĩ, những người sống độc thân vì Nước Trời)?... vì họ dễ dàng phụng sự Chúa và phục vụ anh em.
GLV nên dùng những ví dụ cụ thể về các Linh mục, tu sĩ đang phục vụ tại Giáo xứ, nhà thương, trại phong, các vùng sâu vùng xa… để giúp các em cảm nhận về ơn gọi hiến thân phục vụ. | Ơn kêu gọi là lời Thiên Chúa mời gọi mỗi người vào một bậc sống nào đó ; nhưng thông thường thì ơn kêu gọi được hiểu là tiếng Chúa mời gọi một số người dâng mình cho Chúa trong bậc tu trì hay trong hàng giáo sĩ. (145) |
Is 6,8 Lc 5, 12 Ga 1, 35-39 Mt 4,18-20 Ga 1, 40-42 Mt 4, 18-20 Mt 9, 9 Cv 1, 21 Cv 6, 3 Cv 16, 2 Cv 1, 15 Cv 6, 2 Cv 14, 23 | 2. Dấu hiệu ơn kêu gọi: Một bác sĩ, một họa sĩ, cầu thủ bóng đá giỏi phải là người ham thích học hành và luyện tập, có năng khiếu và được tuyển chọn để huấn luyện. Thiên Chúa đã chọn gọi Samuel trong giấc ngủ và cậu đã đáp lại tiếng Chúa gọi. Chúa gọi và Isaia ông mau mắn, tự nguyện đáp lại cũng như sẵn sàng đón nhận việc thanh tẩy của Thiên Chúa (Is 6,8). - Theo Lc 5, 12 thì Chúa Giê su đã làm gì trước khi chọn 12 môn đệ? Ngài cầu nguyện suốt đêm.
- Vậy ơn gọi là một sáng kiến của Thiên Chúa. Chính Ngài khởi xướng ơn gọi của chúng ta.
- Ước muốn theo Chúa
- Khi Gioan Tẩy giả giới thiệu Đức Giêsu, Các môn đệ đầu tiên đã làm gì? Đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người. Điều đó cho thấy các ông đang khao khát muốn gặp Đấng Mêsia và ước muốn theo Ngài.
- Các môn đệ đầu tiên đã hành động thế nào trước lời mời gọi của Chúa Giê su?
- Các ông lập tức bỏ nghề nghiệp, của cải, gia đình mà theo Chúa.
- Các ông dẫn anh em mình đến gặp Chúa
- Ông Mathêu mau mắn giã từ nghề thâu thuế
- Ngoài ra, chúng ta thấy có nhiều người khác đã quảng đại cộng tác với các Tông đồ để lo cho Hội Thánh sơ khai. Họ đáp lại lời mời gọi của Chúa để dấn thân phục vụ Nước Trời.
- Có đủ điều kiện Hội Thánh qui định
- Khi muốn lập nhóm “7 phó tế”, các Tông đồ đề nghị dân chúng chọn người có những tiêu chuẩn nào? Được tiếng tốt, đầy Thần khí và sự khôn ngoan.
- Để được đi rao giảng Tin Mưng cùng với Thánh Phaolo, ông Timothê được cộng đoàn chứng nhận thế nào? Chứng nhận là người tốt
- Ngoài dấu hiệu Thiên Chúa gọi và con người tự nguyện đáp lại như trên, ơn kêu gọi còn phải có đủ điều kiện Hội thánh qui định. Hội thánh công giáo qui định những người đã Rửa tội và đủ 25 tuổi mới được lãnh nhận thừa tác vụ thánh (x.GL 1024), chỉ những người đã Rửa tội và đến tuổi trưởng thành mới được khấn dòng (x.GL 656,1) v.v...
- Các Dòng tu cũng có những qui định về tuổi tác, trình độ văn hóa, đời sống đạo đức cho các ứng sinh muốn nhập tu. Ví dụ: phải học xong lớp 12 hoặc tốt nghiệp Đại học, tuổi từ 18-15…
- Được những người có trách nhiệm tuyển chọn
- Sách Công vụ Tông đồ kể lại việc tuyển chọn các cộng sự viên thế nào?
- Phê rô chủ tọa việc chọn người thay thế Giu đa
- Nhóm 12 triệu tập các tín hữu để chọn 7 phó tế
- Phao lô chọn người cai quản các giáo đoàn
- Ngày nay, các thầy chủng sinh muốn đi tu trong chủng viện phải được ban giám đốc chủng viện tuyển chọn qua các kỳ thi tuyển. Chủng sinh được Đức Giám mục giáo phận tuyển chọn vào thừa tác vụ chức thánh. Các bạn trẻ muốn theo ơn gọi tu trì ở Dòng nào cũng phải được Bề trên có thẩm quyền chấp nhận và tuyển chọn khi tu sĩ khấn Dòng.
| Có ba dấu hiệu cho biết một người có ơn kêu gọi: - Một là có ý ngay lành và ước muốn dấn thân phục vụ Chúa - Hai là có đủ điều kiện Hội thánh qui định - Ba là được những người có trách nhiệm tuyển chọn. (146) |
Mt 4, 20.22 ; 9, 9 Lc 2,22 Rm 12,6-8 | 3. Thái độ người trẻ. - Samuel đã tín thác vào thầy cả Êli, cậu sẵn sàng làm theo lời thầy chỉ bảo. Isaia, Giêrêmia... sẵn sàng nghe và mau mắn tự nguyện đáp lại tiếng Chúa. Đặc biệt, gương sáng về đời sống theo Chúa và dấn thân phục vụ Tin Mừng của các Tông đồ là lời mời gọi và thúc đẩy mỗi người quảng đại đáp lại tiếng gọi của Chúa trước những nhu cầu của Hội Thánh. Nhưng để nhận định ý Chúa và theo đúng ơn gọi Chúa muốn, chúng ta cần siêng năng cầu nguyện, suy nghĩ, xin người khôn ngoan chỉ dẫn và sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa.
- Như Đức Maria và Thánh Giuse đã tiến dâng Chúa Giê su trong đền thánh và chu toàn nhiệm vụ giáo dục trẻ Giê su trong việc thực thi thánh ý Chúa Cha, cha mẹ và các nhà giáo dục phải biết bén nhạy khám phá ơn kêu gọi nơi con cái, nơi các học viên và biết tôn trọng và giúp đỡ người trẻ đi theo tiếng Chúa gọi.
Các Dòng tu trong Hội Thánh Có nhiều đặc sủng khác nhau để phục vụ trong Hội Thánh như ngôn sứ, dạy bảo, khuyên răn, phục vụ, bác ái… vì Chúa Thánh Thần luôn tác động và làm phát sinh trong lòng Hội thánh, những cộng đoàn tu trì của từng thời đại theo tinh thần Tin mừng: - Dòng chiêm niệm: Dòng kín Carmêlô, Dòng nam - nữ Xitô, dòng nữ Clara... - Dòng hoạt động: + Chuyên giáo dục: Don Bosco, Lasan, Giuse v.v... + Chuyên giảng thuyết: Đaminh, Chúa Cứu Thế, Dòng Tên... + Chuyên từ thiện, bác ái: Gioan Thiên Chúa, Nữ tử Bác ái... + Các tu hội đời: Tiểu Đệ - Tiểu muội - Hiện diện và sống - ICM... | Người muốn dâng mình cho Chúa phải cầu nguyện, suy nghĩ, xin người khôn ngoan chỉ dẫn và sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa. (147) |
D. Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng ơn Chúa Thánh Thần để khơi dậy trong chúng con ngọn lửa mến Chúa. Xin cho chúng con biết quảng đại hiến dâng đời sống theo tiếng Chúa mời gọi để làm việc trong cánh đồng truyền giáo.
III. EM NHỚ LỜI CHÚA.
- “Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9, 37-38)
- C. 145-147
IV. EM SỐNG LỜI CHÚA.
1. Sinh hoạt:
2. Thực hành: Em luôn cầu nguyện cho có nhiều tâ hồn quảng đại dâng mình cho Chúa.
3. Bài làm ở nhà: …
V. KẾT THÚC.
(GLV có thể khơi gợi lên nhu cầu Truyền giáo và ơn gọi Truyền giáo để mời gọi các em cầu nguyện và dấn thân hỗ trợ, hoặc đi theo ơn gọi).
Hát: Lạy Chúa, xưa Chúa đã phán...
……………………………………………………
Bài 34: BÍ TÍCH TRUYỀN CHỨC THÁNH
Lời Chúa: “Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội” (Dt 5, 1).
Ý chính : 1. Bí tích Truyền chức thánh là gì ?(Dt 4,14-5,4).
2. Chức tư tế (1 Pr 2,4a-5).
3. Thái độ người tín hữu đối với chủ chăn (Cv 2,42).
Tâm tình : Qúi trọng ơn gọi linh mục, tu sĩ.
Chuẩn bị: Tranh Chúa Kitô mục tử.
I. ỔN ĐỊNH.
1. Đón tiếp:
2. Thánh hóa: Lạy Chúa, ý định của Chúa là muốn cho mọi người được cứu rỗi. Chúng con nài xin Chúa ban cho Hội Thánh có nhiều ơn gọi mới sẵn sàng dấn thân phục vụ Dân Chúa, và cho các vị mục tử trong Hội Thánh luôn sống đúng với ơn gọi đã lãnh nhận, để trở thành những mục tử như lòng Chúa mong muốn.
3. Dẫn vào bài mới: Tuần trước, chúng ta học bài ơn kêu gọi. Trong đó, chúng ta thấy có những người được Chúa gọi vào đời sống tu dòng, có người được gọi làm giáo sĩ qua Bí tích Truyền chức thánh. Hôm nay chúng ta học về Bí tích Truyền chức thánh.
II. EM NGHE LỜI CHÚA.
A. Dẫn nhập:
Một phóng viên báo chí Anh quốc, người đã bị bắt giam trong một trại tù ở một quốc gia nọ, kể lại câu chuyện sau:
Đời sống của chúng tôi trong trại giam thật là cơ cực. Chúng tôi phải lao động vất vả, nhiều khi còn bị đánh đập tàn nhẫn. Trong trại có một linh mục tên là Shah, cũng là một tù nhân. Cha Shah là một người giàu lòng bác ái, ngài không phải là người cường tráng, nhưng luôn sẵn sàng lãnh phần nặng hơn trong mọi công việc. Ngài luôn vui vẻ, động viên anh em vui tươi, đoàn kết, yêu thương nhau. Trong trại ai cũng quí mến ngài.
Không hiểu sao cha Shah lại biết tôi là người công giáo. Một hôm, giữa tiết Đông giá rét, vào giờ giải lao, cha Shah đến cầm tay tôi và nói:
- Hôm nay là lễ Giáng sinh! Hãy đi với tôi, chúng ta cùng dâng Thánh lễ.
Tôi bước theo ngài. Chúng tôi cùng xuống một cái hố sâu. Ngài đặt rượu bánh trên một mô đất, giữa cảnh hoang tàn giá rét. Ngài dâng lễ, đưa Mình Thánh lên cao, nét mặt sáng ngời. Tôi chăm chú nhìn, rồi tự nhiên đầu gối tôi khuỵu xuống. Tôi quỳ, tôi cầu nguyện, tôi ăn năn sám hối. Mắt tôi nhòa lệ. Lòng tôi ấm áp hẳn lên...
Trên đường về chỗ cũ, một tên lính trông thấy chúng tôi. Hắn chặn lại, túm cổ cha Shah và hỏi:
- Mày đi đâu về?
- Hôm nay là ngày lễ Giáng sinh; giờ giải lao tôi đi cầu nguyện.
Tên lính đánh ngài một trận chí tử. Hắn dẫn ngài đi.
Từ hôm ấy, tôi không còn gặp cha Shah nữa, nhưng tôi không bao giờ quên được cảnh tượng chiều hôm ấy. Cũng từ hôm đó, đức tin đã sống lại trong tôi.
Các linh mục là những người được Chúa Giêsu tuyển chọn, để qua con người và cuộc sống cụ thể của các ngài, Chúa Giêsu tiếp tục sứ mạng cứu độ của Người, dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội cho muôn người như tác giả thư gửi tín hữu Do thái đã bày tỏ. Mời các em lắng nghe - mời đứng.
B. Công bố Lời Chúa: Dt 4, 14-5.4 - thinh lặng giây lát rồi gợi ý:
Thượng tế là người được Thiên Chúa chọn gọi trong số người phàm và được đặt lên làm đại diện cho loài người để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội. Chúng ta xin Chúa Giêsu Kitô là vị Thượng tế siêu phàm ban ơn nâng đỡ các Linh Mục và cho chúng ta cũng biết cộng tác với cha xứ để xây dựng Nước Trời và góp phần làm cho giáo xứ chúng ta ngày càng thêm thăng tiến.
