Thứ hai, 31/03/2025

Các Kỹ Thuật Hỗ Trợ Sinh Sản là Chống Lại Phụ Nữ

Cập nhật lúc 09:09 28/03/2025

 
Tác Giả: Marie Anderson, M.D., FACOG and John Bruchalski, M.D.[1]
Bản dịch: Sr. Ngô Luyến 

Nhìn một cách tổng quát, “Các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản” (Assisted Reproductive Technologies - ART) bao gồm tất cả các liệu pháp trực tiếp nhắm đến việc cải thiện cơ hội thụ thai cho một cặp vợ chồng hiếm muộn. Năm 1978, lần đầu tiên một hình thức của công nghệ này xuất hiện khi Louis Brown được sinh ra sau khi mẹ cô thử nghiệm phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Vào thời điểm đó, thế giới khoa học đã phải ngỡ ngàng trước thành tựu mà con người đạt được đó là tạo ra một “trẻ sơ sinh trong ống nghiệm” đầu tiên. Nhưng giờ đây, có vẻ như chúng ta đã mở được chiếc hộp Pandora.[2]
Ban đầu, việc cho tinh trùng thụ tinh với trứng trong đĩa cấy (đĩa Petri) để tạo phôi tưởng chừng như đơn giản, nhưng giờ đây chúng ta biết điều đó không hề đơn giản. Có rất nhiều nghi vấn trong việc áp dụng các thủ thuật hay các loại thuốc được sử dụng trong các thủ thuật này gây nguy hại đến sức khoẻ và tính mạng của phụ nữ. Rất nhiều mối đe doạ tiềm ẩn đến phụ nữ và những đứa trẻ được sinh ra theo những phương pháp này chưa được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.
Cứ 6 phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thì có 1 người sẽ tìm cách điều trị vô sinh vào một thời điểm nào đó trong đời.[3] Tỷ lệ này đang gia tăng khi ngày càng có nhiều phụ nữ trì hoãn việc sinh con. Khả năng sinh sản tự nhiên bắt đầu giảm sau tuổi 30 và sụt giảm nghiêm trọng sau 40. Ở độ tuổi 40, các bệnh mãn tính như lạc nội mạc tử cung có nhiều thời gian hơn để tiến triển đến giai đoạn gây vô sinh. Các nguyên nhân khác gây vô sinh, chẳng hạn như u nang buồng trứng và tổn thương ống dẫn trứng do các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD), cũng đang gia tăng với tốc độ đáng báo động.
Kết quả là số phụ nữ tìm đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản để mang thai ngày càng tăng lên.[4] Thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilization, IVF)  là một hình thức kinh doanh trị giá 2 tỉ đô la Mỹ mỗi năm. Từ khi các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản ra đời, tại Mỹ, đã có hơn 150.000 trẻ đã được sinh ra bằng những phương pháp này.[5] Nhưng liệu đây có phải là một sự lựa chọn khôn ngoan? IVF chủ yếu được tài trợ tư nhân và hầu như không bị kiểm soát. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thường phê duyệt các loại thuốc mà không có dữ liệu dài hạn và để bác sĩ tự quyết định việc sử dụng thuốc ngoài chỉ định (“off-label”) để điều trị những tình trạng chưa được phê duyệt. Chính vì không có cơ quan quản lý nào giám sát kỹ thuật liên quan đến hỗ trợ sinh sản này nên phụ nữ được coi là đối tượng nghiên cứu, được cung cấp các loại thuốc mà nguy cơ rủi ro vẫn chưa được xác định. Chỉ sau này, nhiều người mới phát hiện ra rằng nguyên nhân gây vô sinh của họ không thể được khắc phục bằng thuốc kích thích rụng trứng, chẳng hạn như chất lượng tinh trùng kém hoặc tử cung có cấu trúc không thể mang thai.  Có thể nói rằng phụ nữ khi xăm hình còn được theo dõi tốt hơn so với khi họ thực hiện IVF.
