Chúa nhật, 24/11/2024

Gia Đình: Linh Ảnh Của Lòng Thương Xót

Cập nhật lúc 21:01 10/04/2021


Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn

 Bài viết này muốn trình bày suy tư về liên kết nội tại có tính bí tích giữa Hôn nhân gia đình và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Do vậy, trước hết sẽ trình bày Tên của Chúa là Thương Xót, như tên gọi của quyển sách gần đây của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tiếp đó trình bày Thiên Chúa là Gia đình, nguồn cội của mọi gia đình thế trần, và từ đó, đi hướng ra: Gia đình Kitô hữu như thể hiện bí tích “dung mạo” của Lòng Thương Xót của Chúa và một chút gợi ý mục vụ như hệ luận của suy tư.
 
I. DANH THIÊN CHÚA LÀ THƯƠNG XÓT
Các Đức Giáo Hoàng gần đây nhất rất xác tín về thời đại hôm nay là thời đại của Lòng Thương Xót.
Quả thế, khi Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII long trọng khai mạc Công Đồng Vaticanô II, ngài nói rằng: “Ngày nay, Hiền Thê của Chúa Kitô muốn sử dụng phương dược của lòng thương xót hơn là của sự nghiêm khắc… Hội Thánh Công giáo muốn thể hiện chính mình như một người mẹ đầy yêu thương của tất cả mọi người, một người mẹ từ ái, nhẫn nại, luôn được thôi thúc bởi lòng thương xót và nhân hậu đối với những người con đang xa rời mẹ”[1].
Trong quyển “Suy tư về Sự Chết,” Chân phước Phaolô VI đã bộc lộ bản chất đời sống thiêng liêng của mình trong một tổng hợp mà thánh Augustinô đã nói đến: là sự Khốn cùng và Lòng Thương Xót. Đức Giáo Hoàng Montini viết: “Sự khốn cùng của con, Lòng Thương Xót của Chúa, để con biết tôn kính Chúa. Thiên Chúa độ lượng vô cùng vô tận, để con cầu khẩn, đón nhận và mừng kính Lòng Thương Xót ngọt ngào của Chúa”[2].
Thánh Gioan Phaolô II đưa khái niệm này đi xa hơn nữa trong Thông điệp Dives in Misericordia (Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót). Ngài khẳng định rằng Giáo Hội sống thật khi tuyên xưng và công bố Lòng Thương Xót, căn tính kinh ngạc nhất của Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Chuộc, và khi Giáo Hội dẫn dắt nhân loại đến suối nguồn Lòng Thương Xót. Hơn nữa, Đức Gioan Phaolô II còn thiết lập lễ kính Lòng Thương Xót Chúa, chứng thực cho thánh Faustina Kowalska, và tập trung vào các lời Chúa Giêsu nói về Lòng Thương Xót.
Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI cũng nói về Lòng Thương Xót trong các giáo huấn của ngài: “Lòng Thương Xót, thực tế là cốt lõi của thông điệp Tin Mừng, Lòng Thương Xót chính là danh thánh Thiên Chúa, là dung mạo Ngài đã bày tỏ trong Cựu Ước và biểu lộ trọn vẹn trong Chúa Giêsu Kitô, thể hiện trong Tình yêu Tạo dựng và Cứu chuộc. Tình yêu thương xót này cũng chiếu tỏa gương mặt của Giáo Hội, và được biểu lộ qua các bí tích, đặc biệt là trong bí tích Hòa Giải, cũng như trong các việc thiện của cộng đoàn hay cá nhân. Mọi sự mà Giáo Hội nói và làm, cho thấy Thiên Chúa cảm thương con người”.[3]
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, chỉ vài tháng sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, trở về từ Rio de Janeiro sau Đại Hội Giới trẻ Thế giới, ngài nói: “Thời đại chúng ta là thời đại của Lòng Thương Xót”. “Đúng thế, tôi tin rằng đây là thời đại của Lòng Thương Xót. Giáo Hội đang thể hiện khía cạnh mẫu tử của mình, gương mặt người mẹ của mình với một nhân loại bị tổn thương. Giáo Hội không chờ cho người bị thương đến gõ cửa, nhưng đi ra các ngả đường để tìm kiếm, để quy tụ; Giáo Hội ôm lấy và chăm lo, cho họ cảm nhận mình được yêu thương. Thế nên, như tôi đã nói và tôi tin chắc hơn bao giờ hết, đây là một kairos, kỷ nguyên của Lòng Thương Xót, một thời gian thích hợp”[4].
Để loan báo Tin Mừng về Lòng Thương Xót, thiết tưởng có thể loan báo bốn điểm trụ cột sau đây: (1) Thiên Chúa yêu thương bạn; (2) Chúng ta đã phạm tội; (3) Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại từ cõi chết; và (4) chúng ta phải đáp lại những ơn sủng đó bởi lòng tin.
Thế nhưng, cần thời gian dài để kinh nghiệm và hiểu các sự thật ấy và chúng biến đổi cách chúng ta nhìn thế giới và sống trong thế giới. Đó cũng là trung tâm điểm của công cuộc Tân Phúc-Âm-hóa. Đó cũng là cuộc sống không ngừng hoán cải và bước sâu hơn mỗi ngày vào Tình yêu Chúa.

 
1. Chúng ta là ai? chúng ta đã bị tha hóa bởi tội lỗi như thế nào?
Chúng ta là những thụ tạo Chúa dựng nên “theo hình ảnh của Ngài” (St 1,27). Thánh Kinh mạc khải: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Chúng ta được dựng nên từ đất (adamah), một nguồn gốc hèn hạ, nhưng lại được Thiên Chúa nâng lên phận thụ tạo cao cả, có ý chí tự do và lý trí loài người, được làm con của Ngài, được cho dự phần vào ân sủng sự sống thần linh. Điều ý nghĩa đối với chúng ta đó chính là sự sống, sự sống nhân văn và tự nhiên, và cũng là sự sống siêu nhiên và thần linh: Ơn trọng đại nhất.
Thế nhưng, chúng ta, là một thụ tạo tinh thần, chỉ có thể sống phận làm con thảo đó bằng cách tự do suy phục Thiên Chúa. Điều đó được diễn tả trong lệnh cấm con người không được ăn trái cây biết lành biết dữ. Hiểu như thế, là đồng thời chúng ta cũng hiểu việc Thiên Chúa cảnh báo Ađam và Eva khi Ngài nói: “Đức Chúa là Thiên Chúa truyền lệnh cho con người rằng: “Hết mọi trái cây trong vườn, ngươi cứ ăn; nhưng trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn, vì ngày nào ngươi ăn, chắc chắn ngươi sẽ phải chết”” (St 2,16-17). «“Cây cho biết điều thiện điều ác” là một biểu tượng diễn tả ranh giới không thể vượt qua mà con người, trong tư cách là thụ tạo, phải nhìn nhận một cách tự do và tôn trọng một cách tin tưởng. Con người lệ thuộc Đấng Tạo Hóa; nó phải quy phục các định luật của công trình tạo dựng và các quy tắc luân lý quy định sử dụng sự tự do».[5] Sự thực là con người đã lạm dụng tự do và bất tuân lệnh Thiên Chúa khi nghe lời dụ dỗ của Tên Cám Dỗ (biểu tượng Con Rắn trong Vườn Êđen). Đó là tội đầu tiên của con người. Mọi tội lỗi sau đó đều là bất tuân Thiên Chúa và thiếu tin tưởng vào lòng nhân hậu của Ngài. Con người đã phạm một tội trọng, tội nguy tử: “tội dẫn tới cái chết” (1 Ga 5,16). Nó phải trả giá: sự sống quý giá hơn nhiều thuộc phần linh hồn. Nó bị mất quyền làm con Thiên Chúa. Mất ơn thánh hóa. Nghĩa là lâm vào Cái Chết đời đời.
Di sản nhận lãnh và tặng phẩm cứu chuộc
Vì bất tuân Thiên Chúa, Ađam và Eva đã trả một giá đắt. Chúa đuổi ông bà ra khỏi vườn Êđen, tước mất ơn sủng thánh hóa, sự sống siêu nhiên. Rốt cuộc họ cũng mất sự sống tự nhiên, nhưng cũng đồng thời kịp truyền lại bản tính loài người khốn hèn cho con cháu, rồi cho chúng ta. Đó là tội nguyên tổ. Tội nguyên tổ không phải là một tội do ta phạm, nhưng do ta mắc phải. Chúng ta nhận từ tổ tông một bản tính nhân loại thiếu vắng bản tính thần linh mà nguyên thủy đã được trao ban một cách nhưng không cho chúng ta. Như thế, về mặt tâm linh, chúng ta như đã chết ngay từ đầu. Gia sản ta nhận từ tổ tông là cái chết thiêng liêng. Về thể lý, chúng ta còn sống, nhưng về tâm linh chúng ta đã chết, vì không có sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta.
