Thứ bảy, 23/11/2024

Đạo Đức “Nghề Nghiệp” Trong Mục Vụ Tông Đồ:Tương Quan Và Trách Nhiệm Của Người Thi Hành Sứ Vụ Tông Đồ[1]

Cập nhật lúc 07:43 07/09/2021


ĐẠO ĐỨC “NGHỀ NGHIỆP” TRONG MỤC VỤ TÔNG ĐỒ:


TƯƠNG QUAN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI THI HÀNH SỨ VỤ TÔNG ĐỒ[1]

BS Trần Như Ý-Lan, Dòng Đức Bà


- Đức tin và nguồn nhân bản là hai chiều kích thiết yếu cấu thành nền đạo đức. Cộng đoàn có quyền trông đợi những người làm sứ vụ tôn giáo sẽ suy tư đầy đủ về cả đặc quyền và giới hạn trong sứ vụ của họ. Các thừa tác viên có bổn phận đặc biệt là đạo đức trong cả tính cách và hành động. Mặt khác, như những người chuyên nghiệp, người tông đồ có các trách nhiệm thêm vào, ngoài những đòi hỏi luân lý thông thường. Bài viết này cố gắng cung cấp một số tiêu chuẩn đạo đức nền tảng đòi hỏi những người thi hành sứ vụ của Giáo Hội tôn trọng thi hành. Sự thiếu một “quy ước đạo đức” cho các người làm mục vụ là một trong những gốc rễ của sự vấp phạm của một số linh mục tu sĩ hay thừa tác viên giáo dân.  Bài viết nhắm đến nâng cao ý thức về trách nhiệm đạo đức và phát triển quy ước đạo đức cá nhân (personal code of ethics) như một hướng dẫn cho dấn thân chuyên môn của mỗi người như một thừa tác viên Giáo Hội.
 
I. NỀN TẢNG THẦN HỌC
Đạo đức nghề nghiệp trong thi hành sứ vụ phải nối kết chặt chẽ với kinh nghiệm và niềm xác tín về Thiên Chúa.  Thiên Chúa là trung tâm tối cao của mọi giá trị, điểm quy chiếu cho cái đúng sai luân lý, là nguồn mạch và cũng là mục tiêu cho mọi phấn đấu luân lý. Đây là niềm xác tín cơ bản mà Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã nhắc lại nhiều lần, đặc biệt trong thông điệp Veritatis Splendor (VS). Khi suy tư về ý nghĩa câu trả lời của Chúa Giêsu cho người thanh niên giàu có “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời? (Mt 19,16), Gioan Phaolô II xác định “Hỏi về điều tốt lành, nghĩa là quy hướng về Thiên Chúa, nguồn sung mãn của sự thiện. Chúa Giêsu chỉ ra rằng câu hỏi của người thanh niên thực sự là một câu hỏi tôn giáo, và điều tốt lành mà hấp dẫn và cũng đồng thời bắt buộc con người, điều ấy có nguồn gốc trong Thiên Chúa, và thực sự là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là đấng duy nhất xứng đáng được yêu với hết cả trái tim, linh hồn và trí khôn. Ngài là nguồn hạnh phúc của con người, là cùng đích của mọi sinh hoạt loài người và hạnh phúc trọn hảo” (VS 9).
Trách nhiệm luân lý trong sứ vụ không chỉ được cho phép bởi các quy chế xã hội, mà từ quan điểm thần học, chính Thiên Chúa cho phép hợp pháp. Vì vậy trách nhiệm này không chỉ có giữa chúng ta đối với người khác mà trên hết là đối với Thiên Chúa. Chính lý trí được soi sáng bởi đức tin sẽ hướng dẫn chúng ta trong thi hành sứ vụ.
1. Sứ vụ là một ơn gọi và là một chuyên môn nghề nghiệp
Từ trước tới nay, chúng ta có khuynh hướng chấp nhận sứ vụ như một ơn gọi. Nghĩa là một sự đáp trả tự do đối với tiếng gọi của Thiên Chúa trong, và thông qua cộng đoàn để dấn thân phục vụ tha nhân. Chiều kích cộng đoàn của một ơn gọi nghĩa là tiếng gọi sứ vụ được nghe thấy trong lòng Giáo Hội, được duy trì bởi Giáo Hội, và là để phục vụ sứ vụ của Giáo hội. Không có ơn gọi riêng tư cá nhân trong sứ vụ, nghĩa là không phải trước hết cho lợi ích cá nhân chúng ta, mà là dành ưu tiên cho lợi ích cộng đồng, nhân danh sứ vụ của Giáo Hội.
Bản chất tự nguyện của một ơn gọi có nghĩa là chúng ta bắt buộc phải tự kỷ luật để đặt lợi ích cá nhân dưới lợi ích người khác. Chiều kích siêu việt (transcendent dimension) của một ơn gọi là chúng ta đại diện cho một điều gì đó hơn nữa: đó là sự hiện diện của Thiên Chúa trong sự đón nhận, chữa lành, nhận định, yêu thương. Chúng ta nên chú ý đừng để năm tháng đôi khi mệt mỏi trong cộng đoàn hay trong sứ vụ làm ta mất đi cái tươi mát, nhiệt tình đáng yêu và đáng trân trọng những ngày đầu thi hành sứ vụ.
Khuynh hướng coi mục vụ như một nghề nghiệp nhắm đến nâng cao chất lượng của thi hành sứ vụ. Thực sự coi mục vụ như một ơn gọi và là một nghề nghiệp không có gì đối kháng nhau, mà hai chiều kích này thúc đẩy lẫn nhau thăng tiến. Mặc dù mục vụ không hoàn toàn giống các nghề nghiệp khác trong mọi đặc tính, nhưng nó đòi hỏi người làm mục vụ học hỏi, đổi mới, và tiêu chuẩn hóa một số vấn đề như trách nhiệm, bí mật cá nhân, quyền lực, kỹ năng chuyên môn… Từ đó, có thể tránh xảy ra các tiêu cực trong mục vụ và ngay cả thiếu đạo đức hay sai phạm luân lý.
Thực sự trong lịch sử phát triển của các nghề nghiệp cho thấy rằng tính cách ơn gọi và nghề nghiệp nối liền chặt chẽ. Từ ngữ “nghề nghiệp, profession” có nghĩa là đại diện cho điều gì, những gì chúng ta “profess” (tuyên xưng) xác định dấn thân cơ bản cho cộng đoàn. Ý nghĩa tương tự của các tu sĩ thực hiện các lời khấn tôn giáo với Thiên Chúa. Là một nghề, người thực hành cần đạt đến kiến thức chuyên môn, kỹ năng và để phục vụ nhu cầu nhân loại với các đặc tính luân lý tốt lành. Một cách lý tưởng, người chuyên môn phải phản ánh được mức độ cao của sự đồng quy giữa những gì họ tuyên xưng công khai và cách thức họ thực hiện công việc đó. Họ phải đáp ứng nhu cầu con người và không tìm kiếm lợi ích riêng tư. Một người tông đồ phục vụ nhu cầu cứu rỗi linh hồn, một bác sĩ chữa lành thân xác, một luật sư phục vụ cho công bình và nhà giáo dục cho thăng tiến con người …Ý nghĩa tích cực của “being professional” là kiến thức chuyên môn hóa, dấn thân cho điều tuyệt hảo, tính toàn vẹn, dấn thân vô vị lợi cho cộng đoàn và giữ gìn sự tin cậy quần chúng.
2. Ba điểm đạo đức thần học (theological ethics) then chốt
a. Sứ vụ là một Giao Ước
Những đòi hỏi trên về người tông đồ như một người chuyên nghiệp đặt nền tảng trên mối tương quan giữa người tông đồ với Thiên Chúa và với tha nhân. Có hai mô hình chính cho tương quan giữa người tông đồ và người được phục vụ là “hợp đồng” và “giao ước”. Mỗi mô hình có những thuận lợi và không thuận lợi. Cả hai chỉ ra sự đồng ý và trao đổi giữa hai bên. Cả hai đều có các bổn phận để bảo vệ nhân phẩm và chặn đứng khuynh hướng nhắm thuận lợi cho cá nhân.  Mô hình hợp đồng tránh được một số yếu điểm mà mô hình giao ước có thể mắc phải như là: hợp đồng nhìn nhận giới hạn của con người rõ ràng hơn giao ước; phân biệt rõ quyền lợi và nhiệm vụ, nó phác họa rõ thể loại và số lượng công việc phải thực hiện. Tuy nhiên trong thi hành sứ vụ, mô hình giao ước được nhiều người ủng hộ vì các lý do sau:
1/ Ý niệm giao ước rõ ràng đặt Thiên Chúa làm trung tâm các giá trị. Nó mở chúng ta nhìn các hành động như là hành động đáp lời Thiên Chúa và được điều khiển bởi những gì chúng ta biết được về Thiên Chúa. Ý niệm hợp đồng không nhất thiết liên hệ đến Thiên Chúa. Hợp đồng hoạt động tốt nếu các phục vụ cần thiết và phí tổn được nói rõ ràng ngay từ đầu. Tuy nhiên, tương quan mục vụ mở ra những phục vụ không thể “đoán trước” hay “định giá”. Người tông đồ cần uyển chuyển, vượt quá các đòi hỏi tối thiểu của hợp đồng, chấp nhận những điều không dự đoán. Giao ước mở ra cho thái độ tri ân, không chỉ là “nhưng không”. Các bên của giao ước sẵn sàng đi bước thêm để làm cho công việc được trôi chảy.
2/ Tư tưởng giao ước nhận biết rằng những điều tốt nhất chúng ta có thể làm là đáp lại với lòng tri ân về những món quà nhưng không chúng ta đã nhận từ Thiên Chúa. Chúng ta được nhắc nhở rằng bối cảnh của giao ước là một Thiên Chúa thi ân, Đấng yêu thương một cách tự do và không cùng.
Để tránh các điểm yếu đã kể trên của mô hình giao ước, người tông đồ cần có cái nhìn xa, khôn ngoan nhận định tùy hoàn cảnh và điều kiện cá nhân, cộng đoàn, khách quan cũng như chủ quan. Trong mô hình giao ước cũng có các ranh giới, nhưng các giới hạn này được giải thích tùy theo sự trung tín yêu thương đòi hỏi. Trong Tin Mừng Matthêu, Đức Giêsu, là Giao ước mới, dạy rằng toàn thể luật Môsê và giáo huấn các ngôn sứ có thể tóm tắt trong điều răn trọng đại nhất là yêu thương (Mt 22, 37-40). Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng để biết yêu thương thực sự, đòi hỏi những gì trong thi hành sứ vụ, cần có những biện phân luân lý và cái nhìn, sự nhạy cảm của một con người nhân đức.
Kinh Thánh cung cấp cho chúng ta các nét cơ bản của mô hình giao ước. Bối cảnh giao ước trong Kinh Thánh bộc lộ những gì Thiên Chúa mong muốn và những gì chúng ta có bổn phận thi hành như là một thành viên trung thành với giao ước. Ta có thể rút ra vài điểm quan trọng trong Kinh Thánh làm nền tảng cho sự hiểu biết về mô hình giao ước trong các tương quan mục vụ:
1/ Giao ước đặt nền tảng trên sự tự do dấn thân, được thúc đẩy bởi tình yêu. Không những Thiên Chúa tự do yêu thương chúng ta, mà chúng ta cũng tự do đáp lại hay từ chối tình yêu đó. Tình yêu Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta, nhưng không phá hủy tự do của chúng ta. Tham dự vào giao ước là hoàn toàn tự nguyện. Tuy nhiên, một khi đã chấp nhận đi vào giao ước, chúng ta dấn thân sống các đòi hỏi của giao ước.
2/ Tôn trọng nhân vị, và phẩm giá của mỗi người không phụ thuộc vào vai trò xã hội hay những thành đạt của con người ấy, nhưng vào tương quan của người đó với Thiên Chúa.
3/ Cùng tin cậy lẫn nhau. Trong mục vụ, chúng ta tín thác cho người tông đồ những bí mật, tội lỗi, sợ hãi, niềm hy vọng, nhu cầu được cứu độ… của chúng ta. Hành vi tín thác là một công việc có nguy cơ. Khi tin cậy và bộc lộ các bí ẩn tâm linh, chúng ta một cách nào đó, để cho người khác có quyền lực trên chúng ta. Chúng ta hiểu ngầm rằng những tín thác này sẽ không bị phản bội và không bị lạm dụng. Người tông đồ có bổn phận phục vụ quyền lợi, có trách nhiệm tôn trọng, và bảo vệ phẩm giá của người đặt tin cậy nơi họ.
Hai đặc tính của Thiên Chúa mà từ đó hành vi Giao ước của Thiên Chúa phát sinh là sự thánh thiện và tình yêu không gì lay chuyển. ước được lượng giá. Sự thánh thiện của Thiên Chúa cho thấy rõ sự không cân bằng giữa Thiên Chúa và dân Israel. Tình trạng bất bình đẳng giữa hai thành viên giao ước là đặc tính then chốt để hiểu nguyên tắc luân lý nền tảng trong tương quan mục vụ. Đó là, gánh nặng của trách nhiệm trước hết rơi trên người có quyền lực lớn hơn (dù người kém quyền lực hơn có thể cố gắng điều khiển mối quan hệ), và phải đảm nhận trách nhiệm cho hành vi như thế. Người có quyền lực lớn hơn bắt buộc phải chịu một trách nhiệm nào đó cho người yếu thế mà không quá “gia trưởng” đến mức lấy đi tự do của người yếu thế. Trong Cựu Ước, sự thánh thiện của Thiên Chúa được diễn tả qua sự công bằng của Thiên Chúa. Biện pháp công bằng của Kinh Thánh chủ yếu là đối xử tốt, giúp đỡ những người bất lực trong xã hội như là trẻ mồ côi, góa bụa, người nghèo, khách cư ngụ (Xh 22,21-26; Đnl 10, 17-19; Is 1,17). Những người này thiếu quyền lực, nhưng họ có quyền được tôn trọng và chia sẻ các lợi ích chung. Thiên Chúa đòi hỏi người tông đồ quan tâm và bảo vệ quyền lợi cho những người bên lề xã hội này. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng Thiên Chúa sẽ đánh giá chúng ta theo cách chúng ta đối xử với những người bé nhỏ nhất trong xã hội và giữa chúng ta. Người tông đồ có trách nhiệm làm vinh dự, bảo vệ phẩm giá của người tìm kiếm sự giúp đỡ của họ và để cho tính bất bình đẳng trong tương quan không bị lạm dụng.
Tình yêu vững bền của Thiên Chúa nhấn mạnh đến tính trung thành, tin cậy, và công chính (Xh 34,6). Đây là nhân đức luân lý trung tâm của giao ước. Chính nhân đức này dệt nên tương quan giao ước.
b. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa
Bổ sung cho nhãn quan giao ước là động cơ con người là hình ảnh của Thiên Chúa.  Chúng ta có thể noi gương Thiên Chúa trong tình yêu vững bền và sự trung thành vì chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và dần dần chúng ta được biến đổi hoàn thiện theo hình ảnh đó. Sự khẳng định thần học này là nền tảng cho truyền thống đạo đức Công Giáo. Đây cũng là nền tảng thần học để hiểu rõ vị trí trung tâm và tối cao của  Thiên Chúa trong đời sống luân lý và nhấn mạnh hai chiều kích của con người: thánh thiêng và xã hội. Con người đáng được trân trọng không tùy thuộc vào vai trò xã hội hay thành đạt cá nhân mà chỉ vì tương quan người ấy với Thiên Chúa, mang hình ảnh của chính Thiên Chúa. Trong tương quan mục vụ, chúng ta đối xử với người khác như là cùng đích phải được phục vụ chứ không phải như một phương tiện khai thác để thăng tiến bản thân hay cộng đoàn.