Những rủi ro đối với phụ nữ trải qua các thủ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) có thể được chia thành nhiều nhóm: các tác dụng nghiêm trọng và tác dụng phụ của thuốc hỗ trợ sinh sản; thai ngoài tử cung; tỷ lệ biến chứng thai kỳ cao hơn do mang đa thai, chẳng hạn như xuất huyết, tăng huyết áp, sinh mổ; và các vấn đề tâm lý, cảm xúc do tỷ lệ thất bại cao trong mỗi lần thử, tỷ lệ sẩy thai cao và việc “giảm chọn lọc” những thai nhi “dư thừa.” Ngoài ra, nguy cơ trẻ bị dị tật bẩm sinh cao hơn khi được thụ thai bằng công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART). Việc mang thai đôi hoặc đa thai cũng làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra có cân nặng thấp, sinh non, tử vong sơ sinh và các khuyết tật lâu dài. Riêng trong năm 2002, ít nhất 12 nghiên cứu và bài báo trên các tạp chí khoa học đã được bình duyệt cho thấy mối liên hệ tiềm ẩn giữa ART và dị tật bẩm sinh, bao gồm dị tật tim, bệnh di truyền, ung thư ở trẻ em, suy giảm nhận thức và nhiều vấn đề khác. Rõ ràng, cần có thêm các nghiên cứu dài hạn để làm sáng tỏ những rủi ro này.[6]

Những Rủi Ro Của Thuốc Điều Trị Vô Sinh
Các loại thuốc điều trị vô sinh, làm thay đổi hóa học trong cơ thể phụ nữ, là ví dụ điển hình cho sự nhầm lẫn giữa thí nghiệm và điều trị. Thuốc “chủ lực” Clomid thường được sử dụng để hỗ trợ rụng trứng. Clomid là một dẫn xuất của DES (diethylstilbestrol). Estrogen này đã được cho phụ nữ sử dụng trong hơn 20 năm để giúp ngăn ngừa sẩy thai, cho đến khi phát hiện vào những năm 1970 rằng nó gây ra vô sinh ở nam giới, cũng như các bất thường trong tử cung của phụ nữ, có thể khiến việc mang thai thành công không thể thực hiện được. Thêm vào đó, các con gái của những phụ nữ đã dùng DES có nguy cơ cao mắc một loại ung thư âm đạo chết người. Các tác dụng phụ của Clomid bao gồm thay đổi tâm trạng, đau ngực, đầy bụng, đau dạ dày, chóng mặt nghiêm trọng và mờ mắt.[7] 1% bệnh nhân gặp phải hội chứng kích thích buồng trứng quá mức như: buồng trứng phình to nhanh chóng và dịch thừa trong bụng, phổi và màng ngoài tim. Rách buồng trứng là điều cũng có thể xảy ra, và điều này có thể gây ra cục máu đông hoặc xuất huyết đe dọa tính mạng. Bệnh nhân thường phải nhập viện, và tình trạng này có thể gây tử vong.
Perganol là một loại thuốc kích thích rụng trứng cho người ở độ tuổi mãn kinh, có chứa Hormon kích thích nang trứng và Hormon sinh dục có trong nước tiểu của phụ nữ mãn kinh. Nó phải được tiêm bằng cách tiêm bắp, đồng thời cần phải siêu âm và xét nghiệm máu hàng ngày để theo dõi sự phát triển của nang trứng. Các tác dụng phụ tương tự như của Clomid, nhưng nghiêm trọng hơn.[8] Chu kỳ kinh nguyệt có thể bị vô hiệu hóa và có thể mất vài tháng để cơ thể phụ nữ đào thải thuốc. Ngoài ra, Perganol dẫn đến nguy cơ cao (5%) mắc phải hội chứng quá kích buồng trứng.[9]