Bí tích Rửa tội sẽ làm thay đổi tình trạng đó. Sự sống siêu nhiên, sự sống của Thiên Chúa là thực tại Bí tích Rửa tội mang lại cho chúng ta, trả lại cho chúng ta sự sống thần linh mà Ađam và Eva đã đánh mất. Nhưng ngay cả sau khi Rửa tội, không phải mọi sự đều ổn như trước kia của thuở ban đầu. Vẫn còn một chút vấn đề: dục vọng (concupiscentia) của con người, như một hệ quả thiếu trật tự sót lại của tội nguyên tổ. Dục vọng tự nó chưa phải là một tội lỗi; là hậu quả của tội nguyên tổ, nhưng cũng là nguyên nhân gây ra tội lỗi thực.
Điều ác chúng ta gây ra
“Người đàn bà thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình ; ông cũng ăn” (St 3,6). Ba điều Eva bị cám dỗ: trái cây (1) “ăn thì ngon”; (2) “trông thì đẹp mắt”; và (3) “đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn”; giống những cám dỗ sau này được giải thích rõ ràng trong 1 Ga 2,15-17, về dục vọng:
“Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha, vì mọi sự trong thế gian: như dục vọng của tính xác thịt, dục vọng của đôi mắt và thói cậy mình có của, tất cả những cái đó không phát xuất từ Chúa Cha, nhưng phát xuất từ thế gian; mà thế gian đang qua đi, cùng với dục vọng của nó. Còn ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa thì tồn tại mãi mãi.”
Dục vọng hay sự thèm khát của xác thịt, của con mắt, và thói cậy mình có của; khoái lạc, tham lam, và kiêu ngạo; ăn nhậu, chè chén, hút sách, dâm đãng, ngoại tình, văn hóa phẩm khiêu dâm; tiền của, áo quần chưng diện, xe cộ, trang sức, máy móc; tiếng tăm, danh dự, lời chúc tụng, sự ngu dốt, ý chí yếu nhược, sự nóng giận và thù hận của chúng ta, tất cả những cái đó là cám dỗ hòng lôi kéo chúng ta xa rời Chúa. Chúng ta rốt cuộc không thể theo đuổi cả hai, vừa chọn thế gian, vừa chọn Thiên Chúa được.
Tội lỗi không chỉ là phá vỡ lề luật, mà còn phá hủy sự sống chúng ta. Nó làm tan vỡ tâm hồn, phá tan các tổ ấm gia đình. Chính vì thế, lề luật của Chúa đã không được thiết định cách tùy tiện, chuyên chế. Nhưng Ngài biết chúng ta rõ hơn chính chúng ta biết ta và yêu mến chúng ta còn hơn chúng ta yêu mình, Ngài lập luật chỉ vì ích lợi cho cuộc sống viên mãn của chúng ta. Luật Chúa được tất định cả trên bình diện vật lý lẫn trên bình diện tâm linh. Các quy luật luân lý cũng không thể được loài người thương thảo, thỏa hiệp như các quy luật vật lý. Khi chúng ta trộm cắp, gian dối, ngoại tình, hay gian dâm, chúng ta không chỉ bất tuân Cha chúng ta, Người Cha hoàn hảo, yêu thương, mà còn làm những điều tự thân chúng gây thương tổn cho chúng ta, gây ra sự chết. Hậu quả của việc thiếu tin tưởng vào Thiên Chúa, không chấp nhận vâng phục tin tưởng của phận làm con.
Đức Giêsu đã sống trung tín của phận làm Con Thiên Chúa
Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người, sống thân phận người hoàn toàn giống như chúng ta trừ tội lỗi. Ngài cũng bị cám dỗ, cũng có một thân xác phải chết, biết đói biết khát với bản tính vô thường. “Dẫu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8). Người đã đối diện với các cám dỗ chính yếu mà Ađam đã gặp trong vườn Êđen và chúng ta cũng gặp phải trong thế giới hôm nay. Nhưng Người đã không vấp ngã. Người làm chủ được bản thân và tình thế, siêu thoát và khiêm nhường, Người luôn gắn chặt với Chúa Cha. Người vượt thắng được thử thách mà Ađam thì trượt ngã và chúng ta đang đối mặt ngày nay.
Sở dĩ thế là vì Người đã đáp lại với tư thế của một kẻ làm con. Người đã hành động trong niềm tin tưởng phó thác của một người con. Các cám dỗ của Chúa Giêsu trong hoang địa kể lại trong Phúc âm Matthêu và Luca cho thấy điều đó[6]. “Cuối thời gian này, Satan cám dỗ Người ba lần nhằm đặt vấn đề về thái độ con thảo của Người đối với Thiên Chúa”[7]. Satan thất bại. Nó có thể cướp mất sự sống làm con Thiên Chúa nơi Ađam, nhưng không thể làm thế với Đức Kitô, Ađam mới, người Con tín thác.
