Trong chương cuối của Tông Huấn “Christus Vivit - Đức Kitô Đang Sống”, Đức Thánh Cha Phanxicô muốn tiếp nối lời giáo huấn của ngài về phân định trong Tông Huấn “Gaudete et Exsultate - Niềm Vui Hoan Hỷ”, để giúp cho người trẻ nhận biết ơn gọi của mình giữa lòng thế giới.[1] Làm người, mà thiếu đi sự phân định khôn ngoan thì trở nên con mồi cho những trào lưu của thế giới tục hóa - nhất là của nền văn minh loại bỏ hiện nay.[2] Sự phân định thiêng liêng cần đến lý trí, sự thận trọng, nhưng thế thôi chưa đủ, còn cần được gắn kết với ý nghĩa cuộc đời - nghĩa là tìm kiếm kế hoạch mầu nhiệm và độc đáo của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Do vậy, cần có sự thinh lặng và cầu nguyện để làm công việc phân định, hãy để cho mình được Chúa Kitô biến cải, tập thói quen làm việc lành, tập nhận ra kỳ công của Thiên Chúa trong đời sống hằng ngày và nơi đời sống chứng tá của những tiền nhân hoặc những người đang đồng hành với chúng ta bằng sự khôn ngoan của họ. Nhờ thế mà chúng ta nhận thức rõ ràng hơn về những khả năng và hạn chế của mình để tập luyện cho mình ngày càng trưởng thành về nhân đức khôn ngoan, biết định hướng cho cuộc đời thông qua những chọn lựa cụ thể.[3] Phân định xưa nay luôn là điều cần thiết, trong hoang địa (Mt 4,1-11; Lc 4,1-13), tại vườn Giêtsêmani (Mt 26,36-46) Chúa Giêsu đã phân định để biết ý Cha mà vâng theo chứ không theo chước cám dỗ cũng không theo ý riêng. Thời các Tông đồ, thánh Gioan dạy: “đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải đến từ Thiên Chúa hay không...” (1Ga 4,1tt). Trong đời sống cần phân định vì người lành và kẻ dữ như cỏ lùng lẫn với cây lúa (Mt 13,24-30); vì quỷ dữ đội lốt thiên thần sáng láng (2Cr 11,14), vì có những ngôn sứ giả lan tràn (1Ga 4,1b; Mt 7,15), thợ gian xảo đội lốt tông đồ của Đức Kitô (2Cr 11,13). Ngay cả làm việc bác ái cũng cần phân định, vì nếu không, thay vì giúp người thì lại hại người.[4]
Trong Tân Ước có hai từ giúp ta hiểu phân định là “Diakriô” và “Dokimazô”. - “Diakriô” có nghĩa là phát hiện (detect), phân biệt (differentiate), phân định (discern) (xem Mt 16,3). Diakriô nhấn mạnh đến việc sử dụng lý trí đối chiếu với những kinh nghiệm đã thủ đắc trong quá khứ để nhận biết ý nghĩa một thực tại - “Dokimazô” có nghĩa là thử nghiệm (attempt), thử thách (try), trắc nghiệm (test). Xem 1Pr 1,6-7. Nhấn mạnh đến thao tác, trui rèn, tinh luyện qua thực tiễn cụ thể để phân biệt cho đúng đắn. Kết hợp ý nghĩa của hai từ này thì phân định (discernment) trước hết là quan sát và lắng nghe thực tại, rồi dựa vào kinh nghiệm cuộc sống đã có mà nhận diện hay tách bạch thực tại để tìm ra cốt lõi khách quan của nó, rồi đưa ra phán đoán; sau đó cần phải kiểm chứng, trui rèn phán đoán ấy