1. Nguồn gốc Thánh Kinh
Tin Mừng Mattheu và Gioan không nói gì về việc Chúa lên trời.
Tin Mừng Marco tường thuật việc Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần trong ngày phục sinh. Khi kết thúc tường thuật này, Marco ghi nhận: “Nói xong, Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa” (16, 19). Như vậy, với Marco, Thăng Thiên đã xảy ra vào chính ngày Chúa Phục Sinh.
Tin Mừng Luca cũng tường thuật việc Chúa hiện ra nhiều lần và dạy bảo các môn đệ vào chính ngày Phục Sinh. “Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời” (24, 50-51). Như vậy, cũng như Marco, Luca cũng không xác định rõ thời điểm chính xác. Do đó, cũng có thể ghi nhận là theo Tin Mừng Luca, biến cố Thăng Thiên xảy ra vào ngày Phục Sinh.
Nhưng, Sách Tông Đồ Công Vụ (1, 1-11) tường thuật chi tiết biến cố Thăng Thiên: “Nói xong, Người lên trời ngay trước mắt các ông, và có đám mây rước Người lên, khuất mắt các ông”. Theo bài tường thật này thì biến cố Chúa lên trời không xảy ra vào chính ngày Phục Sinh, mà là 40 ngày sau Phục Sinh (1,3). Câu chuyện kể sau khi Chúa lên trời thì có hai người đàn ông mặc áo trắng (thiên thần) đứng bên cạnh các môn đệ còn đang ngóng nhìn trời. Hai vị này nói với các môn đệ “Hỡi những người Galilê sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (1,11).
Như vậy, phụng vụ đã dựa theo bản văn của Sách Tông Đồ Công Vụ để mừng lễ Chúa Thăng Thiên vào 40 ngày sau lễ Phục Sinh.
2. Lịch sử phụng vụ
Thánh Augustino (+430) tưởng tượng rằng lễ Thăng Thiên được thiết lập bởi chính các Tông Đồ, và được cử hành khắp nơi, cũng như lễ Phục Sinh và lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Thực tế, vào những năm 375 – 400, lễ này mới được mừng ở Tây phương cũng như Đông phương.
Thánh giáo hoàng Léon le Grand (440-461), trong hai bài huấn từ, đã xác nhận lễ Chúa Thăng Thiên được cử hành ở Roma sau lễ Phục Sinh 40 ngày. Trong khi đó, cũng vào khoảng thời gian này, Đức cha Maxime, giám mục thành Turin (430-470) cử hành lễ này vào cùng ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, nghĩa là sau Phục Sinh 50 ngày. Theo ngài, Sách Tông Đồ Công Vụ tường thuật biến cố lên trời của Chúa Giêsu xảy ra vào ngày Chúa nhật, và mặt khác, Chúa lên trời không chờ đến 10 ngày sau mới gửi Chúa Thánh Thần xuống trên các tông đồ. Trong khoảng thời gian đó, nhiều nơi cũng cử hành lễ Chúa Lên Trời vào ngày thứ 50 sau lễ Phục Sinh. Việc “lên cùng Chúa Cha” của Chúa Kitô đã kết thúc thời gian vui mừng của mùa Phục Sinh. Người ta đã cho rằng thời gian 40 ngày của Sách Tông Đồ Công Vụ đã cũng như gợi lại con số biểu tượng 40 ngày trong Thánh Kinh: 40 ngày Lụt Đại Hồng Thuỷ, 40 ngày ăn chay của Chúa Giêsu trong hoang địa.
Vào thời Trung Cổ, ở Roma, lễ Thăng Thiên kèm theo hai cuộc rước: Buổi sáng, đoàn rước Đức giáo hoàng cách trọng thể từ Đền Thờ Thánh Phê-rô đến Vương Cung Thánh Đường Latran để cử hành thánh lễ. Vào cuối buổi sáng đó, đoàn rước thứ hai khởi từ Vương Cung Thánh Đường Latran để đi đến một đền thánh toạ lạc ngoài thành. Ở đây, người ta đọc bản văn trích từ Sách Tông Đồ Công Vụ, hát thánh vịnh và kết thúc bằng lời nguyện. Cuộc rước thứ hai này trở thành nghi lễ được phổ biến khắp Tây Phương trong khoảng thế kỷ thứ VIII và IX. “Đền thánh ngoại thành” được xem như “Bê-ta-ni” (Lc 24, 50), nơi mà Chúa Giêsu rời bỏ thế gian mà về quê trời.
Ngày nay, lễ Thăng Thiên được mừng kính trọng thể sau lễ Phục Sinh 40 ngày. Một vài nước ở Châu Âu, lễ ngày được mừng vào ngày thứ năm sau Chúa Nhật VI Phục Sinh (đúng 40 ngày). Ở Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Việt Nam thì lễ này dời lại vào Chúa Nhật (VII Phục Sinh), vừa mang ý nghĩa thần học: Mầu nhiệm được cử hành vào ngày Chúa Nhật, vừa mang ý nghĩa mục vụ, phù hợp cho giáo dân tham dự.