Vậy, mầu nhiệm thẳm sâu của tội lỗi của chúng ta là gì? Nếu không phải chính là đã không tin tưởng Thiên Chúa, Ngài là một người Cha kêu gọi chúng ta tham dự vào điều còn cao quý hơn cả hạnh phúc vườn Êđen. Tội là khước từ sống phận làm con Thiên Chúa. Vì sự khước từ này, Thiên Chúa đã chuộc bằng một giá vô cùng đắt vì Yêu thương. Giá ấy chính là mạng sống của người Con Một Thiên Chúa làm người để cứu chuộc chúng ta. Cũng như trong Cựu ước, dân Israel đã chuộc tội mình nhờ hy lễ con vật dâng lên bởi tư tế Đền Thờ, cũng thế Chúa Kitô trong Giao ước mới vừa như là thượng tế vừa như lễ phẩm dâng hiến chính mình trên đồi Calvariô. Hy lễ ấy thanh tẩy các thành viên Hội Thánh, “họ đã tẩy sạch áo mình và tẩy trắng tinh trong máu con Chiên” (Kh 7,14). Tình thương Thiên Chúa được mạc khải như Lòng Thương Xót của Ngài đối với những tội nhân tin tưởng vào Ngài thể hiện qua lòng sám hối. Mạc khải Thiên Chúa là Tình Yêu, đối với chúng ta vốn chỉ là tội nhân, chỉ có thể là Thiên Chúa Đấng Hay Thương Xót. Danh Thiên Chúa là Thương Xót.
Hôm nay là thời đại Giáo Hội cần làm cho Danh ấy được cả sáng. Danh ấy đã mặc lấy xác phàm trở thành một người sống giữa chúng ta. Danh ấy là GIÊSU KITÔ.

 
2. Dung Mạo của Lòng Thương Xót
Chúa Giêsu Kitô chính là Dung mạo hữu hình của Chúa Cha, Lòng Thương Xót thần linh.
Phúc âm nhiều lần mô tả Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương (x. Mt 9,36) và nuôi ăn, cả bánh vật chất và bánh tinh thần, đám đông dân chúng đi theo Người đói khát, mệt mỏi và kiệt sức, không người chăn dắt. Chúa cảm thương và hiểu thấu tâm tư những kẻ đến tìm gặp Người (như Gia-kêu, chị phụ nữ Samaria, Nicôđêmô, người thu thuế Lêvi - Matthêu, người mẹ góa mất con thành Nain, những bệnh nhân, những người bị quỉ ám,…) và đáp ứng những nhu cầu chân thực nhất của họ. Sự kiện được kể trong câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang trong Phúc âm thánh Gioan chương 8 biểu lộ cụ thể lòng thương xót của Người đối với một tội nhân đáng phải chết. Khi các luật sĩ và các người Pharisêu sắp đem ném đá chị theo luật định, Chúa Giêsu đã cứu chị. Người nói với họ ai nghĩ mình vô tội thì hãy ném đá chị đầu tiên. Và tất cả sau đó đều bỏ đi. Và Chúa nói với chị: “Tôi cũng vậy, tôi không kết án chị đâu. Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!” (Ga 8,11).
Khi thiết lập bí tích Thánh Thể, để muôn đời tưởng nhớ đến Người và cuộc Vượt Qua, Chúa Giêsu đã đặt hành động tối thượng này của Mạc khải dưới ánh sáng của Lòng thương xót. Cũng trong chính bối cảnh lòng thương xót ấy, Chúa Giêsu đã trải qua Khổ Nạn và Cái Chết, ý thức mầu nhiệm Tình yêu cao cả sẽ diễn ra trên Thập Giá.[8] “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1 Ga 4,8.16). Tình Yêu ấy giờ đây trở nên hữu hình và được tỏ lộ trong hiến tế Thập giá và cả cuộc đời của Chúa Giêsu.