để có một sự chắc chắn khách quan hết sức có thể. Phân định không phải là một phán định thuần chủ quan: “tôi nghĩ...”, “tôi nhận thấy…” Phân định thiêng liêng là cộng tác với Thiên Chúa, với “kế hoạch” của Ngài, để cùng Ngài hình thành vận mệnh của mình. Phân định thiêng liêng là tiến trình hình thành và hiện thực hóa tự do, chứ không do hệ quả của tự do. Chính qua phân định mà ý Chúa cũng như vận mệnh đời tôi được hình thành và trở nên hiện thực cho tôi ở đây và lúc này. Khi phân định, tôi cùng với Chúa xây dựng cuộc đời và vận mệnh đời tôi. Phân định thiêng liêng là một quá trình con người hiện thực hóa tự do của mình, và cách thức để có được điều này là đi vào và sống tương quan với Thiên Chúa. Vì thế, khi đi vào phân định thì cần tập cho có tự do bằng cách xin ơn bình tâm. Khi đi vào linh thao để phân định, nhiều người mắc sai lầm khi quan niệm phân định đơn thuần là một hoạt động tâm trí, mà quên rằng, trước tiên, họ cần phải gặp gỡ Thiên Chúa, cần phải tập trung cầu nguyện để kết hợp với Ngài, trước khi có thể phân định. Phân định thiêng liêng sẽ là công cụ đích thực trong cuộc chiến tâm linh, giúp chúng ta đi theo Chúa một cách trung thành hơn, theo cách riêng của mỗi người và chỉ có Chúa mới biết.[6]
Theo Tông Huấn Gaudete et Exsultate (Niềm Vui Hoan Hỷ) về phân định, ở chương Năm (số 158-177), Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy đời sống thiêng liêng và hành trình nên thánh là một cuộc chiến đấu thiêng liêng, vì thế tín hữu cần duy trì ba thái độ thiêng liêng căn bản: chiến đấu, tỉnh thức và phân định thiêng liêng.[7] Phải chiến đấu và tỉnh thức vì đây không chỉ là một cuộc chiến chống lại thế gian và não trạng thế tục, mà còn là một cuộc chiến thường xuyên chống lại ma quỷ. Đức Thánh Cha nêu lên bận tâm và cho thấy phân định như là cách thức duy nhất cho những ai muốn nên thánh. Ngài nêu lên ý nghĩa và giá trị của phân định: “Làm thế nào để biết một điều đến từ Chúa Thánh Thần hay nó có nguồn gốc nơi tinh thần của thế gian hay nơi tinh thần của ma quỷ? Cách thức duy nhất đó là phân định, vốn đòi hỏi không chỉ có khả năng suy nghĩ hay lý lẽ thường tình. Đó cũng là một ân huệ phải nài xin. Nếu chúng ta xin Chúa Thánh Thần ơn huệ ấy với sự tin tưởng, và nếu chúng ta đồng thời nỗ lực phát triển ơn huệ ấy nhờ cầu nguyện, suy nghĩ, đọc sách và lắng nghe những lời khuyên tốt lành, thì chắc chắn chúng ta sẽ lớn lên trong khả năng thiêng liêng này.”[8] Cho cuộc chiến đấu này, chúng ta có những khí giới mạnh mẽ Chúa ban cho chúng ta: đức tin được diễn tả trong cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, cử hành Thánh lễ, tôn thờ Thánh Thể, Bí tích Hòa Giải, các việc bác ái, đời sống cộng đoàn, dấn thân thi hành sứ vụ.[9]