Vào đầu những năm 1990, hai nghiên cứu lớn đã cho thấy các loại thuốc này có liên quan tới việc tăng nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng.[10] Một nghiên cứu năm 2000 của Cochrane Collaboration đã kết luận rằng Clomid có thể làm tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Tạp chí Y học New England (tháng 8 năm 2003) đã công bố hai báo cáo kết luận rằng nhóm bệnh nhân áp dụng các liệu pháp kích thích rụng trứng có thể tăng nguy cơ mắc ung thư tử cung ở mức cao hơn. Tạp chí Sinh Sản và Hiếm Muộn đã công bố một nghiên cứu của NIH (National Institute of Health - Viện Y Tế Quốc Gia) cho thấy nguy cơ ung thư vú ở những phụ nữ dùng thuốc kích thích tố sinh dục ở người trong ít nhất 6 chu kỳ, chẳng hạn như thuốc Pergonal, cao gấp hai đến ba lần so với những phụ nữ chưa bao giờ sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản. [11]
Lupron là một loại thuốc tổng hợp có tác dụng ức chế tuyến yên. Về cơ bản, thuốc này tạo ra trạng thái mãn kinh. Nó làm giảm một cách đột ngột và tàn khốc đến mức tột cùng môi trường nội tiết tố của người phụ nữ, khiến họ không có thời gian để điều chỉnh về mặt sinh lý hoặc tâm lý. Phụ nữ rất khổ sở khi dùng thuốc này, bị bốc hỏa, trầm cảm và thay đổi tâm trạng. Lupron chỉ được FDA chấp thuận để quản lý trước phẫu thuật cho bệnh nhân bị u xơ và thiếu máu cũng như điều trị lạc nội mạc tử cung. Cả hai lý do điều trị trên đều được giới hạn trong thời gian 6 tháng vì lo ngại về việc gây ra chứng loãng xương.[12] Bất chấp những chỉ định được xác định rõ ràng này, các bác sĩ vẫn thường xuyên sử dụng Lupron “không theo hướng dẫn trên nhãn” để giúp tính thời gian giải phóng trứng trong IVF vì nó làm giảm số lượng chu kỳ bị hủy bỏ (do số lượng nang trứng trong chu kỳ đó không đủ hoặc quá dư thừa), do đó tiết kiệm cả tiền bạc và thời gian. Nhiều phụ nữ nhận được nhiều số lượng Lupron hơn so với số lượng được kiến nghị trong nỗ lực sinh con và kết quả là nhiều người mắc bệnh loãng xương.
Trong lời khai trước quốc hội vào tháng 3 năm 2003, y tá Lynne Millican đã kể lại nhiều ví dụ về việc cô và những phụ nữ khác, đã bị Lupron làm tổn hại nghiêm trọng mà không có lời cảnh báo nào từ các bác sĩ hỗ trợ trước khi làm IVF. Theo kinh nghiệm của bản thân, cô viết:
“Tôi bắt đầu trải qua nhiều loại bệnh tật, không thể làm việc trong 3 năm,... mất việc làm và nhà cửa, và dần dần nhận ra một điều kinh hoàng rằng tôi đang phải chiến đấu cho sự sống của mình trong khi tôi chưa bao giờ cảm thấy ốm yếu hay đau đớn như vậy hoặc gặp rất nhiều vấn đề về sức khỏe.... Tôi đã kiểm tra hồ sơ sức khỏe của mình và lập danh sách theo trình tự thời gian.... Danh sách này cho thấy: u tuyến (khối u), u nang vú, rối loạn nhịp tim, chóng mặt, phù (sưng), mệt mỏi, viêm dạ dày, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), tăng lipid máu, bất thường về hệ thống miễn dịch, đau khớp, đau đầu gối ( trầm trọng hơn), bệnh hạch bạch huyết (các tuyến sưng), đau cơ, đau khớp, đau dây thần kinh, loãng xương, co thắt.”[13]
Hàng nghìn phụ nữ sử dụng các loại thuốc này mỗi năm, và nhiều người không ý thức được những nguy hiểm mà họ đang đối mặt. Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ khuyến nghị rằng những phụ nữ đang cân nhắc sử dụng thuốc hỗ trợ sinh sản cần được thông báo về khả năng gia tăng nguy cơ ung thư cũng như các lựa chọn thay thế khác.