Ngày Thứ Sáu tuần thánh, Đức Kitô đã thực hiện điều Người vẫn không ngừng làm. Chúa Cha yêu thương cúi nhìn Người bằng một Tình Yêu (cũng chính là sự sống của Thiên Chúa) tức Thần Khí Người, Chúa Giêsu đón nhận Tình Yêu ấy, để rồi như Cha, Người đáp lại bằng việc trao hiến Tình Yêu trở lại cho Ngài. Phút cuối đời, Người trút hơi thở (pneuma), máu cùng nước chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu, như dấu chỉ hữu hình của những mầu nhiệm vô hình, là Phép Rửa và Thánh Thể, thông ban sự sống cho chúng ta. “Khi chăm chú ngắm nhìn Chúa Giêsu và dung mạo lòng thương xót của Người, chúng ta có thể cảm nhận được tình yêu của Ba Ngôi Chí Thánh. Chúa Giêsu đã lãnh nhận sứ vụ mạc khải trọn vẹn mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa”[9]. Bản thân Người là Tình Yêu ban tặng cho chúng ta cách vô điều kiện.
Qua các bí tích, chúng ta lãnh nhận sự sống của Thiên Chúa. Chúng ta lãnh nhận những gì Chúa truyền thông cho chúng ta qua cuộc nhập thể, tử nạn, chết, và phục sinh của Người. Chúng ta tham dự vào hành động cứu chuộc của Chúa Con, chúng ta nhận lãnh ân sủng để mang lấy thập giá của mình, hoàn tất “những gì còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô vì Thân Mình Người, là Hội Thánh” (Cl 1,24). Theo gương Đức Kitô trên thập giá, chấp nhận những thánh giá hằng ngày trên đường đời với một lòng tín thác yêu mến như thế, thánh giá của chúng ta cũng trở nên có sức thánh hóa, có giá trị cứu chuộc.

 
II. THIÊN CHÚA LÀ GIA ĐÌNH
Chúng ta tìm được ở đâu một gia đình có khả năng đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của chúng ta? Làm sao ta tìm được một tình yêu bởi đó Chúa tạo dựng nên chúng ta?
Trở lại những chương đầu sách Sáng thế, ta có thể thấy được những gợi ý về bản sắc gia đình tối hậu, nguồn mạch khởi thủy và tận cùng của mọi gia đình loài người chúng ta.
Qua năm ngày rưỡi, Thiên Chúa gọi tạo thành vào hiện hữu bằng lời phán “Hãy có” theo sau là danh tính từng loài thụ tạo: ánh sáng, bầu trời, nước, tinh tú, chim cá, và dã thú. Nhưng đến giữa ngày thứ sáu Ngài đột nhiên phán bằng một lời hơi khác: “Thiên Chúa phán: "Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất."” (St 1,26). Nhìn cho kĩ, ta có thể thấy có một thay đổi cách nói rất ý nghĩa. Đối với phần còn lại của công trình tạo thành, Thiên Chúa chỉ có bày tỏ một sự mãn nguyện “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp” (1,10.12.18.25). Nhưng khi tạo dựng con người, Thiên Chúa, Đấng Duy Nhất không thể phân chia, lại nói về mình trong ngôi thứ nhất số nhiều: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ.” Và tác giả sách Sáng thế nói tiếp: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (1,27).
Qua năm ngày rưỡi đầu tiên mô tả trong Sáng thế, Thiên Chúa đã tạo dựng một thế giới biểu lộ vinh quang Ngài và mang dấu ấn của Ngài. Vì toàn thể thiên nhiên tạo thành đều nói về Chúa, cũng như mọi công trình nghệ thuật bày tỏ thế nào đó về nhà nghệ sĩ. Tuy nhiên, vào ngày thứ sáu, Thiên Chúa tạo dựng hữu thể đầu tiên mang hình ảnh và giống như Ngài, là Thiên Chúa vô sắc vô tướng. Hơn nữa, Ngài tạo dựng nó chỉ như một nhất thể số nhiều (plural unity/ dual unity), và nói về Mình, Kẻ truyền lệnh ở số nhiều. Vậy, có thể mô tả chính xác một Thiên Chúa đơn độc được không? Câu trả lời nằm ẩn bên dưới các đại từ số nhiều trong sách Sáng thế, và chỉ được mạc khải đầy đủ nhờ Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Chỉ trong Tin Mừng ta mới có thể thấy rõ tại sao thụ tạo loài người phải là một gia đình trước khi nó có thể là hình ảnh của Thiên Chúa đầy đủ. Chúa Giêsu nói về Chúa Cha như một ngôi vị phân biệt, Ngài là một Ai đó mà Chúa Giêsu cầu nguyện với, một Ai đó Chúa Giêsu đang đi về. Nhưng Người và Chúa Cha là một. Chúa Giêsu cũng nói về một Ngôi vị thần linh khác: đấng Bàu Chữa (Ga 15,26), Thánh Thần (Ga 20,22), Đấng sẽ đến với các môn đệ sau khi Chúa Giêsu lên trời. Sau cùng, khi sắp lên trời, Chúa Giêsu một lần nữa gây kinh ngạc khi mạc khải Danh Thiên Chúa cho các môn đệ Người, mà đối với người Do thái thời ấy, Danh Thiên Chúa tức danh tính thẳm sâu của Ngài là khôn tả, khôn dò: (nhân) “Danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19). Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo cũng trình bày minh bạch nói rằng các Kitô hữu được rửa tội “nhân danh” Cha và Con và Thánh Thần, chứ không “nhân các danh” của các Ngài, vì chỉ có một Thiên Chúa, là Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh.[10] Vậy Thiên Chúa là Ba, nhưng lại là Một. Đó là “mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm trung tâm của đức tin và đời sống Kitô hữu… mầu nhiệm Thiên Chúa trong chính bản thể của Ngài… là nguồn mạch của các mầu nhiệm khác của đức tin và là ánh sáng chiếu soi các mầu nhiệm ấy.”[11]
Con người ở một mình không tốt, vì một mình con người không thể hoàn tất mục đích của mình trong tạo thành. Thiên Chúa không đơn độc, bởi thế con người cũng không thể sống một mình. Con người cá thể đơn độc không thể mang hình ảnh giống như Thiên Chúa được.