Dựa vào Tông Huấn Gaudete et Exsultate (Niềm Vui Hoan Hỷ) và Christus Vivit (Đức Kitô Đang Sống) trong các chương nói về phân định, chúng ta nhận ra những ý tưởng và sự trình bày của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc phân định ơn gọi[10]
Phân định là một nhu cầu càng khẩn thiết đối với hôm nay, vì thế giới ngày nay đa phức, vội vã, mập mờ; vì người trẻ ngày nay đang bị nhấn chìm trong nền văn hóa loại bỏ, bị lôi cuốn vào ảo vọng thế gian hoặc bị điều khiển bởi thần khí ma quỷ tạo ra.[11] Mọi người, đặc biệt là giới trẻ, bị đưa vào một nền văn hóa bấm nút chuyển kênh liên tục (zapping constant). Người ta có thể đồng thời lướt qua hai hoặc ba màn hình và tương tác đồng thời trên những không gian ảo khác nhau. Đức Thánh Cha cho thấy nếu thiếu đi sự phân định khôn ngoan, chúng ta sẽ dễ dàng trở thành con mồi cho những trào lưu chóng qua.[12]
Sự phân định cần đến những hiểu biết về hiện sinh, tâm lý, xã hội, hay luân lý, nhưng cần vượt xa hơn nữa. Các quy tắc đúng đắn của Giáo Hội cũng không đủ, vì phân định là một ân sủng, nó tìm cách để có một cái nhìn về ý định/kế hoạch của Thiên Chúa đối với mỗi người, được định hình giữa những hoàn cảnh và giới hạn khác nhau; nói cách khác, sự phân định cần được gắn kết với ý nghĩa cuộc đời chúng ta trong sự quan phòng của Thiên Chúa.[13] Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý, khi phân định chúng ta sẽ đặt ra nhiều câu hỏi. Ngài khuyên đừng nên bắt đầu với những câu hỏi: Làm sao kiếm tiền, kiếm ở đâu? Làm sao có địa vị danh vọng? Làm sao để tìm được công việc thoải mái nhất? Mà phải bắt đầu tôi có biết tôi không? Điều gì mang lại niềm vui và nỗi buồn trong tôi? Điểm mạnh điểm yếu của tôi là gì? Bằng cách nào để phục vụ tha nhân tốt/ tốt hơn và cho thấy mình có ích cho Giáo hội và cho xã hội? Tôi có khả năng cần thiết nào cho công việc này và có thể phát triển khả năng đó theo cách nào?[14] Khi xuất hiện một yếu tố bên ngoài ta cần kiểm tra xem có đến từ Chúa Thánh Thần hay không và ta có đang để nó du nhập không? Hoặc khi xuất hiện một xu hướng kháng cự, hay e ngại dấn thân bên trong bản thân mình, ta cần kiểm tra xem đó có phải là một cám dỗ để tháo lui hay một một trở lực do ma quỷ bày ra không? Thánh Phaolô dạy: “Hãy cân nhắc mọi sự, cái gì tốt thì giữ lấy.” (1Tx 5,21)[15] Trong quá trình phân định, mỗi chúng ta hãy để cho Chúa Kitô biến đổi[16]. Sự biến đổi không chỉ ở chỗ nhìn nhận tội lỗi mà còn cần phải nhận ra kỳ công của Chúa trong đời sống mỗi chúng ta ngang qua các biến cố, chứng tá của những người xung quanh, người đi trước. Chỉ khi ấy chúng ta mới nhận thức rõ ràng về khả năng và hạn chế của bản thân để định hướng cuộc đời thông qua những chọn lựa cụ thể cách khôn ngoan.