- Dẫn giải nội dung giáo lý:
LỜI CHÚA | DIỄN GIẢI | NỘI DUNG GL |
Xh 28, 1-3 Ds 1,49-53 Mc 3,14 Lc 22,19 Ga 20,23 Mt 28,19 2Tm 1,6 Tt 1,5 | 1. Bí tích Truyền chức thánh là gì ? - Chức tư tế thánh có nguồn gốc từ trong Cựu ước khi Thiên Chúa muốn dành riêng Aharon và dòng họ Lêvi làm tư tế. Tuy nhiên, hàng tư tế của giao ước cũ này chỉ là hình ảnh báo trước chức tư tế thánh trong giao ước mới do Chúa Giêsu thiết lập.
- Chúa Giêsu đã chọn nhóm Mười Hai để làm gì? để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng Tin Mừng Nước TC.
- Chúa đã trao cho các ông những quyền nào?
- Cử hành Thánh Thể (trong bữa Tiệc ly)
- Tha tội (khi Người từ cõi chết sống lại)
- Làm phép rửa cho muôn dân (trước khi Người lên trời).
- Bằng những cử chỉ và lệnh truyền ấy, Chúa Giêsu đã lập ra Bí tích Truyền chức thánh, Người thông ban chức Linh mục thừa tác cho những người tín hữu được tuyển chọn hầu phục vụ dân Chúa bằng việc giảng dạy, tế tự và điều hành mục vụ.
- Các tông đồ tuyển chọn những người kế vị thế nào? đặt tay ban Thánh Thần
- Những người kế vị các Tông đồ là các Giám mục. Các Giám mục lại đặt tay tuyển chọn một số tín hữu đủ điều kiện vào chức linh mục thừa tác và phó tế.
| Bí tích Truyền chức thánh là Bí tích Chúa Giê-su đã lập để thông ban chức linh mục cho những người được tuyển chọn, hầu phục vụ Dân Chúa bằng việc giảng dạy, tế tự và điều hành mục vụ. (148) Chúa Giê-su lập Bí tích Truyền chức thánh trong bữa tiệc sau hết, khi Người nói với các tông đồ rằng: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22,19). (149) |
1Pr 2,4-5 Rm 12, 1 Mc 10, 43-45 Lc 22, 19 Cv 6,6 Cv 14, 23 | - Chức tư tế
- Chức tư tế chung
- Khi lãnh nhận Bí Tích rửa tội, ta được tham dự vào chức năng hay còn gọi là sứ mạng nào của Chúa Ki tô? Tư tế, vương đế và ngôn sứ
- Thiên Chúa đặt chúng ta làm hàng tư tế thánh, có nhiệm vụ dâng lễ tế lên Thiên Chúa. Chức tư tế này gọi là chức tư tế chung (tư tế phổ quát) nghĩa là cho tất cả mọi Ki tô hữu
- Các em có quyền tới nhà thờ dâng lễ và tham dự nghi thức phụng vụ của Hội thánh để tôn thờ, chúc tụng, cầu nguyện và cảm tạ Chúa không? Có.
- Thánh Phaolô giới thiệu cho chúng ta một cách thức xứng hợp để thờ phượng Thiên Chúa. Đó là cách nào?... hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa.
- Như vậy, việc dâng Thánh lễ không chỉ kết thúc khi chúng ta ra về nhưng Thánh lễ kéo dài trong cuộc sống chúng ta.
- Tư tế thừa tác
- Mọi tín hữu đều tham dự vào chức tư tế chung của Chúa Ki-tô khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, nhưng chỉ một số người được Thiên Chúa tuyển chọn và được Hội Thánh ban Bí Tích truyền chức mới trở thành tư tế thừa tác để nhân danh Chúa Kitô và Hội thánh mà phục vụ cộng đoàn.
- Thời giáo hội sơ khai, trước khi ủy thác cho các Phó tế thi hành nhiệm vụ nhân danh Đức Kitô, các tông đồ tuyển chọn họ thế nào? Cầu nguyện và đặt tay. (Việc đặt tay chỉ sự thánh hiến và trao quyền).
- Về việc chọn các Kỳ mục thì sao? Các kỳ mục được chọn sau khi đã ăn chay cầu nguyện và được phó thác cho Chúa
- Các tư tế thừa tác thi hành chức vụ nhân danh Chúa Ki tô vì do Bí Tích Truyền Chức Thánh, khi các thừa tác viên như các Giám mục, các Linh mục thi hành chức vụ trong Hội Thánh thì chính Đức Ki tô hiện diện với tư cách là đầu của thân thể, là thượng tế của hy tế cứu độ và là thầy dạy chân lý.
| Chức tư tế chung là sự tham dự vào chức tư tế của Chúa Ki-tô khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội.(150) Chức Tư tế thừa tác là sự tham dự vào chức tư tế của Chúa Ki-tô qua Bí tích Truyền chức thánh, để phục vụ cộng đoàn nhân danh Chúa Ki-tô. (151) |
| - Ba cấp bậc của Bí Tích Truyền Chức
- “Thừa tác vụ do Thiên Chúa thiết lập trong Hội Thánh được th hành bởi những người có chức vụ khác nhau mà từ xưa được gọi là: Giám mục, Linh mục và Phó tế” (LG 28). Như vậy, chức thánh chỉ có một nhưng gồm 3 cấp bậc: Giám mục, Linh mục (tư tế thừa tác) và Phó tế (cấp bậc phục vụ).
- Giám mục: là người đại diện Chúa Ki tô, kế vị các Tông đồ. Khi được tấn phong, các Giám mục lãnh nhận trọn vẹn Bí tích truyền chức (chức tư tế tối cao). Dưới quyền lãnh đạo của thủ lãnh Hội Thánh hoàn vũ là Đức Giáo hoàng, các Giám mục họp thành Giám mục đoàn.
Đức Giáo hoàng có phải là Giám mục không? Phải, ngài là Giám mục Roma - Linh mục: Được tham dự chức tư tế sung mãn của Giám mục và trở thành cộng tác viên trực tiếp của hàng Giám mục trong việc chu toàn sứ mạng Tông đồ do Chúa Ki tô ủy thác. Dưới quyền lãnh đạo của Đức Giám mục Giáo phận, các Linh mục họp thành Linh mục đoàn.
- Phó tế : Nhờ Bí tích truyền chức thánh, các phó tế được hiệp thông và phụ giúp các Giám mục và Linh mục trong việc phục vụ cộng đoàn dân Chúa bằng việc phụng vụ, giảng dạy và bác ái như: công bố và rao giảng Tin Mừng, chúc lành cho các đôi tân hôn, chủ tọa nghi lễ an táng...
Có 2 loại Phó tế: - Phó tế vĩnh viễn : Có thể sống đời hôn nhân gia đình
- Phó tế để lãnh tác vụ Linh mục (chuyển tiếp)
| Từ ban đầu, Bí tích Truyền chức thánh đã bao gồm ba cấp bậc là: Giám mục, Linh mục và Phó tế. (152) |
Cv 2, 42 Cv 12,12 Cv 16,1-3 Pl 4,10-20 | - Bổn phận với chủ chăn
- Các tín hữu thời các thánh Tông đồ đã có thái độ sống thế nào với các chủ chăn? - Chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, sống hiệp thông, yêu thương, hoà thuận, siêng năng tham dự thánh lễ - Cầu nguyện cho các chủ chăn - Cộng tác trong công việc tông đồ - Trợ giúp về vật chất - Hôm nay, từng người giáo dân và tất cả cộng đoàn hãy biết hy sinh, nhiệt thành, yêu mến, vâng phục và cộng tác với chủ chăn mà sống tốt và xây dựng Hội Thánh. - Chủ chăn trong Giáo xứ chúng ta là ai? Em sẽ làm gì để thăng tiến bản thân, để cộng tác với cha xứ với vị chủ chăn trong Giáo xứ ? Em cầu nguyện cho cha xứ, chăm chỉ học, sống giáo lý, chuẩn bị tốt lãnh nhận Bí tích Thêm sức, siêng năng tham dự Thánh lễ và yêu thương hiệp nhất… | Người tín hữu có bổn phận cầu nguyện, tôn kính, vâng lời các vị chủ chăn trong các điều hợp lẽ đạo, tích cực cộng tác xây dựng Nước Chúa, đồng thời cũng phải giúp đỡ các ngài về tinh thần và vật chất nữa. (153) |
D. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu Linh mục Thượng phẩm, Chúa đã tuyển chọn một số người vào chức Linh mục của Chúa để tiếp tục thờ phượng Thiên Chúa và cứu rỗi loài người. Xin Chúa cho các Ngài luôn sống thánh và chu toàn bổn phận.
III. EM NHỚ LỜI CHÚA.
IV. EM SỐNG LỜI CHÚA.
1. Sinh hoạt:
2. Thực hành: Thánh Têrêsa Hài đồng đã dành nhiều hy sinh và lời nguyện cho các Linh mục, nhất là các Linh mục thừa sai. Noi gương thánh nữ, em nhớ cầu nguyện cho các Linh mục vào ngày thứ năm đầu tháng.
3. Bài làm ở nhà: Hỏi ba má để viết lại tên các cha đã coi sóc giáo xứ của em.
V. KẾT THÚC: Chúa Giêsu lập Bí tích Truyền chức thánh, để có người tiếp tục sứ mạng Người đã làm ở trần gian: rao giảng, cai quản và thánh hóa dân của Người. Chúng ta năng tham dự thánh lễ để lấy nguồn sinh
lực từ bàn tiệc Lời và Mình Máu Chúa Kitô làm của nuôi linh hồn chúng ta. Kinh Sáng Danh...
……………………………………..
Bài 35: BÍ TÍCH HÔN PHỐI
Lời Chúa: “Sau đó, Đức Giê-su đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su thì ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc 2,51-52)
Ý chính : 1. Bí tích Hôn phối (Lc 2,51-52).
2. Gia đình (Mc 10,2-8).
3. Gia đình Kitô giáo (Ep 5,21-22.25.32 ; 6,1-4).
Tâm tình : Cảm tạ, tri ân Chúa đã ban cho em một cuộc sống hạnh phúc trong gia đình Kitô giáo.
Chuẩn bị: Tranh Thánh Gia Thất.
I. ỔN ĐỊNH.
1. Đón tiếp:
2. Thánh hóa:Thiên Chúa kêu gọi nhiều người chia sẻ cuộc sống với nhau trong bậc Hôn nhân, trong đó có cha mẹ chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho các gia đình trở thành Hội Thánh sống động tại gia, để Chúa được vinh hiển và thế giới được an bình.
3. Dẫn vào bài mới: Các em đang sống trong gia đình có cha, có mẹ, có anh chị em. Cuộc sống này đã được khởi đầu bằng Bí tích Hôn phối mà chúng ta cùng nhau học hỏi.
II. EM NGHE LỜI CHÚA.
A. Dẫn nhập:
Ông Piô đã đến tuổi 70, ông không lập gia đình. Vốn là một thủy thủ, suốt cuộc đời, ông say mê lênh đênh trên biển cả, nên đã chẳng có nhà riêng. Cháu trai của ông tên Jack rất thương bác Piô, anh bàn với vợ và 5 đứa con của mình, mời bác Piô về cùng chung sống. Mọi người đồng ý và bác Piô về sống với gia đình Jack. Cuộc sống gia đình đầm ấm, vui vẻ... một chiều kia, bác Piô nằm trên giường bệnh gọi Jack đến cám ơn Jack và trao cho Jack một bì thư với lời dặn: khi bác chết rồi, cháu mở thư ra mà làm theo. Bác chỉ cho cháu chỗ giấu kho báu đấy! Ít ngày sau bác Piô chết. Sau khi lo liệu an táng cho bác, Jack kêu vợ và các con lại để mở thư di chúc của bác Piô.
Tim Jack đập mạnh, tay run run, đó là một bản đồ với lời ghi: kho báu cất giấu ở điểm A. Jack và gia đình cố gắng tìm ra nơi cất giấu kho tàng. Sau cùng thì Jack xác định được địa điểm: đó chính là căn nhà của chàng, nơi mà chàng và vợ con đang sống!
Gia đình của Jack là kho báu, vì mọi người trong gia đình luôn noi gương gia đình Đức Maria - thánh Giuse và Chúa Giêsu như thánh Luca ghi lại - mời các em đứng và cùng đọc Lc 2,51-52.
B. Công bố Lời Chúa: Lc 2,51-52 - thinh lặng giây lát rồi gợi ý:
Chúa Giê su đã sống những ngày thật hạnh phúc bên Thánh Giuse và Mẹ Maria. Chúng ta cầu xin Chúa cho gia đình chúng ta và cho tất cả các gia đình trên thế giới được tràn đầy hạnh phúc để làm sáng danh Chúa và gia đình trở thành một Hội thánh thu nhỏ.
C. Dẫn giải nội dung giáo lý:
LỜI CHÚA | DIỄN GIẢI | NỘI DUNG GL |
Ga2,1-11 Mt 19,1-9 Mt 19,11 | 1. Bí tích Hôn phối - Đầu đời công khai rao giảng Tin Mừng, Chúa Giê su đã cùng Đức Mẹ và các môn đệ dự tiệc cưới ở đâu? Cana
- Tại đây đã xảy ra sự kiện gì? Tiệc cưới hết rượu và Chúa Giê su làm phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu ngon.