Ngoài những rủi ro từ các loại thuốc này, bệnh nhân vô sinh còn có nguy cơ cao bị mang thai ngoài tử cung - một tình trạng dẫn đến cấp cứu phẫu thuật có thể đe dọa đến tính mạng. Thuốc hỗ trợ sinh sản cũng làm gia tăng đáng kể số ca sinh đa thai, bao gồm sinh đôi, sinh ba và nhiều hơn thế. Năm 2000, 53% số trẻ sơ sinh chào đời nhờ công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART) là sinh đa thai, trong khi tỉ lệ sinh đa thai trong dân số nói chung chỉ là 3%. Tỷ lệ sinh đôi cao gấp 22 lần; tỷ lệ sinh ba và đa thai cao hơn gấp 50 lần so với dân số chung.[14] Nguy cơ dị tật bẩm sinh và cân nặng sơ sinh thấp của các trẻ này càng làm tăng thêm gánh nặng cho hệ thống y tế vốn đã quá tải.
ICSI (phương pháp tiêm tinh trùng vào bào tương noãn), một kỹ thuật được áp dụng thành công trên con người trước khi thử nghiệm trên động vật, là quá trình tiêm vi phẫu (dùng những kim tiêm rất nhỏ và kính hiển vi) một tinh trùng vào một trứng. Hiện nay, phương pháp này được sử dụng trong khoảng 40% các ca thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).[15] Nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng trẻ em được thụ thai theo cách này có nguy cơ cao mắc dị tật bẩm sinh. Người mẹ phải mang gánh nặng tâm lý khi biết rằng con mình có thể bị ảnh hưởng suốt đời bởi sự lựa chọn của họ gây ra.
Tất cả những yếu tố trên đều gây ra áp lực tâm lý nặng nề cho phụ nữ, nhưng đáng sợ hơn cả là viễn cảnh khủng khiếp của việc giảm thai có chọn lọc, trong đó người mẹ phải quyết định có chấm dứt sự sống của một hoặc nhiều thai nhi trong bụng để tăng hiệu quả sống sót cho các thai nhi còn lại.[16] Việc giảm thai có chọn lọc thực chất là một hình thức phá thai. Những người mẹ trải qua quá trình này có nguy cơ cao mắc Hội chứng Căng thẳng Hậu Phá thai (Post Abortion Stress Disorder), một dạng của Hội chứng Căng thẳng Hậu Chấn thương (Post Traumatic Stress Syndrome), xuất phát từ nỗi đau tâm lý khi phá thai. Những hậu quả thường gặp bao gồm đau buồn, trầm cảm, rối loạn ăn uống, hoảng loạn, nghiện rượu và ma túy, ác mộng, hồi tưởng đau thương và mất khả năng tận hưởng cuộc sống. Đây là một dạng rối loạn đau buồn có thể kéo dài suốt đời. Một ca phá thai có thể thay đổi người phụ nữ mãi mãi về thể chất, cảm xúc và tinh thần.[17]
Về mặt y tế, một trong những vấn đề lớn nhất của thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là 75% phụ nữ không thể mang thai trong mỗi chu kỳ điều trị. Đây là một sự thật tàn nhẫn đối với họ khi phải chịu đựng những phương pháp điều trị và thuốc có tính nguy hiểm cao, chỉ để phát hiện mỗi tháng rằng họ không mang thai hoặc thai nhi đang phát triển đã bị sảy. Khi thời gian trôi qua, nỗi buồn ngày càng tích tụ. Nhiều cặp vợ chồng ly dị khi gặp phải sức ép này.

Các Sự Lạm Dụng Khác
Giống như trong bất kỳ hệ thống nào khi mà quy định lỏng lẻo thì sự không trung thực sẽ ra. Một số bác sĩ đã phản bội niềm tin của bệnh nhân. Vào năm 1995, bác sĩ Ricardo Asch bị cáo buộc lấy cắp phôi từ bệnh nhân của mình và cấy vào tử cung của những người phụ nữ khác. Ông bị truy tố nhưng đã trốn sang Mexico. Vào năm 1992, bác sĩ Cecil Jacobson đã sử dụng tinh trùng của mình để thụ tinh cho đến 75 trứng mà đáng lẽ ra chúng phải được thụ tinh bằng tinh trùng của những người hiến tặng giấu tên. Các sai sót trong việc dán nhãn đã dẫn đến việc phôi bị cấy nhầm vào tử cung của những phụ nữ không liên quan và không hề hay biết. Rõ ràng trong ngành công nghiệp này, không có sự đảm bảo rằng “cái bạn nhận được đáng với gì bạn đã thanh toán.”

