Hãy dành ra một khoảng thời gian đều đặn để cả gia đình cùng nhau cầu nguyện - hoặc, nếu lịch trình của bạn không cho phép cả gia đình cùng cầu nguyện với nhau, hãy cố gắng cùng nhau cầu nguyện từng hai người một hoặc theo nhóm nhỏ.
Những mẹo để bắt đầu:
► Tìm thời gian đều đặn để cầu nguyện và biến việc đó thành thói quen. Thời gian cầu nguyện chung của gia đình bạn có thể là hàng ngày hoặc mỗi tuần một lần, chẳng hạn như chiều Chủ Nhật hoặc tối Thứ Tư. Các nhà tâm lý học nói rằng có thể phải mất nhiều tháng để hình thành một thói quen. Muốn vậy thì cần phải kiên trì. Bạn có thể tạo thuận lợi cho quá trình này bằng cách gắn kết việc cầu nguyện chung với một thói quen khác của gia đình. Những đứa con nhỏ của bạn đã tập được thói quen đi ngủ chưa? Hãy bắt đầu giờ đi ngủ đó bằng cách ngồi lại với nhau để cầu nguyện. Gia đình bạn có ăn cơm cùng nhau không? Hãy cầu nguyện trong chốc lát vào lúc khởi đầu và cuối bữa ăn. Khoảng thời gian trước Thánh Lễ Chúa Nhật, trước khi lái xe đến trường, trước khi xem TV, trước khi đánh răng — trước bất cứ việc nào trong những việc này đều có thể là dịp để “kích hoạt” việc cầu nguyện chung.
► Hãy bắt đầu cầu nguyện ngắn thôi. Khi nào việc cầu nguyện chung của gia đình bạn vẫn chưa trở thành một thói quen, có lẽ bạn nên bắt đầu cầu nguyện trong những khoảng thời gian ngắn. Nếu bạn không thể thực hiện một buổi cầu nguyện mười phút, hãy bắt đầu với năm phút; nếu bạn không thể làm như thế trong năm phút, hãy bắt đầu với sáu mươi giây, hoặc thậm chí là một lời chúc lành mười giây mỗi khi bước ra khỏi cửa vào buổi sáng.
► Tìm một cách cầu nguyện phù hợp với gia đình bạn bây giờ. Hãy thử các cách cầu nguyện khác nhau cho đến khi bạn tìm thấy một cách phù hợp với gia đình mình vào lúc này trong quá trình phát triển đức tin của con bạn. Rồi ra bạn sẽ dần dần tìm thấy nhiều ý tưởng hơn ở những nơi khác, ví dụ trên các trang web, hoặc các sách kinh hướng dẫn cầu nguyện…
► Hãy để con bạn dẫn dắt buổi cầu nguyện. Cho trẻ em các cơ hội lựa chọn, đóng góp ý kiến và khả năng hướng dẫn giờ kinh là một cách tuyệt vời để thu hút chúng tham gia, đồng thời cũng chuẩn bị cho chúng biết cách cầu nguyện theo sáng kiến của riêng mình.