- Sự hiện diện của Chúa Giê su tại tiệc cưới là để nhìn nhận và thánh hóa đời sống hôn nhân. Ngài xác định tính bền vững của Hôn phối: ngay từ thuở ban đầu, Thiên Chúa tạo dựng con người có nam có nữ và chính Chúa phối hợp họ với nhau nên người nam và người nữ ấy cũng như anh chị của các em khi kết hôn thì rời khỏi gia đình cha mẹ để lập nên một gia đình mới.
- Chính Chúa Giê su đã lập Bí tích hôn phối và nâng đỡ đời sống gia đình bằng ân sủng và sức mạnh của Người để họ hiểu được giá trị cao cả của đời sống hôn nhân và gia đình mà ý thức chu toàn nghĩa vụ trong đời sống họ chọn lựa.
- Như vậy, Bí tích Hôn phối là Bí tích Chúa Giê-su đã lập để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ, thành vợ chồng trước mặt Chúa và Hội thánh, cùng ban cho họ sống xứng đáng ơn gọi của mình.
| Bí tích Hôn phối là Bí tích Chúa Giê-su đã lập để kết hợp hai người tín hữu, một nam một nữ, thành vợ chồng trước mặt Chúa và Hội thánh, cùng ban cho họ sống xứng đáng ơn gọi của mình. (154) |
Mc 10,2-8 | 2. Gia đình - Lần kia, khi một người bạn khoe những viên ngọc đẹp nhất của thời đại và rất đắt giá của bà, bà Cornêlia, mẹ của Grac-xi chỉ vào những đứa con của mình chúng từ trường trở về và giới thiệu với khách: đây là những viên ngọc của tôi. (trích Góp nhặt 7 tr. 66).
- Bà Cornêlia dám giới thiệu như thế vì bà và chồng bà đã sống đặc tính căn bản của đời sống Hôn nhân là gắn bó chung thủy với nhau. Nhiều gia đình Ki tô hữu hợp lại thánh Giáo xứ, nhiều gia đình sống chung với nhau thành xã hội.
- Chúa Giêsu cho biết: ngay từ thời sáng tạo, gia đình đã là một cộng đồng yêu thương căn bản mà Thiên Chúa đã sắp đặt cho nhân loại. Thiên Chúa đã tạo dựng con người có nam có nữ, và trong Hôn nhân gia đình, 2 người thành một xương một thịt. Như thế, “Thiên Chúa đã đặt gia đình làm nguồn gốc và nền tảng cho xã hội loài người, nên gia đình trở thành tế bào đầu tiên và sống động của xã hội...”. Chính giữa lòng gia đình đã sinh ra các công dân, và chính trong gia đình mà các công dân ấy lần đầu tiên thực tập các nhân đức xã hội, là linh hồn cho sinh hoạt và sự phát triển của xã hội” (T.H. về Gia đình số 42).
- Gia đình là chiếc nôi đầu tiên dạy con người biết sống yêu thương. Một gia đình mà sống không hòa thuận thì sẽ xảy ra chuyện gì? Cãi nhau, mất hạnh phúc…. Gia đình có vai trò rất quan trọng trong đời sống mỗi người, nhất là đối với con cái vì “Thuận vợ, thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”, “Con mất cha như nhà mất nóc”, “Con mất mẹ, liếm lá gặm xương !”
| Gia đình là cộng đồng yêu thương căn bản mà Tạo Hoá đã xếp đặt cho nhân loại, là tế bào đầu tiên và là nền móng để xây dựng một xã hội bền vững. (155) |
Ep 6, 1-4 Ga 17,10 Mt 18,19-20 Ga 13, 1-16 Ga 13, 34-35 | 3. Gia đình Kitô giáo: - Theo các em, một gia đình Ki tô giáo phải sống thế nào? Mỗi thành viên trong gia đình phải cư xử với nhau làm sao cho đúng?
- Gia đình Nazaret là mẫu gương cho các gi đình công giáo. Trong gia đình, mọi người yêu thương và mang đến hạnh phúc cho nhau. Các em đóng vai trò của ai trong gia đình Nazaret? Chúa Giê su.
- Sau khi khuyên bảo những người sống đời hôn nhân nhìn vào màu nhiệm Chúa Ki tô và Hội Thánh để sống yêu thương nhau, Thánh Phao lô khuyên kẻ làm con phải sống thế nào? Các em đọc Ep 6, 1-4… Hãy vâng lời, tôn kính cha mẹ
- Gia đình Kitô hữu còn được mời gọi sống tình yêu hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi, được tham dự vào chức năng và sứ mệnh mà Chúa Ba Ngôi đã trao cho Hội thánh: Chúa Kitô liên kết những người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội thành một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất như những chi thể của một thân thể duy nhất là Hội thánh. Vì thế, gia đình Kitô hữu được gọi là “Hội thánh tại gia”.
- Theo mẫu mực của gia đình Ba Ngôi, trong tình yêu thương hiệp nhất, gia đình Kitô hữu quây quần bên nhau sáng tối để dâng lên Thiên Chúa những kinh nguyện, những vui buồn sướng khổ, những lao nhọc vất vả, những phấn đấu sống đúng với chức năng của mỗi người. Và như vậy, gia đình chu toàn sứ mệnh ngôn sứ của Hội thánh
- Trong tình yêu thương hiệp nhất, gia đình noi gương Chúa Kitô, tập tinh thần phục vụ nhau và phục vụ mọi người như Chúa Kitô đã phục vụ Hội thánh đến hiến mạng sống mình
- Trong tình yêu thương hiệp nhất, bằng đời sống bác ái, gia đình Kitô hữu làm cho mọi người chung quanh nhận ra tình yêu của Thiên Chúa và mời gọi họ đón nhận tình yêu ấy
Là thiếu nhi Thánh Thể, em luôn nhìn vào gương Chúa Giê su để sống ngoan thảo, kính trên nhường dưới và cầu nguyện cho mọi người trong gia đình. | Gia đình Ki-tô giáo là một cộng đồng tình yêu theo hình ảnh hiệp thông của Thiên Chúa Ba Ngôi. Thứ đến, gia đình Ki-tô giáo thể hiện cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội thánh. Vì thế, gia đình Ki-tô giáo được gọi là “Hội thánh tại gia”. (156) Gia đình Công giáo được gọi là “Hội thánh tại gia” vì cũng như Hội thánh, gia đình là cộng đoàn ân sủng và cầu nguyện, là trường dạy các đức tính nhân bản và siêu nhiên, là cộng đoàn truyền giáo. (157) |
D. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chọn cuộc sống gia đình để đến trần gian thực hiện ơn cứu độ, nâng cao phẩm giá và ơn gọi gia đình. Xin Chúa chúc lành cho các gia đình công giáo và giúp họ biết phản ánh tình yêu của Chúa đối với Hội thánh.
III. EM NHỚ LỜI CHÚA.
- “Đức Giê-su đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su thì ngày càng khôn lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến” (Lc 2,51-52).
- Số 154- 157.
IV. EM SỐNG LỜI CHÚA.
1. Sinh hoạt:
2. Thực hành: Em luôn sốt sắng tham dự giờ kinh gia đình để góp phần làm cho gia đình em trở thành Hội thánh tại gia.
3. Bài làm ở nhà: Em ghi tên thánh, họ, gọi của mọi người trong gia đình em vào tập bài làm.
V. KẾT THÚC:
………………………………………….
Bài 36: BÍ TÍCH THÊM SỨC
Lời Chúa: “Khi ông Phao-lô đặt tay trên họ, thì Thánh thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri” (Cv 19,6).
Ý chính : 1. Bí tích Thêm sức.
2. Thừa tác viên và nghi thức.
3. Dấu ấn Thêm sức.
4. Người lãnh nhận Bí tích Thêm sức.
Tâm tình : Ao ước và chuẩn bị chu đáo để lãnh nhận Bí tích Thêm sức.
Chuẩn bị: Tranh Chúa Thánh Thần hiện xuống và hình ảnh Đức Giám Mục đang ban Bí tích Thêm sức.
I. ỔN ĐỊNH.
1. Đón tiếp:
2. Thánh hóa:
- Nhờ Bí tích Thêm sức, chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần một cách sung mãn, để chúng ta ý thức sâu xa hơn vinh dự làm con Thiên Chúa và Hội Thánh. Các em hãy xin Chúa ban tràn ngập tâm hồn chúng ta Thần Khí và sức sống của Chúa.
- Hát kinh Chúa Thánh Thần.
3. Dẫn vào bài mới: Chúng ta bước vào giai đoạn chót của chương trình giáo lý cấp II: chuẩn bị gần lãnh nhận Bí tích Thêm sức là giai đoạn đánh dấu sự trưởng thành của người tín hữu. Vì thế, mời các em chăm chú, tích cực hơn trong các giờ học, chuẩn bị tâm hồn để lãnh nhận những hồng ân của Chúa Thánh Thần và trở nên những chứng nhân của Chúa Giêsu Kitô.
II. EM NGHE LỜI CHÚA.
A. Dẫn nhập:
Tại một vương quốc nọ, triều đình làm lễ phong vương cho vị hoàng tử trẻ kế vị vua cha đã băng hà. Các khách mời dự tiệc lên tặng quà cho tân vương. Trong các món quà, có một chiếc vòng kỳ diệu. Ai đeo nó, mỗi khi làm gì không đúng sẽ bị chích vào tay và nếu làm việc tốt thì ánh sáng của chiếc vòng sẽ loé sáng lên. Vị tân vương thích thú đeo ngay vào tay. Trong nhiều năm, nhờ sự khích lệ của chiếc vòng kỳ diệu, nhà vua luôn được thần dân yêu mến, đất nước thái bình thịnh vượng.
Một thời sau, nhà vua thường bị chiếc vòng chích vào tay. Nhà vua tự nghĩ: “Ta là vua, uy quyền lớn lao, thần dân tuân phục hoàn toàn, tại sao ta phải lệ thuộc chiếc vòng này”? Vua vứt bỏ chiếc vòng để sống tự do thỏa thích, tự do ban hành luật lệ hợp với ý riêng mình. Chẳng bao lâu đất nước ngày càng loạn lạc, trăm họ khổ sở ta thán. Khi vua bệnh nặng, thầy thuốc cho biết bệnh tình rất trầm trọng, nhà vua chợt nghĩ đến thời oanh liệt của mình. Đầy hối hận, ông vội cho tìm lại chiếc vòng kỳ diệu nhưng không còn kịp nữa! Vua đã từ trần.
Các em thân mến, trong đời sống làm con Chúa, chúng ta được Chúa ban nhiều món quà còn quí giá hơn chiếc vòng kỳ diệu của nhà vua kia. Món quà của các em là gì? Các em có muốn nhận không? Chúng ta lắng nghe sách Công vụ Tông đồ (Cv 19,1-7) giới thiệu về món quà ấy nhé! - Mời đứng và cùng đọc.
B. Công bố Lời Chúa: Cv 19,1-7
C. Dẫn giải nội dung giáo lý:
LỜI CHÚA | DIỄN GIẢI | NỘI DUNG GL |
Cv 19, 1-7 Ga 16,4-15 Ga 20,22 Cv 2,1-12 Lc 24, 45-49 | 1. Bí tích Thêm sức: - Lời Chúa các em vừa nghe đọc thuật lại sự việc gì? Thánh Phaolô ban Bí tích Rửa tội cho 12 tín hữu tại Êphêxô đã nhận phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Giả. Khi ông đặt tay trên họ, Chúa Thánh Thần đã ngự đến biến đổi họ.
- Chúa Thánh Thần là ai? Chúng ta đã học trong bài 9, em nào có thể nhắc lại? Chúa Thánh Thần là Ngôi thứ Ba, bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra. Người là Thiên Chúa thật, cùng một bản tính và một quyền năng như hai Ngôi cực trọng ấy
- Chúa Giêsu hứa ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ khi nào? Trước khi chịu chết
- Lời hứa trao ban Thánh Thần được thực hiện khi nào và thực hiện thế nào? Sau Phục sinh, Người thổi hơi vào các ông, sai các ông đi rao giảng và làm chứng Chúa đã Phục Sinh
- Theo sách Công vụ, Chúa Thánh Thần được ban cho các Tông đồ cách công khai và long trọng khi nào? Vào ngày lễ Ngũ tuần
- Sau Khi Chúa Thánh thần ngự xuống, điều kỳ diệu nào đã xảy ra nơi các Tông đồ? Các ông nói được nhiều thứ tiếng, mạnh dạn rao giảng Lời Chúa và nhiều người xin chịu phép rửa.