3. Ý nghĩa thần học
Chúa Kitô lên trời, nhưng trời ở đâu?
Theo Tin Mừng Gioan vào những ngày cuối cùng ở với các môn đệ, Chúa Giêsu đã tiên báo với các ông: “Thầy đến cùng Chúa Cha”. Lời này được lập lại 7 lần trong khung cảnh tiệc ly (x.Ga 14, 12.28; 16, 5.10.28; 17, 11.13), đến nỗi trong số các môn đệ tự hỏi lời nói đó có ý nghĩa gì (Ga 16, 17). Đối với Chúa Giêsu, Người không đi đến một nơi nào khác, nhưng Người đến với một người, đó chính là Chúa Cha. Chúa Giêsu coi cuộc sống ở trần gian và những hoạt động của mình như một hành trình đi đến với Chúa Cha, như một cuộc về trời với Chúa Cha.
Lời tiên báo này mang một sắc thái kiên quyết và như sắp xảy ra vào sáng ngày phục sinh. Khi hiện ra với Maria Madalena, Chúa Phục Sinh nói với cô: “”Đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em (Ga 20, 17). Như thế, Gioan không kể về việc “lên cùng Chúa Cha” như một “nơi chốn”, Người không đến một nơi chốn (trời), nhưng đến với một người, đó chính là “Cha của Người và cũng là Chúa của anh em”. Xét theo phương diện ngữ pháp, sự “thăng thiên” này dường như xảy ra ngay lập tức, vì Chúa Giêsu nói ở “thì hiện tại” chứ không phải “thì tương lai”. Sau cùng, trong lời nói này mang một ý nghĩa hết sức mới mẻ vì không phải chỉ một mình Chúa Giêsu “lên cùng Cha”, nhưng có cả các môn đệ nữa: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”.
Các lời nguyện và Kinh Tiền Tụng của lễ Thăng Thiên cũng chứa đựng ý nghĩa này: “Người lên trời không phải để lìa xa chúng con là những kẻ yếu đuối, nhưng vì là đầu và là Thủ Lãnh, nên Người đã đi trước, để chúng con là những chi thể của Người vững một niềm tin tưởng cũng sẽ được lên theo”, hoặc “để chúng con được tham dự vào thần tính của Người. Như vậy, sự Thăng Thiên của Con Một Chúa trở thành hay ít là đã khởi đầu cho cuộc thăng thiên của Hội Thánh.
Lời tường thuật của Tin Mừng Marco “Chúa Giêsu được rước lên trời và ngự bên hữu Đức Chúa Cha” (16, 19) được khẳng định lại trong Kinh Tin Kính và với vài bản văn phụng vụ. Như vậy, khi mô tả biến cố Chúa lên trời vinh hiển, tác giả Tin Mừng đã dùng một hình ảnh động vàtĩnh. Chúa Kitô, trong bản tính Thiên Chúa và con người, kể từ đây “lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha Cha phép tắc vô cùng” (Kinh Tin Kính các Tông Đồ). Trong sự hiểu biết hạn hẹp về thiên giới, con người đã sử dụng ngôn ngữ trần thế để nói về cảnh vực thần linh. Chẳng hạn, khi nói về việc Chúa lên trời và ngự trên ngai (biểu tượng của quyền lực). Với sự suy diễn và tưởng tượng, người ta nghĩ rằng Chúa Kitô sau khi phục sinh vinh hiển thì phần thưởng và vinh dự lớn nhất dành cho Người đó là ngồi bên hữu của Chúa Cha. Trạng thái “ngồi trên ngai” như một phần thưởng thật lớn lao cho người chiến thắng. Chẳng hạn, trong Tin Mừng Mathieu, Chúa Kitô hứa với các môn đệ rằng họ sẽ ngự trên 12 toà mà xét xử 12 chi tộc Israel (x. Mt 19, 29), hoặc, khi mô tả về Cuộc Phán Xét chung thẩm, Mathieu viết: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người”(25, 31). Như vậy, hình ảnh “lên” và “ngự” này cũng chỉ có giá trị tương đối theo cách diễn tả của ngôn ngữ mà thôi.
Như vậy, đừng cất công tìm kiếm để hiểu về thời gian chính xác của biến cố Thăng Thiên, hay tìm lời giải thích về nơi chốn, địa danh nhằm thoải mãn sự tưởng tượng. Vì, Chúa Kitô Phục Sinh đã trở về với Chúa Cha, chia sẻ vinh quang của Người theo cách thức mầu nhiệm. Riêng “những chi thể của Người sẽ nắm chắc phần hy vọng sẽ cùng Người hưởng phúc vinh quang” (Lời nguyện nhập lễ Thăng Thiên).