Hiến Tặng Trứng
George J. Annas, một nhà đạo đức học y tế, dù mạnh mẽ ủng hộ các công nghệ sinh sản nhưng đã bày tỏ lo ngại về các rủi ro y tế đối với những phụ nữ hiến tặng trứng để sử dụng trong IVF. Ông cho rằng việc hiến trứng là “một thủ thuật y tế có những rủi ro lớn. Số lượng trứng mà phụ nữ có thể hiến tặng là có giới hạn chặt chẽ, và điều đó có thể bao hàm... những hệ luỵ nghiêm trọng liên quan đến việc này.”[18] Annas cho rằng điều quan trọng là mỗi người hiến trứng nên có bác sĩ riêng của mình,... không phải là bác sĩ tham gia vào quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), người đã cam kết với cặp vợ chồng hoặc để đảm bảo rằng trứng được lấy cho các bệnh nhân này; mà là cam kết với người hiến trứng như một bệnh nhân - một người phụ nữ - khi phải trải qua một thủ thuật quan trọng kèm theo những rủi ro đáng kể như việc hiến trứng.[19]
Việc hiến trứng rõ ràng là một mối nguy hiểm đối với sức khỏe của phụ nữ. Thú vị thay, việc bán bất kỳ bộ phận nào cơ thể người đều là trái pháp luật... ngoại trừ trứng. Những quả trứng này được bán cho người trả giá cao nhất, thường là qua Internet. Một số báo cáo cho biết mức giá có thể lên tới $50,000 đối với những người có vẻ ngoài, phẩm chất cá nhân và điểm SAT đạt yêu cầu.[20] Vào năm 1999, theo Hội Y học Sinh sản Mỹ, khoảng 8.000 trứng hiến tặng đã được thụ tinh. Mặc dù tiền có thể hấp dẫn đối với một cô gái trẻ đang học đại học, nhưng sau khi trải qua những chu kỳ thuốc có thể gây hại cho sức khỏe trong một ngành công nghiệp được quản lý một cách lỏng lẻo, để rồi từ bỏ mọi quyền lợi đối với đứa trẻ mang gen của mình, cô ấy có thể đang mắc phải sai lầm lớn nhất trong đời. Hội Y học Sinh sản Mỹ đã phát triển các hướng dẫn đặt mức giới hạn 5.000 USD cho tiền công của người hiến tặng, và yêu cầu đánh giá y tế và tâm lý độc lập đối với những người hiến tặng.[21] Tuy nhiên, không phải tất cả các trung tâm đều tuân theo các hướng dẫn này.
Hiện nay, luật pháp cấm sử dụng quỹ liên bang cho các thí nghiệm trên tế bào gốc từ phôi thai, ngoại trừ những tế bào gốc từ các dòng tế bào được tạo ra và thiết lập từ các phôi bị tiêu hủy trước ngày 9 tháng 8 năm 2001. Đối mặt với sự hạn chế này, các cơ sở tư nhân phải tự mình tài trợ cho nghiên cứu. Gần đây, một bài xã luận của New York Times đã ca ngợi nghiên cứu do Harvard tài trợ, nghiên cứu này đã tạo ra 17 dòng tế bào gốc mới, gấp đôi số dòng tế bào hiện có.[22] Nếu nghiên cứu này tiếp tục bất chấp luật liên bang, không khó để tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu và khi tình hình chính trị thay đổi. Càng dễ dàng hơn để dự đoán tác động tàn phá mà nó sẽ có đối với phụ nữ, khi nhu cầu về trứng và phôi của họ ngày càng tăng.

Nhân Bản Vô Tính
Nhân bản vô tính không chỉ nguy hiểm đối với những phụ nữ bị khai thác vì trứng của họ, mà còn hoàn toàn phi nhân tính đối với người bị nhân bản, dù là vì mục đích sinh sản hay nghiên cứu. Trong quá trình này, tử cung của người phụ nữ bị thay đổi hóc-môn để phẫu thuật lấy trứng. Nhân tế bào được loại bỏ khỏi trứng, và nhân tế bào từ một tế bào cơ thể của một cá thể sẽ được nhân bản vô tính rồi chuyển vào trứng rỗng ban đầu (vì không còn nhân tế bào) và hợp nhất với dòng điện. Người hiến tặng tế bào soma sẽ trở thành cha mẹ di truyền của chính cặp song sinh của mình.