- Các Tông đồ ban Chúa Thánh Thần cho các tín hữu. Ngày nay, Hội thánh trao ban Bí tích Thêm sức cho các tín hữu, vậy có mấy Thánh Thần? Chỉ có một Thánh Thần, nhờ Chúa Thánh Thần, người Ki tô hữu sống Bí tích Rửa tội cách hoàn hảo hơn, liên kết mật thiết với Hội thánh và làm chứng cho Chúa Kitô.
| Bí tích Thêm sức là Bí tích Chúa Giê-su đã lập để ban Chúa Thánh Thần, giúp người tín hữu sống hoàn hảo hơn Bí tích Rửa tội, liên kết mật thiết với Hội thánh và làm chứng cho Chúa Ki-tô. (158) |
Cv 8,18-21 Cv 10,44-47 | 2. Thừa tác viên và nghi thức: a. Thừa tác viên: - Người ta bảo có tiền mua tiên cũng được, vậy tiền có mua được quyền ban Bí tích Thêm sức không? Không, câu chuyện phù thủy Simon là ví dụ - Vậy ai có quyền ban Bí tích Thêm sức? các tông đồ. - Các Đức Giám Mục là những người kế vị các tông đồ nên có quyền ban Bí tích Thêm sức. Giáo luật 1983 điều 883 xác định: Cha Giám quản Giáo phận, Cha Tổng Đại diện, Cha Đại diện Giám mục trong những trường hợp được luật qui định và một số linh mục cũng có quyền ban Bí tích Thêm sức trong trường hợp: - Các linh mục khi Rửa tội cho người lớn.
- Các linh mục được vị có thẩm quyền ủy quyền.
- Các linh mục khi gặp trường hợp nguy tử.
b. Nghi thức: - Nghi thức là những tác động, cử chỉ Hội Thánh dùng để làm sáng tỏ ý nghĩa thiêng liêng trong Thánh Lễ và các Bí Tích. - Khi ban Bí tích Thêm sức, chủ lễ làm những nghi thức sau: - Một là đặt tay trên đầu thỉnh viên và cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần xuống. (Các Tông đồ xưa đạt tay để ban Thánh Thần cho các tân tòng)
- Hai là xức dầu trên trán theo hình Thánh giá và đọc: “Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”. Dầu là dấu chỉ của sự sung mãn, niềm vui, sức mạnh và hiến thánh. Dầu đem lại sự dẻo dai, chữa lành bệnh tật. Dầu thánh do Đức Giám mục xức trong Bí tích Thêm Sức cùng với lời đọc kèm theo ban cho người tín hữu lãnh nhận ấn tín bất diệt của Chúa Thánh Thần để trở nên chiến sĩ của Đức Ki tô và can đảm bênh vực đức tin.
- Ba là chúc bình an.
- Còn về phía thụ nhân: với tâm tình sốt mến đáp lại AMEN khi chủ sự ban Bí tích và thưa “và ở cùng cha” đáp lại lời chúc bình an của vị chủ sự. | Thừa tác viên ban Bí tích Thêm sức thông thường là Giám mục và những Linh mục được chỉ định; nhưng trong trường hợp khẩn cấp thì bất cứ Linh mục nào cũng đều có nhiệm vụ ban Bí tích này (159) Khi ban Bí tích Thêm sức, vị chủ lễ làm những nghi thức này: - Một là đặt tay trên đầu thỉnh viên và cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần xuống. - Hai là xức dầu trên trán và đọc: “Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”. - Ba là chúc bình an. |
2Cr 1,21-22 Ep1,13; 4,30 Ga 6, 27 | 3. Dấu ấn Thêm sức: - Phụng vụ dùng những dấu chỉ bề ngoài để ban ơn thánh bên trong. Mỗi dấu chỉ có ý nghĩa riêng.
- Khi ban Bí tích Thêm sức thì cử hành những nghi thức nào? đặt tay và cầu nguyện, xức dầu trên trán và đọc: “Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”. Sau cùng là chúc bình an.
- Ta chịu Bí tích Rửa tội mấy lần? Tại sao? 1 lần, vì Bí tích này ghi một dấu ấn thiêng liêng không tẩy xóa được
- Thánh Phaolô nhắc lại cho tín hữu thuộc giáo đoàn Êphêxô
nhớ: “Tin mừng cứu độ họ đã được nghe giảng. Giờ đây, nếu họ tin theo, họ sẽ được đóng ấn của Chúa Thánh Thần, dấu ấn của lời hứa cứu độ”. Việc xức dầu trong Bí tích Thêm Sức ghi trong linh hồn người lãnh nhận một dấu ấn tức là ấn tín thiêng liêng của Chúa Thánh Thần để xác nhận họ thuộc về Chúa Ki tô và được Thiên Chúa bảo vệ. Dấu ấn này là dấu ấn thiêng liêng không thể xóa, vì thế chúng ta chỉ được lãnh nhận Bí tích Thêm sức một lần mà thôi. - Chúa Giê su có được ghi dấu ấn nào đặc biêt không? Có, Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận nơi Ngài
| Cũng như Bí tích Rửa tội, Bí tích Thêm sức in trong linh hồn người tín hữu một dấu ấn thiêng liêng không thể xóa được. (161) |
Cv 8,14-17 Cv 10,1-2 | 4. Người lãnh nhận Bí tích Thêm sức - Nhóm tín hữu ở Samaria thời các tông đồ có điều kiện cần thiết nào để được các tông đồ đã ban Bí tích Thêm sức? Họ đã đón nhận lời Thiên Chúa, đã chịu phép Rửa tội
- Ông Côlêliô thì sao? Dù chưa lãnh nhận Bí tích Rửa tội nhưng ông là người sống bác ái và hăng say cầu nguyện.
- 2 điều kiện cơ bản phải có để được lãnh nhận Bí tích Thêm sức là: đã chịu phép Rửa tội và hiểu biết bổn phận của người lãnh nhận Bí tích Thêm sức, nghĩa là đã học giáo lý. Giáo luật qui định: một người chỉ được lãnh nhận Bí tích Thêm sức khi:
- Đã Rửa tội (x. GL 889).
- Đã đến tuổi khôn (từ 7 tuổi theo GL 97,2) và chưa Thêm sức.
- Có sự giới thiệu và chuẩn nhận của người có trách nhiệm, đã học giáo lý đầy đủ nhất là về Bí tích Thêm sức và Chúa Thánh Thần (x. GL 889,2) để sống mật thiết với Chúa Ki tô, gắn bó mật thiết với Chúa Thánh Thần, ý thức minh thuộc về Giáo xứ và cộng đoàn Hội Thánh
- Sạch tội trọng, được chuẩn bị xứng đáng và có khả năng lặp lại những lời hứa của Bí tích Rửa tội (x. GL 889,2).
- Và cũng cần người đỡ đầu (x. GL 892).
| Những người đã được rửa tội và đến tuổi khôn, sạch tội trọng, học giáo lý đầy đủ và quyết sống đúng bổn phận Ki-tô hữu thì được lãnh Bí tích Thêm sức. Ngoài ra, cần có người đỡ đầu. (162) |
| Người đỡ đầu: - Không phải cha mẹ ruột để được hỗ trợ về đời sống thiêng liêng, giúp người vừa lãnh Bí tích Thêm Sức sống đúng với ơn gọi Ki tô hữu và nên chứng nhân của Chúa
Nên chọn người đã đỡ đầu khi Rửa tội để nói lên sự thống nhất của 2 Bí tích này. | |
D. Cầu nguyện:Lạy Chúa Thánh Thần! Xin hãy đến với tâm hồn chúng con, như xưa Chúa đã đến với các thánh tông đồ và các tín hữu. Nhờ đó, chúng con trở nên chứng nhân trung thành của Chúa Kitô trong đời sống và tích cực xây dựng Hội thánh Người.
III. EM NHỚ LỜI CHÚA.
- “Khi ông Phao-lô đặt tay trên họ, thì Thánh thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri” (Cv 19,6).
- Số 158-162.
IV. EM SỐNG LỜI CHÚA.
1. Sinh hoạt:
2. Thực hành: Thời các tông đồ, Ông Cônêliô ở Xêdarê là Cônêliô làm đại đội trưởng trong quân đội Rôma là người đạo đức và kính sợ Thiên Chúa; ông rộng tay bố thí và luôn luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa (x. Cv 10,1-2). Thời đó, người ta chưa chấp nhận cho người không thuộc dân Do thái nhập đạo Công giáo. Nhưng nhờ lòng đạo đức và nhất là luôn sốt sắng cầu nguyện, ông và gia đình ông đã được các tông đồ đón nhận vào đạo và ban Chúa Thánh Thần. Noi gương gia đình Cônêliô, em luôn biết cầu nguyện “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến”.
3. Bài làm ở nhà: Trình bày thật đẹp câu: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến” vào tập bài làm.
V. KẾT THÚC.
…………………………………
Bài 37: SỐNG BÍ TÍCH THÊM SỨC
Lời Chúa: “Chính anh em là muối cho đời... Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13.14).
Ý chính : 1. Bổn phận người Kitô hữu trưởng thành (Mt 10,28-33).
2. Tham gia đời sống xã hội (Mt 5,13.14.16).
Tâm tình : Ước ao làm cho nhiều người tin theo Chúa.
Chuẩn bị: Hình các thánh tử đạo Việt Nam.
I. ỔN ĐỊNH.
1. Đón tiếp:
2. Thánh hóa: Lạy Chúa Thánh Thần, chứng nhân anh dũng của các Thánh Tử đạo Việt Nam mời gọi chúng con sống hồng ân của Bí tích Thêm sức. Xin cho đời sống chúng con trở thành muối đất, và ánh sáng thế gian, để chúng con chiếu tỏa sức sống của Chúa hầu mọi người nhận biết Chúa là Cha yêu thương.
Hát: Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến.
3. Dẫn vào bài mới: Bí tích Thêm sức không phải là cái áo đẹp để mặc vào trong ngày lễ, nhưng chính là sức mạnh giúp sống đời Kitô hữu trưởng thành. Vì thế hôm nay chúng ta học cách sống sau khi lãnh nhận Bí tích Thêm sức, nghĩa là: sống Bí tích Thêm sức.
II. EM NGHE LỜI CHÚA.
A. Dẫn nhập:
Sáng ngày 19.3.1994, tại phòng áo nhà thờ Lasandi Pinsepê gần thành phố Napoli miền nam nước Ý, cha Giuse Daiana 36 tuổi đã bị sát hại do hai phát súng bắn vào mặt. Cha Daiana là người quyết tâm chống lại mọi hình thức tội phạm bất lương. Cha chết vì quyết tâm chống lại những hình thức vô luân, đồi bại và tội ác để xây dựng công bình và tình thương. Hoạt động tông đồ và cái chết của cha đã động viên và đoàn kết mọi người chống tội ác và xây dựng nền công lý.
Qua Bí tích Rửa tội và Thêm sức, chúng ta đều được kêu gọi làm chứng nhân cho Chúa Giêsu thế nào? Mời các em đứng, chúng ta cùng tuyên đọc Mt 10,28-33
B. Công bố Lời Chúa: Mt 10,28-33 - thinh lặng giây lát rồi gợi ý:
Thiên Chúa yêu thương đã tạo dựng và sắp xếp những trật tự lạ lùng vũ trụ. Ngài tiên liệu, an bài và quan tâm cả đến mạng sống con chim sẻ nhỏ bé hoặc sợi tóc trên đầu chúng ta. Vậy đâu là những bổn phận của ta sau khi lãnh nhận Bí tích Thêm sức? Ta phải sống niềm tin Ki tô giáo ra sao? Xin Chúa hướng dẫn ta trở thành nhân chứng cho tình yêu Thiên Chúa
- Dẫn giải nội dung giáo lý:
LỜI CHÚA | DIỄN GIẢI | NỘI DUNG GL |
Mt 10, 32 Ga 15,26- 27 Mt 7,21 Mt 5,43-48 St 2,5.19-20 Ga 15,12-13 Cv 4, 33 Cv 5, 29-32 2 Pr 2,9 | Tiết 1 : 1. Bổn phận người Kitô hữu trưởng thành: - Chúng ta đang học về Bí Tích Thêm Sức. Em nào có thể cho biết : Bí tích Thêm Sức là gì ? Là Bí tích Chúa Giê-su lập để ban Chúa Thánh Thần, giúp tín hữu sống hoàn hảo hơn Bí tích Rửa tội, liên kết mật thiết với Hội thánh và làm chứng cho Chúa Ki-tô.
- Trong đoạn Tin mừng các em vừa đọc, Chúa Giê su nhắn nhủ ta điều gì ? Ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy
- Đó cũng là bổn phận của chúng ta khi lãnh nhận Bí tích Thêm sức. Bổn phận là toàn thể những công việc, nghĩa vụ mà ta phải làm đi kèm với đời sống, chức vụ hoặc nghề nghiệp của mình. Thí dụ một học sinh thì phải lo học hành và giữ nội qui của trường. Một người lính phải làm nhiệm vụ canh gác, giữ gìn an ninh theo lệnh cấp trên... Nếu ai không thực hiện đúng và đầy đủ công việc đó, người ấy sẽ bị khiển trách, bị phạt hoặc bị sa thải, đuổi việc, mất chức. Ai chu toàn bổn phận và làm tốt thì được thưởng, thăng chức…
- Vậy sau khi lãnh Bí tích Thêm sức, chúng ta có những bổn phận nào? Làm chứng cho Chúa, sống chứng nhân giữa đời.
- Vì những bổn phận ấy mà Bí tích Thêm Sức được gọi là Bí tích dành cho người trưởng thành, dù về tuổi tác, các em vẫn là thiếu nhi.
