Giải Đáp Thắc Mắc Cho Người Trẻ Công Giáo: Kế Hoạch Của Thiên Chúa Trong Đời Ta
Cập nhật lúc 20:31 30/08/2021
Chúng ta làm điều gì đó, thường là có chương trình, kế hoạch. Khi tạo dựng thế giới và con người, liệu Thiên Chúa có thực hiện theo kế hoạch định trước không? Theo đó, vấn đề tiền định nghĩa là gì?
GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CHO NGƯỜI TRẺ CÔNG GIÁO
Bài 18: KẾ HOẠCH CỦA THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI TA
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ
Câu hỏi: Chúng ta làm điều gì đó, thường là có chương trình, kế hoạch. Khi tạo dựng thế giới và con người, liệu Thiên Chúa có thực hiện theo kế hoạch định trước không? Theo đó, vấn đề tiền định nghĩa là gì?
Trả lời:
Sao tôi cứ khổ hoài? Sao anh lập nghiệp mãi mà không thành công? Vì sao có người ngồi chơi xơi nước mà vẫn giàu sang phú quý? Bởi đâu tôi không thể làm thánh? Tại sao có nhiều người yêu mến Chúa nồng nàn? Chúng ta có thể nghe hằng hà câu hỏi như trên. Có người cho đó là số phận đã an bài. Lắm người tin rằng đó là điều may mắn, là ơn Chúa. Không ít người xem đó là chuyện đương nhiên. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa, mình sẽ thành công hạnh phúc thôi. Trước thực trạng của cuộc sống, chúng ta có nhiều cách hiểu và tin. Mỗi tôn giáo đều cho chúng ta câu trả lời. Phật Giáo liên hệ những điều trên đến luật nhân quả. Các nhà thần học Hồi Giáo cũng bàn đến vấn đề tiền định và ý chí tự do. Giáo Hội Tin Lành cho rằng điều đó liên hệ đến thuyết tiền định. Công Giáo xác tín rằng mọi sự đều trong vòng tay yêu thương và quan phòng của Thiên Chúa. Trong câu hỏi thú vị trên đây, chúng ta thử lướt qua một vòng những điều hấp dẫn, nhưng chút phức tạp. Bạn thân mến, Câu hỏi của bạn không phải thời nay mới có. Ngay thời xa xưa, dân Do Thái nói riêng và nhân loại nói chung muốn đi tìm nguồn gốc của mình. Hẳn nhiên, người Do Thái diễn tả nguồn gốc ấy trong trình thuật sách Sáng Thế. Bạn hỏi trước khi Chúa sáng tạo muôn loài, Ngài có kế hoạch, bàn tính kỹ lưỡng không? Chúng ta hoàn toàn không biết, vì lúc ấy chẳng có ai để chứng kiến. Sau này Thiên Chúa và Đức Giêsu cũng không mặc khải điều đó. Tuy nhiên, nếu theo mạch văn và niềm tin, chúng ta thấy chính tình yêu dâng trào của Thiên Chúa đã lần lượt tạo nên vũ trụ. Ngài phán hãy có ánh sáng, đất trời, chim thú muôn loài, liền có như vậy. Ngài thấy mọi điều là tốt đẹp và chúc phúc cho chúng. Trường hợp sáng tạo con người thú vị hơn, dường như Ngài có kế hoạch hẳn hoi. Theo bản văn, Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta.” Đó là điều mà chúng ta có thể thấy Thiên Chúa kỳ công nắn tạo con người. Hẳn là Thiên Chúa đã “suy nghĩ” làm thế nào sáng tạo nên một loài cao quý. “Giống hình ảnh Thiên Chúa” là hồng phúc tuyệt vời của con người. Và Ngài luôn chúc phúc cho họ, nghĩa là cho họ được hạnh phúc bình an, luôn mãi. Tiếc là lịch sử nhân loại đi vào con đường tiêu vong. Như trong câu hỏi trên, chúng ta thấy có những chi tiết sau:
1. Thiên Chúa đã tiền định mọi sự Tiền định tiếng Anh là “predestination”, “predestinationism” (thuyết). Hán Việt: tiền là trước, trên hết. Định là đã quyết, không thể thay đổi. Như thế, tiền định là những điều đã quyết từ trước mà con người không thể thay đổi. Có người gọi đó là định mệnh, là số phận[1]. Tôi không muốn đi vào lịch sử phát triển của từ này, vì nó đụng đến triết học Hy Lạp vốn phức tạp. Tuy nhiên, từ thời Giáo Hội sơ khai, người ta đã hoài nghi về những điều liên quan đến Đức Giêsu. Ngài đã biết trước mọi sự, kể cả cái chết? Bằng chứng là Ngài đã tiên báo đến ba lần. Phải chăng Ngài cũng biết Giuđa Ítcariốt là kẻ phản bội. Đó là định mệnh của tông đồ xấu số này. Phải chăng Đức Giêsu biết sau khi chết, Ngài sẽ sống lại. Những chủ đề ấy có dịp chúng ta sẽ bàn sau. Tuy vậy niềm tin vào tiền định cũng rất phổ biến trong dân gian từ xưa[2]. Thánh Augustinô đã chấp nhận niềm tin này. Thánh nhân giảng rằng: Giáo Hội có hai thực thể: hữu hình và vô hình. Giáo Hội hữu hình là hệ thống tổ chức trần thế. Giáo Hội vô hình là cộng đồng những linh hồn do Chúa tiền định cho họ được cứu rỗi. (Sẽ bàn ở phần sau). Phải nói thuyết tiền định loang rộng và ảnh hưởng mạnh mẽ vào thời Trung Cổ. Chính thần học gia Tin Lành John Calvin (1509-1564) đã đẩy cao thuyết này. Năm 1559, Calvin cho xuất bản tập Institutes of the Christian Religion (Những nguyên lý của Kitô giáo), trong đó thuyết tiền định được khai triển. Ông cho rằng sau khi con người sa ngã, tội lỗi đã hủy hoại tính thánh thiêng của con người. Trong thân phận tội lỗi, đọa đày, tất cả chúng ta đều bị đuổi ra Vườn Địa Đàng, bị xa cách Thiên Chúa. Tuy nhiên, vì lòng thương xót và tình yêu của Thiên Chúa, nhiều người được Thiên Chúa tiền định được cứu độ. Họ được lọt vào danh sách sổ bộ hằng sống (Ga 10,27-28; Ep chương 11). Nhiều thần học gia còn đẩy xa hơn vấn đề. Đức Giêsu chịu chết và phục sinh phải cứu lấy toàn nhân loại chứ. Vậy tại sao nhiều người vẫn xa Hỏa Ngục? Câu trả lời chỉ thỏa đáng là: Thiên Chúa đã chọn cứu họ từ rất xa xưa. Như thế, nếu bạn và tôi không được ghi vào danh sách hằng sống đó, mọi nỗ lực nên thánh của chúng ta cũng đổ sông, đổ biển.
2. Thiên Chúa luôn quan phòng và cứu độ con người Dĩ nhiên trước trào lưu tiền định đó, Giáo Hội Công Giáo không đồng ý. Tranh luận đã xảy ra phức tạp mà chúng ta không có giờ đi vào chi tiết. Chỉ tóm lại như sau: Trong Công Giáo cũng có chữ tiền định. Nghĩa là Thiên Chúa từ muôn thuở đã an bài mọi sự. Mọi công trình và số phận của con người đều trong sự quan phòng của Người. “Anh em đừng lo lắng, ngày nào có cái khổ của ngày đó.” Còn về vấn đề cứu độ, Thiên Chúa tình yêu chắc chắn cứu hết mọi người trong vũng lầy của tội lỗi, khổ đau. Bằng giá máu của Đức Giêsu, con người đã được tiền định cho cứu độ. Chính Đức Giêsu “hòa giải con người với Thiên Chúa, và cho làm nghĩa tử.” (x. Ep 1,5) Tuy nhiên vấn đề ở đây là nhiều người chối từ món quà cứu độ đó. Thiên Chúa trao ban sự sống cho mọi người, nhưng Ngài không bắt chẹt, ép lấy ép để mọi người phải chấp nhận. Nếu ép buộc con người, Thiên Chúa quả không công bằng, không tôn trọng tự do của con người. Đây là chìa khóa của vấn đề trên. Chúng ta có tự do để chấp nhận ơn cứu độ đó hay không mà thôi. Thực vậy, có lần thánh Augustinô tâm sự rằng: Thiên Chúa sáng tạo con người, Ngài đâu cần hỏi ta. Nhưng khi muốn cứu độ con người, Ngài phải hỏi ý kiến của ta. Có nhiều người từ chối tin vào Thiên Chúa, phớt lờ ơn cứu độ; kết quả là họ tự chọn cuộc sống xa cách Thiên Chúa ngàn trùng. Bởi đó chúng ta thấy Công Giáo, hay nói đúng hơn, Thiên Chúa luôn đề cao ý chí tự do của con người. Đức Giêsu nói cho người phụ nữ ngoại tình: “Ta không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.” (Ga 8,11). Điều ấy có nghĩa là nếu chị ta chịu sửa đổi đời sống, tin theo Thiên Chúa, số phận của chị sẽ rất khác, sẽ được sống. Kết quả là sau này, theo truyền thống, chị đã là vị thánh trong Giáo Hội Công Giáo (chị có thể là thánh Maria Mađalêna). Chúng ta cũng không ngoại lệ. Chỉ những ai chấp nhận để Thiên Chúa cứu độ, họ mới hy vọng được sống đời đời. Đừng quên “Nhà Thiên Chúa có nhiều chỗ ở.” Ngài muốn cứu mọi người. Tiếc là hành trình tin theo Đức Giêsu luôn nhiều thách đố, lắm chông gai. Nó thường đi ngược lại bản tính yếu đuối của con người. Trong ta lúc nào cũng cảm thấy những xung đột giằng co: tốt-xấu, lành-dữ, v.v. Một điều thú vị là cuộc đời chúng ta không thể đoán trước được. Kể cả ngành tử vi, bói toán, cho đến chuyên gia tướng số đều không thể biết rõ cuộc đời của ta. Một điều ai cũng đoán được: sinh, lão, bệnh, tử. Do đó, có những thắc mắc đại loại như: phải chăng Chúa định đoạt cho tôi làm bác sĩ, công nhân, thầy giáo, nội trợ hay thất nghiệp dài dài? Phải chăng từ rất xa xưa, Ngài đã chọn tôi làm linh mục, bà sơ? Chúa muốn người này sống lâu, người kia chết sớm? Thực ra những điều ấy luôn vượt tầm hiểu biết của con người. Chúng ta đành khiêm tốn gom lại trong một từ: mầu nhiệm. Càng sống, hy vọng chúng ta càng thấy bàn tay Thiên Chúa dẫn đưa.