Lý trí con người là cách thức chúng ta tham dự vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vậy một trong những cách chúng ta có thể khám phá ra Thiên Chúa là qua sử dụng đúng đắn lý trí. Thiên Chúa mặc khải Ngài là Đấng tình yêu, hiệp thông giữa ba ngôi.  Vậy con người cũng được đặt trong mối tương quan với Thiên Chúa và với nhau, được kêu gọi để chia sẻ các món quà tài năng cá nhân nhận được nhưng không từ Thiên Chúa, cho người tìm sự giúp đỡ của chúng ta và giúp họ trở nên có khả năng chia sẻ chính họ cho người khác.
c. Tính môn đệ của người thừa hành sứ vụ
Cộng đoàn Kitô hữu kinh nghiệm sự tràn đầy của tình yêu giao ước của Thiên Chúa đổ tràn trên chúng ta qua Chúa Giêsu Kitô. Chúa Kitô đối với chúng ta là Thiên Chúa với một khuôn mặt cụ thể, là sự mặc khải trọn vẹn của Thiên Chúa. Chúa Giêsu là luật tối cao cho ý nghĩa làm người và sống đời sống luân lý đáp ứng Thiên Chúa trọn vẹn. Ngài là vị Thầy của chúng ta. Vậy người thi hành sứ vụ chia sẻ sứ vụ của Giáo Hội làm chứng cho Tin Mừng qua cuộc đời của người môn đệ. Chúng ta đáp ứng lời mời gọi của Chúa Giêsu: “đến đây, hãy theo tôi” (Mt 19,21).
Sự bắt chước đích thật là sống trong tinh thần của Chúa Giêsu. Chia sẻ đời sống và số phận của Ngài, trong sự vâng phục theo thánh ý Chúa Cha trong yêu thương và tự do, và trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cái chết nhục hình thập giá qua phục vụ tha nhân. Nếu ta có thể kể vài điểm luân lý rõ ràng cụ thể để bắt chước Chúa Giêsu, đó là sự khiêm nhượng, kiên nhẫn, yêu thương không phân biệt giai cấp, ưu tiên cho người nghèo, người bên lề xã hội, vâng phục trung tín với Thiên Chúa giữa muôn vàn thử thách đau thương.
Thách đố của người môn đệ hệ tại ở chỗ làm cho con đường của Chúa Giêsu trở thành con đường riêng cho mỗi người, chứ không phải lặp lại từng điểm mà Ngài đã làm, nhưng là tinh thần và nhãn quan vốn không loại trừ ai của Ngài. Chúng ta học hỏi những lời và công việc Ngài làm và giới thiệu Thiên Chúa cho người khác.
Một loạt chuyện kể Kinh Thánh về cuộc đời Chúa Giêsu phác họa cho chúng ta về tinh thần của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu biết mình rất đặc biệt trong mắt Chúa Cha “Con là con ta, con yêu dấu, Ta hài lòng về con” (Mc 1,11; Lc 3,22; Mt 3,17). Bởi vì Chúa Giêsu biết Ngài đặc biệt trong cái nhìn của Chúa Cha và sống bởi điều đó, nên Chúa Giêsu không tìm cách phấn đấu cho sự vĩ đại cá nhân, không tìm trở thành trung tâm cho sự chú ý hay ép buộc người khác suy nghĩ theo cách Ngài muốn. Trong cộng đoàn của Mt, Chúa Giêsu đã dạy các tông đồ tránh các kỹ thuật nhằm bảo đảm địa vị lãnh đạo bề trên trong các cộng đoàn tôn giáo xã hội. Họ không mặc các bộ đồ tôn giáo để thu hút sự chú ý, không dành các chỗ ngồi riêng trong các hội nghị tôn giáo nhằm biểu trưng vai trò bề trên lãnh đạo cộng đoàn. Họ không dùng các danh xưng như “thầy”, “cha”, “bề trên”  để đòi hỏi người khác công nhận uy quyền và địa vị bề trên (Mt 23,5-10). Con đường của Chúa Giêsu là “con đường lãnh đạo tôi tớ”, lãnh đạo mà không thống trị kẻ khác, và mời gọi người ta biến đổi mà không ép buộc họ phải suy nghĩ giống mình. Ngài không lạm dụng quyền lực của Ngài để ảnh hưởng người khác thay đổi. Ngược lại, Ngài biết rằng quyền lực của Ngài phát xuất từ, và cắm rễ trong Thiên Chúa. Ngài diễn tả uy quyền của tình yêu Thiên Chúa qua đời sống phục vụ và chăm sóc cho tha nhân. Ngài thi hành quyền lực để nuôi dưỡng và giải phóng con người, giữ mối tương quan chính đáng với mọi người. Các phép lạ của Ngài là dấu hiệu của quyền uy giải phóng và các dụ ngôn của Ngài thường là các nhận định đảo ngược trong tương quan quyền lực: kẻ trước hết trở nên sau hết, người sau hết trở nên trước hết; người trên hết bị hạ thấp và kẻ thấp hết được nâng cao.

 
II. TÍNH CÁCH VÀ NHÂN ĐỨC CỦA NGƯỜI THỪA HÀNH SỨ VỤ
Nếu có một nghề nghiệp nào đó mà phương tiện và sứ điệp liên kết chặt chẽ với nhau thì đó là mục vụ. Chúng ta phân định tính hiệu quả của người tông đồ dựa trên sự hội tụ của niềm tin, đời sống luân lý hàng ngày và những thực hiện sứ điệp Kitô giáo của người đó. Như thế, người làm sứ vụ trước hết phải xác định hướng sống luân lý cho chính mình. Tính cách luân lý và các nhân đức của người thi hành sứ vụ được bộc lộ trong các trách nhiệm họ đảm nhận và cách thức họ hành xử. Cách thức người làm mục vụ thi hành vai trò chuyên môn phụ thuộc phần lớn họ là người như thế nào. Thật vậy, nghiên cứu của hiệp hội các trường thần học ở Hoa Kỳ và Canada cho thấy rằng trong lúc các dân khác nhau chú ý vào tài năng của người làm mục vụ, người ta cũng rất nhạy cảm với tính cách của người thi hành sứ vụ. Nghiên cứu này cho thấy ba tính cách được chờ mong nhất nơi người làm mục vụ là:
1/ phục vụ mà không cần để ý đến sự công nhận công khai của quần chúng;
2/ tính toàn vẹn, liêm khiết (integrity), nghĩa là người tôn trọng các dấn thân bằng cách thực hiện các cam kết sứ vụ dù dưới các áp lực thỏa hiệp; và
3/ quảng đại.
Ba tính cách bị chán ghét nhất là:
1/ vô kỷ luật (bao gồm cả các tương quan và hành vi xấu trong mục vụ);
2/ tìm cách tự phục vụ chính mình (ví dụ, dễ dãi với mình mà đòi hỏi, khắt khe với người khác, coi thường hoặc làm giảm giá trị một người trước mặt người khác); và
3/ thiếu trưởng thành (ví dụ các người có các hành vi tự bảo vệ mình khi bị đè bẹp dưới áp lực công việc nghề nghiệp).
Như vậy, bước đầu tiên trong xây dựng cơ cấu đạo đức cho mục vụ là chú ý cẩn thận vào tính cách và nhân đức. Vì tính cách và nhân đức chúng ta phát triển sẽ ảnh hưởng đến con đường chúng ta thi hành sứ vụ. 
1. Nhân cách và huấn luyện nhân cách
Chúng ta hành động theo tính cách chúng ta là ai. Trong đời sống nhiều khi chúng ta đi đến các quyết định mà gần như không phải suy tư hoặc suy tư rất nhanh. Mà, đúng hơn, chúng ta hành động theo các thói quen chúng ta đã hình thành lâu ngày, các niềm tin cá nhân, các hình ảnh chúng ta tự có về mình, các lý tưởng chúng ta nhắm đến, và ý niệm của chúng ta về những gì đang diễn tiến. Như vậy, trong phần lớn sinh hoạt hằng ngày, chúng ta hành động theo tính cách chúng ta đã được rèn luyện hơn là các nguyên tắc mà chúng ta có lẽ áp dụng. Tính cách chỉ đến loại người mà hành động kèm theo một cách nào đó. Bởi vì, các chọn lựa luân lý một cách cơ bản là vấn đề của tính toàn vẹn của toàn bộ con người, khi chúng ta không hành động theo tính cách chúng ta, thì chính cái “tôi” có thể bị đánh mất. “Tính cách luân lý tốt” chỉ ra hành động phát triển hữu ích cho loài người vượt quá tìm kiếm vinh dự bản thân. Đó là loại tính cách mà thánh Phaolô gọi là hoa quả của Chúa Thánh Thần: “yêu thương, niềm vui, bình an, kiên nhẫn, quảng đại, trung tín, dịu dàng, và tự kiềm chế” (Gl 5,22).  Hiển nhiên, tính cách tốt là yêu cầu trước tiên để được chọn làm mục vụ.
Các khuynh hướng tự nhiên, sự nhạy cảm là các yếu tố khởi đầu để phát triển tính cách. Các điều này có thể được nuôi dưỡng và hướng đến sự thiện, điều tốt lành, hoặc có thể bị méo mó lệch lạc.  Sự khác nhau sẽ đến từ các thói quen chúng ta hình thành cũng như những ảnh hưởng của thế giới xã hội. Những hành động chúng ta thực hành đến lượt chúng sẽ quay lại hình thành nên con người chúng ta. Tính cách phát sinh từ các thói quen chúng ta hình thành, mà các thói quen là phản ánh niềm tin, lý tưởng và các hình ảnh đời sống mà chúng ta đã nội tâm hóa như là hậu quả của ảnh hưởng của các cộng đoàn trong đó chúng ta sống, đặc biệt là những con người bên trong cộng đoàn mà đã gợi hứng cho trí tuệ con tim chúng ta.
Chúa Giêsu là vị Thầy tối cao, là mẫu mực mà theo đó chúng ta phát triển tính cách luân lý. Toàn thể truyền thống Kitô giáo chỉ ra Ngài là nguồn mạch của tầm nhìn và nhân đức của chính truyền thống. Đó là lý do tại sao chúng ta cần tham dự vào đời sống của Giáo Hội và chiêm niệm những câu chuyện của Chúa Giêsu để mà cảm nghiệm được tinh thần của Chúa Giêsu như thế nào.
2. Tầm nhìn
Qua lý luận suy tư trên, chúng ta thấy liên hệ mật thiết giữa tính cách và tầm nhìn. Như Stanley Hauerwas, một nhà thần học luân lý Tin Lành giải thích: “Thể loại các quyết định mà chúng ta đương đầu, và thực sự chính là đường lối chúng ta mô tả một tình huống, là chức năng của thể loại tính cách của chúng ta”.
Chúng ta đáp ứng với những gì chúng ta thấy. Điều này thật đơn giản. Nhưng chúng ta luôn luôn thấy từ một quan điểm nào đó, từ một cơ cấu khuôn khổ của ý nghĩa. Nếu chúng ta thấy cách này thay vì cách khác, hành vi chúng ta sẽ cho thấy sự khác nhau có ý nghĩa. Chúng ta không thể hành động đúng trừ khi chúng ta nhìn đúng. Luân lý bắt đầu với sự điều chỉnh đúng đắn cái nhìn của chúng ta. Một cái nhìn bị bóp méo chỉ có thể tạo nên một thế giới bị bóp méo đồng dạng với cái tật xấu cận thị.
Nhưng, nhìn đúng đắn không dễ. Cần khách quan và có lương tâm nhạy cảm trong sáng đủ để nhìn sự việc, sự vật như nó là. Phần lớn người ta nhìn thấy những gì người ta dự đoán thấy, không phải là sự việc như nó là. Thành kiến của các cấu trúc cơ chế và sự thiển cận của việc tự lừa dối chính mình chỉ bóp méo thế giới chúng ta. Hậu quả luân lý là nếu chúng ta không thấy điều gì đang xảy ra, chúng ta không thể đáp ứng một cách thích hợp đúng đắn.
Nhìn đúng đắn là một thách đố luân lý cho tất cả chúng ta. Các ảo tưởng của chúng ta thường mạnh hơn sự thật, sự ích kỷ thường chế ngự trái tim chúng ta. Khi cái nhìn chúng ta bị che lấp bởi tình trạng loạn thị của sự tự lấy mình làm trung tâm, chúng ta sẽ lầm lẫn về bản chất của người khác và của thế giới. Chúng ta áp đặt chính chúng ta trên cái đang hiện diện. Khi đó, chúng ta hành động để tự phục vụ.
3. Được biến đổi trong cầu nguyện
“Cầu nguyện dẫn đến thờ phượng Chúa trong ‘thần khí và sự thật’ (Ga 4,24). Đối tượng của chiêm niệm này luôn là Đức Giêsu, là Ngôi Lời. Chúng ta không chỉ trao đổi ý kiến với Chúa Cha mà còn nghiền ngẫm Đức Giêsu đang đối xử với Chúa Cha và tha nhân. Đây là lúc thuận tiện để chúng ta mở lòng kết hiệp với Thần Khí Chúa và lãnh nhận các ân huệ Ngài ban cho: một sức dịu dàng lôi cuốn, lòng yêu mến và dấn thân theo Đức Giêsu, nước mắt hối hận xin lỗi, tâm tình ngợi khen lòng nhân từ của Chúa, lời khẩn cầu cho chính mình, cho nhân loại. Đây là cuộc gặp gỡ giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo, giữa Cha và con, giữa lòng tự do của Chúa và lòng tự do của chúng ta. Đây là lúc ‘thụ động’ nhận lãnh, để nhờ Thần Khí Chúa, ta thờ phượng, ngợi khen và làm vinh hiển Chúa Cha” (trích Eli Thành, SJ, “Nghe Lời Mời Gọi của Chúa”).
4. Các nhân đức
Các nhân đức là các thói quen của trái tim yêu thương. Nghĩa là, chúng là các phẩm chất của tính cách đạt được thông qua việc lập lại các hành động tương ứng với nhân đức. Các điều này là thành phần bổ sung cho nhau trong cùng một nền đạo đức. Emmanuel Kant đã lý luận một cách đúng đắn rằng nhân đức mà không nguyên tắc là mù tối, và các hành động xuất phát từ nhiệm vụ và nguyên tắc mà không có nhân đức là bất lực cho phát triển đời sống luân lý. Không có nhân đức, chúng ta có thể chỉ đơn giản làm nhiệm vụ chỉ vì chúng ta được lệnh làm như vậy, hoặc chúng ta đang ở dưới ánh mắt quan sát của ai đó đang nắm quyền lực trên chúng ta. Nhưng với nhân đức chúng ta hoàn thành các đòi hỏi đạo đức với một dấn thân nội tâm, tự hướng đến những giá trị mà chúng ta theo đuổi.
Nhân đức làm cho ta có khả năng đạt đến mục đích nhắm đến cho đời sống chúng ta. Nhân đức nối liền chúng ta với hành động bằng cách cung cấp sự nhạy cảm và động cơ để làm những gì lợi ích loài người đòi hỏi, và dù điều đó có được nêu ra hay không nêu ra bởi các nguyên tắc hay nhiệm vụ, và dù có ai đó hay không có ai đó đang nhìn chúng ta. William May đã nói rằng “một thử nghiệm của tính cách và nhân đức là những gì người đó làm khi không có ai quan sát”. Người tông đồ cần các nhân đức vì phần lớn các công việc phục vụ được thực hiện riêng tư, không có ai quyền hành đang giám sát để hướng dẫn hành vi chúng ta hoặc sửa sai chúng ta khi chúng ta đi lệch hướng. Nhân đức thúc đẩy chúng ta làm những gì đúng khi mà cám dỗ hành động cho quyền lợi riêng cá nhân mạnh mẽ. Ví dụ, một mục tử nhân đức giữ một bí mật, mặc dù tiết lộ điều đó sẽ thăng tiến cá nhân, đạt quyền lợi cá nhân, hoặc người tông đồ nhân đức cương quyết nói sự thật ngay cả khi nói dối đem lại lợi ích cho bản thân mình.
Nhân đức cũng liên quan đến xúc cảm. Điều lôi kéo chúng ta chọn lựa một giá trị là một cảm giác mạnh, một đam mê cho nó, một dấn thân tình cảm cho điều đó. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể nói người nhân đức có cảm giác với điều đúng. Nếu chúng ta coi trọng phục vụ lợi ích cho người khác, thì những hành động đúng liên quan đến lợi ích của người khác đến một cách tự nhiên. Nhân đức khiến chúng ta cảnh giác và đáp ứng với các đòi hỏi luân lý trong các tình huống. Thay vì chúng ta phải vạch ra điều đúng để làm, quyết định đúng đắn tuôn trào một cách quen thuộc từ con người chúng ta.