Đức Thánh Cha Phanxicô cho thấy phân định ơn gọi là một hình thức đặc thù và chính mỗi người phải biết và tự quyết định cho mình, không ai có thể làm thay.[17] Trong quyển “sức mạnh của ơn gọi”, Đức Thánh Cha nói với người trẻ rằng, chính bạn phải chịu trách nhiệm, chính bạn phải tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, trong cộng đoàn, nơi các vị phụ trách của mình, hoặc có thể một mình, nhưng chính bạn, chứ không ai khác làm thay bạn, phải đi tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa.[18] (i) Luôn đặt mình dưới ánh sáng Lời Chúa[19] Phải phân định không ngừng, không chỉ trước một quyết định quan trọng mà cả trong việc nhỏ, ngang qua việc xét mình hằng ngày và trong thinh lặng. Ta không thể nghe Lời Chúa nếu thiếu đi sự thinh lặng nội tâm. Thinh lặng không làm khép kín đời mình. Để có thể nhận ra chính xác điều ta tin là được Chúa gợi hứng thì cần phải bình tâm. (ii) Phân định trong cầu nguyện phải bắt nguồn từ việc lắng nghe cách cởi mở. Chỉ khi sẵn sàng lắng nghe, ta mới có thể gác lại những tư tưởng tản mạn và thiếu sót. Chỉ khi lắng nghe một cách cởi mở ta mới thật sự mở lòng để đón nhận tiếng gọi, một tiếng gọi lôi chúng ta ra khỏi cảm giác an toàn giả tạo, dẫn đưa ta đến một cuộc sống mới.[20] (iii) Khi phân định không nên tập trung chủ yếu vào bản thân hay khuynh hướng cá nhân, mà nên tập trung vào tha nhân. Đừng lãng phí thời gian để tự hỏi “tôi là ai?” nhưng cần phải hỏi “tôi dành cho ai?” Thiên Chúa ban cho chúng ta tài năng, tính cách, khuynh hướng, sự lôi cuốn là để chúng ta chia sẻ với mọi người xung quanh.[21]
1) Để phân định ơn gọi, ta cần nhận ra được tiếng gọi của người bạn Giêsu. Chúa Giêsu xem chúng ta là bạn hữu và Ngài muốn ban cho chúng ta những điều tốt nhất để sống trọn vẹn và hữu ích trong niềm vui và hứng khởi - đó là món quà, một món quà luôn phù hợp cho cuộc đời chúng ta. 2) Ơn gọi là một tặng phẩm mang tính tương tác, đòi người nhận phải có sự cộng tác với ân sủng, sự kết hợp trọn vẹn giữa sinh lực và sức mạnh trong tâm hồn để nhìn xa hơn, hướng về Vô Biên. 3) Trong việc phân định ơn gọi cần thiết phải có sự đồng hành; sự đồng hành theo Đức Thánh Cha là như đôi bạn lữ hành, là khi hai người cùng đi đường với nhau, một trong hai người đi quá nhanh sẽ không tốt đâu; người đi nhanh phải đi theo nhịp bước của người chậm hơn; nghĩa là trong đời sống chung, mỗi người phải có khả năng kiên nhẫn với những giới hạn của người khác.[23] 4) Sự lắng nghe là không thể thiếu và có ba cung bậc riêng biệt bổ sung cho nhau[24]: (i) Quan tâm - hướng đến cá nhân, biết dành thời gian cho nhau; biết cách làm cho tha nhân cảm thấy thời gian của ta là của họ. (ii) Phân định - tức là phân biệt sự thật với những ảo vọng và biện minh, hiểu rõ đâu là hồng ân và đâu là cám dỗ. Lắng nghe như thế là phân định những thôi thúc lành mạnh của Thánh Thần và những cạm bẫy của ma quỷ trong những lời hứa rỗng tuếch. Cần phải dũng cảm, nhiệt thành và tế nhị. (iii) Thấu hiểu những động lực đang thúc đẩy con người tức là một sự lắng nghe trong sâu thẳm để phân định hướng đi. Hãy nhìn vào những ước mong và khao khát hời hợt và hãy nhìn vào điều gì là đẹp lòng Chúa nhất, phù hợp với kế hoạch của Ngài cho ta. Cách lắng nghe này giúp ta phân định được ý nghĩa tối hậu quyết định ý nghĩa cuộc đời mình.