- Ta thực hiện những bổn phận ấy thế nào?
- Can đảm thực hành Lời Chúa để làm chứng cho Chúa Kitô trong cuộc sống thường ngày.
-
- tha thứ, lựa chọn dành ưu tiên cho Chúa, luôn suy nghĩ, nói năng và hành xử theo giáo huấn đức tin.
- Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Tin mừng, làm cho địa cầu xinh đẹp hơn, tuân theo những luật lệ của xã hội, thi hành nhiệm vụ của một học sinh, có tinh thần yêu thương phục vụ …
- Tích cực bênh vực và truyền bá đức tin cho mọi người, rao giảng Tin mừng, chịu tù đày và sẵn sàng chết vì Danh Chúa Kitô như thánh Phê rô, Phao lô … vì Chúa cứu những người đạo đức khỏi cơn thử thách
- Các em biết vị thánh nào con trẻ tuổi mà đã trở thành những chứng nhân can đảm cho Chúa? Maria Goretty, Đaminh Savio, Têrêsa nhỏ …
| Khi đã lãnh nhận Bí tích Thêm sức, ta có ba bổn phận này: - Một là can đảm thực hành Lời Chúa để làm chứng cho Chúa Ki-tô trong cuộc sống thường ngày. - Hai là góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Tin Mừng. - Ba là tích cực bênh vực và truyền bá đức tin cho mọi người. (163) |
Mt 5, 13 Mt 5, 14 Gl 5, 21 Dt 10, 24 Lc 2, 52 Rm 13, 1.4 | 2. Tham gia đời sống xã hội: - Lời Chúa trong Mt 5, 13 muốn nhắn nhủ ai? Anh em, tức là từng người chúng ta
- Chúa Giê su dùng hình ảnh nào để nhắn nhủ ta? Muối và ánh sáng
- Chúng ta có dễ dàng nhìn thấy một căn nhà xây trên đỉnh đồi không? Có, vì nó ở trên cao nên ai cũng thấy rõ.
- Cũng vậy, khi lãnh nhận Bí tích Thêm Sức, chúng ta trở nên chiến sĩ của Chúa, là người trưởng thành và có nhiệm vụ làm chứng tá.
a) Vai trò Kitô hữu trong trần thế (x.Thư chung ĐGM.XL ngày 23.10.86). - Em đang học ở trường nào? Nhà em ở xóm nào, khu phố mấy? …
- Trong gia đình, các em được cha mẹ nuôi dưỡng và được lớn lên về thể xác, tinh thần, được cha mẹ dạy dỗ để biết sống tốt với mọi người. Vậy em sống chứng nhân trong gia đình thế nào? Em cư xử với bạn bè và người trong khu xóm ra sao? Khi đi vui chơi ở các nơi như Suối Tiên, Vũng tàu, Bửu Long… em sống chứng nhân bằng cách nào?
- Chúng ta đang sống giữa trần thế, và “tính cách trần thế là tính cách riêng biệt và đặc thù của người giáo dân”.
b) Bổn phận đối với xã hội - Thiên Chúa muốn ta sống hài hòa với mọi người, xây dựng một nền văn minh tình thương theo mẫu mực Thiên Chúa Ba Ngôi. Theo em, một người sống tư lợi, ích kỷ, không biết tha thứ, hay gây gổ đánh nhau có phải là người sống yêu thương không?
- Một người gian tham, không thật thà, gian lận khi thi cử, xả rác lung tung, phá làng phá xóm …. có phải là người có nếp sống văn minh tình thương không?
- Một người không có lòng bác ái có thể sống công bằng không?
- Chúng ta hãy nhìn lại lối sống của mình để sửa chữa những sai trái của bản thân mà sống bác ái, lan tỏa hương thơm và sức sống của Thiên Chúa ngay trong đời sống xã hội của mình. Đời sống người Kitô hữu là một cuộc lên đường đi đến chỗ hoàn thiện bản thân và hoàn thiện các mối tương quan trong đời sống xã hội. Những gì cổ võ cho sự thật, công bằng và tiến bộ, phù hợp với luật Chúa và Hội thánh, người đã lãnh nhận Bí tích Thêm sức sẽ xem đó là bổn phận Chúa muốn mình tham gia tích cực.
c) Tham gia xây dựng ích chung - Bổn phận của em ở trường là gì? Tiên học lễ, hậu học văn, học hành chuyên chăm….
- Ta phải làm gì để chu toàn bổn phận một công dân: Tuân thủ luật pháp, thi hành nghĩa vụ quân sự, lao động, bầu cử...
- Ta làm gì để tích cực góp phần vào việc chung của khu phố, phường, xã? Tham gia các phong trào sạch và xanh, cứu trợ, từ thiện...
- Ta tham gia xây dựng xã hội thế nào? Sống đúng theo các đòi hỏi của lương tâm trong các bổn phận xã hội. Cương quyết không tham gia, vướng vấp và còn góp phần tích cực bài trừ các tệ nạn xã hội như xì ke, ma túy, băng đảng, hối lộ, tham nhũng...
- Thánh Phao lô khuyên nhủ chúng ta thế nào? Phục tùng chính quyền vì quyền bính bởi Thiên Chúa thiết lập.
| Thiên Chúa muốn ta sống hài hòa với mọi người, xây dựng một nền văn minh tình thương theo mẫu mực Ba Ngôi Thiên Chúa. (164) Đối với xã hội, người Ki-tô hữu cần tích cực hoán cải nội tâm và cổ võ công bằng bác ái, đồng thời góp phần đổi mới các định chế và điều kiện sống trong xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng. (165) Ta tham gia xây dựng ích chung bằng những cách này: - Một là chu toàn các trách nhiệm cá nhân trong xã hội, - Hai là tích cực góp phần vào sinh hoạt chung, - Ba là sống đúng theo các đòi hỏi của lương tâm trong các bổn phận xã hội. (166) |
D. Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn mạch mọi ơn sủng, xin giúp chúng con biết chuyên chăm học hành và luyện tập nhân đức để trở thành chứng nhân Nước Trời và xây dựng trần thế theo tinh thần Phúc âm.
III. EM NHỚ LỜI CHÚA.
- “Chính anh em là muối cho đời... Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13.14).
- Số 163 -166.
IV. EM SỐNG LỜI CHÚA.
1. Sinh hoạt:
2. Thực hành: Em quyết tâm học tập chuyên chăm để xây dựng trần thế nên tốt đẹp hơn.
3. Bài làm ở nhà: Tìm và ghi lại một Lời Chúa mời gọi sống thật thà hoặc bác ái.
V. KẾT THÚC.
Là một thiếu nhi, em quyết tránh xa những thói hư tật xấu, bạn xấu, để sống tốt theo gương Chúa Giêsu, càng thêm tuổi càng thêm không lớn, và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến.
……………………………………………..
Bài 38: HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ
Lời Chúa: “Những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa” (Cv 8,4).
Ý chính : 1. Nguồn gốc và sứ mạng truyền giáo của Hội thánh.
2. Mọi người tín hữu tham gia sứ mạng.
Tâm tình : Mong ước có nhiều người tin thờ Chúa.
Chuẩn bị: Tranh bản đồ vùng Tiểu Á thời các tông đồ.
I. ỔN ĐỊNH.
1. Đón tiếp:
2. Thánh hóa: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết là việc tông đồ, không chỉ bằng lời rao giảng, vì chúng con còn nhỏ tuổi, nhưng trước tiên bằng chính cuộc sống chứng tá, và bằng trái tim tràn đầy tình yêu Chúa, để những ai tiếp xúc với chúng con đều cảm nhận được tình yêu của Chúa dành cho họ.
3. Dẫn vào bài mới: Bí tích Thêm sức làm cho người tín hữu nên người trưởng thành có trách nhiệm xây dựng Hội thánh. Vì thế, người giáo dân có quyền lợi và nghĩa vụ trong sứ mệnh tông đồ truyền giáo của Hội thánh. Chúng ta cần tìm hiểu quyền lợi và nghĩa vụ này.
II. EM NGHE LỜI CHÚA.
A. Dẫn nhập:
Người ta kể rằng: hồi thế kỷ 17, dân da đỏ tại Paraguay bên Nam Mỹ đã sống trên núi cao để tránh bị người da trắng bắt làm nô lệ. Do đó, các nhà truyền giáo không làm sao đến với họ được.
Cha Gabriel thuộc dòng Tên đã tận dụng tiếng sáo để đến với những người dân đáng thương này, sau chặng đường dốc đầy nguy hiểm. Với bao hy sinh, cha đã từng bước giúp thổ dân đón nhận nếp sống văn minh. Họ lập ấp sống tinh thần yêu thương của Tin mừng. Nhưng rồi người da trắng cũng kéo đến tàn phá làng mạc của họ. Cha Gabriel bị trúng đạn chết khi cha đang kiệu Mình Thánh Chúa với những thổ dân vô tội.
Cha Gabriel đã thực hiện điều Chúa Giêsu đã truyền dạy trước khi về trời. Vậy điều truyền dạy ấy là gì? - Mời các em cùng đọc Mc 16,14.15-16 - mời đứng.
B. Công bố Lời Chúa:
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Mác-cô
“Sau cùng, Chúa Giêsu tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ, còn ai không tin thì sẽ bị kết án”. Nói xong, Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa”.
- Đó là Lời Chúa.
+ Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa
Sau khi nghe Lời Chúa, thinh lặng giây lát rồi gợi ý:
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã trao cho Hội thánh sứ mệnh rao giảng Tin mừng khắp thế giới. Vì thế, mọi sinh hoạt của Hội thánh đều hướng tới việc làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa Kitô. Đem Chúa đến cho một người, một vùng chưa biết Chúa: đó là truyền giáo. Làm cho một người, một vùng đã biết Chúa nhưng sống lơ là hay đã bỏ Chúa, được sống đạo tích cực hơn: đó là tái truyền giáo. Tất cả những việc làm này được gọi là việc tông đồ truyền giáo. (x. SL. TĐGD 2). Lời Chúa Giêsu nói với các tông đồ cũng chính là nói với chúng ta. Mỗi Ki tô hữu đều có trách nhiệm với công cuộc truyền giáo của Hội Thánh vì lúa chín thì nhiều mà thợ gặt lại ít. Ước mong mỗi chúng ta cũng luôn sẵn sàng để được Chúa sai đi.
C. Dẫn giải nội dung giáo lý:
LỜI CHÚA | DIỄN GIẢI | NỘI DUNG GL |
St 1-2; Ga 3, 16 Gl 4, 4; Ep 1, 7 Ga 16, 26 Ga 16, 13-14 Mc 6,15 Cv 2,1-11 Mt 28,20 Mc 16,17-19 | 1. Nguồn gốc và sứ mệnh truyền giáo của Hội thánh: Việc tông đồ truyền giáo là sứ mệnh quan trọng hàng đầu của Hội thánh Chúa Kitô xét theo nguồn gốc và sứ mệnh: a) Nguồn gốc: Việc tông đồ truyền giáo bắt nguồn từ đâu? Mời các em ôn lại công trình cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa - Công trình của Chúa Cha là gì? Chúa Cha sáng tạo vạn vật và dựng nên loài người, cho họ tham dự sự sống thần linh và muốn họ sống hạnh phúc.Thế nhưng, ý định ấy đã bị tội nguyên tổ đã phá đổ hạnh phúc thần linh. Và Thiên Chúa đã hứa ban ơn cứu độ. - Đâu là công trình của Chúa Con? Ngài được sai xuống cứu độ trần gian. Ngài kiến tạo Hội thánh để những ai tin vào Người, đều được hưởng sự sống thần linh. - Khi về trời, Chúa Giêsu xin Cha ban điều gì cho Hội Thánh? Chúa Thánh Thần - Chúa Thánh Thần có vai trò gì trong Hội Thánh? Giúp các tín hữu đón nhận sức sống thần linh và giúp họ hoạt động truyền giáo Như vậy, việc tông đồ truyền giáo bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi. b) Sứ mệnh tông đồ: - Để tiếp tục công cuộc rao giảng Tin mừng, trước khi về trời, Chúa Kitô đã làm gì? Sai tông đồ đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân. - Chúa Thánh Thần hoạt động thế nào trong lễ Ngũ Tuần? thúc đẩy Hội thánh ra mắt thế giới, ban cho Hội thánh sức mạnh để thi hành sứ mệnh truyền giáo đến mút cùng trái đất, cho tới ngày cánh chung - Để chu toàn sứ mệnh này, Chúa Cứu thế đã trao cho Hội thánh quyền hành thiêng liêng nào? Quyền rao giảng, thánh hóa và quản trị. Người hứa ở cùng Hội thánh đến tận thế - Hội Thánh gồm những ai? Những người đã được rửa tội (Ki tô hữu) - Các Tông đồ và các Đấng kế vị hằng nỗ lực thi hành sứ mệnh Chúa Cứu Thế trao cho. Khi lãnh nhận Bí tích Thêm sức, người Ki tô hữu có nhiệm vụ trở thành chứng nhân cho Chúa, có trách nhiệm với công cuộc tông đồ của Hội thánh, tức là bằng hoàn cảnh cuộc sống mình, luôn sống tốt, giúp người khác nhận biết và tin theo Chúa Kitô
- Nếu không loan báo Tin mừng, Hội thánh không còn là Hội thánh của Chúa Kitô, vì thế, truyền giáo là sứ mạng hàng đầu của Hội Thánh
| Việc tông đồ truyền giáo bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi. Hoạt động tông đồ, nghĩa là làm những việc có mục đích giúp cho người khác biết và tin theo Chúa Giê-su (167) |
Cv 18,24-28 Cv 8,1b.4 Ga 20,21; Mc 16,15 Cv 18,24-28 Pl 1,5 2 Cr 9, 12 1 Cr 9,16 | 2. Mọi người tín hữu tham gia sứ mệnh truyền giáo. - Sách Công vụ tông đồ nói đến sự tham gia tích cực của người giáo dân vào sứ mệnh truyền giáo mà câu chuyện ông Apôlô quê ở Alexandria đến Êphêxô và miền Akaia để giảng dạy về Chúa Giêsu là một thí dụ.