Sứ vụ luôn đầy các tình huống lập lờ đòi hỏi một cái nhìn luân lý kiên định và sự nhạy cảm để có thể làm điều đúng. Người tông đồ cần có thái độ trung dung quân bình. Ví dụ, vấn đề diễn tả thích hợp tình thương mến và quan tâm chăm sóc, người thừa tác viên cần khôn ngoan để tránh hai thái độ “luôn luôn” hoặc “không bao giờ” sờ chạm.  Một số người không bao giờ muốn sờ chạm một ai, một số người ngược lại, sẵn sàng ôm hôn người khác bất kể người đó là ai, tình huống của họ như thế nào. Bài viết sẽ bàn luận chi tiết hơn về vấn đề này, các sờ chạm tốt, sờ chạm xấu hay đụng chạm hàm hồ gây nhầm lẫn.
Để hành động một cách trung dung hướng về mỗi người vào đúng thời điểm, theo một cách thức đúng đắn, không phải dễ dàng. Không ai được “gài sẵn chương trình” để biết điều gì tốt nhất để làm. Sự sẵn sàng chúng ta đối với điều thiện bị tổn hại bởi một khuynh hướng đối kháng mạnh mẽ, đó là cái mà các nhà thần học gọi là “tội tổ tông”. Nói như vậy, các nhà thần học chỉ ra rằng dường như trong chúng ta, cái khả năng làm điều tốt thật sự có bị giảm sút. Nhưng việc làm của ân sủng và nhân đức có thể loại bỏ và thay thế các khuynh hướng làm các hành vi hư hoại mà chúng ta gọi là tính xấu.
Để đạt được các thực hành sống nhân đức hàng ngày đòi hỏi rèn luyện và nội tâm hóa. Chúng ta phải thực hành các hoạt động nhân đức để nhân đức trở thành thói quen, hay là bản chất thứ hai của chúng ta. Chúng ta trở thành đáng tin cậy bằng cách hàng ngày chúng ta làm các hành vi đáng tin, chúng ta trở thành vị tha bằng cách làm các hành động vì người khác. Tuy nhiên, xin nhắc lại rằng thực hành không nên bị lầm lẫn với sự đồng nhất bên ngoài, mà là nội tâm hóa các thói quen thành nhân đức.
Trong khi chúng ta mong đợi nơi người tông đồ các nhân đức tốt lành, có một số nhân đức cần thiết nhấn mạnh nơi một người làm chuyên môn và một thừa tác viên mà chúng ta đặc biệt mong chờ. Đó là ba nhân đức giao ước: sự thánh thiện, yêu thương, đáng tin cậy; và hai nhân đức luân lý: vị tha và thận trọng.
Sự thánh thiện: Thánh thiện là một trong các nhân đức giao ước với Thiên Chúa mà chúng ta phải phản ánh trong đời sống theo mệnh lệnh “các ngươi phải thánh thiện, vì Ta là đấng thánh” (Lv 11,45). Trong mục vụ, sự thánh thiện này là nhìn nhận sự phụ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa như nguồn mạch và trung tâm đời sống và yêu thương. Nhìn nhận rằng mọi sự đến như là quà tặng cần được trân trọng và chia sẻ, không phải một thứ sở hữu. Sự thánh thiện đáp ứng lại sự thi ân của Thiên Chúa bằng cách cai quản các món quà này bằng cách tôn trọng chính mình, người khác và các thụ tạo. Ý thức mọi sự đều nhận từ Thiên Chúa thúc đẩy thực hiện công bằng với các tạo thành. Một số dấu chỉ của sự thánh thiện là:
- Sống tự do nội tâm khiến chúng ta có khả năng mềm dẻo và không quá tự bảo vệ chính mình, cũng không quá tuyệt đối về kinh nghiệm riêng của mình.
- Cởi mở với kinh nghiệm tôn giáo của người khác.
- Có thể suy tư về kinh nghiệm riêng bản thân về Thiên Chúa và nói kinh nghiệm này cho người khác.
- Phấn đấu giữ quân bình cho đời sống riêng của mình bằng cách giữ các “Sabbath” để có thì giờ giải trí, nuôi dưỡng, đổi mới con người mình qua tĩnh tâm, nghỉ ngơi, các ngày nghỉ lễ.
- Tham gia vào cầu nguyện chung cộng đoàn và riêng cá nhân.
- Lấy thời giờ cho thinh lặng để lấp đầy giác quan chúng ta với sự hiện diện của Thiên Chúa.
- Phát huy các tài năng cá nhân và nuôi dưỡng các tài năng của người khác. Tránh ghen tị tài năng, “ém nhẹm tài năng”. Không sợ người khác hơn mình, mỗi người lãnh nhận ơn riêng và phải trả lời với Thiên Chúa về những ơn riêng mình lãnh nhận. Thế giới này, đất nước này đang rất cần nhiều tài năng và tấm lòng trắc ẩn để xoa dịu và chữa lành các thương tật cho người nghèo, bị áp bức, tật nguyền, bên lề xã hội…
- Sống trong một nền văn hóa phong phú giàu có tiêu thụ với sự tự do của sự bình tâm thanh thoát không bị ràng buộc.
Thương yêu: tình yêu vững bền của giao ước có thể diễn tả qua nhiều cách khác nhau như là thương xót, trung thành, công chính, và tốt lành. Nhưng tình yêu hiểu như lòng thương xót (compassion, mercy) là một nhân đức thích hợp đặc biệt cho người thừa tác viên là những người phải bắt chước Thiên Chúa. Lòng thương xót là loại tình yêu mà Chúa Giêsu, trong đáp ứng tình yêu Chúa Cha theo kinh nghiệm của Ngài, đã nêu mẫu mực qua các việc phục vụ Ngài làm cho các người khác. Đó là loại tình yêu mà qua đó, “mọi người sẽ nhận biết các con là môn đệ của Thầy, nếu các con thương yêu nhau” (Ga 13,35). Lòng thương xót là nhân đức làm cho chúng ta có khả năng trân trọng người khác vì chính con người của họ chứ không coi người khác là một phương tiện cho mục đích của chúng ta.
Điểm thiết yếu của lòng thương xót là sống một cách kiên nhẫn với người khác trong khi tìm kiếm phục vụ lợi ích của họ. Nó bắt đầu bằng việc chăm sóc cho chính chúng ta để nuôi dưỡng sức khỏe thể lý, tâm lý, thiêng liêng và luân lý của chúng ta. Lành mạnh trên các phương diện đó sẽ giải phóng chúng ta tự do để chấp nhận chính chúng ta, để rồi chúng ta có thể hiện diện với người khác mà không chiếu trên họ các ảo tưởng, sợ hãi, nhu cầu của chính chúng ta. Nếu chúng ta không có khả năng để trân trọng chính chúng ta như món quà của Thiên Chúa và không chăm sóc đúng mức cho chính chúng ta, rồi chúng ta sẽ không đủ sức mạnh để mang vác gánh nặng của người khác. Phải quân bình giữa yêu mình (self-love) và yêu người ( love for neighbor), tự chăm sóc (self-care) và chăm sóc cho tha nhân (care for others). Có tình yêu cho chính bản thân đúng mức sẽ làm cho chúng ta được tự do để đáp ứng nhu cầu và bảo vệ tự do của những người yếu thế.
Lòng thương xót làm chúng ta có khả năng tham dự vào niềm vui cũng như đau thương của người khác mà không trở nên bị chìm ngập bởi kinh nghiệm của họ. Dĩ nhiên có những người có các nhân đức như lòng thương xót một cách tự nhiên, như một ân sủng. Tuy nhiên, nói chung, để có lòng trắc ẩn đòi hỏi một sự nỗ lực có ý thức, chú ý vào người khác và không quan tâm đến các lợi ích cá nhân mình. Với lòng trắc ẩn thương xót, chúng ta có thể đi vào thế giới của người khác mà không xâm nhập vào riêng tư cá nhân của họ, hoặc điều khiển họ theo mục đích chúng ta. Lòng thương xót đòi hỏi chúng ta chia sẻ cái mỏng dòn yếu kém của họ để đi vào kinh nghiệm bối rối lầm lẫn, yếu đuối, đổ vỡ của họ, để làm điều gì đó có thể làm họ hướng tới kinh nghiệm chữa lành, toàn vẹn, và tự do. Xin kể vài nét chỉ điểm của tình yêu thương xót (compassionate love) như sau:
- Biết chăm sóc cho chính bản thân đúng mức.
- Đối diện với giới hạn của chính chúng ta và chấp nhận lòng thương xót của Thiên Chúa để chữa lành.
- Phát triển sự trân trọng mình (self-esteem).
- Lắng nghe một cách chủ động.
- Mở ra với những điều không dự đoán trước.
- Được đánh động xúc cảm bởi những gì chúng ta kinh nghiệm.
- Hiểu được ý nghĩa và chia sẻ những gì người khác đang kinh nghiệm.
- Hiện diện với người khác trong bất cứ những gì người đó đang chịu đựng mà không sỉ nhục, phán xét hay chiếu vào đó những quan tâm riêng tư.
- Tiếp tục những lời hứa và dấn thân với, và cho người khác.
Tính cách đáng tin cậy: đây là một nhân đức mở rộng điểm thực hành của các nhân đức khác. Trong số đó là sự trung tín, lương thiện, công bằng, thẳng thắn, lòng nghĩa khí, tính hay giúp đỡ, khiêm nhượng…Người tông đồ được trông đợi là các mẫu gương của tính đáng tin cậy bởi vì họ được nhắm đến như là được tín thác bởi Thiên Chúa. Đó là ý nghĩa của từ “được gọi” (being called) hoặc là “có ơn gọi tôn giáo”. Người tông đồ phải biểu hiện tương quan Giao ước của Thiên Chúa về sự trung thành (Hs 2,16) và tình yêu của Chúa Kitô dành cho Giáo Hội (Ep 5,25-33). Bị phản bội bởi một người tông đồ có thể được kinh nghiệm như là bị phản bội bởi chính Giáo Hội, và ngay cả bởi Thiên Chúa. Nếu sự tín thác bị phản bội trong một tương quan được nhìn nhận một cách công khai như là an toàn, tính nguy hại của nó có thể rất to lớn. Sau đây kể một vài đặc tính của tính cách đáng tin cậy:
- Tôn trọng những ranh giới thể lý và tình cảm của tương quan bằng cách diễn tả một cách thích hợp các cảm xúc riêng và diễn tả chính mình một cách thận trọng bằng các va chạm (touch) đúng lúc không hàm hồ.
- Tôn trọng bí mật riêng tư bằng cách bảo mật các thông tin được tín thác.
- Nhìn nhận giới hạn của khả năng riêng và sẵn sàng hỏi ý kiến.
- Hoàn thành các bổn phận của những dấn thân ưu tiên (ví dụ với cộng đoàn, nếu là tu sĩ; với gia đình, nếu lập gia đình; với học sinh, nếu là thầy cô giáo).
- Tiếp tục trau dồi các kỹ năng và kiến thức nghề nghiệp qua các nghiên cứu cá nhân và học hỏi người khác.
- Duy trì các dấn thân công tác và mục tiêu mục vụ cũng như các tương quan cá nhân.
Lòng Vị tha: đây là một thói quen của một tinh thần quảng đại. Người ta đến gần người chuyên môn để tìm một sự giúp đỡ đặc biệt, và vị tha là một nhân đức khiến người chuyên môn có thể cung cấp sự giúp đỡ đó. Điều này có nghĩa là các hành vi nghề nghiệp đạo đức bằng phục vụ, các ưu tiên hợp lý cho lợi ích người khác và không lợi dụng tính dễ bị tổn thương của người khác. Yêu người khác vì chính người ấy chứ không phải vì những gì người ấy có thể làm cho tôi. Thách đố đạo đức của lòng vị tha là cách thức sử dụng kiến thức, quyền lực và địa vị phải giữ được quân bình giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi người khác, và sẵn sàng đặt quyền lợi kẻ khác lên trên quyền lợi cá nhân mình. Vài chỉ điểm của lòng vị tha là:
- Dễ đến gần và sẵn sàng hiện diện để giúp người khác.
- Phục vụ không phân biệt giai cấp, giới tính, chủng tộc, địa vị…
- Dự đoán trước nhu cầu của người khác và cách người khác có thể bị ảnh hưởng bởi hành vi của mình.
- Đáp ứng với các ưu tiên quyền lợi của người khác hơn là của mình.
- Chia sẻ tài chính, khả năng, thì giờ.
- Một cách chủ động quan tâm bảo vệ công lý, đấy là nhân đức của biện phân luân lý.
Thận trọng, khôn ngoan: Cần thấy rõ điều gì đang xảy ra, chọn lựa phương tiện đúng đắn để đạt được mục tiêu tốt đẹp. Trước hết thận trọng giúp chúng ta tự hiểu chính mình: biết giới hạn, và hoàn cảnh của mình. Thận trọng đòi hỏi cái nhìn đúng đắn, suy tư hữu lý, nhìn xa, chọn lựa quyết định và dám lấy quyết định sau khi đã phản tỉnh, phân định. Thận trọng lắng nghe tiếng nói của kinh nghiệm của chính mình và của người khác, trong quá khứ và hiện tại. Khi có nhiều suy tư khác nhau, phải dành ưu tiên đặc quyền cho những giáo huấn của Huấn Quyền. Nhân đức thận trọng cũng mở rộng tầm nhìn vào tương lai để dự đoán các khó khăn, các hậu quả của quyết định và cũng dự phòng khả năng những điều bất ngờ xảy đến.
Trên đây là phác họa cái nhìn về tính cách và nhân đức, nó không thay thế cho các đòi hỏi của các mẫu mực và bổn phận đạo đức.

 
III. CÁC BỔN PHẬN NGHỀ NGHIỆP
Sự kiện là một người chuyên môn đòi hỏi một số nhiệm vụ. Bài viết đề cập đến bốn đặc điểm được coi như dấu hiệu của một người chuyên môn:1/ chuyên môn hóa kiến thức và kỹ năng; 2/ phục vụ cho nhu cầu cơ bản con người; 3/ dấn thân cho các lợi ích tốt nhất của tha nhân; và 4/ cơ cấu cho trách nhiệm.
1. Chuyên môn hóa kiến thức và kỹ năng
Những nhà chuyên môn thông thường được định nghĩa như là những chuyên gia mà, qua một giai đoạn được huấn luyện chính thức, đã nắm vững và được chuyên môn hóa trong lãnh vực riêng đó với kiến thức và kỹ năng cần thiết. Như vậy, một nhà chuyên môn có nhiệm vụ luân lý tìm kiếm và duy trì tài năng trong lãnh vực chuyên môn đó, kể cả lý thuyết và thực hành.
Tài năng chuyên môn phân biệt với một kỹ thuật viên là người có thể biết vài thực hành nhưng thiếu hiểu biết về lý thuyết và kỹ năng để áp dụng lý thuyết đó một cách sáng tạo, phóng tầm nhìn xa và các sáng kiến mà chúng ta có quyền chờ đợi nơi một nhà chuyên môn. Hơn nữa, là một nhà chuyên môn, người ấy có thể làm sáng tỏ căn tính của nghề nghiệp mình, chuyên biệt hóa phục vụ mà người ấy có thể đóng góp cho cộng đồng quần chúng. Sự sáng tỏ căn tính và chuyên biệt đó sẽ giúp mở đường cho việc giáo dục chuyên môn đó, xác lập các tiêu chuẩn cho thực hành chuyên môn.
Sứ vụ mục vụ có nhiều lãnh vực chuyên môn. Ví dụ, hướng dẫn thiêng liêng là một chuyên môn đòi hỏi một kiến thức của các truyền thống thiêng liêng, tính năng động của phát triển thiêng liêng, cũng như kỹ năng và con tim cởi mở để lắng nghe một cách chủ động kinh nghiệm sự tăng trưởng thiêng liêng của một người. Dạy giáo lý là một chuyên môn khác đòi hỏi không chỉ kiến thức về truyền thống tôn giáo mà còn kỹ năng giáo dục để truyền thông kiến thức này trong một cách thức thích hợp với đức tin và phát triển luân lý của người học. Tính chuyên môn của chăm sóc mục vụ đòi hỏi kiến thức về năng động của cá nhân và sự tăng trưởng liên vị và kỹ năng giúp đỡ để có thể giúp người khác tăng trưởng và tự do.
Như là các tông đồ, thừa tác viên tuyên hứa phải có thể đáp ứng lại những nhu cầu thiêng liêng tôn giáo, vì chúng ta là nguồn thần học cho một cộng đồng đức tin. Chúng ta là những người mà người khác có thể tìm đến để được giúp đỡ nhìn thấy chiều kích thánh thiêng của đời sống hằng ngày của họ. Chúng ta phải mang những hiểu biết thần học kết hợp với kinh nghiệm loài người để diễn tả căn tính của Kitô hữu, để phục vụ sứ vụ của Giáo Hội.