Trước đây, một cách nào đó, “kỷ luật sẽ bảo vệ bạn”. Các vị sáng lập đã dự phóng đời sống cho chúng ta, và các ngài đã viết những khoản luật đầu tiên từ một kinh nghiệm mở, nhưng rồi đời sống thánh hiến chúng ta mất nét tinh khôi của mình và trở thành khuôn khổ hóa. Dòng tu có Hiến Pháp (constitution) và Quy Luật (rule, law). Nơi Hiến Pháp người ta tìm thấy những điều có tính tổng quan; còn Quy Luật để tham chiếu liên quan đến những điều riêng, trong đời sống thường ngày. Quy Luật có tính thực tiễn hơn, nó có thể không ngừng thay đổi; Hiến Pháp thì quan trọng hơn, nó như các quy luật, nhưng có tính tổng quát hơn nhiều; thật là rất dễ bước tới, vì tất cả đã được đưa vào quy tắc chuẩn mực. Sống đời tu trước đây có phần dễ hơn, vì mọi sự đã được dọn sẵn cho bạn, mọi sự đã được quy định nghiêm ngặt. Ngày nay, chính bạn phải chịu trách nhiệm, chính bạn phải tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa, trong cộng đoàn, nơi các vị phụ trách của mình, hoặc có thể một mình, nhưng chính bạn, chứ không ai khác làm thay bạn, phải đi tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa.[25]
Vì thế, để có một ơn gọi trưởng thành trong đời tu cần phải lớn lên trong ơn phân định, nếu cứ mãi sống trong mức độ thô sơ thì một người thánh hiến như thế giống như đứa trẻ cứ ôm bình sữa và không thể trưởng thành. Ơn phân định đem lại cho người thánh hiến sự trưởng thành và sự trưởng thành là điều căn bản hôm nay của người thánh hiến. Một biểu hiện của sự trưởng thành hay đang trưởng thành nơi người thánh hiến là sự vâng phục. Những người thánh hiến có cộng đoàn, sống trong cộng đoàn, có các vị phụ trách, có các công nghị/công hội/tu nghị, đó là những bạn đồng hành cho phép chúng ta đi tới đích. Chọn sống theo con đường của cộng đoàn, của công nghị, theo hướng dẫn của các vị phụ trách đó là tìm kiếm sự trưởng thành trong thánh hiến. Và để được như thế, sự phân định trong vâng phục là chìa khóa. [26] Người tu sĩ không thể lớn lên trong đời sống thánh hiến, không thể tự đào tạo, nếu không có người đồng hành. Các tu sĩ phải luôn tìm cách để bước đi trong hành trình đời tu với một người bạn đồng hành lớn tuổi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn và đây là điều cần thiết để chống đỡ bốn cột trụ của đời tu[27], đừng ai bước đi trong đơn độc lẻ loi. Bạn đồng hành cũng như người được đồng hành cũng cần phải xin ơn để biết lắng nghe, biết đồng hành. Tất cả những người thánh hiến cần tìm một bạn đồng hành để giúp tạo ra sự khác biệt và đó là một người biết lắng nghe, một con người ta có thể tin tưởng và nói chuyện.[28]