Đối phó với những chuyện “khùng khùng” khi cầu nguyện
Việc cầu nguyện với trẻ em có thể đem lại lộn xộn hơn là sự sốt sắng thánh thiện, đặc biệt là khi gia đình bạn mới bắt đầu cầu nguyện cùng nhau, và đặc biệt là khi có trẻ nhỏ tham gia. Hãy biết rằng bạn không đơn độc: hàng trăm thế hệ cha mẹ Kitô hữu đã có kinh nghiệm giống như vậy. Mấy đứa con nhóc tì của bạn có dùng tràng hạt làm “chằng ná” cao su không? Bạn cũng đã từng làm chuyện quậy phá đó mà. Con bạn có vừa cầu nguyện vừa nghiến răng không? Hãy kiểm tra coi. Có phải đứa con học lớp hai của bạn đang đá đứa con mười tuổi của bạn khi bạn đọc Kinh Lạy Cha không? Ít ra thì chúng cũng không giết nhau thực sự, còn hơn so với Cain và Abel trong giờ cầu nguyện gia đình của họ: “Cain lấy hoa màu của đất đai làm lễ vật dâng lên Thiên Chúa. Abel cũng dâng những con đầu lòng của bầy chiên cùng với mỡ của chúng. Thiên Chúa đoái nhìn đến Abel và lễ vật của ông, nhưng Cain và lễ vật của ông thì Ngài không đoái nhìn. Cain giận lắm, sa sầm nét mặt. Thiên Chúa phán với Cain: "Tại sao ngươi giận dữ ? Tại sao ngươi sa sầm nét mặt ? Nếu ngươi hành động tốt, có phải là ngươi sẽ ngẩng mặt lên không ? Nếu ngươi hành động không tốt, thì tội lỗi đang nằm phục ở cửa, nó thèm muốn ngươi; nhưng ngươi phải chế ngự nó." Cain nói với em là Abel: "Chúng mình ra ngoài đồng đi!" Và khi hai người đang ở ngoài đồng thì Cain xông đến giết Abel, em mình” (Sáng thế ký 4:1-9).
Dưới đây là một số lời khuyên để đối phó với những chuyện “điên điên khùng khùng” trong khi cầu nguyện:
► Cầu nguyện trước, kỷ luật sau. Nếu những đứa trẻ không có nguy cơ bị thương tích hoặc làm hư hỏng tài sản, hãy phớt lờ hành vi của chúng và tập trung vào lời cầu nguyện của chính bạn – vì dù sao thì bạn cũng phải cần thêm ơn Chúa. Nếu bạn liên tục ngưng cầu nguyện để đối phó với hành vi của chúng, thì hóa ra chúng đang làm chủ buổi diễn trò — và bạn không còn cầu nguyện được nữa. Bạn có thể bàn luận với chúng về những mong muốn của bạn và đề ra những hậu quả sau khi cầu nguyện xong.
► Hãy bắt đầu cầu nguyện ngắn thôi. Bắt đầu bằng cách điều chỉnh thời gian cầu nguyện chung của gia đình bạn lâu hay mau tùy ý miễn là bạn có thể chịu đựng được hành vi của con cái mình. Thậm chí có thể bạn cần phải bắt đầu bằng cách đọc một vài lời cầu nguyện chỉ dài 5 giây và đọc suốt cả ngày của mình.
► Hãy gắn bó với việc cầu nguyện đó nhằm đạt tới những kỳ vọng mới. Trẻ em thường chống lại những thói quen mới hoặc chống lại ai bắt chúng thay đổi mong muốn. Hãy gắn bó với việc cầu nguyện dù có chống đối ban đầu. Khi cầu nguyện đã trở thành một thói quen và mong muốn thường xuyên, và khi bạn tìm thấy những cách thực hành cầu nguyện phù hợp nhất với gia đình mình, bạn sẽ bắt đầu nhìn thấy những thành quả do những nỗ lực của mình.
► Hãy giải thích tại sao bạn cầu nguyện. Nếu con bạn đặt câu hỏi về lý do tại sao phải cầu nguyện hoặc tại sao lại cầu nguyện theo một cung cách mới, hãy giải thích ngắn gọn cho chúng.
► Hãy kiên nhẫn. Đôi khi bạn nghĩ: “Chúng tôi không thực sự cầu nguyện; chúng tôi chỉ làm cho xong các nghi thức”. Mặc dù bạn có thể không cảm thấy điều đó bổ ích, nhưng đôi khi thực hiện các nghi thức vẫn là cầu nguyện, bởi vì điều đó tự nó đã là cố gắng hướng về Thiên Chúa rồi. Và một ngày nào đó, bạn và con cái của bạn sẽ “chỉ làm theo những nghi thức” và khám phá ra chính mình đang được sự hiện diện của Thiên Chúa bao bọc lấy.