Như vậy nhiệm vụ đặc biệt của người thi hành mục vụ là trở nên có tài năng về thần học, đặc biệt là kỹ năng suy tư thần học. Điều này không có nghĩa là người tông đồ phải trở thành các chuyên viên thần học. Nhưng nó chỉ ra rằng giữa các chức năng mà chúng ta thực hành như một mục tử, chúng ta có bổn phận phải có một điểm chú ý- Lời Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô-và chúng ta có nhiệm vụ phải phục vụ trước hết cho một mục đích là mang Lời Chúa đến các tình huống cụ thể trong đời sống luân lý hàng ngày của những người mà chúng ta phục vụ. Không có suy tư thần học, dấn thân đức tin có thể xa rời khỏi những kinh nghiệm con người mà đức tin trở nên không thích hợp.
Người tông đồ có trách nhiệm giải thích kinh nghiệm đời sống dưới ánh sáng của mục đích Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, và phải hiểu câu chuyện Kitô giáo về Thiên Chúa trong ánh sáng của những gì chúng ta đang kinh nghiệm mỗi ngày. Những cá nhân và những cộng đoàn chạm trán với hy vọng (như sinh con), sợ hãi (chết chóc, bệnh tật, tai nạn), thay đổi đời sống (hôn nhân, nghỉ hưu), lưỡng nan luân lý (đình công, trị liệu thích hợp cho người sắp chết, tiêu tiền bạc như thế nào), bi kịch (thất nghiệp), và tai họa (động đất, lũ lụt, rơi máy bay, khủng bố...), các sự kiện này đòi hỏi một giải thích và thách thức chúng ta về ý nghĩa của chúng. Cách thức người tín hữu hiểu và đáp ứng với các kinh nghiệm như vậy có thể, và có bổn phận phải được xây dựng bằng những niềm tin tôn giáo. Công việc của người mục tử là chung cánh với các cá nhân và các cộng đoàn trong các kinh nghiệm này để giúp họ suy tư về những sự kiện đó. Ví dụ, chuyện một anh giáo dân mù, từ khi mù, anh được thấy những ánh sáng mà có lẽ không bao giờ anh có được nếu anh tiếp tục có ánh sáng đôi mắt thịt; hay khi nhìn về đại dịch nhiễm HIV/AIDS ngày nay…
Có kiến thức đúng đắn về truyền thống Kitô giáo và các khái niệm thần học là một việc, nhưng có kỹ năng đặc biệt để có thể sử dụng các kiến thức này giúp người khác tìm ý nghĩa và giá trị trong các kinh nghiệm của họ từ quan điểm Kitô giáo là một việc  khác. Thần học nhập thể khẳng định rằng “trái đất là thử luyện cho thiên đàng để mỗi kinh nghiệm, nếu được cho cơ hội, đều có thể nói với chúng ta về Thiên Chúa”. Trong các sứ vụ rao giảng, giảng dạy, tổ chức, chăm sóc mục vụ, chúng ta như các thi sĩ giải thích các bản văn mập mờ. Bằng sử dụng các câu chuyện, hình ảnh, và biểu tượng của truyền thống tôn giáo, chúng ta cố gắng giúp người khác nhìn đời sống họ trong ánh sáng của đức tin. Để có thể cung cấp các suy tư thần học cho cộng đồng, chúng ta phải có kiến thức và kỹ năng để phân định sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa. Đây là những gì tài năng của suy tư thần học yêu cầu và là những gì chúng ta tuyên xưng có thể làm như một nguồn thần học cho cộng đồng đức tin.
Nhưng tài năng cũng bao gồm nhận biết những giới hạn của mình, nghĩa là khiêm nhường nhận biết chính mình, điểm mạnh cũng như điểm yếu. Khiêm nhường cũng là có bổn phận KHÔNG phục vụ trong các lãnh vực mà chúng ta thiếu khả năng. Chúng ta bắt buộc phải gửi những người của chúng ta đến các nhà chuyên môn khác khi họ cần sự giúp đỡ mà chúng ta không được huấn luyện về mặt đó.
Từ quan điểm mẫu mực giao ước của sứ vụ, hoàn thành nhiệm vụ về khả năng thần học của chúng ta bằng cách phát huy thói quen đọc sách, nghiên cứu, suy tư, là hơn cả một đòi hỏi luân lý. Nó cũng là một thực hành khổ chế thiêng liêng. Chúng ta không phát triển tài năng để đạt được sự tôn trọng hoặc một bảo đảm nhân phẩm. Chúng ta đã được bảo đảm về nhân phẩm và giá trị bằng tình yêu của Thiên Chúa tạo dựng chúng ta theo hình ảnh Thiên Chúa và bảo đảm Giao ước với ta trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô. Phát triển tài năng phải là một phần toàn vẹn của đời sống thiêng liêng của chúng ta. Đó là cách chúng ta đáp ứng lại món quà Thiên Chúa ban cho chúng ta để làm sứ vụ. Khi chúng ta phát triển các món quà này để có thể phục vụ cộng đồng tốt hơn, chúng ta đang trao tặng những món quà, những gì chúng ta nhận lãnh như quà tặng.
Khi chúng ta cố gắng trở thành người có khả năng bằng cách phát triển các tài năng riêng của chúng ta để có thể phục vụ cộng đồng tốt hơn, chúng ta diễn tả một cách rõ ràng hơn và hoàn hảo hơn ý nghĩa được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa là Đấng tự ban mình trong các tương quan. Như vậy nhiệm vụ luân lý trở thành có tài năng thần học cũng là một kỷ luật toàn vẹn thiêng liêng cho sự tăng trưởng thiêng liêng cũng như phát triển nghề nghiệp. Hiểu được như vậy, ta thấy giúp người khác phát triển tài năng của họ cũng là một nhiệm vụ thiêng liêng giúp tha nhân phát triển món quà Thiên Chúa ban cho họ. Để rồi mọi người cùng nhắm đến phục vụ nhu cầu cơ bản loài người. Hiểu như vậy, ta tránh được tâm lý thường tình (và tầm thường) là ghen tị với tài năng người khác. Ta không sợ ai giỏi hơn ta vì mỗi người giỏi và dùng tài năng đó phục vụ Thiên Chúa là tôn vinh Thiên Chúa.
2. Phục vụ cho nhu cầu cơ bản con người
Các nghề nghiệp đã hình thành để phục vụ nhu cầu cơ bản của loài người. Trong ý nghĩa này, đạo đức nghề nghiệp bắt rễ trong lợi ích cộng đồng. Ví dụ, y khoa phục vụ cho nhu cầu sức khỏe, luật cho nhu cầu công bằng, giáo dục cho nhu cầu kiến thức và thăng tiến, và mục vụ phục vụ cho nhu cầu được cứu độ qua phát triển sứ vụ của Giáo Hội. Theo Lumen Gentium (s.1) sứ vụ của Giáo Hội là cả thiêng liêng và xã hội: Giáo Hội phải đồng thời là dấu chỉ và là dụng cụ cho sự hiệp nhất của chúng ta với Thiên Chúa và sự hợp nhất của cả loài người.
Những người làm mục vụ, trong nhiều cách khác nhau, đóng vai trò đặc biệt trong Giáo Hội, hiện hữu như Giáo Hội hiện hữu, thực hành những gì Giáo Hội rao giảng. Như vậy, người tông đồ đóng góp cho sứ vụ này thông qua công bố lời Chúa, cử hành các bí tích, làm chứng cho Tin Mừng qua đời sống của người môn đệ, phục vụ cho những người đang thiếu thốn về các mặt đời sống. Nhiệm vụ của người mục tử là đại diện cho Giáo Hội trong đường lối trung thành và yêu thương xuyên qua các sứ vụ tông đồ khác nhau. Như vậy, quần chúng có thể trông đợi nơi chúng ta làm chứng, thờ phượng, rao giảng, giảng dạy, hướng dẫn, và chăm sóc mục vụ theo đường hướng của giáo điều, luân lý, truyền thống thiêng liêng của Giáo Hội. Giáo Hội diễn tả nhãn quan, giá trị và niềm tin của mình qua các người tông đồ.
Điểm muốn nhấn mạnh ở đây là: người tông đồ đôi khi cảm thấy bị căng thẳng giữa một mặt phải trung thành với giáo huấn của Giáo Hội và một mặt phục vụ với lòng trắc ẩn và sự hiểu biết hoàn cảnh khó khăn của những người tìm đến mình xin giúp đỡ. Cần tránh cám dỗ rơi vào một trong hai thái cực, hoặc là giảm thiểu tối đa giáo huấn của Giáo Hội, hoặc là loại khỏi Giáo Hội những ai không có khả năng sống đúng giáo huấn của Giáo Hội. Không có cách nào trong hai cách này tôn trọng nhiệm vụ của người tông đồ. Chúng ta cũng không bị bắt buộc phải chọn giải pháp hoặc/hoặc. Thực sự, mâu thuẫn như vậy do chúng ta tạo nên chứ không gắn liền với truyền thống mục vụ và luân lý của Giáo Hội. Vì, đại diện cho giáo huấn của Giáo Hội tương ứng thích hợp với tính trắc ẩn và cảm thông con người. Thật vậy, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đặt đường hướng cho việc thực hành trách nhiệm công việc mục vụ này trong thông điệp Veritatis Splendor, đặc biệt trong phần về lương tâm (chương II, phần II) và về giáo huấn của Giáo Hội, ân sủng, và vâng phục luật của Thiên Chúa.
Về mục đích mà chúng ta phải có bổn phận phấn đấu và tôn trọng các mẫu mực khách quan của luân lý, Gioan Phaolô II dạy: “Ngay cả trong tình huống khó khăn nhất, con người cũng phải tôn trọng mẫu mực luân lý để có thể vâng phục giới răn thánh của Thiên Chúa và xứng với nhân phẩm của người ấy” (VS s. 102). Để giúp người khác trong phấn đấu hướng về mục tiêu này, người tông đồ phải có khả năng trình bày hết sức rõ ràng các mẫu mực khách quan luân lý như được phản ánh trong luật Thiên Chúa, luật tự nhiên, và giáo huấn của Giáo Hội, cùng lúc khuyến khích sự nắm bắt chân lý luân lý mà các luật khách quan diễn tả. Tuy nhiên, trong thực hành mục vụ, chúng ta biết rằng không phải mọi người đều có thể nắm bắt trọn vẹn các chân lý luân lý mà các luật khách quan diễn tả. Trong khi dạy về sự thiếu hiểu biết không thể khắc phục, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cũng công nhận điều này, ngay cả đối với một lương tâm chân thành cố gắng hiểu biết chân lý luân lý cũng đôi khi không có thể nội tâm hóa trọn vẹn giới răn của Thiên Chúa, một giáo huấn của Giáo Hội, hay một khái niệm có giá trị về luật tự nhiên bộc lộ một đòi hỏi khách quan của điều tốt lành luân lý (s.62). Ngài nói: “Có thể là hành động xấu được thực hiện như là một hậu quả của sự vô tri bất khả thắng hoặc là một phán đoán sai lầm không do cố ý, khi đó tác nhân hành động không có tội; nhưng ngay cả trường hợp này, sai lầm tự nó vẫn là điều xấu khách quan, một rối loạn trật tự trong tương quan với sự thật” (s.63).
Trong khi một phán đoán sai lầm không khiến một điều xấu trở thành một điếu tốt, nó cũng không làm mất phẩm giá của lương tâm hay làm cho người đó có tội về luân lý. Lương tâm bị mất phẩm giá khi nó là sai lầm một cách có lỗi, nghĩa là khi nó tỏ ra sai lầm vì thiếu quan tâm cho điều thiện, cho sự thật.
Lập trường của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II về liên hệ giữa lương tâm và điều luân lý khách quan và lòng trắc ẩn chúng ta phải có đối với con người và tự do con người trong khi vẫn trình bày chân lý luân lý một cách mạch lạc mạnh mẽ phản ánh truyền thống mục vụ và luân lý Công giáo lâu đời. Ngài nói: “việc trình bày chân lý luân lý không thể tách rời sự tôn trọng sâu xa từ trong tim, từ đó phát sinh một tình yêu kiên nhẫn và tin cậy mà con người luôn luôn cần đến trong suốt hành trình đạo đức, một hành trình thường đầy những khó khăn, yếu đuối và tình huống đau thương (s.95). Điều có thể chống lại phẩm giá của lương tâm và tự do đích thật của một con người nếu thừa tác viên thúc bách ai đó hành động chống lại phán đoán chân thành của lương tâm họ, hoặc áp đặt một luật khách quan mà người đó không thể nội tâm hóa một cách chân thành. Như vậy, một quá trình mục vụ thích hợp cố gắng mở rộng khả năng luân lý của một người bằng cách trình bày chân lý luân lý khách quan và tăng cường tối đa sức mạnh của người đó bằng cách khuyến khích họ phấn đấu nội tâm hóa với lòng yêu mến những mẫu mực khách quan của luân lý.
3. Dấn thân cho những lợi ích tốt nhất của tha nhân
Bài viết đã nói sơ qua điều này phía trên, chỉ nhắc lại nhiệm vụ của người làm mục vụ là đặt lợi ích cá nhân mình nhẹ hơn quyền lợi của người mình phục vụ. Bổn phận làm ích cho người khác có thể phát biểu như sau:
“Chúng ta có bổn phận ngăn ngừa tội hay tổn hại”.
“Chúng ta có bổn phận sửa chữa các tội hay thiệt hại”.
“Chúng ta có bổn phận thực hiện và khơi dậy điều tốt”.
Mỗi trong ba thể thức trên đòi hỏi phải có hành động tích cực để thực hiện điều tốt. Tuy nhiên, trên thực tế không có sự phân biệt giữa ba mệnh lệnh trên, giữa những bổn phận không gây hại và thực hành điều tốt. Chính Kinh Thánh cũng gợi ý điều này. Mt 25 về phán xét cuối cùng, những người bị án phạt không phải gây điều ác gì ghê gớm, mà chính vì họ dửng dưng ngồi im không hành động trước những người đói khát, bệnh tật, lao tù…Tội chính là “không quan tâm yêu thương” (not being bothered to love). Câu chuyện người Samari nhân hậu (Lc 10, 29-37), là một ví dụ cụ thể. Thầy tư tế và thầy Lê-vi đã “thấy” người bị nạn, “tránh” người bị nạn qua một bên mà đi. Còn người Samari cũng thấy, và động lòng thương, đến gần, lấy các thứ có thể điều trị được mà ông có để chăm sóc người bị nạn, dùng chính con lừa của mình để chở người bị nạn, đưa về quán trọ, nhờ chủ trọ tiếp tục chăm sóc và hứa trả hết số tiền cho chủ trọ. Sự khác biệt có tích cách quyết định giữa các thầy tư tế, thầy Lê-vi và người Samari chính là ở chỗ một bên khép kín lòng, không làm gì cả, để cho đời sống họ không bị quấy rầy, một bên là đã mở lòng, dấn thân vào tình huống khó khăn, thậm chí nguy hiểm, của người khác để chữa lành. Chúa Giêsu bảo mỗi người chúng ta nơi đây: “Hãy đi và làm như thế” (go and do likewise).
Tự nhiên, các tông đồ không dễ tự xóa quyền lợi riêng của mình, vốn là một bản năng mạnh của tính tự nhiên con người. Từ quan niệm Khổng giáo, cần có một đạo đức dựa trên nền tảng các nhân đức trong quá trình rèn luyện và thành toàn con người, đặc biệt là trong quá trình đào tạo tông đồ. Hơn nữa, quy ước xã hội và đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi các người chuyên môn thực hành nghề nghiệp của họ với ý nghĩa thật sự của từ ngữ “profession”, dấn thân với một mức độ nào đó tự xóa quyền lợi riêng của mình như là một nhiệm vụ, vì vị trí “cao hơn” xuất phát từ khả năng chuyên môn của họ đối với người tìm sự giúp đỡ của người tông đồ. Nếu quy ước xã hội thiết lập một giới hạn nào đó về tự xóa quyền lợi của người chuyên nghiệp, đức ái Kitô giáo thúc đẩy người tông đồ đi xa hơn trong phục vụ tha nhân vô vị lợi. Người tông đồ ngay cả giúp đỡ vật chất cho tha nhân từ nguồn tài chính riêng của chính mình, như người Samari tốt lành đã làm.