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong lần viếng thăm mục vụ đầu tiên các nước châu Mỹ, đã nói: “Thiên Chúa trong mầu nhiệm thẳm sâu nhất của Ngài không đơn độc nhưng là một gia đình vì lẽ Thiên Chúa trong Ngài có Cha, có Con và có Yếu tính của gia đình, tức là Tình Yêu”[12]. Hiển nhiên, Tình Yêu này không phải là một sự gì mà chính là Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa. Và dĩ nhiên, Cha, Con, và Thánh Thần không phải là những từ ngữ mang sắc thái “giới tính”, nhưng là những thuật ngữ có “tính tương quan”. Diễn ngữ “gia đình Thiên Chúa” mang tính thần học, chứ không có tính sinh học, diễn tả các mối quan hệ vĩnh cửu giữa Ba ngôi Thiên Chúa sống trong tình Hiệp thông.
Đức Giáo Hoàng không nói Thiên Chúa như một gia đình, nhưng nói Thiên Chúa  gia đình. Từ thuở đời đời Thiên Chúa có những thuộc tính nền tảng của một gia đình (kẻ làm cha, người làm con và tình thương yêu) và những thuộc tính ấy hoàn mỹ nhất. Các gia đình loài người có lẽ phải nói là “như” một gia đình thì đúng hơn, vì các nhân vật và các tương quan gia đình không toàn hảo. Chúng ta vẫn luôn còn đó những vết rạn hỏng hóc, không có những thuộc tính gia đình hoàn thiện. Chỉ Thiên Chúa mới có, vì Ngài là Chân, Thiện, Mỹ. Thiên Chúa là gia đình. Chúng ta chỉ là họa ảnh của Ngài.
Không một gia đình nhân loại nào giống sát sao Ba Ngôi diễm phúc như Thánh Gia của Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Quả thật, điều rất ý nghĩa, là chính Thiên Chúa đã chọn sinh ra làm người trong một gia đình nhân loại. Ngài đã có thể bước vào lịch sử nhân loại bằng muôn vàn cách thức khác nhau; vì Ngài toàn năng. Nhưng rốt cuộc, Ngài đã chọn sinh ra bởi một người phụ nữ mà không có kết hợp thân xác với một người nam theo lẽ tự nhiên thông thường. Trong Thánh Gia, Đức Giêsu đã sống một đời như hình ảnh thế trần của Ba Ngôi vĩnh phúc.

 
1. Một Hội thánh Gia đình
Trong khi thi hành sứ vụ và rao giảng, Chúa Giêsu mạc khải cho ta biết Thiên Chúa là một Gia đình. Người còn đi xa hơn: khi kêu gọi người ta đi theo Người, Chúa Giêsu kêu gọi họ bước vào một gia đình vượt trên cả gia đình huyết tộc, bộ tộc: «Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người đó là anh em, và chị em, và là mẹ tôi» (Mc 3,31-35). Và thậm chí Người còn nói mạnh hơn: «Ai đến với tôi mà không ghét cha, mẹ, vợ, con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ tôi được» (Lc 14,26).
Khi lập Giao ước mới, Đức Kitô đã xây dựng một Gia đình phổ quát của Thiên Chúa, tức Hội Thánh.