Huấn luyện là sự đồng hành theo sát để tạo cơ hội cho ứng sinh được trưởng thành. Vì thế việc đồng hành trong huấn luyện đòi hỏi sự theo sát để hướng dẫn và giúp phân định để có một sự phán đoán đúng đắn. Huấn luyện sơ khởi phải có những hình thức và cấu trúc nâng đỡ các ứng sinh để hình thành được những tâm hồn tự do trưởng thành, sẵn sàng để mình được thụ huấn, biết học qua các biến cố hằng ngày, theo lối sống tâm tình của Đức Kitô - là hạ mình, vâng phục để phục vụ cho đến nỗi bằng lòng chịu chết (Pl 2,5). Đây là một công việc nghệ thuật. Huấn luyện là việc cơ bản cho tương lai đời thánh hiến; huấn luyện trong đời tu không phải là đào tạo ra các nhà quản trị, những người quản lý, mà hướng dẫn họ thành những mục tử, những con người phục vụ và làm chứng tá về tình huynh đệ. Vì thế mà huấn luyện không phải là công việc cảnh sát. Những người phụ trách huấn luyện được kêu gọi trở nên người đồng hành (như Đức Kitô): có năng lực, thân thiện, đối thoại, gần gũi, thấu hiểu, tôn trọng, khiêm tốn, có tính xây dựng chứ không áp đặt, biết kết hợp kiến thức với kỹ năng trong việc đồng hành để khích lệ đời sống huynh đệ và biết đồng trách nhiệm. [29]
Trong đồng hành, vị phụ trách đồng hành (hay gọi là linh hướng) cần thường xuyên duyệt xét và điều chỉnh bản thân hầu trở nên khí cụ trung tín của Chúa Thánh Thần. 4.1/ Vị đồng hành phải là con người có niềm tin và có kinh nghiệm về Thiên Chúa: được Chúa yêu thương và cứu chuộc, được Chúa lôi kéo và cuốn hút; có kinh nghiệm xây dựng đời sống trong Giáo Hội. Vị đồng hành đưa ra những hướng dẫn khởi từ kinh nghiệm đức tin của mình, như thánh Gioan Tông đồ: “Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến,... chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Đức Giêsu Kitô, Con của Người.” (1Ga 1,1.3) 4.2/ Vị đồng hành phải có đời sống cầu nguyện: Đồng hành thiêng liêng là một ơn riêng và tác vụ nhận lãnh từ Thiên Chúa, do vậy vị đồng hành phải có đời sống cầu nguyện cá nhân sâu sắc và kiên định; cầu nguyện cho mình khi thực hiện tác vụ đồng hành phải lắng nghe được tiếng của Thánh Thần và cầu nguyện cho người thụ hướng. 4.3/ Vị đồng hành ý thức các yếu tố phân định liên quan đến bản thân - Cần nhớ rằng, vị đồng hành cũng có những giới hạn về tâm cảm, tính cách, hay nhân cách. Nên phải luôn duyệt xét những rào cản tâm lý nơi bản thân. Có thể nêu ra các rào cản sau đây: (i) Các xu hướng tìm kiếm bù trừ vô thức: + Bù trừ quyền bính là thể hiện sự ảnh hưởng và uy quyền trên người khác, từ đó dẫn đến những sai lệch trong đồng hành như: chỉ đạo, áp đặt các giải pháp, quyết định thay người thụ hướng, tự xem mình là “cha mẹ” thiêng liêng... Điều này làm cho người thụ hướng thui chột tự do và ngăn cản sự trưởng thành thiêng liêng nơi họ. + Bù trừ tình cảm là biến các cuộc gặp gỡ đồng hành thành cơ hội tìm kiếm thỏa mãn nhu cầu tình bạn, nhu cầu trò chuyện, tìm kiếm thông tin. Điều này xảy ra nơi các vị đồng hành thiếu thốn tình cảm và ít cơ hội tương giao. (ii) Định kiến, yên trí, kỳ vọng sai lạc về những người thụ hướng. Lệch lạc tâm lý này ngăn cản sự tiếp cận các cá nhân như “họ là”, từ đó không thể trợ giúp họ hữu hiệu theo nhu cầu riêng của mỗi người. (iii) Chuyển dịch tình cảm: Đây là điều mà mọi vị đồng hành cũng như tư vấn đều phải thật tỉnh táo để nhận diện, vì trong các cuộc gặp gỡ, từ vô thức có sự tìm kiếm bù trừ tình cảm, hoặc phóng chiếu vào người thụ hướng những tình cảm có