Người ta kể lại rằng vào lúc khởi đầu của Công Giáo tại Việt Nam, những người ngoại không biết gọi những người đạo mới này là gì. Rồi thì, chứng kiến những tấm gương sáng về đức ái của các Kitô hữu đầu tiên, những người ngoại gọi đạo công giáo là “đạo của những người yêu nhau”. Thật vậy, dường như là tính Kitô đã hình thành nên đặc điểm của Công Giáo Việt-Nam và tạo nên một loại tinh hoa Kitô giáo.
4. Cơ cấu cho trách nhiệm
Những người chuyên nghiệp chịu trách nhiệm chuyên môn, điều khiển chính họ bằng cách xây dựng một bộ tiêu chuẩn cho thực hành, theo dõi các đồng nghiệp dựa theo các tiêu chuẩn này, và bằng cách sửa đổi hoặc thải trừ những ai không đáp ứng tiêu chuẩn nghề nghiệp đòi hỏi. Chịu trách nhiệm là một cách thực hiện công bằng đối với cộng đồng. Như vậy, người tông đồ có trách nhiệm luân lý là chấp nhận, tuân theo, đáp ứng thực hành những tiêu chuẩn chuyên môn và giúp nhau nhắc nhở việc chịu trách nhiệm về công tác mình đảm nhiệm.
Nhu cầu có một số nguyên tắc và quy định đạo đức cho những người làm mục vụ là cấp thiết. Từ trước tới nay Giáo Hội Việt Nam chưa hề có xây dựng quy định rõ ràng về nguyên tắc đạo đức (công bố thành bản văn) của người tông đồ. Kinh nghiệm cho thấy rằng chính vì không có những chuẩn mực đạo đức và nguyên tắc cần tôn trọng khi thi hành sứ vụ, nhiều tiêu cực xảy ra. Việc thiếu quy ước đạo đức (codes of ethics) chỉ làm suy yếu đặc tính “chuyên môn” của mục vụ và mở cửa cho nhiều chỉ trích và sai trái. Việc chuẩn mực hóa đạo đức này không làm biến đổi dấn thân trong mục vụ như giao ước trở thành một loại dấn thân hợp đồng, vì giao ước cũng có những đòi hỏi cả hai bên tôn trọng và thực hiện.

 
IV. NGƯỜI TÔNG ĐỒ VÀ CÁC TƯƠNG QUAN CÁ NHÂN, TƯƠNG QUAN MỤC VỤ
Những gì cấu thành mối tương quan mục vụ-nghề nghiệp trong sứ vụ không luôn luôn rõ ràng về ranh giới, nội dung, như các nghề nghiệp khác như bác sĩ và bệnh nhân, luật sư và khách hàng…Trên thực tế, cũng không phải tất cả những người làm mục vụ xác định hay phân biệt rõ các loại tương quan của họ với người khác. Một số mục tử gặp các giáo dân của họ không chỉ trong văn phòng, mà còn mở ra trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày như tiệc, đám cưới, đám giỗ…và nhiều thừa tác viên làm việc với giáo dân trên nhiều dự án, không chỉ tôn giáo. Như vậy tương quan mục vụ có thể bị chồng chéo với các tương quan khác. Hậu quả là đôi khi rất khó phân biệt khi nào là người tông đồ đang ở trong mối tương quan mục vụ nghề nghiệp hay không phải. Vì vậy, chúng ta cần rõ ràng một số nguyên tắc để có thể hướng dẫn hành vi của chúng ta. Chúng ta cần vạch ranh giới giữa tương quan riêng tư cá nhân hoặc tương quan mục vụ nghề nghiệp. Bằng từ “tương quan mục vụ nghề nghiệp”, bài viết có ý chỉ đến tương quan khi mà người mục tử đang: 1/ hành động như một đại diện của Giáo Hội để dân chúng có thể đến xin giúp đỡ nhu cầu tôn giáo của họ, dựa trên quyền bính và năng lực đặc biệt của người ấy (ví dụ cha xứ phục vụ giáo dân, người linh hướng thiêng liêng với người  cần được hướng dẫn, giáo lý viên với học viên…); 2/ phục vụ trong một vai trò giám sát trên người khác. Một chiều kích luân lý nổi bật trong tương quan mục vụ là sự bất bình đẳng trong quyền lực. Bài viết sẽ tập trung vào sử dụng quyền lực có trách nhiệm của người tông đồ. Bài viết sẽ xét bản chất của quyền lực, nguồn hợp pháp của quyền lực của người tông đồ, và năng động của quyền lực trong tương quan mục vụ, và cuối cùng, đề nghị một cách sử dụng đúng đắn quyền lực trong mục vụ.
1. Quyền lực trong thi hành sứ vụ
a. Bản chất và nguồn gốc của quyền lực
Quyền lực (power) thường mơ hồ. Một mặt, nó thường là một thực tại khó khăn cho người tông đồ để thừa nhận bởi vì nó gợi ra quá nhiều hình ảnh tiêu cực như tham nhũng, nâng mình lên, áp lực, bóc lột những người không quyền lực. Mặt tối của quyền lực là nó liên kết với loại lãnh đạo kiểm soát và thống trị, dang bàn tay nặng nề của dọa dẫm và áp bức. Nó tạo ra một nhóm người có uy quyền đồng thời một nhóm người bị trị, bị kiểm soát.
Nhưng may thay, quyền lực cũng có mặt khác. Quyền lực có thể giải phóng. Nó có thể là ảnh hưởng yêu thương tạo ra những điều thiện nơi người khác và cho phép những điều tốt lành đó nở hoa sinh trái. Tình thương và quyền lực không nhất thiết phải đối lập nhau. Mặt tích cực và chiếu sáng này của quyền lực là sự thể hiện của quyền lực tương xứng hơn với dấn thân tông đồ của chúng ta.
Các nhà khoa học một cách khái quát định nghĩa quyền lực như là khả năng ảnh hưởng lên người khác. Chúng ta cần quyền lực nếu chúng ta cần thực hiện một số dự định. Quyền lực không phải là vấn đề có tất cả hay không có gì. Mà nó là vấn đề nhiều hay ít bởi vì khả năng ảnh hưởng người khác là tương đối trong các bối cảnh khác nhau. Vài người đơn giản cho chúng ta nhiều quyền lực trên họ hơn là những người khác. Hơn nữa, có những người có nhiều ảnh hưởng hơn tương đối do vai trò của họ, giới tính, địa vị, hay kiến thức. Chúng ta cảm thấy quyền lực hay yếu thế của chúng ta trong các tác động qua lại của các nhu cầu và sức mạnh khác nhau trong những tương quan liên vị.
Thẩm quyền (authority) là một quyền lực hợp pháp, thường được ban cách công khai do các cơ chế. Một người có thẩm quyền được công nhận bởi cộng đoàn như là đại diện của cộng đoàn. Trong mục vụ, thẩm quyền do phong chức như giám mục, linh mục, phó tế, hoặc do ủy nhiệm (như giáo lý viên, thừa tác viên, người hướng dẫn thiêng liêng). Qua đó, chúng ta đại diện cho cộng đồng đức tin, một truyền thống tôn giáo, và ngay cả đại diện cho Thiên Chúa. Mang quyền lực khiến cho chúng ta có quyền được nghe và được chú ý lời khuyên trong các vấn đề tôn giáo, nhưng nó cũng mang nhiệm vụ sử dụng quyền uy phục vụ cho lợi ích của cộng đồng chứ không để thu lượm lợi ích cá nhân.
Chúng ta thực hành quyền lực và uy quyền trong nhiều cách khác nhau. Một cách tế nhị mà chúng ta có thể không bao giờ nghĩ đến, như cách thức chúng ta kết cấu môi trường chung quanh nơi mà chúng ta làm mục vụ. Ví dụ, cách chúng ta kê bàn ghế, ngồi phía sau một cái bàn to lớn khi tiếp người đến với ta…có thể rút ngắn hay mở lớn khoảng cách quyền lực, và từ đó nâng cao tính bề trên và thống trị, hay nó có thể hướng chúng ta đến khuyến khích nâng cao người khác. Cách ăn mặc cũng tạo nên sự khác nhau trong ảnh hưởng quyền lực. Ăn mặc lễ nghi chính thức hay giản dị bình thường cũng có thể khuếch đại hay thu nhỏ khoảng cách quyền uy.
Quan trọng hơn và có tính toàn vẹn trên phương diện thần học là cách thức thực hành quyền lực. Bên trên bài viết đã đề cập đến, trong mức độ người tông đồ là nguồn thần học cho cộng đồng, mục tiêu trước hết của suy tư thần học của người tông đồ là làm cho dân chúng thấy được nhiều hơn và chiều sâu thiêng liêng của các sự kiện nhìn được bằng mắt. Mục vụ là điều chỉnh cái nhìn đó cho đúng. Chúng ta là những người mà dân chúng đến để họ có thể nhìn thấy được đời sống của họ xuyên qua con mắt đức tin. Chúng ta tuyên xưng rằng chúng ta là những người được huấn luyện để biết những gì đức tin đòi hỏi. Các sứ vụ rao giảng, giảng dạy, tư vấn và hướng dẫn thiêng liêng như các cơ hội để cung cấp các lăng kính hàng ngày ảnh hưởng trên cách dân chúng nhìn chính họ trong tương quan với Thiên Chúa. Khi chúng ta nhớ rằng mục vụ liên quan đến lãnh vực của ý nghĩa và giá trị tối cao con người (cách thế nào mà mọi sự tương quan với Thiên Chúa), người mục tử có thể giật mình vì cái đẹp quyền lực mà họ có.
Bởi vì thừa tác viên được công nhận như người mang uy quyền tôn giáo, nên cách giải thích của chúng ta về kinh nghiệm sẽ ảnh hưởng trên người khác, được coi như chính xác sự thật nhất. Cách chúng ta nhìn sự kiện được xem như cách Giáo Hội nhìn chúng. Thậm chí được xem như cách Thiên Chúa nhìn sự kiện. Điều này khiến chúng ta ảnh hưởng trên cách dân chúng nhìn họ là ai và họ đang làm gì. Một phụ nữ là nạn nhân của lạm dụng tình dục bởi cha xứ của bà khi bà còn là một thiếu nữ. Khi nhìn lại bà đã cảm nghiệm gì lúc đó, bà nói: “Ống ấy có nhiều quyền lực trên cá nhân tôi. Tôi còn rất trẻ (teenager), tôi đã đang cố gắng hình dung ra tôi là ai. Vào lúc đó, bất cứ điều gì ông ấy nói là Tin Mừng của Chúa”.
Khi giải thích, chúng ta dùng những câu chuyện và ngôn ngữ đức tin (ân sủng, tội, cứu độ, mầu nhiệm phục sinh, thánh giá, hy sinh…) để giúp người khác nhìn lại kinh nghiệm của họ trong ánh sáng hoạt động của Thiên Chúa. Ví dụ, kể lại câu chuyện của Chúa Giêsu với những lời khác để người nghe có một khung cảnh tôn giáo trong đó họ định vị lại căn tính của mình, và phán đoán, giải thích câu chuyện riêng của họ. Đạo đức của rao giảng nhấn mạnh nhiệm vụ trở thành có tài năng trong cách thức chúng ta giải thích lời Chúa và giải thích đời sống dân chúng, và nó đòi hỏi rằng chúng ta làm chứng chân thực cho những gì chúng ta nói, bằng chính đời sống chúng ta, nếu không muốn lời rao giảng của chúng ta thiếu sức tin cậy. Các nhà thần học thường nhắc nhở nhau “thực hành những gì bạn rao giảng” (practice what you preach).
Vấn nạn là làm thế nào chúng ta sử dụng những biểu trưng và câu chuyện Kinh Thánh một cách đúng đắn và khôn ngoan. Ví dụ, nói rằng AIDS là hình phạt Thiên Chúa đối với tội lỗi con người gây ra phản ứng khó chịu nơi người nghe, đặc biệt là chính các bệnh nhân hay gia đình bệnh nhân.
Một trong các nguồn quyền lực vượt trên lý trí là tính chân thực tôn giáo, nó liên quan đến chiều kích xúc cảm của uy quyền. Đó là quyền lực chúng ta cảm thấy khi chúng ta gặp một ai đó mà đời sống của họ tuôn chảy từ đức tin của họ có một sức thuyết phục không lời. Khi chúng ta chân thực thì người dân gặp chúng ta cách nhân ái và có được cái thoáng qua về đời sống đức tin cá nhân của chúng ta. Khi chúng ta chấp nhận thực tế con người chúng ta và giới hạn chúng ta, và cảm thấy thoải mái với chúng ta là ai (who we are), chúng ta không tiêu hao năng lượng bảo vệ hình ảnh lý tưởng hóa của mình. Chúng ta có thể tái tập trung năng lượng bảo vệ chúng ta vào trong một cách sáng tạo để thích nghi với nhu cầu và mục tiêu của nhiều nhóm người khác nhau đến với chúng ta. Chúng ta thực hành tính lãnh đạo thiêng liêng bằng cách mang truyền thống tôn giáo của chúng ta vào chính đời sống để giúp con người mở rộng ý thức tôn giáo, để họ có thể tìm thấy sự liên hệ giữa câu chuyện đời cá nhân của họ và câu chuyện đức tin.
Quyền lực không kèm tính trách nhiệm có khuynh hướng bị thối nát. Sự hiểu biết về ơn gọi của chúng ta và dấn thân nghề nghiệp như một giao ước hướng chúng ta nhận định về cách thực hành quyền lực trong tương quan mục vụ, và bảo vệ chống lại những khả năng lạm dụng bằng cách phát triển một số yếu tố giúp chúng ta thực hành quyền lực một cách sinh hoa trái và giải phóng con người.
Hành vi Giao ước của sự tin cậy và chấp nhận sự tin cậy trong tương quan mục vụ làm cho tính trung thành là một mệnh lệnh luân lý nền tảng cho người mục tử. Trong đạo đức nghề nghiệp, mệnh lệnh này được gọi là tính trách nhiệm được ủy thác (fiduciary responsibility). Nó có nghĩa là chúng ta sẽ thực hành quyền lực và uy quyền theo cách thức phục vụ trước hết cho nhu cầu người giáo dân, và chúng ta sẽ không khai thác sự yếu thế của họ, nhưng đặt quyền lợi của họ trên quyền lợi riêng chúng ta. Để có thể phục vụ lợi ích của người dân, chúng ta phải xác định những giới hạn của tương quan mục vụ. Chúng ta phải tự kỷ luật tránh lạm dụng tương quan mục vụ để thỏa mãn ước muốn cho sự chú ý, được chấp nhận, vui thú, hưởng lợi hay đặc quyền.
b. Tính bất bình đẳng trong quyền lực
Tính trách nhiệm được ủy thác nhấn mạnh đòi hỏi đạo đức trong tương quan mục vụ. Trọng tâm của trách nhiệm này trước hết là sự giải quyết khôn ngoan thận trọng tính bất bình đẳng về quyền lực trong tương quan mục vụ. Tin cậy và trao phó niềm tin nơi người khác là đã trở nên yếu thế. Những người tìm đến sự giúp đỡ của chúng ta là họ nhìn nhận bất lực của họ trong giải quyết vấn đề riêng của họ. Họ tín thác bí mật của họ nơi chúng ta và như thế họ trở nên dễ bị tổn thương và có nguy cơ bị khai thác. Cách thức chúng ta thực thi quyền lực là chìa khóa của vấn đề đạo đức chúng ta đang bàn.
Trước hết chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta có quyền lực. Ý thức mình có quyền lực sẽ làm chúng ta cảnh giác, không vô tình khai thác người khác vì quyền lực mình có. Marilyn Peterson, trong cuốn At Personal Risk lý luận rằng những nhà chuyên nghiệp có nguy cơ có hành vi vô đạo đức khi họ lờ đi ảnh hưởng quyền lực từ vai trò của họ. Khi đó, họ không rõ ràng về ảnh hưởng quyền lực của họ và có thể sử dụng sai lạc vai trò và lạm dụng quyền lực của mình theo những cách xâm phạm các giới hạn mà họ buộc phải bảo vệ. Ví dụ, cha xứ lạm dụng tình dục với một giáo dân. Khi làm điều đó, ông nghĩ mình làm với tư cách cá nhân, nhưng thực sự vai trò cha xứ khiến ông có uy quyền trên người giáo dân. Và, người giáo dân, có thể do trẻ tuổi sợ hãi không dám chống cự, hoặc hiểu lầm ông là người của Chúa thì mình phải chiều theo ý muốn của ông. Nên nhớ rằng một người càng ở địa vị tốt nhất để giúp người khác cũng là người ở vị thế tốt nhất để làm người khác bị tổn thương. Một khi đã bị tổn thương thì con người đó rất khó lấy lại niềm tin, ngay cả niềm tin đối với Giáo Hội, đối với điều thiện trong thế giới này.