Hội Thánh là gia đình của Thiên Chúa vì là Thân Mình của Đức Kitô, một Đức Kitô nhập thể tiếp tục trương rộng và xa, và như thế chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi triển nở sinh sôi. Vinh quang của Thiên Chúa là ở chỗ Ngài làm Cha một Gia đình chung, phát triển và giữ cho gia đình ấy sống yêu thương hiệp nhất. Con cái thuộc gia đình này, những người con “trong” Người Con Duy Nhất, gồm những ai tin, tức là kẻ thi hành thánh ý của Cha, qua nghe và tuân giữ những gì Đức Kitô truyền dạy. Ơn cứu độ chính là một lời mời gọi tham dự vào đời sống gia đình riêng này của Chúa. Khi đi xuyên qua Ngôi Nhà của Thiên Chúa, hiểu sự thống nhất bên trong, những mối kết nối nội tại – mầu nhiệm Ba Ngôi chí thánh, Người Mẹ thiêng liêng Đức Maria, các vị thánh khác nhau, sức mạnh của các bí tích – ta mới hiểu tại sao Hội Thánh là một gia đình. Trong truyền thống của Hội Thánh Công Giáo, người ta thường gọi các linh mục là “cha” (father), các nữ tu là “chị/em” (sister), các nữ tu viện trưởng là “Mẹ Bề Trên”. Tất cả phản ánh một cái nhìn gia đình về Giáo Hội. Gia đình này thực là gia đình hơn cả gia đình tự nhiên, bởi vì chính mối dây bí tích Ba Ngôi liên kết chúng ta lại với nhau. Đó là một gia đình được rèn được luyện bởi một ràng buộc mà các thứ ràng buộc gia đình khác chỉ là hình ảnh của nó.

 
2. Gia đình là một Hội Thánh tại gia: chứng từ của Lòng Thương Xót
Đã từ hai ngàn năm, các gia đình Kitô hữu bởi chứng từ cuộc sống hằng ngày đã giúp bao nhiêu người trở lại với đức tin. Bằng cách sống “yêu thương trong những việc nhỏ” – cách mà các đôi vợ chồng chăm sóc cho nhau, nuôi dạy con cái, làm các việc thường ngày, và tỏ lòng nhân ái tử tế đối với mọi người xung quanh – các gia đình này đã chứng thực cho quyền năng biến đổi của ân sủng và vẻ đẹp của đời sống Kitô hữu.
Hiệu quả của cách thức làm chứng đặc thù đó không phải là điều gì ngẫu nhiên. Bởi từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã có ý kết hợp người nam và người nữ nên “một xương một thịt” để thành dấu chỉ của Ngài và cách Ngài yêu mến. Thiên Chúa, như thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã nói, không đơn độc nhưng là một gia đình, mối hiệp thông đời đời giữa Cha, Con và Thánh Thần. Bởi Phép Rửa chúng ta trở nên thành phần của gia đình ấy, được nhận làm con và có sự sống riêng của Thiên Chúa trong chúng ta. Chúng ta cũng trở nên thành phần của Hội Thánh, hiền thê của Đức Lang Quân, người yêu của Người Yêu vĩ đại nhất, Đấng đã hiến thân mình cho hiền thê mình để “nàng trở nên thánh thiện và vô tì tích” (Ep 5,25-27). Vì thế, thánh Phaolô có thể gọi hôn nhân là một mầu nhiệm cao vời sâu thẳm (Ep 5,32). Nhờ sự kết hợp của người nam và người nữ ấy, nhờ sự phong nhiêu của tình yêu họ, những hi sinh họ làm vì tình yêu, và ân sủng qua những hi sinh ấy, mà hôn nhân “tỏ lộ” Thiên Chúa Tình Yêu. Hôn nhân làm nhập thể một thực tại quá cao vời chúng ta không đủ sức để hiểu: Thiên Chúa là Tình yêu trung thành, phong nhiêu, có sức biến đổi.