trước đó với người nào đó, hoặc nảy sinh một tình cảm khác phái sai lệch. Điều này sẽ làm lệch hướng mối tương quan trợ giúp. (iv) Xu hướng áp đặt sở thích hay bận tâm cá nhân: Đây là biểu hiện của những người quy kỷ - tức là bị ám ảnh bởi những bận tâm của mình mà quên rằng người thụ hướng và vấn đề của người ấy mới là trọng tâm. Chẳng hạn như yêu mến Kinh Mân Côi thì tuyệt đối hóa thực hành này trong các cuộc gặp gỡ đồng hành; hoặc bận tâm một vấn đề xã hội hay chính trị thì có xu hướng chính trị hóa những giải pháp trong đồng hành. (v) Nóng vội và kỳ vọng kết quả như ý mình: Nhiều người thụ hướng biến chuyển chậm hoặc sự thăng tiến đời sống không theo như ý vị đồng hành, từ đó vị này gia tăng tác động đối với người thụ hướng để thúc đẩy. Làm như thế là thiếu tôn trọng nội tâm của mỗi người và “cướp” quyền tác động của Thánh Thần nơi người ấy. - Bình tâm hay tự do nội tâm là thái độ tiên quyết ở khởi đầu mọi cuộc phân định. Phải có thái độ bình tâm nơi vị đồng hành cũng như người thụ hướng. Sự bình tâm không chỉ là thái độ của ý thức hay lý trí mà còn phải là sự siêu thoát thật sự của tâm hồn. - Tôn trọng tính khách quan: Vị đồng hành cần kiểm tra tính khách quan trong cách thức lắng nghe, suy xét, tương tác hay phản hồi với người thụ hướng để tôn trọng quyết định của người thụ hướng dưới tác động của Thánh Thần. Vì “thời gian thì quan trọng hơn không gian” nên đừng áp đặt lộ trình riêng của người đồng hành lên người thụ hướng, bởi vì tiến trình trưởng thành thiêng liêng nơi một con người luôn có tính tự do và độc nhất.[31]
“Tận đáy lòng, con người khao khát Thiên Chúa vì con người được tạo dựng do Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, và chỉ nơi Thiên Chúa, con người mới tìm gặp chân lý và hạnh phúc mà họ không ngừng tìm kiếm.”[32] Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, phân định sẽ trở thành một công cụ đích thực cho cuộc chiến tâm linh, giúp ta đạt tới một kinh nghiệm nhận định thần loại, một sự gắn bó mang tính biệt vị với Chúa Giêsu Kitô, và nhờ Ngài mà hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa.[33] Phân định sẽ giúp cho ta trưởng thành hơn về nhân đức khôn ngoan, nhận thức một cách rõ ràng về những khả năng và hạn chế của bản thân và định hướng cho cuộc đời thông qua những chọn lựa cụ thể trong sự tự do nội tâm, và nhờ ơn Chúa Thánh Thần, ta thanh luyện được khỏi những đam mê vô trật tự hay những quyến luyến lệch lạc và sống thánh ý Chúa qua những biến cố (vui - buồn - sướng - khổ) của cuộc sống thường ngày, để không ngừng tìm kiếm Thiên Chúa và đi theo Ngài một cách trung thành hơn.[34] Do đó, sự phân định luôn là điều cần thiết xưa nay, chúng ta cần phải phân định trong mọi lựa chọn lớn nhỏ của đời sống, nhờ đó, ta khám phá được “niềm vui hoan hỷ” trong một khát khao tìm gặp Đấng Vô Biên là chân lý và hạnh phúc mà con người không ngừng tìm kiếm. Đức Thánh Cha cũng mong muốn thấy người trẻ “được lôi cuốn bởi khuôn mặt Đức Kitô - Đấng mà chúng ta yêu mến, tôn thờ” và hạnh phúc bước theo Đức Kitô tiến về phía trước, dám bỏ lại tất cả những gì là chậm chạp và sợ hãi. Người trẻ hãy cho Giáo Hội nhiệt huyết, trí tuệ và đức tin vì chính Giáo Hoàng và cả mọi thành phần dân Chúa cần những điều ấy.