Một nguyên tắc luân lý là gánh nặng lớn hơn về trách nhiệm luân lý rơi trên người có quyền lực lớn hơn. Ngay cả khi người khác, trong tương quan với chúng ta, có thể cố gắng điều khiển tình huống và chịu trách nhiệm về hành vi của họ, chúng ta vẫn bắt buộc phải duy trì những ranh giới thích hợp bởi vì chính chúng ta, các mục tử, có quyền lực lớn hơn.
Vài người cảm thấy khó chấp nhận rằng tương quan mục vụ một cách cơ bản là không bình đẳng và rằng người tông đồ phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc duy trì các ranh giới. Vì điều này dường như đối nghịch lại với  một hiểu biết Giáo Hội học, ủng hộ sự dấn thân tôn trọng sự bình đẳng Tin Mừng của tất cả mọi người. Nhưng, điểm Giáo Hội học này là xác định giá trị (trên nền tảng bí tích) rửa tội của mỗi người và nuôi dưỡng những đặc sủng khác nhau trong Giáo Hội. Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng có những khác nhau thực sự giữa các sứ vụ cũng như giữa người mục tử và giáo dân. Ví dụ, Vatican II dạy, linh mục (do chức linh mục thừa tác) khác nhau một cách chủ yếu chứ không chỉ ở mức độ, với những người giáo dân khác cũng làm mục vụ,  (LG s.10).
c. Sự cám dỗ của mô hình tình bạn
Có cám dỗ làm giảm hoặc che giấu khoảng cách quyền lực trong tương quan mục vụ dẫn đến coi nó như tình bạn. Nhưng cố gắng làm cho tương quan mục vụ thành liên hệ ngang hàng chỉ làm sai lạc bản chất thực sự của nó và đặt chúng ta ở vào nguy cơ lớn hơn của các hành vi không đạo đức. Trong phân tích các loại khác nhau của tương quan lãnh đạo mục vụ, Martha Ellen Stortz đã nhận diện nhiều mặt khác nhau của tình bạn để chỉ ra rằng nhiều trong số các loại tình bạn này tương phản với những gì sứ vụ đòi hỏi. Có thể kể ra đây bảy mặt: 1/ sự chọn lựa: các bạn lựa chọn lẫn nhau; 2/ sự tương tự: các bạn có một số điểm tương đồng (ví dụ chung sở thích trong ăn uống, trong thể thao…); 3/ sự tương hỗ lẫn nhau: các bạn giữ một số sự việc hay vật chung (niềm tin, dấn thân, nhãn quan, mục tiêu…); 4/ bình đẳng: các bạn ngang nhau trong quyền lực hay vị trí xã hội; 5/ cho và nhận bằng nhau; 6/ lòng nhân từ: các bạn thương yêu người khác vì người bạn ấy chứ không phải vì lợi ích thực dụng; 7/ sự hiểu biết, kiến thức: các bạn mời gọi tự cởi mở một cách chân thành.
Nhìn chung, ta thấy mục vụ liên hệ với vài mặt của tương hỗ lẫn nhau và lòng nhân từ: tương hỗ trong ý nghĩa của bình đẳng Tin Mừng chia sẻ, và lòng nhân từ trong ý nghĩa hành động phục vụ anh chị em thân cận. Các mặt khác của tình bạn tỏ ra đối kháng với đòi hỏi của mục vụ. Tình bạn như là vấn đề chọn lựa mở ra khả năng của loại trừ. Số người không được chọn lựa sẽ bị loại trừ. Dân chúng thường rất nhạy cảm với các dấu hiệu của vấn đề ưu ái riêng, vì thế người tông đồ tỏ ra ưu ái riêng một ai trong cộng đoàn sẽ một cách vô thức tách rời những người không được ưu ái.
Mẫu tìm kiếm sự tương tự của kinh nghiệm chung trong cộng đoàn trở nên khó khăn vì ngày nay con người trở nên phong phú, thay đổi. Bình đẳng có ưu điểm qua việc cùng chịu phép rửa tội trở nên con cái Chúa nhưng có khó khăn vì chúng ta đảm nhận nhiều vai trò và chức năng khác nhau, cần có người chịu trách nhiệm và lấy quyết định. Tương hỗ đòi hỏi cho và nhận ở cả hai phía. Nhưng, như đã trình bày trên, tương quan mục vụ thông thường đòi hỏi người tông đồ hy sinh nhiều cho người khác hơn là chúng ta trông đợi người khác hy sinh cho chúng ta. Sự hiểu biết, kiến thức: đòi hỏi các bạn cho phép chính họ biết và được biết lẫn nhau, nhưng trong tương quan mục vụ, sự chia sẻ mật thiết trước hết đi một chiều. Người tông đồ là người lắng nghe và biết nhu cầu của người khác để có thể đáp ứng. Ngoài ra, người tông đồ có thể đáp ứng nhu cầu của người khác một cách hiệu quả mà không cần tự bộc lộ chính mình.
Phân tích của Stortz hữu ích để minh họa rằng mẫu tình bạn có nhiều khó khăn trong tương quan mục vụ. Tuy nhiên, chúng ta không nên kết luận rằng cần tránh hoàn toàn tình bạn trong mục vụ, hay chúng ta không bao giờ linh hướng một người bạn. Mục vụ không bao giờ thật rõ ràng chia từng ngăn. Chỉ vì tương quan nhiều mặt với cùng một người có thể làm cuộc sống mập mờ đáng ngại nên chúng ta cần thận trọng khi định ranh giới cho mối quan hệ. Thật sự, cha xứ, phó tế, các mục tử thực thi nhiều chức năng mục vụ khác nhau, không phải tất cả tương quan đều ở cùng bình diện cuộc sống, cũng không phải là chúng không tương hợp với nhau. Hơn nữa, không phải tất cả tương quan mục vụ đòi hỏi mức độ tin cậy hoặc tự bộc lộ như nhau. Vì vậy, nó thông thường và hợp lý khi một linh mục chứng hôn cho bạn của mình, rồi rửa tội cho con của bạn, rồi làm phép an táng cho cha mẹ bạn. Nhưng sẽ là một vấn đề nếu cố gắng làm linh hướng cho một người bạn hoặc cho lời khuyên mục vụ dài hạn cho người bạn, vì các đòi hỏi của loại mục vụ này tỏ ra không tương hợp với các đòi hỏi của tương quan cá nhân trong tình bạn. Trộn lẫn tương quan nghề nghiệp và cá nhân đặt chúng ta vào nguy cơ cao hơn của việc xâm phạm sự tin cậy. Để bảo vệ chống lại sự xâm phạm này, và giữ mối tương quan rõ ràng, chúng ta có thể tự đặt cho mình những câu hỏi, như là: 1/ Vai trò nào nổi bật đối với tôi trong tương quan này là gì? 2/ Tôi là ai cho anh, cho chị trong mối tương quan này? 3/ Anh, chị, là ai đối với tôi trong tương quan này? 4/ Nhu cầu của ai được đáp ứng trong mối tương quan này? Những câu trả lời sẽ giúp chúng ta định rõ ràng hơn những tình huống trong đó thích hợp cho chúng ta liên hệ như những người ngang nhau, hay bạn, hay những khác nhau trong vai trò và vị trí. Nhờ đó, mục đích của tương quan duy trì tập trung vào đáp ứng nhu cầu của người tìm kiếm được giúp đỡ mục vụ.
d. Tương quan đôi
Việc bàn luận ở trên về việc trộn lẫn tương quan mục vụ và tình bạn thường rơi vào lãnh vực tương quan đôi trong đời sống nghề nghiệp. Khi chúng ta giao tiếp người khác hơn một quan hệ, chúng ta thiết lập tương quan đôi. Ví dụ, là thầy giáo, chúng ta làm cho học sinh thành bạn thường xuyên chơi bóng đá; hay là người mục tử, chúng ta trở thành tư vấn lâu dài cho một ai đó trong đội ngũ làm mục vụ; hay như một mục tử trẻ, chúng ta hẹn hò với một trong nhóm trẻ đó; hay ta là một cha sở với một nữ tu giúp xứ, ta biến nữ tu thành người giúp việc riêng cho ta. Tương quan đôi giống như cố gắng cùng lúc đội hai cái mũ. Thật khó thích hợp cho chúng ta cùng một lúc, hay chúng ta có thể lẫn lộn vai trò và căn tính của chúng ta. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp thành công: một giáo sư, tương quan trong lớp với học sinh là tương quan thầy-trò, ngoài lớp học, giáo sư đối xử với học trò như bạn nghe tâm sự của các em, như một người mẹ lo cho nhu cầu các học sinh.
Sự cấm đoán chặt chẽ các tương quan đôi là một nguyên tắc đã được thiết lập trong một số nghề nghiệp để giúp các nhà chuyên môn. Ví dụ, các bác sĩ không được điều trị cho người thân trong gia đình. Ở Hoa Kỳ, bác sĩ không được hẹn hò với bệnh nhân của mình trong vòng ít nhất sáu tháng sau khi người đó hết là bệnh nhân của mình. Các nhà trị liệu không thêm các tương quan xã giao khác với khách hàng như xem phim, uống cà phê, đi shopping…Thật sự, trong tương quan mục vụ, không nhất thiết cấm đoán tương quan đôi vì nó không hoàn toàn như một nghề nghiệp. Các tông đồ phải cung cấp một sự lãnh đạo của người tôi tớ trong một con đường thánh thiện, không chỉ một chức năng tôn giáo được chuyên biệt hóa. Người tông đồ phải đại diện và làm trung gian cho sự hiện diện của Thiên Chúa trong toàn thể đời sống con người. Một số mục tử với các sứ vụ chuyên biệt hóa như hướng dẫn thiêng liêng, nhân viên luật pháp tôn giáo…có thể tránh được tương quan đôi với những người họ phục vụ. Còn nhiều mục tử khác rất khó tránh chồng chéo các vai trò. Một cách thực tế, và đôi khi cần thiết, nhiều mục tử trộn lẫn cùng lúc nhiều vai trò.
Tương quan đôi cũng có thể trở thành vấn đề khi thừa tác viên không thỏa mãn nhu cầu chúng ta cách hợp lý và vì vậy lấy sự tin tưởng của người khác để phục vụ cho việc thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Thông thường chúng ta dễ quay lại tìm thỏa mãn nhu cầu cá nhân và xã hội nơi những người chúng ta gặp trong mục vụ là những người dễ tiến tới và lôi cuốn nhất. Chúng ta có thể kết thúc bằng cách sử dụng họ hơn là mục tử cho họ. Linh mục John Madigan chia sẻ kinh nghiệm bị kiệt sức của chính mình và quá trình hồi phục: “Tôi đã từng tin rằng nhu cầu cần có sự thân thiết của mình có thể được đáp ứng bởi các giáo dân khi họ đáp ứng những gì tôi đã đang làm, bằng cách đến nhà họ và gặp gỡ gia đình. Nhưng tôi đã thấy rằng tôi không thể chờ đợi giáo dân đáp ứng nhu cầu của tôi. Nhu cầu tình bạn của tôi phải được thiết lập bên ngoài giáo xứ của tôi. Khi tôi phát triển tình bạn bên trong giáo xứ, có một sự tranh đấu khi xung đột lợi ích. Như thế tôi bị đặt vào tình huống thỏa hiệp. Dường như là một tư tưởng tuyệt vời lấy giáo dân là gia đình bạn, nhưng thực sự họ không phải. Họ có những quan tâm và nhu cầu riêng và tôi hiện diện với họ như một vị mục tử đáp ứng các nhu cầu của họ”.
Tóm lại, trong khi chúng ta cố gắng tránh tương quan đôi càng nhiều càng tốt, chúng ta không thể luôn thực hành và điều này đôi khi còn cần thiết. Tương quan đôi trở thành vấn đề khi các vai trò trở nên mơ hồ lầm lẫn và ranh giới không được bảo vệ. Nó sẽ không thành vấn đề nếu người tông đồ: 1/ thành thật với chính mình; 2/ chú ý vào nhu cầu riêng của chính mình; 3/ thỏa mãn những nhu cầu của mình bên ngoài những tương quan này; 4/ giữ vai trò mục tử như là ưu tiên trước hết ; và 5/ theo dõi kiểm soát sự phát triển của mối tương quan này. Theo các hướng dẫn này, nhiều tương quan đôi phát triển tốt và lành mạnh cho cả hai phía. Nhưng, vì sự bất bình đẳng trong quyền lực khó tránh khỏi, đòi hỏi ranh giới rõ ràng và gánh nặng trách nhiệm gìn giữ ranh giới rõ ràng rơi trên vai người tông đồ. Người tông đồ có trách nhiệm nghề nghiệp phải lượng giá tương quan này một cách chân thật.
Tương quan đôi trở thành không thích hợp hoặc sai trái nếu chúng mở cửa cho: 1/ phán đoán sai lạc; 2/nuôi dưỡng tiềm năng xung đột quyền lợi; 3/ khai thác sự tin cậy và sự phụ thuộc của người yếu thế. Sự phán đoán của chúng ta có thể bị sai lạc khi chúng ta dính líu một cách xúc cảm với những người khác, như trong quan hệ với người thân trong gia đình hoặc bạn bè. Xung đột lợi ích xảy ra khi chúng ta ở trong một tương quan có nhiều mục đích cạnh tranh với nhau. Ví dụ một chủ trường học chia sẻ rằng ông cảm thấy mình bị khó xử trong tương quan với một nhân viên khi ông nhận làm tư vấn cho cô ấy trong vấn đề hôn nhân một thời gian dài. Ông ấy, một mặt là chủ của cô ấy, cần phải nhận định phê phán việc thực hiện trách nhiệm của cô ấy trong công việc, một mặt là người mục tử của cô ấy, ông phải tỏ ra nâng đỡ, khuyến khích và tha thứ. Ông ấy cuối cùng nhận thấy mình không thể đảm nhận hai vai trò ấy cùng lúc với một người.
Chấp nhận trách nhiệm theo dõi nhu cầu riêng của chúng ta, và tự kỷ luật để tìm kiếm đáp ứng các nhu cầu đó ngoài tương quan nghề nghiệp chuyên môn là tái khẳng định tín thác thánh thiêng của dấn thân trong giao ước tương quan mục tử. Marilyn quan sát về các người chuyên nghiệp vi phạm các ranh giới như sau: “phần lớn trường hợp, những người chuyên nghiệp nhận thấy việc sử dụng sai lầm khách hàng của họ không xuất phát từ những ý định xấu xa lợi dụng hoặc vấn đề tâm lý chưa được giải quyết. Đúng hơn, sự vi phạm xảy ra bởi vì họ không ý thức nhu cầu của họ, trong khi khách hàng thì thuận lợi cho việc thỏa mãn nhu cầu đó. Dùng khách hàng để cuộc đời mình dễ dàng hơn. Bên trong thực tế này, những người chuyên nghiệp bắt đầu nắm bắt làm thế nào họ sử dụng quyền lực lớn hơn của họ trong tương quan để xuyên qua ranh giới và lấy những gì họ cần nơi khách hàng”.