Ngày nay có quá nhiều hôn nhân gia đình đổ vỡ, thất bại, không đáp ứng ý định của Chúa, kết thúc bằng ngoại tình hay ly dị hoặc bị què quặt bởi mang não trạng chống thụ thai. Dẫu thế, hiệu quả của dấu chỉ bí tích vẫn không suy giảm nơi các cặp tiếp tục sống niềm tin, làm chứng cho tình yêu bằng cách sống hôn nhân của họ phù hợp với ý định của Thiên Chúa, mà có thể còn mạnh mẽ hơn. Theo Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, “Sự kết hợp một người nam và một người nữ nên “một xương một thịt” trong tình mến, trong tình yêu phong nhiêu và bất khả phân ly, là một dấu chỉ nói về Thiên Chúa cách mạnh mẽ và thuyết phục, còn lớn lao hơn nữa cho thời đại hôm nay vì hôn nhân, thật không may, vì nhiều lý do đang đi qua khủng hoảng sâu sắc”[13]. Thách đố của các cặp Công giáo không chỉ là để cho hôn nhân của họ được biến đổi bởi ân sủng đức tin mà còn làm sao biến hôn nhân của họ thành một khí cụ bí tích thông truyền ân sủng và chân lý cho người khác. Các gia đình không chỉ là đối tượng của chăm sóc mục vụ nhưng còn là chủ thể loan báo Tin Mừng cách mới mẻ.
Trong thời đại ngày nay, Kitô hữu phải sống lại tầm nhìn Gia đình như là một Hội thánh tại gia. Nhìn gia đình là nơi chốn để Tình yêu Thiên Chúa trở nên hữu hình và sống động, để tình yêu thành hiện thực, và đức tin được lưu truyền cho thế hệ tương lai. Gia đình phải là nơi đặc biệt cho chứng từ của cộng đoàn, một dấu chỉ giữa xóm phường và sống yêu thương.
Cuối cùng, giữa một thế giới tội lỗi như thế, chính gia đình cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng tác động. Tội làm đổ vỡ mối hiệp thông giao ước. Làm đổ vỡ các quan hệ giao ước. Tội là thất bại không thể yêu thương như những con cái Chúa được mời gọi yêu thương. Nhưng tin cũng là liên tục hoán cải, trở về với tình yêu con thảo với Chúa. Rất may Chúa còn để lại một phương dược chữa lành tội nhân: bí tích Sám hối hay Hòa giải. Bí tích này càng được sống nhiều hơn và sâu hơn trong thời đại quay về với Lòng Thương Xót của Chúa như ngày nay. Khiêm tốn nhận ra mình là tội nhân yếu đuối, tin tưởng vào lòng từ bi, nhẫn nại và hay thương xót của Chúa, các đôi vợ chồng biết mình được yêu thương tha thứ thì cũng tha thứ cho nhau, và để Thần Khí của ơn tha thứ chan hòa biến đổi cả gia đình, và lan tỏa ra các gia đình xung quanh. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: “Chúa không bao giờ mệt mỏi vì tha thứ. Chính chúng ta mới mệt mỏi vì đã không khẩn xin tha thứ”[14].

 
III. KẾT
Sau hết, để cụ thể xin gợi ra đây vắn tắt gợi ý thực hành, để Gia đình trở thành một Hội thánh tại gia loan báo Tin Mừng Lòng Thương Xót:
Chứng tá của Tình yêu Trung tín:
- Các đôi vợ chồng phải cố sống lời hứa ngày cưới;
- Cha mẹ phải trở thành người loan báo Tin Mừng đầu tiên cho con cái mình;
- Gia đình phải trở thành nhà nguyện;
- Thánh lễ phải trở thành trung tâm của đời sống gia đình và Hòa giải là bí tích thường xuyên;
- Hội Thánh tại gia phải là tổ ấm tình yêu;
- Chúng ta phải trung tín;
- Chúng ta phải vun đắp đức cậy trông.
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 94 (Tháng 5 & 6 năm 2016)
 

[1] Diễn từ khai mạc CĐ Vatican II, Gaudet Mater Ecclesia, 11.10.1962, 2-3.
[2] Pope Francis, The Name of God Is Mercy, Random House, 2016.
[3] Đgh Bênêđictô, Regina Caeli Message on Divine Mercy Chúa nhật 30.03.2008.
[4] Pope Francis, The Name of God Is Mercy, Random House, 2016.
[5] GLHTCG 396.
[6] Mt 4,1-11; Lc 4,1-11.
[7] GLHTCG 538.
[8] Đgh Phanxicô, Misericordiae Vultus, 7.
[9] Đgh Phanxicô, Misericordiae Vultus, 8.
[10]GLHTCG 233.
[11]GLHTCH 234.
[12] Gioan Phaolô II, Puebla: A Pilgrimage of Faith, Daughters of St. Paul, Boston 1979, 86.
[13] Đgh Bênêđictô XVI, “Homily for the Opening of the Synod of Bishops and Proclamation of St. John of Avila and of St. Hildegard of Bingen as Doctors of the Church”, 7.10.2012.
[14] Đgh Phanxicô, “Diễn từ Kinh truyền tin” Chúa nhật 17.03.2013.
Nguồn: hdgmvietnam.com
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log