- Trong thời cộng đoàn Giêrusalem bị bách hại, người giáo dân đã truyền giáo thế nào? Mọi người đều phải tản mát về các vùng quê hai miền Giuđê và Samari... họ đi khắp nơi loan báo lời Tin mừng”.
- Theo em, ngày nay ai có bổn phận hoạt động tông đồ? Mọi Ki tô hữu
a) Bổn phận hoạt động tông đồ. - Giáo dân có bổn phận hoạt động tông đồ không? Có, Chúa Giêsu đã xác định: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. “Các con hãy đi khắp muôn dân, rao giảng Tin mừng và Rửa tội cho họ…”
- Công đồng Vaticanô II trong sắc lệnh Tông đồ giáo dân đã nói rõ: “Ơn gọi Kitô hữu, tự bản chất, cũng là ơn gọi làm tông đồ” (TĐGD số 2). Hội thánh lữ hành, tự bản chất là TRUYỀN GIÁO (SL.HĐTG số 2) và luôn ở trong tình trạng TRUYỀN GIÁO. Trong nội bộ cộng đoàn này, ơn gọi truyền giáo là điều chung cho tất cả: cho các Giám Mục, Linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân. Tất cả được mời gọi thực hiện sứ mệnh cứu rỗi của Chúa Giêsu Kitô (TG 1985 số 2).
b) Hình thức hoạt động tông đồ. - Đọc thư Phaolô, em thấy ông Apôlô hoạt động tông đồ bằng cách nào? Tham gia giảng dạy về Chúa Giêsu
- Các tín hữu Philipphê góp phần rao giảng Tin mừng bằng cách nào? Giúp đỡ vật chất
- Có 2 hình thức hoạt động tông đồ chính là: cá nhân và tập thể.
+ Hình thức cá nhân: - Thánh Têrêsa Hài Đồng tham gia việc truyền giáo bằng cách nào? Lời cầu nguyện, các hy sinh trong đời sống hàng ngày và do bệnh tật.
- Mọi tín hữu có thể hoạt động tông đồ cách nào? Bằng đời sống chứng tá, cầu nguyện, thăm viếng bệnh nhân, giúp người hoạn nạn, an ủi những ai đau khổ, dạy giáo lý, động viên những người khác sống công bình, bác ái... như lời khuyên của Thánh Phaolo trong 2 Cr 9, 12
- Như vậy, “đời sống Kitô giáo đích thực là cơ bản cho mọi hoạt động tông đồ” (SL.TĐGD 16). Đời sống đạo đức trong đức tin, đức cậy, đức mến góp phần xây dựng cộng đoàn (SL.TG 4). Các đau khổ, hy sinh do bệnh tật, tuổi già hay những thử thách... nếu được kết hợp với Chúa Kitô để cứu chuộc trần gian, rất có giá trị trong việc tông đồ.
+ Hình thức tập thể: Người tín hữu tham gia hoạt động tại giáo xứ, giáo phận như: ca đoàn, giúp lễ, GLV, các tổ chức từ thiện, giáo dục v.v... - Hoạt động tông đồ không chỉ cho những người đã rửa tội, mà còn cho người chưa tin. Mỗi tín hữu phải biết làm chứng cho Chúa Kitô bằng việc làm, lời nói cho đồng nghiệp, bạn học... Nhiều người có thể nghe biết Tin mừng nhờ những giáo dân mà họ gặp (SL.TG số 13).
- Hoạt động tông đồ nào thích hợp với các em? Sống thánh thiện, cầu nguyện cho việc truyền giáo, hăng say học hỏi giáo lý, giúp bạn bè cùng lớp, cùng khu xóm biết Chúa và sống đức tin.
| Tất cả mọi người Ki-tô hữu đều có nhiệm vụ mở rộng Nước Chúa, tham gia các hoạt động tông đồ, truyền giáo (x. Sl.TĐGD số 2). (168) Hội thánh có sứ mạng truyền giáo vì: - Một là Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu độ. - Hai là Hội thánh có bổn phận đem chân lý được Chúa trao phó đến cho mọi người. - Ba là chính Chúa Ki-tô, trước khi về trời đã sai các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân. (170) Ta có thể hoạt động tông đồ theo hình thức cá nhân hay tập thể như thăm viếng, dạy giáo lý và các sinh hoạt tông đồ của Hội thánh (x.Sl.TĐGD 15-22).(169) |
D. Cầu nguyện: Lạy Chúa, hôm nay chúng con hiểu rằng tất cả mọi Kitô hữu có sứ mệnh hoạt động tông đồ. Xin khơi dậy trong tâm hồn chúng con lòng nhiệt thành tông đồ, biết quan tâm đến phần rỗi mọi người chung quanh chúng con.
III. EM NHỚ LỜI CHÚA.
- “Những người phải tản mác này đi khắp nơi loan báo lời Chúa” (Cv 8,4).
- Số 167- 170
IV. EM SỐNG LỜI CHÚA.
1. Sinh hoạt:
2. Thực hành: Em động viên bạn em tham dự các giờ giáo lý
3. Bài làm ở nhà: Em tìm một Lời Chúa mời gọi em làm việc tông đồ rồi viết lại và trang trí thật đẹp.
V. KẾT THÚC: Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu chỉ ở trong nhà dòng kín, không đi đến đâu. nhưng bằng đời sống cầu nguyện và chu toàn bổn phận, chị đã cứu được bao nhiêu linh hồn về với Chúa. Hội thánh đã đặt chị làm bổn mạng các xứ truyền giáo ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê suốt đời đã đi rao giảng khắp nơi. Chúng ta cùng dâng lời cảm tạ chúa đã cho chúng ta hôm nay hiểu rõ vể bổn phận tông đồ và các phương thế thực hiện bổn phận ấy.
…………………………………………..
Bài 39: CÁC PHỤ TÍCH
Lời Chúa: “Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người chạm tay vào chúng... Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 10,13.16).
Ý chính : 1. Phụ tích là gì ? (Mc 10,13-16).
2. Việc đạo đức bình dân (2 Mcb 12,43-45).
3. Tôn kính ảnh tượng (Đnl 4,15-16).
Tâm tình : Trân trọng các phụ tích và các việc đạo đức.
Chuẩn bị: Ảnh tượng Chúa Giêsu, Đức Maria, các thánh.
I. ỔN ĐỊNH.
1. Đón tiếp:
2. Thánh hóa: Lạy Chúa, vũ trụ này do Chúa sáng tạo để thuộc về Chúa và ca tụng Chúa. Xin cho mọi người biết xử dụng các của cải để tôn vinh Chúa. Xin Chúa chúc lành cho chúng con là những tạo vật của Chúa, để tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng con hòa thành lời ca tụng Chúa đến muôn đời.
3.Dẫn vào bài mới: Ngoài 7 Bí tích, chúng ta còn thấy Hội thánh cử hành các nghi thức khác như làm phép ảnh tượng, khấn dòng v.v... những nghi thức này được gọi là Phụ tích hay Á Bí tích mà Chúng ta sẽ tìm hiểu trong bài học hôm nay.
II. EM NGHE LỜI CHÚA.
A. Dẫn nhập:
Khi Giacóp già nua và ốm liệt bên đất Ai cập, Giuse đã đưa Manasê và Epraim, con ông, đến thăm ông nội. Giacóp đặt tay và chúc phúc cho 2 cháu: “Ước gì Thiên Chúa, Đấng mà trước nhan Người, cha ông ta, Abraham và Isaác hằng đi đứng, chúc lành cho các trẻ này” (St 48,1-16).
Chúc lành cho các trẻ nhỏ vẫn là thói quen trong dân gian. Chúa Giêsu có làm như vậy không? Mời các em đọc Mc 10,13-16 - mời đứng.
B. Công bố Lời Chúa: Mc 10,13-16 - thinh lặng giây lát rồi gợi ý:
Chúa Giêsu đã yêu thương bồng ẵm và chúc lành các trẻ nhỏ. Xin phúc lành của Chúa luôn ở trong chúng ta và giúp chúng ta sống đẹp lòng Chúa
C. Dẫn giải nội dung giáo lý:
LỜI CHÚA | DIỄN GIẢI | NỘI DUNG GL |
Mc 10,13-16 | 1. Phụ tích là gì ? - Trong những dịp đặc biệt như lễ, tết, sinh nhật … người ta thường có thói quen nào? Gặp gỡ, chúc mừng, tặng quà, lì xì…
- Khi gặp gỡ các trẻ em, Chúa Giê su đã có những cử chỉ nào? Người chạm tay, ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng
- Truyền thống “chúc lành” có từ thời Cựu ước: Thiên Chúa chúc lành cho Abraham, cho Aaron và các con, cho dân Israel. Vua Đavid chúc lành cho dân, chúc lành trong dịp thánh hiến đền thờ, đồ thờ..
- Hội thánh tiếp nhận truyền thống tốt đẹp “chúc lành” của Cựu ước, của nhiều dân tộc, đã thiết lập phụ tích để thánh hóa một số thừa tác vụ trong Hội Thánh. Các lời chúc lành không những trên người mà còn trên cả đồ vật, và mở rộng ra cả những yêu cầu thiết thực trong đời sống, gọi chung là Phụ tích hay á Bí tích.
- Phụ tích không ban ơn Chúa Thánh Thần như Bí tích, nhưng nhờ lời cầu nguyện của Hội thánh, chuẩn bị cho chúng ta đón nhận ân sủng và cộng tác với ân sủng để lãnh nhận những hiệu quả chính yếu của Bí tích. Phụ tích gồm 1 lời kinh kèm theo 1 dấu chỉ nhất định, ví dụ: đặt tay, làm dấu Thánh giá, rảy nước phép…
| Phụ tích là những dấu hiệu linh thiêng do Hội thánh lập ra để chuẩn bị người tín hữu lãnh nhận hiệu quả của các Bí tích và để thánh hóa những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. (171) |
Ep 1,3 Mc 1, 25 Mc 3,15.16, 17 | 2. Các loại Phụ tích: Gồm 3 loại sau: - Một là việc chúc lành cho người, đồ dùng hoặc nơi chốn, bữa ăn. Trong Chúa Kitô, chúng ta được Chúa Cha chúc lành bằng muôn ơn Thánh Thần nên Hội Thánh chúc lành bằng cách kêu cầu danh Đức Ki tô và thường làm dấu Thánh giá.
- Hai là nghi thức thánh hiến người trong nghi thức khấn Dòng, chúc lành cho thai nhi, thánh hiến đồ dùng hoặc nơi cử hành Phụng vụ như cung hiến thánh đường, bàn thờ, làm phép dầu thánh, ảnh tượng…
- Ba là nghi thức trừ khử ma quỉ. Tin mừng niều lần thuật lại việc Chúa Giê su trục xuất ma quỉ và Ngài trao cho Hội Thánh quyền và nhiệm vụ giải thoát con người khỏi uy lực của ma quỉ.
| Có ba thứ Phụ tích: - Một là việc chúc lành cho người, đồ dùng hoặc nơi chốn - Hai là nghi thức thánh hiến người, đồ dùng hoặc nơi cử hành Phụng vụ - Ba là nghi thức trừ khử ma quỉ. (172) |
2Mcb 12,43-45 | 3. Việc đạo đức bình dân - Xưa người Do thái đã tự động quyên tiền về Giêrusalem để xin dâng lễ đền tội cho những người đã chết. Đó là 1 việc làm do lòng đạo đức quần chúng được thuật lại trong sách Maccabê
- Ở thời đại nào, và dân tộc nào cũng có những hình thức tương tự gọi là việc đạo đức bình dân. Em thấy giáo xứ, giáo phận chúng ta có những việc đạo đức bình dân nào? Ngắm 15 sự thương khó Chúa, đóng đinh táng xác dịp Tuần thánh, dâng hoa tôn kính Đức Mẹ, hành hương, đi chặng đàng Thánh giá, lần hạt Mân côi v.v...