Vi phạm ranh giới chỉ làm sai lạc giao ước mà đúng ra sẽ nối kết chúng ta với những người mà chúng ta phục vụ như thừa tác viên. Peterson lý luận rằng điều thực sự dẫn đến vượt ranh giới là vì chúng ta “hoặc lờ đi quyền lực chúng ta có hoặc là làm cho cả hai nên ngang hàng và lờ đi những khác biệt trong tương quan”. Chấp nhận và làm việc với sự khác biệt quyền lực trong tương quan mục vụ là một trong những điểm vượt của sự trưởng thành trong vai trò nghiệp vụ như là một thừa tác viên. Khi chúng ta chấp nhận quyền lực, chúng ta phải kềm chế những ước muốn, đáp ứng cách nào đó nhu cầu riêng ngoài tương quan mục vụ. Chúng ta phải có ý thức rằng chúng ta ảnh hưởng lên người khác bằng hình ảnh chúng ta là ai, những gì chúng ta làm, và chúng ta làm như thế nào. Chúng ta cần thận trọng đánh giá những tương quan của chúng ta với người khác một cách chân thành, lương thiện không quanh co.
e. Cách thức sử dụng quyền lực
Như đã nói ở trên, quyền lực nhiều khi là mơ hồ nhập nhằng. Nó phụ thuộc vào cách ta sử dụng quyền lực một cách xây dựng hay phá hủy. Vậy chìa khóa của vấn đề là cách sử dụng quyền lực. Có nhiều cách sử dụng quyền lực: khai thác, điều khiển lôi kéo, cạnh tranh, sáng tạo, nuôi dưỡng, giải phóng, chữa lành, hợp nhất mọi người và tìm công bình. Tại một cực thái quá của sử dụng quyền lực là khai thác, lôi kéo bằng mánh khóe. Đây là những diễn tả của sự thống trị. Quyền lực loại khai thác phụ thuộc vào vũ lực và ép buộc để mà duy trì sự kiểm soát. Quyền lực điều khiển lôi kéo tế nhị hơn trong cách nó dùng các biện pháp tâm lý để duy trì sự kiểm soát. Cả hai thể loại đều làm hại dấn thân giao ước để tìm kiếm lợi ích tốt nhất cho tha nhân. Chúng không tôn trọng nhân phẩm con người.
f. Chúa Giêsu: mẫu mực của sử dụng đúng đắn quyền lực trong sứ vụ tông đồ
Chúa Giêsu bác bỏ lối sử dụng quyền lực thống trị hay tìm thăng tiến bản thân trên người khác. Ngài sử dụng quyền lực để làm cho người khác trở nên vững mạnh. Cách Ngài sử dụng quyền lực là giải phóng con người tự do nội tâm, để hợp nhất con người, mở rộng cho mọi người được tham dự vào quyền lực của Ngài, yêu thương, nuôi dưỡng, sáng tạo, tha thứ, và chữa lành. Quyền lực Ngài sử dụng làm triển nở điều tốt, xây dựng và phục hồi những tương quan đổ vỡ, kiến tạo không gian đón tiếp, làm cho người yếu trở nên mạnh, thách thức những thái độ tìm sự thống trị. Quyền lực sáng tạo là quyền lực thiêng liêng, quyền lực xuất phát từ Thiên Chúa. Trong cuộc thương khó của Ngài, Chúa Giêsu vận dụng chỉ một loại duy nhất của quyền lực mà Ngài biết- tình yêu Thiên Chúa- và ban tặng sự tha thứ. Thập giá mặc khải sự trống rỗng của tất cả quyền lực áp bức. Cũng như trong sứ vụ, trong cái chết của Ngài, Chúa Giêsu thực hành loại quyền lực kiến tạo sự sống, biến đổi nội tâm đến chiều kích siêu việt mà không chút ép buộc.
Cũng cùng một tình yêu bền vững của người môn đệ mời gọi chúng ta trở nên những người theo chân Chúa Giêsu và sử dụng quyền lực chúng ta có như một nguồn của sự sống và tự do cho tha nhân. Chúng ta phấn đấu sử dụng quyền lực theo cách thức tôn trọng nhân phẩm con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa.
2. Tình dục trong mục vụ
Tình dục thật hấp dẫn. Sức cám dỗ của tình dục vừa gây hưng phấn, vừa gây lẫn lộn cho chúng ta. Những tông đồ không phải là những người không có giới tính. Bởi vì mục vụ mang chúng ta đi vào trong các lãnh vực mong manh và thân thiết nhất của đời sống của con người, chiều kích tình dục của tương quan mục vụ có thể rất hiển nhiên ngay khi cả chúng ta lấy nó làm trọng tâm cho tương tác của chúng ta.
Tính dễ bị tổn thương của những người tìm kiếm sự giúp đỡ mục vụ đòi hỏi rằng người tông đồ chỉ có một quan tâm chính- giúp đỡ mục vụ để đáp ứng nhu cầu của người khác. Trộn lẫn việc tình dục cá nhân trong tương quan chuyên biệt này là vượt ranh giới đi vào những hành vi thiếu đạo đức. Nếu chúng ta không công nhận sức mạnh của ước muốn tình dục nhiều khi gắn với những chăm sóc và quan tâm thật sự chúng ta tỏ ra đối với người khác, chúng ta có nguy cơ có các hành vi tình dục vượt ranh giới.
Tính dục nơi chúng ta là một quyền lực tương quan cung cấp năng lượng cho sự sáng tạo, đáp ứng nhu cầu tha nhân, sự say mê tích cực và dấn thân. Tuy nhiên, tính dục cũng có thể trở nên một dụng cụ bi thảm của lạm dụng, khai thác, và đảo lộn giá trị, nhân phẩm. Bởi vì sự đại diện có tính cách biểu tượng của người tông đồ, việc là nạn nhân lạm dụng tình dục bởi mục tử có thể gây tai tiếng lớn nguy hại đến uy tín của cả Giáo Hội chứ không phải cá nhân người tông đồ.
Vài định nghĩa để chúng ta có khái niệm rõ ràng hơn:
Lạm dụng tình dục (sexual abuse):chỉ đến việc sử dụng những người thiếu khả năng hoặc ý chí để bảo vệ chính họ (một đứa trẻ, người khuyết tật về tâm thần hay thể lý..) để làm các kích thích tình dục bởi một người chịu trách nhiệm chăm sóc cho những người đó. Ví dụ như là hiếp dâm, làm hành vi tình dục với trẻ em, mại dâm trẻ em, cho trẻ em xem hình ảnh khiêu dâm.
Sự khai thác tình dục (sexual exploitation): là phản bội sự tin cậy trong tương quan nghề nghiệp bằng cách sử dụng sức mạnh thể lý hay quyền lực cá nhân nghề nghiệp để phát triển một tương quan lãng mạn với một người vốn đang dưới quyền của mình, hoặc sử dụng người đó cho sự kích thích hoặc thỏa mãn tình dục của riêng mình. Các hành động khai thác tình dục có thể nhiều mức độ, từ giao hợp thật sự, sờ vào những vùng dễ bị kích thích, hôn áo quần hoặc hôn thân mật, ôm chặt, cởi quần áo, dùng những lời nói gợi ý cho liên hệ tình dục và hẹn hò trong quá trình của tương quan mục vụ.
Quấy rầy tình dục: không thật sự về tình dục cho bằng vấn đề lạm dụng quyền không tương xứng trong tương quan cho mục đích kiểm soát tình huống. Quấy rầy tình dục là dùng quyền lực của mình để ép buộc người khác vào những liên hệ tình dục ngoài ý muốn. Nó cũng bao gồm tạo nên một môi trường làm việc tấn công, đe dọa qua những lời, hành động thể lý liên hệ đến tình dục. Nhưng quấy rầy tình dục đôi khi khó nhận ra hơn vì nó có thể che đậy bằng chọc đùa cho vui mà thôi.
Sờ chạm tốt, sờ chạm mơ hồ và sờ chạm xấu (Good touch, confusing touch, bad touch)
Trong sứ vụ tông đồ, nhiều người tìm được bảo đảm cho các hành vi sờ chạm trong sứ vụ của  Chúa Giêsu. Sờ chạm là một dấu ấn của sứ vụ chữa lành của Ngài. Nhưng Chúa Giêsu sống trong một văn hóa khác và thời đại thật xa chúng ta. Mỗi văn hóa tạo nên quy luật riêng của nó về cách thức diễn tả chính chúng ta. Trong khi chúng ta có bổn phận trung thành tiếp nối sứ vụ của Chúa Giêsu, chúng ta phải thực hành nó một cách thích hợp với thời đại chúng ta. Bầu khí của những tai tiếng tình dục ở một số Giáo Hội địa phương như Hoa Kỳ hiện nay không khuyến khích chúng ta sử dụng những hành vi sờ chạm trong thi hành sứ vụ.
Một số mục tử áp dụng như sau:
- Không tự ý đụng chạm vào một đứa bé khi không có cha hoặc mẹ bé hoặc người nhà ở đó. Không để bé ngồi trên đùi mình.
- Không tự ý ôm ai, đặc biệt trong văn phòng riêng. Chỉ có thể sờ chạm ở đầu, vai, hoặc cánh tay, bàn tay.
- Khi một mục tử nam ở cùng một phụ nữ trong phòng thì mở cửa, hoặc dùng cửa sổ không có màn để người ngoài có thể trông thấy tuy sự riêng tư của cuộc đối thoại vẫn được bảo đảm.
Tuy nhiên vấn đề này cũng chưa xác định rõ ràng. Đúng là thật dễ dàng để vượt rào cản để đi từ một sờ chạm tốt lành tích cực của chăm sóc mục vụ sang một sờ chạm mơ hồ lầm lẫn, hay một sờ chạm xấu.
Sờ chạm tốt: một hành động được đón nhận như khuyến khích, nâng đỡ.
Sờ chạm mơ hồ: làm người nhận cái sờ chạm đó cảm giác không thoải mái, một chút mơ hồ.
Sờ chạm xấu: được đón nhận như điều khiển, làm sợ hãi.
Chúng ta cần khôn ngoan để kiểm soát bản năng và những điều thực hành sứ vụ đòi hỏi. Việc đánh giá tốt, mơ hồ hay xấu không tùy thuộc ý định của người sờ chạm, nó phụ thuộc chính vào cách nó được đón nhận. Và lưu ý: điều này cũng rất chủ quan tùy theo cảm tình của người nhận đối với vị mục tử, tuy cùng một kiểu sờ chạm: thương thì thấy vui , thậm chí thích thú, lúc này cần thận trọng kẻo vượt bức rào tình cảm; hoặc nếu không thương, có thể nghĩ không tốt. Một nguyên tắc là: “Trong tương quan bất bình đẳng quyền lực, quan điểm và phán đoán của người có quyền lực yếu hơn phải được cho ưu tiên. Thận trọng là một nhân đức rất cần thiết để quyết định sờ chạm hay không. Một yếu tố quan trọng can thiệp vào là di sản văn hóa của mỗi địa phương.
Chúng ta phải thừa nhận giá trị và tự do của mỗi người và tự kỷ luật đủ để kiểm soát những xung động tình dục của chúng ta. Tai hại mà một người mục tử có thể gây ra là vô kể. Chúng ta phải cảnh giác duy trì những ranh giới tình dục rõ ràng.
Ngăn ngừa
Quan trọng đối với người tu sĩ là tình yêu đối với Thiên Chúa và đời sống kết hiệp với Thiên Chúa sâu xa, quân bình thể lý, tâm sinh lý, quan hệ tốt trong cộng đoàn, giúp người đó trung thành với lời khấn. Cũng như người có gia đình, tình yêu đối với chồng hoặc vợ sâu sắc, quan hệ tốt với chồng vợ của mình là sức mạnh quan trọng giúp trung thành. Một trong những thách thức khó khăn nhất cho người sống đời độc thân là khám phá ra cách thích hợp để đáp ứng nhu cầu yêu thương và thân thiết vốn là một ước muốn sâu xa nhất của con tim con người. Có một quan hệ cởi mở, tin cậy, và được tín thác , trách nhiệm là một trợ lực khác để “trung hòa hóa” những cám dỗ tình dục.
Chúng ta chú ý đôi khi những nhu cầu không được đáp trả nơi chúng ta, cảm giác, hoặc những vấn đề cá nhân một cách vô tình áp đặt trên những người tìm đến sự giúp đỡ của chúng ta. Ví dụ: nếu chúng ta không chú ý nhu cầu được coi là hấp dẫn, được thích, được đánh giá cao, thì khi chúng ta cảm thấy bị kích thích về mặt xác thịt trong tương quan mục vụ, chúng ta dễ đòi hỏi một sự tiếp cận thể lý hay chính chúng ta khởi đầu trước, và dễ mở đầu cho một tương quan đôi. Ví dụ: một chị phụ trách huấn luyện tìm kiếm sự hướng dẫn thiêng liêng trong công tác nơi vị linh mục tốt lành. Ban đầu là thế, nhưng từ từ, chị cảm thấy nhu cầu cần gặp vị linh mục chỉ để thỏa mãn nhu cầu được chú ý, được yêu thương nơi chính chị. Nếu vị linh mục này vững vàng đủ thì có thể giúp chị ý thức và tạm ngưng gặp gỡ, nếu vị này cũng cảm thấy nhu cầu yêu thương nơi chính mình cũng thỏa mãn, mối tương quan trở nên nguy hiểm. Chúng ta cảnh giác, tình cảm dễ phát sinh sau nhiều lần gần gũi, chia sẻ thiêng liêng. Đừng để người tìm sự giúp đỡ trở thành phụ thuộc vào người thừa tác viên.
 “Chiến thuật” dự phòng
1/Tự biết mình. Chúng ta cần hỏi chính chúng ta, chúng ta muốn khám phá gì? Chúng ta muốn có thể nhận thức được các nhu cầu thân thiết, các cơ chế của sự ham muốn, và các dấu hiệu cảnh báo nói với chúng ta rằng sự trong sáng đang bị lấy đi và chúng ta bắt đầu di chuyển từ quan tâm sứ vụ sang quan tâm đến tình dục:
- Cảm thấy ước ao tình dục, điều này chuẩn bị và thúc đẩy chúng ta hướng về các đụng chạm tình dục.
- Tìm kiếm người đó và tiêu nhiều thì giờ cùng nhau ngoài những thời khóa biểu mục vụ.
- Hướng cuộc nói chuyện về chủ đề tình dục và bắt đầu tình dục hóa ngôn ngữ chúng ta.
- Trao đổi các món quà rất cá nhân hoặc rất mắc tiền.
- Bỏ hoặc thay đổi các cuộc họp khác để có thể hiện diện bất cứ khi nào người đó cần, và càng thường xuyên càng tốt.
- Trở nên bí mật hơn đối với người bề trên, người hướng dẫn thiêng liêng, bạn bè về những gì đang xảy ra giữa mình với người đó.
2/ Tự chăm sóc và tự quý trọng chính mình (self-care and self-esteem). Chúng ta sẽ không bao giờ có năng lượng chú ý đến nhu cầu của người khác nếu chúng ta không tôn trọng nhu cầu của chúng ta. Chúng ta có tôn trọng chúng ta đủ thì mới đủ ý chí kiểm soát và tự kỷ luật không dấn thân vào các quan hệ làm tổn thương phẩm giá của chúng ta. Có nhiều khi nhu cầu yêu thương mạnh mẽ làm chủ ý chí chúng ta đến nỗi chúng ta quên tự trọng, có những hành động bày tỏ tình cảm lộ liễu, quá trớn, đôi khi quên mất mình là ai, là tu sĩ đã khấn hứa.
Vài “kỹ thuật” mà chúng ta có thể áp dụng để tự chăm sóc mình không bị quấn vào những tương quan không lối thoát:
- Củng cố lòng tự tôn trọng chính mình, là món quà quý của Thiên Chúa, làm theo hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta có thể cùng lúc thực hành một cách sống lành mạnh như thể dục, ngủ đủ, tiếp xúc thiên nhiên, giải trí lành mạnh, gặp gỡ một vài bạn tốt, cầu nguyện, đọc những sách suy tư, hạnh các Thánh..
- Kiểm soát cách ta sống, chủ ý chọn lựa hướng phát triển cho mối tương quan. Đây không phải là vấn đề “hãy xem mối quan hệ này dẫn tôi đi đâu” mà là “Tôi muốn nó đi đâu?”  Cố gắng tránh tương quan đôi, càng ít càng tốt.
- Ý thức về chính chúng ta, giới hạn riêng của chúng ta và điểm yếu của người khác về tính dục khi chúng ta phải làm việc riêng với nhau. Cảnh giác và nhìn nhận với chính mình về các cảm xúc tình dục. Tránh những cử chỉ, lời nói liên quan tình dục. Phải ý thức về những xung động có thể làm chúng ta yếu đuối cho đến vi phạm ranh giới  tình  dục. Lưu ý các dấu hiệu cảnh báo chỉ ra rằng chúng ta đang ở trên ranh giới tình dục.
- Khi thấy bắt đầu mơ hồ về một quan hệ thì ngưng ngay lúc đầu óc còn làm chủ được tình cảm, đừng tiếc nuối nuôi dưỡng đến lúc khó hoặc không rứt bỏ tình cảm đó được. Có khi cần “chạy trốn là thượng sách”, can đảm cương quyết đừng gặp người đó nữa, khi thấy mình yếu sức rồi. Cùng lúc tìm người bạn để thấy rằng “cuộc đời tôi không chỉ có người đó”.