[35] Mẹ Maria là mẫu gương cho chúng ta trong việc phân định. Mẹ cũng đã đối diện với những câu hỏi và khó khăn, trong suy tư và cầu nguyện, trong thinh lặng và chiêm niệm Mẹ đã nghe tiếng Chúa và mau mắn thi hành và Mẹ trở thành “người có phúc” và được “Thiên Chúa ở cùng”. Xin Mẹ luôn hiện diện với chúng ta trong tình mẫu tử để chuyển cầu, để đồng hành, để phù trợ cho mỗi chúng ta trong hành trình tiến về nhà Cha.[36]
[4] Bài của Lm Giuse Phạm Thanh Liêm (sj), Phân Định Để Nhận Biết Thánh Ý Chúa. Xem Tạp Chí Linh Đạo I-Nhã, Phân Định Thiêng Liêng của Dòng Tên Việt Nam, trang 239-247
[5] Bài của Lm Fx. Nguyễn Hai Tính (sj), Quan Niệm Về Ý Chúa Và Tự Do Con Người Trong Phân Định. Xem Tạp Chí Linh Đạo I-Nhã, Phân Định Thiêng Liêng của Dòng Tên Việt Nam, trang 153-162
[7] Lm Micae Trương Thanh Tùng, Bài Giới thiệu Tông Huấn Gaudete et Exsultate. Xem Tạp chí Linh Đạo I nhã của Dòng Tên Việt Nam, “Phân Định Thiêng Liêng” trang 189-194
[8] Tông huấn Gaudete et Exsultate - Niềm Vui Hoan Hỷ số 166
[10] Xem Lm Micaen Trương Thanh Tùng, Bài Giới thiệu Tông Huấn Gaudete et Exsultate. Xem Tạp chí Linh Đạo I nhã của Dòng Tên Việt Nam, “Phân Định Thiêng Liêng” trang 192-194
[11] Xem Christus Vivit số 279 và Gaudete et Exsultate số 168
[12] Christus Vivit 279. X. Gaudete et Exsultate số 167
[13] Christus Vivit 280. X. Gaudete et Exsultate số 170
[18] ĐTC Phanxicô, Sức Mạnh của Ơn Gọi - Đời sống thánh hiến ngày nay. Cuộc trò chuyện của ĐGH với Fernando Prado. LM Lê Công Đức chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp: La Force de la Vocation - La vie consacrée aujourd'hui. NXB Đồng Nai 2019, trang 51-52
[19] Christus Vivit số 283. X. Gaudete et Exsultate 169
[20] Christus Vivit số 284. X. Gaudete et Exsultate 172
[23] ĐTC Phanxicô, Sức Mạnh của Ơn Gọi - Đời sống thánh hiến ngày nay. Cuộc trò chuyện của ĐGH với Fernando Prado. LM Lê Công Đức chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp: La Force de la Vocation - La vie consacrée aujourd'hui. NXB Đồng Nai 2019, trang 78-79
[25] ĐTC Phanxicô, Sức Mạnh của Ơn Gọi - Đời sống thánh hiến ngày nay. Cuộc trò chuyện của ĐGH với Fernando Prado. LM Lê Công Đức chuyển ngữ từ bản tiếng Pháp. NXB Đồng Nai 2019, trang 51-52. Xem Christus Vivit số 283.
[27] Theo ĐTC Phanxicô bốn cột trụ của đời tu là đời sống thiêng liêng, đời sống cộng đoàn, đời sống học tập nghiên cứu, và đời sống tông đồ, bốn chiều kích này phải tương tác với nhau. Ibid trang 83-84.
[29] ĐGH Phanxicô, Đánh Thức Thế Giới - Gặp gỡ các Bề trên Tổng quyền. Xem Th bộ Đời Tu, “Rượu Mới Bầu Da Mới” số 34
[30] Lm Micaen Trương Thanh Tùng, Bài Giới thiệu Tông Huấn Gaudete et Exsultate. Xem Tạp chí Linh Đạo Inhã của Dòng Tên Việt Nam, “Việc Phân Định Của Vị Linh Hướng Trong Đồng Hành” trang 290-297