Hãy xem xét mức độ cần thiết và số lượng phụ nữ sẽ phải hiến tặng trứng nếu nhân bản có thể hữu ích trong việc điều trị bệnh. Quá trình này quá mong manh và kém hiệu quả đến nỗi, mặc dù đã nhân bản thành công trên năm loài động vật. Chúng ta giả định rằng cần hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm trứng cho mỗi lần nhân bản, và chúng sẽ bị tiêu hủy để thu thập tế bào gốc nhằm tìm kiếm các phương pháp điều trị cho những bệnh như Parkinson, bệnh mất trí (Alzheimer) và tiểu đường. Chúng ta sẽ lấy những trứng này từ đâu? Chúng ta không cần tìm đâu xa ngoài dữ liệu IVF hiện tại. Nếu người hiến trứng IVF trung bình lấy được từ 10 đến 15 trứng cho mỗi chu kỳ sau khi kích trứng quá mức, và mỗi bệnh nhân mắc bệnh Parkinson cần từ 50 đến 100 quả trứng để sản xuất một bản sao trong nỗ lực thu thập tế bào gốc, thì riêng một triệu bệnh nhân Parkinson đã cần tới 50 triệu quả trứng từ khoảng 5 triệu người hiến tặng. Đối với 17 triệu người mắc tiểu đường, sẽ cần tới 850 triệu trứng từ 85 triệu người hiến trứng.[23] Việc thiết lập một “dây chuyền sản xuất” nhân bản người tương đương để tạo ra đủ số bản sao nhằm đáp ứng nhu cầu sẽ trở thành một thảm họa, khi hàng triệu phụ nữ bị coi là nhà máy sản xuất trứng người. Đặt tính mạng của quá nhiều phụ nữ vào nguy hiểm sẽ là một hành động tàn nhẫn.
Tóm lại, những tiến bộ khoa học trong thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) và các lĩnh vực liên quan đã cho chúng ta phương tiện để can thiệp vào kế hoạch của Chúa đối với việc tạo dựng. Điều này trái ngược với những gì đã được khắc sâu vào trái tim con người. Các công nghệ sinh học, như thụ tinh nhân tạo, nghiên cứu phôi và nhân bản, đều đặc biệt bất lợi cho phụ nữ. Các loại thuốc sử dụng vẫn còn nhiều điều đáng nghi ngờ về độ an toàn trong một ngành công nghiệp được quản lý kém và thiếu nghiên cứu lâu dài đều đặt tính mạng của phụ nữ và trẻ em vào những mối nguy hiểm. Nguy cơ gia tăng mắc phải ung thư buồng trứng và vú ngày càng củng cố thêm những cáo buộc này. Thật vô lương tâm khi để những người phụ nữ này phải tiếp tục chịu đựng và thậm chí là gia tăng những tổn thương về thể chất, tâm lý và tinh thần. Làm sao chúng ta có thể, dưới danh nghĩa điều trị vô sinh, xây dựng một con người tốt hơn, hoặc tìm kiếm phương pháp chữa trị cho những bệnh khó chữa, tiếp tục thử nghiệm trên phụ nữ, bơm hormone để kích thích sự rụng trứng, và sử dụng họ làm người hiến trứng và mang thai hộ? Chắc chắn chúng ta phải tìm ra những giải pháp tốt hơn. Mục tiêu của chúng ta, như những người quản lý có trách nhiệm đối với sự sống, là tìm ra những giải pháp đó.
 
Nguồn: https://www.usccb.org/issues-and-action/human-life-and-dignity/abortion/assisted-reproductive-technologies-are-antiwoman
 

[1] M.D. (Doctor of Medicine), viết tắt của Bác sĩ Y khoa
[2] Trong thần thoại Hy Lạp, chiếc hộp Pandora là một chiếc hộp mà nàng Pandora – người phụ nữ đầu tiên đến thế giới loài người sở hữu. Nàng Pandora đã được thần Zeus dặn kĩ rằng không được mở chiếc hộp đó ra. Nhưng với sự tò mò của mình, Pandora đã mở chiếc hộp ra và tất cả những gì trong chiếc hộp kì bí đó đã khiến cho tất cả những điều bất hạnh tràn ngập khắp thế gian: thiên tai, bệnh tật, chiến tranh… Theo như nhiều phiên bản của truyền thuyết, chiếc hộp chỉ còn sót lại một điều là "hy vọng" để cho loài người để có thể tiếp tục sống. (Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/Chi%E1%BA%BFc_h%E1%BB%99p_Pandora).