- Những việc đạo đức này rất có ích cho đời sống thiêng liêng và được Hội thánh cổ võ, nhưng cần làm sao để chúng được hòa nhập và hướng đến sinh hoạt Phụng vụ của Hội thánh.
| Những hình thức đạo đức bình dân, bắt nguồn từ những nền văn hóa khác nhau rất có ích và được Hội thánh cổ võ, nhưng cần làm sao để chúng được hoà nhịp và hướng đến sinh hoạt phụng vụ của Hội thánh. (173) |
Đnl 4,15-16 Is 40,25 Xh 32,7-10 Ga 3,14-15 Xh 25,10-22 | 4. Tôn kính ảnh tượng: - Thời Cựu ước, Thiên Chúa cấm tạc tượng ảnh vì Người là Đấng siêu việt. Thiên Chúa đã phạt dân khi họ đúc thờ tượng bò vàng. Đó là lý do tại sao ngày nay nhà thờ hay tư gia của anh em Tin lành không có ảnh tượng. Tuy nhiên, Thiên Chúa cho phép làm ra những hình ảnh được coi là biểu tượng dẫn tới ơn cứu độ. Đó là những hình ảnh nào? Rắn đồng, khám giao ước và các thiên thần…
- Căn cứ vào mầu nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người, có hình thể, có thân xác … chúng ta có thể dùng ảnh tượng Chúa Giêsu để hướng lòng về Thiên Chúa. Việc tôn kính ảnh tượng Đức Maria và các thánh giúp ta gợi nhớ và noi gương sáng các ngài để lại mà sống thánh thiện.
- Nhà thờ ở giáo xứ chúng ta có những ảnh thượng nào? Gia đình em có bàn thờ tổ tiên và bàn thờ Chúa không?
| Vì Con Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm hữu hình, nên ta có thể dùng ảnh tượng để hướng lòng về Thiên Chúa cũng như để tôn kính và noi gương các thánh. (174) |
D. Cầu nguyện: Lạy Chúa, Hội thánh đã thiết lập các phụ tích để chuẩn bị cho các tín hữu lãnh nhận dồi dào hiệu quả của các bí tích và để thánh hóa những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống. Xin giúp con biết quí trọng và siêng năng lãnh nhận các phụ tích.
III. EM NHỚ LỜI CHÚA.
- “Người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giê-su, để Người chạm tay vào chúng... Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng” (Mc 10,13.16)
- Số 171-174
IV. EM SỐNG LỜI CHÚA.
1. Sinh hoạt:
2. Thực hành: Người ta kể rằng Thánh Bênađô rất sùng kính và yêu mến Đức Mẹ. Mỗi khi đi qua tượng Đức Mẹ, để biểu tỏ lòng tôn kính và yêu mến, thánh nhân thường bỏ mũ, cúi đầu chào và miệng nói: “Kính chào Mẹ Maria”. Có lần Đức Mẹ cũng chào lại: “Chào Bênađô”. Các em hãy bắt chước thánh Bênađô, tỏ thái độ cung kính đối với các tượng ảnh Chúa Giêsu, Đức Maria và các thánh nhé.
3. Bài làm ở nhà: Em viết tên hoặc vẽ hình thánh bổn mạng của em vào tập bài làm.
V. KẾT THÚC.
Ngoài các Bí tích do Chúa Giêsu đã thiết lập, Hội thánh là mẹ, muốn con cái mình chuẩn bị xứng hợp lãnh nhận ân sủng Bí tích nhờ các Phụ tích. Chúng ta hãy quí trọng và siêng năng, sốt sắng tham dự và lãnh nhận hiệu quả của Phụ tích.
Kinh Sáng Danh...
………………………………
PHẦN IV: KINH NGUYỆN KI-TÔ GIÁO
Bài 40: VIỆC CẦU NGUYỆN
Lời Chúa: “Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông” (Lc 11, 1).
Ý chính : 1. Cầu nguyện là gì? (Lc 11,1-4).
2. Tại sao phải cầu nguyện? (Mc 9,28-29).
3. Thầy dạy và mẫu gương cầu nguyện (Lc 2,41-49 ; 4,1-2 ; Mt 6,5-6 ; 7,7-21 ; 6,9-13)
Tâm tình : Luôn yêu mến, tin tưởng và phó thác khi cầu nguyện.
Chuẩn bị: - Tranh Chúa Giêsu cầu nguyện tại vườn Dầu
- Tranh ngày lễ Ngũ Tuần.
I. ỔN ĐỊNH.
1. Đón tiếp:
2. Thánh hóa: Lạy Chúa Giêsu, xin ban Thánh Thần của Chúa cho chúng con, để Ngài dạy chúng con biết cầu nguyện. Xin Chúa chúc lành cho giờ học này để chúng con luôn biết sống như người con thảo của Cha trên trời.
Lạy Cha chúng con… (các em cùng đọc)
3. Giới thiệu phần IV và dẫn vào bài mới:
Mầu nhiệm Kitô giáo được tuyên xưng (phần I), được thực hiện trong cuộc sống đời thường (phần II), được cử hành qua các nghi lễ, nhất là Bí tích (phần III). Bầu khí xuyên suốt của việc học giáo lý cũng như trong suốt cuộc đời là bầu khí cầu nguyện. Thiếu cầu nguyện, những việc làm trên đây chỉ là cái xác không hồn và do đó không đẹp lòng Chúa vì “đã đến giờ và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự Thật vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (Ga 4,23). Chúng ta bước vào phần IV, kinh nguyện Kitô giáo với bài việc cầu nguyện.
II. EM NGHE LỜI CHÚA.
A. Dẫn nhập:
Truyện kể rằng trong khi Giosua cùng dân Do thái chiến đấu với Amalếch thì Môsê, Aharon và Khua đi lên đỉnh đồi cầu nguyện. Khi nào Môsê nhắc tay cao lên thì Israel thắng thế, hễ ông hạ tay xuống thì Amalếch thắng thế. Tay Môsê giơ lên mãi nên ông mỏi tay! Bấy giờ người ta lấy một viên đá đặt dưới cho ông ngồi. Còn Aharon và Khua chống đỡ tay ông, mỗi người một bên. Nhờ vậy, Giosua đã đánh bại Amalếch (x. Xh 17,8-16).
Giơ tay, theo quan niệm của người Do thái, là thái độ của người cầu nguyện (x. Xh 9,29-33 ; Is 1,5 ; 1 Tm 2,8). Khi Môsê cầu nguyện thì dân Do thái thắng, khi hết cầu nguyện thì thua. Như thế, lời cầu nguyện là sức mạnh chiến thắng kẻ thù. Có lẽ các Tông đồ đã hiểu phần nào giá trị của việc cầu nguyện nên các ông đã xin Chúa Giêsu dạy các ông cầu nguyện như thánh Luca thuật lại - Mời các em cùng đọc Lc 11,1-4. Mời đứng.
B. Công bố Lời Chúa: Lc 11,1-4 - thinh lặng giây lát rồi gợi ý:
Tâm tình cầu nguyện là hồn sống, là hơi thở của việc tuyên xưng trong đời sống đức tin và của các buổi cử hành tôn giáo. Xin Chúa cho chúng ta biết cầu nguyện như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta
C. Dẫn giải nội dung giáo lý:
LỜI CHÚA | DIỄN GIẢI | NỘI DUNG GL |
Xh 17,8-16 Ga 17,1 Lc 6,12-13; 9,18; Lc 3, 21; 9,29; 23,34 Lc 11, 1 Mt 26, 39 | 1. Cầu nguyện là gì ? - Trong trận đánh quân Amalếch, Môsê lên núi cao gặp gỡ Thiên Chúa và ông giơ tay cầu nguyện. Vậy, cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, để gặp gỡ và hiệp thông với Người trong tình yêu thương.
- Chúa Giêsu thường xuyên cầu nguyện thế nào?
- Ngài cầu nguyện với Cha
- Ngài cầu nguyện trên núi hoặc ở nơi hoang vắng, cầu nguyện lúc sáng sớm, tối đến và suốt đêm
- Ngài cầu nguyện trước khi chọn 12 môn đệ, khi hiển dung, khi chịu phép rửa… Ngài cầu nguyện cho các môn đệ và cho cả lý hình
- Khi thấy Chúa Giê su thường xuyên cầu nguyện, thấy ông Gioan cũng dạy các môn đệ của ông cầu nguyện, một môn đệ đã xin Chúa Giê su điều gì? Xin Ngài dạy các ông cầu nguyện
- Trong vườn Dầu, Chúa Giêsu đã cầu nguyện thế nào? Ngài sấp mặt xuống cầu nguyện và tỏ bày với Cha về chén đắng của Ngài, lắng nghe và hoàn toàn vâng phục ý Cha
- Các em nên cầu nguyện thế nào? Lắng nghe và thưa chuyện với Chúa như tâm tình của người con với cha mẹ mình.
| Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, để gặp gỡ và hiệp thông với Người trong tình yêu thương. (174) |
Xh 32,11-14 Mc 9,28-29 Mc 9,29 Ga 15,4-6 Mc 6,31 Mt 11,28 | 2. Tại sao phải cầu nguyện ? - Môi sê đã làm gì khi dân Do Thái gặp nạn và họ muốn nổi loạn trong sa mạc? Ông cầu nguyện, kêu gọi dân ăn năn sám hối và cùng cầu nguyện với ông.
- Chúa Giêsu luôn cầu nguyện và kết hợp với Chúa Cha. Ngài dạy ta siêng năng cầu nguyện vì những lý do nào? Mời các em mở Tin Mừng.
- Để trừ được quỉ
- Để chiến thắng cám dỗ
- Để liên kết với Thiên Chúa là nguồn sự sống
- Thiên Chúa hằng kêu mời ta đến gặp gỡ Người trong cầu nguyện
- Để tâm hồn ta được nghỉ ngơi
- Sau những giờ phút căng thẳng vì thi cử, học hành, làm việc, chúng ta hãy biết tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện cho tâm hồn được nghỉ ngơi thanh thản và chan chứa niềm vui vì có Chúa ở cùng.
| Ta phải cầu nguyện vì cầu nguyện liên kết ta với Thiên Chúa là nguồn sự sống. Hơn nữa, Người vẫn hằng kêu mời và chờ đợi ta đến thưa chuyện với Người. (175) |
Lc 2,41-49 Lc 4,1-2 Lc 4,16 Mc 1,35; Mt 14,23 Mt 26,36-46 Lc 3,22; Mt 17,5 Mt 6,5-6 Mt 18,19-20 Mt 7,7-21; Lc 18,10-14; Mt 6,9-13 Ga 14,26 ; 16,13 Rm 8,14-27; Ga 16,12; Rm 8,15-16 | 3. Thầy dạy và mẫu gương cầu nguyện. a. Chúa Giê su - Bốn sách Tin mừng minh chứng việc cầu nguyện của Chúa Giê su thế nào? Mời các em mở Tin mừng
- Thời niên thiếu Người đã cầu nguyện
- Người cầu nguyện 40 ngày trước khi rao giảng Tin mừng
- Tham dự việc cầu nguyện với cộng đoàn
- Ngài cầu nguyện mọi lúc: lúc sáng sớm, khởi đầu ngày sống; cầu nguyện vào cuối ngày, sau khi đã làm việc
- Cầu nguyện trước khi làm việc trọng đại: Tuyển chọn 12 tông đồ, trước khi chịu khổ nạn, trên thâp giá …
- Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ phải cầu nguyện trong mọi tình huống của cuộc đời và, lời cầu nguyện của Ngài đẹp lòng Thiên Chúa. Chúa Giêsu là mẫu gương cầu nguyện của mọi người
- Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện thế nào?
- Cầu nguyện cách kín đáo, không kể lể, khoe khoang
- Cầu nguyện chung với nhau
- Tâm tình và thái độ khi cầu nguyện: kiên nhẫn như bà góa, vững tin như viên đội trưởng, khiêm tốn như người thu thuế, phó thác mọi sự cho Thiên Chúa quan phòng
- Lời kinh tuyệt hảo nhất mà Chúa Giêsu dạy ta là lời nào? Kinh lạy Cha
b. Chúa Thánh Thần - Chúa Thánh Thần có vai trò nào trong đời sống chúng ta?
- Dạy dỗ chúng ta mọi điều và làm chúng ta nhớ lại mọi điều Chúa Giêsu đã dạy chúng ta
- Cầu thay nguyện giúp chúng ta vì ta hèn yếu do tội lỗi, không có sức tiếp thu nổi những giáo huấn của Chúa Kitô, không biết phải cầu nguyện thế nào cho phải
- Làm cho chúng ta nên con Thiên Chúa và chứng thực chúng ta là con cái Thiên Chúa
- Như vậy, Chúa Thánh Thần đãn đưa chúng ta đến gặp gỡ và sống hiệp thông với Chúa Cha là Thầy dạy nội tâm cũng là Thầy dạy chúng ta biết cầu nguyện và nhắc ta nhớ lại những gì Chúa Giê su đã dạy. Xin Thánh Thần Chúa luôn ở trong ta và xin cho thân xác ta luôn xứng đáng là đền thờ của Ngài
| Chính Chúa Giê-su là mẫu gương cầu nguyện hoàn hảo nhất. (176) Chúa Thánh Thần là Thầy dạy ta cầu nguyện, vì Người được sai đến để dạy dỗ và nhắc lại cho chúng ta tất cả những gì Chúa Giê-su đã dạy. (177) |
D. Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã thường xuyên cầu nguyện cùng Chúa Cha và đã dạy chúng con phải siêng năng cầu nguyện. Xin sai Thánh Thần đến nhắc nhớ chúng con những điều Chúa đã dạy để chúng con được sống thân tình với Chúa.