3. Tự do và đáp trả lời mời gọi yêu thương Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là luật tiền định của Thiên Chúa. Có người còn nói, Thiên Chúa tiền định đặt những nguyên lý, định luật vào trong công trình Sáng Tạo để nó vận hành tốt đẹp. Ngài tôn trọng những điều đó. Chẳng hạn ngày và đêm tuần hoàn nối tiếp nhau. Thiếu rừng sẽ gây lũ lụt, hạn hán. Chạy xe ẩu nguy cơ tai nạn sẽ cao hơn. Bệnh tật là do nhiều hệ lụy của con người. Người tài giỏi sẽ giàu sang, người lười biếng sẽ nghèo đói, v.v. Chúng ta không thể đổ lỗi cho số phận, cho định mệnh đã an bài. Đó là những lý do ngụy biện! Thái độ của người Công Giáo là cộng tác với Thiên Chúa. Trước lời mời gọi yêu thương, lời hứa cứu độ, chúng ta cố gắng để đáp lại điều đó. Thiên Chúa đã đi bước trước, chỉ những ai thoái lui, phớt lờ “ơn tiền định” ấy, không ai dám chắc số phận của người ấy sẽ đi về đâu? Thay vì sợ hãi trước Thiên Chúa quan phòng, an bài mọi sự, chúng ta hạnh phúc vì được Thiên Chúa ân cần săn sóc ngay từ trước khi chào đời. Ước gì mỗi người cảm nhận được hồng ân này, để dám lao mình về phía trước cùng với Chúa. Trong tâm thế đó, “tiền định, hay không tiền định” trở nên nhẹ nhàng hơn. Bạn đừng quên mặc dù Thiên Chúa đã sáng tạo mọi sự, đã đặt vào chúng những quy luật vận hành, nhưng Ngài vẫn làm việc để chăm sóc con người. Do đó, chúng ta không có lý do gì tin vào thuyết định mệnh mà ngồi đó mặc cho số phận an bài. Tuy chúng ta là thụ tạo tốt lành, nhưng chưa hoàn hảo và tuyệt đối, vì tội lỗi. “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5,48) Trong đường hướng đó, giả như bạn có khả năng gì, hãy sử dụng chúng như những nén bạc Thiên Chúa ban cho. Cảm ơn bạn đã khơi lại đề tài tưởng chừng đã quên lãng sau thời Trung Cổ. Tuy nhiên, chút chia sẻ trên đây hy vọng chúng ta hiểu hơn về thuyết tiền định. Đừng quên nhiều nhánh của Anh em Tin Lành vẫn theo niềm tin này. Bởi đó, ước mong bạn cũng có thể trò chuyện được với họ về vấn đề này. Hoặc, bạn có thể giải thích những gì liên quan đến vấn đề này dưới góc nhìn của Công Giáo. Chúng ta sống và tiến về phía trước! Đừng tin vào số phận hẩm hiu, vì Thiên Chúa luôn cho chúng ta những gì tốt nhất. Mỗi ngày tin yêu một chút, cố gắng một chút, cộng tác với ơn Chúa một chút, cuộc đời chúng ta sẽ khác, khác nhiều lắm! Chào bạn!
[1] “Đó là cuộc sống mà…”, hoặc “Chẳng có gì để làm!” Theo cách này, cẩn thận kẻo mình rơi vào chủ nghĩa của thuyết định mệnh.
[2] Trong Truyện Kiều, bạn có thể thấy cụ Nguyễn Du đã ghi nhận niềm tin này trong tâm thức người Việt: “Ngẫm hay muôn sự tại Trời. Trời kia đã bắt làm người có thân. Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao.”