[3] Abma, J. C. et al. Centers for Disease Control and Prevention, National Center for Health Statistics. Fertility, Family Planning and Women's Health: New Data from the 1995 National Survey of Family Growth, Report No. 19; Series 23, 1997.
[4] The Centers for Disease Control and Prevention began collecting data on IVF only in 1996. Between then and 2000, the number of IVF procedures increased 54% to almost 100,000 a year from about 65,000 a year. In the same period, live births of children conceived through ART increased 67%, to 35,025 from 20,921. Wright, V.C. et al., Assisted Reproductive Technology Surveillance - United States, 2000, Morbidity and Mortality Weekly Report, Aug. 29, 2003; vol. 52, no. SS-9.
[5] Maria Bustillo, M.D., Testimony before Science, Technology, and Space Subcommittee of the Senate Commerce, Science and Transportation Committee, March 27, 2003.
[6] www.popsci.com/popsci/medicine/article/0,12543,411770-2,00.html and www.popsci.com/popsci/medicine/article/0,12543,411770-3,00.html. Physician's Desk Reference (PDR) 2002, Thompson, pp. 735-737.
[7] PDR, at 735-737.
[8] Ibid., at 3223-3225.
[9] Perlman, supra, note 3.
[10] American Journal of Epidemiology, 136: 1175-1220, 1992.
[11] Burkman, Ronald, et al. Fertility and Sterility. Infertility drugs and the risk of breast cancer: findings from the National Institutes of Child Heath and Human Development Women's Contraceptive and Reproductive Experiences Study, Vol. 79, No. 4, 844-851.
[12] April 2003.
[13] PDR, at 3280-3284.
[14] Lynne Millican, testimony before Senate Committee on Commerce, Science & Transportation, “Cloning: A Risk to Women?” March 27, 2003.
[15] Wright, et al., supra, note 2.
[16] www.popsci.com/medicine/article/0,12543,419326-2,00.html.
[17] Blickenstein I., Keith L.G., (eds.) Iatrogenic Multiple Pregnancy: Clinical Implications. London: Parthenon Publishing, 2000.
[18] See www.afterabortion.org and www.hopeafterabortion.org for numerous articles on this topic.
[19] Transcript, President's Council on Bioethics, March 7, 2003. 
[20] “...Và đó là vì tôi tin vào hai điều... Điều đầu tiên, là không nên có việc mua bán trứng;... việc thương mại hóa trứng là một vấn đề, và đây là một chiêu trò khi cho rằng đây chỉ là trả tiền vì sự bất tiện. Và điều thứ hai, là bất kỳ bác sĩ nào xứng đáng với danh hiệu của mình cũng không nên khiến bệnh nhân của mình phải chịu một thủ thuật nguy hiểm chỉ vì mục đích được trả tiền cho sự bất tiện của họ. Không thể làm điều này được. Nó cũng không thể biện minh được.... Vai trò của bác sĩ là vấn đề tranh cãi, và nếu bạn sẽ trở thành một bác sĩ và xử lý những vấn đề như lựa chọn thay thế trứng mà không đặt phụ nữ khỏe mạnh vào nguy cơ chỉ vì “tiền” hiến tặng, bạn phải, theo tôi, đặt lợi ích tốt nhất của bệnh nhân lên hàng đầu, không gây hại trước tiên, và có một số điều mà bạn chỉ cần nói rằng chúng ta không thể làm được (Ibid.).”
[21] Perelman, supra, note 3.
[22] www.usnews.com/usnews/issue.030113/health/13donor.b.htm
[23] "The Privatization of Stem Cells", New York Times, March 9, 2004.
 
Thông tin khác:
Thập Giá - Niềm Vinh Dự Đời Con
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log