III. EM NHỚ LỜI CHÚA.
- “Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông” (Lc 11, 1).
- Số 174 - 177.
IV. EM SỐNG LỜI CHÚA.
- Sinh hoạt: Băng reo CẦU NGUYỆN
Người điều khiển TC
Em cầu nguyện - Cách chân thành
Em cầu nguyện - Cách khiêm tốn
Em cầu nguyện - Trong tin tưởng
Em cầu nguyện - Với mến yêu
2. Thực hành: Câu chuyện dẫn đến thực hành:
Đức Cha Thiamer Toth người Hungari đã nói về sự liên kết giữa cầu nguyện và hoạt động bằng mẩu chuyện sau:
Một ngư phủ lão thành và đạo đức nọ mời một bạn trẻ cùng ra khơi với ông. Chiếc ghe nhỏ được trang bị bằng hai mái chèo. Trên một mái chèo, người ta đọc thấy hai chữ cầu nguyện; còn mái chèo kia ghi hai chữ làm việc. Thấy vậy, người thanh niên thắc mắc: tại sao vừa làm việc, lại vừa cầu nguyện ?
Ông lão không trả lời người bạn trẻ cách trực tiếp. Thay vào đó, ông gác mái chèo có ghi hai chữ “cầu nguyện”, và dùng mái chèo còn lại để chèo chống. Mặc cho ông hết sức cố gắng xoay xở, chiếc ghe vẫn chòng chành chao đảo mà không thể tiến lên được tí nào. Thế rồi, chờ cho chàng thanh niên chóng mặt và la ới ới, ông lão mới để mái chèo có hai chữ “cầu nguyện” xuống nước. Nhờ có hai mái chèo: “cầu nguyện và làm việc” cùng nhịp nhàng khua nước, chiếc ghe lấy lại thế quân bình, và rẽ sóng lướt đi.
Vậy em cần làm nên một hoà điệu giữa cầu nguyện và học tập bằng cách ít nhất luôn kết thúc ngày sống bằng kinh tối nhé.
3. Bài làm ở nhà: Em ghi vào tập bài làm lời cầu nguyện sau: Lạy Chúa Thánh Thần, xin dạy con biết cầu nguyện.
V. KẾT THÚC: Chúng ta hãy luôn cầu xin chúa thánh thần soi lòng mở trí chúng ta biết cầu nguyện. Có thế, chúng ta mới liên kết với Chúa Giêsu trong tình yêu thương của Chúa Cha và sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần.
……………………………………….
Bài 41: ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN
Lời Chúa: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26, 41)
Ý chính : 1. Thời gian, nơi chốn và cao điểm của cầu nguyện.
2. Đức Maria và các thánh hỗ trợ việc cầu nguyện (Ga 2,1-11)
Tâm tình : Luôn sống trong tâm tình cầu nguyện.
Chuẩn bị: Tranh ảnh cầu nguyện.
I. ỔN ĐỊNH.
1. Đón tiếp:
2. Thánh hóa: Các em thân mến, chỉ một mình Chúa có thể ban cho chúng ta tinh thần cầu nguyện. Và cũng chỉ Thánh Thần Chúa mới dạy cho ta biết cách cầu nguyện. Xin ân sủng của Chúa giúp các em yêu thích đời sống cầu nguyện, vì chỉ có Chúa là Đấng duy nhất cần thiết.
3. Dẫn vào bài mới: Chúng ta đã học xong 40 bài giáo lý trong chương trình giáo lý cấp II. Hôm nay là bài chót và là bài về đời sống cầu nguyện. Chúng ta đã cố gắng học tập thì chúng ta cũng hãy sống nhưng điều mình đã học để cuộc đời chúng ta luôn là lời cầu nguyện của Chúa Kitô.
II. EM NGHE LỜI CHÚA.
A. Dẫn nhập: Chúa Giêsu và các môn đệ vào vườn Cây Dầu. Người dẫn 3 môn đệ thân tín Phêrô, Giacôbê và Gioan vào sâu trong vườn. Rồi Chúa Giêsu đi xa hơn để cầu nguyện. Người biết rõ Giuđa và đối phương đang chuẩn bị và trong ít phút nữa sẽ đến đây bắt Người. Trong giờ phút này, Chúa muốn tìm một chút đỡ nâng nơi 3 môn đệ yêu quí nhất nhưng các ông đều ngủ cả! Chúa Giêsu đã nói gì với các ông? Mời các em cùng đọc Mt 26,40-41 (Mời đứng).
B. Công bố Lời Chúa: Mt 26,40-41
C. Dẫn giải nội dung giáo lý:
LỜI CHÚA | DIỄN GIẢI | NỘI DUNG GL |
Ga 11,41-42 Mt 14,19; 26,27; Lc 24,30-31 Mt 11,25 Ga11,41b Ga 17,20 1Cr 10,31 Mt 26, 36 Mt 14,23; 15,36; Mc 1,35; Lc4,42 Ga 11,45 Lc 19,46 Mt 6,9-13 ; 11,25-27 Ga 14,6 1 Cr 12,3 Rm 8,15b | 1. Đời sống cầu nguyện a) Cầu nguyện khi nào: - Chúa Giê su cầu nguyện trong những hoàn cảnh nào, lúc nào? Khi nào? Mời các em mở Tin mừng
- Noi gương Chúa Giêsu, ta cầu nguyện lúc nào? Bất cứ lúc nào trong cuộc sống: tạ ơn Chúa khi lãnh nhận những ơn lành, ngợi khen Chúa khi ta hân hoan vui sướng và có thể xin Người ban cho ta, hay cho người khác những ơn cần thiết.
- Thánh Phao lô nói gì vềcầu nguyện? “Dù ăn, dù uống, hay làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa”. Vậy em hãy cầu nguyện cả khi ăn, khi chơi, khi ngủ …Tuy nhiên, để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện, Hội thánh khuyên ta thực hiện nhịp độ cầu nguyện trong ngày như ban sáng, ban tối, trước các bữa ăn; nhất là tham dự Thánh lễ.
b) Cầu nguyện ở đâu? - Tin mừng Mt 26, 36 cho chúng ta biết Chúa Giêsu cầu nguyện ở đâu? Tại núi Cây Dầu cũng gọi là vườn Gietsimani.
- Trong bài 40, chúng ta đã thấy Chúa Giêsu cầu nguyện tại hội đường Do thái, tại Đền Thờ Giêrusalem, tại nơi thanh vắng, giữa chỗ đông người...
- Chúa Giê su còn cầu nguyện trong ở nơi nào nữa? Ở nghĩa địa, trước mộ Lazarô
- Chúa Giê su gọi nơi nào là nhà cầu nguyện? Đền thờ và hội đường
- Noi gương Chúa, ta có thể cầu nguyện ở đâu? Bất cứ nơi đâu: ở nhà em, ở những nơi thanh vắng, cô tịch, nhưng nhà thờ vẫn là nơi ưu tiên cho việc cầu nguyện.
c) Cao điểm của cầu nguyện: - Chúa Giêsu hằng cầu nguyện với ai? Chúa Cha
- Ngài dạy ta thưa với Chúa Cha thế nào? Lạy Cha chúng con ở trên trời
- Chúa Giêsu còn cho thấy cao điểm của cầu nguyện là việc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Noi gương Chúa Giêsu, việc cầu nguyện của ta phải là cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa. Muốn vậy, trước tiên chúng ta nhờ Chúa Kitô là đường duy nhất có thể đưa chúng ta đến cùng Chúa Cha. Thứ đến, chúng ta phải nhờ Chúa Thánh Thần, Thầy dạy cầu nguyện, mới có thể giúp chúng ta kêu cầu cùng Chúa Kitô và đến cùng Chúa Cha với tư cách là con
- Chúng ta có thể cầu nguyện bằng tâm tình (cầu nguyện tự phát), hoặc yên lặng để thờ lạy, chiêm ngắm Chúa.
| Ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào trong cuộc sống như tạ ơn Chúa khi lãnh nhận những ơn lành, ngợi khen Chúa khi ta hân hoan vui sướng và có thể xin Người ban cho ta, hay cho người khác những ơn cần thiết (178) Ta có thể cầu nguyện bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu. Nhưng nhà thờ vẫn là nơi ưu tiên cho việc cầu nguyện. Ngoài ra, những nơi thanh vắng, cô tịch... cũng thích hợp cho việc cầu nguyện. (179) Cao điểm của việc cầu nguyện là lúc ta gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa là Cha. Nhưng để đến được với Cha, ta phải nhờ Chúa Giê-su là con đường duy nhất, như Người đã nói: “Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). (180) |
Ga 2,1-11 Ga 19, 26-27 | 2. Đức Maria và các thánh hỗ trợ việc cầu nguyện. a. Đức Maria: - Tin mừng Ga 2,1-11 thuật lại sự việc nào? Nhờ sự can thiệp của Đức Maria, Chúa Giê su đã làm phép lạ hóa nước thành rượu
- Phép lạ này đã giải cứu sự bế tắc hết rượu của gia đình tân hôn, khơi gợi và củng cố niềm tin nơi các môn đệ vừa đi theo Chúa và cho ta thấy phương thức để được Chúa cứu giúp: “Người bảo gì hãy làm theo”. Ý nghĩa trên cũng đủ thuyết phục chúng ta luôn chạy đến cậy nhờ Mẹ Maria cầu bầu.
- Trước khi tắt thở, Chúa Giê su trăn trối Đức Mẹ cho ai? Gioan
- Chúa Giêsu cũng trao Thánh Gioan cho Đức Mẹ. Thánh Gioan đại diện cho nhân loại, vậy chính Chúa Giêsu đã liên kết chúng ta với Mẹ của Người. Hơn nữa, với vị trí của Mẹ là Nữ vương Thiên đàng, chúng ta càng được mời gọi liên kết với Mẹ mà ca tụng, tạ ơn Thiên Chúa và xin Mẹ chuyển cầu cho ta.
b. Các Thánh: - Giáo hội mừng kính các thánh vào ngày nào? Ngày 1/11 hàng năm
- Thánh bổn mạng của em được Giáo hội mừng kính và ngày nào?
- Chúng ta có được hiệp thông với các Thánh không? Có, qua tín điều các thánh thông công, các thánh trên trời đã được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa nên các ngài vừa là gương mẫu vừa là người cầu bầu đắc lực cho ta trước Thiên Chúa
c. Hội Thánh: - Hội Thánh mời gọi chúng ta sống tâm tình cầu nguyện liên lỉ theo lời dạy và mẫu gương cầu nguyện của Chúa Giê su và Mẹ Maria
- Trong ngày sống, em có cầu nguyện không? Em thường cầu nguyện thế nào?
- Như thân xác cần của ăn, thức uống, tâm hồn chúng ta cũng cần được được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện. Em hãy khởi đầu ngày sống bằng việc dâng mình cho Chúa ngay khi thức dậy, hãy quyết tâm sống tốt, làm việc tốt, tham dự Thánh lễ hoặc chầu Thánh thể, tham dự giờ kinh gia đình, cầu nguyện trước bữa ăn, trước khi ngủ và khi học bài.
| Ta được liên kết với Đức Ma-ri-a khi cầu nguyện vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, và cũng là Mẹ chúng ta. Cho nên khi cầu nguyện, ta hãy liên kết với Mẹ mà ca tụng, tạ ơn Thiên Chúa, và xin Mẹ chuyển cầu cho ta.(181) Ta được liên kết với các Thánh khi cầu nguyện vì các ngài là những người đã được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa nên các ngài có thể chuyển cầu cho ta trước tòa Thiên Chúa. (182) Để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện, Hội thánh khuyên ta thực hiện nhịp độ cầu nguyện trong ngày như: sáng, tối và trước các bữa ăn; nhất là tham dự Thánh lễ. (183) |
D. Cầu nguyện: Lạy Chúa, cầu nguyện là hơi thở của linh hồn. Xin giúp chúng con biết luôn tưởng nghĩ đến Chúa nhiều lần trong ngày để sự sống siêu nhiên được tăng triển luôn mãi.
III. EM NHỚ LỜI CHÚA.
- “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mt 26, 41).
- GL số 178- 183
IV. EM SỐNG LỜI CHÚA.
1. Sinh hoạt: Tìm trong tập Hát và Sinh hoạt giáo lý cấp II.
2. Thực hành: Ta hãy ca tụng quyền năng, phép tắc của Thiên Chúa và đó là lời cầu nguyện của ta trong mọi nơi ở mọi lúc. Vậy em quyết tâm luôn cầu nguyện mỗi khi làm việc.
3. Bài làm ở nhà: Em ghi lại một lời cầu nguyện tự phát mà em tâm đắc nhất.
V. KẾT THÚC:
……………………………………………….