- Ý thức ta chịu trách nhiệm chính cuộc đời mình và lời khấn hứa. Nhớ đến Chúa đang hiện diện trước mặt tôi, nhìn thấy những gì tôi làm, các thánh đang nhìn tôi, tự hỏi xem nếu đây là giờ phút mình sắp chết, điều gì tôi ước ao làm nhất, con đường nào tôi ước ao chọn nhất để có thể thanh thản ra trước tòa Chúa? Hãy làm theo điều đó…kinh nghiệm đời sống mỏng manh.
- Chúng ta nên nhớ lại, tập trung dấn thân đầu tiên cho Chúa và tìm hướng đi trong tương quan với Chúa.
- Làm chủ cơn giận, bực mình để giữ chúng ta tự do không bị điều khiển bởi cay đắng chua chát, bất bình, châm biếm.
- Chuyển cho người hướng dẫn khác người mà chúng ta cảm thấy bị hấp dẫn lôi cuốn về tình dục.
- Chúng ta phải làm chứng trong tất cả tương quan sự khiết tịnh tương ứng với bậc sống của chúng ta.
- Cung cấp một chỗ làm việc an toàn cho những người tìm kiếm sự giúp đỡ của chúng ta.
- Phải tránh khởi đầu các cử chỉ liên quan tình dục và phải từ chối nó ngay cả khi người kia tỏ ra đồng ý với cử chỉ tình dục. Phải đứng trên quan điểm người yếu thế để xem xét và phán đoán những cái đụng chạm là thích hợp hay không. Phải rất thận trọng trước khi sờ chạm một ai vì chúng ta không lường trước được cái sờ chạm đó được đón nhận như thế nào. Tức là xem xét:giới tính, chủng tộc, tình trạng xúc cảm, kinh nghiệm trước đó, tình huống đời sống hiện tại…
- Chúng ta nên thỏa mãn nhu cầu thương mến, thân thiết, giải trí lành mạnh với các bạn ngoài tương quan mục vụ
3/ Tự bộc lộ cho người mình tín nhiệm, thổ lộ thì được giải tỏa. Cần có người giám sát công việc của mình.
- Phải báo cáo những cử chỉ vi phạm tình dục cho cấp quyền Giáo Hội và thực hiện công bằng cho nạn nhân.
3. Giữ bí mật nghề nghiệp (confidentiality)
Định nghĩa: là  nhiệm vụ người chuyên môn phải giữ kín những thông tin cá nhân của người đang tìm đến mình để được giúp đỡ hay tham vấn. Đây là một trong các quy luật vững chắc nhất của đạo đức nghề nghiệp. Các ngành nghề khác như luật, y-khoa, tư vấn, đã xây dựng các  tiêu chuẩn đạo đức về giữ gìn bí mật nghề nghiệp. Trong bí tích hòa giải, chúng ta có giữ bí mật tuyệt đối, nhưng trong mục vụ, phạm vi và giới hạn của giữ bí mật có thể thay đổi tùy tình huống và mức độ thông tin liên quan đến lợi ích kẻ thứ ba.
Để xác định phạm vi giữ bí mật ta cần suy tư dựa trên một số câu hỏi như: điều gì đã được nói, tại sao nó được nói, cách thức nó được nói, bối cảnh nó được nói. Ví dụ, chúng ta nên coi là giữ bí mật nghề nghiệp khi điều đó được nói với chúng ta trong riêng tư, khi chúng ta đang phục vụ trong vai trò chuyên môn, và khi được nói với mục đích tìm kiếm lời khuyên tôn giáo hay thiêng liêng, giúp đỡ, hay giải tỏa. Những yếu tố này cho thấy sự giữ bí mật được chờ đợi nghiêm túc và sức nặng hơn là nó được chia sẻ ở cầu thang hay bưu điện…Những thông tin tin cậy mà một người muốn người khác giữ bí mật và được chia sẻ trong một bối cảnh riêng tư đòi hỏi phải được giữ bí mật. Vậy một nguyên tắc khái quát tốt hướng dẫn sự giao tiếp nghề nghiệp là: “quá trình càng chính thức và bối cảnh càng riêng tư trong đó thông tin được chia sẻ, bổn phận giữ thông tin bí mật càng lớn.”
Nền tảng đạo đức: ba giá trị củng cố nhiệm vụ giữ sự bí mật riêng tư
a/ Với nhân phẩm là được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, mang tính thánh thiêng, con người phải được tôn trọng và phục vụ như một cùng đích tự nó chứ không phải là phương tiện để đạt được lợi ích cho chúng ta. Một trong các cách chúng ta diễn tả tôn trọng con người là bảo vệ và thăng tiến khả năng của họ tự đưa ra hướng đi cho cuộc đời họ bằng cách duy trì kiểm soát được thông tin, kế hoạch, tư tưởng, hành động, và của cải riêng tư cá nhân họ. Để mà có thể làm được điều đó, người ấy phải tự mình quyết định được tới mức độ nào và với ai những thông tin đó được chia sẻ.
b/ Mang lại lợi ích cho bản thân người đó và cho xã hội: mục đích để một người đến với người mục tử là để được giúp đỡ kiến thức chuyên môn và kỹ năng trong vấn đề họ người đó cần giải quyết. Sự giữ bí mật khuyến khích người đó yên tâm thổ lộ các thông tin cần thiết để người mục tử có cơ sở hiểu biết vấn đề và sự giúp đỡ hữu hiệu hơn mà không sợ rằng thông tin đó sẽ được công bố công cộng. Bất cứ một nghi ngờ nào là thông tin không được giữ bí mật là một trở ngại cho việc mục vụ. Giữ bí mật trong tương quan mục vụ đem lại cho cá nhân đó sự an ủi, hướng dẫn, và ý nghĩa khi họ tự do cởi mở việc linh hồn họ cho một người đại diện Thiên Chúa và Giáo Hội. Lợi ích này lại mang lợi ích cho xã hội vì nhờ sự giúp đỡ, người đó không gây vấn đề họ thành vấn đề cho xã hội và không gây ảnh hưởng tiêu cực trên môi trường chung quanh.
        c/ Tính trung thành: giữ bí mật củng cố tương quan con người và thúc đẩy sự thân thiết. Tương quan con người không thể tồn tại nếu không có sự tôn trọng kiến thức hiểu biết cá nhân thu được qua chia sẻ thông tin. Chúng ta không liên hệ với mọi người trong cùng mức độ và với cùng chiều sâu chia sẻ. Nhiệm vụ giữ bí mật củng cố niềm tin cậy chúng ta cần để mà tương quan nhân vị được thiết lập và duy trì. Ngoài ra, trong tương quan mục vụ, người thổ lộ thông tin trở thành người dễ tổn thương và kém quyền lực hơn, người mục tử có nhiệm vụ hành động theo quyền lợi tối ưu cho người dân đó.
Giới hạn của giữ bí mật nghề nghiệp
a/ Truyền thống luật Giáo Hội: dấu niêm của bí tích hòa giảichỉ có thông tin biết được trong bí tích hòa giải là tuyệt đối bí mật. Dấu niêm này không được giải ngay cả sau cái chết của hối nhân hoặc sự từ chức hoặc về hưu của người linh mục. Dấu niêm này ngăn cản vị linh mục ngay cả khơi dậy cuộc đối thoại với hối nhân về thông tin đó trong bối cảnh ngoài bí tích giải tội. Hối nhân cũng không được tỏ lộ những gì người linh mục nói trong khi thi hành bí tích.
b/ Luật dân sự: thật ra chưa có luật nào rõ ràng về mức độ giữ bí mật nghề nghiệp, chỉ có nhân đức thận trọng và sự khôn ngoan của người mục tử, hướng dẫn thiêng liêng, tư vấn, bác sĩ, soi sáng để người ấy cân nhắc. Ba tính cách và nhân đức cần thiết và can thiệp vào giới hạn của giữ bí mật là: sự trung thành, công bằng và thận trọng. Khi liên hệ nghiêm trọng đến quyền lợi kẻ thứ ba, thì mức độ giữ bí mật có thể giảm nhẹ. Ví dụ: một người bệnh AIDS cương quyết dấu người tình của mình về việc này vì sợ cô ta không chịu quan hệ tình dục với anh ta nữa, vị bác sĩ sau khi khuyên anh ta nên thông tin cho cô ấy mà vẫn không thành công, vị bác sĩ có thể cho cô ấy biết thông tin này. Nhưng nếu anh ta không muốn cho cơ quan làm việc của anh ta biết, vị bác sĩ không được tiết lộ dù cơ quan đó đến hỏi thăm.
Phản bội ranh giới, vài ví dụ cụ thể:
Trong giảng dạy, đôi khi người mục tử dùng các câu chuyện theo kinh nghiệm mục vụ của mình, điều này có thể chấp nhận khi người mục tử kể chuyện khéo léo không ai có thể định danh nhân vật trong câu chuyện là ai. Hoặc người mục tử phải xin phép người đó trước khi sử dụng câu chuyện của họ.
“Chuyện ngồi lê đôi mách”, những câu chuyện ngồi lê đôi mách được coi như xâm phạm riêng tư của người khác. Là người làm sứ vụ tông đồ, chúng ta tiếp cận quá nhiều thông tin về người khác khiến chúng ta bắt buộc phải hết sức cảnh giác trong việc bảo vệ các thông tin. Nhưng thật dễ dàng quên điều đó. Rất nhiều điều chúng ta biết về những con người có thể rất là thích thú, buồn cười, gây chấn động, hoặc gây xúc cảm buồn bả khiến chúng ta cảm thấy nhu cầu cần trút bớt gánh nặng nơi nào đó. Vì vậy, chúng ta nói với bạn bè, đồng nghiệp, hoặc gia đình về những người chúng ta đã gặp trong quá trình mục vụ.“ Chuyện ngồi lê đôi mách” không phải luôn luôn có hại, nhưng nó vẫn là một vấn đề luân lý khi nó bộc lộ những gì mà ta hứa giữ bí mật, hoặc khi nó trở thành xâm phạm, hạ thấp, hoặc có hại cho danh tiếng của một người. Bởi vì lời đồn có sức truyền lan mạnh mẽ, và các thông tin có thể bị dùng theo cách có hại cho người khác, chúng ta cần hết sức tránh đồn đãi.
Phòng ngừa: Vài gợi ý giúp giữ bí mật nghề nghiệp trong mục vụ
- Sự giả định đấu tiên luôn luôn là gìn giữ bí mật riêng tư trong tương quan mục vụ
- Bối cảnh càng chính thức trong đó sự trao đổi diễn ra, sức nặng của bổn phận giữ bí mật càng lớn.
- Các nhân viên đều được nhắc nhở giữ bí mật. Bảo đảm văn phòng tiếng động không vang ra ngoài, không có ghi âm.
- Chúng ta nên thông báo giới hạn của việc giữ bí mật sớm khi tương quan mục vụ bắt đầu, để người tìm đến có thể an tâm về chúng ta,
- Ngoài bí tích giải tội, chúng ta không nên hứa một bí mật tuyệt đối vì có những trường hợp đòi hỏi chúng ta phải bộc lộ thông tin như để bảo vệ công bằng cho người thứ ba.
Trước khi hứa giữ bí mật, hãy nghe những gì chúng ta được yêu cầu giữ bí mật. Nếu chúng ta bắt buộc phải bộc lộ bí mật, chúng ta nên trước hết gợi ý bằng lý lẽ  cho người đó tự bộc lộ. Nếu chúng ta bắt buộc phải bộc lộ, chúng ta chỉ bộc lộ cho những người cần biết để bảo vệ người khác khỏi bị hại.Chúng ta không nên tham gia đồn đãi hoặc giả định rằng sự thật thuộc về một người nào đó trước khi xây dựng nền tảng cho niềm tin đó.
4. Tôn trọng sự thật
Sự thật bao gồm sự chân thật và là chân thật (being true), là chìa khóa của sứ vụ và cả đạo đức của sứ vụ. Là thừa tác viên, chúng ta phải loan báo sự thật đã được nhận từ sứ vụ trong Giáo Hội, loan báo Đấng là Sự Thật. Chúng ta phải là chứng từ cho sự thật đó một cách trung thành và với sự toàn vẹn thống nhất (integrity).  Trong khi tội lỗi gây thù nghịch và xa lạ, sự thật mang lại hòa giải. Phần lớn các vấn đề các mục tử phải đối phó liên quan đến nói sự thật trong nghĩa rộng: sự bắt buộc phải lương thiện trong truyền thông giao tiếp, vấn đề sự thật nên được nói trong chừng mực nào theo các hoàn cảnh khác nhau, và cách thức chọn lọc chi tiết, sắp xếp sự kiện có thể bóp méo sự thật.
Các lý do ủng hộ cho việc nói sự thật: 1/ Tôn trọng con người, trách nhiệm của mỗi người trước mọi quyết định liên quan đến mình. 2/ Việc bắt buộc nói sự thật nối kết chặt chẽ với tính tin cậy.
        Một số vấn đề cụ thể:
- Đạo văn (Plagiarism): việc này cần chú ý đặc biệt ở Việt Nam. Người linh mục khi sử dụng bài giảng của ai, phải nói rõ nguồn gốc.
- Im lặng có thể là một vấn đề lương tâm của người mục tử. Ví dụ, ý riêng của vị mục tử có khác với giáo huấn Giáo Hội. Nên thận trọng và khôn ngoan chú ý vấn đề hiểu biết của giáo dân và lương tâm của họ, cần uyển chuyển.
- Im lặng như là nói dối có thể làm phức tạp tính giữ bí mật, đặc biệt là trong tương quan tư vấn, linh hướng. Ví dụ: cô gái vị thành niên có tương quan tình dục với một người có vợ và nói điều ấy cho vị mục tử biết trong niềm tin của giữ bí mật, nhưng cô ấy không muốn cho cha mẹ biết. Vị mục tử biết cha mẹ cô ấy sẽ phản ứng dữ dội nếu biết tương quan này, nhưng đồng thời cũng biết cha mẹ cô ấy là những người có trách nhiệm, yêu thương con cái trong ánh sáng của riêng họ, và cô gái có thể bị các hậu quả nghiêm trọng trong tương quan với người đàn ông có vợ này. Có phải là nhiệm vụ giữ bí mật chiếm ưu thế hơn quyền được biết của cha mẹ cô gái vị thành niên?
Trong kinh nghiệm mục vụ, chúng ta thường có xung đột lương tâm trước những vấn đề lưỡng nan. Nhiều người chấp nhận nói sự thật như một luật luân lý “prima facie”. Thánh Phaolô cho chúng ta vài lời khuyên. Một mặt, Ngài khuyên chúng ta nên “nói sự thật trong thương yêu” (Ep 4,15). Mặt khác, Ngài chỉ ra rằng chúng ta nên làm và nên nói những gì “soi sáng” hay “xây dựng” cộng đoàn và những con người trong đó (1Cr 14,4.26). Quan tâm những điều này dẫn đưa chúng ta đến lương thiện trong sáng trong tương quan. Một cộng đoàn của yêu thương và ân sủng có khả năng dung hòa sự lương thiện trong sáng hơn. Nhưng nói “sự thật, toàn bộ sự thật” có thể đôi khi thiếu yêu thương và phá hủy. Thật vậy, nó có thể ngay cả diễn tả một sự ích kỷ tội lỗi hơn là tình yêu thương của Chúa Kitô. Hầu hết các chuẩn mực luân lý có thể một cách chính đáng bị lấn át trong vài hoàn cảnh.

 
V. KẾT LUẬN
Trong một tác phẩm của mình, James Keenan SJ nói rằng “Thần học luân lý nên bắt rễ từ Kinh Thánh, và nuôi dưỡng bởi đức ái để cho sự thật của ơn gọi Kitô hữu được tỏa sáng”. Đời sống luân lý không phải là chỉ là tránh những điều sai, nhưng quan trọng hơn, cơ bản hơn, đó là cố gắng thực hành những điều tốt lành hết sức theo khả năng của mỗi người chúng ta. Chúng ta đặt câu hỏi cho chính chúng ta: Tôi đã làm gì cho Chúa Kitô? Tôi đang làm gì cho Chúa Kitô? Tôi sẽ làm gì cho Chúa Kitô? Vấn đề của sự tốt lành là câu hỏi rằng chúng ta có quan tâm đáp trả Chúa Kitô- Đấng gọi chúng ta theo Người.
 
Trích Bản tin Hiệp Thông / HĐGM VN, Số 78 (Tháng 9 & 10 năm 2013)
 

[1] BS Trần Như Ý-Lan biên soạn, chủ yếu trích và lược dịch từ Richard Gula, Ethics in Pastoral Ministry (New-York, Paulist Press), 1996.
 
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log